Bạn đang đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên – Chương 7
Tuyết đường
Nắng chiếu nhiều ngày và thời tiết ấm lại. Trên các ô cửa sổ buổi sáng không còn sương giá đọng. Suốt ngày, những trụ băng dưới hiên nhà lần lượt sụm xuống trong những khoảng tuyết trống bên dưới tạo thành những tiếng vụn vỡ lách cách. Những nhánh cây đen ngòm, đẫm ướt lay động và những mảng tuyết trút xuống.
Khi Mary và Laura dán mũi vào kính cửa sổ giá lạnh, các cô có thể nhìn rõ nước đọng thành hạt dưới mái hiên và trên các cành cây trần trụi. Tuyết không còn lấp lánh mà có vẻ mềm và nhạt hơn. Dưới cội cây lỗ chỗ các mảng tuyết rơi và các đụn tuyết bên lối đi thu nhỏ dần để tan đi.
Rồi một ngày, Laura thấy hiện ra một khoảng đất trống. Khoảng sân lớn dần thêm tới trước khi trời tối thì đã lộ rõ toàn thể khu sân lầy bùn. Còn lại chỉ là một đường băng với những đụn tuyết chạy dọc hai bên đường, dọc hàng đậu và cạnh đống gỗ.
Laura hỏi:
– Con không chơi ở ngoài sân được, hả mẹ?
Mẹ nói:
– Được chứ!
Laura lại hỏi:
– Mẹ cho con ra ngoài chơi, nghe?
Mẹ hứa:
– Ngày mai các con sẽ ra ngoài chơi.
Đêm đó Laura rùng mình, thức dậy. Những lớp chăn đắp có vẻ mỏng và mũi cô như đóng băng. Mẹ phủ lên người cô một lớp chăn khác, nói:
– Nhích gần vào Mary là con sẽ thấy ấm ngay.
Buổi sáng căn nhà thật ấm trong hơi lửa lò bếp, nhưng khi nhìn ra ngoài cửa sổ, Laura thấy mặt đất lại bị phủ kín dưới một lớp tuyết dày mềm mại. Trên tất cả các cành cây, tuyết chất như lông chim. Các ụ tuyết đầy trên hàng rào cọc sắt và trên đầu các cột cổng là những trái cầu tuyết cực lớn trắng toát.
Bố bước vào nhà vừa phủi lớp tuyết mềm trên vai vừa dậm chân rũ lớp tuyết bám trên ủng. Bố nói:
– Có tuyết đường rồi!
Laura le lưỡi táp thật nhanh một miếng tuyết trắng đọng trên nếp tay áo bố. Cô không thấy vị gì khác lạ, ngoài cảm giác ướt lạnh trên lưỡi. Cô mừng là không ai nhìn thấy cô đã nếm thử tuyết như thế.
– Tại sao gọi là tuyết đường, bố?
Laura hỏi nhưng bố bảo lúc này bố không đủ thời gian để giải thích. Bố rất vội vì phải qua nhà ông nội.
Ông nội ở khá xa trong vùng Big Woods, nơi các cội cây mọc sát nhau hơn và lớn hơn.
Laura đứng bên cửa sổ ngắm bố to lớn, lanh lẹ và mạnh mẽ đang bước đi trên tuyết. Cây súng nằm trên vai bố, lưỡi rìu và ống thuốc đang lủng lẳng bên sườn còn đôi ủng lớn tạo thành những vết khổng lồ trong lớp tuyết mềm. Laura nhìn theo cho tới khi bố khuất hẳn trong rừng.
Tối hôm đó, bố trở về nhà khá muộn. Mẹ đã thắp đèn mới thấy bố về. Bố ôm một bó lớn dưới một cánh tay còn cánh tay kia là một thùng gỗ lớn bao kín.
– Đây, Caroline!
Bố nói trong khi đưa các thứ cho mẹ rồi bố đặt cây súng lên móc trên khung cửa. Bố tiếp:
– Nếu gặp một con gấu, anh không thể bắn mà không bỏ rơi mấy cái gánh nặng kia.
Rồi bố cười:
– Mà nếu bỏ rơi xuống rồi thì chắc anh khỏi phải bán nữa. Anh có thể phải đứng xem con gấu ăn và thích thú chép miệng.
Mẹ mở bao bó và ở trong có hai chiếc bánh ngọt màu nâu, mỗi chiếc lớn bằng chiếc xoong đựng sữa. Mẹ mở tiếp chiếc thùng gỗ và thấy đầy ắp nước đường nâu sậm.
