Đọc truyện Ngục Thánh – Chương 255: Nhà
Khoảng đầu tháng 3, gió phương bắc dịu hẳn, Phi Thiên thành hửng ấm. Nắng leo qua mây, sà xuống sông Vành Đai Xanh đã tan băng rồi trèo lên các khóm hoa Bạch Tuyết đang nở rộ tô trắng hai bên bờ. Cũng tháng 3, cả thủ đô lao vào công việc như con gấu làm nóng mình sau giấc ngủ đông dài, nhất là đám kinh doanh dịch vụ. Chưa tới lễ quốc khánh nhưng biển hiệu khuyến mãi, giảm giá, tặng quà đua nhau nhoài ra, chen lấn trên những hành lang tháp giải trí – ẩm thực ở quận Mắt Trắng. Trừ khu dân cư, cả quận trong tháng hoàn toàn không ngủ. Bên quận Trăng Khuyết, các tụ điểm tham quan dần đông người và thu hút dân nghệ sĩ đường phố, kéo theo dăm ba lễ hội nhỏ bên đại lộ.
Tháng 3 ở Phi Thiên thành luôn dang tay ôm ấp những kẻ không thích ở nhà như Hỏa Nghi. Dịp này, gã thường say xỉn ở quán rượu hoặc ngủ gục bên máy chơi điện tử. Luôn luôn thế.
Cơ mà đấy là Phi Thiên thành của năm trước, năm trước nữa, năm trước nữa nữa… Còn giờ – năm 7518 kỷ Vạn Thế thứ ba – cả thủ đô vẫn chìm trong mùa đông. Tháng 3 nhưng nắng ở đẩu ở đâu, sông Vành Đai Xanh chưa tan băng, cả thành phố như cục mỡ khổng lồ lều nhều đang chảy rệu. Các tháp giải trí vẫn sáng đèn nhưng kém vui, bên quận Trăng Khuyết chẳng có mấy tiếng nhạc tiếng hát. Hỏa Nghi từng thấy một thủ đô buồn thảm hồi năm 7511 sau cuộc chiến tranh biên giới, tới độ một thằng trẻ ranh Hỏa Nghi mười sáu tuổi chơi bời quậy phá cũng cảm nhận được. Thành phố lúc này so với hồi ấy chẳng khác gì. Cùng là thứ không khí cục mỡ đó… cứ lầy nhầy, lều bều, ảm đạm. Hỏa Nghi thấy vậy.
Gọi là “thấy” vì có thể quan sát bằng mắt thường, không phải cảm giác. Hỏa Nghi đáo qua hai quận và thấy đâu đâu cũng treo cờ rủ. Thánh đường, trường học, khu giải trí, khu dân cư… người ta vẫn tiếc thương Tây Minh dù tang lễ ngài đại thánh sứ đã cử hành được hai tháng. Thủ đô không phải ngoại lệ, cờ rủ ở khắp nơi trên đất nước, Phi Thiên quốc như con đại bàng rũ cánh sau chuyến bay bão tố. Con đại bàng sẽ lại kiêu hãnh, chắc chắn vậy, nhưng sau bao lâu thì chẳng ai biết. Hỏa Nghi càng không biết.
Du lịch sụt giảm, kinh doanh ẩm thực thua lỗ, dịch vụ tiêu điều… đủ thứ khủng hoảng mà báo chí truyền hình ra rả hai tháng nay khiến Hỏa Nghi ù đầu. Mà quả thực thủ đô lặng lẽ hơn nhiều, chủ yếu do vắng khách du lịch Băng Thổ. Họ chẳng còn tâm trí chơi bời khi cả lục địa đương cận kề hố sâu nội chiến. Họp mặt các nước, hội nghị liên minh, hội nghị đa chiều, kéo nhau lên tận Đại Hội Đồng mà tình hình Băng Thổ rối rắm bét nhè hơn canh hẹ. Cái thuyết Liên Minh Phương Bắc tan rã đã cũ rích, lúc này dư luận kháo nhau ngày Băng Hóa quốc sụp đổ. Chẳng mấy ai tin rằng Băng Hóa có thể khai thác lợi ích từ Tuyệt Tưởng Thành xa xôi, mà ngược lại càng tổn hao chi phí vô ích. “Người Băng Hóa không bao giờ tốt, họ sẽ quay sang giết nhau thôi!” – giới thạo tin bình luận. Hỏa Nghi cực lực phản đối luận điệu này. Bởi nếu chuyện xảy ra thật thì chẳng cô gái Băng Hóa nào đến đây, và chẳng còn bờ mông gợi cảm nào thỏa mãn con mắt Hỏa Nghi. Gã coi vòng ba của phụ nữ Băng Hóa như một kỳ quan thế giới.
Giữa mớ mỡ màng ảm đạm bao phủ thành phố, Liệt Giả như lớp váng dầu cháy xèo xèo khắp phương tiện thông tin. Báo cũ được đào lên, vài thước phim tuyệt mật bỗng xuất hiện trên truyền hình, sau đấy lớp già bắt đầu kể chuyện. Rồi lớp trẻ biết rằng kẻ cầm đầu lũ chó dại miền nam Kim Ngân từng là đại thánh sứ, được tặng thưởng Huân Chương Cánh Đỏ và là chiến binh mạnh nhất Phi Thiên quốc.
