Nghiễn Áp Quần Phương

Chương 13: Quý công tử vs tiểu lão bản


Đọc truyện Nghiễn Áp Quần Phương – Chương 13: Quý công tử vs tiểu lão bản

Sau khi cảnh cáo, dặn dò đi dặn dò lại, Vương thiếu gia phất tay áo rời đi, chỉ để lại cho ta một bóng dáng thật tiêu sái.

Ta lại nhìn nghiên mực trái đào trên tay mà buồn bực: Đồ lớn như vậy, lại là bảo bối, ta mang ra ngoài thế nào được? Vạn nhất bị phát hiện, nói ta là kẻ trộm thì chẳng phải ta nhảy xuống Hoàng Hà cũng không rửa sạch được nỗi oan?

Điểm chết người là tên kia còn không cho phép ta nói ra ngoài rằng đây là giải thưởng đánh cược của chúng ta. Nói cách khác, dù ta bị vu thành kẻ trộm cũng quyết không thể liên lụy Vương thiếu gia hắn bởi vì sĩ diện của thiếu gia mới là lớn nhất.

Nếu ta không mang đi? Cũng không được! Thiếu gia để mắt ta mới cho ta cơ hội đánh cược này với hắn, nếu ta không nghe lời hắn mà cầm nghiên mực về thì chẳng phải là chó ngồi kiệu còn không biết điều?

Nghĩ tới nghĩ lui chỉ có cách lại đi nhờ hắn. Vì thế ta đuổi theo hắn, hô to:

– Thiếu gia, Vương thất thiếu gia, xin thiếu gia chờ một chút!

May mà hắn còn chưa ra khỏi cổng. Thấy ta đến gần, hắn khó chịu nói:

– Sau này ngươi gọi ta là thất thiếu gia hoặc là Vương thiếu gia là được, trăm ngàn lần không được gọi cái gì mà Vương thất thiếu gia. May mà ta không có đệ đệ, bằng không kêu như thế thì chẳng phải là…

Nói tới đây hắn đột nhiên ngừng lại, ảo não nhìn quanh.

Không kịp rồi! Đã có hai hạ nhân bưng miệng chạy đi.

Hắn thẹn quá hóa giận, khẩu khí với ta đương nhiên không dễ nghe:

– Ngươi kêu cái quỷ gì, xảy ra chuyện gì?

Ta khép nép cầu xin hắn:

– Thiếu gia, vừa rồi thứ ngươi cho ta, ta thực sự không có cách nào mang ra, sợ người ta nghĩ ta là kẻ trộm.

– Sao thế được?

Vẻ mặt hắn không cho là đúng.

Ta biết, trên lập trường của hắn không thể hiểu được nỗi bi ai của những kẻ thấp cổ bé họng như chúng ta, ta đành nhẫn nại giải thích:

– Nếu là thiếu gia, bất luận mang gì ra ngoài cũng chẳng ai nghĩ thế nhưng Đào Diệp chỉ là người quét dọn trong trường học, nếu đem đồ quý như vậy ra ngoài chắc chắn là sẽ bị người khác nghi ngờ, trừ phi…


Ta nhìn hắn rồi nói tiếp:

– Thiếu gia có thể ra mặt làm chứng, nói đây là thiếu gia cho ta.

Hắn nhíu mày, ta biết hắn sẽ không đồng ý.

– Cái này, có thể nhờ thiếu gia mang ra hộ ta, đứng ngoài cổng đưa lại cho ta?

Đây là cách duy nhất ta nghĩ ra được.

– Thật phiền phức!

Hắn vừa oán giận vừa cầm lấy nghiên mực.

Lúc này, ta nghĩ đến trường học còn chưa khóa cửa, ngượng ngùng xin lỗi hắn rồi vội chạy về đóng cửa.

Chờ khi ra khỏi cổng thì trời đã tối om.

Hắn đưa nghiên mực cho ta, ta nhét chiếc giỏ trong tay cho hắn. Hắn không chịu, còn bực bội nói:

– Sao ngươi lại mang cái này ra?

Đây là đồ điểm tâm nhà hắn chuẩn bị cho hắn, mỗi sáng tôi tớ đưa đến cửa rồi đi về. Buổi tối hắn tự cầm về. Hôm nay chẳng hiểu sao hắn lại quên, lúc khóa cửa ta thuận tay mang theo.

Nhưng hắn kiên quyết không cầm, lý do là:

– Người hầu nhà ta đã bị ta đuổi đi, ta tự cầm sao? Còn lâu đi!