– Này, Laura, Mary!
Bố nói và moi từ trong túi ra, đưa cho mỗi cô một gói tròn nhỏ.
Các cô mở lớp giấy bao và mỗi gói là một chiếc bánh ngọt nhỏ cứng, màu nâu với những đường nhăn viền rất đẹp xung quanh. Cặp mắt xanh của bố sáng rỡ và bố nói:
– Ăn đi!
Mỗi cô nhấm một miếng nhỏ và thấy ngọt lịm. Bánh vụn tan trong miệng và tuyệt vời hơn hẳn so với thỏi kẹo Giáng Sinh.
Bố nói:
– Đường trường khế đó!
Bữa tối đã bày sẵn. Laura và Mary đặt chiếc bánh ngọt nhỏ làm bằng đường trường khế bên cạnh dĩa ăn trong lúc quét si-rô trường khế vào bánh mì.
Sau bữa ăn, bố đặt các cô bé lên đùi, ngồi trước lò sưởi, kể cho nghe về việc làm của bố ở nhà ông nội và về tuyết đường.
Bố kể:
– Suốt mùa đông, ông nội đóng các thùng gỗ và các máng xối nhỏ. Ông nội đóng bằng gỗ tuyết tùng và tần bì trắng, vì chỉ những thứ gỗ này mới không làm hư hương vị si-rô trường khế. Để làm máng xối, ông nội phải tách những thanh gỗ nhỏ dài cỡ một bàn tay và lớn ngang hai ngón tay. Gần một đầu, ông nội cắt một đường ngang sâu tới nữa bề dày thanh gỗ rồi tách bỏ một mảnh. Thế là ông nội có thanh gỗ một đầu dẹt và một phần vuông. Với một mũi khoan, ông nội khoan một lỗ dài xuyên suốt qua phần vuông của thanh gỗ. Rồi ông nội dùng dao chuốt gọt thanh gỗ cho tới khi nó chỉ còn là một lớp bọc mỏng xung quanh lỗ tròn. Vẫn với con dao, ông nội khoét đầu gỗ dẹt thành một lòng máng nhỏ. Ông nội làm mười hai chiếc máng và đóng mười chiếc thùng gỗ mới. Ông nội làm xong trước khi có đợt thời tiết ấm đầu đầu tiên và nhựa cây bắt đầu lưu chuyển. Lúc này, ông nội vào rừng trường khế, dùng mũi khoan khoan lỗ trên mỗi cây và đóng đầu tròn của những chiếc máng nhỏ vào các lỗ khoan rồi đặt dưới mỗi đầu dẻ của chiếc máng một chiếc thùng tuyết tùng.
Các con đã biết nhựa tức là máu của cây. Vào lúc khởi đầu thời tiết mùa xuân ấm áp, nhựa từ rễ cây lưu chuyển tới các chót cành và chồi búp để nuôi dưỡng các đọt lá non.
Như vậy, khi lưu chuyển, nhựa trường khế phải qua các lỗ khoan và chảy ra ngoài thân cây theo chiếc máng xối nhỏ vào chiếc thùng gỗ.
Laura hỏi:
– Ô, cái cây tội nghiệp kia không bị đau chứ?
Bố đáp:
– Không đau hơn khi ngón tay của các con bị gai đâm chảy máu đâu.
Bố kể tiếp:
– Mỗi ngày, ông nội mang ủng, khoác áo ấm, đội mũ da đi vào rừng tuyết để gom nhựa cây. Đặt một khạp tròn lớn trên xe trượt tuyết, ông nội đi từ cây này qua cây khác trút hết nhựa trong các thùng vào khạp. Ông nội chuyển hết nhựa tới một chảo nấu lớn bằng sắt treo vào một cây lớn gác ngang giữa hai trạc cây. Dưới chảo sắt, ông nội đốt lửa nấu cho nhựa sôi lên và ông nội canh chừng rất cẩn thận. Lửa cần đủ nóng cho nhựa sôi nhưng lại không được nóng quá khiến cho nhựa sôi quá độ. Mỗi vài phút, nhựa lại phải được vớt bọt váng. Ông nội vớt bọt váng bằng một chiếc môi lớn, có cán dài, làm bằng gỗ bồ đề. Khi thấy nhựa hơi nóng quá, ông nội múc những môi đầy, giơ cao lên trong không khí và đổ xuống từ từ. Cách này khiến cho nhựa nguội bớt một chút và giữ cho nó không sôi quá nhanh.
