Người Bình Xuyên

Bảy Viễn Âm Mưu Chống Nguyễn Bình Hai Vĩnh Về Khu Trình Nội Vụ


Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Bảy Viễn Âm Mưu Chống Nguyễn Bình Hai Vĩnh Về Khu Trình Nội Vụ


Biết Năm Hà đã được Nguyễn Bình công nhận là người thay Ba Dương nắm Bình Xuyên, Bảy Viễn vẫn không bỏ mộng tiếm quyền từ lâu hằng mơ ước.
Để chuẩn bị cho kế hoạch thay thế Ba Dương, Bảy Viễn gửi thư mời các chi đội trưởng Bình Xuyên về hội nghị bầu ban chỉ huy thống nhất, Bảy Viễn cũng đề nghị chia vùng đóng quân: Hai Vĩnh ở Phước Thọ, Trương Văn Giàu ở cầu Lò Rèn, Phước Long; Bảy Viễn ở Phước An.
Bảy Viễn tin tưởng sẽ được bộ hạ bầu mình làm tham mưu trưởng Liên khu Bình Xuyên. Nhưng Bảy Viễn không biết đa số Bình Xuyên xem hắn là kẻ tiếm quyền. Hai Vĩnh một mặt đề nghị chỉ có cấp đại đội trở lên mới được dự hội nghị, mặt khác vạch rõ cho anh em thấy Bảy Viễn không có công trận gì trong bộ đội Bình Xuyên mà chỉ liên kết với các tay cờ bạc như Lâm Ngọc Đường, Mô-rit Thiên, chuyên môn chứa bạc lấy xâu.
Hội nghị bầu ban chỉ huy thống nhất lực lượng Bình Xuyên thất bại, Bảy Viễn kéo bộ đội về Eo Ông, còn Hai Vĩnh trở về Phú Mỹ. Pháp tấn công, Bảy Viễn rút ra Tắt Cây Mắm, Năm Hà vô Rạch Su. Vùng Hai Vĩnh đóng trở nên quan trọng vì là điểm tập kết của quân Nhật trên đường xuống tàu về nước. Hai Vĩnh tức tốc địch vận bọn sĩ quan Nhật để lại súng ống, thuốc men cho bộ đội Việt Nam đánh Pháp thay vì đem về nước. Nhờ khéo tuyên truyền, Hai Vĩnh lấy được ba xe bò thuốc men, riêng thuốc ký-ninh bộ đội dư dùng, cấp cho dân chúng lân cận. Nhật giấu 15 máy bay trong rừng Phú Mỹ, Hai Vĩnh cho thợ vô tháo gỡ lấy nhôm và máy móc phụ tùng, tha hồ sản xuất súng đạn.
Pháp quyết tâm chiếm lại con đường 15 để dân Sài Gòn có thể đi Vũng Tàu vào cuối tuần. Chúng nhằm vào mục đích tuyên truyền với những chánh khách từ Pháp qua, cho rằng cuộc sống đã trở lại bình thường. Cố nhiên mục đích quân sự vẫn là nhắm dồn bộ đội Bình Xuyên xuống Rừng Sác. Hai Vĩnh tạm thời rút quân qua chiến khu Hắc Dịch để thỉnh thoảng đánh giao thông chiến trên đường 15, tiêu hao sinh lực địch. Điểm phục kích thuận tiện nhất là xã Phước Hòa. Bà con vùng này rất tốt, một chủ nhà dám giấu Hai Vĩnh trong buồn khi Hai Vĩnh đi nghiên cứu chiến trường bất ngờ bị đoàn xe nổi đồng lên. Dân chúng các xã quanh đó cũng nuôi vài anh bộ đội bị sốt rét rừng vì vùng suối Cây Chanh trong chiến khu Hắc Dịch rất độc; ngủ trưa thế nào cũng ớn lạnh, xây xẩm mặt mày.
