Ngư Trường Kiếm

Chương 7: Trảm Kình Ngư Bách Tính Hoan Tâm-sát Trường Xuân Liễu Kết Phụ Thù


Bạn đang đọc Ngư Trường Kiếm – Chương 7: Trảm Kình Ngư Bách Tính Hoan Tâm-sát Trường Xuân Liễu Kết Phụ Thù

Chàng và Phụng Hương về đến tổng đàn Cùng Gia Bang ngày rằm tháng năm.
Trinh sát Cùng Gia Bang trong thành Lai Vu báo về rằng vẫn chưa thấy quan quân xuất hiện, và Tôn Giả cũng không hề rời sơn cốc.
Những ngày cuối tháng năm, đột nhiên trời đổ mưa bất ngờ. Trận mưa trái mùa này như cơn giận dữ của trời xanh, ầm ầm trút xuống làm tan nát hoa màu, cuốn trôi ruộng vườn. Nước sông Hoài dâng lên từng ngày đe dọa phá vỡ đê điều, tình trạng Hoàng Hà cũng vậy, lệnh báo động hộ đê ban ra khắp năm tỉnh Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hung Châu, Giang Tây.
Những cơn cuồng phong ập vào vùng duyên hải phía Đông Bắc Trung Hoa.
Tai hại hơn cả là một con kình ngư dài mười trượng, to bằng bốn chiếc đại thuyền sợ bão từ Bột Hải bơi ngược Hoàng Hà tiến vào nội địa.
Đến ngang thành Hàm Đan, nó cảm thấy khó chịu vì dòng nước đục ngầu phù sa của Hoàng Hà nên quậy phá. Mỗi cú đập đuôi nặng đến mấy ngàn cân khiến đê điều hai bên bờ như muốn sụp đổ.
Hai mươi chiếc thuyền của thủy sư đề đốc Hà Bắc đã tan nát mà chẳng làm gì được kình ngư. Những vết thương nhỏ trên da chỉ làm nó thêm điên cuồng.
Vĩnh Lịch Hoàng Đế xuống chiếu cầu hiền, đích thân ngự giá chỉ huy cuộc chiến với quái vật.
Hàng vạn quân sĩ túc trực hai bên bờ để đắp ngay những đoạn đê bị kình ngư hủy hoại.
Chính vì sự kiện này mà cuộc hẹn ở Ưng Sơn bị hoãn lại. Quần hùng kéo nhau đến đoạn sông có thủy quái để tham gia tiêu diệt.
Hôm ấy là ngày mồng bốn tháng sáu, năm Vĩnh Lịch thứ mười tám, trời bớt mưa nhưng nước sông vẫn tràn về cuồn cuộn, chỉ còn mấy thước là tràn mặt đê.
Kiếm Vân đứng ở bờ Nam nhận ra đủ mặt anh hào. Ai cũng muốn vì trăm vạn lê dân mà giết cho được kình ngư. Đã có gần trăm cao thủ táng mạng.
Bên kia sông, Minh Thần Tông cùng bá quan ngồi trên đài cao quan chiến. Hoàng thượng đích thân gõ trống hỗ trợ tinh thần cho đám thủy quân đang liều mình. Nhưng chỉ hai khắc sau, mấy chục chiếc thuyền đã vỡ tan, mang theo hàng ngàn quân lính, chìm vào nước Hoàng Hà.
Bỗng Liêu Đông Tôn Giả xuất hiện. Lão vận công quát lớn:
– Khải tấu hoàng thượng, lão thần là Thần Vũ Bá xin được giết kình ngư.
Đoạn sông này rất hẹp, chỉ độ ba chục trượng nên mọi người đều thấy rõ Vĩnh Lịch hoàng đế đứng lên ra hiệu cho họ Quan hành động.