Trách nhiệm thuộc về ai? – Dư luận chất vấn chính phủ.
Liệt Giả mạnh hơn Bảy Người Mạnh Nhất hay chỉ là tán phét? – Đám chiến binh thắc mắc.
Liệt Giả có bạn bè không? – Kẻ hiếu kỳ đặt câu hỏi.
Vợ con Liệt Giả còn sống hay đã chết, nếu còn sống thì cô ta đâu? Đứa trẻ đâu? – Dân săn tin kháo nhau.
Đám đông, báo chí lẫn dư luận loạn cào cào với những câu hỏi.
Thầy đỡ đầu chết, cha đẻ hiện diện trên sóng truyền hình, nên người đau khổ nhất không ai khác ngoài Liệt Trúc. Con bé phải dùng tên giả để đi học và đăng ký thẻ căn cước. Mấy lần qua chơi, Hỏa Nghi thấy Liệt Trúc y hệt đám mây đen. Con bé vùi mình trong nhạc nhẽo, tai nghe úp kín đầu như muốn biệt lập, ai gọi thì đáp cụt lủn, còn đâu toàn im lặng. Nếu bị hỏi han quá nhiều, nó sẽ khó chịu ra mặt rồi bỏ về phòng. Hỏa Nghi không trách cứ, đang tuổi dở hơi dở hồn mà chịu đựng được như con bé là giỏi lắm. Cực chẳng đã, gã đành khuyên Tiểu Hồ tạm dừng công việc để quay về thăm nom Liệt Trúc.
Sự tình phức tạp là vậy. Hơn lúc nào hết, dân chúng cần tiếng nói mạnh mẽ từ hoàng đế. Người Phi Thiên đã quen việc đứng trên đỉnh thế giới nên một chút thất thế cũng khiến họ phát rồ. Nhưng ba tháng trôi qua, hoàng đế chỉ phát biểu qua những đoạn băng thu sẵn. Người ta cần ngài xuất hiện công khai, ngài đáp lại bằng một thứ danh – động – tính từ gây nhiều hoang mang hơn trấn an: “Sớm nhất có thể”.
Và nếu người ta biết vị hoàng đế trên mấy đoạn băng chỉ là thế thân, cả đất nước sẽ rung chuyển. Hỏa Nghi thuộc số ít người tỏ tường chân tướng sự việc. Nhưng gã sẽ chẳng dại mồm bô bô kể lể cho ai khác. Giờ chưa phải lúc. Chuyện can hệ nhiều người, gã cần một kế hoạch kĩ càng, tỉ mỉ.
Nhưng đấy là khi gã quyết xong vấn đề của mình. Mà “vấn đề” được nói ở đây lại đang nát bét. Vừa nghĩ tới nó, Hỏa Nghi lắc đầu ngán ngẩm đoạn châm lửa đốt thuốc. Từ sau chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, gã hút thuốc quen mồm, quanh đầu thường lởn vởn khói xanh như nhà máy công nghiệp.
Tháng 3 mọi năm, Hỏa Nghi luôn say khướt hoặc ngủ lang chạ. Còn tháng 3 năm nay, năm sau, năm sau nữa hoặc năm sau nữa nữa… thì đừng hòng. Sớm muộn gã cũng phải vác mặt về “nhà”, gặp gỡ những con người mà trước nay gã luôn ngó lơ hoặc lẩn tránh. Nếu không vì ông bạn tóc đỏ và vì ông anh lắm mồm tối ngày rao giảng bài ca trách nhiệm, Hỏa Nghi đã bỏ quách. Gần hai mươi năm chạy trốn “nhà” của gã nay thành công cốc.
Thực tế là “nhà” sắp nuốt chửng Hỏa Nghi bằng cái mồm sặc mùi kim khí. Nuốt thật, ăn thật, nhai thật. Không có ẩn dụ hay ý tứ sâu xa nào ở đây. Nếu vẫn sống thờ ơ như trước, Hỏa Nghi sẽ bị tiêu hóa và trở thành bãi chất thải bốc mùi. Vậy nên gã phải đứng lên cho chính mình. Khái niệm này hơi mới mẻ với Hỏa Nghi. Như tự thừa nhận, trước giờ gã chỉ tận tâm cống hiến cho ba thứ: rèn kiếm, những bà chị lớn tuổi và mông (phụ nữ). Gã chưa từng phấn đấu điều gì cho bản thân, giống thằng công tử bột sinh ra trong nhung lụa rồi đạp thang vàng leo bậc bạc mà lớn lên, khỏi cần quan tâm nghĩ ngợi điều chi. Nhưng nay thằng công tử bột phải suy xét bạc vàng nhung lụa từ đâu ra. Và nó, thằng công tử bột nọ, hay chính Hỏa Nghi, bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của mình.
Dù vậy, Hỏa Nghi sẽ trốn nhà chừng nào bị ép phải về. Trong từ điển nói lẫn viết của gã ít khi nào đề cập chữ “nhà”.
