Bạn đang đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên – Chương 46 – 29 (Hết Tập 3)
28 – CHIẾC VÍ CỦA ÔNG THOMPSON
Năm đó, ba có dư quá nhiều cỏ khô, bò ngựa không thể nào ăn hết nên ba quyết định đem lên thành phố bán bớt. Ba vào rừng, đem về một khúc tần bì thẳng, nhẵn nhụi. Ba đẽo hết lớp vỏ ngoài, dùng một cây vồ lớn đập đều khắp khúc cây cho tới khi lớp gỗ mới phát triển vào mùa hè vừa qua mềm hẳn rồi ba lấy ra một lớp gỗ mỏng ở phía dưới, đây là lớp gỗ phát triển từ mùa hè trước.
Lúc đó ba đang dùng dao rạch những vết rạch dài từ đầu tới cuối cây cách nhau khoảng một inch rưỡi. Ba tróc lớp gỗ mỏng cứng đó ra thành những dải rộng một inch rưỡi. Đây là những cọng tần bì.
Khi Almanzo thấy ba chất đống những cọng này trên nền Kho Lớn, cậu đoán ba sắp đóng cỏ khô thành kiện và cậu hỏi:
– Ba cần phụ giúp chứ?
Mắt ba sáng lên. Ba nói:
– Phải, con trai. Con có thể nghỉ học để ở nhà. Từ nhỏ con vẫn chưa học đóng kiện cỏ khô.
Sáng sớm hôm sau, ông Weed, người đóng kiện cỏ khô tới với cỗ máy ép và Almanzo phụ đặt máy trên nền Kho Lớn. Máy là một thùng bằng gỗ chắc chắn, dài và rộng bằng một kiện cỏ, nhưng cao mười bộ. Vỏ bao của máy có thể đóng chặt khít với phần đáy thả lỏng. Hai cần nâng bằng sắt nối khớp với phần đáy thả lỏng và các cần nâng này chạy trên những bánh xe nhỏ nằm trên một guồng sắt chạy ra từ mỗi đầu thùng.
Guồng xích giống như một đường sắt nhỏ và máy ép được gọi là máy ép đường sắt. Đây là loại máy mới, hoàn hảo cho việc đóng kiện cỏ khô.
Trong sân kho, ba và ông Weed dựng một máy trục đứng với một mái chèo dài ở bên trên. Một sợi thừng từ máy trục kéo xuyên qua một vòng khoen dưới máy ép cỏ buộc vào một sợi dây chạy tới những bánh xe ở cuối các cần nâng.
Khi tất cả đã xong, Almanzo buộc Bess vào mái chèo. Ba nhồi cỏ vào trong thùng và ông Weed đứng trong thùng đạp cỏ xuống cho tới khi không thể đưa thêm cỏ vào thùng. Rồi, ông ta đóng chặt vỏ bao trên thùng và ba kêu:
– Ổn rồi, Almanzo!
Almanzo giật cho những sợi dây đập vào người Bess và hô:
– Bước tới, Bess!
Bess bắt đầu đi vòng quanh trục đứng và máy trục bắt đầu cuốn vòng sợi thừng. Sợi thừng kéo đầu những cần nâng về phía máy ép và đầu phía trong của các cần nâng đẩy phần đáy thả lỏng của thùng máy lên. Phần đáy nhấc lên từ từ ép vào cỏ khô. Sợi thừng kêu cót két và thùng máy trĩu xuống cho tới khi cỏ khô được ép chặt tới mức không thể nào chặt hơn nổi. Lúc đó, ba hô:
– Oa!
Và Almanzo hô:
– Oa, Bess!
Ba leo lên máy ép cỏ khô và kéo những cọng tần bì xuyên qua các kẽ hở hẹp vào thùng máy. Ba đẩy chúng thật khít quanh kiện cỏ khô và buộc nút một cách chắc chắn.
Ông Weed mở vỏ bao và kiện cỏ bật lên, căng phồng giữa những cọng tần bì ép khít. Kiện cỏ nặng 250 pao nhưng ba nhấc lên một cách dễ dàng.
Rồi ba và ông Weed bố trí lại máy ép. Almanzo tháo sợi thừng trên máy trục đứng và tất cả lại bắt đầu ép một kiện cỏ khác. Họ làm việc suốt ngày và tối đó ba bảo cỏ đóng kiện đã đủ.
