Nghiệp Đế Vương

Chương 38: Ai biệt


Đọc truyện Nghiệp Đế Vương – Chương 38: Ai biệt

edit & beta: Hàn Phong Tuyết

Ai biệt: Bi thương chia ly.

Đại quân nam chinh từ sau khi vượt sông đã tiến sát từng bước, hai tuyến thủy bộ giáp công, vây kín tiêu diệt từng thế lực của tôn thất phương nam. Chủ lực của phản quân bị bức lui đến phía bắc Dịch Châu, gặp phải đại quân vây trước chặn sau, không còn đường nào lẩn trốn nữa. Rơi vào cảnh cùng đường, quân phản loạn ở các lộ lâm vào nội chiến. Tấn An Vương sớm nắng chiều mưa ỷ vào việc mình chưa từng chính diện giao chiến với triều đình, mưu đồ bắt Tử Luật, muốn dựa vào chút công tích này để xin hàng Tiêu Kỳ, cầu vinh hoa bình an. Giữa nội loạn, Tấn An Vương nửa đêm đánh lén vào Hành cung, truy sát Tử Luật. Tử Luật được một đám tử sĩ bảo vệ, cưỡi ngựa trốn đi, chạy tới chỗ Thừa Huệ Vương, lập tức điều đại quân phản công.

Hai quân ác chiến một ngày một đêm, Tấn An Vương lắm mưu nhiều kế nhưng trên chiến trận cũng không địch nổi Thừa Huệ Vương dũng mãnh, cuối cùng bị giết ngay tại trận, phản quân từ đây đại loạn. Để giữ cho lòng quân không bị mai một, Kiến Chương Vương chỉ đành cầm đầu tôn thất phía nam gấp gáp đẩy Tử Luật lên ngôi Hoàng đế. Đài cao được dựng lên ở Dịch Châu, đăng đàn tế trời qua loa rồi tôn Tử Luật làm Đế vương phía nam.

Tin tức được truyền tới, cả triều văn võ nổi giận. Việc Tử Luật xưng đế rốt cuộc cũng đã minh chứng rõ ràng cho tội soán ngôi. Tiêu Kỳ chỉ chờ có thời cơ này để xóa sạch tôn thất Giang Nam.

Ngày hôm sau, Hoàng cung ban chiếu thư thông cáo thiên hạ: chư Vương Giang Nam ủng hộ phản thần mưu nghịch soán vị, tội không thể tha, lệnh cho đại quân nam chinh lập tức bình định; những kẻ cầm đầu nghịch đảng và tòng phạm, bất luận thân phận tước vị, đều phải giết sạch, không được nhân nhượng.

Cuối xuân đầu hạ, sau giờ Ngọ, thời tiết đã hơi nóng bức. Tấm mành trúc buông nửa, chắn đi ánh nắng sáng rực bên ngoài. Từng luồng sáng nhỏ chen qua khe mành chiếu vào thư án.

Tôi cầm chiếc quạt tròn bằng lụa trắng, dựa vào người Tiêu Kỳ, vừa nhẹ quạt cho chàng, vừa nghiêng đầu xem tấu chương. Lại là một tin chiến thắng phản quân phương nam nữa. Tàn quân của Phụng Viễn Quận Vương bị truy kích tới Hi Xuyên, hơn một nửa đã quy hàng, còn lại bị tiêu diệt sạch. Tiêu Kỳ khép lại cuốn sổ con, để lộ ra một nụ cười, trên trán lấm tấm mồ hôi. Đại cục phương nam đã định, Tử Luật thất bại chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi.

Tôi ngẩn ngơ nhớ tới thiếu niên cô độc gầy yếu kia. Trong ba Hoàng tử, Tử Long hồ đồ lỗ mãng, Tử Đạm nhẫn nhục chịu đựng, duy chỉ có Tử Luật, trong ngày cung biến ấy, đã liều chết chạy ra khỏi Hoàng thành, xuôi nam khởi binh phản kháng. Ngay cả tôi cũng không ngờ tới được, người cuối cùng kiên trì giữ vững sự kiêu ngạo và dũng mãnh của Hoàng thất lại là huynh ấy. Nếu không phải sinh ra ở loạn thế này, có lẽ huynh ấy sẽ trở thành một vị Thân vương bác học, tài đức, sáng suốt, chứ không phải là một nghịch thần tặc tử bị người đời phỉ nhổ như ngày hôm nay. Trong huynh ấy và Tử Đạm đều chảy xuôi một dòng máu như nhau. Lúc đầu lâu của huynh ấy bị đao chém xuống, đưa tới trước trướng chủ soái, đối diện với huynh đệ ruột thịt, huynh ấy có nhắm mắt được không? Mà Tử Đạm, hai tay chưa bao giờ dính máu tươi, Tử Đạm thuần thiện như bạch ngọc không tỳ vết, lại phải bước qua biển máu núi xác, đi đến điểm cuối tàn khốc nhất, đích thân đoạt lấy đầu huynh trưởng để kết thúc cuộc chiến tranh này.

Rõ ràng là giờ Ngọ đầu hạ mà lại thấy cơn ớn lạnh thấu qua xương.

