Đọc truyện Ngọc Quan Âm – Chương 21
Một năm sau khi gặp An Tâm ở trường dạy võ, một tuần sau khi chúng tôi và Chung Ninh đường ai nấy đi, tôi đã đón An Tâm và Tiểu Hùng về nhà mình, bắt đầu cuộc sống của một gia đình.
Lần sống chung này không giống với lần tôi bị thương ở chân và An Tâm phải ở lại chăm sóc, vì lần này là sống cùng nhau. Đó giống như lời tuyên ngôn, là sự lựa chọn sau khi suy nghĩ kĩ, là sự đồng thuận của đôi bên và sự an ủi mà chúng tôi nhận được từ nhau. Cuộc sống này khiến tôi ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình và dường như tôi đã trở thành một người chín chắn.
Sáng nào An Tâm cũng dậy sớm, nấu cơm cho tôi và đứa bé ăn, trong khi tôi giúp Tiểu Hùng thay quần áo, nói chuyện và chơi đùa với nó. Sau đó, chúng tôi ăn cơm, rồi An Tâm vội vàng đến trung tâm thương mại bán hàng. Tôi đưa Tiểu Hùng tới một khu tập thể cũ gần trung tâm thương mại để gửi. Người trông trẻ là một bà lão rất hiền từ, nhận trông trẻ chủ yếu là để cho vui cửa vui nhà nên tiền công rất rẻ.
Đưa Tiểu Hùng đến nhà trẻ xong là tôi đi tìm việc. Tôi rất cần một công việc, bởi tôi phải nuôi An Tâm và con của cô ấy. Khi người bạn yêu cần đến bạn, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ và hăng hái khác thường. Đồng thời, tôi cũng thay đổi yêu cầu của mình đối với công việc. Trước kia, tôi làm việc gì cũng được, nhưng từ khi sống cùng mẹ con An Tâm, tôi cần một công việc có thu nhập ổn định.
Ban đầu, tôi không ngờ chuyện đi xin việc lại gây tổn thương đến lòng tự tôn đến thế. Với ngoại hình ưa nhìn, tấm bằng đại học, tài ăn nói lưu loát và chút ít kinh nghiệm, tôi đã nghĩ dù mình không phải nhân tài kiệt xuất thì cũng không đến nỗi thất nghiệp. Vậy mà đi hết mấy công ty, tôi chỉ được coi là một cử nhân quèn, mà cử nhân quèn thì không hề thiếu trong xã hội này. Nếu không có người quen cất nhắc, giới thiệu thì với chút ưu điểm và kinh nghiệm ít ỏi đó, tôi chắc chắn không cạnh tranh nổi.
Thậm chí, tôi còn đến một công ty máy tính xin làm chân bốc vác. Nói một cách văn vẻ thì tôi làm nhân viên quản lý cung ứng cho họ, nhưng công việc hằng ngày chủ yếu là việc tay chân. Sau đó, tôi nhận thấy khuân vác máy tính cũng chẳng khác gì khuân vác gạo hay gỗ nên làm được ba ngày thì tôi xin nghỉ.
Tôi đành phải nhờ đến mấy mối quen biết khi còn làm ở công ty Quốc Ninh, nhưng cũng chỉ được hai chỗ là thôi ngay. Vì họ đều là khách hàng thân thiết của Quốc Ninh nên cũng biết chuyện tình tay ba giữa tôi, Chung Ninh và An Tâm. Trong mắt họ, tôi là một gã Sở Khanh đáng ghét, không được thông cảm. Cho dù tôi có đeo tấm biển làm không công trước ngực, chắc họ cũng chẳng cần.
Không ai có thể giúp được tôi, kể cả Lưu Minh Hạo và bố tôi. Tôi nhắn tin cho Lưu Minh Hạo mấy lần nhưng cậu ta không trả lời, gọi điện thì thấy một cô gái nói giọng địa phương nghe máy. Vừa nghe tôi đã biết đó là thư ký của Lưu Minh Hạo, cô ta bắt tôi xưng danh, sau đó nói rằng Lưu Minh Hạo đi công tác rồi, không có ở công ty. Tôi biết cậu ta đang ở đó, vốn định nhờ thư ký chuyển lời giúp nhưng nghĩ lại thôi, hà tất phải cầu cạnh người ta như thế.
Tôi về nhà tìm bố, nhưng nhìn dáng vẻ tiều tụy của ông, tôi không biết phải mở miệng thế nào. Không lâu sau khi tôi từ chức, bố tôi cũng bị công ty Quốc Ninh đuổi việc, lý do là ông để cho công nhân đánh nhau. Thực tế thì đó không phải là lỗi của bố tôi nhưng Chung Quốc Khánh nói vì bố tôi quản lý không nghiêm nên mới xảy ra chuyện đó rồi đuổi việc bố tôi. Ông không thèm kiện công ty, vì họ đã có ý định đuổi mình thì họ nói gì mà chẳng được. Bố tôi không hận Chung Ninh và Chung Quốc Khánh, người ông hận nhất là tôi.
