Ngoảnh Lại Thấy Hoa Nở

Chương 9: Ký Ức Dạo Chơi Trong Vườn- Tứ Nguyệt (9)


Bạn đang đọc Ngoảnh Lại Thấy Hoa Nở – Chương 9: Ký Ức Dạo Chơi Trong Vườn- Tứ Nguyệt (9)


Thầy Lý tức giận đến mức phải nhập viện ngay trong đêm đó. Các giáo viên thì đều bênh vực kẻ yếu là tôi, các học sinh cũng đều căm phẫn vô cùng. Hiệu trưởng cũng chẳng biết làm sao, nói là ý của cấp trên. Trong đêm đông lạnh giá đó, tôi ngồi trước giường bệnh của thầy Lý, cố gắng gạt nước mắt, lên tinh thần. Thầy Lý cười yếu ớt, còn an ủi ngược lại tôi, “Đừng sợ, tà không thể thắng chính, nhất định thầy sẽ đòi lại công bằng cho con.”
Bất kể là lúc riêng tư, hay là trong trường hoặc trong lớp, tôi và thầy Lý vẫn xưng hô với nhau là thầy trò. Nhưng mà ở trong lòng tôi, tôi đã sớm coi người đàn ông thành thật, phúc hậu, nhẫn chịu biết bao khổ cực này là ba tôi, trong trí tưởng tượng có hạn của tôi, ông giống như một chú lạc đà mang gánh nặng trên lưng, bước đi cô độc trong sa mạc mênh mông không bờ bến. Để có thể nuôi sống gia đình,ông đã mệt mỏi đến mức bệnh tật đầy người. Ấy thế mà ông vẫn tiếp tục tiến bước. Cả đời ông cần cù yên phận, không so đo với ai, cũng không tranh thủ cái gì, nhưng mà trên con người ông lại toát lên sự chính trực bẩm sinh, còn có một loại bản năng bảo vệ con cái. Trong đêm đông lạnh giá đó, ông vẫn nói với đứa bé của ông rằng: “Đừng sợ, có thầy ở đây, không có gì phải sợ cả.”
Thầy Lý chỉ ở trong bệnh viện mấy ngày rồi sốt ruột xuất viện. Không phải chỉ vì không muốn lãng phí tiền thuốc men, mà hơn thế nữa là ôngmuốn đòi lại sự công bằng cho con gái. Vì thế lúc vẫn còn ở bệnh viện, ông đã cãi nhau một trận lớn với Trình Tuyết Như.
Trình Tuyết Như nói: “Anh dựa vào cái gì mà giúp nó như thế, nó có phải là do anh sinh ra đâu, hiệu trưởng đã nói là do ý của cấp trên rồi, sao anh lại phải đi lấy trứng mà chọi với đá? Cuộc sống này vẫn còn chưa đủ khổ cực hay sao?”
Thầy Lý nói: “Đây không phải là vấn đề tôi có giúp con bé hay không, mà là vấn đề có liên quan đến trắng đen phải trái. Nếu mà cứ để chuyện này trôi qua như vậy, thếthì em bảo sau này con cái phải làm người ra sao? Phải đối diện với thế giới như thế nào? Tôi là giáo viên, nếu ngay cả tôi cũng không thể chứng minh thiện ác của thế giới cho con cái, vậy thì tôi còn có thể làm gương cho người khác thế nào được đây?”
Trình Tuyết Như nói: “Việc gì anh phải quan tâm nhiều như thế? Anh cũng đâu phải là người của tòa án hay cục cảnh sát, anh thì làm gì được những người đó đây? Huống chi con nhóc kia vốn cũng chẳng đơn thuần như anh nghĩ, ai biết được nó làm những gì ở sau lưng chúng ta, nghe nói tác phong của mẹ nó khi còn sống cũng có vấn đề…”
“Trình Tuyết Như!” Thầy Lý giận tím mặt, đập mạnh lên ván giường, “Sao em có thể nói về con cái của mình như thế? Mặc dù con bé không phải do em sinh ra, nhưng mà con bé cũng là do mẹ nó sinh, mẹ con bé đã mất, còn chưa nói đến chuyện người chết cần được yên nghỉ, sao em lại có thể nói động đến một người đã chết? Tứ Nguyệt cũng chẳng làm sai cái gì, con bé chỉ bất hạnh hơn so với con gái của chúng ta, em không thông cảm cho nó, đã thế còn nói về mẹ con bé ở sau lưng nó, em có còn một chút nhân phẩm nào hay không?”

