Đọc truyện Ngồi Khóc Trên Cây – Chương 48
Từ ngày vào lại Sài Gòn, tôi phát mệt vì con nhỏ Bích Lan.
Ngoài thời gian đến lớp và đi chơi với bạn trai, lúc nào nó cũng lẽo đẽo bám theo tôi. Tôi không thể giãy nó khỏi tôi được nên rốt cuộc tôi mặc cho nó làm cái đuôi của tôi.
Hai đứa tôi thường ngồi quán cà phê vào buổi chiều lúc Bích Lan đi học ra. Đó cũng là cách tôi tránh mặt mẹ tôi. Tôi gần như không thể chịu đựng nổi mỗi khi nhìn vào mặt bà. Tất nhiên mẹ tôi luôn động viên tôi, bà luôn nói với tôi về khả năng mầu nhiệm của y học, về vận may của con người nhưng bao giờ mẹ tôi cũng nói những lời phấn khởi đó bằng cái giọng khiến người nghe buộc phải hiểu ngược lại.
Những lúc đó tôi phải ôm choàng lấy mẹ tôi và cố nói những lời bông đùa để không phải nhìn vào vẻ mặt xót xa của bà nhưng sau những lần như vậy vai áo của tôi thường ướt đẫm. Về sau này tôi chọn cách đi ra khỏi nhà bất cứ lúc nào có thể được. Tôi làm như vậy không phải vì tôi mà vì mẹ tôi. Khi không nhìn thấy tôi, đầu óc bà sẽ được trám đầy bằng những thứ khác, nhờ vậy bà sẽ lãng đi căn bệnh của tôi cho đến khi tôi trở về nhà vào bữa ăn tối.
Ngồi với Bích Lan tôi cũng chẳng thấy hứng thú gì. Trước đây thấy nó nói năng ngổ ngáo tôi cứ nghĩ nó là con nhỏ vô tâm hời hợt nhưng bây giờ tôi phát hiện ra nó là đứa sầu muộn và cả lo hơn tôi tưởng. Trong khi tôi đang cần một đứa ăn nói bông phèng bạt mạng ngồi cạnh để thấy đời như là mơ thì nó cứ đeo bộ mặt dàu dàu và giương đôi mắt đỏ hoe ra nhìn tôi làm tôi nhận ra càng ngày nó càng giống mẹ tôi và điều đó khiến tôi ngán ngẩm kinh khủng.
Anh chàng người yêu của nó lúc này đang chúi mặt vào tập để chuẩn bị cho cuộc thi tuyển lớn nhất của đời mình nên nó càng dư dả thì giờ để làm khổ tôi.
Nhiều lúc tôi muốn kể cho nó nghe về con Rùa nhưng tôi cố kềm ý định đó lại vì e rằng nó sẽ chẳng dùng thứ gì khác ngoài nước mắt để tắm ướt cõi lòng tôi thêm lần nữa.
Sau lần truyền máu thứ hai, tôi không còn đốt thì giờ trong các quán cà phê vì không muốn Bích Lan tiếp tục quan sát tôi rồi âm thầm dịch nỗi buồn trên mặt tôi ra một thứ ngôn ngữ bi lụy được xây dựng trên tâm trạng của những kẻ sắp chầu trời.
Nó không biết nỗi buồn của tôi có màu xanh của lá duối dại, lá me chua đất, có tiếng máy bay rì rầm giữa chiều hè oi ả, có sự dịu êm của cái tựa đầu đầy gửi gắm giữa hương cỏ tháng năm và ngày mai chắc chắn sẽ có thêm những giọt sương âu sầu nhỏ xuống từ rèm mi dài của một người con gái mà ngay từ bây giờ tôi đã có thể mường tượng ra.
Tôi có sợ chết đâu. Tôi chỉ sợ cái chết của tôi sẽ đem lại nỗi đau cho những người tôi yêu thương nhất và yêu thương tôi nhất.
Những khi ngồi một mình, tôi nhận thấy tôi có lỗi với mẹ tôi thật nhiều. Tôi chưa làm được gì để đỡ đần cho mẹ tôi. Đã thế, gần đây tôi lại nghĩ quá nhiều đến người con gái tôi yêu. Tôi muốn nghĩ đến mẹ tôi nhiều hơn trong những ngày này, nhưng dường như khi tình yêu chạm đến một người con trai con gái nào, tụi nó cũng đều bất hiếu giống như tôi nếu như có thể gọi cái chuyện một đứa con suốt ngày nghĩ đến người yêu thay vì nghĩ đến ba mẹ mình là đồ bất hiếu.
Và con Rùa, đứa con gái đang choán hết tâm trí tôi đó, tôi cũng thấy có lỗi với cả nó. Tôi chỉ thoảng qua đời nó như ngọn gió mùa hè vội vã trong khi tôi lại làm cho nó tin rằng tôi sẽ đi cùng với nó cho đến tận những mùa trăng cuối cùng.
Chỉ có một ý nghĩ duy nhất an ủi tôi, rằng nếu xa tôi vì tôi không còn trên đời nữa con Rùa chắc sẽ không khổ tâm bằng việc tôi còn sống sờ sờ ra đó nhưng chỉ để làm anh họ nó.
Ý nghĩ đó giúp tôi yên lòng được một chút khi tôi thấp thỏm đi đến bệnh viện để thực hiện ca ghép tủy theo lịch hẹn, sự hộ tống của mẹ tôi và hai mẹ con Bích Lan, những người đang cố làm ra vẻ tươi tỉnh một cách khổ sở đến mức người vui vẻ nhất trong ngày hôm đó lại chính là tôi.