Vào tháng 10-1946, đoàn thanh tra Quân khu 7 xuống, Phan Đình Công quyết định nâng Trung đội số 2 của Mai Văn Vĩnh lên Đại đội số 2. Cũng trong thời gian này, đồng chí Hai Của, Chủ tịch quận Nhà Bè đến Hắc Dịch tìm Hai Vĩnh than thở về nạn Bình Xuyên thu thuế bừa bãi khiến thương nhân rất khổ sở, Ty Thuế vụ Nhà Bè không nỡ thu thuế họ nữa, thành thử bộ đội Nhà Bè không hoạt động được vì không tiền nuôi quân. Hai Của đề nghị Hai Vĩnh đưa Trung đội số 2 về Nhà Bè hoạt động. Nặng tình quê hương, Hai Vĩnh để hai phần ba lực lượng ở lại Bà Rịa còn một phần ba về hoạt động vùng Nhà Bè. Đơn vị này đóng ở An Thới Đông, Tắt Từ Miêu, ngang Tiều.
Vấn đề thu thuế là một bất hòa giữa bộ đội Bảy Viễn và Trung đội số 2 của Hai Vĩnh. Từ lâu, Bảy Viễn sống khỏe nhờ thu thuế các ghe thương hồ trên các ngả đường về Sài Gòn- Chợ Lớn. Bộ phận thuế vụ Bảy Viễn giao trọn cho Sáu Tuấn. Sáu Tuấn là con Hội đồng Thì mà trước kia Bảy Viễn đã tá túc khi bị mật thám truy nã. Sáu Tuấn đang chuẩn bị thi tú tài thì gặp Cách mạng Tháng Tám. Chưa biết đi theo bộ đội nào cha khuyên “nên theo thầy Tư Vincent là người ba quen thân”. Thế mà Sáu Tuấn trở thành người thân tín của Bảy Viễn và do đó giữ trọn quỹ “nuôi quân” của Bình Xuyên.
Hai Vĩnh gặp Sáu Tuấn, trình bày về nạn vô chính phủ trong vấn đề thu thuế và cần có sự thống nhất có lợi cho giới thương hồ mà cũng có lợi cho các cơ quan cần có thuế để nuôi quân. Sáu Tuấn là thanh niên có học thức nên sẵn sàng nghe điều phải. Anh nhận thấy các nhân viên thu thuế của mình đôi khi quá quyền hạn. Nhờ vậy mà việc thu thuế không giẫm chân nhau. Huyện Nhà Bè không còn “thất thu” nữa. Chủ tịch Hai Của thấy Hai Vĩnh giúp huyện đắc lực như vậy, liền bàn với Phó Chủ tịch Quới nên kết nạp Hai Vĩnh vào Đảng. Cả hai hỏi ý kiến Bảy Trân và được Bảy Trân đồng ý. Nhưng chuyện bất ngờ xảy ra: Chính Hai Vĩnh xin hoãn lại ngày kết nạp vì anh tự thấy chưa xứng đáng. Anh chưa khắc phục được khuyết điểm tự do cá nhân, sợ vào Đảng sẽ phạm tội vô kỷ luật.
Đầu năm 1947, quân khu chánh thức quyết định nâng Đại đội số 2 của Hai Vĩnh lên thành Chi đội 7. Trước đây, Chi đội 7 là chi đội của nhóm Cao Đài Tây Ninh do Thảo chỉ huy. Chi đội này có hành động vô chính phủ và bị giải thể. Hai Vĩnh được bổ nhiệm chi đội trưởng. Chi đội không có chính trị viên vì Nguyễn Xuân Thanh (trước đây do Bảy Trân giới thiệu với ông Tám Mạnh và Hai Vĩnh) đã bỏ về khu sau khi bất hòa với Hai Vĩnh. Nguyên nhân sâu xa là hầu hết các chỉ huy Bình Xuyên không muốn chia quyền với kẻ xa lạ không chuyên về đánh giặc mà chỉ giỏi về lý thuyết chính trị. Các chính trị viên trong Chi đội 9 của Bảy Viễn đều lần lượt biến mất. Nguyễn Văn Tư tự Tư Ca-rê đã bị Tây xử bắn tại Trường đua Phú Thọ đúng vào ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên- ngày 6-1-1946. Sau đó là Nguyễn Văn Hườn cũng biến mất. Chi đội 9 không có chính trị viên. Đó là một trong hai điều cấm kỵ trong bộ đội Bảy Viễn: “Không có dân Bắc kỳ và không có chính trị viên trong bộ đội của tao”. Tám Tâm đã báo cáo về cấp trên, cho biết ảnh hưởng đầu tiên của hai anh em Lại Văn Sang và Lại Hữu Tài trong Chi đội 9 và lời tuyên bố “xanh dờn” của Bảy Viễn.