Một tối tháng 3, Hỏa Nghi lang thang khắp quận Mắt Trắng. Đang là sáu giờ, đôi chân gã nhẩn nha tản bộ mà đôi mắt tham lam ngốn ngấu khung cảnh xung quanh. Những tiệm bánh ngọt thơm phức, những khu giải trí lắc lư tiếng nhạc sau cánh cửa đóng kín, dòng khách bộ hành tham quan, một đám thiếu nữ tóc nhiều màu chuẩn bị tiệc tùng, mông các thiếu nữ; khu vườn nhân tạo lơ lửng giữa trời, vài bà mẹ đang mải chăm lo bọn trẻ, mông bà mẹ trẻ đẹp; mấy quán rượu đông khách, vài cô đào ăn vận sang trọng trong váy dài, mông các cô lấp ló dưới váy; dăm ba cặp tình nhân lang thang trên cầu nối các tòa tháp, mông của cô gái ngây thơ trong sáng mới biết yêu… Vô số hình ảnh âm thanh lẫn mùi vị, Hỏa Nghi tọng hết vào đầu. Đi lâu lâu, gã dừng chân mua đồ ăn vặt hoặc tựa lưng bên cửa kính nhìn trời ngó mây. Cùng lúc đó gã sắp xếp, tái hiện cảnh tượng quận Mắt Trắng trong tâm tưởng. Chưa kịp hoàn thành quận Mắt Trắng tưởng tượng, gã lại tính sang quận Trăng Khuyết thu thập thêm vật liệu xây dựng, làm vội vàng như bị ai thúc ép. Cái đầu gã giờ như công trường, máy xúc cần cẩu chở vật liệu hoạt động hết công suất, còn chính gã là quản đốc gào thét quát tháo mấy tên công nhân lười biếng. Giả như ai đấy biết chuyện đang xảy ra trong đầu Hỏa Nghi, hẳn sẽ nghĩ gã điên nặng.
Đương hăm hở thi công, tay quản đốc Hỏa Nghi chợt nghe tiếng điện thoại. Bằng một cách thô bạo, từ chốn tưởng tượng gã bị lôi ra thực tại và thấy túi áo mình rung bần bật. Nhìn tên người gọi, gã xị mặt rồi chực cúp máy. Nhưng biết né tránh vô ích, Hỏa Nghi đành trả lời:
-Gì vậy, ông anh? Tôi nói là tôi đi chơi riêng… Sao? Cái gì mà họp mặt gia đình? Ai gia đình với mấy lão già ấy? Mọi năm thiếu mặt tôi, mấy lão vẫn ăn uống bù khú như thường, sao đâu? Cái gì? Quan trọng á? Thôi mà ông anh, nói đỡ tôi một hai câu không được à? Anh chạm mặt mấy lão suốt, biết ăn biết nói, tôi thì nói cái gì? Thằng em này ngu si lắm, chẳng biết gì cả, thôi thì… Này… này! Ông anh?!
Đáp lại Hỏa Nghi chỉ có tiếng tút dài của điện thoại. “Thằng bóng lộn!” – Gã tức mình chửi đổng anh trai. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, tiếng tút dài như tối hậu thư yêu cầu Hỏa Nghi tham dự buổi họp mặt. Ngán ngẩm, gã công tử bột bắt chuyến xe điện về nhà. Gã đang về nhà. Gã phải về nhà.
Đời người hạnh phúc khi về nhà, kể cả người Băng Thổ có máu phiêu lưu nhất thế giới. Hỏa Nghi thì khác, gã sung sướng khi xa nhà. Hỏa Nghi luôn mong chờ khoảnh khắc chứng kiến nhà cháy rụi, còn mình đứng chống nạnh và ngoác mồm cười thật to trước ngọn lửa. Đó sẽ là ngày tuyệt vời nhất! – Gã mơ màng.
Trên đường ray đệm từ trường, tàu điện lướt qua sông Vành Đai Xanh, tiến vào quận Trăng Khuyết, vun vút dưới những tòa nhà mái vòm rộng lớn hay khuôn viên bảo tàng mờ mờ trong ánh vàng đèn rọi. Thêm mười phút nữa, tàu dừng ở vùng rìa quận. Cửa mở, đa số hành khách lục tục bước xuống, chỉ Hỏa Nghi và số ít người khác không rời chỗ ngồi. Cùng lúc, tiếng nữ phát thanh viên được lập trình sẵn vang khắp tàu:
“Tiếp đến là khu tự quản Đảo Sắt Thép của họ Hỏa, chỉ mở cửa tham quan vào thứ tư, thứ bảy và ngày nguyện. Mong quý khách tuân thủ lịch tham quan. Xin cảm ơn!”
Từ hồi bé tí Hỏa Nghi đã biết nữ phát thanh viên này. Giọng cô ta sau nhiều năm vẫn y nguyên: thanh âm từ cổ họng nhỏ nhắn, trầm ấm dịu tai, không nhuốm màu thời gian hay vấy bụi tuổi tác. Có dạo Hỏa Nghi muốn tìm cô gái để làm quen, cho tới lúc ngã ngửa khi biết đây là chương trình trí tuệ nhân tạo. Một cô gái ảo có giọng nói ngọt ngào, sản phẩm của nhóm nghiên cứu người Đông Thổ – những con người không thể tìm được chỗ đứng ở quê hương.