Mỗi tháng, tiền lương cơ bản của An Tâm cũng chỉ có hai trăm tệ, ngoài ra đều là phần trăm doanh thu bán hàng. Tháng nào bán được nhiều thì hưởng được tám, chín trăm tệ, có tháng nhiều nhất là hai nghìn sáu, tháng nào bán được ít thì chỉ được bốn, năm trăm tệ. Tháng được hai nghìn sáu trăm tệ, em đã trích ra một nghìn năm trăm tệ trả cho sếp Phan. Lần Tiểu Hùng bị sốt cao, đúng lúc sếp Phan đến Bắc Kinh công tác nên đã cho em mượn hết số tiền một nghìn tệ mang theo phòng thân, đó cũng chính là lần tôi nhìn thấy An Tâm khóc lóc trước mặt sếp Phan ở cổng trường dạy võ. Sau đó, ông ta lại gửi cho An Tâm năm nghìn tệ để trả nợ cho tôi nữa.
Ngay từ ngày đầu tiên chính thức sống chung dưới một mái nhà, tôi và An Tâm đã gặp phải biết bao khó khăn, gian khổ, nhưng đó cũng là thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất. Trong những ngày tháng đó, chúng tôi đã có được sức mạnh từ tình yêu mà đối phương dành cho mình. Dù có cực khổ đến mấy, chúng tôi cũng không hề oán trách nhau. Mỗi buổi sáng khi tạm biệt, chúng tôi đều khích lệ lẫn nhau, tâm niệm sống là vì nhau, nỗ lực vì nhau. Chính vì vậy, tinh thần luôn rất thoải mái. Ban ngày, dù có những chuyện không vui nhưng chúng tôi đều biết mình có một gia đình và mong chờ trời tối để quay về tổ ấm của mình. Tối đến, chúng tôi thường ngồi dựa vào vai nhau trên tấm thảm đối diện sô pha, ngắm nhìn Tiểu Hùng đang say ngủ. Vì muốn tiết kiệm tiền điện, chúng tôi thường tắt hết đèn, không bật ti vi mà cứ ngồi nói chuyện với nhau như vậy, thậm chí có hôm chỉ lặng lẽ ngồi cạnh nhau cũng đủ thấy hạnh phúc.
Nếu không tính chi phí nuôi con thì một tháng, chúng tôi chỉ tiêu chưa đến hai trăm tệ. An Tâm nói rau cháo qua ngày cũng được, em chịu khổ quen rồi, chỉ ngại cho tôi đã quen ăn sơn hào hải vị, giờ phải ăn những món thiếu dinh dưỡng, làm sao chịu được. Tôi bảo không sao cả, sức khỏe của tôi rất tốt, chỉ là từ trước tới nay luôn gầy gò thôi. Tất nhiên là tôi không hề phiền muộn vì chuyện cơm canh đạm bạc, vì tôi đã có một liều thuốc bổ cực tốt, chính là tình yêu của An Tâm.
Một thời gian sau, do không tìm được công việc thích hợp, tôi đành phải làm công việc chân tay, từ bê sách ở nhà xuất bản, bưng bê ở quán giải khát đến chuyển dây cáp ở sở điện… Tóm lại là việc gì kiếm ra tiền, tôi đều không chối từ.
Lúc đó, nếu tôi không yêu thương An Tâm và không nhận được sự yêu thương của em thì chắc chắn không thể kiên trì chịu khổ như vậy được. Có lần, khi tôi đi giao bia cho một nhà hàng sang trọng thì gặp ngay một trong những cô gái trước đây từng theo đuổi tôi ở cửa. Cô ta đi cùng một đám bạn sành điệu đến đó ăn cơm, nhìn thấy tôi, dường như cô ta không nhận ra, ngạc nhiên hỏi: “Ồ, Dương Thụy phải không? Sao trông anh thê thảm vậy? Nghe nói anh thôi việc ở Quốc Ninh rồi đúng không? Sao, giờ chuyển sang bán bia hả? Hay là anh đang trải nghiệm cuộc sống?” Tôi không biết là cô ta hỏi thật lòng hay đang chế giễu tôi nữa, bèn cười, nhìn thẳng vào mặt cô ta, đáp: “Không, là cuộc sống đang thử thách tôi mới đúng.”
Không sai, cuộc sống đang thử thách tôi, xem còn điều gì mà tôi không thể chịu đựng nổi. Nếu là mệt mỏi, đói khát, thất vọng hay mất thể diện thì tôi đều đã nếm trải rồi. Tôi tin rằng tất cả những khó khăn trước mắt đều là thử thách mà Thượng Đế sắp đặt cho tình yêu của chúng tôi, nhất định sẽ có một ngày tôi lại được nở mày nở mặt với thiên hạ.
Trong những tháng ngày gian khổ khắc cốt ghi tâm đó, cửa ải khó khăn nhất chính là việc Tiểu Hùng bị ốm. Thằng bé cứ sốt cao không hạ, đang đêm chúng tôi phải đưa nó đến bệnh viện khám, nguyên nhân cũng giống như lần trước, là bệnh viêm màng não.
