Người Bình Xuyên

Theo Mười Nhỏ Bảy Rô Ray Rứt Thà Nằm Trong Khám Lớn Còn Hơn


Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Theo Mười Nhỏ Bảy Rô Ray Rứt Thà Nằm Trong Khám Lớn Còn Hơn


Hai ngày sau, lịnh truy nã Bảy Rô về đến xã Tân Quy. Đâu đâu thiên hạ cũng bàn tán xôn xao. Tại các quán nước, người ta lo ngại cho Bảy Rô không biết đang nương náu nơi đâu. Không ai ngờ Bảy Rô tá túc nơi nhà thằng Chơn, ở sát cầu Rạch Ong.
Sáng sớm thằng Chơn ngồi uống cà phê tại quán Tư Lung thấy lính làng kéo tới, biết không xong, bèn rút êm, phóng nhanh về báo tin dữ. Lập tức kế hoạch rút lui qua Hố Bần được tiến hành. Bảy Rô giả làm bà giàu đau nặng, trùm mền quấn chiếu nằm xuồng cho thằng Chơn bơi qua sông hốt thuốc. Qua tới giữa sông là kể như thoát nạn. Rạch Ong lớn là ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Gia Định và Chợ Lớn. Kẻ gian từ bên này chạy qua bên kia thì làng lính cũng đành đứng bên bờ rạch mà hút gió.
Chưa tàn điếu thuốc, xuồng đã tới Hố Bần. Bảy Rô tốc mền cuốn chiếu chuẩn bị nhảy lên bờ. Bỗng từ bụi dừa nước, một tiếng hô dõng dạc:
– Bảy Rô, đưa tay lên!
Bảy Rô chới với: “mạng ta hết rồi!”. Anh riu ríu đưa hai tay lên.
Một chuỗi cười thích thú khiến Bảy Rô giật mình, nhìn dáo dác.
– Anh Bảy không nhận ra tôi sao?
Đứng trước mặt anh là một người nhỏ con, đẹp trai, mặc “soọc” ka-ki trắng ngả màu phèn, đầu đội nón boócsalino, vai đeo khẩu súng hai nòng. Bảy Rô kêu lên:
– Mười Nhỏ, mày làm tao hết hồn!- Mười Nhỏ là em Chín Mập, bạn của Bảy Rô.
Mười Nhỏ vui vẻ nói:
– Mấy ngày nay tôi có ý chờ đón anh.
Bảy Rô ngơ ngác:
– Chờ đón tao? Mày không biết tao đâm chết thằng Tần, bị làng lính tập nã?
Mười Nhỏ cười lớn:
– Biết chớ! Bởi biết nên mới chờ đón anh để làm tiệc thết đãi. Kể từ bây giờ, anh đã trở thành một tay anh chị đáng nể. Đâu phải ai cũng đâm chết được Ba Tần, một võ sĩ từng thượng đài khắp Nam kỳ lục tỉnh?
Bảy Rô lắc đầu lia lịa:
– Danh dự đó tao không ham chút nào. Ba Tần đánh lận vét hết tiền tao, tao tính để thẹo sơ thôi, không ngờ lỡ tay… Nhưng mày định thết tiệc tao để làm gì?
– Coi, thì để kết nghĩa anh em, để rồi mình cùng “đi hát”…

– Đi hát? Thôi, cho tao xin, tao không quen cái nghề bất nhân thất đức đó đâu!
– Có gì là bất nhân thất đức? Mình lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo mà.
Nhân đức lắm chớ anh Bảy? Vô đây! Mình làm một chầu rượu đào viên kết nghĩa, rồi nhân đêm ba mươi tối trời này, ta đi ăn hàng sốt dẻo.
Tại một chòi hoang, buổi tiệc đào viên diễn ra sôi nổi, gà xé phay với rượu đế. Rượu ngà ngà, Mười Nhỏ ra lệnh:
– Chó, lôi cổ thằng Ba Đầu Hình ra đây để tao xử tội! Vừa nói, Mười Nhỏ nạp đạn vào khẩu hai nòng.
Tên em út của Mười Nhỏ lôi một gã bị trói tay tới. Bảy Rô nhận ra tên du đãng này. Hắn xâm ba con đầm trên vai nên được gọi Ba Đầu Hình. Anh hỏi:
– Ba Đầu Hình tội gì?
Mười Nhỏ trợn trừng:
– Nó dám cả gan “chẩn” của tôi năm ngàn đồng trong vụ ăn hàng ở Cần Giuộc.
Bảy Rô đứng lên khoát tay:
– Cho tao xin! Nếu vì năm ngàn mà mày bắn bỏ Ba Đầu Hình thì sau này mày cũng sẽ bắn bỏ tụi tao. Năm ngàn là đồ bỏ! Tao đi một lát còn gấp mười lần năm ngàn đó!
Mười Nhỏ ngầm nghĩ một lát:
– Tội nó đáng chết nhưng vì nể anh nên tôi tạm tha cho nó với một điều kiện…
– Điều kiện gì?
– Anh Bảy phải đi với tôi.
– Đi đâu?
– Coi, thì “đi hát” chớ đi đâu!
Bảy Rô chấp tay xá:
– Tao còn một mẹ già. Mày thương tao…