“Tôi làm sao? Tôi chỉ là một người thường, tôi chẳng vĩ đại giống như anh! Tôi không cần làm gương cho người khác! Tôi chỉ biết là thùng gạo đã sắp thấy đáy rồi, dầu ăn thì lại lên giá, tiền điện tháng này đã vượt chỉ tiêu, bếp lò trong nhà thì đã hỏng, học phí lớp múa của Phỉ Nhi cũng lại sắp phải đóng…”
Cuộc cãi vã dữ dội vọng đi rất xa trong hành lang bệnh viện vắng vẻ.
Tôi xách theo hộp đựng cơm, để mặc cho dòng nước mắt lạnh lẽo chảy tuột xuống hai gò má,không thể nhìn thấy rõ cái gì. Lúc tôi tới trời đang mưa, khi tôi rời bệnh viện mưa đã tạnh, tuyết rơi dày đặc vô cùng. Ngàn bông, vạn bông tuyết sạch trong bay mịt mù trong gió rét, buông xuống con đường vắng vẻ, trên ngọn cây thanh đồng[1] cũng đã đầy tuyết đọng.
[1] Cây thanh đồng: mọc ở vùng Trung bộ và Tây Nam bộ của Trung Quốc, được trồng làm cây bóng mát và cây cảnh.
Tôi không biết phải đi về nơi nào, nhìn xuống dấu chân của mình in trên mặt tuyết trong gió lạnh, cô độc quá. Cho đến khi tay chân của tôi đã đông cứng tới chết lặng, gần như không còn sức lực để mà đứng vững, tôi phát hiện ra mình đã đứng trước con ngõ cũ lụp xụp kia rồi. Ngôi nhà nhỏ mà tôi và mẹ từng sống vẫn còn đó. Ngôi nhà đã bị người nhà họ Mạc lấy về, không biết bây giờ ai đang ở.
Tôi ngẩng đầu nhìn sân phơi trên tầng hai, phía trên lan can cũng đã bị bao phủ bởi một lớp tuyết thật dày.
Trong không khí dày đặc mùi khói bếp. Cửa hàng ở mặt tiền tầng một đã đóng cửa, hóa ra gia đình thuê nó đã chuyển đi. Có mấy đứa bé đang đuổi bắt trong ngõ, không hề biết lạnh. Còncó tiếng quát tháo của người lớn và tiếng trẻ con nhà ai đang khócvọng đi thật xa, chói tai vô cùng trong con ngõ tĩnh mịch. Bất chợt tôi hơi hoảng hốt, vì sao tôi lại đi tới nơi này?

Tôi cũng chẳng làm sai cái gì, tôi chỉ bất hạnh hơn so với người khác.
Buổi tối về nhà thì Phỉ Nhi đã ngủ. Mặc dù động tác của tôi đã rất nhẹ nhàng, thế nhưng vẫn khiến Phỉ Nhi thức giấc.
Phỉ Nhi trèo từ giường dưới lên, chen chung vào một chiếc chăn với tôi, trên người Phỉ Nhi rất ấm áp, tôi đã quen thuộc với mùi hương ngọt ngào đặc biệt trên người cô bé, cô bé ôm tôi, kề sát vào đầu tôi.
“Chị, em vừa nằm mơ thấy ác mộng.”
“Mơ thấy gì?”
“Mơ chị rời khỏi em. Chị, chị sẽ không rời khỏi em, đúng không?”
“Chị không rời khỏi em, nhưng mà Phỉ Nhi, em đã trưởng thành rồi, chúng ta đều đã trưởng thành.”

“Lớn lên thì nhất định phải xa nhau ư?”
“Có lẽ vậy.”
“Vậy thì em mong đừng lớn lên nữa.”
Phỉ Nhi vẫn được Trình Tuyết Như bao bọc rất tốt. Việc nhà cũng không cho con bé chạm vào, Trình Tuyết Như nói, con gái có một đôi tay đẹp thì sẽ biểu hiện lên sự giáo dục và nuôi nưỡng tốt của cô gái đó. Mà bà ấy lại chẳng hề để ý đến đôi bàn tay mỗi ngày tan học về nhà lấy gạo nấu cơm, ăn cơm xong rửa bát, dọn dao thớt đầy dầu mỡ trong bếp của tôi có thể trở nên thô ráp hay không. Cho dù là vào mùa đông rét căm căm, tôi cũng phải vươn đôi tay vào trong chậu nước lạnh buốt.
Buổi sáng mỗi ngày Phỉ Nhi đều dưỡng da bằng Olay dưới sự giám sát của mẹ, rằng khuôn mặt là thứ quan trọng nhất đối với con gái. Vào thời đó Olay là một loại mỹ phẩm dưỡng da rất đắt, ở trong mắt tôi, mấy chục đồng một lọ có muốn cũng không với được. Mà thứ tôi dùng chính là loại Uất Mĩ Tịnh dành cho trẻ em chỉ có vài đồng. Tôi cũng chẳng để ý, bởi vì đối với tôi mà nói, có một thứ còn quan trọng hơn cả khuôn mặt, đó chính là sinh tồn.
Tôi không để ý cũng là bởi vì tôi đã quen với sự phân biệt đối xử rõ rệt giữa tôi và Phỉ Nhi của Trình Tuyết Như. Ăn nhờ ở đậu vốn là như thế, tôi có nơi để ở đã là tốt lắm rồi, còn mong muốn cái gì? Còn hy vọng cái gì nữa? Tôi cũng chẳng làm sai cái gì, tôi chỉ bất hạnh hơn so với người khác.
Con gái hơn mười tuổi đã bắt đầu dậy thì, từ những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như khăn mặt, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, dầu gội, xà phòng tắm đến quần lót, áo lót và tất, nếu như dầu gội mà Phỉ Nhi dùng là Phiêu Nhu[1] thì tôi chỉ có thể sử dụng Phong Hoa[2] chỉ mấy đồng một lọ; còn áo trong hay là áo ngực, từ trước đến giờ đều là hàng vỉa hè hơn mười đồng một cái, mà Phỉ Nhi thì lại được mẹ dẫn đến công ty bách hóa để tự mình chọn lựa hàng hiệu; rồi cả những kì sinh lý hàng tháng, Phỉ Nhi vừa đến ngày là Trình Tuyết Như sẽ đun nước đường đỏ bổ máu, điều khí cho cô bé, còn tôi có đau bụng đến mức trằn trọc trên giường cũng chẳng ai tới hỏi thăm…
[1] Phiêu Nhu: dầu gội Rejoice.