Almanzo ngồi trên bàn ăn bữa tối, thầm ước sẽ không phải trở lại trường. Cậu đã nghĩ tới tính toán và nghĩ nhiều tới mức phát ra thành lời trước khi cậu nhận ra. Cậu nói:
– Một lố là ba mươi kiện, một kiện là hai đô-la. Vậy là một lố sáu mươi đô…
Cậu ngưng lại, hốt hoảng. Cậu biết khi ngồi bên bàn ăn thì không lên tiếng là hay hơn. Má nói:
– Chúa ơi! Hãy nghe thằng bé nói kìa!
Ba cũng nói:
– Được, được, con trai! Ba thấy con đang học cho một mục đích.
Ba nhấc ly trà lên uống rồi đặt xuống, nhìn Almanzo tiếp:
– Việc học tốt nhất là ở trong thực tế. Con thấy sao về việc ngày mai sẽ cùng đi bán cỏ khô với ba?
Gần như Almanzo bật kêu lên:
– Ô, dạ! Con vui lắm, ba!
Sáng hôm sau cậu không phải đến trường. Cậu leo cao ngất ngưởng trên đám cỏ khô, nằm úp bụng, chống chịu bằng hai gót chân. Chiếc mũ của ba nằm thấp hơn cậu và dưới nữa là những chiếc lưng phẳng phiu của lũ ngựa. Cậu ngồi cao như đang ở trên một ngọn cây.
Đống cỏ khô hơi lắc lư và thùng xe kêu cót két trong lúc vó ngựa kêu vang những âm thanh buồn nản trên mặt tuyết cứng. Không khí trong suốt, se lạnh và trời trong ngắt trên những cánh đồng đầy tuyết lấp lánh.
Almanzo chợt nhìn thấy một vật nhỏ màu đen đang nằm bên đường ngay bên kia cây cầu bắc ngang sông Trout. Khi cỗ xe chạy ngang, cậu nghiêng người ra ngoài đống cỏ khi và nhận ra đó là một cuốn sổ tay. Cậu kêu lên và ba ngưng lũ ngựa lại để cậu nhảy xuống lượm lên. Cuốn sổ là một chiếc ví màu đen căng phồng.
Almanzo leo lên những kiện cỏ và lũ ngựa tiếp tục chạy. Cậu ngắm chiếc ví rồi mở ra và thấy một xấp tiền giấy. Không có gì chứng tỏ chiếc ví là của ai.
Cậu đưa xuống cho ba và ba chuyền dây cương cho cậu. Lũ ngựa có vẻ rất xa ở phía dưới với những sợi dây dốc xiên xuống những khuôn vòng cổ và Almanzo cảm thấy mình quá nhỏ. Nhưng cậu rất thích thú được lái xe. Cậu nắm dây cương một cách cẩn thận và lũ ngựa phóng đều đặn. Ba coi chiếc ví và số tiền.
Ba nói:
– Có tới mười lăm tờ một trăm đô-la. Nhưng là của ai đây? Người này hẳn phải là một tay sợ ngân hàng mới mang một số tiền lớn như thế này ở trong người. Con cứ nhìn những nếp nhăn trên những tờ giấy bạc là thấy ông ta mang theo một thời gian rồi. Đây là loại giấy bạc lớn gấp chung lại và rõ ràng ông ta thu được tất cả trong một lần. Ông ta phải là một thứ hay ngờ vực hoặc lừa đảo và mới vừa bán một thứ gì rất có giá.
Almanzo không biết nổi nhưng ba không chờ nghe câu trả lời. Lũ ngựa chạy vòng theo một đoạn đường cong tốt như khi ba đang điều khiển chúng.
Ba bỗng la lên:
– Thompson! Ông ta bán đất vào mùa thu vừa rồi. Ông ta sợ các ngân hàng, luôn ngờ vực và đã gạt bán quá giá món da sống làm xà phòng cho một người mua đồ cũ. Thompson là con người này!
Ba đút chiếc ví vào túi và cầm lại dây cương từ tay Almanzo. Ba nói:
– Mình sẽ biết rõ khi gặp ông ta trong thị trấn.
Ba đưa thẳng xe tới chỗ mua bán thức ăn cho ngựa. Người mua cỏ bước ra và ba giao cho Almanzo bán cỏ. Ba đứng lui lại, im lặng trong lúc Almanzo chỉ cho người mua có thấy đây là loại cỏ dài và cỏ ba lá sạch, tươi và mỗi kiện đều nén chắc, đủ khối lượng.
Người mua cỏ hỏi:
– Cậu muốn bán bao nhiêu?