Bác sỹ nói Tiểu Hùng phải nhập viện, viện phí ít nhất là ba nghìn tệ, nếu thiếu bệnh viện sẽ không nhận. Chúng tôi bó tay, không thể xoay đâu ra ngần ấy tiền. Trong lúc cấp bách, tôi đã đưa An Tâm và đứa bé đến tìm bố tôi.
Vào lần về nhà sau khi chia tay Chung Ninh, tôi và bố đã cãi nhau một trận kịch liệt. Hôm đó, bố tôi uống rượu, hơi men bốc lên, ông đã chửi bới tôi thậm tệ, thậm chí còn chửi cả An Tâm. Tôi không nhịn được, cãi lại rồi tức giận bỏ đi, suýt nữa đã nói là sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Nhưng đến khi nhìn thấy Tiểu Hùng ốm, còn An Tâm thì lo lắng khóc lóc, với tư cách là người đàn ông trụ cột của gia đình, tôi chỉ còn cách dẹp sĩ diện sang một bên và quỳ gối xin sự giúp đỡ của bố.
Chúng tôi đi xe buýt đến hồ Đoàn Kết. Tôi vốn định để An Tâm và con đứng ngoài đợi nhưng hôm đó trời mưa, xung quanh không có chỗ trú. Hơn nữa, tôi sợ ngay cả đến nhìn mặt bố tôi cũng không muốn, chứ đừng nói đến chuyện vay tiền, thế là bảo An Tâm bế Tiểu Hùng đi cùng, biết đâu bố tôi nhìn thấy thằng bé ốm nặng như vậy lại mủi lòng thì sao.
Nhưng cửa vừa mở ra, tôi đã thấy ớn lạnh sống lưng. Bố tôi lại uống rượu, lúc đó đã ngà ngà say rồi. Đó là lần đầu tiên ông gặp An Tâm nên không tránh khỏi ngạc nhiên. Tôi vội lên tiếng: “Bố, đây là An Tâm. Con cô ấy ốm nặng lắm, bố có thể giúp chúng con không?”
Mặt bố tôi đỏ lừ, không biết là do uống nhiều hay đang tức giận. Ông lè nhè nói từng chữ nhưng rất lớn tiếng, dường như đang trút nỗi uất ức bấy lâu.
“Tôi giúp các người thì ai giúp tôi? Dương Thụy, mày có còn là con tao không hả? Bố mày đang thất nghiệp, không có cơm ăn mà mày còn không lo! Tao chỉ có chút tiền lương hưu, còn mày thanh niên sức dài vai rộng, lại đến nhờ vả ông già này nữa hả? Nếu để hàng xóm biết, người ta không cười vào mặt mày mới là lạ.”
Tôi nén giận, nói: “Bố, thằng bé bị viêm màng não, nếu không chữa ngay sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thôi thì bố giúp chúng con đi, con cầu xin bố.”
Bố tôi không thèm nhìn đứa bé và An Tâm nhưng lại chỉ vào họ, nói với tôi: “Đây là con của ai, của mày hả? Là con cháu nhà họ Dương này hả? À, mà giờ mày cũng không giống con cháu nhà họ Dương nữa rồi. Người nhà họ Dương không làm nổi những chuyện mất mặt như thế.”
Cuối cùng, tôi điên tiết, lớn tiếng cãi: “Con đã làm gì chứ? Con chẳng làm gì khiến bản thân phải hổ thẹn cả!”
“Mày không cảm thấy hổ thẹn à? Mày không thấy hổ thẹn nhưng tao thì xấu hổ muốn chết đây này! Ai cũng nói con đàn bà này chẳng ra gì, thế mà mày lại không tin, nếu nó tử tế thì sao lại có đứa bé này? Mày nói đây không phải là con mày, thế sao mày cứ phải ôm nó chạy vạy khắp nơi thế? Mày còn mặt mũi đưa nó về cái nhà này nữa, mày không cảm thấy xấu hổ thì tao xấu hổ thay cho mày! Mày mang chúng nó cút đi cho tao nhờ!”
Tôi tức điên lên, xông tới túm lấy cổ áo ông, dáng vẻ như muốn một mất một còn, nhưng ngoài việc hét lên câu: “Bố nói cái gì?” ra thì không thể làm gì được. An Tâm một tay bế đứa bé, một tay kéo tôi lại, hét lên: “Dương Thụy, anh buông tay ra! Đây là bố anh đấy, anh buông tay ra mau, Dương Thụy.” Tôi buông tay ra, bố liền tát tôi một cái rất mạnh, đồng thời quát lớn: “Mày không phải con tao. Mày vì con đàn bà này mà dám đánh cả bố mày. Mày đúng là đồ súc sinh!”
Nước mắt tôi trào ra, toàn thân tôi run lên, tôi quay người bỏ chạy khỏi căn nhà nơi tôi đã từng lớn lên.