Càng trải nhiều ly biệt mới càng biết quý trọng… Tôi lặng lẽ thở dài, chấm dứt suy nghĩ mông lung, rút chiếc khăn tay lụa ra lau mồ hôi trên trán Tiêu Kỳ. Chàng ngẩng đầu lên cười với tôi, sau đó lại cúi xuống chuyên chú nhìn tấu chương.

“Nghỉ ngơi một lát đi, nhiều tấu chương như vậy, một lần cũng không xem hết được”, tôi dịu dàng khuyên chàng.

“Đây đều là chuyện gấp, không hoãn lại được”, chàng không ngẩng lên, nói. Đống tấu chương bên cạnh tay chàng đã chất thành núi.

Tôi bất đắc dĩ cười, đặt chiếc quạt xuống, lấy vài cuốn sổ ra xem. Mấy ngày gần đây liên tiếp có tin chiến thắng báo về. Mười vạn đại quân cử đi Tây Cương đã vượt qua đại mạc, bất ngờ tập kích từ phía sau Vương thành Đột Quyết, giống như một thanh đao nhọn, xuyên thẳng vào trọng tâm Đột Quyết. Đột Quyết Vương đánh không lại, hơn nữa trong ngoài đều bị địch vây khốn, tinh thần đã sớm rệu rã. Quân ta có chi viện đầy đủ, tướng sĩ chốn biên quan phụng mệnh chỉ thủ vệ không tấn công đã nhẫn nhịn không ra tay từ lâu, liên tục dâng biểu xin chiến. Trong cả chồng tấu chương này, cũng phải có một nửa là tấu chương xin chiến. Tôi đưa mắt nhìn, không kìm được mà nở nụ cười.

“Thấy cái gì mà vui thế?”, Tiêu Kỳ đặt bút, ngẩng đầu cười một tiếng, ôm tôi đặt trên gối chàng. Tôi đưa mấy tấu chương xin chiến cho chàng xem, chàng cũng cười, “Thời cơ còn chưa tới, có điều cũng sắp rồi”.

Trên tấm dư đồ lớn kia, một vùng sa mạc mênh mông chốn biên cương đang chìm trong khói lửa. Hộc Luật Vương tử, Hạ Lan Châm… Đánh xong trận này, chúng ta là địch hay là bạn? Tôi ngẩn người nhìn tấm dư đồ, lòng chợt rối ren, không biết là mừng hay là lo.

“Chiến sự phương nam cũng gần xong, Tử Đạm sắp phải về kinh”, Tiêu Kỳ bỗng nhiên cười nhạt nói, “Hiện giờ Tô thị đã bị trục xuất, Hoàng thúc chưa có chính thất, việc trước mắt là cần phải sắc lập chính phi cho hắn”.

Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, Cẩm Nhi sẽ phải bầu bạn cùng thanh đăng, cổ Phật. Đây là sự khoan dung lớn nhất tôi có thể cho nàng. Có lẽ, đối với nàng, xuất gia cũng là một sự giải thoát. Chẳng qua là A Bảo trở thành khó khăn lớn nhất của tôi. Để nó ở lại trong cung, trước sau gì cũng là mầm họa lớn. Nhưng nó không thể đi theo mẫu thân mình nữa. Tử Đạm tự lo cho bản thân còn chưa xong, chỉ e cũng không trông nom được cho đứa bé này. Trong khoảng thời gian ngắn, tôi chưa nghĩ ra được kế gì cho vẹn đôi đường, chỉ đành tạm thời để đứa bé ở trong cung chữa trị mắt.

Tiêu Kỳ chẳng mảy may để tâm chuyện của Cẩm Nhi, chàng chỉ thấy đứa bé là vô tội, dặn dò tôi để ý tới nó.


Song chính miệng Tiêu Kỳ lại nhắc tới việc lập phi cho Tử Đạm… Tôi cũng hiểu được dụng ý của chàng. Chàng đúng là vẫn còn để tâm. Có lẽ chỉ có Tử Đạm thành thân rồi, chàng mới loại trừ mọi lo ngại. Tử Đạm bị giam cầm ở Hoàng lăng nhiều năm, bỏ lỡ việc hôn sự đã lâu, đến nay vẫn chưa có chính phi. Giờ Cẩm Nhi không còn đây, bên cạnh huynh ấy đúng là rất cần một nữ tử chăm sóc. Chỉ là, Tiêu Kỳ nói phải tìm một người thích hợp, có nghĩa là không có gì hơn con nhà quyền thần hoặc tâm phúc trong quân.

“Tử Đạm lần này khải hoàn trở về, nếu có thể chọn được giai nhân xứng đôi, đương nhiên là đã mừng lại càng thêm mừng. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn như vậy, để chọn được một nữ tử môn đăng hộ đối, lại thích hợp thì cũng không dễ dàng gì”, tôi nói bâng quơ, cười trách cứ, “Dù sao cũng không phải chuyện gấp gáp, giai nhân khuê tú nhiều như thế, nhìn hoa cả mắt, cứ từ từ thôi”. Miệng tuy là cười vui, nhưng trong lòng tôi lại chua xót.