Almanzo nói:
– Hai đô-la hai mươi lăm xu một kiện.
Người mua cỏ nói:
– Tôi không mua tới giá đó. Cỏ này không đáng như thế.
Almanzo hỏi:
– Theo ông thì mua giá nào là vừa phải?
Người mua cỏ nói:
– Hai đô-la, không hơn một xu.
Almanzo đáp tức khắc:
– Được thôi, cháu đồng ý bán hai đô-la.
Người mua cỏ nhìn ba rồi hất chiếc mũ về phía sau và hỏi Almanzo tại sao cậu nếu giá hai đô-la hai mươi lăm xu. Almanzo hỏi lại:
– Ông chịu mua với giá hai đô-la rồi chứ?
Người mua cỏ đáp là đã chịu rồi. Almanzo nói:
– Như thế này, cháu đòi hai đô-la hai mươi lăm xu vì nếu cháu đòi hai đô-la thì ông sẽ trả bớt xuống mỗi đô la còn bảy mươi lăm xu.
Người mua cỏ cười nói với ba:
– Cậu con ông thông minh lắm.
Ba nói:
– Vẫn phải chờ thời gian cho thấy. Nhiều người mở đầu tốt nhưng về sau lại tồi. Vẫn phải chờ xem nó vào cuộc lâu dài ra sao.
Ba không nhận tiền bán cỏ mà để cho Almanzo nhận và kiểm lại cho là đã đủ sáu mươi đô-la.
Rồi hai cha con bước vào cửa hàng ông Case. Cửa hàng này luôn đông khách nhưng ba thường mua tại đây vì ông Case thường bán hàng cho ba với giá hạ hơn những nhà buôn khác. Ông Case nói:
– Thà tôi có ngay một đồng sáu xu còn hơn phải chờ đợi để có một đồng si-linh.
Almanzo chen vào đám đông cùng với ba, đứng chờ trong lúc ông Case tiếp những người tới trước. Ông Case rất lễ độ và thân mật với mọi người như nhau. Ông phải như thế vì tất cả đều là khách hàng. Ba cũng lễ độ với mọi người nhưng không thân mật với người này giống như thân mật với người khác.
Một lúc sau, ba đưa cho Almanzo chiếc ví và nhắc cậu đi kiếm ông Thompson. Ba phải ở lại cửa hàng chờ tới lượt và không muốn trễ giờ trở về làm việc nhà.
Không có một cậu bé nào trên đường phố vì tất cả đều đang ở trường học. Almanzo thích thú đi ra phố mang theo số tiền như thế và cậu nghĩ tới sự vui mừng của ông Thompson khi nhận lại số tiền.
Cậu nhìn vào các cửa hàng, các tiệm hớt tóc và ngân hàng. Rồi cậu thấy cặp ngựa của ông Thompson đang đứng bên lề phố ngay trước cửa hàng bán xe của ông Paddock. Cậu mở khuôn cửa ra vào của toà nhà dài thấp lè tè và bước vào.
Toà nhà ấm áp và có mùi vị dễ chịu của ván xẻ, da và sơn. Bên kia lò, hai người thợ đang đóng một thùng xe và một người khác đang sơn những đường màu đỏ mỏng trên các nan hoa màu đỏ của một chiếc xe độc mã mới. Cỗ xe lấp lánh một cách tự hào trong lớp sơn đen. Những tấm ván dài uốn cong chất thành đống và toàn thể chỗ làm việc thoải mái như một nhà kho trong ngày mưa. Những người thợ huýt gió trong lúc đo, đánh dấu, cưa, bào những mảnh gỗ thơm phức.
Ông Thompson, đang tranh luận về giá cả của một cỗ xe mới. Almanzo thấy rõ là ông Paddock không thích ông Thompson nhưng ông đang cố bán cỗ xe mới. Ông tính giá cả bằng cây bút chì lớn của thợ mộc và cố dịu giọng thuyết phục ông Thompson:
– Ông thấy đó, tôi không thể hạ giá hơn nữa và không thể giảm công thợ. Tôi đã đưa ra một cái giá tốt nhất để ông mua. Tôi bảo đảm là chúng tôi đã đóng một cỗ xe hoàn toàn làm hài lòng ông trừ phi ông không muốn có nó.
Ông Thompson lên tiếng một cách ngờ vực:
– Được, có lẽ tôi sẽ trở lại gặp ông nếu tôi không kiếm được một cái nào khác tốt hơn.
