Người Bình Xuyên

Vô Khám Lớn Bảy Rô Lột Xác Bỏ Kiếp Giang Hồ Theo Cách Mạng


Bạn đang đọc Người Bình Xuyên: Vô Khám Lớn Bảy Rô Lột Xác Bỏ Kiếp Giang Hồ Theo Cách Mạng


Tổng giám thị A-gốt-ti-ni bị Sa-va-ni và Ếch-teo “xát xà bông hối hả trở về hòn đảo ngục tù của lão giữa Sài Gòn hoa lệ điều tra xem hư thực thế nào. Từ lâu lão chủ ngục này đã thấm mệt vì khí hậu nhiệt đới. Vào mùa hè, từ trưa đến chiều, hắn cởi hết nút áo, bạch ngực mà vẫn không chịu nổi cái nóng nung người. Bao nhiêu công việc hắn đều khoán trắng cho thầy chú. Hắn chỉ lo dưỡng già với cảnh tối sâm-banh, sáng sữa bò và cà phê đá buổi trưa. Hôm nay hắn nhất định mở cuộc điều tra để xem Sa-va-ni nói có đúng không. Riêng hắn thì không đời nào tin Cộng sản và ăn cướp bắt tay nhau được.
Hôm ấy nhằm ngày thăm nuôi. Hắn đảo một vòng. Các khám nhộn nhịp hơn ngày thường. Tại cổng lớn, mấy chục người xếp hàng chờ đợi được đưa giỏ xách đồ ăn vào trong cho thân nhân trong các khám, đám tù nhân nôn nao chờ gọi tên để ra phòng ngoài nhận quà và trao đổi vài câu vắn tắt với cha mẹ hay vợ con. A-gốt-ti-ni vẫn chưa thấy có gì đáng báo động như Sa-va-ni lên tiếng hôm qua. Lão chịu khó đi sâu thêm một chút nữa. Đi sát một “xan” (salle), lão thấy một chiếc chiếu được trải gần cửa, một người lom khom sắp xếp các thức ăn mà các tù nhân đi lãnh về giao cho anh ta. Người này là “cặp-rằng”. Hắn xếp đồ ăn làm hai loại, loại ăn liền và loại có thể để dành hai ba ngày sau không thiu thối. Đến giờ cơm, các món tiếp tế ấy được chia đều, không phân biệt người được gia đình thăm nuôi với những kẻ “sinh vô gia cư, tử vô địa táng”.
– A, chuyện mới, chuyện lạ đây! – A-gốt-ti-ni khẽ kêu lên- Trước đây làm gì có chuyện này! Của ai nấy ăn, hồn ai nấy giữ! Những người được tiếp tế giữ khít rim cái giỏ xách không thích ai dòm ngó, soi bói; hạ lạnh lùng ăn lén ăn lút, mặc kệ các kẻ đồng cảnh đồng thuyền có được thăm nuôi hay không.
– Ê, cặp-rằng! Tên gì?
– Dạ, Bảy Rô, Nguyễn Văn Rô.
– Ba giờ chiều nay lên phòng tổng giám thị- Lão A-gốt-ti-ni cẩn thận ra lệnh thầy chú đưa Bảy Rô lên phòng lão vào giờ nói trên.
Có nhiên là Bảy Rô lo lắng, ăn không thấy ngon, ngủ cũng chẳng yên. Chỉ mong đến 3 giờ theo thầy chú lên gặp chúa ngục. Trong khi chờ đợi, anh quay lại khúc phim cuộc phiêu lưu của mình vào “đại học Khám Lớn”. Anh học được rất nhiều từ khi bước chân vào tòa biệt thự mang số 69 La-răn-đie. Nhà ngang, dãy dọc, nhà trệt, lầu một, lầu hai. Tầng dưới nhốt thường phạm, tầng trên nhốt tù chính trị. Lúc mới vô, Bảy Rô đinh ninh mình ở tầng trệt, nhưng không ngờ được dẫn tuốt lên lầu hai, ở một phòng mang cái tên rất lạ là “ca-ba-nông” (cabanon).
Đây là phòng giam mấy cha “pô-li-tic”. Bảy Rô nằng nặc đòi đổi khám giam vì anh là ăn cướp can án giết Ba Tần. Bảy Rô kêu nài mãi, thầy chú phải xem lại hồ sơ. Đúng Bảy Rô là ăn cướp, có giết người, nhưng lại ở trong nhóm Mười Nhỏ, mà Mười Nhỏ bị liệt vào loại phá rối trị an. Hồ sơ Bảy Rô gắn liền với hồ sơ Mười Nhỏ mà lai lịch như sau “Mười Nhỏ giật một súng đi săn calip 16 và một súng 6,35 của thằng Tây chủ sở cao su ở Phước Lý, chuyên đánh các tay hội tề có máu mặt, lấy của người giàu giúp cho người nghèo. Một trong những nạn nhân của Mười Nhỏ là hương quản Trong, xã Bình Đăng. Hương quảng Trong qua Chánh Hưng bắt ăn cướp, bị Mười Nhỏ hạ sát”. Chừng đó Bảy Rô mới yên tâm ngồi ca-ba-nông, không còn thấp thỏm sợ “lộn nhà”. Vì tính hay khiếu nại đó mà anh bị thầy chú ghét, tên Pôn (Paul) Hiền kiếm chuyện đánh Bảy Rô ba chục “ma-trắc”. Nhưng “cái nết đánh chết không chừa”. Vài ngày sau, Bảy Rô kêu gọi anh em đấu tranh đòi đủ cơm ăn và nhất là bỏ nạn cho tù ăn bằng miểng dừa” (sọ dừa khô cưa đôi làm chén đựng cơm). Để trị tội xúi giục đấu tranh, thầy chú giam chung Bảy Rô với đám tù mắc bệnh cùi. Tại đây, cặp-rằng cùi chia cơm, cố tình cho Bảy Rô ăn đói trong 3 ngày liền. Đến ngày thứ ba, Bảy Rô phản đối. Tên cặp rằng chửi thề “Đ.mẹ, không ăn thì thôi. Cho mày chết đói”. Không đợi hắn dứt lời, Bảy Rô chụp thùng cơm đánh hắn té nhào. Tức thì 9 tên khác nhào tới cứu bồ. Một mình Bảy Rô tả xung hữu đột, đánh túi bụi xà ngầu, hạ hết chín tên.
Thầy chú trả lại anh về ca-ba-nông I. Tại đây Bảy Rô làm quen với anh em Thắng và Châu, sinh viên từ miền Trung vào Sài Gòn, bị bắt về tội hoạt động chính trị trong giới học sinh. Bảy Rô rất thích Châu. Hai người nằm đêm thủ thỉ với nhau về dự tính tương lai. Châu thích đi dạy học môn văn, sử:

– Đi vào sử rất thích thú. Chẳng hạn như nhìn bảng tên đường, mình có thể hình dung được cuộc kháng chiến cách đây gần trăm năm, như tên La-răn-đie (Lagrandière) chính là thằng hải tặc đã kéo rốc pháo thuyền xuống Vĩnh Long buộc kinh lược Phan Thanh Giản ký hàng ước nạp nốt ba tỉnh miền Tây năm Đinh Mão 1867. Còn đại lộ Sạt-ne (Charner) thì lấy tên thằng hải tặc đã đánh thành Gia Định khiến tướng Nguyễn Tri Phương bị thương năm Tân Dậu 1861, gây cảnh tang tóc mà nhà thơ mù Đồ Chiểu làm mấy vần thơ để lại đời sau:
…Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây…
Bảy Rô cũng hứng lây, bàn chuyện văn chương chữ nghĩa:
– Anh thích dạy văn, để tôi nói về màu sắc của các loại ngựa. Không ai rành bằng tôi, bởi tôi là tay đánh xe ngựa cả chục năm. Ngựa có đến tám sắc; ngựa trắng bốn sắc và ngựa đen bốn sắc. Toàn trắng là bạch, chen lông đen là kim, đen pha chút đỏ là đạm, pha nhiều đỏ là hởi; toàn đen là ô, pha tí đỏ là khứu, đỏ tươi là vang, đỏ sậm là hồng. Tôi đố anh tìm thấy điều này trong sách vở- Rồi anh cười vang lên thích thú. Sống với giới trí thức cũng hay hay.
Khúc phim “chung sống với anh em chính trị phạm” trong mấy tháng qua như hiện ra trước mắt anh:
Năm 1944, trong một vụ “đi hát” bị tổ trác, hai tên Chơn, Chó xộ khám cùng với một gã hung hăng tên Thắm. Gặp lại Bảy Rô trong ca-ba-nông cả ba vui mừng như cá gặp nước. Các tay anh chị ở Hố Bần xưng danh Bình Xuyên, được thầy chú vị nể.
Tháng 6-1944, một nhóm chính trị bị đưa vào nhốt chung. Nhóm này gồm 9 người, đứng đầu là sinh viên Thắng (tên thật là Trần Văn Trà). Vừa ngồi xuống chưa nóng đít, Thắng được hai tên Chơn, Chó tới mời:
– Cặp-rằng Sáu Khải gọi anh hỏi chút việc.
Thắng tới đứng trước mặt Sáu Khải, cặp-rằng hỏi:

– Mấy anh làm gì mà vô khám?
– Bị tình nghi làm chính trị.
Sáu Khải cười gằn:
– Làm chính trị càng phải trọng tôn ti trật tự. Sao vào đây mà không ra mắt?
Thắng ôn tồn:
– Mới vô chưa biết gì. Chưa ở tù lần nào, chưa biết cách thức…
Thắng chưa dứt lời, tên Thắm nhào tới đấm vào quai hàm. Thắng đấm trả đũa ngay. Cả dãy tù nhao nhao lên, hai bên dàn trận. Thắng thấy rõ là cặp-rằng Sáu Khải đã nắm được anh em Bình Xuyên. Nhưng nhóm chính trị không lùi bước.
Hôm sau, anh Ngoạn trong nhóm anh Thắng bị địch tra tấn chết giấc. Xe đưa vô Chợ Quán thì chết. Dù vậy, anh em vẫn giữ vững tinh thần.
Vài tuần sau lại có thêm một nhóm sinh viên bị bắt. Tất cả 4 người trong đó có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng và họa sĩ Nguyễn Hải Trừng. Nhóm này tặng Thắng một chiếc mùi soa để tỏ cảm tình.

Sau khi quan sát sinh hoạt của nhóm Thắng, Sáu Khải và các tay Bình Xuyên đổi thái độ. Thắng bàn cùng các bạn cố tranh thủ một số anh em Bình Xuyên tốt. Bước đầu kéo được hai người: Bảy Rô và Mười Một. Hai tay anh chị tiến bộ Trình Giảo Kim và Năm Tửu đóng vai trò quan trọng trong việc thu phục Bảy Rô. Bảy Rô rất mê súng. Năm Tửu hứa chia cho anh một cây 6,35 sau khi ra khám. Bảy Rô cũng mê truyện Tàu. Trình Giảo Kim là một kỳ tài về môn đọc truyện Tàu. Anh không biết một chữ “nhất một” vậy mà đêm đêm đọc “tuồng bụng” không sót một chữ. Anh đọc luôn cả câu “muốn biết đoạn tiếp ra sao, xin xem hồi sau phân giải”.
Nhờ kéo được Bảy Rô, nhóm tù chính trị biết được âm mưu ghê gớm của đám thường phạm. Chẳng hạn như tên Thắm mài một căm xe đạp nhọn hoắt, định thanh toán anh Thắng. Hay tin “động trời” này, nhóm chính trị thay phiên nhau canh gác ngày đêm không để xảy ra chuyện đáng tiếc.
Không riêng gì Bảy Rô, Mười Một mà đến các thầy chú, cặp-rằng cũng nể anh em chính trị. Tên Béc-na (Bernard) Tây lai bị án tử hình được giao coi các khám cũng có cảm tình với nhóm sinh viên hoạt động chính trị.
Từ ngày làm quen với hai anh em Thắng, Châu, Bảy Rô thấy mình học hỏi được nhiều điều bổ ích. Anh gật gù thú vị khi nhớ lại chuyện Tái ông mất ngựa: trong cái rủi có điều may. Điều may nhất của Bảy Rô là nhờ sinh viên Thắng vạch rõ chân tướng của mình.
Trong lúc trò chuyện, Thắng hỏi:
– Tại sao các anh đi hát?
Bảy Rô đáp thật tự nhiên:
– Tại cái nghèo.
Thắng kêu lên:
– Bậy! Nói như anh thì tất cả những người nghèo đều đi ăn cướp hết sao?
Bảy Rô ú ớ, Thắng nói tiếp:

– Theo tôi, nghèo không phải là yếu tố quyết định đẩy các anh đi vào con đường quấy.
– Vậy thì cái gì? Bảy Rô háo hức muốn biết.
– Yếu tố quyết định là chất lưu manh trong các anh. Do chất này mà các anh muốn làm cha thiên hạ, muốn không làm mà hưởng, muốn ngồi mát ăn bát vàng, muốn vui sướng trên mồ hôi nước mắt kẻ khác. Có đúng vậy không?
Bảy Rô im lặng suy nghĩ. Càng nghĩ anh càng thấm. Vài ngày sau, Thắng tiếp tục tranh thủ tình cảm Bảy Rô:
– Trong nhóm Bình Xuyên, tôi thấy anh là người tốt vì hoàn cảnh đưa đẩy mà lạc bước sa chân.
Bảy Rô thở dài:
– Anh nói đúng. Tôi là tay ăn cướp bất đắc dĩ. Nhưng mà đã lỡ rồi…
Thắng vỗ vai anh, giọng chân tình:
– Vẫn còn kịp. Nhà tù là lò luyện thép. Sắt vụn, sắt rỉ nung mãi cũng thành thép mới. Muốn trở thành người tốt, trước nhất phải thấy chân tướng mình. Anh phải lột xác bỏ chất lưu manh thì sẽ tiến bộ như mọi người.
Bảy Rô nhớ mãi lời khuyên chí tình này.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.