Giống hoàng cung, Đảo Sắt Thép cũng chào đón khách du lịch đến thăm thú, nhưng Hỏa Nghi khẳng định chẳng có con khỉ khô nào là lòng hiếu khách hay giới thiệu bản sắc dòng tộc. Họ Hỏa không bao giờ làm từ thiện. Họ Hỏa luôn trưng ra điều kiện làm việc tối ưu hoặc công nghệ tân tiến nhất để nhắm tới những nhà khoa học trong vai khách du lịch, khiến họ so sánh rồi chê trách đất nước mình. Tâm trí người làm khoa học nghiên cứu đều có một con yêu tinh mang tên “bất mãn”, còn Đảo Sắt Thép biến con yêu tinh thành quỷ dữ. Họ Hỏa khai thác chất xám như thế; những con người tinh hoa tới đây, đổi tên cải họ, sống trong guồng máy sắt thép và gọi đó là “nhà”.
Con tàu lác đác hành khách tiếp tục hành trình, bỏ lại sau lưng ánh sáng đô thị rồi lao vào màn đêm lấm tuyết hướng tây bắc. Được ít phút, Hỏa Nghi bắt đầu trông thấy bóng dáng xù xì của vùng bán đảo đằng xa – một tập hợp gồm nhà hộp, công xưởng vuông vức và nhiều ngọn tháp nhọn như chông. Vùng bán đảo giống khối hình học hoàn hảo đến gai mắt, như thực thể được tạo nên từ những công thức toán học chi li chuẩn mực. Không ngòi bút văn chương nào có thể ẩn dụ nó trong hình tượng đa nghĩa, cũng không tâm hồn nghệ thuật nào đủ sức phóng tác nó dưới vần thơ tiếng hát. Kẻ yêu nhất chẳng thể gọi nó bằng cái tên trìu mến, kẻ ghét nhất như Hỏa Nghi cũng khó mà gán cho nó bằng một biệt danh lố bịch. Nó là Đảo Sắt Thép, vẫn luôn trơ lì góc cạnh như vậy kể từ thời Bạch Dương Đệ Nhất.
“Hiện đã tới khu tự quản Đảo Sắt Thép. Xin nhắc lại, khu tự quản chỉ mở cửa tham quan vào thứ tư, thứ bảy và ngày nguyện. Nếu không có phận sự tại khu tự quản, mong quý khách ở yên trên tàu. Xin cảm ơn!”
Giọng nữ phát thanh lại vang lên, những hành khách ít ỏi trên tàu liền nhoài về cửa sổ tranh thủ chụp hình vùng bán đảo. Hỏa Nghi uể oải nhúc nhích cơ thể, mười phút nữa là họp mặt gia đình, từ đây tới đó vẫn kịp giờ nhưng gã chẳng muốn xuống tàu chút nào. Đời người phấn đấu đủ mọi cách để vào họ Hỏa còn gã chỉ mong thoát ra, cứ như là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh? – Hỏa Nghi ngẫm nghĩ. Đảo vệ sinh, vệ sinh sắt thép, đảo toa lét, đảo bốc mùi… gã vừa đi vừa lẩm nhẩm, cố chọn một từ thích hợp dành cho nhà mình. Gã suy nghĩ rất nghiêm túc về chuyện này.
…
Lịch sử ghi nhận hồi triều đại Thần Đế còn trị vì Phi Thiên quốc, họ Hỏa đã xây dựng thế lực và có ảnh hưởng ít nhiều tới đất nước. Nội chiến nổ ra, triều đại Thần Đế sụp đổ, họ Hỏa liên minh và dốc sức đầu tư tiền bạc cho ông tổ họ Bạch Dương. Kết quả ra sao ai nấy đều rõ, họ Hỏa trở thành tay chơi xổ số vĩ đại nhất. Để tỏ lòng trung thành với triều đại mới, dòng họ chuyển về thủ đô và sống dưới sự bảo trợ của hoàng đế. Đổi lại, dòng họ hưởng đặc quyền tự quản vùng bán đảo tây bắc, đặt tên là Đảo Sắt Thép. Năm trăm năm đã qua, đặc quyền ấy vẫn vững vàng như chính Đảo Sắt Thép.
Nhưng ít ai biết trước khi về thủ đô, họ Hỏa từng đặt cơ sở tại Bờ Tây đất nước – cái nôi khai sinh đảng Liên Hiệp Bờ Tây, Đả Thải thành, những chiến binh khét tiếng gan lì máu lạnh và rác thải. Hỏa Nghi từng nghe người ta kháo nhau rằng ông tổ dòng họ làm nghề thu mua phế liệu, hay nói đơn giản là buôn đồng nát. Không chứng cứ lịch sử hay tài liệu nào xác nhận chuyện này; các bô lão trong họ cũng tránh đề cập, nhỡ ai hỏi thì từ chối trả lời hoặc lờ tịt đi. Trường hợp bị truy vấn quá kĩ, các bô lão sẽ trả lời như cái máy:
“Đừng tin lời đồn bậy bạ, bậc tổ phụ chúng tôi là nhà buôn, nhà khoa học, nhà cách mạng. Bằng chứng? Điều ấy quá rõ ràng và không thể tranh cãi, không cần bằng chứng nào hết!”.
