Ngoảnh Lại Thấy Hoa Nở

Chương 7: Ký Ức Dạo Chơi Trong Vườn- Tứ Nguyệt (7)


Bạn đang đọc Ngoảnh Lại Thấy Hoa Nở – Chương 7: Ký Ức Dạo Chơi Trong Vườn- Tứ Nguyệt (7)


Khuôn mặt đáng yêu quá! Đôi mắt của cô bé sáng trong long lanh, khi cười rộ lên còn sáng hơn cả ngôi sao trên bầu trời. Gương mặt cô bé tròn trịa, nụ cười có má lúm đồng tiền, đôi má hồng phấn tựa như hoa đào của tháng ba. Đặc biệt nhất là mái tóc của cô bé hơi xoăn tự nhiên, thắt bím trên đỉnh đầu trông như những lá rong biển, mềm mại đen bóng khiến cho người ta không kìm được mà muốn chạm vào. Nghe nói con gái có mái tóc mềm mại thì tính tình sẽ dịu dàng. Trước kia tôi không tin, bởi vì tóc của tôi cũng rất mềm mại, thế nhưng trái tim của tôi thì tuyết đối không như thế, bằng không đã không có trận hỏa hoạn kia. Nhưng mà sau khi gặp Phương Phỉ tôi lại bắt đầu dần dần tin tưởng những lời này.
Không sai, cô bé chính là Lý Phương Phỉ, con gái duy nhất của thầy Lý.
“Phỉ Nhi, chị lớn hơn con một tuổi, tên chị là Tứ Nguyệt.”
“Tứ Nguyệt, sau này Phương Phỉ sẽ là em gái của con, hai con là người một nhà.”
Thầy Lý giới thiệu chúng tôi lẫn nhau.
Tôi còn chưa kịp phản ứng thì cô bé kia đã ôm lấy một cánh tay của tôi. “Ôi chao, vui quá! Sau này con sẽ có bạn rồi, có thật không ạ?”
Thầy Lý cười ấm áp, “Đương nhiên là thật rồi.”

Cô bé kề sát vào tôi như vậy, tôi ngửi được mùi hương nhàn nhạt trên người cô bé. Vậy mà cô bé lại bảo trên người tôi có hương thơm, tinh nghịch ghé sát vào tôi để ngửi, “Ôi, chị à, trên người chị thơm quá…”
Tôi bị cô bé ngửi không chút ngượng ngùng, hai má ửng đỏ ngay tức khắc.
“Phỉ Nhi, không có tí quy củ nào!” Cạnh đó vọng tới tiếng quở mắng lạnh lùng của một người phụ nữ.
Tôi nghiêng mặt nhìn sang, chỉ thấy một người phụ nữ đeo tạp dề đang đứng ở cửa phòng bếp, vẻ mặt nghiêm nghị, ánh mắt sắc như dao săm soi khắp người tôi, tôi bỗng có cảm giác hổ thẹn như bị người ta lột sạch quần áo.
“Mẹ, mẹ xem này…” Phương Phỉ kéo tôi về phía mẹ của cô bé, “Ba mang về cho con một người chị, xinh xắn lắm, trước giờ con chưa từng thấy có chị nào xinh xắn như thế…”
Thầy Lý cười lấy lòng với người phụ nữ kia, “Tuyết Như, đây chính là Tứ Nguyệt anh nói với em, sau này nó…”
“Tôi không biết gì cả! Cũng chẳng muốn biết!” Người phụ nữ kia lạnh lùng liếc mắt lườm tôi, cầm nồi rồi xoay người tiến vào trong bếp.