An Tâm vội vã chạy theo tôi. Chúng tôi còn nghe thấy tiếng bố tôi chửi với theo: “Mày có giởi thì đừng quay về đây nữa, tao không có đứa con như mày, mày cũng đừng nhận tao là bố. Coi như tao tốn công nuôi mày hai mươi năm nay.”
Tôi chạy ra đường lớn, nước mưa hòa cùng nước mắt, khiến mắt tôi nhòa đi. Tất cả đường phố, xe cộ lẫn người đi đường đều như bị che phủ bởi một lớp kính dày mờ ảo. An Tâm một tay cầm ô, một tay ôm Tiểu Hùng, khó khăn lắm mới đuổi kịp tôi. Tôi đứng ở bên xe buýt, toàn thân ướt sũng, một mực cúi đầu vì không muốn em thấy tôi đang khóc. An Tâm đi đến, che chiếc ô lên đầu tôi, nói: “Dương Thụy, anh và bố giận nhau là vì em, em cảm thấy rất đau khổ. Dù sao ông ấy cũng là bố anh, đã sinh ra và nuôi nấng anh hai mươi năm nay, còn em và Tiểu Hùng chẳng là gì cả…”
Tôi quay sang ôm lấy An Tâm và cả Tiểu Hùng đang sốt hầm hập, chiếc ô trên đầu nghiêng ngả rồi rơi xuống đất, chúng tôi cũng mặc kệ không nhặt. Tôi ôm chặt lấy hai mẹ con em, không thốt nên lời. Xe buýt vào bến, có mấy người bước xuống, sau đó tài xế đóng cửa lại và chạy tiếp. Tôi vẫn ôm chặt An Tâm và đứa bé, mặt tôi chạm vào má em, tôi có thể cảm nhận được bờ vai em đang run rẩy. Em nói: “Em đã nói rồi mà, em là hồ ly tinh, bất kỳ người đàn ông nào ở gần em đều gặp xui xẻo cả.”
Tôi càng ôm em chặt hơn, giọng nói của tôi hòa cùng tiếng mưa đang ngày càng nặng hạt. “Anh cần em, cũng cần cả Tiểu Hùng nữa. Anh sẽ không gặp xui xẻo đâu. Sau này, chúng ta nhất định sẽ hạnh phúc!”
Một tiếng sau, tại bệnh viện tôi đã nói với bác sĩ rằng thằng bé chính là con tôi. Tôi đưa chứng minh thư của mình và của An Tâm cho bác sĩ, nói: “Thằng bé cũng là một công dân của đất nước này, các chị không thể thấy chết mà không cứu được. Tôi để giấy tờ tùy thân ở đây, các chị cho nó nhập viện trước, tôi sẽ mang tiền đến sau.”
Nữ bác sĩ đó mới ngoài ba mươi tuổi. Chị ta nhìn tôi rồi lại nhìn An Tâm, chắc là thấy dáng vẻ chúng tôi không giống người làm cha mẹ lắm, liền nghi ngờ hỏi: “Cậu là bố thằng bé sao? Sao cậu họ Dương thằng bé lại mang họ An?… À, theo họ mẹ.”
Nói rồi, bác sĩ nhìn chằm chằm vào An Tâm, cũng may Tiểu Hùng rất giống em. Sau đó, bác sĩ nói: “Theo luật, chúng tôi không có quyền giữ giấy tờ của hai người. Thế này đi, tôi sẽ hỏi bộ phận nội trú của bệnh viện, hai người bế thằng bé đến phòng điều trị truyền nước trước, có nhập viện được hay không, lát nữa hãy nói. Hai người nộp trước phí truyền nước đi.”
Tôi và An Tầm quay sang nhìn nhau. Tôi bảo An Tâm đưa Tiểu Hùng đi truyền nước trước, còn mình sẽ đi lấy tiền. Khi tôi vừa quay người dợm bước thì An Tâm gọi tôi lại. Trước mặt bác sĩ, em không tiện nói to, chỉ thì thầm hỏi: “Dương Thụy, anh lấy đâu ra tiền?”
Tôi cũng không biết sẽ lấy tiền ở đâu ra, đành trả lời qua quýt: “Tìm ai đó vay tạm.”
Sau đó, bác sĩ kê đơn rồi dẫn An Tâm đến phòng điều trị, nói với y tá để Tiểu Hùng được truyền nước trước.
Tôi rời khỏi bệnh viện, che chiếc ô hồng đã bạc màu, đứng ngây ra trong mưa, không biết nên đi đâu. Suy đi tính lại, vẫn chỉ có Lưu Minh Hạo là có thể nhờ cậy được. Tôi không gọi điện mà đi thẳng tới nhà cậu ta, nếu cậu ta không có ở nhà, tôi sẽ ngồi đợi cho kì được mới thôi. Tôi thầm mong ước tối hôm trước, cậu ta đi quán bar chơi bời mệt quá nên vẫn còn ngủ nướng ở nhà. Có lần cậu ta đã nói, khi mưa to gió lớn, thích nhất là được ở nhà trùm chăn ngủ mà, nếu ngoài trời đang có tuyết rơi thì càng tuyệt.