Hai Vĩnh hợp đồng với Bảy Viễn đánh ba trận để gây uy thế cho Bình Xuyên vào ngày 1-5-1946. Một trận tại Bà Rịa, hai trận tại Nhà Bè, Hai Vĩnh giao cho Thanh chỉ huy trận đánh ở Bà Rịa, khoảng núi Ông Trịnh. Còn anh thì chỉ huy hai trận ở Nhà Bè. Chi đội 7 quyết tâm đánh một trận cho Bảy Viễn “nể mặt”. Nhưng trận đánh ở Bà Rịa không đạt kết quả như ý. Hai Vĩnh kiểm điểm Thanh. Tranh luận chưa ngã ngũ thì Hai Vĩnh được thư Bảy Viễn mời hội nghị. Hai Vĩnh bảo Thanh ở nhà “chờ anh về sẽ hay”. Thanh thấy không thể làm việc với Hai Vĩnh ở Chi đội 7, bỏ về khu. Từ đó Chi đội 7 không có chính trị viên.
° ° °

Hai Vĩnh được thư Bảy Viễn mời họp tại Ba Giồng. Nội dung: nghe Mười Trí báo cáo về cuộc họp các giáo phái do Hộ pháp Phạm Công Tắc triệu tập tại Tòa thánh Tây Ninh.
Hai Vĩnh và Tám Mạnh tới Ba Giồng. Tại đây có đủ mặt các chi đội trưởng và phó. Hội trường được trang hoàng rực rỡ, có cả cờ Đảng. Bảy Viễn bắt đầu hội nghị bằng một phút mặc niệm Dương Văn Dương. Kế Bảy Viễn trịnh trọng mời Mười Trí báo cáo trước đại hội về cuộc họp giáo phái tại Tòa thánh Tây Ninh do Hộ pháp Phạm Công Tắc triệu tập.
Mười Trí báo cáo gần một tiếng đồng hồ về cuộc họp ở Tây Ninh. Hai Vĩnh nghe một cách lơ là, nhưng anh đặc biệt chú ý một chi tiết; Mười Trí suýt bị Việt minh bắt trên đường từ căn cứ Chi đội 4 ở Đức Hòa đến Tây Ninh. Bận về cũng bị truy kích.
Bảy Viễn nói tiếp khi Mười Trí báo cáo xong:
– Như vậy ta thấy rõ là Nguyễn Bình và Chánh ủy Khu 7 là Hai Trí muốn tiêu diệt giáo phái, mà trước tiên là Cao Đài, rồi tới Hòa Hảo, Bình Xuyên. Chúng ta là những người bạn chiến đấu của anh Ba Dương. Chúng ta cương quyết phất cao ngọn cờ Bình Xuyên do Ba Dương để lại. Chúng ta không để ột đảng phái nào bức hiếp.
Ông Tám Mạnh và Hai Vĩnh toát mồ hôi ướt áo. Hai Vĩnh làm hiệu cho ông già vợ bình tĩnh. Riêng anh thì suy nghĩ về những điều nghe thấy. Anh thấy có nhiều điều vô lý. Phạm Công Trắc trước đây đã bị Pháp đưa đi đày tại Madagascar vì lúc đó Cao Đài ra mặt thân Nhật. Bây giờ Pháp lại đưa Phạm Công Tắc về với ý đồ gì? Phải chăng Pháp muốn nắm Cao Đài theo Pháp chống Việt minh? Vấn đề vô lý thứ hai là Mười Trí lấy tư cách gì đi dự hội nghị này?
Ai cử Mười Trí đi?