Ông Paddock đáp:
– Rất vui được tiếp ông bất kì lúc nào.
Rồi ông nhìn Almanzo và hỏi cậu con heo ra sao rồi. Almanzo rất thích ông Paddock mập mạp vui nhộn vì ông luôn hỏi về Lucy.
– Lúc này nó nặng khoảng một trăm năm mươi pao.
Almanzo nói với ông rồi quay về phía ông Thompson hỏi:
– Ông có đánh rơi một cái ví không?
Ông Thompson giật nảy người lên. Ông thọc một bàn tay vào túi và kêu lớn:
– Có, tôi mất! Trong đó có mười lăm tờ một trăm đô-la. Nó ra sao rồi? Cháu biết gì về nó?
Almanzo hỏi:
– Có phải cái này không?
– Đúng, đúng, đúng nó rồi.
Ông Thompson vừa nói vừa chộp chiếc ví. Ông ta mở ra và hối hả đếm tiền. Ông ta đếm tất cả những tờ giấy bạc hai lần và tỏ ra đúng là người đã gạt người mua đồ cũ về món da sống và món da làm xà phòng.
Rồi, ông thở ra một hơi dài nhẹ nhõm và nói:
– Tốt, thằng nhóc ngu si này không ăn cắp một tờ nào.
Almanzo thấy nóng mặt. Cậu muốn đấm ông ra ngay.
Ông Thompson thọc bàn tay xương xẩu vào túi quần lục tìm. Ông ra lấy ra một thứ gì đó. Ông ta đặt vào bàn tay Almanzo nói:
– Này!
Đó là một đồng năm xu.
Almanzo giận đến mức không thèm nhìn. Cậu ghét ông Thompson đến mức muốn đánh ông ta thật đau. Ông ta đã kêu cậu là thằng nhóc ngu si và còn coi cậu như một tên ăn cắp. Almanzo không muốn có đồng năm xu cũ kĩ này. Đột nhiên cậu nghĩ ra điều phải nói:
– Này!
Cậu lên tiếng vừa đưa đồng năm xu lại.
– Hãy giữ lấy đồng năm xu của ông. Tôi không thể đổi nó ra tiền lẻ được.
Khuôn mặt ti tiện keo kiệt của ông Thompson đỏ bừng lên. Một người thợ bật lên một tiếng cười giễu cợt. Nhưng ông Paddock giận dữ bước xốc tới trước ông Thompson, lên tiếng:
– Ông không được gọi thằng bé này là một thằng ăn cắp, ông Thompson! Và nó cũng không phải là một người đi ăn xin! Đó có phải là cách để đối xử đúng với nó không? Khi nó mang tới trả lại cho ông mười lăm tờ một trăm đô-la! Thế mà ông lại gọi nó là đứa ăn cắp và cho nó một đồng năm xu, ông là thứ gì?
Ông Thompson bước lui lại nhưng ông Paddock bước lên chặn đường ông ta. Ông Paddock dí nắm đấm sát dưới mũi ông Thompson và nói:
– Ông là thứ keo kiệt dơ dáy! Không may cho ông là tôi lại biết chuyện này! Chuyện đã xảy ra ở nhà tôi! Một đứa bé đàng hoàng, lương thiện, ngoan ngoãn, còn ông… Tôi sẽ… Thôi! Ông đưa cho cậu bé một trăm đồng, mau lên! Không, hai trăm! Hai trăm đô-la, tôi nói rõ rồi đó, nếu không ông sẽ lãnh hậu quả!
Ông Thompson muốn nói một điều gì và cả Almanzo cũng muốn nói. Nhưng nắm tay của ông Paddock siết chặt lại và những múi thịt trên cánh tay ông căng lên. Ông hét:
– Hai trăm! Đưa ngay! Tôi không chờ đâu!
Ông Thompson co rúm người lại nhìn ông Paddock rồi ông ta liếm ngón tay cái, vội vã rút ra mấy tờ giấy bạc. Ông ta lấy ra dúi cho Almanzo. Almanzo nói:
– Ông Paddock…
– Bây giờ cút ra khỏi đây ngay nếu muốn còn nguyên vẹn! Cút ngay!
Ông Paddock quát lớn và trước khi Almanzo đang đứng sững với mấy tờ giấy bạc trong tay kịp phản ứng, ông Thompson đã đóng sập cánh cửa lại.