“Phỉ Nhi, dẫn chị đi tắm đi, tắm xong rồi ăn cơm.” Thầy Lý không để ý đến thái độ của vợ, nhẹ nhàng dặn con gái rồi hơi ngừng lại nói với tôi: “Tứ Nguyệt, về sau đây chính là nhà của con rồi, nhất thiết không được khách khí, dì Trần của con là người rất dễ chung sống, chúng ta đều là người một nhà…”
Lời vừa dứt, trong bếp đã vọng tới những tiếng loảng xoảng của nồi niêu.
“Nuôi một đứa còn chẳng xong!”
“Tự mình muốn làm nhà từ thiện, lại còn liên lụy tới cả người khác.”
“Nuôi con nhà người ta được tạm thời. có nuôi được nó cả đời không?”
Tôi xấu hổ vô cùng.
Thầy Lý cũng lộ vẻ khó xử.

Em bớt nói vài ba câu đi, chỉ nhiều thêm có một đôi đũa, cùng lắm thì anh dạy thêm mấy lớp học phụ đạo.” Thầy Lý nhìn về phía con gái, “Còn không mau đưa chị đi tắm đi, sắp ăn cơm ngay rồi.” Sau đó lại bổ sung thêm một câu, “Cũng chỉ là ăn bớt một miếng cơm mỗi ngày, tôi nhận!”
Giọng điệu chắc nịch.
Lúc này trong phòng bếp mới khôi phục lại sự yên tĩnh.
Phương Phỉ thân thiết kéo tôi, “Chị, tới phòng của em đi.”
Suốt đời tôi cũng không quên được bữa cơm tối hôm đó.
Trình Tuyết Như ngồi đối diện với tôi, từ đầu tới cuối không nhìn tôi lấy một lần, lại luôn tay gắp thức ăn cho con gái Phương Phỉ. Phương Phỉ nói không muốn, bà vẫn gắp. Bà không nhìn tôi nhưng tôi biết mọi cử động của tôi đều lọt vào trong mắt bà.
Tôi căng thẳng tới mức suýt chút nữa đánh rơi đũa, không dám động cả vào thức ăn mà thầy Lý gắp vào trong bát cho tôi. Tôi vùi đầu, cố nén chịu cơn đói, ăn vài miếng rồi nhanh chóng buông đũa. Đây là bữa cơm đầu tiên của tôi ở ngôi nhà này. Cũng chính vì bữa cơm này mà mỗi ngày tôi đều không dám ăn no, lúc nào cũng ở trong tình trạng nửa đói, thỉnh thoảng, không nhịn được ăn nhiều thêm một bát là đôi đũa của Trình Tuyết Như sẽ đập vang, hoặc là ho mạnh, hoặc là bỏ bát xuống không ăn, nói cứ ăn kiểu này thì cả nhà sẽ chết đói, v.v… Sau vài lần thấy như thế, tôi không còn dám ăn thêm nữa. Dần dẫn tôi cũng quen với tình trạng nửa no nửa đói này. Vì vậy tôi dậy thì rất chậm, dáng dấp cũng không cao, người cũng gầy còm. Buổi tối khi đi ngủ, lúc nào Phương Phỉ cũng sờ những dẻ xương sườn lộ rõ của tôi nói: “Chị, sao chị lại gầy thế…”
Tôi và Phương Phỉ ngủ chung một phòng.