– Những cái vô lý đó Hai Vĩnh thấy nhưng không biết phải giải quyết như thế nào. Anh đành dụng kế “dục hoãn cầu mưu”:
– Đây là chúng ta nghe một tiếng chuông của anh Mười Trí mà thôi. Không phải chúng ta không tin anh Mười. Nhưng vì đây là chuyện sống chết của Bình Xuyên nên tôi đề nghị chúng ta phải thận trọng. Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, tôi tình nguyện lên quân khu chất vấn các anh Nguyễn Bình và Hai Trí.
Bảy Viễn cắt ngang:
– Không được! Đi lên trên đó chẳng khác gì anh tự ký bản án tử hình!
– Dù có chết tôi cũng cam tâm! Tôi phải đến tận nơi để gạn đục khơi trong. Bình Xuyên chúng ta có rất nhiều công trạng trong công cuộc kháng Pháp, lẽ nào người ta lại tính chuyện đó? Xin hội nghị quyết định xem tôi có nên đi quân khu hay không?

Với sự vận động của ông Tám Mạnh, đa số bỏ thăm tán thành. Với hai phần ba phiếu ủng hộ, chuyến đi quân khu của Hai Vĩnh được đại hội thông qua. Bảy Viễn tỏ ý lo ngại:
– Ta phải ột đại đội chủ lực theo hộ tống anh Hai Vĩnh, mỗi chi đội phải rút hai tiểu đội cứng để thành lập ngay.
Hai Vĩnh khéo léo từ chối:
° ° °
– Đường từ đây lên quân khu rất xa xôi cách trở, phải băng qua sông qua lộ. Nếu đi rầm rộ như vậy, địch hay chặn đánh, biết bao giờ mới tới? Tôi muốn đi một mình dễ xoay trở.
– Đâu được! Rừng nào cọp nấy. Hai Vĩnh là hùm xám của Bình Xuyên, nhưng về quân khu mà không có lực lượng thì nói ai nghe?
Cực chẳng đã, Hai Vĩnh phải nhận một đại đội “cứng” gồm 14 tiểu đội với 14 trung liên Brenn. Việc bầu ban chỉ huy cũng khó bởi 7 chi đội đưa 7 đại đội trưởng thuộc hạng cừ.
Cũng trong đại hội này, Bảy Viễn trở lại vấn đề bầu ban chỉ huy thống nhất bộ đội Bình Xuyên lúc bấy giờ lấy tên Liên khu Bình Xuyên. Đã được cha con Tám Mạnh vận động, các chi đội trưởng và phó bầu Năm Hà tư lệnh liên khu, Sáu Đối, phó tư lệnh và Nguyễn Đức Huy chánh ủy. Đây là một cuộc bầu quan trọng, Bảy Viễn không nắm được liên khu như dự tính, nhưng hắn đã đưa Sáu Đối vô nắm phó tư lệnh. Sáu Đối là “em út” của Bảy Viễn, vốn là dân anh chị ở Khánh Hội. Nhưng nhân vật nắm chức chánh ủy là người hoàn toàn mới đối với Hai Vĩnh; Nguyễn Đức Huy lấy tên Hai Đại vì người to lớn, khoảng trên thước bảy, ký tên chữ “Đại” như người ta viết chữ nho, tức một gạch ngang và một chữ nhân. Đặc điểm của Hai Đại là bộ râu mép rất dày, tỉa xén cẩn thận, do đó có thêm biệt hiệu “ông già râu kẽm”. Hai Vĩnh không nắm được lai lịch của Hai Đại, chỉ nghe nói “đây là người thân tín của chính ủy khu 7- tức Hai Trí- đưa tới để nắm Bình Xuyên”. Không biết lai lịch, Hai Vĩnh và các đồng chí căn cứ vào hành động mà đánh giá chánh ủy của mình. Với tướng mạo và nhất là với bộ râu, cộng thêm chức chánh ủy, Hai Đại đã có một vài sáng kiến nhằm cải thiện đời sống binh sĩ. Sáng kiến thứ nhất là các đơn vị phải tự túc, nói theo danh từ lúc đó là “tự lực cánh sinh”. Rừng Sác có nhiều cá tôm, cây củi, chỉ cần quyết tâm là có ăn. Riêng anh em ở văn phòng phải trồng rau muống, rau dền, cải xanh, bầu bí để có chất tươi rất cần cho cuộc sống trong rừng. Chính Hai Đại nêu gương lao động buổi sáng ọi người. Ông thức dậy sớm, tập thể dục chừng chục phút rồi cuốc đất lên lếp trồng rau muống. Ông có kinh nghiệm, trồng rau cải phân tán để máy bay trinh sát địch không phát hiện mà bỏ bom hoặc nhảy dù xuống “chụp” cơ quan. Sáng kiến thứ hai của Hai Đại là quyết tâm trị cho được chứng ghẻ lở của binh sĩ. Ông nhờ đồng bào trong khu chở than củi tự túc ra thành bán rồi mua vải xiêm và xà bông cho anh em tắm giặt. Đã là binh sĩ Bình Xuyên, không ai quên được cảnh ghẻ lở xuống sông tắm nước mặn, rát không chịu nổi, lại thêm nạn cá chốt theo rỉa các mụn ghẻ, đau thấu xương.