Almanzo căng thẳng đến nỗi nói lắp bắp. Cậu nói là cậu nghĩ ba không thích như thế. Cậu thấy khó xử về việc đã cầm mấy tờ giấy bạc và không muốn giữ lại. Ông Paddocl nói ông sẽ tới nói chuyện với ba. Ông buông ống tay áo xuống, khoác áo choàng và hỏi:
– Ông ấy đâu?
Gần như Almanzo phải chạy để theo kịp những bước sải chân dài của ông Paddock. Bàn tay cậu nắm chặt mấy tờ giấy bạc. Ba đang xếp các gói đồ lên xe và ông Paddock kể hết chuyện đã xảy ra. Ông Paddock nói:
– Tôi chỉ muốn đập vỡ cái bộ mặt khinh khỉnh của lão ta. Nhưng thình lình tôi lại thấy lột tiền của lão sẽ khiến lão đau đớn hơn. Vả lại, tôi cũng nghĩ là phải đền đáp đúng cho cậu bé.
Ba phản đối:
– Tôi không thấy cần phải đền đáp cho một người vì đã làm một điều thiện bình thường. Dù sao, tôi rất cảm kích trước cái tinh thần mà ông đã biểu lộ, Paddock.
Ông Paddock nói:
– Tôi không nói là cần đền đáp xứng đáng cho cái việc trả lại số tiền của ông Thompson. Nhưng thật quá đáng khi đòi thằng bé đứng đó để chửi nó về việc kia. Chính vì cái điều quá đáng này mà tôi nói phải đền đáp cho Almanzo hai trăm.
Ba nói:
– Thôi, cứ nhìn sự việc như ông nói.
Cuối cùng, ba quyết định:
– Tốt, con trai, con có thể giữ số tiền đó.
Almanzo vuốt lại mấy tờ giấy bạc và ngắm chúng, những hai trăm đô-la. Số tiền lớn ngang với món tiền bán một con ngựa bốn tuổi của ba.
Ba tiếp:
– Tôi đã chịu ơn ông rất nhiều, Paddock, qua cái việc ông đương đầu để bênh vực thằng nhỏ.
Ông Paddock nói:
– Thôi, tôi có đủ điều kiện để thỉnh thoảng mất một khách hàng vì lí do chính đáng.
Ông quay lại hỏi Almanzo:
– Cháu sẽ làm gì với số tiền đó?
Almanzo nhìn ba, cậu hỏi:
– Con có thể gửi vào ngân hàng được không?
Ba đáp:
– Đó đúng là nơi để gửi tiền. Được, được, được! Hai trăm đô-la. Trước đây, ba lớn gấp đôi tuổi con mà vẫn chưa có số tiền như thế.
Ông Paddock cũng nói:
– Tôi cũng vậy. Đúng, tôi còn nhiều tuổi hơn thế nữa!
Ba và Almanzo tới ngân hàng. Almanzo chỉ có thể ngắm người thủ quĩ ngồi trên chiếc ghế cao với cây viết nhét sau tai qua rìa bàn. Người thủ quĩ phải nghểnh lên để nhìn xuống Almanzo và hỏi ba:
– Tôi thấy tốt hơn là nên đưa số tiền này vào trương mục của ông, thưa ông?
Ba nói:
– Không, đây là tiền của thằng nhỏ, cứ để cho nó tự lo. Nó chưa từng được học điều này từ trước.
Người thủ quĩ đáp:
– Dạ, thưa ông!
Almanzo phải kí tên hai lần. Rồi người thủ quĩ cẩn thận đếm những tờ giấy bạc và ghi tên Almanzo vào một cuốn số nhỏ. Ông ta viết con số $200 trong cuốn sổ và đưa cho Almanzo.
Almanzo theo ba rời ngân hàng và hỏi:
– Làm sao con có thể lấy số tiền ra?
– Con yêu cầu là họ sẽ trả lại. Nhưng cần nhớ điều này, con trai, khi nào tiền còn nằm ở ngân hàng thì nó còn làm việc cho con. Mỗi đô-la trong ngân hàng sẽ đem lại cho con bốn xu một năm. Đây là cách làm ra tiền dễ hơn bất kì cách nào khác. Bất kì lúc nào con muốn tiêu một đồng năm xu, con phải ngưng lại và suy nghĩ coi phải làm bao nhiêu việc mới có nổi một đô-la.
Almanzo nói:
– Dạ, thưa ba.
Cậu đang nghĩ là cậu đã có dư tiền để mua một con ngựa con. Cậu có thể huấn luyện con ngựa con của riêng cậu và có thể dạy nó mọi thứ. Ba không bao giờ chịu cho cậu huấn luyện những con ngựa con của ba.