Tôn Giả rú lên như rồng ngâm, tung mình lên không, nhẩy xuống lưng kình ngư, lúc này đang ở sát bờ Nam. Lão cắm cây thiết trượng dài nửa trượng xuống đầu thủy quái. Con vật đau đớn lặn xuống đáy sông khiến họ Quan phải nhẩy lên, điểm chân liên tiếp vào những mảnh gỗ đang trôi theo sóng. Khinh công tuyệt thế của lão khiến mọi người khâm phục, hoan hô vang dội.
Nhưng kình ngư đã trồi lên, vung chiếc đuôi to bằng cả một mảnh sân đập xuống. Tôn Giả kinh hoàng tung người lên không tránh thoát. Nhưng lúc rơi xuống, dưới chân chẳng có gì làm điểm tựa nên lão chìm xuống nước, ướt như chuột lột, lóp ngóp bơi vào bờ.
Võ Lâm Chí Tôn mượn cây thiền trượng dài nặng của Thiên Nhất Thần Tăng, nhẩy xuống vận toàn lực đập mấy chục trượng vào đầu kình ngư. Nó đau đớn lặn xuống khiến họ Hàn cũng rơi vào cảnh ngộ như Liêu Đông Tôn Giả.
Kình ngư tiếp tục đập phá tường đê hai bên bờ.
Vô Trần đạo trưởng than trời:
– Cả hai đại cao thủ số một võ lâm còn không làm gì được thủy quái, phải chăng trời già cay nghiệt quyết dìm chết trăm vạn lê dân?
Kiếm Vân nổi lòng bi phẫn, bảo Phụng Hương:
– Làm thân hiệp khách, nỡ nào thấy trăm họ sắp rơi vào tử địa mà không liều mình cứu giúp? Nếu ta có mệnh hệ nào xin hẹn nàng kiếp lai sinh.
Phụng Hương biết tính chàng, sa lệ gật đầu. Chàng hỏi Cửu Phi Ma:
– Đại ca có biết chèo thuyền không?
Lão cười lớn:
– Tô mỗ biết chèo thuyền từ năm lên mười tuổi.
Chàng dặn dò lão:

– Hiện nay kình ngư đang tàn phá bên bờ Bắc. Lão ca chèo thuyền con đưa tiểu đệ sang đấy. Khi nào thấy tiểu đệ đã chui vào miệng kình ngư thì rút lui ngay. Tiểu đệ xin ký thác mẫu thân cho đại ca và Lưu thư thư.
Lão nghẹn ngào nhận lời:
– Hiền đệ yên tâm!
Quần hùng thấy hai người dùng thuyền con vượt sông, hồi hộp theo dõi. Thiên Nhất Thần Tăng vận thần công nói lớn:
– Thiện tai! Thiện tai! Mong phật tổ phù hộ cho Liễu bang chủ.
Từ ngày chàng giết Tam Nhật Tây Thi, đả thương Tam Nhãn Tú Sĩ, phá vỡ âm mưu của Liêu Đông Tôn Giả, thanh danh lẫy lừng võ lâm, hào kiệt bốn phương đều ngưỡng mộ. Nay họ thấy chàng liều mình đi giết thủy quái, đồng thanh hô lớn:
– Cầu chúc Liễu bang chủ mã đáo thành công!
Tiếng họ vang rền, át cả tiếng đập đuôi của kình ngư nên Vĩnh Lịch hoàng đế nghe rất rõ. Ngài chăm chú theo dõi chàng thanh niên cầm kiếm đang hiên ngang đứng trên chiếc thuyền con. Đại Lực Ma Quân trổ thần lực, vung hai mái chèo đẩy thuyền vượt sóng sang sông.
Còn cách kình ngư năm trượng, chàng bảo Cửu Phi Ma:
– Tô đại ca quay thuyền lại đi.
Dứt lời, chàng ôm kiếm phóng xuống làn nước đục ngầu của Hoàng Hà. Lúc này kình ngư đang nghỉ ngơi, chiếc miệng khổng lồ của nó hút lấy nước sông, phun ra lỗ thoát trên đầu.
