Đọc truyện Ngục Quỷ – Chương 53
“Quỷ… quỷ…” Thuỷ Căn chỉ vào Quảng Thắng, kinh hãi lắp bắp.
Quảng Thắng đẩy phắt Thuỷ Căn ra: “Quỷ cái đầu ngươi ý! Hai người các ngươi là đồ mịa nó mất dạy! Đã vứt ta lại ở cái chỗ quỷ quái đó rồi, còn mịa nó ôm tiền của ta chạy!”
Nghe thấy thế, Thuỷ Căn mới thở phào nhẹ nhõm, biết đòi tiền thì chắc nụi là người rồi!
Có điều, làm thế nào mà Quảng Thắng có thể thoát ra khỏi mật thất vậy ta?
Quảng Thắng đặt mông ngồi lên giường, chả biết chui từ đâu ra mà quần đến là bẩn, trên mông dính tới hai cân dầu là ít, làm ga giường đang trắng muốt tự dưng lại lòi ra hai vết đen sì.
Gã hầm hừ chỉ thẳng vào mặt Thác Bạt Thiệu, nhưng lời sắp thốt ra đến nơi rồi còn phải cố giáng xuống một nốt: “Ngươi… ngươi đưa tiền của ta ra đây.”
Tựa vào đầu giường, Thiệu cũng không thèm liếc Quảng Thắng lấy một cái. Không nén nổi cơn thịnh nộ nữa, đại ca chẳng buồn quan tâm cái thằng này là ma quỷ hay là cái quái gì nữa, gào lên: “Đừng tưởng rằng ngươi không phải người là ta sẽ sợ ngươi! Ngươi nghĩ ngươi còn nhảy nhót được mấy mấy ngày nữa! Đợi đến Hô Luân Bối Nhĩ coi… Hừ!”
Thiệu nhướn mày: “Hô Luân Bối Nhĩ thì làm sao? Ngươi ra khỏi động bằng cách nào?”
Thấy Thiệu như thế, Quảng Thắng biết hắn đừng hòng nhổ ra miếng thịt mỡ đã đến miệng. Con mắt gã láo liên, liếc qua con dao gọt hoa quả bị ném trên mặt đất, rồi gã liền nhào tới nhặt con dao lên, túm lấy Thủy Căn, kề dao lên cổ hài tử xui xẻo.
“Lấy tiền ra, chúng ta đường ai nấy đi, bằng không, ông mày cũng chỉ có một mình thôi, ông mày đếch thèm sợ cái gì hết sất, hai bên cùng chết là xo…..”
Ngay sau đó, đại ca xã hội đen hoàn toàn hiểu được cái gọi là khác biệt chủng tộc, là nỗi bi ai của người thường.
Gã còn chưa kịp nói hết chữ “xong”, Thiệu đã phất tay, một đám ma trơi lao thẳng vào mặt Quảng Thắng. Bị bỏng, đại ca cuống quít giật lùi mấy bước, con dao văng ra, con tin cũng chạy mất.
Bắt được con dao, Thiệu một cước đạp Quảng Thắng xuống đất, lưỡi dao sắc bén kề lên cổ gã vẽ vòng vòng: “Đại ca, bây giờ ngươi nên ngoan ngoãn nói xem làm sao mà ngươi trốn ra được thì hơn!”
Quảng Thắng nuốt nước bọt đánh ực cái, đơn giản tổng kết lại cuộc đời trong im lặng, một cuộc đời không lấy gì làm dài lắm. Chuột mà dám làm ‘tam bồi’ cho mèo – đúng là thèm tiền không thèm mạng mà!
(‘Tam bồi’ là một nghề phục vụ, tiếp chuyện hay khiêu vũ với khách, có khi biến tướng thành loại hình bất hợp pháp)
Đúng lúc này, lại có người đẩy cánh cửa khép hờ ra, thong thả bước vào. Thuỷ Căn nhìn người đến, mồm há to đến không thể to hơn được nữa.
Vạn Nhân, cũng chính là tiến sĩ Lương, đeo một đôi kính gọng vàng nhã nhặn, tay xách cặp máy tính, âu phục giày da đúng kiểu tinh anh xã hội, ôn hòa bắt chuyện với Thuỷ Căn với vẻ mặt ngượng ngùng: “A, chúng ta lại gặp nhau rồi.”