Đến nhà Lưu Minh Hạo, tôi gõ cửa, không thấy cậu ta ra mở, không biết là chưa ngủ dậy hay là lười không muốn dậy, mà có khi cậu ta nhìn thấy tôi qua mắt thần ở cửa nên giả vờ không có nhà cũng nên. Tôi nhẫn nại gõ cửa suốt mười phút, đến mức hàng xóm đều mở cửa ra nhìn và bản thân cũng cảm thấy xấu hổ, đang thất vọng định đi xuống lầu thì cửa mở.
Lưu Minh Hạo quần áo xộc xệch, hai mắt lim dim, thấy tôi đứng ở cửa trong tình trạng ướt nhẹp từ đầu đến chân thì ngây ra, có vẻ vừa ngại ngùng vừa ngạc nhiên.
“Dương Thụy? Sớm thế này cậu đến nhà tôi làm gì? Ồ, đã mười một giờ rồi cơ à… Nào, mau vào nhà đi! Dạo này cậu làm ở đâu vậy, chẳng ai tìm thấy cậu cả.”
Tôi bước vào nhà. Sàn nhà vừa được trải thảm mới nên tôi chỉ đứng ở cửa chứ không dám bước tiếp, dáng vẻ thật chẳng khác gì một anh nhà quê sợ làm bẩn thảm của nhà chủ. Lưu Minh Hạo đưa dép cho tôi, hỏi: “Bên ngoài mưa to quá nhỉ, có muốn thay quần áo không?” Tôi vẫn đứng yên tại chỗ, cởi bộ quần áo ướt ra rồi mặc chiếc quần vừa rộng vừa ngắn cùng chiếc áo thun Lưu Minh Hạo vứt cho vào người, xong xuôi bước vào phòng khách.
Lưu Mình Hạo cũng thay quần áo chỉnh tề rồi ngồi xuống sô pha đối diện với tôi, hỏi: “Dạo này thế nào, cậu sống một mình hay là…?”
“Sống cùng An Tâm.” Tôi đáp.
Lưu Minh Hạo tỏ ra kinh ngạc, nhưng tôi biết cậu ta chỉ giả bộ, chắc chắn trong lòng cậu ta đang nghĩ: “Cái thằng này được lắm, cuối năm chia tay Chung Ninh, qua Tết đã có “bồ” mới ngay rồi.”
Tôi nói với Lưu Minh Hạo: “Hiện giờ tôi đang rất khó khăn, cậu có thể cho tôi mượn ít tiền không?”
Hình như Lưu Minh Hạo đã sớm đoán ra mục đích tôi đến tìm cậu ta, suốt ngày lê la ở quán bar với nhà hàng, ai có chuyện gì cậu ta đều biết cả.
Cậu ta đáp: “Cậu có cần gấp không? Gần đây tôi đang có một vụ làm ăn, tiền bạc đều đầu tư vào đó cả rồi, giờ còn nợ người ta đây này.”
Tôi cuối đầu, nói: “Cần ngay bây giờ, con trai An Tâm bị ốm.”
Lưu Minh Hạo nghĩ ngợi một lúc mới nói: “Cậu nói thật xem nào, rốt cục đứa bé đó có phải là con của cậu không? Ai cũng nói nó là con cậu nhưng tôi không tin. An Tâm là người tôi giới thiệu cho cậu, thời gian hai người quen nhau không lâu, làm sao có con lớn thế được.”
“Không phải là con tôi.” Tôi thẳng thắn đáp.
“Vậy việc gì cậu phải lo cho nó?” Lưu Minh Hạo vội hỏi.
Ngập ngừng một lúc lâu tôi mới đáp: “Vì tôi yêu hai mẹ con cô ấy.”
Lưu Minh Hạo há hốc mồm vì kinh ngạc. Quả thực lúc đó tôi không giống một Dương Thụy tán gái chỉ để tìm vui mà cậu ta từng quen biết. Cậu ta nhìn tôi một hồi rồi hỏi: “Thằng bé bị bệnh gì, cậu cần bao nhiêu tiền?”
“Tiền đặt cọc để nhập viện là ba nghìn tệ…”
“Giờ cậu đang làm việc ở đâu? Công ty cậu chẳng lẽ không thể tạm ứng lương cho nhân viên à?”