Kiếm Vân hít một hơi dài phóng thẳng vào miệng thủy quái. Chàng xuôi theo giòng nước vung kiếm phá nát tất cả những gì chặn đường. Tấm lưới lọc thức ăn bị hủy hoại đầu tiên, chàng lọt qua đấy và bị cuốn ngược lên ra hướng lỗ thoát.
Kiếm Vân cố trụ lại, lảo đảo tiến sâu vào bên trong. Thanh trường kiếm như bánh xe thép xé tung cuống họng con vật. Đi thêm vài bước nữa, chàng nghe tiếng đập của trái tim, liền tiến đến đâm chém.
Hàng vạn người trên bờ tận mắt thấy chàng lọt vào miệng kình ngư và lát sau con vật trồi lên lặn xuống, đuôi đập ầm ầm.
Kiếm Vân ở trong bị nhồi như xúc xắc, nhưng vẫn cố bám chặt trái tim mà đâm chém. Máu từ quả tim khổng lồ trào ra ngập cả khoang họng. Nửa khắc sau, không còn nghe tiếng đập nữa, chàng mừng rỡ mò mẫm quay ra.
Chàng sờ trúng màn lọc, xác định vị trí chỗ thoát nước, thọc thử vài kiếm. Thấy không sai, Kiếm Vân khoét rộng rồi thoát ra ngoài.
Lúc này kình ngư đã bất động, nổi lờ đờ trên mặt nước, bị sóng Hoàng Hà cuốn trôi dần đi. Mọi người kinh hãi thét nhau bơi ra chặn xác thủy quái lại để cứu Kiếm Vân. Nhưng họ chưa kịp hành động thì chàng đã lóp ngóp chui ra, đứng trên đầu kình ngư dơ kiếm lên chào.
Hàng vạn người gào thét như điên loạn. Hoàng thượng cũng cao hứng đập trống liên hồi, lệnh cho ngự tiền thị vệ triệu kiến chàng hiệp sĩ.
Quan ngự tiền đới đao cũng là cao thủ võ lâm nên cũng vận công gọi lớn:
– Thánh thượng triệu kiến Liễu tráng sĩ.
Đột nhiên mưa ngừng rơi, mây đen bị ngọn gió Nam xua tan tác, vầng dương mờ nhạt, le lói nhưng cũng đủ làm an lòng lê thứ.
Minh Thần Tông là người mê tín, quay sang bảo bá quan:
– Phải chăng trung thần xuất hiện phò tá trẫm nên trời quang mây tạnh, lành thay! Lành thay!
Xác kình ngư đã bị mười chiếc chiến thuyền chặn lại, dùng móc sắt neo chặt vào bờ.
Chiếc thuyền nhỏ của Cửu Phi Ma đã nhanh chóng đưa Kiếm Vân sang bờ Bắc. Y phục chàng còn đỏ hồng vì máu kình ngư nhưng gương mặt anh tuấn đã được nước sông rửa sạch.
Quần hùng đua nhau xuống thuyền con sang sông xem thánh thượng phong thưởng Kiếm Vân. Vĩnh Lịch hoàng đế xuống lầu gỗ, ngự tọa trên cổ đại ỷ đặt giữa mặt đê. Bá quan đứng hai bên chầu hầu.
Đoạn đê này cũng quan yếu nên rộng đến bẩy trượng, xe ngựa có thể qua lại được. Kiếm Vân chờ Phụng Hương và quần hùng sang đến nơi mới vào bái kiến.
Chàng quỳ xuống tung hô:

– Thánh thượng vạn tuế! Thảo dân là Liễu Kiếm Vân khấu đầu bái kiến.
Vĩnh Lịch xua tay:
– Khanh hãy bình thân cho trẫm được ngắm dung mạo bậc anh hùng.