Sau đó, liếc Quảng Thắng đang bị đè dưới đất, y nói với Thiệu: “Xin lỗi, khoang này có giường của tôi và anh ta, ngài có thể để anh ta đứng dậy không?”
Phía sau y còn có một nhân viên tàu đi theo, đang ngó vào từ sau lưng Vạn Nhân.
Thuỷ Căn vội vàng giật tay áo Thiệu, bây giờ trong một toa tàu đang có đến ba tên tù vượt ngục, cho dù có là quỷ thì cũng phải kiềm chế lại.
Thiệu từ từ nhấc chân lên, Quảng Thắng chật vật đứng dậy, nhe răng với nhân viên tàu: “Chúng tôi đùa giỡn thôi mà, ngại quá!”
Phải biết rằng, nhân viên tàu đã nhận không ít tiền của bốn người trong toa này, nên cũng chẳng buồn xen vào việc của người ta nữa, nhún vai, bỏ đi.
Cánh cửa khép vào, chỉ còn lại bốn tên oan gia đối đầu, mắt to trừng mắt nhỏ.
Đại ca Quảng Thắng là người đầu tiên đứng dậy. Vừa thấy ô dù tới rồi, gã liền thẳng lưng tức tối phá tan bầu không khí xấu hổ bằng cách kể lại “đào mệnh thoát hiểm sử” của mình.
Thật ra thì cách Quảng Thắng thoát ra được rất đơn giản thôi. Khi bọn Thuỷ Căn trèo lên vách núi, thì gã và vị Phùng cục trưởng kính yêu rớt lại đại sảnh tam giác.
Lúc bò ra khỏi hồ nước mặn, Phùng cục trưởng cũng muốn túm dây leo để bò lên trên, tiếc rằng dây leo quá gần lửa, cục trưởng chưa trèo được lên nó đã quắt lại rồi.
Cuối cùng, hắn nghiến răng nhào tới Quảng Thắng đang trốn một góc.
Lúc đó, đại ca đã kinh hoàng đến nỗi không còn biết sợ hãi gì nữa rồi. Thấy Phùng cục trưởng quái dị bổ nhào về phía mình, trong cái khó ló cái khôn, gã túm lấy một con thiêu thân đang cháy rừng rừng bên cạnh rồi vung lên.
Phùng cục trưởng sợ hãi thối lui, cuối cùng, hắn cắn chặt răng, chẳng màng sống chết lao thẳng vào người Quảng Thắng như phát điên rồi, dùng hai bàn tay bị thiêu cháy xiết cổ Quảng Thắng huynh, khiến đại ca phải há mồm ra sức hớp không khí.
Phải công nhận rằng Phùng cục trưởng kia đúng là cầm thú, cuối cùng khi ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, hắn vẫn gây ra một tội ác khiến người ta phải phẫn nộ – hắn dán cái mồm rộng ngoác đầy răng nanh đã bị cháy thui nham nhở kia lên bờ môi đỏ thắm khoẻ mạnh của đại ca, thực hiện một nụ hôn sâu tiêu chuẩn.
Trong khoảnh khắc kia, nếu có thể lựa chọn, đại ca nhất định sẽ chọn mổ bụng tự sát, thà chết cũng không muốn chịu tội tình này.
Sau cái hôn này, Phùng thịt nướng nằm bẹp trên người Quảng Thắng không nhúc nhích như một miếng thịt nướng chín! Quảng Thắng đại ca đẩy hắn ra, ói mửa nửa buổi, còn lấy nước mặn súc vài lần.
Bấy giờ, Quảng Thắng nhận thấy dòng nước chảy từ thác đã vợi bớt, chợt nhớ tới những gì xảy ra khi hồ nước rút hết. Gã vội vàng nhảy lên “bè da người”, dùng sợi tơ bọc kín lấy mình, theo đường hầm dưới đáy hồ trôi về cái hồ trong mật thất lúc đầu.
May mà có “bè da người”, không thì chẳng biết gã đã bị ấu trùng muỗi xương khô trong hồ chích ra nông nỗi nào rồi nữa. Nhưng sau khi lên bờ, đi tới lối vào mật đạo thì gã trợn tròn mắt.
Làm thế nào cũng không đẩy cửa mật đạo ra được, gã thậm chí có thể nghe được đoạn đối thoại giữa Thuỷ Căn và Thiệu ở bên ngoài, nhưng dù ở bên trong gã có kêu gào thế nào đi chăng nữa, bên ngoài cũng không nghe được.