Những người đứng đầu dòng họ phủ nhận mọi quan hệ với Bờ Tây. Hỏa Nghi nghĩ cánh già phản ứng thái quá. Giả dụ ông tổ từng buôn bán đồng nát thật, Hỏa Nghi sẽ vô cùng tự hào bởi gã là thằng đồng nát chính hiệu. Nếu không nhặt nhạnh đồ phế liệu, gã chẳng bao giờ chế tạo được những thanh kiếm tốt. Nhưng bắt tay vào công việc, Hỏa Nghi mới hiểu mọi phát ngôn cần có sự tính toán, giống những công thức khuôn mẫu tạo nên Đảo Sắt Thép. Bằng cách phủ nhận mọi dính líu với Bờ Tây, dòng họ luôn biểu thị lòng trung thành tuyệt đối với hoàng gia. Bài học họ Chiến nhiều năm trước, họ Hỏa tiếp thu nhanh hơn bất cứ ai.
Nhắc chuyện cũ, Hỏa Nghi chợt nhớ vùng đồi ở ngoại ô phía đông nam thành phố gọi là Đồi Cánh Cung, nơi từng mang lịch sử huy hoàng của họ Chiến. Ngày bé gã thường trốn học, bắt chuyến tàu điện đến Đồi Cánh Cung để gặp một người chị. Gã thích gặp chị hơn tụ tập chơi bời. Ở đấy gã có một lời hứa trẻ con.
Gió rét điếng người nhắc Hỏa Nghi rằng gã đang tới cuộc họp gia đình. Chiếc xe điện chở gã chạy theo đại lộ chính cắt dọc bán đảo, vòng sang những cung đường vắng ngắt rồi dừng lại trước tòa nhà trung tâm. Hỏa Nghi xuống xe rồi bước vào tòa nhà. So với bên ngoài, chốn này đông đúc hơn với những toán vệ sĩ canh gác và nhân viên. Có tiếng trò chuyện, có tiếng cười nho nhỏ, có bọt bong bóng nổ lóp bóp trong bình nước lọc, có nhịp điệu hối hả trong bước chân vội vã chuyển tài liệu. Một bản hòa âm không tồi song chẳng thể làm nóng khối kiến trúc đồ sộ đang bao bọc nó với khu sảnh mênh mông hình quạt, mái trần cao vợi gắn đầy máy quay lẫn khe chớp thông gió, các hành lang dài rộng treo vô số bản sao giải thưởng cùng những con người hoạt động như cái máy. Thứ duy nhất khiến không gian ấm áp hơn là vòng ba của mấy cô nàng tiếp tân xinh đẹp. Hỏa Nghi lén dòm dòm mấy cổ, tay gãi gãi cằm, mắt mơ màng tưởng tượng. “Đồ thị pa-ra-bôn hàm bậc ba nghiệm kép, học toán là đây chứ đâu!” – Gã ngẫm ngợi.
Bị mấy đường pa-ra-bôn sống động ở sảnh níu chân, Hỏa Nghĩ mãi mới lên thang máy. Thang chạy rù rù rồi mở cửa, dẫn gã vào hành lang tầng ba tòa nhà. Ở lưng chừng đoạn hành lang có người đang đi tới đi lui, đôi giày bóng lộn rảo bước sốt ruột. Vừa thấy Hỏa Nghi, người đó đanh mặt. Hỏa Nghi cười giả lả:
-Xin lỗi nhé, tôi lo cho ông anh quá mà! Ông anh từng nói gia đình ăn cùng nhau, mỗi người đều có phần, đúng không? Trông nè, tôi quý ông anh lắm nên đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ đấy!
Nói đoạn gã giơ túi bánh ngọt mua từ tiệm Con cáo nhỏ, nhưng chừng ấy chẳng làm anh trai gã – Hỏa Dương – vui hơn chút nào. Hỏa Dương kéo tay áo là lượt không nếp nhăn rồi gõ gõ ngón trỏ lên mặt đồng hồ đeo tay, giọng lạnh ngắt:
-Tám giờ có mặt, nhìn xem mấy giờ rồi? Muộn bốn mươi hai phút, là thế nào vậy?
-Xếp hàng mà! Họp mặt gia đình hoặc con khỉ khô gì đó mặc kệ, ông anh phải được ưu tiên trước, phải không nào?
Hỏa Nghi nhơn nhơn, nhưng vừa thấy anh trai quắc mắt thì cụp xuống như chó cụp tai. Gã dúi vội túi bánh vào tay Hỏa Dương rồi tới căn phòng phía cuối hành lang, nơi có cánh cửa cao ngất màu đen xám cùng tay đấm cửa nạm vàng. Trăm năm lịch sử họ Hỏa nằm trong đó, gọi là Lò Than – một cái tên tức cười. Đáng lẽ Hỏa Nghi phải đến đây từ sáu năm trước cho ra dáng người thừa kế. Nhưng Hỏa Nghi mười tám tuổi bướng bỉnh ngỗ ngược nên thay vì dự họp, cứ ngày này là gã say xỉn hoặc chơi bời thâu đêm trong sáu năm kế tiếp. Giờ gã có cảm giác bỡ ngỡ như ngày đầu đi học, vừa run vừa sợ. Cơ mà trước khi yên thân sáu tấm thì gã phải trông mặt mũi Lò Than một lần. Nghĩ xong xuôi, gã đẩy cửa bước vào.