“Giờ tìm việc khó khăn, tạm thời tôi đang làm công theo ca…”
Lưu Minh Hạo thở dài, nói: “Tôi đã bảo rồi mà. Dương Thụy cậu đừng tưởng cậu đẹp trai thì có thể dễ dàng kiếm được tiền, người như Chung Ninh không nhiều đâu. Làm người không thể được voi đòi tiên. Cậu đã có tiền, có sự nghiệp thì đừng mong có được tình yêu. An Tâm đẹp thật đấy, đến tôi cũng thích, nhưng có rất nhiều thứ không phải cứ thích là có được. Cậu biết Công nương Diana không, có danh vọng, địa vị, tiền bạc rồi, cô ta còn muốn cả tình yêu nữa, kết quả là…”
Tôi không đợi cậu ta nói hết đã đứng dậy, tức giận bỏ đi, Lưu Minh Hạo gọi với theo, tôi không thèm thưa. Cậu ta thấy tôi mặt nặng mày nhẹ thay quần áo ở cửa, liền đi tới, cười nói: “Mẹ kiếp, cậu định làm giấy rách phải giữ lấy lề đến cùng à…”
Tôi mở cửa, bước ra. Lưu Minh Hạo vội hỏi: “Bệnh viện nào thế? Lát nữa tôi đến.”
Ba giờ chiều hôm đó, Lưu Minh Hạo đã đến bệnh viện, trả ba nghìn tệ tiền phí nhập viện cho Tiểu Hùng, còn nhét vào tay tôi một nghìn tệ nữa. Sau đó, cậu ta quay sang nói với tôi: “Nói cho cậu biết nhé, vì cậu mà tôi đã vứt hết đống cổ phiếu đáng giá tám nghìn đi đây. Sau này nhớ trả đấy.”
Tôi cầm tiền, cảm thấy mình thật thấp hèn.
Lưu Minh Hạo liếc nhìn An Tâm trong phòng bệnh của Tiểu Hùng rồi vỗ vai tôi, nói: “Tôi về đây, mấy hôm nữa tới tìm cậu.”
Mấy ngày sau Lưu Minh Hạo gọi điện hẹn tôi ra một nhà hàng ven hồ Đoàn Kết ăn hải sản. Tôi đồng ý.
Trước đây, tôi thường đến nhà hàng này, khung cảnh đẹp, đồ ăn cũng khá ngon. Lúc tôi đến, Lưu Minh Hạo vẫn chưa đến, tôi tìm một chỗ khá kín đáo gần cửa, đứng đợi cậu ta. Chờ nửa tiếng, tôi mới thấy cậu ta lái chiếc xe đắt tiền tới. Lưu Minh Hạo nhìn thấy tôi đứng tần ngần ở cửa thì trách: “Sao cậu không vào gọi món trước, đứng đây làm gì?” Tôi không trả lời, đi theo cậu ta vào nhà hàng. Chắc cậu ta không biết trong người tôi chỉ còn hai mươi tệ, sao dám một mình gọi món, lỡ cậu ta không đến thì tôi biết làm thế nào.
Sau khi ngồi xuống bàn, Lưu Minh Hạo đưa cuốn thực đơn cho tôi, nói: “Tôi ghét nhất là gọi món đấy.”
Tôi đưa lại thực đơn cho cậu ta, nói: “Hay là cậu chọn đi.” Lâu rồi tôi không ăn ở nhà hàng nên cũng không thấy tự nhiên khi gọi món nữa.
Nhân viên phục vụ thấy chúng tôi cứ đùn đẩy nhau, bèn nhân cơ hội giới thiệu hai món đắt tiền nhất. Lưu Minh Hạo nói đã ăn thử, không ngon rồi chọn đại mấy món.
“Hôm nay tôi tìm cậu là vì có một việc. Cậu còn chỗ nào khác để ở không?” Lưu Minh Hạo hỏi.
Tôi nhất thời không hiểu ý của cậu ta, chỉ đáp: “Không có, tôi vẫn đang sống ở nhà mà.”
Lưu Minh Hạo ngập ngừng một hồi mới nói thẳng: “Là thế này, bố cậu đến tìm tôi, bảo tôi nói với cậu dọn đi chỗ khác ở. Đó là nhà bố cậu được phân, giờ ông định cho thuê, đã tìm được khách thuê rồi.”
Tôi lập tức sững sờ, người ngây ra như khúc gỗ, không phải vì oán trách bố tôi quá nhẫn tâm mà vì tôi cảm thấy mình đã mất hết cả lòng tự tôn rồi. Ngay cả bố đẻ còn đuổi tôi ra khỏi nhà thì tôi còn mặt mũi nào gặp người khác nữa.
Đã thế, Lưu Minh Hạo còn nói đỡ cho bố tôi: “Bố cậu cũng khó khăn lắm, đi tìm việc còn khó hơn cậu nữa đấy. Giờ không phải việc kén ông ấy mà là ông ấy kén việc. Mấy việc như xưởng trưởng, phó tổng giám đốc, ông ấy làm nổi không? Có chân trông xe, gác cửa thì cứ chê ỏng chê eo, nói là chưa mất giá tới mức ấy. Sống nhờ mấy đồng lương hưu ít ỏi cũng khổ lắm, nếu có căn nhà cho thuê, ít ra cũng có đồng ra đồng vào. Bố cậu thì cậu còn lạ gì nữa, người giúp việc nghỉ rồi, không có ai chăm sóc cho ông ấy, thường ngày lại hay uống rượu, số tiền đó chắc không đủ tiêu đâu.”