Sau đó gã nghe thấy Thiệu hết kiên nhẫn nổi lôi Thuỷ Căn đi.
Đại ca nghĩ đến cảnh mình sẽ chết đói trong cái hang này, khỏi nỏi cũng biết trong lòng gã đau đớn và tuyệt vọng đến thế nào. Đúng lúc này, cánh cừa mật động bất thình lình bị đập thủng một lộ.
Một thanh niên nhã nhặn đứng ở lối vào, nhưng điều không được nhã nhặn cho lắm chính là đôi tay dính đầy máu của y, và bên cạnh là thi thể một lão hoà thượng.
Khi nhìn rõ ánh mắt của thanh niên, từ tận sâu trong đáy lòng Quảng Thắng rùng mình ớn lạnh. Dám giết cả người xuất gia thì chỉ có thể là kẻ liều mạng không sợ báo ứng.
Cứ như vậy, gã theo thanh niên này trở về khách sạn, và phát hiện hai con rùa chết tiệt chỉ lo thân mình đã ôm tiền chuồn mất, gã liền đuổi tới chuyến tàu này theo chỉ thị của người thanh niên.
Trong khi Quảng Thắng nói văng nước miếng, thì Vạn Nhân lại rất thản nhiên chọn cái giường phía trên cái của Thiệu, cởi âu phục ra gấp lại, rồi xoay người nằm lên giường.
Quảng Thắng nói xong, Thuỷ Căn chọt chọt Thiệu, ý bảo hắn hỏi cho rõ cái coi!
Bị chọt, Thiệu tỉnh trí lại, trừng Thuỷ Căn một cái, rồi mới hỏi Vạn Nhân: “Ngươi đuổi theo rồi lại chui vào toa của chúng ta, là có ý gì đây?”
Ngồi trên giường lấy máy tính ra, Vạn Nhân ôn tồn nói: “Vì đúng lúc tôi cần đi công tác đến Hô Luân Bối Nhĩ để nghiên cứu đề tài, lại được ngồi cùng toa với mọi người, thật trùng hợp!”
“Vạn Nhân, sau khi tất cả những gì ngươi đã làm ở kiếp trước bị vạch trần, ngươi cho rằng ta sẽ không giết ngươi sao? Ngươi đừng có mơ là ta còn nhớ nhung gì tình cũ với ngươi!”
Nghe hết những lời này, tiến sĩ khẽ nhếch khóe môi một cách đầy ẩn ý và hỏi: “Ta biết ngươi đã chẳng còn tình cũ nào với ta nữa, ba cây băng châm đó không phải là minh chứng tốt nhất rồi sao?”
“Đó là bởi vì tình huống cấp bách, nếu không… ta đã không…”
Thuỷ Căn nghe mà chỉ muốn vứt quách lỗ tai ra cửa xe, tai không nghe tâm không phiền!
Giờ thì cậu đã hiểu quá rõ Thác Bạt Thiệu rồi: tàn nhẫn, nhưng không đủ cứng rắn! Hắn là một hài tử chí tình chí nghĩa, nếu không hắn đã chẳng năm lần bảy lượt cứu cậu thoát chết trong gang tấc.
Thằng em cậu tính tình vặn vẹo, chỉ sợ rằng mỹ nhân rắn rết kia đã hiểu rõ từ kiếp trước rồi!
“Vạn Nhân, ngươi cũng muốn tới động Dát Tiên nhỉ? Rốt cuộc trong động Dát Tiên ẩn chứa bí mật gì chắc là ngươi biết rõ, hơn nữa ngươi còn chủ động tìm chúng ta, hẳn cũng có dụng ý riêng. Ngươi muốn thế nào, nói rõ đi!” Thuỷ Căn chen vào nói.
Tiến sĩ Vạn trả lời Thuỷ Căn thì mặt mày vui tươi phơi phới, khoé mắt ngậm xuân: “Hoá ra các ngươi cũng biết động Dát Tiên, cũng phải, nhất định là kiếp trước Tự đã để lại đầu mối cho các ngươi.