Ngài thấy chàng hiên ngang tuấn tú nhưng không thiếu vẻ thuần hậu, trung thực nên đẹp lòng phán:
– Khanh liều thân chui vào bụng quái ngư, cứu cho lê thứ hai bên bờ Hoàng Hà thoát cảnh lầm than, chết chóc. Công lao ấy chẳng khác bậc khai quốc công thần.
Kiếm Vân nhớ lời dạy của ân sư Nan Đề lão nhân nên khiêm tốn nói:
– Thánh thượng là bậc thiên tử cao quý tột cùng mà còn vì an nguy của lê thứ dầm mưa đội gió, thống lĩnh ba quân tiêu diệt thủy quái, thì công lao của thảo dân nào có sá gì. Cũng nhờ hồng phúc và sự cổ vũ của long nhan nên thảo dân mới may mắn thành công.
Vĩnh Lịch nghe chàng tán tụng công đức của mình mà không nhận công lao, ngài đẹp dạ bảo:
– Hiền khanh hiểu rõ được nỗi khổ của trẫm là điều rất tốt. Nhưng đã là bậc minh quân phải thưởng phạt công minh. Khanh có công hạn mã, muốn được ân thưởng điều gì cứ trình tấu?
Kiếm Vân nghiêm nghị tấu rằng:
– Khải tấu thánh thượng, Kiếm Vân không xin gì cho mình mà chỉ mong thánh thượng để cho các phái trong võ lâm giữ nguyên truyền thống của mình. Còn việc bọn cao thủ Mãn Châu xâm nhập, chúng thảo dân nguyện sẽ diệt trừ không còn một mống.
Hoàng thượng đã sinh lòng yêu mến chàng nên chấp thuận ngay:
– Trẩm chuẩn tấu, mong rằng khanh sẽ sớm thành công và về triều tham chính, phò tá cho Đại Minh.
Kiếm Vân lạy tạ rồi cáo từ. Liêu Đông Tôn Giả giận tím mặt, chẳng dám mở miệng, lặng lẽ rút lui.
Quần hùng trở lại bờ Nam, kéo nhau vào huyện thành Bộc Dương ăn uống. Bách tính trong thành đã sắp hương án quỳ chật hai bên đường lạy tạ Kiếm Vân. Họ đã từng sống qua cảnh vỡ đê nên vô cùng cảm kích công ơn của chàng. Đi đến đâu cũng nghe cầu:
– Hoàng thiên phù hộ cho Liễu tráng sĩ.
Kiếm Vân ngượng ngùng vòng tay đáp lễ, bước đi thật nhanh, bấm bụng nhịn đói, cố rời thành cho sớm.
Nhưng vừa mới đến cửa Hoàng Hà đại tửu lâu, bách tính đã đứng chặn kín đường, mời chàng và quần hùng vào dự yến.
Chủ nhân tiểu lâu là một lão già to béo. Lão vái chàng lia lịa nói:
– Tráng sĩ là ân nhân của hàng trăm vạn người vùng này và đương nhiên của cả lão phu. Nếu kình ngư phá vỡ đê thì căn tiểu lâu này cũng chẳng còn, xin tráng sĩ và chư vị anh hùng cứ tùy tiện ăn uống. Dù mấy ngày đêm cũng chẳng hề gì.
Võ Lâm Chí Tôn cười khà khà:
– Bách tính đã có lòng, chúng ta vào quấy quả họ một bữa.
* * *
Sau trận tiêu diệt kình ngư trước mặt hoàng thượng, thanh danh của Kiếm Vân vang dội thiên hạ. Không phải chỉ trong giới võ lâm mà cả trong lòng bách tính. Chàng trở thành một hiệp sĩ trong truyền thuyết, được người ta kể đi kể lại.
Đầu tháng chín, chàng gửi thư cho Đại Phi Ma, hẹn ngày rằm sẽ đến đòi nợ máu. Hào kiệt tam sơn ngũ nhạc đã biết trước cuộc phó ước này nên tràn ngập khắp thành Tín Dương.