Bên tai nóng lên, là ngón tay Tiêu Kỳ đang nhẹ vuốt tóc mai tôi, “Nóng sao? Nhìn nàng này, người đẫm mồ hôi…”.

Còn chưa chờ tôi đáp lại, chàng đã vạch cổ áo tôi ra, để lộ da thịt lấm tấm mồ hôi. Tôi nghiêng đầu đi, bỗng chốc không dám đối diện với ánh mắt chàng, gắng sức xua tan bóng dáng thanh sam cô tịch trong lòng. Tiêu Kỳ cũng không hỏi thêm nữa, như thể chưa từng nhắc tới chủ đề vừa rồi. Không biết từ lúc nào, chàng đã cởi ngoại bào của tôi, vứt sang một bên.

“Chàng đừng làm loạn!”, tôi kinh hô, né tránh bàn tay không an phận của chàng.

“Người đẫm mồ hôi thế này…”, chàng cười rất vô lại, ngang nhiên ôm ngang tôi lên, “Chi bằng để ta hầu hạ Vương phi tắm rửa”.

Hơi nước dày đặc lượn lờ trên bồn nước nóng. Cánh hoa bạch chỉ, thủy tiên trôi dập dềnh trên mặt nước, mùi thơm say mê lòng người. Ngâm mình trong làn nước ấm thế này, quả thực khiến tôi không muốn nhúc nhích.

Tôi lười biếng dựa vào thành đá của bồn tắm, ngửa đầu há miệng để chàng bóc vỏ nho, bón cho từng quả.

Bọt nước bắn lên đuôi lông mày chàng, búi tóc đã ướt mất một nửa. Trong hơi nước mịt mù, con người trước mắt toát ra vẻ phong lưu mê người… Chàng như cười như không, bóc xong vỏ một quả nho, lơ đãng đưa tới. Tôi há miệng, chàng lại rút tay về. Tôi nhón chân, mượn sức nước, lướt tới gần chàng như cá bơi, lén đẩy chàng vào trong bồn tắm. Bọt nước bắn tung tóe, trông thấy bộ dạng chật vật của chàng, tôi cười lớn, quên luôn cả né tránh. Cười đến không dừng được, lại bị chàng bắt lấy… Một phòng kiều diễm, xuân sắc vô hạn. Buổi trưa cuối xuân mệt mỏi, thời gian lặng lẽ trôi đi trong lúc triền miên.

Chiến sự phía nam đã chắc thắng, để khích lệ lòng quân, triều đình ban chỉ khao thưởng: phong Tử Đạm làm Hiền Vương, Tống Hoài n làm Đại tướng quân, Hồ Quang Liệt làm Vũ Vệ Hầu, những tướng sĩ còn lại được thăng một cấp bậc, ban thưởng vàng bạc vô số.

Tử Đạm trước giờ vẫn mang danh Hoàng thúc suông, đến nay mới được coi là có Vương tước. Trước kia, huynh ấy với thân phận Hoàng tử, vốn ở trong cung, nhưng nay đã có Vương tước, theo lệ phải có phủ đệ riêng.

Thượng thiện ty lựa chọn một vài vườn ngự bỏ không từ lâu trong kinh thành, ý định chọn ra một nơi để tu sửa lại làm phủ Hiền Vương. Song, ngoài dự liệu của mọi người, Tiêu Kỳ hạ lệnh ban “Chỉ uyển” – Hành cung xa hoa tinh xảo nhất của Hoàng gia – cho Tử Đạm. Nơi này được tu sửa, xây dựng rầm rộ, vô cùng lộng lẫy. Chốn hào hoa xa xỉ ấy khiến các gia tộc Vương công quyền thế đều phải tặc lưỡi hít hà.

Mới đầu, ai nấy đều cho rằng, Tiêu Kỳ ép Tử Đạm ra chiến trận là muốn mượn đao giết người, khiến huynh ấy chết ở trận tiền, chấm dứt hậu hoạn. Đáng tiếc, bọn họ đã đánh giá thấp thủ đoạn, tâm cơ của Tiêu Kỳ.

Tiêu Kỳ kiên quyết bình định quân phản loạn Giang Nam, mặc dù đã loại trừ được hoàn toàn thế lực cuối cùng của Hoàng thất, nhưng không thể đoạn tuyệt với cả Hoàng tộc ngay. Bất luận là ở kinh thành hay Giang Nam, Vương công, hoàng thân quốc thích đều có căn cơ sâu xa rắc rối, giết không hết, nhổ cũng chẳng xong. Nay chiều trính dần ổn định, muốn trị quốc an dân thì còn phải nhờ vào sức của họ. Giờ này khắc này, Tiêu Kỳ hậu đãi Tử Đạm, không khác gì đang cho hoàng thân quốc thích uống định tâm đan.

Định tâm: thảnh thơi, an tâm.

Kể từ khi trong cung truyền ra tin đồn rằng muốn chọn giai nhân từ các thế gia để sắc lập Hiền Vương phi, nơi nơi đều bàn tán xôn xao, mà các thế gia đều trông mắt dòm ngó, phỏng đoán.

Đứng trước cửa Chỉ uyển phủ đầy bụi đã lâu, tôi nghỉ chân một lúc.