Lần đầu thấy Lò Than, Hỏa Nghi cảm giác mình sống lộn thế kỷ. Nhờ ánh sáng từ những đài lửa sực mùi dầu, căn phòng hiện diện trong mùi xưa cũ của đồ đạc ngót ngét trăm năm tuổi, di ảnh những vị trưởng tộc từ thời xa xưa, trên hết là lá cờ thêu gia huy họ Hỏa đặt ở bức tường đối diện cửa ra vào. Cờ vốn màu trắng nhưng ố vàng, hình thêu ngọn lửa màu cam đã bung chỉ, ngay cả khẩu hiệu “Lửa sinh tất cả, lửa thiêu tất cả” cũng chữ được chữ mất. Trông nó chẳng khác nùi giẻ ám dầu mỡ. Nhưng Hỏa Nghi biết không đương dưng mà tấm vải vẫn yên vị sau hàng trăm năm, không bị thay thế hay giặt giũ. Nếu một ngày bị trục xuất khỏi dòng họ, Hỏa Nghi sẽ trộm cái nùi giẻ đó đầu tiên.
Chính giữa Lò Than có bàn gỗ dài, mười bảy ghế tựa lưng thẳng đuột xếp xung quanh, tất cả đều kín chỗ trừ chiếc ghế chủ tọa ở đầu bàn. Mười sáu người đang ngồi bao gồm trưởng lão, đại diện chi thứ và các bậc chức sắc. Họ là hội đồng chủ quản điều hành dòng họ. Hỏa Nghi chỉ nhận ra vài gương mặt thân quen như ông già Hỏa Thâu Đầu – trưởng lão kiêm pháp quan ở Hội Đồng Pháp Quan, kế đến là ông chú mặt nhọn Hỏa Chính. Rồi ông giám đốc tài chính mà Hỏa Nghi không biết tên, nắm trong tay ngân sách của cả dòng họ, mặt lúc nào cũng khăn khăn khó khó như đã táo bón cả tháng, Hỏa Nghi gọi là “lão táo bón”. Rồi một ông chú mặt trẻ măng chuyên làm công tác đối nội đối ngoại, áo quần tóc tai là lượt chẳng kém Hỏa Dương, mấy dạo ghé qua nhà suốt mà Hỏa Nghi cũng không rõ tên. Ngoài ra gã không biết bất cứ đại diện chi thứ nào vì đa phần họ sống ở thành phố khác, một năm về Đảo Sắt Thép dăm ba lần, mà người ở gần thì gã chẳng quan tâm.
Căn phòng khá nóng vì các đài lửa nồng mùi dầu, phần vì không khí căng thẳng trên bàn họp, trông như vừa xảy ra một vụ cãi vã. Và khi Hỏa Nghi xuất hiện, gã lập tức trở thành cái thùng rác để trút bực dọc. Trông mấy cặp mắt hết lườm lườm lại dò xét, Hỏa Nghi rịn mồ hôi gáy. Nóng như cái lò! – Gã lẩm bẩm.
-Ồ, “ông” trưởng tộc về rồi kìa! – Hỏa Chính chỉ về phía cửa – Ông trưởng tộc đi chơi vui vẻ chứ? Chúng tôi đợi ông mãi! Mọi người vỗ tay chào đón ông trưởng tộc nào!
Hỏa Chính vỗ tay ầm ĩ trong khi tất cả im lặng. Nếu ở bên ngoài thì Hỏa Nghi đốp chát thằng cha mặt nhọn ngay, không chút kiêng nể. Nhưng trong lò lửa này, gã cảm giác xương thịt da tóc mình chảy rữa như khối sắt bị nung chín. Ở đây gã nhỏ bé.
Bỏ qua lời mỉa mai của người chú, Hỏa Nghi lặng lẽ ngồi vào ghế chủ tọa. Phía trái, ông già Hỏa Thâu Đầu ngáp dài tỏ rõ thái độ thờ ơ trước ông trưởng tộc trẻ tuổi. Sau nhiều năm, lão già trong mắt Hỏa Nghi chẳng hề thay đổi: vẫn phong thái kẻ cả ta đây biết tuốt, vẫn cái mũi khoằm bự chảng như mỏ con két gắn vào bộ mặt nhăn nhúm, vẫn cái miệng hễ mở ra là tuôn lời khinh khỉnh. Hiện thời Hỏa Thâu Đầu có vai vế lớn nhất, có tiếng nói lớn nhất chỉ sau trưởng tộc, bởi những người già hơn và quan trọng hơn lão đều đã nằm hòm. Giờ cha của anh em Hỏa Nghi nằm liệt giường, lão già được thể lớn giọng cứ như mình là chủ tọa, không thèm liếc Hỏa Nghi:
-Họp mặt gia đình thì nói chuyện vui thôi, không cần cãi cọ làm gì. Ăn uống chứ nhỉ? Đói rồi! – Giọng lão già lè nhè – Này, có chuyện gì mới không, thằng cu? Chuyển chủ đề xem nào!