Sáng ngày rằm, bọn Kiếm Vân kéo đến Tín Dương, dẫn đầu là xe song mã chở Liễu phu nhân, theo sau là bốn cao thủ Kim Ưng Môn và gần trăm đệ tử. Ngọn cờ trắng thêu Kim Ưng bằng chỉ vàng phất phới trong ngọn gió thu.
Kim Ưng Môn đã chính thức trở lại giang hồ từ ba tháng nay.
Liêu Đông Tôn Giả đã bị mất sự ân sủng của hoàng đế nên không còn là mối đe dọa đáng sợ nữa. Các phái quay sang truy tầm bọn nội gián Mãn Châu nhưng vẫn giám sát chặt chẽ Kim Long Bang.

Năm vị Ma Quân đã chờ sẵn trước cửa tổng đàn. Các phái bạch đạo và anh hùng các lộ đến quan chiến rất đông. Thấy chàng, họ đồng thanh chào:
– Liễu bang chủ!
Kiếm Vân giới thiệu bốn vị sư thúc của mình rồi nói:
– Hôm nay cũng là ngày giỗ của tiên phụ. Bọn ta năm người sẽ đấu với ngũ vị Ma Quân. Tại hạ chọn Đại Phi Ma. Xin mời!
Trường Xuân Ma Quân chậm rãi bước ra. Lão khổ luyện chưởng pháp nên không dùng vũ khí. Kiếm Vân cũng trao kiếm cho Phụng Hương.
Chàng quát lên như sấm động, dỡ pho Kim Thủ Liên Hoàn Trảm xông vào tấn công. Ma Quân biết bản lãnh chàng cao cường, vội đem pho chưởng pháp thành danh là Xích Mê Chưởng ra chống cự.
Song thủ Kiếm Vân tỏa ánh vàng kim trong khi đôi bàn tay Đại Phi Ma có sắc hồng. Chưởng kình của lão mang theo hơi nóng rát da, đôi lúc bất ngờ biến thành ngọn lửa đỏ rực như muốn thiêu đối thủ thành than.
Nhưng Kiếm Vân đã luyện Kim Quang thần công đến lớp thứ tám, toàn thân bao phủ một màn cương khí vàng nhạt, không hề bị ảnh hưởng bởi sức nóng của Xích Diện Chưởng.
Trường Xuân Ma Quân than thầm, thay đổi đấu pháp, dùng lối đánh trực diện, đổi đòn những mong nhờ tu vi thâm hậu hơn mà thủ thắng.
Nhưng pho Kim Thủ Liên Hoàn Trảm là tuyệt học của Kim Ưng Môn, cực kỳ linh diệu, biến ảo. Song thủ chàng biến hóa thành ngàn vạn cánh tay vờn quanh đối thủ. Chàng đã quyết tâm dùng võ công bổn môn để trả phụ thù nên ba tháng nay ngày đêm khổ luyện pho tuyệt chưởng.
Trường Xuân Ma Quân bị áp đảo lui liền tám bước, động nộ gầm lên xuất hiện Hỏa Sơn Phún Thạch, đôi bàn tay đỏ hồng như những cục dung nham nóng bỏng đập vào màn chưởng ảnh vàng kim. Công lực lão cao hơn chàng nên đã phá tan được màn chưởng ảnh. Kiếm Vân cười nhạt, đảo bộ lùi nhanh ba bước, rồi lại ập đến xuất chiêu Trùng Xuyên Hồi Trảm. Hàng ngàn vòng tròn đảo lộn chụp lấy thân trên đối phương.
Ma Quân nghiến răng tung mình lên không, vận toàn lực giáng xuống mười hai đạo chưởng kình đỏ rực. Đây chính là tuyệt chiêu Diệm Hỏa Lôi Đình lừng lẫy võ lâm.
Mọi người lo lắng cho Kiếm Vân. Nhất là họ thấy chàng không tránh né mà lại quay tít thân mình, tung người lên xuyên thẳng vào cơn bảo chưởng phong khủng khiếp của Ma Quân.