Gia đình thầy Lý ở trong một ngôi nhà tập thể trong ngõ, rất giống với cái ngõ tôi không thể nào trốn thoát, từ lúc sinh ra đến khi mẹ qua đời, rồi cho đến tận cuộc sống ăn nhờ ở đậu hiện giờ, tôi vẫn luôn ở trong ngõ. Có lẽ tôi cũng sẽ chết trong một con ngõ giống như là mẹ tôi. Nhà thầy Lý có diện tích rất hẹp, ngoại trừ phòng bếp được đặt ở ban công thì trong nhà có tổng cộng ba gian phòng, không, nói chính xác là hai gian phòng rưỡi. Gian phòng có diện tích không tới mười mét vuông phía ngoài cùng chính là phòng khách kiêm cả phòng ăn. Một gian bên trong là phòng ngủ của thầy Lý và Trình Tuyết Như, mà phòng của tôi và Phương Phỉ là gian phòng được ngăn vách một nửa với nhà hàng xóm. Nói cách khác chỉ có một nửa gian. Bên trong phòng có một cái giường và một cài bàn học, vì thế không để thêm được cái gì, mỗi lần muốn tới bàn làm bài tập thì phải tựa vào vách tường mà đi, nếu không phải nhảy lên giường, từ giường mà trèo tới.
Hơn nữa không có cửa sổ. Cả phòng tối đen như mực, ban ngày cũng phải bật đèn.
Lúc mới đầu tôi và Phương Phỉ chen chung cùng một cái chăn, sau đó chúng tôi lớn thêm một chút thì không ngủ vừa nữa. Thầy Lý tìm thợ mộc đóng một cái giường tầng, tôi nằm giường trên, Phương Phỉ nằm giường dưới. Chính vì cái giường này mà thiếu chút nữa thầy Lý và Trình Tuyết Như đã đánh nhau một trận. Vẫn luôn như vậy, bất kể khoản chi tiêu nào trong nhà, miễn có liên quan tới tôi là sắc mặt của Trình Tuyết Như đều sa sầm, nhẹ thì nói bóng nói gió, nặng thì vật phá nồi niêu. Có vẻ như bà ấy rất thích sử dụng nồi niêu làm đạo cụ để biểu diễn một vai hài kịch trên sân thượng. Phần lớn những khi đó thầy Lý đều không tranh cãi với bà ấy, ông là một người trầm mặc ít lời, cho dù ở nhà ông cũng ít khi nói chuyện. Có lẽ là do ông đã nói quá nhiều ở trên lớp, cổ họng bị khàn, đến khi về nhà thì không còn hơi sức để nói chuyện nữa. Thực ra thầy Lý là một người không hay nóng nảy, rất hiếm khi thấy thầy phê bình học trò, hoặc khi học trò mắc lỗi thầy cũng chỉ nói nhẹ vài lời, nhưng những lời đó đều nói vào điểm mấu chốt. Ông không cần phải quát tháo hay xử phạt giống như giáo viên chủ nhiệm ở những lớp khác, như thế lại khiến cho học trò ngoan ngoãn nghe theo.
Học trò đều rất kính trọng thầy Lý. Bao gồm cả tôi.
Để kiếm thêm chút tiền về nuôi gia đình, mỗi tuần thầy Lý đều phải đi dạy ở đủ các loại lớp phụ đạo, bởi vì ông là một giáo viên được đánh giá là mẫu mực thâm niên, vì thế có rất nhiều lớp mời ông tới dạy. Trước kia sợ làm ảnh hưởng đến việc giảng dạy trên lớp cho nên ông từ chối gần hết, nhưng mà từ khi nhận nuôi tôi, gánh nặng kinh tế ngày một gia tăng, thầy Lý phải chạy đua tới các lớp phụ đạo. Kết quả là do sử dụng cổ họng quá nhiều nên đã để lại di chứng sau một lần bị viêm họng nghiêm trọng, giọng nói của ông trở nên khàn khàn, nghe ông giảng bài không còn là một chuyện vui sướng nữa, trái lại còn cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy số lớp mời ông tới dạy càng ngày càng ít đi, thầy Lý chẳng còn cách nào, đành phải thử viết tài liệu tham khảo ột số trường học, kiếm lấy số tiền nhuận bút ít ỏi về nuôi gia đình.
Mỗi đêm tỉnh giấc tôi thường nhìn thấy sánh sáng của ngọn đèn bên ngoài cửa.
Đó là thầy Lý đang cúi đầu làm việc.
Tôi cuộn mình trong chăn nhìn vào ngọn đèn tỏa ánh vàng nhạt đó, trong lòng rất đau. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt ai, nhưng trong một đêm tối như thế này tôi lại thường không kìm được mà rơi nước mắt. Không có cửa sổ, cũng không thể nghe thấy tiếng gió thổi bên ngoài phòng, xa xôi quá. Phảng phất như tiếng gọi của mẹ vẫn mãi quanh quẩn trong giấc mơ của tôi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.