“Thằng cu” là ông chú trẻ măng mà Hỏa Nghi không biết tên. Hỏa Nghi ngả lưng hỏi anh trai ngồi phía sau, mới biết người đó tên Hỏa Biệt Pháo. Cái tên hơi tức cười vì Hỏa Biệt Pháo tự đặt lấy, ông ta vốn là người ngoại tộc. Bị hỏi, ông chú trẻ Biệt Pháo liếc nhìn Hỏa Nghi chừng như khó xử song cũng cất lời:
-Tin tức đáng chú ý, thưa bác. Hai tiếng trước, Chợ Rác vừa công bố thành viên mới của Thập Kiếm. Là Chiến Tử. Cháu nghe đâu Chợ Rác muốn chọn Quạ Đen vì được việc hơn, nhưng thành tích của Chiến Tử lớn quá, không bỏ qua được. Hồi chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, một mình cậu ta hạ gục nhiều Đầu Sói lẫn Sói Chúa, thực lực rất mạnh.
-Bọn chợ đen phản ứng thế nào? – Hỏa Thâu Đầu hỏi.
-Không tốt lắm. Nếu cộng thêm Chiến Tử, Thập Kiếm giờ có đến bốn kiếm sĩ và kiếm thuật sư chính danh. Cả bốn người này bị hạn chế hành động do liên quan nhiều đến chính phủ sở tại, không tự do như sáu người kia vốn ngoài vòng pháp luật. Có lẽ từ giờ dân chợ đen sẽ bớt tìm Thập Kiếm, nhưng các chính phủ thì chưa chắc. Băng Thổ, biên giới Diệp quốc và Bắc Thần quốc đang khá loạn, có lẽ các nước sẽ nhờ đến đám này.
Hai người trao đổi qua lại, Hỏa Nghi hiểu câu được câu chăng. Gã ước rằng mình đã tìm hiểu kĩ hơn trước khi bước vào phòng. Hỏa Chính lên tiếng:
-Hình như còn một người nữa từng được đề cử, sao Chợ Rác không chọn? Thằng đó tên gì nhỉ… tóc đỏ…
Lão mặt nhọn gãi gãi đầu ra vẻ không nhớ. Biệt Pháo tiếp lời:
-Là Vô Phong, thưa anh. – Ông chú trẻ trả lời Hỏa Chính – Tên này cũng khá, được người Tuyệt Tưởng Thành gọi “thủ lĩnh” không phải chuyện chơi. Hiện giờ hắn bị truy nã, quá tốt cho vị trí Thập Kiếm. Nhưng không hiểu sao Chợ Rác không chọn hắn. Chắc họ nghĩ hắn không bằng Chiến Tử, hoặc hắn trốn kĩ quá, tìm không ra!
Chỉ chờ có vậy, Hỏa Chính liền quay sang Hỏa Nghi:
-Chợ Rác không chọn là may đấy! Này cháu trai, giờ người ta biết thằng tóc đỏ từng vào nhà chúng ta rồi đấy! Cháu nghĩ sao mà để thằng ăn cắp đó đặt chân vào Đảo Sắt Thép vậy? Nghe nói cháu thân thiết với hắn lắm hả?
Bấy giờ Hỏa Thâu Đầu mới ngoảnh lại nhìn Hỏa Nghi, những người khác cũng chú mục theo lão già mũi khoằm. Hỏa Nghi không biết nói gì hơn trong hoàn cảnh này. Gã nghe được tiếng lửa phất phơ như lụa trước gió, ngửi được cả mùi cũ kĩ từ lá cờ gia huy. Vừa may lúc đó, người phục vụ nói bữa tiệc đã sẵn sàng. Tiếng dao nĩa lanh canh lẫn mùi thức ăn cắt ngang những cái nhìn đang chĩa vào Hỏa Nghi. Gã thực sự biết ơn đám phục vụ.
Nến thắp vàng trên bàn, rượu chát đỏ rót ra, bữa ăn của đại gia đình họ Hỏa bắt đầu với món sườn cừu nướng. Hỏa Nghi định xắt miếng thịt thì Hỏa Chính tiếp lời:
-Cha cháu phàn nàn về cháu nhiều lắm đấy, Hỏa Nghi. Từ bé cháu chẳng chịu học hành mà đánh bạn với lũ du thủ du thực. Được công chúa Lục Châu chọn làm hộ vệ thì lại bắt thân với một tên tội phạm. Ta biết cháu không được giáo dục tốt, cháu trai. Cha cháu thì suốt ngày lướt khướt, cả họ ai cũng biết…
Hỏa Nghi mím môi, tay dao tay nĩa dựng đứng như vũ khí. Cả bàn ngừng lại quan sát sự tình, Hỏa Thâu Đầu thì chẳng can ngăn, cứ cắm cúi ăn uống như chờ kịch hay. Thấy thế, một vị trưởng lão đầu trọc to tiếng nạt nộ:
-Câm mồm và ăn cho xong đi, thằng mặt nhọn Hỏa Chính!