Đây là điều chấm dứt một ngày căng thẳng.
— Hết Tập 3 —
29 – CẬU BÉ QUÊ
Ông Paddock gặp Almanzo và ba ở phía ngoài ngân hàng. Ông ta nói với ba là ông ta vừa mới nảy ra một ý nghĩ. Ông ta nói:
– Tôi muốn nói về điều này một chút thôi. Về thằng nhỏ này của ông.
Almanzo hết sức ngạc nhiên. Ông Paddock hỏi:
– Có khi nào ông nghĩ sẽ để cho cậu bé trở thành một thợ đóng bánh xe không?
Ba trả lời chậm rãi:
– Không đâu, tôi không thể bảo là đã có lúc nghĩ như thế.
Ông Paddock lên tiếng:
– Vậy thì bây giờ hãy nghĩ tới điều đó. Đây là một dịch vụ đang phát đạt, Wilder. Xứ này đang phát triển, dân số tiếp tục tăng lên và nông dân rất cần có xe chuyên chở và đi lại. Họ cần phải qua lại tới lui. Đường sắt không làm hại nổi chúng tôi. Mỗi lúc chúng tôi lại có thêm khách hàng. Đây đúng là một cơ hội tốt mở ra cho một đồng nghiệp trẻ thông minh.
Ba nói:
– Phải lắm!
Ông Paddock tiếp:
– Tôi không có con trai, con ông lại có hai đứa. Lẽ ra ông nên nghĩ về bước đầu vào đời của Almanzo từ trước đây. Hãy để thằng bé theo học nghề với tôi, phần tôi sẽ đối đãi đàng hoàng với nó. Nếu nó theo hướng này, tôi nghĩ là không có lí do gì mà nó lại không có cơ hội làm ăn. Nó sẽ thành người giàu có, có thể có dưới tay cả năm chục nhân công. Đúng là một việc đáng nghĩ tới.
Ba nói:
– Đúng, đúng, đúng là một việc đáng để nghĩ tới. Tôi rất hiểu giá trị điều ông vừa nói, Paddock.
Trên đường về nhà, ba không trò chuyện. Almanzo ngồi cạnh ba cũng không nói điều gì. Cậu nghĩ về những điều vừa dồn dập xảy ra, dồn dập xô bồ.
Cậu nghĩ tới những ngón tay dính mực của người thủ quĩ, tới cái miệng mỏng dính của ông Thompson gắn chặt vào những trò đầu cơ, tới những nắm đấm của ông Paddock và nghĩ tới khung cảnh cửa hàng bán xe vui vẻ, ấm áp, bận rộn. Cậu nghĩ nếu cậu theo học việc với ông Paddock thì cậu sẽ không còn phải đến trường.
Cậu vẫn thường mong ước được làm thợ cho ông Paddock. Công việc thật vô cùng quyến rũ. Những miếng ván dài, mỏng được uốn cong từ những cạnh sắc bén của cây tiêu huyền. Các ngón tay của người thợ vuốt ve các mặt gỗ trơn bóng. Almanzo cũng thích làm những công việc đó. Cậu còn thích cầm cây cọ lớn để phết những lớp sơn và thích kẻ những đường thẳng tinh vi với cây cọ nhọn hoắt bé xíu.
Khi một cỗ xe độc mã được đóng xong với lớp sơn mới sáng bóng lên hoặc khi một cỗ xe thùng hoàn tất bằng những miếng gỗ hồ đào, gỗ sồi chắc chắn với những bánh xe sơn đỏ, thùng xe sơn xanh lá cây và một bức hình nhỏ sơn trên chiếc thùng rời, những người thợ đều tự hào. Họ đã làm những cỗ xe thùng kiên cố như cỗ xe trượt của ba và đẹp hơn rất nhiều.
Rồi Almanzo nhận thấy cuốn sổ ngân hàng nhỏ cứng ngắc trong túi và cậu nghĩ về một con ngựa con. Cậu rất thích một con ngựa con với những ống chân thon thả và những con mắt lớn hiền hoà luôn ngơ ngác giống như Starlight. Cậu muốn dạy con ngựa nhỏ mọi thứ như cậu đã dạy Star và Bright.
Thế là ba và Almanzo không nói tiếng nào suốt đoạn đường về nhà. Không khí yên ắng, se lạnh và những bóng cây giống hệt những đường kẻ đen trên tuyết và nền trời.