Vườn ngự Hoàng gia này được làm nên từ bàn tay của một người thợ thủ công nổi danh. Lưng tựa vào núi tím, gối bên bờ hồ xanh thẳm, xa xa đối diện với cung thành, chiếm hết phong thủy hữu tình.

Nhiều năm trước, nơi này vốn không mang cái tên gọi hiện tại. Khi Thành Tông Hoàng đế ban nơi này cho mẫu thân Tử Đạm – Tạ Qúy phi đắc sủng chốn hậu cung, bởi vì trong tên bà có một chữ “Chỉ” nên mới đổi thành Chỉ uyển. Tạ Qúy phi trời sinh tính tình ôn hòa ưa tĩnh lặng, yếu ớt nhiều bệnh, không quen với cuộc sống trong cung. Năm ấy, bởi Thành Tông Hoàng đế ngầm đồng ý, để bà tới nơi này nghỉ ngơi, nhiều ngày không về cung vấn an mà chọc giận cô cô, gây ra một hồi sóng to gió lớn. Sau đó, Tạ Qúy phi sầu não trở về cung, chưa được nửa năm thì bệnh qua đời. Từ đó về sau, những năm tháng Chỉ uyển gió mát mưa phùn, đậu khấu thướt tha, thanh sam nhẹ nhàng càng lúc càng trôi xa.


Đậu khấu: một loại quả có thể làm thuốc trong Đông, Tây y.

Ngực thoáng đau, chuyện xưa mịt mù lướt đi, chợt nhận ra đã là cách cả một thế hệ.

“Vương phi”, tiếng gọi nhỏ của A Việt gọi tôi tỉnh lại từ trong ngẩn ngơ. Đứng trên bậc thềm ngọc mới tu sửa, tôi ngửa đầu ngắm nhìn, ba chữ “Hiền Vương phủ” sơn vàng đường hoàng chói mắt, nổi bật trên tấm biển bàn long. Tôi quay đầu, nhẹ cười với chư vị mệnh phụ phía sau, “Hao phí biết bao tâm tư, Hiền Vương phủ cuối cùng cũng đã hoàn thành rồi. Hôm nay cố ý mời chư vị tới đây thưởng ngoạn, cũng là xem xem tay nghề của thợ thủ công bây giờ có sánh được với năm xưa không”. Mọi người rối rít tán thưởng theo. Dọc đường đi, quả nhiên nơi nơi đều là cảnh đẹp, thể hiện rõ những tính toán tỉ mỉ của người xây, khiến người nhìn ca ngợi không ngớt lời.

Cảnh trí quen thuộc ngày xưa dần dần lọt vào tầm mắt, từng nơi, từng chỗ, cảm giác như thời gian đang quay ngược trở lại. Nơi đây từng là chốn Tạ quý phi sống, giờ được trở lại cố hương, coi như là một điều an ủi dành cho Tử Đạm.

Tôi trầm lặng cúi đầu, bất giác lòng chợt ảm đạm. Lại nghe phía sau dường như có tiếng cười nói vui vẻ, tôi xoay người nhìn lại, chỉ thấy trong đám nữ quyến có một vài thiếu nữ áo quần sặc sỡ đang vui đùa nói cười bên nhau. Nghênh An Hầu phu nhân đi bên cạnh trông theo ánh mắt tôi, cười nói: “Nữ nhi đúng là lúc nào cũng hoạt bát, nếu có điểm nào thất lễ, kính mong Vương phi thứ tội”. Tôi cười một tiếng, dời tầm mắt đi, không nói gì cả. Những thiếu nữ này nằm trong đám khuê tú được tuyển để chọn Hiền Vương phi, hôm nay cũng là cố ý cho các nàng đi thưởng ngoạn cùng.

Đi được một lúc, tôi thấy hơi mệt, A Việt vội nói: “Thủy tạ phía trước mát mẻ, Vương phi và các vị phu nhân chi bằng nghỉ ngơi một lát. Hóng gió thưởng sen cũng là chuyện hay”. Tôi gật đầu cười một tiếng, dẫn mọi người đi vào thủy tạ.

Thủy tạ: Nhà, đình xây trên mặt nước để làm nơi giải trí.

Đầu hạ nhiều nắng ấm, gió mát nhẹ thoảng, trong thủy tạ vang tiếng nói cười, xúng xính quần quần áo áo. Giai nhân danh môn, thiên kim Vương Hầu, ai nấy đều yêu kiều xinh đẹp, đưa mắt nhìn, chỉ thấy hoa mắt si mê.

Chẳng bao lâu sau, tôi cũng trở nên không buồn không lo.

Một cơn gió mát thổi tung lọn tóc bên tai. Tôi giơ tay vén lại, lơ đãng nhìn thấy một nữ tử mặc áo tím nhạt đang một mình đứng dựa bên lan can, như lạc lõng giữa rừng hoa gấm nhiều màu sắc.