Song thủ chàng như hai thanh cương đao vun vút luân chuyển, xé nát chưởng kình ập vào cơ thể Ma Quân. Chiêu Vô Nhẫn Kim Thủ là kỳ chiêu hãn thế, cả các sư thúc của chàng cũng chưa luyện được.
Chỉ trong chớp mắt, song phương áp sát nhau rồi bật ra.
Màn cương khí quanh thân Kiếm Vân đã mất hẳn, mặt chàng tái xanh, máu trào ra khóe miệng. Nhưng Đại Phi Ma thê thảm hơn nhiều, lồng ngực lão bị xé tung đến rốn, phủ tạng lộ ra, máu tuôn như suối.
Bỗng Cửu Phi Ma từ phía sau lao đến ôm thi thể Ma Quân gào khóc:
– Đại ca! Hai mươi năm trước nếu nghe tiểu đệ thì làm gì có ngày hôm nay?
Trường Xuân Ma Quân vẫn chưa chết, lão thều thào bảo:
– Tô cửu đệ, ngươi gọi Liễu công tử lại đây cho ta.
Kiếm Vân đang vận công chữa thương, nghe thấy vậy liền bước lại gần. Đại Phi Ma đem hết tàn lực nói:
– Lão phu biết rõ đêm ấy nhị đệ, tam đệ, tứ đệ và bát đệ không giết ai cả. Hãy tha cho họ. Trời xanh có mắt nên những người nhúng tay vào máu đều đã đền tội cả rồi.
Chàng biết lão nói thật nên gật đầu:
– Nếu quả thật tay họ không vấy máu thì tại hạ cần gì phải báo phục? Tôn giá cứ yên tâm nhắm mắt.
Trường Xuân Ma Quân mỉm cười, hồn về chín suối. Năm lão Phi Ma quỳ bên khóc nức nở.
Võ Lâm Chí Tôn đến bên an ủi:
– Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, Lư lão gieo gió thì gặt bão, luật trời đã định. Chư vị nên bớt bi thương lo việc chôn cất cho Lư Tuấn. Bổn tòa sẽ cử người rước Thái Hồ Tiên Tử đến dự tang lễ.
Kiếm Vân cao giọng mời:
– Hôm nay là ngày giỗ của tiên phụ, tại hạ kính thỉnh chư vị anh hùng đến tổng đàn Lạc Dương dùng chén rượu nhạt.
Mọi người phấn khởi đi theo phái đoàn Cùng Gia Bang. Xế chiều đã về đến Lạc Dương. Dù nhân số có nhiều hơn dự kiến đến mấy trăm người, nhưng Cùng Gia Bang thế mạnh người đông. Thành Lạc Dương lại là nơi đô thị có hàng trăm tửu quán, phạn điếm nên chỉ hai khắc sau đã đáp ứng đầy đủ.
Liễu phu nhân bảo Kiếm Vân dâng hương rồi ra ngoài tiếp đãi quần hùng, còn bà quỳ xuống thì thầm tâm sự với hương hồn Luân Kiếm.
Đầu canh một xuất hiện một vị thượng khách không mời mà đến. Đó là Tuần Phủ Hà Nam. Mặt lão đầy vẻ hoảng hốt lo sợ đòi gặp Liễu bang chủ. Thấy chàng, lão kính cẩn trao mật chỉ. Kiếm Vân xem xong biến sắc bảo:

– Đại nhân yên tâm, sáng mai thảo dân và các cao thủ hạng nhất sẽ lên đường ngay. Mời người an tọa, dùng chén rượu nhạt với quần hùng.
Lâm Tuần Phủ tử tạ:
– Bổn quan còn phải về phủ đường điều động quân sĩ lục soát toàn tỉnh Hà Nam. Mong tráng sĩ lượng thứ cho.