Khi nhựa sôi để nguội tạm đủ và thành si-rô, ông nội đổ đầy các thùng. Sau đó, ông nội tiếp tục nấu sôi nhựa cho tới khi nó cô nhuyễn thành bột mới để nguội trong một chiếc đĩa.
Khi nhựa đang thành bột, ông nội dập tắt lửa, cào hết ra khỏi dưới chảo nấu. Rồi hết sức nhanh, ông nội múc những môi đầy si-rô vào các xoong sữa chuẩn bị sẵn. Trong xoong, si-rô biến thành những tảng bánh cứng màu nâu làm bằng đường trường khế.
Laura hỏi:
– Như thế là ông nội làm ra đường thì tại sao lại gọi là tuyết đường?
Bố nói:
– Phải gọi là tuyết đường vì vào thời gian này tròn năm, tuyết rất đáng kể để làm được nhiều đường hơn. Các con thấy là đã vào lúc không còn làm lạnh nhiều nên chính tuyết sẽ kìm chậm việc cây trổ lá khiến cho nhựa lưu chuyển lâu dài hơn. Khi nhựa lưu chuyển lâu dài hơn có nghĩa là ông nội có thể làm đủ lượng đường dùng trọn năm cho nhu cầu thường ngày. Khi ra tỉnh bán da thú, ông nội không còn cần mua nhiều đường nữa. Ông nội chỉ cần mua một ít đường để dùng khi có khách tới thăm.
Laura nói:
– Chắc là ông nội rất vui vì đã có tuyết đường.
Bố nói:
– Ừ, ông nội vui lắm. Thứ hai tới, ông nội lại làm đường và ông nội nói cả nhà mình đều phải tới.
Cặp mắt xanh của bố sáng rỡ và bố dành phần quan trọng nhất về cuối để nói với mẹ:
– Này, Caroline! Sẽ có khiêu vũ đó!
Mẹ mỉm cười. Mẹ tỏ ra rất vui, đặt món đồ đang khâu xuống, lên tiếng:
– Ô, Charles!
Rồi mẹ nhấc món đồ khâu lên, vẫn mỉm cười, nói tiếp:
– Em sẽ mặc chiếc áo cưới.
Chiếc áo cưới của mẹ rất đẹp. Áo màu xanh rêu điểm mẫu hoa văn nhỏ giống như những trái dâu tây chín. Một thợ may ở tận miền đông may chiếc áo khi mẹ làm đám cưới với bố và rời về miền tây tới khu Big Woods ở Winsconsin. Trước khi lấy bố, mẹ ăn mặc rất hợp thời trang và người thợ may kia đã may quần áo cho mẹ.
Chiếc áo được bao giấy gói và cất kĩ. Laura và Mary chưa hề thấy mẹ mặc áo ngoại trừ một lần mẹ mặc cho các cô coi. Mẹ cho các cô mân mê những chiếc nút màu rượu chát cài nơi vạt trên trước áo và chỉ cho các cô thấy cách thức bao khít những mảnh xương cá voi trong những đường khâu với hàng trăm mũi chỉ thêu chéo nhau.
Buổi khiêu vũ quan trọng ngần nào nếu mẹ tới dự với chiếc áo cực đẹp đó. Laura và Mary bị kích động hết sức. Các cô leo lên đùi bố rồi tụt xuống liên tục và hỏi đủ thứ về buổi khiêu vũ cho tới cuối cùng, bố phải nhắc:
– Bây giờ lên giường thôi, các con gái! Các con sẽ biết hết mọt thứ về buổi khiêu vũ khi các con chứng kiến. Bố còn phải lo thay một sợi dây đàn mới.
Vẫn còn phải rửa miệng và tay dính đầy đường. Lại còn lời cầu nguyện phải đọc. Tới lúc Laura và Mary được nằm gọn trên chiếc giường có bánh lăn thì bố đang hát theo tiếng đàn với một bàn chân gõ nhịp trên nền nhà:
Ta là thuyền trưởng Jinks ngựa biển
Ngựa ta nuôi bằng đậu, bằng ngô
Mặc sức lênh đênh khắp nẻo bến bờ
Vì ta, thuyền trưởng Jinks ngựa biển
Kẻ chỉ huy những chàng trai lính chiến.