Ta đấu dịu:

– Nhà thiếu gia ngay trong ngõ này, cũng không xa, đến ngay rồi. Cũng có bảo thiếu gia xách đi trên đường cái đâu, sợ cái gì? Hơn nữa dù có là trên đường thì cũng sẽ không làm hỏng hình tượng rực rỡ của thiếu gia được.

– Không cầm!


Hắn vẫn kiên quyết từ chối.

Giờ lại khiến ta buồn bực:

– Thế là sao đây? Lại mang vào trường học sao? Đây là đồ ăn, để lâu hỏng mất.

– Vậy ngươi cầm đi!

Hắn chỉ vào nghiên mực trong tay ta:

– Vừa vặn đặt cái này vào trong. Ngươi là nữ tử, tay cầm nghiên mực quý đi đêm, ta cũng không yên tâm.

Lòng ta nhất thời như có dòng nước ấm chảy qua. Miệng hắn không tha cho ai, tính nết cũng xấu nhưng người thực ra không tệ, đôi khi cũng có sự dịu dàng, cẩn thận lại càng khiến người vui mừng.

Đáng tiếc, hảo cảm với hắn luôn chỉ tồn tại trong thoáng chốc thì đã bị mưa quét gió đuổi. Bởi vì hắn lại bồi thêm câu:

– Đồ ăn nay ngươi không cầm thì mai ta cũng mang cho chó ăn. Đồ điểm tâm nhà ta chủ yếu đều vào bụng Đại Mao cả.

Ta chán nản.

Cũng chẳng để ý đến hắn, ta quay đầu bước đi.

Hắn vẫn ngây tại chỗ, chắc còn đang nghĩ: ta đâu có nói gì, nha đầu chết tiệt kia sao lại như thế.

Chờ đến khi ta lên thuyền về nhà lại càng muộn hơn hôm qua. Chắc Đào Căn đã ngủ ở nhà Hồ đại nương rồi.

Đi trong con ngõ u ám, tay mang giỏ đầy đồ ăn, lòng ta lại vui mừng, cho chó ăn thì cho chó ăn, có thể ăn đồ giống Đại Mao nahf Vệ phu nhân cũng là đại ngộ nhiều người muốn còn không được.

Ta kìm lòng không đậu mà đọc:

– Hiền tai Hồi dã, nhất đan thực, nhất biều ẩm, cư lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, hồi dã bất cải kỳ lạc.

Ta và Nha Hồi thực sự rất giống đó, ta cũng ở trong ngõ hẹp, cơm trong ống, nước trong bầu mà ta cũng không hề “không chịu nổi nỗi buồn này”, lúc này còn len lén vui mừng. Đó chẳng phải là ta đã đạt đến cảnh giới của Nhan Hồi? Tự đánh mình một cái rồi lại cười vang.


Bước nhanh đến nhà Hồ đại nương, còn chưa mở cửa thì cửa đã tự động mở, một khuôn mặt tươi cười chào đón:

– Đào Diệp, muội đã về? Có mệt không? Có đói không?

– Hồ nhị ca?

Không thấy Hồ đại nương lại thấy Hồ nhị ca.

Hồ nhị ca là con thứ của Hồ đại nương, làm việc trong cửa hàng da. Lần này nghe nói là theo đại chưởng quầy lên phương Bắc mua hàng nên hơn một tháng không về.

Lại nhìn lên giường, tiểu muội muội đã ngủ, chắc đã ăn ở nhà Hồ đại nương. Người nhà này đối với ta thực sự là tốt không thể chê.

Thực ra ta cũng từng nghĩ, dứt khoát đưa muội muội đến bên kia sông ở, tránh ngày nào qua sông cũng lo lắng hoảng sợ, còn mất nhiều thời gian. Nhưng rời khỏi nhà Hồ đại nương thì ta lại mất đi chỗ dưa. Không thể tìm được người tin cậy trông coi muội muội thì ta không thể đi đâu được.

Hồ nhị ca chạy đến bên bếp, cẩn thận bưng một chiếc mình, mùi hương thơm nức mũi bay tới, là canh gà.

– Đào Diệp, mau nhân lúc còn nóng uống đi, hầm một ngày đó.

Hồ nhị ca đặt bình trên bàn, múc ra một bát nhỏ rồi đưa cho ta.