Nữ tử mặc áo tím kia dịu dàng đứng bên lan can đan chéo, mắt nhìn những bông sen trắng lốm đốm nở rộ trên hồ, vẻ mặt tịch mịch, như mất hồn. Tôi ngưng mắt nhìn thân ảnh thướt tha ấy, chẳng biết tại sao, từ lần đầu tiên thấy nàng trong yến tiệc Nguyên tiêu, tôi đã cảm thấy nàng có chút gì quen thuộc. Rõ ràng là chưa từng gặp mặt, nhưng lại như cố nhân. Lòng thoáng rung động, tôi cất bước đi tới phía sau nàng, cười nhạt nói: “Thích những bông sen trắng kia sao?”.

Cố Thái Vi cả kinh nhìn lại, vội vàng hành lễ. Tôi mỉm cười nói: “Đầm nước phía nam có rất nhiều loài hoa ấy. Tiết trời thế này, hoa đã nở rộ khắp chốn, vô cùng thanh nhã”.

“Vâng, phong cảnh phương nam hợp lòng người, dễ khiến người ta say mê”. Cố Thái Vi thấp đầu, giọng nói thanh mảnh, trên má lại để lộ nụ cười rất sâu. Tôi thản nhiên nhìn nàng rồi dời tầm mắt về phía một bông sen trắng, ngâm nga: “Đăng bạch bình hề sính vọng, dữ giai kỳ hề tịch trương”.

Ở đây, A Vũ tức cảnh sinh tình, nhắc lại hai câu thơ này với ý: Một người trông đợi nhớ mong một người.

Hai gò má Cố Thái Vi ửng đỏ. Nàng khẽ cắn môi, không nói lời nào. Tôi làm sao có thể không nhận ra được tâm tư của nữ tử này? Nàng đang nhìn vật nhớ người. Mà người nàng nhớ, là ca ca tôi đang ở Giang Nam xa xăm.

Đáng tiếc, nhân duyên trên cõi đời này, có mấy người được như ý? Mối tương tư này của nàng, e là chỉ phí công vô ích. Chưa bàn tới chuyện với địa vị, danh phận của ca ca thì không thể nào cưới một nữ tử gia môn sa sút làm thê tử; mà cho dù có vứt bỏ hết những ràng buộc gia thế, sợ rằng ca ca cũng không còn có lòng dạ nào tái giá nữa. Một mối duyên ân oán khi xưa với tẩu tẩu, đã nhiều năm trôi qua như vậy, huynh ấy vẫn chưa từng buông xuống, chưa từng cho bản thân một sự giải thoát. Buồn thay, thế sự trêu ngươi, khiến cho mỗi người đều kiên trì gìn giữ những quyến luyến lần đầu.

Cố Thái Vi vẫn cúi đầu xấu hổ. Tôi không đành lòng, nhìn nàng than thở: “Hoa sen tuy đẹp nhưng cuối cùng vẫn là nước chảy bèo trôi, thay vì hoài công buồn rầu, chi bằng trân trọng những gì đang có”. Nàng ngẩng đầu lên, kinh ngạc nhìn tôi. Đôi con ngươi sinh động tuyệt đẹp thoáng lộ vẻ ảm đạm, giống như bị mây đen che phủ. Một nữ tử thật thông minh! Lòng chua xót, tôi nhẹ vỗ cánh tay nàng, lại càng cảm thấy thương tiếc.

Ngoại trừ Cố Thái Vi, những danh môn khuê tú khác đều không có ai vừa mắt tôi.


Tôi đặt sổ ghi tên trong tay xuống, ngẩn ngơ nhìn về phía ngọn nến. Có lẽ là Tử Đạm ở trong lòng tôi quá mức hoàn mỹ, sáng trong giống như ánh trăng trên trời cao, dõi mắt khắp phàm trần cũng không còn có ai xứng đôi nữa. Mà cũng có lẽ là do tôi quá ích kỷ, cố chấp bảo vệ thứ tình cảm không còn thuộc về mình nữa, không nỡ để cho người khác chia sẻ. Đặt tay lên ngực tự hỏi lòng, tôi quả thực không phải không để tâm tới những chuyện Cẩm Nhi đã làm.

Nghĩ tới Cẩm Nhi, đột nhiên tôi lại nghĩ tới A Bảo. Thương thế ở mắt nó vẫn chưa đỡ hơn chút nào. Lòng càng thêm phiền muộn. Tôi đứng dậy, thong thả bước tới cạnh cửa, thấy sắc trời đã tối. A Việt lại thúc giục lần nữa, “Hay là Vương phi dùng bữa trước đi, Vương gia còn đang nghị sự, không thể về phủ ngay được. Cứ chờ thế này biết tới bao giờ?”.

Tôi không muốn ăn, người ủ rũ, bèn cho thị nữ lui đi, trở về giường gấm, cầm lấy một cuốn sách, rầu rĩ lật xem. Bất tri bất giác, cơn buồn ngủ kéo tới. Tôi như đang lơ lửng trên mây, xung quanh mờ mịt khói mù, không biết mình đang ở chỗ nào. Ngó quanh quanh, chợt thấy mẫu thân mặc y phục lộng lẫy, cao quý đoan trang. Mẫu thân mỉm cười nhìn tôi, vẻ mặt thanh tao ẩn chứa sự lưu luyến không rời. Tôi há miệng muốn gọi mẫu thân nhưng lại không phát ra được bất kỳ âm thanh nào. Chớp mắt, y phục trên người mẫu thân lay động, phất phơ trên không, rồi người từ từ bay đi. “Mẫu thân!”, tôi thất thanh hét lớn, đột nhiên tỉnh lại. Trước mắt là rèm buông, màn tơ rủ, chẳng biết mình đã nằm trên giường từ lúc nào.