Tôi cố gắng kìm nén sự giận dữ và nỗi xót xa trong lòng. Đó là bố của tôi, tôi không thể nói xấu ông trước mặt người ngoài được. Tôi bèn hỏi Lưu Minh Hạo: “Thế cậu bảo tôi phải đi đâu bây giờ?”
Lưu Minh Hạo gõ ngón tay lên mặt bàn một hồi rồi lắc đầu, thở dài, nói: “Cũng phải, cậu còn nơi nào để đi nữa đâu, lại còn cả An Tâm và đứa bé nữa chứ. Nhưng tôi biết ăn nói thế nào với bố cậu bây giờ? Nói tạm thời cậu chưa biết dọn đi đâu à?”
Tôi uống một ngụm bia, đáp: “Tùy cậu thôi, nói thế nào chả được. Hay cậu bảo với ông ấy, ngày trước, ông ấy mượn danh nghĩa xin cho tôi để được phân căn nhà đó, nếu không cho tôi ở thì ông ấy phải trả lại cho nhà nước.”
“Bây giờ các cơ quan nhà nước đã dừng việc phân nhà cho nhân viên rồi, ai muốn ở thì phải bỏ tiền ra mua lại. Nếu bố cậu đã bỏ tiền ra mua thì nó là tài sản của ông ấy, ông ấy có quyền cho cậu ở và cũng có quyền đuổi cậu đi. Cậu cũng chẳng còn là trẻ vị thành niên được pháp luật bảo hộ nữa rồi. Tôi thấy hay là cậu về nhà, nịnh bố cậu vài câu xem sao, người già thường hay mủi lòng mà.”
“Cậu về nói với ông ấy rằng, ông ấy có quyền của mình, muốn lấy lại nhà thì cứ việc kiện tôi ra tòa. Tôi và mẹ con An Tâm không ở đó thì cũng không chết được. Mà dù có phải sống bờ sống bụi thì tôi cũng không thèm về cầu xin ông ấy!”
Lưu Minh Hạo thấy tôi có phần kích động, liền hùa theo: “Đúng, chúng ta vẫn sống…” Cậu ta chỉ nói thế rồi im bặt. Tôi đoán vế sau chắc là: “Người chết trước là ông ấy cơ mà.” May mà cậu ta kịp phanh lại.
Nói thế nào thì nói, tôi vẫn là con trai của ông, dù ông có đối xử với tôi thế nào thì vẫn là bố tôi. Sau này, nếu có tiền, tôi sẽ phụng dưỡng ông thật chu đáo, An Tâm cũng sẽ chăm sóc ông, thử xem đến lúc đó, ông có thấy khó xử không!
Lưu Minh Hạo cụng ly với tôi, nói: “Bố cậu chắc chắn vẫn còn thương cậu lắm, chủ yếu là không chấp nhận An Tâm và đứa bé thôi. Haizz…” Sau đó, cậu ta chuyển sang chủ đề khác: “Này, giờ cậu đang không có việc làm đúng không, tôi có một ông anh kết nghĩa là trưởng bộ phận giặt là của khách sạn Long Đô, họ đang tuyển thợ sửa máy giặt đấy. Chẳng phải cậu học ngành Cơ khí khai khoáng sao, có muốn đến đó làm không?”
Thế là chúng tôi không nhắc đến chuyện của bố tôi nữa, Lưu Minh Hạo cũng không hỏi một câu về An Tâm và đứa bé. Hôm đó, tôi ăn một bữa no căng bụng. Khi trả tiền, tôi nói muốn đem thức ăn thừa về. Nói thực, đã lâu tôi chưa được ăn bữa nào ngon như vậy, cũng rất muốn An Tâm và Tiểu Hùng được ăn. Vào những lúc khốn cùng, người ta thường chỉ nghĩ đến những thứ đơn giản và thực tế vậy đấy. Lưu Minh Hạo nói không sao, còn nhân viên phục vụ mang hộp đến và hỏi xem có cần gọi thêm mấy món nữa không. Tôi nói không cần.
Tối hôm đó, tôi hớn hở mang thức ăn về nhà, hi vọng An Tâm vẫn chưa ăn cơm. An Tâm đã về nhà trước tôi, em nói trên đường từ bệnh viện về đã mua bánh bao ăn rồi. Tôi xuống bếp, thấy còn nửa chiếc bánh bao trong chạn, liền hâm nóng thức ăn lên cho em ăn. Ngồi nhìn em ăn từng miếng ngon lành, tôi thấy rất vui. Bất chợt, tôi hỏi An Tâm: “Em còn nhớ, trước đây anh mời em đi ăn cơm, em còn làm kiêu không chịu đi không?”
An Tâm nuốt vội một miếng rổi ngẩng đầu lên, nói: “Em làm kiêu khi nào chứ?”
“Khi đó, em chẳng làm bộ không thèm để ý đến đàn ông còn gì. Em quên rồi sao?”
