Ngoại truyện Em Là Nhà.
…
Gia đình tôi thuộc loại cực hiếm, bởi vì ba mẹ đẻ năm anh chị em thì có hai cặp sinh đôi, tôi và ông Hoàng, thằng Kì và con Hạnh.
Có một người anh nữa, anh cả, ở nhà chúng tôi một khoảng thời gian, không quá dài, nhưng cũng không phải là ngắn, anh ấy biết làm chong chóng, biết gấp các loại con vật, học giỏi nữa, bọn tôi đều thích chơi với anh.
Tiếc là, càng lớn, tính độc chiếm của Nguyệt càng cao, cũng chẳng biết có phải do nó là đứa bị lẻ ở giữa không?
Biết đi biết nói một cái là nó bám theo anh, mọi lúc, mọi nơi, hễ anh nói chuyện với bọn tôi là nó bắt đầu rơm rớm làm loạn. Cũng vì cái bệnh ích kỉ đấy mà nó chọc ba mẹ tôi điên tiết không biết bao nhiêu lần. Mà lần nào, nó cũng rối rít trốn sau anh cả, có lần anh xin được cho nó, có lần không xin được, con bé bị ba tôi tẩn cho một trận.
Thực ra tôi cũng từng bị ăn đòn rồi mà, ba chỉ vụt nhẹ vào mông răn đe thôi, không đau lắm đâu, mà con này nó làm như sắp chết tới nơi không bằng, khóc lóc inh ỏi, la hét thảm thương lắm, hại anh ấy u sầu não nề theo, ôm nó dỗ dành cả buổi.
Kết thúc bao giờ cũng là, nó mè nheo đến mệt, ngủ ngon lành trong lòng anh, còn anh, vừa bế nó vừa lấy khăn lau mặt mũi tèm nhem. Và ngày sau, mọi thứ lại y như cũ.
Con Nguyệt còn là một đứa cực kì lắm mồm, nó nói liên tục, từ chuyện hôm nay đi mẫu giáo có bao nhiêu bạn ỉa đùn nó cũng ghi nhớ để về khoe. Tôi cảm thấy thương thay, chắc anh ấy rất mệt mỏi đau đầu với nó.
Rồi không rõ cơ sự ra làm sao mà một ngày chủ nhật nọ, đến người hiền lành như anh cả cũng phải phát cáu với nó. Hình như đấy là lần đầu tiên anh quát và nói ghét nó thì phải. Nó khóc lóc làm nũng một hồi không có tác dụng thì tự nín, mọi khi nhà tôi cũng chỉ có anh nịnh nó thôi mà, giờ anh cương quyết, con bé cũng chẳng khóc được lâu.
Đến bữa trưa, không thấy nó đâu, cả nhà mới tá hoả. Mọi người hốt hoảng đi tìm, chỉ sợ nó bị bắt cóc, nhất là anh cả, luôn mồm xin lỗi mẹ tôi, cuống quít cả lên. Mãi lúc sau ba tôi đưa con Hạnh thằng Kì đi tiêm phòng về mới bảo ban sáng mẹ thằng Tùng đi qua có xin cho cái Nguyệt sang đấy chơi rồi, cô ấy nói chiều tối sẽ đưa nó về, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Về thằng Tùng này thì nó học cùng nhà trẻ với Nguyệt, lúc đầu hai đứa suốt ngày cãi nhau đấm nhau, cô giáo phải gọi ba mẹ tới xử lý, thế nào mà về sau lại càng ngày càng hợp cạ, chị Nguyệt đi đâu em Tùng theo đấy, thành trùm đầu xỏ gây rắc rối.
Mọi khi chỉ thấy nó hóng anh đi học về, hôm đó là lần đầu tiên tôi thấy anh…hóng nó, nhát nhát lại xem đồng hồ, thấy cửa ngõ cạch cạch cũng giật mình, thỉnh thoảng đi ra đi vào, kiểu sốt ruột lắm.
Tối mịt hôm đó nó mới thèm mò về, nghe nói ăn cơm tắm giặt bên kia rồi, còn mặc cả quần áo của thằng Tùng, đúng là, không biết nên diễn tả trẻ con ngây thơ hay mặt dày có tố chất đây?
Nó hớn hở lắm, bi bô kể bao nhiêu là chuyện vui, chẳng bù ai đó vì nó mà sốt sắng. Trước đây mỗi lần đi về nó hay sà vào lòng anh, hôm nay thì chỉ dám liếc trộm thôi.
Anh ấy cũng hay để ý tới nó phết, nhưng lại không tới gần nói chuyện. Còn nó thì thỉnh thoảng cứ nhìn lấm la lấm lét. Tôi biết thừa nó thèm chơi với anh lắm rồi, nhưng sợ sợ thôi, còn suy nghĩ của anh thì tôi chịu, không nắm bắt được. Hai người đó, cứ như kiểu giận giận nhau, nghĩ cũng hơi buồn cười.
Rốt cuộc đợt ấy anh cả làm hoà trước, nó đang tha thẩn chơi gẩy chun thì anh tới, chìa ra con gấu bông to bự, gọn lọn nói:
-“Cho em.”
Con gấu bông này bán ở cửa hàng đầu phố, rất đẹp và rất đắt tiền, tôi có đứa bạn nhà giàu lắm mà xin mãi ba mẹ vẫn chưa cho. Con Nguyệt quan sát anh một hồi, sau rồi nó cũng hết sợ hay sao ý, lại dơ hai tay đòi ẵm. Anh bế nó lên, thơm chụt vào má nó, cười cười. Nó cũng thơm má anh, ôm vai bá cổ, toe toét kể chuyện.
Người trầm lặng như anh cả, biểu hiện nhiều cảm xúc nhất, là lúc anh ở với nó.
Nó đòi anh đi mua súng nước, còn con gấu bông nó không thích nên tôi được hưởng sái. Những ngày đó, rồi kể cả mãi sau này anh về nước, đối với nó, anh luôn kiềm nén và kiên nhẫn hết mức có thể. Cho dù một ngày, nó biết anh yêu nó, tôi nghĩ nó cũng chưa chắc thấm được, tình yêu đó ngọt ngào, sâu đậm và mãnh liệt đến mức nào đâu. Tôi nói, nó có phúc, là vì thế.