Hai cha con về tới đúng giờ lo việc nhà. Almanzo phụ làm mọi thứ nhưng vẫn mất một ít thời giờ đứng ngắm Starlight. Cậu vuốt nhẹ chiếc mũi mềm như nhung, lùa bàn tay dọc cần cổ nhỏ uốn cong mạnh mẽ của Starlight và dưới chiếc bờm. Starlight gặm nhẹ ống tay áo của cậu.
– Con trai, con đang ở đâu?
Ba gọi và Almanzo như người phạm tội, hối hả chạy đi vắt sữa.
Lúc ăn cơm tối, cậu ngồi ăn một cách điềm đạm trong lúc má nói về những điều đã xảy ra. Ba trả lời những câu hỏi của má. Cuối cùng, má hỏi gặng:
– James, ông đang nghĩ gì vậy?
Lúc đó ba nói rằng ông Paddock muốn dạy nghề cho Almanzo.
Cặp mắt nâu của má nhìn lên thật nhanh và hai gò má của má đỏ không kém chiếc áo len đỏ của má. Má đặt dao nĩa xuống, nói:
– Tôi chưa bao giờ nghe thấy một điều như thế! Ông Paddock nảy ra ý nghĩ đó trong đầu sớm thì hay! Tôi hy vọng ông đã cho ông ta thấy rõ ý nghĩ của ông! Vì sao mà Almanzo lại phải ra thành phố để sống ngoan ngoãn phục tùng theo một gã Tom, Dick hay Harry nào đó!
Ba lên tiếng:
– Paddock làm ra tiền khá lắm. Nếu thực sự đúng như người ta nói thì hàng năm ông ta gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn mình. Ông ta coi việc đó như một cơ hội vào đời tốt cho thằng bé.
Má gắt lớn:
– Tốt!
Rồi như một con gà mẹ đang nổi giận xù hết người lên:
– Sẽ là một cơ hội tốt lắm nếu mọi người đàn ông đều nghĩ phải rời bỏ trang trại để về thành phố! Ông Paddock sẽ kiếm tiền ra sao nếu không bán đồ cho mình? Tôi thấy ông ta sẽ khó đứng vững nếu không làm xe cho những khách hàng nông dân quen thuộc!
Ba nói:
– Sự thực là thế. Nhưng…
Má ngắt ngang:
– Không có “nhưng” trong chuyện này! Ô, đã đủ tồi tệ khi nhìn Royal lên thành phố để không làm gì ngoài việc muốn trở thành chủ một cửa hàng! Có thể nó sẽ kiếm ra tiền, nhưng nó không bao giờ là một người như ông. Suốt ngày phải luồn cúi người khác để có sự sống… Nó sẽ không bao giờ giữ nổi phần hồn của nó cho riêng nó.
Trong một thoáng, Almanzo thấy má như sắp khóc. Ba lên tiếng một cách buồn rầu:
– Đó, đó! Đừng quá buồn phiền như vậy. Có thể rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp bằng một cách nào đó.
Má nói như gào lên:
– Tôi không chịu cho Almanzo theo cái cách đó! Tôi không chịu, ông nghe không?
Ba nói:
– Tôi hiểu điều bà nói. Nhưng thằng bé phải tự quyết định. Mình có thể giữ nó lại đây theo luật định cho tới khi nó đủ hai mươi mốt tuổi, nhưng điều đó chẳng tốt đẹp gì nếu nó muốn ra đi. Không! Nếu Almanzo muốn theo cái cách của Almanzo thì tốt hơn là mình nên cho nó theo học nghề ông Paddock lúc nó còn nhỏ.
Almanzo tiếp tục ăn. Cậu lắng nghe nhưng cũng đang thưởng thức hương vị món thịt heo quay với nước xốt táo trong miệng. Cậu uống một hơi dài món sữa lạnh rồi thở ra, nhấn lại chiếc khăn ăn và với lấy món bánh bí nhồi thịt.
Cậu cắt một góc bánh bí vàng cháy rung rinh dưới lớp sữa và hương liệu màu sậm. Bánh tan ngay trên đầu lưỡi cậu và hương liệu toả ra khắp mũi, miệng.
Má vẫn bài bác:
– Nó còn quá nhỏ để có được ý kiến riêng.