Mười Nhỏ né qua một bên:
– Tôi thương anh lắm mới mời mọc anh, chớ biết bao thằng năn nỉ xin theo mà tôi chê… Anh hãy nghĩ kỹ đi: đánh xe thổ mộ thì biết đời thuở nào mở mặt, mở mày với thiên hạ? Mà bây giờ anh có muốn trở về cái nghề đó cũng không được, làng lính đang tập nã anh. Tốt hơn là anh nên nhập bọn tụi tôi. Đói no có nhau. Mà no nhiều hơn đói.
Bảy Rô do dự:
– Tao đã lỡ nhúng tay vô máu rồi. Tao không muốn đi sâu vô. Mình phải để đức lại cho con…
Mười Nhỏ gật lia:
– Chuyện đâm chém, bắn giết đã có tôi. Anh Bảy chỉ lãnh phần “ăn hàng” thôi. – Hắn ném cây búa bửa củi xuống chân Bảy Rô- Anh chỉ làm công việc nhẹ nhàng…
– Bửa tủ sắt mà mày bảo là nhẹ nhàng!- Bảy Rô bật cười.
Mười Nhỏ biết Bảy Rô đã xiêu lòng, vui vẻ ra lệnh:
– Chó đâu? Mở trói cho Ba Đầu Hình!
Tên em út chỉ chờ có bao nhiêu đó. Mười nhỏ trừng Ba Đầu Hình:
– Tới cám ơn anh Bảy đã cứu mạng mày đi. Từ rày chừa nghe chưa!
Ba Đầu Hình xoa bóp hai cườm tay còn hằn dấu trói, tới lí nhí mấy lời với Bảy Rô.
– Ngồi xuống đây nhậu với tụi tao- Mười Nhỏ trao đôi đũa của mình cho Ba Đầu Hình, cười với Bảy Rô:
– Công thưởng, tội trừng, phải vậy không anh Bảy?
° ° °
Đêm ba mươi trời tối như mực: Khoảng chín giờ, cả bọn bắt đầu xuất quân. Tam bản hai chèo đã chuẩn bị sẵn sàng. Chơn chèo mũi. Chó chèo lái. Ba Đầu Hình ngồi trước, Bảy Rô ngồi sau.
Chính giữa là đầu đảng Mười Nhỏ, tay thủ súng hai nòng. Ba Đầu Hình cầm đèn bảy (loại đèn bấm bảy cục pin, sáng như đèn pha) và mấy cuộn dây luộc để trói tài gia.
– Nhớ đem theo cây búa nghe anh Bảy?- Thằng Chơn nhắc chừng.
Gần tới cầu Rạch Ong, ba người ngồi giữa nằm xuống, lấy chiếu đắp lên, để phòng kính gác cầu chặn lại hỏi xét. Qua khỏi cầu, tam bản cặp sát bờ, chèo thẳng ra cầu Tân Thuận. Không bao lâu đã đến chợ. Tất cả lên bờ, chỉ một mình thằng Chó ở lại coi chừng tam bản. Đã phân công trước, chuyện ai nấy làm. Xóm chợ Tân Thuận chìm trong giấc ngủ, nhà nào cũng treo đèn “hột vịt” trước hàng ba. Thằng Chơn có nhiệm vụ đập bể tất cả dàn đèn. Ba Đầu Hình đảo quanh trông chừng ngỏ ngách, Bảy Rô giả người già đến đập cửa tiệm chạp phô mua thuốc cho con đau:

– Cho mua một gói Thối nhiệt tán với một chai dầu Nhị thiên đường.
Chủ tiệm người Tiều hé cửa nhìn ra:
– Khuya rồi! Không bán! Sáng tới mua!
Bảy Rô cự nự:
– Không bán để thằng nhỏ chết sao? Mở cửa ra!
Bảy Rô đóng kịch vụng về, chủ tiệm sanh nghi toan đóng cửa, nhưng Mười Nhỏ nhanh chân nhảy tới chĩa họng súng ngay chỗ cửa hé, quát:
– Mở cửa mau. Không tao bắn chết cha!
Chủ tiệm chết điếng, nhìn họng súng trân trân. Mười Nhỏ giục:
– Mở mau! Ông cố nội mày đây chớ ai mà ngó châm bẩm vậy?
Chủ tiệm riu ríu mở cửa. Tức thì cả bọn nhào vô như nước vỡ bờ.
– Chìa khóa tủ tiền đâu?
Chủ tiệm thét lên khiến cả nhà giật mình nhốn nháo. Lập tức Ban Đầu Hình và thằng Chơn lùa tất cả vô góc, chủ tiệm chụp cây “song hồng” xốc tới làm dữ. Mười Nhỏ nổi nòng chĩa súng toan bóp cò. Bảy Rô đỡ nóng súng lên:
– Khoan! Đừng bắn! Để nó cho tao! Chừng nào tao đánh nó không ngã thì bắn cũng không muộn.
Bảy Rô nhảy tới chụp cây song hồng. Hai bên đánh tay đôi. Chủ tiệm cũng có chút võ nghệ nhưng không đánh lại Bảy Rô. Một cú đá trúng ngay ngực hất tung nạn nhân té nhào vô vách, Bảy Rô bước tới móc xâu chìa khóa trong túi tài gia. Chỉ trong nháy mắt, tất cả tiền bạc trong tủ sắt chạy vào túi áo Bảy Rô.
– Buồm!- Mười Nhỏ ra lệnh. Tất cả rút êm ra bờ sông. Trên đường về hắn gật gù khoái chí:
– Anh Bảy làm ăn coi được quá! Hồi nãy anh không can, tôi bắn một phát là hỏng việc lớn. Anh Bảy đúng là dân giang hồ hảo hớn.
Nhưng Bảy Rô ngồi lặng thinh. Qua những phút sôi nổi, lòng anh thấy ray rứt vô cùng. “Tự nhiên mình nhảy vô đánh người ta chết giấc, rồi vơ vét hết tiền bạc người ta. Tội này còn đáng giết hơn vụ thằng Tần đánh lận mình”. Suốt đường về, Bảy Rô chỉ lo tên Tiều tỉnh lại, thấy sự nghiệp mồ hôi nước mắt mình bị vơ vét sạch sẽ phẫu uất mà chết luôn.
° ° °
Đêm sau, Mười Nhỏ quyết định đánh lớn. Mục tiêu là một dọc ghe thương hồ đậu gần cầu Rạch Bàng. Vẫn bổn cũ soạn lại, nhưng lần này cả bọn vững bụng hơn nhờ có “Lỗ Đạt” mới nhập bọn. Cái biệt hiệu Lỗ Đạt này, chính Bảy Rô tự gán ình. Sau chuyến ăn hàng tiệm chạp phô người Tiều, Bảy Rô thường lắc đầu thở dài: “Đọc Thủy Hử mình thương Lỗ Đạt lỡ giết chủ tiệm phải bỏ trốn, không ngờ định mạng lại run rủi đến Lương Sơn Bạc. Bây giờ đây, mình cũng chính là một Lỗ Đạt đời nay”… Ba Đầu Hình tình cờ nghe được, cứ gọi Bảy Rô là “Lỗ Đạt”.
Chiếc ghe thứ nhất là ghe bầu chở nước mắm Phan Thiết. Vừa thấy tam bả chở đầy mặt rằn võ trang súng ống, trên ghe la làng chói lói “ăn cướp, bớ người ta!”. Đám thanh niên trên ghe lập tức ném đá cục như mưa xuống tam bản. Mười Nhỏ bị trúng đá đổ quạu, nổ một phát súng vào ghe bầu. Cả bọn chống sào nhảy lên ghe, đụng ai đánh nấy, bạn chủ gì cũng bị đá văng xuống sông ráo. Chừng làm chủ tình hình thì trên ghe trống trơn. Bây giờ mới biết mình ngu, chủ ghe trốn mất rồi, lấy ai mà giật “hầu bao”?
Đánh chiếc ghe thứ hai. Chủ ghe đi chơi, chỉ còn bạn đang lật nóp ngủ trên mui. Một ông già chậm chạp chui ra. Thằng Chó hăng tiết đá một cú khiến ông lăn quay kêu trời như bọng. Bảy Rô bất bình đạp thằng Chó té văng xuống sông.