[2] Phong Hoa: dầu gội Bee and flower.
Không chỉ như thế, Trình Tuyết Như còn phân biệt đối xử với việc bồi dưỡng con gái, mặc dù Phỉ Nhi cực kì chán nản bà cũng bắt ép con gái phải đi học múa, bà nói con gái đi học múa mới có khí chất; học múa còn chưa đủ, bà còn buộc con gái học đàn dương cầm, nói con gái biết chơi một, hai loại nhạc cụ thì mai sau sẽ không bị mất mặt trong các buổi xã giao. Vì thế Trình Tuyết Như đã gom góp số tiền dành dụm bao năm để mua đàn dương cầm cho con gái, tan học mỗi ngày, chuyện đầu tiên Phỉ Nhi làm chính là học đàn, nếu không sẽ không được ăn cơm.
Về phần tôi, đừng nói chạm vào đàn, chỉ đến gần thôi cũng không được phép.
“Cẩn thận một chút, cái đàn này đắt thế, làm hỏng rồi có bồi thường được không?” Mỗi lần tôi đi tới gần đàn dương cầm là Trình Tuyết Như sẽ luôn hét to khoa trương như thế.
Mà mục đích Trình Tuyết Như không tiếc dốc vốn liếng để bồi dưỡng con gái chỉ có một, đó là muốn gả con gái vào một gia đình danh giá. Nói trắng ra chính là nhà có tiền. Bà muốn chứng minh cho tất cả mọi người thấy, rằng con gái mà Trình Tuyết Như bà nuôi dưỡng, tương lai tuyệt đối sẽ không sinh sống trong một con ngõ nhỏ hẹp, bà cũng quyết không cho con gái giẫm theo lối cũ năm xưa của bà.
Điều này tôi hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi vì thứ mà Trình Tuyết Như hận nhất và không cam lòng nhất chính là khiến cho bản thân bà phải sinh sống trong một ngôi nhà tập thể bị bao phủ bởi đầy khói và dầu mỡ, dáng vẻ của bà vốn cũng không như hiện giờ, ngược lại vào thời còn trẻ bà từng là một người đẹp có tiếng, tiếc rằng số mệnh không tốt, kén tới kén lui rồi gả ột giáo sư nghèo, những tháng năm tuổi xuân tươi đẹp nhất trong cuộc đời bà lại bị hao phí trong nhà bếp.
Trình Tuyết Như có một người chị họ, không xinh đẹp bằng bà, vào những năm đầu thập niên tám mươi của thế kỉ trước đã gả sang nước Mĩ, nghe đâu bây giờ đang sống một cuộc sống của bà chủ tư bản giàu có ở bên kia. Mỗi lần Trình Tuyết Như tán gẫu chuyện gia đình với người cùng quê sẽ luôn mang người chị họ đó ra để nói, “Ôi, đúng là số mệnh xui xẻo mà, đúng là số mệnh xui xẻo.”
Đương nhiên, Trình Tuyết Như còn có một mục đích khác khi tận sức kéo xa khoảng cách giữa tôi và Phỉ Nhi, đó là muốn chứng minh đứa con gái xuất thân trong sạch của bà hoàn toàn khác biệt với đứa con gái xuất thân không trong sạch. Ở trong mắt của bà, đương nhiên đứa con gái xuất thân không trong sạch chính là tôi. Bà sẽ phô bày điều này qua những ánh mắt nhìn tôi khinh bỉ mỗi ngày.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.