Màn được vén lên, Tiêu Kỳ chạy tới, “Sao vậy? Vừa rồi nàng còn ngủ ngon cơ mà”.

“Ta mơ tới mẫu thân…”, tôi bỗng có cảm giác như mất đi thứ gì đó, mà lòng không thể biết đó rốt cuộc là thứ gì. Cảnh trong giấc mơ vừa rồi dường như còn đang hiển hiện trước mắt.

“Nếu như nàng nhớ mẫu thân thì ngày mai tới chùa Từ An thăm cũng được”. Tiêu Kỳ cầm ngoại bào vắt trên đầu giường khoác cho tôi rồi cúi người đeo giày giúp tôi, “Vừa rồi thấy nàng ngủ say nên ta không đánh thức, chắc giờ nàng cũng đói rồi đúng không?”. Chàng vừa ôm tôi xuống giường, vừa cho người dọn đồ ăn lên. Tôi mệt mỏi dựa vào ngực chàng, nghiêng đầu nhìn. Đã lâu rồi chưa thấy chàng vui mừng ra mặt như thế này, “Có chuyện gì mà chàng vui thế?”.

Chàng cười nhạt, nói rất nhẹ nhàng, “Hôm nay đã bắt được Hốt Lan”.

Hốt Lan Vương tử là người Đột Quyết Vương ưu ái nhất, được tôn làm đệ nhất dũng sĩ Đột Quyết, cũng là đối thủ mà Hạ Lan Châm kiêng kỵ nhất.

Lần này bắt được Hốt Lan, chẳng khác nào chặt đi một cánh tay của Đột Quyết Vương. Chuyện này đương nhiên sẽ khiến lòng quân Đột Quyết bị rung chuyển lớn, tinh thần bị đả kích nặng nề. Song, quan trọng hơn là, Hốt Lan bị bắt, trở thành lợi thế hữu lực nhất để kiềm chế Hạ Lan Châm. Ngày nào Hốt Lan còn chưa chết, Hạ Lan Châm cho dù có đoạt được vương vị, cũng không thể an lòng. Lỡ như Hạ Lan Châm trở mặt hủy giao ước, chúng ta có thể quay đầu kết minh với Hốt Lan, đẩy Hạ Lan Châm vào cảnh hai mặt đều giáp địch.

Còn nhớ năm đó ở Ninh Sóc, Tiêu Kỳ và Hốt Lan liên thủ ép Hạ Lan Châm tới đường cùng, rồi lại bỏ qua cho Hạ Lan, giúp hắn quay về Đột Quyết, trở thành con cờ có sức uy hiếp lớn nhất tới Hốt Lan. Nghĩ tới đây, tôi không thể không thán phục Tiêu Kỳ mưu tính sâu xa, đồng thời, cũng phải cảm thán rằng, trên thế gian này quả thực không có đồng minh vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù mãi mãi.

Tin thắng lợi này thực sự khiến người ta phấn chấn. Bất chấp việc chưa kịp ăn tối, tôi đã quấn lấy Tiêu Kỳ bắt chàng kể tỉ mỉ việc làm sao bắt được Hốt Lan.

Kiến Vũ tướng quân Từ Cảnh Huy dẫn ba ngàn binh mã xuất trận, lấy mạng sống làm mồi nhử, liều mình đọ sức, dụ Hốt Lan Vương tử suất tám ngàn thiết kỵ đuổi thẳng theo. Dọc đường vừa đánh vừa lui, dụ được toàn bộ quân địch tướng địch vào khe núi Liêu Tử. Ba ngàn cung nỏ thủ mai phục sẵn ở đây đột ngột tập kích, hai nghìn trọng giáp bộ binh ở ngoài khe cắt đứt hậu viện địch, bao vây quân Đột Quyết trong khe. Từ Cảnh Huy cưỡi ngựa tiên phong xông thẳng vào giữa đội hình địch mà đánh. Trọng giáp binh sĩ ai nấy đều giương đao hăng hái tiến vào trận địa, ra sức đánh giết. Một trận ở khe Liêu Tử đánh từ giữa trưa đến cuối hoàng hôn. Đội quân của Từ Cảnh Huy tám phần trọng thương, chết hơn hai nghìn binh sĩ, mà trong tám ngàn kỵ binh Đột Quyết có hơn nửa bị tàn sát. Chủ tướng Hốt Lan giao chiến với Từ Cảnh Huy, bị chém một cánh tay, sau đó bị thương, ngã ngựa, bị bắt.

Những tướng sĩ Đột Quyết còn lại thấy cục diện đã không thể cứu vãn bèn rối rít bỏ vũ khí quy hàng. Một đội quân vẻn vẹn chưa đầy ngàn người liều chết bỏ trốn, chạy thẳng về quân doanh báo tin.