Đã bao lâu rồi ta không uống canh gà? Dường như cũng quên mất nó là vị gì. Nhưng hôm nay, nhìn bát canh gà thơm phức kia ta lại không uống nổi.

– Hồ nhị ca, canh gà này để lại mọi người dùng đi, muội ăn rồi.

– Ăn rồi cũng uống đi, canh này là hầm riêng cho muội. Tháng qua muội vất vả rồi.

– Hồ nhị ca…

Nhìn bát canh gà trong tay, ta uống cũng không phải mà không uống cũng không phải.

Hắn đi đến bên giường đắp lại chăn cho muội muội rồi nói với ta:

– Đêm qua ta về muộn, lúc đó muội đã đi ngủ, không dám quấy rầy. Sáng ta dậy thì muội đã đi rồi. Ta đi chợ mua gà hầm, còn nữa, lu nước nhà muội ta cũng đổ đầy rồi, củi cũng chẻ sẵn rồi.

Phòng ta ở là thuê của nhà hắn. Có đôi khi người khác xấu tính với ngươi ngươi còn dễ đối phó – mặc kệ thì thôi. Người khác tốt với ngươi ngươi sẽ chẳng biết làm sao, nhất là khi người đó là nam nhân còn ngươi là nữ nhân.

– Nhân lúc còn nóng uống đi.

Hắn đã nhét bát canh trên bàn vào tay ta:


– Mấy ngày qua làm khó muội rồi, người gầy đi nhiều, ta lại không ở trong nhà. Sớm biết vậy lúc trước đã không đi với lão bản.

Hắn vừa tự trách vừa nhìn ta bằng ánh mắt áy náy, thương tiếc.

– Được, muội uống.

Ta bưng bát đến bên miệng, nếu hắn tiền cũng không cần, canh cũng đã hầm thì ta không uống có phải là rất không hay?

Canh gà ngon thật. Thức ăn buổi trưa ở nhà Vệ phu nhân cũng không tệ chỉ là không thể có canh gà được.

– Tối muội muội cũng uống một bát đó, tiểu tử này hình như rất thích. Về sau cách vài ngày ta lại hầm cho tỷ muội hai người.

– Cách vài ngày lại hầm?

Hắn chỉ là tiểu nhị nho nhỏ trong cửa hàng, mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền? Ta vội nói:

– Không cần đâu Hồ nhị ca, những thứ như canh gà không phải là những người bần hàn như muội nên ăn nhiều. Mỗi năm năm đôi lần là tốt rồi, muội cũng thỏa mãn rồi.

Hồ nhị ca lại cười nói:

– Muội sợ ta không mua nổi sao? Không đâu, Đào Diệp, những ngày khó khăn đã qua rồi, giờ ta đã có tiền.

Hắn cười rất đắc ý. Đàn ông hình như phải có nhiều tiền thì mặt mới vui vẻ. Không còn dáng vẻ không dám ngóc đầu lên nữa.

Có lẽ là ý thức được bản thân có hơi ba hoa, hắn ngượng ngùng nói:

– Ta cũng không phải thành đại phú hào, chỉ là so với trước kia thì tốt hơn nhiều. Lần này lên miền Bắc cùng đại chưởng quầy, trước đó ta vay được chút tiền, mua thêm chút hàng mang đi, kết quả bên kia lại là hàng khan hiếm khiến ta lãi lớn. Đại chưởng quầy nói ta tinh mắt, lúc về đã thăng ta thành nhị chưởng quầy rồi, tiền công cũng cao hơn rất nhiều

Ta thật lòng vui cho hắn. Nghe nói nhà hắn vốn cũng là nhà giàu, nhà có cửa hàng có đất đai. Chỉ tiếc phụ thân mất sớm, Hồ đại nương một mình nuôi mấy đứa con lớn khôn, dần dần bán cửa hàng đi, nhà cũng chỉ để lại viện nhỏ khép kín này.

Ta chúc mừng hắn:

– Hồ nhị ca, huynh trẻ tuổi như vậy đã có thể làm nhị chưởng quầy, tương lai chưa biết chừng có thể trọng chấn gia nghiệp, mua lại cửa hàng, nhà cửa trước kia, lấy lại quang vinh xưa kia của Hồ gia.

Hắn tự tin nói:

– Nhất định, cho dù là vì muội thì ta cũng phải trọng chấn gia nghiệp. Đào Diệp, muội yên tâm, ta nhất định sẽ để muội sống thật tốt.

Hắn trọng chấn gia nghiệp, đâu có liên quan gì tới ta!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.