Nó cà hụp cà hụp đeo be ghe leo lên:
– Sao nhè tôi mà đá hả anh Bảy? Không biết lội thì tôi chết rồi!
Bảy Rô lạnh lùng:
– Chết bỏ! Những thằng tàn nhẫn như mày chết là vừa!
Đánh chiếc thứ ba. Đây là ghe hột vịt. Vừa thấy Bảy Rô nhảy lên ghe, ông chủ run rẩy như đớ lưỡi: “ông- cướp”. Chưa đợi tra khảo, ông ta dâng trọn cọc tiền mới vừa bán ghe hột vịt cho chủ vựa. Bảy Rô chớp tiền nhảy xuống tam bản. Đi chưa được mấy sào thì nghe ông chủ ghe kêu gào thảm thiết. Mười Nhỏ hét:
– Quay trở lại! Tao giết thằng cha già này mới được! Nó dám cả gan chửi mắng ông cố nội thì nó phải chết!
Bảy Rô bước nhanh tới trước mũi tam bản:
– Để tao trị thằng già này cho!- Anh chống sào nhảy lên ghe, ngắt đôi cọc tiền vừa cướp được, dúi một nửa vào ngực ông già đồng thời dậm chân lên ván ghe đánh “rầm” một tiếng, hét to lên:
– Giỏi la hả? Đánh ày chết để mày hết la?
Xong anh nhảy xuống tam bản giục thằng Chơn chèo đi. Trên đường về, anh thấy vui vui trong lòng. Đâu đó, trong sâu thẳm hồi ức, anh nghe vang vọng lời dạy của ông già anh, lúc còn sống. “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Anh tính sẽ không nhận tiền chia phần trong hai vụ ăn hàng và sẽ nói thật khéo để Mười Nhỏ vui lòng cho anh giải nghệ. Nhưng định mệnh đã an bài mọi việc.
° ° °
Sáng hôm sau, khi đang chia tiền trong nhà thằng Chơn, bỗng thằng Chó chạy vụt vào báo động: “Lính tới!”.
Thế là mạnh ai nấy chạy. Ba Đầu Hình, Chơn, Chó tông ngã sau phóng xuống sông lội sang bên kia bờ Chánh Hưng. Mười Nhỏ nhét bạc vô túi, xách khẩu hai nòng toan chạy, nhưng không kịp. Cửa trước cửa sau đều có lính:
– Mười Nhỏ! Bỏ súng xuống!
Chưa dứt lời, súng đã nổ. Mười Nhỏ bắn gục tên lính vừa ra lệnh. Tức thì súng nổ như mưa. Mười Nhỏ bị thương đổ máu nhưng vẫn xách súng chạy xuống mé sông. Cả bọn đuổi theo, la hét vang rền, náo động cả vùng.
Bảy Rô vẫn ngồi bất động. Anh rất tỉnh: “Mình đang muốn giải nghệ. Đây là dịp may. Ngồi tù Khám Lớn có lẽ hay hơn đi ăn cướp”. Và anh ngoan ngoãn đưa hai tay lên cho lính còng.
Vài giờ sau, khi bị áp giải về nhà làng Tân Quy, Bảy Rô được biết Mười Nhỏ may mắn chạy thoát. Hai anh em Chơn, Chó cũng bình yên vô sự, có lẽ giờ này đang cùng chánh đảng về tới Hố Bần. Riêng Ba Đầu Hình thì bị tóm trong khi đang lặn ngụp trên sông Rạch Ong. Hắn cũng được đưa về nhà làng Tân Quy để sau đó lên xe cây về Khám Lớn cho có bạn với Lỗ Đạt đời nay.
Thế là cuộc phiêu lưu của Bảy Rô tạm thời chấm dứt tại một tòa nhà có vòng rào kiên cố và rộng gấp mười biệt thự của vua cờ bạc Sáu Ngọ. Tòa nhà nổi tiếng này tọa lạc tại số 69 đường Lagrandière (La-răn-de) thường được gọi là Khám Lớn. Nó nằm giữa trung tâm thành phố Sài Gòn hoa lệ, sát bên pháp đình, nhà hình và dinh thống đốc Nam kỳ.
Bước chân vào ngôi nhà mới, Bảy Rô nhớ Hai Vĩnh hơn lúc nào hết. Nhớ bữa tiệc tại Nghi Xuân Lầu, nhớ lời khuyên rút từ bài học thuộc lòng sách Quốc văn giáo khoa thư. Anh lẩm bẩm ngâm:
” Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn…”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.