Almanzo lấy thêm một miếng bánh khác. Cậu không thể lên tiếng cho tới khi nào được phép nói, nhưng cậu tự nghĩ là cậu đã đủ lớn để biết rằng cậu thà sống như ba chứ không thích giống như bất kì ai khác. Cậu không thích giống ngay cả như ông Paddock. Ông Paddock phải chiều chuộng cả một người bần tiện như ông Thompson hoặc sẽ mất dịp bán một cỗ xe. Nếu ba đổi cách mà chiều chuộng một người nào chỉ bởi ba thích như thế.
Đột nhiên cậu nhận ra là ba đang nói với cậu. Cậu nuốt vội miếng bánh, gần như bị mắc nghẹn và nói:
– Dạ, ba!
Ba đang nhìn cậu nghiêm nghị. Ba nói:
– Con trai, con đã nghe rõ ông Paddock nói sẽ dạy nghề cho con chứ?
– Dạ, thưa ba!
– Con nghĩ gì về việc đó?
Almanzo không biết chính xác điều cần nói. Cậu không tưởng tượng nổi là cậu được nói một điều gì. Cậu vẫn nghĩ là phải làm những gì mà ba nhắc.
Ba nói:
– Được, con trai! Con hãy nghĩ về việc đó. Ba muốn con có ý nghĩ riêng của mình. Với ông Paddock, con sẽ có một cuộc sống dễ dàng theo một cách nào đó. Con sẽ không phải ở ngoài trời dưới mọi thời tiết. Những đêm đông giá buốt, con có thể nằm thoải mái ở trên giường không lo lắng về việc lũ gia súc nhỏ sẽ bị chết cóng. Mưa hay nắng, bão hay tuyết, con vẫn luôn ở dưới một mái che. Con luôn được bao kín giữa những bức tường. Con còn luôn có thừa mứa thức ăn, áo mặc và cả tiền gửi trong ngân hàng nữa.
Má lên tiếng:
– James!
Ba đáp:
– Đó là sự thật mà. Chúng ta cần phải thẳng thắn về điều đó.
Ba tiếp:
– Nhưng cũng có mặt trái của nó, Almanzo. Con sẽ phải phụ thuộc những nông dân khác trong thành phố. Mọi thứ con có là do con nhận được từ những người nồng dân kia. Một chủ trại phụ thuộc vào chính bản thân mình, vào đất đai và thời tiết. Nếu con là một chủ trại, con làm ra thức ăn của mình, làm ra áo mặc của mình, con sưởi ấm bằng những cây gỗ từ khoảnh rừng cây của riêng con. Con phải làm việc cực nhọc nhưng con làm theo ý mình, không một ai có thể sai phái, bắt buộc con. Con sẽ tự do và tự chủ trong trang trại của mình, con trai.
Almanzo cảm thấy lúng túng. Ba nhìn cậu chăm chăm và má cũng vậy. Almanzo không thích sống giữa những bức tường, không thích chiều chuộng những người mình không ưa, và không thích thiếu những con ngựa, những con bò và những cánh đồng. Cậu thích giống hệt như ba. Nhưng cậu không nói như vậy.
Ba nói:
– Con cần có thời gian, con trai. Hãy nghĩ kĩ. Hãy nghĩ kĩ để thấy rõ con muốn gì.
Almanzo bỗng kêu lên:
– Ba!
– Sao, con trai?
– Con có thể…? Con có thế nói rõ với ba điều con muốn được chứ?
Ba khuyến khích:
– Được chứ, con trai.
Almanzo nói:
– Con muốn có một con ngựa con. Liệu con có thể được mua riêng một con bằng một phần số tiền hai trăm đô-la và ba sẽ cho phép con huấn luyện nó?
Nụ cười của ba khiến hàm râu như từ từ mở lớn ra. Ba đặt chiếc khăn ăn xuống, cúi người nhìn má. Rồi ba quay về phía Almanzo và nói:
– Con trai, con cứ để yên số tiền đó trong ngân hàng.
Almanzo cảm thấy mọi thứ sụp đổ trong người. Nhưng đột nhiên, ngay lúc đo, toàn thế giới lại rạng rỡ, lớn lao đầy những tia sáng ấm áp. Vì ba tiếp tục nói:
– Nếu con thích Starlight, ba cho con đó.
Almanzo hổn hển:
– Ba! Ba cho riêng con?
– Đúng, con trai. Con có thể huấn luyện nó, điều khiển nó và khi nó đủ bốn tuổi, có có thể bán nó hay giữ nó lại tuỳ ý. Mình sẽ cột cho nó một sợi dây là điều mình phải làm vào sáng mai và con có thể bắt đầu làm thân với nó.
–Hết tập 3–