Tuy nhiên, e rằng các ngươi còn chưa rõ chi tiết. Để nói về động Dát Tiên thì phải nhớ lại một chút về nguồn gốc của dân tộc Tiên Ti: tộc Bắc Tiên Ti vốn là một chi của Đông Hồ, vì nhiều đời sống trên núi Tiên Ti nên mới có cái tên này. Có học giả cho rằng núi Tiên Ti hẳn là một ngọn núi thuộc Tất Bỉ Lợi Á, còn có học giả lại khăng khăng rằng nó nằm ở vùng phía bắc dãy Đại Hưng An, Hô Luân Bối Nhĩ. Tuy nhiên, từ sau khi động Dát Tiên được phát hiện, những cuộc tranh luận này đã chấm dứt, tộc Thác Bạt chắc chắn là khởi nguồn từ rặng núi phía bắc dãy Đại Hưng An…”
Thiệu lạnh lùng ngắt lời Vạn Nhân: “Có bản vương ở đây, còn cần Hán nhân ngươi giải thích bộ tộc Thác Bạt từ đâu mà đến sao?”
Tiến sĩ cười mỉa mai: “Chỉ sợ con cháu vương thất bất tài vô học như ngươi không nhớ rõ được thôi. Sau khi rời khỏi động Dát Tiên, Bộ tộc Bắc Tiên Ti đã vài lần phát động nam tiến, thanh niên trong tộc đã quên mất gốc gác của mình rồi.”
“Vậy chúng ta đang tới động Dát Tiên để tế tổ sao?” Thuỷ Căn hỏi tiếp.
Vạn Nhân cười: “Ai nói ở mảnh đất khởi nguồn nhất định phải mai táng tổ tiên?
Tộc Tiên Ti là tộc người sống du mục trên vùng đất màu mỡ ở dãy Hưng An, mùa hạ trồng lúa, mùa thu hái quả, mùa đông săn thú, no ấm biết bao.
Nhưng đến thời Thác Bạt bộ tù trưởng Thác Bạt Cật lại thừa dịp vương triều Đông Hán đánh bại Bắc Hung Nô, vứt bỏ động Dát Tiên xưa cũ, rời khỏi thâm sơn cùng cốc, trải qua “cửu nan bát trở”, một đường chém giết, để tới đại thảo nguyên Hô Luân Bối Nhĩ, bắt đầu cuộc sống du mục lang thang “phong xuy thảo đê kiến ngưu dương” (1).
Điều gì đã thúc đẩy ông không tiếc tổn hại sức mạnh của bộ lạc, vứt bỏ cuộc sống nhàn nhã tự do để tiến thẳng xuống phía nam?
Mọi người không cảm thấy đoạn lịch sử này dường như… không giống dã tâm mở rộng địa bàn của một bộ lạc, mà ngược lại giống như một đoàn lưu dân kinh hoàng phải mở đường máu bằng nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng để sống cho qua ngày sao?”
“Câm miệng! Ngươi nói dối!” Nghe thấy thế, Thiệu không nhịn nổi nữa, suy cho cùng trong cơ thể này cũng là hồn phách của con cháu dân tộc Tiên Ti kiêu ngạo, quả thực không thể chịu nổi việc Vạn Nhân bôi nhọ công lao to lớn của tổ tiên mình. Trên đầu hắn nổi đầy gân xanh.
Bằng vẻ mặt thương hại, Vạn Nhân lắc đầu với Thiệu: “Ngươi nghĩ vì sao Tự để lại đầu mối dẫn tới động Dát Tiên? Y gửi gắm hy vọng lên một kẻ vừa ngu ngốc vừa cố chấp như ngươi, có nên gọi là ‘kẻ trí tính nghìn điều mà vẫn có điều sơ suất’ không?”
.
(1) Một câu thơ trích trong bài dân ca “Sắc Lặc ca” lưu truyền trong dân tộc Tiên Ti thời Nam Bắc triều. Sắc Lặc là tên một tộc người sống ở Sóc Châu (nay là phía bắc tỉnh Sơn Tây) thời Bắc Tề.
Hán Việt:
Sắc Lặc xuyên, Âm Sơn hạ
Thiên tự khung lư, lung cái tứ dã
Thiên thương thương, dã mang mang
Phong xuy thảo đê kiến ngưu dương
Dịch nghĩa:
Thảo nguyên Sắc Lặc, dưới chân núi Âm Sơn
Bầu trời như mái lều, bao trùm lên đồng cỏ
Trời xanh xanh, đồng mênh mông
Gió thổi cỏ rạp thấy bò dê