Không biết An Tâm quên thật hay giả ngây, em nói: “Em nhớ lúc em vay tiền anh, anh còn không muốn cho vay nữa kia mà. Anh có biết lời anh nói khi đó khiến em muốn nhảy sông tự tử quách cho xong không?”
Tôi cười, hỏi: “Thế sao em không nhảy?”
An Tâm bỗng trở nên nghiêm túc, nói: “Em mà nhảy, Tiểu Hùng sẽ ra sao đây?”
Tôi trầm tư một lúc mới nói lảng sang chuyện khác: “Chỗ thức ăn này nhiều quá, em có ăn hết được không? Hay là mai mang một ít đến bệnh viện cho Tiểu Hùng?”
Vừa dứt lời, tôi đã thấy An Tâm buông đũa xuống, bèn vội vàng nói: “Thôi, em cứ ăn đi, Tiểu Hùng còn nhỏ có ăn được là bao đâu.”
An Tâm vẫn gom thức ăn lại, bỏ vào một cái hộp inox. Để tiết kiệm điện, chúng tôi không dùng tủ lạnh nữa. An Tâm để chiếc hộp đó vào chậu nước lạnh, nói: “Đời này dù có tốt với Tiểu Hùng đến đâu, em vẫn cảm thấy có lỗi với thằng bé, em mãi mãi nợ nó.”
“Em không nợ con gì cả. Em chẳng cứu thằng bé mấy lần rồi còn gì.” Tôi nói.
An Tâm im lặng một hồi rồi đột nhiên hỏi: “Thằng bé còn nhỏ vậy mà đã mất bố. Sau này, nếu con hỏi, em biết trả lời thế nào đây?”
“Thì em cứ nói sự thật, có sao đâu.”
An Tâm thở dài, trên gương mặt không khác gì thiếu nữ của em phảng phất những nếp nhăn ưu phiền. Em nói: “Chắc chắn con sẽ hận em!”
Tôi đi vào bếp, đứng sau lưng An Tâm, không hiểu sao lại buột miệng nói một câu: “Chúng ta kết hôn đi, anh sẽ làm bố của thằng bé.”
Đó là lần đầu tiên, chúng tôi nhắc đến hai chữ “kết hôn”. An Tâm cắm cúi rửa bát, không có phản ứng gì.
“Em không muốn nói chuyện này ư?” Tôi hỏi.
An Tâm vẫn cúi đầu rửa bát.
“Thế thì coi như anh chưa nói gì.”
An Tâm dừng tay, đột nhiên quay người lại, ôm chầm lấy tôi, toàn thân run rẩy. Em vừa khóc vừa nói: “Dương Thụy… em còn mặt mũi nào nói chuyện kết hôn với anh nữa. Em là phụ nữ đã có con, không xứng với anh đâu. Anh đối xử tốt với em thế này, em có dùng cả đời để báo đáp cũng không đủ… Em đã hại chết Thiết Quân, em không thể lại bắt anh chịu thiệt thòi mà lấy em được. Từ trước tới nay, em chưa bao giờ dám mơ tưởng đến việc kết hôn với anh. Em luôn nghĩ, khi nào anh gặp được người con gái thích hợp thì em sẽ ra đi.”
Tôi cũng ôm chặt lấy An Tâm, an ủi em “Em nghĩ lung tung cái gì vậy, em là người con gái thích hợp nhất với anh. Trong mắt anh, em là một người con gái tuyệt vời, từ tâm hồn cho đến hình thức của em, anh đều thích. Anh còn cảm thấy mình không xứng với em nữa kìa. Anh chưa nói với em chuyện kết hôn là vì anh sợ em chưa quên được những chuyện quá khứ, anh đang đợi, dù sao chúng ta vẫn còn trẻ mà.”
An Tâm nín khóc nhưng vẫn ôm tôi. Cứ thế, chúng tôi ôm nhau rất lâu trong căn bếp chật chội đến mức không quay nổi người đó. Sau đó, An Tâm sụt sịt nói: “Dương Thụy, em không nói dối anh đâu, sau khi Thiết Quân mất, em chưa từng nghĩ sẽ kết hôn với ai nữa. Em định chờ con trưởng thành rồi sẽ xin quay lại ngành cảnh sát. Em không muốn sống cảnh cô độc, không đồng nghiệp, không tập thể như hiện tại. Em trốn chạy vì em không còn cách nào khác, em sợ mình chết rồi thì Tiểu Hùng không biết sẽ ra sao. Nếu không vì con thì có chết em cũng không sợ. Thật đấy, Dương Thụy, anh đừng đối xử tốt với em nữa, em không báo đáp nổi anh đâu.”
Tôi chỉ biết ôm em để bày tỏ lời cảm ơn và tình yêu đối với người con gái đã thay đổi cả con người tôi. Rồi tôi thì thầm vào tai em: “Anh tốt với em vì anh cần em, muốn sống với em. Em cứ đợi đấy, sớm muộn gì anh cũng lấy được em.”