Cảnh tượng gió đổi mây dời, mặc dù Tiêu Kỳ chỉ sơ lược kể qua, cũng đủ để gây chấn động lòng người, khiến người nghe phải sợ hãi. Tưởng tượng ra cảnh chém giết khi ấy, tôi nín thở thất thần, bất giác, lòng bàn tay toát đầy mồ hôi. Tôi thở dài, “Từ Cảnh Huy này quả thực là thần nhân, binh sĩ trong tay có tám phần bị trọng thương mà vẫn đánh thắng được địch!”.

Tiêu Kỳ cười lớn nói: “Mãnh tướng như vậy, trong tay ta đâu chỉ có một mình Từ Cảnh Huy!”.

Ánh trăng mát lạnh ngoài cửa sổ chiếu lên gương mặt đầy háo khí của chàng, làm cho gương mặt kiên nghị giống như bị phủ lên một lớp sương mờ; mà bàn long thêu chỉ vàng trên Vương bào dường như bất cứ lúc nào cũng có thể bay vút lên mây xanh, uy nghiêm bức người. Chớp mắt, tôi như chìm vào ảo giác, nhìn thấy biên cương mênh mông xơ xác tiêu điều. Đã quen thấy những khuôn mặt nghiêm túc đoan trang trong triều, đã quen sống trong màn che gấm lụa cao sang, tôi gần như đã lãng quên đi nỗi kinh hoàng năm ấy, quên đi rằng người trước mắt tôi đây mới thật sự là vị thần Tu La đến từ địa ngục, bước qua núi đao biển máu, trường kiếm trong tay san bằng núi sông, từng bước đi lên đỉnh cao quyền lực.

Một đêm không mộng mị, lại mấy phen tỉnh lại dưới ánh trăng mờ. Lòng luôn có cảm giác không yên.

Trằn trọc mãi tới khi trời sáng mới mơ màng buồn ngủ. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng mõ canh năm.

Đột nhiên nghe thấy tiếng bước chân vội vã từ bên ngoài vào, thị vệ túc trực ngoài cửa quỳ xuống, run rẩy thông bẩm, “Khởi tấu Vương gia, Vương phi, người ở chùa Từ An báo lại…”.

Tôi cả kinh, bất giác đưa tay giữ chặt lồng ngực. Chưa kịp cất tiếng, Tiêu Kỳ đã vén rèm ngồi dậy, “Chùa Từ An xảy ra chuyện gì?”.

“Canh ba đêm qua, Tấn Mẫn Trưởng Công chúa hoăng thệ”.

Mẫu thân đi rất bình yên, ngay cả Từ cô cô túc trực bên ngoài cũng không nghe thấy động tĩnh gì.


Người cứ thế mà đi một cách lẳng lặng, áo tơ trắng, tất vải bố, không nhiễm chút bụi, nằm trên giường gỗ đàn, mặt mày ôn hòa, tưởng chừng như là đang ngủ trưa, chỉ cần có âm thanh nhẹ vang lên cũng có thể khiến người thức tỉnh.

“Công chúa trước giờ chưa từng đi ngủ muộn như vậy. Khuya rồi còn đứng trong đình một hồi lâu, xuất thần nhìn về phương nam, sau đó về phòng thì lại niệm kinh. Nô tỳ giục người đi ngủ, người chỉ nói muốn niệm kinh chín lần cầu phúc cho tiểu Quận chúa, thiếu một lần cũng không được”. Từ cô cô ngơ ngẩn cầm chiếc vòng Phật châu của mẫu thân, nước mắt lã chã rơi, “Công chúa hẳn đã biết mình sắp đi”.

Tôi lặng lẽ ngồi bên người mẫu thân, đưa tay vuốt nhẹ một nếp nhăn trên góc áo người, chỉ sợ động tác quá mạnh, quấy nhiễu giấc ngủ thanh tịnh của người.

Những năm tháng tang thương đã đoạt đi dung nhan quốc sắc thiên hương năm nào, tích lũy lại luồng hào quang trong vắt như ngọc, chiếu sáng mỗi người xung quanh.

Mẫu thân là lá ngọc cành vàng chân chính, chỉ có thể sống trong gấm vóc phồn hoa, trọn đời không thể nhiễm cát bụi, cũng không chịu nổi hắc ám, muộn phiền. Có lẽ, người thực sự là thần tiên lịch kiếp xuống trần, hôm nay cuối cùng đã rời khỏi bụi trần, vũ hóa trở lại làm tiên. Có lẽ, sống ở nơi thanh tịnh không vết nhơ, không có ân oán mưu lợi, không có đau khổ ly biệt mới là chốn về của người.