Chờ lão đi khỏi, chàng quay lại nói với mọi người đang dương đôi mắt hiếu kỳ:
– Công chúa Vĩnh Sương đã bị nội gián Mãn Châu bắt cóc. Thánh thượng cho triệu kiến tại hạ và đại biểu võ lâm Trung Nguyên. Chúng ta phải tìm cho ra công chúa và đem người về an toàn. Nhưng chuyện ấy sẽ tính sau, mời chư vị tiếp tục uống rượu.
Dù chàng nói như vậy, nhưng tin này đã trở nên đề tài chính trong bàn tiệc. Võ Lâm Chí Tôn đứng lên bảo:
– Chư vị ở đây muốn nói gì cũng được nhưng lúc ra về, tuyệt đối không được hé răng. Nếu lộ ra sẽ rất nguy hiểm cho Kiếm Vân.
Ai nấy đều giật mình, hứa sẽ thủ khẩu như bình. Cuối canh hai tiệc tan, mọi người ngủ lại tổng đàn vì nơi đây có đến mấy trăm phòng, dành cho đại biểu các địa phương cư ngụ mỗi lần đại hội toàn bang.
Đầu canh ba, Kiếm Vân mời các chưởng môn lên khách sảnh bàn bạc.
Kiếm Vân hỏi Cầu Nhiệm Cái:
– Lạn trưởng lão phụ trách mạng lưới trinh sát Cái Bang, có nhận được tin tức gì của phân đàn Bắc Kinh hay không?
Cầu Nhiệm Cái lắc đầu:
– Đệ tử bổn bang bố trí suốt từ Sơn Hải Quan về đến đế đô, nhưng không phát hiện điều gì lạ.
Vô Trần đạo trưởng góp ý:
– Có lẽ chúng ta phải đến Bắc Kinh hỏi xem công chúa bị bắt cóc trong trường hợp nào mới có manh mối điều tra.
Kiếm Vân tư lự:
– Trong mật chỉ có nói rằng nàng bị bắt trên đường đi dâng hương ở chùa Quảng Tế, nằm ở cửa Bắc đế đô. Thời điểm là ngày mồng một tháng chín.
Võ Lâm Chí Tôn vuốt râu bảo:
– Trong vụ án này, Vân nhi không cần đem theo nhiều cao thủ làm gì vì trong lực lượng thị vệ có rất nhiều người võ nghệ cao cường. Chủ yếu là phải tìm được người tinh minh, cơ trí, giỏi thuật truy tung.
Cầu Nhiệm Cái ứng tiếng:
– Truy Phong Cái Viên Long là người thích hợp nhất. Chính hắn đã điều tra ra cái chết bí ần của Tiếu Diện Hồ Ly, cố phu nhân của bang chủ.
Nghe nhắc đến Thái Dung, Kiếm Vân nghe đau nhói trong lòng nhưng cố nén thương tâm gật đầu:
– Xin Lạn trưởng lão gọi gã lên đây.
Cầu Nhiệm Cái lãnh lệnh bước ra, bảo tên hóa tử gác cửa sảnh đi tìm họ Viên.
Hàn môn chủ cười bảo:
– Nha đầu Phụng Hương cũng là tay lợi hại, quỷ quái, Vân nhi nên đem theo. Ngày mai lão phu về Tín Dương dự tang lễ sẽ cho gọi hai vị thúc tổ của Hương nhi lên Bắc Kinh hỗ trợ bọn ngươi.
Chàng mừng rỡ đáp:
– Tiểu tôn tế cảm tạ nội tổ đã lo lắng.
Lát sau, Viên Long vào đến, gã sụp xuống thi đại lễ. Kiếm Vân khoát tay:
– Bất tất đa lễ, bổn tòa muốn đưa ngươi theo để tìm ra vụ án bắt cóc công chúa. Ngươi nghĩ sao?
Gã mừng rỡ thưa:
– Bẩm bang chủ! Thuộc hạ đã từng ở Bắc Kinh ba năm nên rất thông thuộc đường ngang ngõ tắt trong thành.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.