-Tôi sai câu nào, thưa chú?! – Hỏa Chính nhún vai, điềm nhiên ăn uống – Cha nó từ hồi làm trưởng tộc chẳng làm chuyện gì nên hồn, suốt ngày chỉ đâm đầu vào rượu. Anh ta uống đến mụ mị đầu óc, hành xử như một tên đần độn, văn bản nào cũng ký, thỏa thuận nào cũng gật đầu. Đến nỗi chính phủ coi thường và nghĩ chúng ta là công nhân của họ. Cha nó thế, mẹ nó cũng chẳng hơn gì. Cô ta chưa bao giờ dạy con mình tử tế. Mà đám đàn bà Vinh Môn quốc chỉ giỏi mấy chuyện bao đồng xã hội, chẳng bao giờ quan tâm gia đình…
Hỏa Nghi tức điên, hai tay dộng mạnh mặt bàn làm đĩa sườn cừu nảy lên. Hỏa Dương ngay lập tức nhổm dậy, túm cổ áo em trai ấn xuống. Hỏa Nghi vùng vằng, hầu như chẳng còn quan tâm rằng mình đang ở giữa cuộc họp gia đình. Hỏa Dương vội vàng lôi gã ra ngoài.
Trên hành lang, Hỏa Nghi chống gối thở hồng hộc như vừa bị ai bóp cổ, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt. Đợi gã bình tâm, Hỏa Dương hất hàm:
-Đừng phá hỏng mọi thứ khi nó còn chưa bắt đầu, em trai. Cậu mà đụng một cọng lông của Hỏa Chính, cả nhà chúng ta chuyển khẩu về Chợ Rác. Hiểu chứ?
Hỏa Nghi lừ mắt nhìn người anh:
-Vậy khi mọi thứ xong hết, tôi được phép đấm vỡ mặt thằng già đó chứ?
-Làm trưởng tộc không phải để đấm vỡ mặt ai, em trai. – Hỏa Dương đáp lời – Hãy bỏ thái độ phổi bò và nhớ một điều, Hỏa Chính không phải “thằng già”, là “chú”. Hãy học cách ăn nói lễ độ.
Hỏa Nghi nhướn mắt trề môi:
-Đừng dạy khôn tôi, ông anh! Anh chỉ là thằng khốn nạn bắt tay với một thằng điên giết cha đẻ. Anh chẳng có tư cách dạy dỗ ai hết!
Hỏa Dương gật gù:
-Nếu chúng ta thắng, chú chửi anh thoải mái. Còn bây giờ nhìn xem, chú chẳng là cái đinh gì cả…
Nói chưa hết câu, y vung tay tát bốp vào mặt em trai. Cái tát nổ đom đóm làm Hỏa Nghi choáng váng, chân loạng choạng suýt ngã. Gã cảm giác răng hàm trái tứa ra cái gì đấy, đẩy lưỡi vào thì thấy mằn mặn. Hỏa Nghi nổi xung chực trả đũa nhưng hơi nóng từ Lò Than phả ra qua khe cửa buộc gã phải dằn lòng. Anh trai nói đúng, ở đây gã chẳng bằng cái đinh gỉ.
-Ổn chưa? Ổn rồi thì vào ăn tiếp… – Hỏa Dương vuốt nếp tay áo cho phẳng – …và đừng làm chuyện ngu ngốc.
Thêm một lần nữa, Hỏa Nghi bước vào căn phòng nồng mùi dầu cháy. Gã trở lại chỗ ngồi rồi tiếp tục bữa ăn. Hỏa Nghi xắt dao cắt thịt cừu và nhận ra nhà bếp làm chưa kĩ, miếng thịt chưa chín tới mà hơi sống, thớ thịt tươm vài giọt máu. Vừa lúc ấy, lão mặt nhọn Hỏa Chính cất lời:
-Ban nãy cháu định làm gì vậy? Này cháu trai, cha mẹ không dạy cháu rằng phải tôn trọng người lớn tuổi à?
Người phục vụ thấy đĩa sườn của Hỏa Nghi chưa chín thì vội xin lỗi, bảo rằng sẽ phục vụ món khác. Nhưng Hỏa Nghi từ chối. Trong đầu gã, những công trình tưởng tượng vẫn tiếp tục thành hình; đây là quận Trăng Khuyết, kia là quận Mắt Trắng, xa xa hơn là Chợ Rác Uất Hận Thành. Còn rất lâu nữa nó mới hoàn thành, nhưng Hỏa Nghi chắc chắn rằng ở vùng tây bắc thành phố tưởng tượng này sẽ không có “nhà”. Gã bật cười đoạn ăn nhồm miếng sườn chưa chín và uống ực ly rượu vang đỏ. Sau đấy gã cười, khóe miệng nhễu giọt máu cừu, máu rượu lẫn máu chảy chân răng vì cái tát từ Hỏa Dương:
-Dạ, là cháu sai. Xin lỗi chú! Cháu sẽ tự kiểm điểm mình. Kìa, mọi người ăn đi chứ! Hôm nay chúng ta họp mặt gia đình mà, vui lên nào!