Tôi lẳng lặng ngắm nhìn dung nhan thanh khiết lúc ngủ của mẫu thân, không nỡ dời ánh mắt đi, cũng không nỡ rời xa người. Những chuyện lúc nhỏ lộn xộn tìm tới. Mỗi cái cau mày, mỗi một nụ cười, một tiếng gọi nhỏ, một câu dặn dò của mẫu thân vẫn còn ngay trước mắt. Lúc người còn sống, tôi thường không thích nghe người càm ràm, lúc nào cũng cảm thấy mình bận rộn nhiều việc, không có thời gian rảnh rỗi đến làm bạn với người. Mẫu thân chưa bao giờ vì thế mà oán giận, người chỉ mỏi mắt trông ngóng chúng tôi, cũng chỉ yên lặng canh gác nơi xa, luôn luôn cảm thông cho chúng tôi. Tôi biết, người còn muốn cùng tôi tới Thang Tuyền cung lần nữa, biết người muốn tới Hoàng lăng bái kiến lăng tẩm tổ tiên, biết người muốn thường xuyên gặp mặt con trai con gái… Những việc này tôi biết cả, nhưng cứ hết lần hết lượt hoãn lại vì lắm muộn phiền. Cảm giác rằng, những điều ấy không phải là chuyện quan trọng hơn, dù sao mẫu thân cũng sẽ chờ, bất cứ lúc nào người cũng đứng ở phía sau chờ tôi… Tôi không ngờ rằng, có một ngày, người sẽ buông tay mà đi, ngay cả một cơ hội để ăn năn cũng không cho tôi.

Tự tay thay y phục, chỉnh trang, búi tóc cho mẫu thân… Lúc nhỏ, mẫu thân cũng từng lo cho tôi hết thảy như vậy. Đây là lần cuối cùng tôi được tự mình hầu hạ người. Cầm lược ngọc lên, tay tôi run rẩy, không cách nào cử động được, loay hoay mãi mà chẳng cài được cây trâm ngọc vào búi tóc người. Từ cô cô đã khóc đẫm nước mắt tự bao giờ. Xung quanh chỉ nghe thấy tiếng khóc. Duy có mình tôi khóc không ra nước mắt, lòng trống rỗng.

Tiếng chuông chùa Từ An vang lên, ánh mặt trời ngày hè sáng rực chiếu khắp không gian. Nơi chân trời như có lửa cháy hừng hực.

Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Con muốn nuôi dưỡng cha mẹ mà cha mẹ không còn nữa.

Tôi đứng dưới cây bồ đề, ngửa đầu thấy gió nhẹ lướt qua, lá cây đung đưa, mãi sau chưa thấy ngừng.

Thoáng chốc, nỗi cô đơn ùn ùn kéo đến, chôn vùi tôi.

A Việt nhẹ giọng bẩm báo, Tiêu Kỳ đã tới chính điện, các vị mệnh phụ nghe tin tới phúng viếng cũng đã sắp đến cửa chùa. Tôi âu sầu quay đầu lại, thấy nàng hai mắt sưng đỏ, lặng lẽ đưa khăn lụa cho tôi chỉnh trang. Gương mặt nàng ẩn nhẫn sự đau thương, không gào khóc giống người khác, càng khiến tôi thấy sự chân thành, thấy đáng quý. Tôi cảm động, cầm lấy bàn tay nhỏ nhắn của nàng, bảo nàng đến làm bạn với Từ cô cô đang bi thương quá độ.

Ánh mắt tôi lướt qua đầu vai nàng, nhìn thấy ở phía cuối hành lang, Tiêu Kỳ đang mặc huyền y, đội tố quan sải bước mà tới, thân hình cao lớn ấy dường như ngăn lại hết thứ ánh sáng nóng bức của ngày 1 tháng 7 ở phía sau lưng.

Bỗng nhiên, chỉ cảm thấy bản thân chẳng còn sức lực, chân mềm oặt, không gượng nổi nữa. Chàng không nói một lời ôm tôi vào lòng, gắng sức ôm chặt, vẻ đau thương hiện rõ trên đôi lông mày.

Phụ thân không rõ tung tích, mẫu thân từ bỏ nhân gian, Tử Đạm thành người xa lạ… Hiện giờ, ngoại trừ ca ca, tôi chỉ còn có Tiêu Kỳ là người thân thiết nhất. Chỉ còn chàng ở bên cạnh tôi, cùng tôi san sẻ, sóng vai nhau đi đến cuối con đường gập ghềnh.

Nước mắt cuối cùng cũng trào ra như đê vỡ. Tôi dùng hết sức mình để ôm chàng, tựa như ôm lấy khúc gỗ duy nhất trong lúc vùng vẫy dưới nước.

~~~~~~

Chú thích: Thực ra trong câu “Đăng bạch bình hề sính vọng, dữ giai kỳ hề tịch trương”, tác giả nhắc tới một loài hoa “bình” – 蘋 chứ không phải hoa sen. PT đã tra trên baidu, tìm ra một vài bài thơ có nhắc tới loài hoa này, nhưng khi xem các bản dịch tiếng Việt của những bài thơ ấy thì đều thấy người dịch dịch chữ “bình” này là cỏ tần. Sau đó, PT google cỏ tần thì thấy ra một loại cỏ 4 lá, không phải loài hoa mọc dưới nước có màu trắng như Mị Ngữ Giả miêu tả.

Thực sự là tốn rất nhiều thời gian nhưng không tìm được tên tiếng Việt của loài hoa này (1)

Phía bên trên, ở lời thoại của A Việt, Mị Ngữ Giả lại gọi nó là hoa sen (2)

Từ (1) và (2) => PT để nó là hoa sen.

Dưới đây là hình của loài hoa này, có bạn nào biết là hoa gì thì comment ở dưới để PT sửa lại nhé ^^ Cảm ơn nhiều.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.