Nhờ hai sáng kiến trên mà Hai Đại tức “ông già râu kẽm” rất có uy tín, không những với binh sĩ Bình Xuyên mà còn với các đơn vị khác đóng trong vùng.
° ° °
Từ ngày theo Chi đội 7 về núi Nứa, cô Tư Xóm Cỏ vẫn tiếp tục làm nội trợ trông nom nhà cửa, chồng con. Trước ngày Hai Vĩnh đi Đồng Tháp Mười, cô Tư thấy nét ưu tư của chồng:
– Có việc gì mà coi anh lo nghĩ quá vậy?

Hai Vĩnh:
– Pháp đang cố kéo giáo phái chống kháng chiến. Pháp cũng đang cố nắm lấy Bảy Viễn để kéo Bình Xuyên. Anh phải gặp Khu trưởng Nguyễn Bình để tường trình mọiviệc.
Cô Tư lo lắng:
– Chừng nào anh đi?
– Ngày mai.
– Em có thể giúp anh được gì không?
Hai Vĩnh cảm động ôm vai vợ:
– Chuyện quân sự, em biết gì mà giúp… Nhưng em có thể giúp anh về việc này…
Cô Tư hăm hở:
– Việc gì đó anh?
– Trong chi đội mình có nạn ghẻ lở đang lan rộng, coi bộ các cô y tá không trị nổi…
Cô Tư thở dài:
– Em cũng thấy như vậy. Các cô y tá có cho em biết là các cô rất ngại đến các tiểu đội.
– Tại sao?

– Anh không biết à? Tại vì các anh chiến sĩ của mình chỉ có bộ đồ dính da. Khi tắm giặt thì…
Hai Vĩnh chợt hiểu:
– Vải xi-ta xấu quá, đã mau mục mà lại dễ chứa rận… Mình cố kiếm vải Xiêm may quần áo cho anh em. Nhưng trước mắt phải làm sao trị cho dứt chứng ghẻ lở. Em có cách nào không?
Cô Tư suy nghĩ một lúc:
– Các cô y tá phần lớn là nữ sinh hay mắc cỡ. Nếu có chồng con rồi thì việc đó… cũng là chuyện bình thường.
Hai Vĩnh khuyến khích:
– Hay là em cùng đi với các cô y tá tới các đơn vị. Mình sẽ đánh kẻng cho anh em mặc quần cẩn thận trước khi các cô y tá đến rửa ghẻ và xức thuốc. Tính vậy được không em?
Cô Tư gật đầu:
– Anh ra thông tư trước đi. Ngày mai chị em chúng tôi bắt đầu.
° ° °
Từ đó, mỗi sáng đều có kẻng báo giờ rửa ghẻ. Anh em có đủ thì giờ xỏ quần vô để nghinh tiếp các nàng tiên y tá. Dù vậy cũng có nhiều “trục trặc kỹ thuật” vì những mụn ghẻ trớ trêu cứ chọn các nơi hiểm yếu như kẽ háng hay xương khu mà mọc.
Ban đầu các cô nữ sinh còn ngại ngùng, nhưng với sự động viên của cô Tư, dần dần họ bạo dạn. Có cô tinh nghịch bảo: “Của mấy ông thì mấy ông giữ, còn công việc của chị em tôi thì chị em tôi làm”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.