Đọc truyện Ngày Trôi Về Phía Cũ – Chương 12: Những cuộc tình lãng nhất
Là Lãng đãng, Lãng mạn, Lãng xẹt hay phải cần Lãng quên? Tùy em chọn tên cho chuyện của hai đứa mình.
I.
Một buổi hẹn của hai đứa có thể kéo dài từ lúc Mặt trời nhá nhem đến khi Mặt trăng đã ngủ quên trên cao và trải dài từ phía Đông sang phía Tây thành phố. Lý do chỉ vì em bảo muốn cùng anh đi qua hết Đại lộ Đông Tây để đếm cho bằng được có tổng cộng bao nhiêu chiếc cầu bắc ngang qua bọn mình! Hôm ấy đúng vào mùng 7 tháng 7 – ngày Thất tịch trùng phùng của vợ chồng Ngưu – Chức. Truyền thuyết kể rằng trên trời chỉ có duy nhất chiếc cầu Ô Thước mỗi năm mới được bầy quạ đội đá kết đôi bờ cho hai người gặp nhau. Câu chuyện anh kể vu vơ ngày xưa, vậy mà em nhớ rõ và cả tin vô cùng. Thế là cả đoạn đường dài tít tắp của đại lộ, em cứ say sưa mỗi khi chạy ngang qua một chiếc cầu thành phố, cứ như thể nó nối liền những niềm vui tương ngộ trong em. Anh thỉnh thoảng ngoái nhìn, thấy những ngọn đèn đêm dịu dàng soi trong mắt em cũng lóe lên những niềm tin và ấm áp…
Ngày chia tay, anh trở lại những con đường mình đã từng qua, để thấy dẫu dưới trần gian có bao nhiêu chiếc cầu bê-tông huyên náo, cầu tre lắt lẻo hay cầu dừa trơn trượt thì con người ta vẫn vô tình đi lướt qua nhau đó thôi. Còn Ô Thước, chỉ có trên trời và chỉ có mỗi năm một lần. Mà người đời, mấy ai đủ kiên trì?
II.
Em giận, vì một lý do vụn vặt không đâu mà chính em ngay vài giây sau đó còn chẳng nhớ. Nhưng hai đứa cứ thế im lặng chẳng thêm nói năng gì vì đã quá hiểu sự cố chấp, cứng đầu lúc này không cần thêm một lời buột miệng xốc nổi nào nữa. Đoạn đường về nhà dài đằng đẵng khi chen giữa anh và em là một người thứ ba vô hình nào đó choán chỗ vô cùng, khiến tụi mình như quên cả sự hiện diện dù rất gần của nhau.
Cả ngày hôm sau, điện thoại nằm im trong những hờn giận lẫn đôi chút hối hận. Mãi đến tận khuya, tiếng chuông mới vang lên để màn hình hiện ra số máy quen thuộc. Anh đứng đợi trước cửa nhà, trên tay là hộp bánh còn thơm lừng của cửa hiệu em rất thích tận trên… Đà Lạt – nơi hai đứa tình cờ quen nhau khi cùng giành mua lát bánh cuối còn lại! Dĩ nhiên, lần đó anh đã chịu nhường để khỏi mang tiếng thiếu ga-lăng, còn em vì phép lịch sự nên cũng chia đôi miếng bánh với người bạn đường vừa quen có cùng sở thích du lịch bụi. Ngày xưa, chuyện cũ, những vu vơ buổi đầu, tất cả trở về nguyên vẹn.
Tám tiếng xe đi, tám tiếng xe về, anh đến phố núi trong ngày chỉ để mua được loại bánh em thích ăn và quay lại Sài Gòn với niềm tin có thể làm lành cơn buồn trong lòng hai đứa. Bởi chỉ có tự nhắc nhở mình về những kỷ niệm thân thương đã khuất đi ít nhiều trong trí nhớ, anh và em mới biết trân trọng hơn khoảnh khắc chúng ta đang hoài phí cho những bốc đồng hiện giờ.
III.
Điện thoại vang lên, giọng anh đầu dây ngập ngừng đến tội nghiệp: “Anh đây… Dạo này em thế nào?”. Nỗi nhớ chỉ chờ có thế để chực tràn, nhưng cố nén tất cả những hình dung ngày cũ như một cuốn phim đang quay chậm trong đầu, rõ mồn một từng nụ cười ánh mắt, em lạnh lùng trả lời: “Xin lỗi, ai vậy?”. Thoánh im lặng, anh nói trong đứt quãng: “Anh mới phải xin lỗi, vì đã gọi nhầm số nên em mới không nhận ra người quen”.
Tắt máy, em chẳng còn thời gian để tự trách mình cao ngạo, vì ngày xưa đã choáng ngợp tâm trí như thể nhắc nhở: có thể lúc trước em rất đúng khi buông tay, nhưng hiện tại cách em vừa cư xử lại hoàn toàn sai trái. Những niềm tin bị bội ước, những lời hứa đã dở dang và anh của một thời nông nổi phụ lòng em đã là chuyện qua rồi. Sao lại dùng ngày xưa để phán xét bây giờ? Cả hai đứa đều đã bước qua thương nhớ, đã tìm lại cho mình dù chắp vá những niềm tin, những bấu víu để tựa vào, vậy còn dùng dằng trách cứ làm chi để tội cho một tấm lòng? Hay vì em quá ích kỷ để có thể tha thứ cho những khuất tất đã nằm lại phía sau, dù nó chẳng thể chạm vào làm em đau thêm một lần nào nữa. Nhưng để được gì, rồi cũng chỉ riêng em tự đeo mang những hoài niệm không yên lành và anh hoài day dứt về những lỗi lần chưa kịp bù đắp.
Đối lập của yêu thương không phải là ghét bỏ, mà là sự thờ ơ. Bởi còn thương nên mới bực dọc, dằn vặt vì chưa thể nào quên hẳn nhau trong trí nhớ, chứ thờ ơ rồi thì còn cần chi hằn học bằng những lời giả lơ: “Xin lỗi, ai vậy?”
IV.
Dọn nhà. Anh chán chường nhìn vào mớ hỗn độn trong căn phòng chỉ vài mét vuông của mình rồi thở dài ngao ngán. Có lẽ anh chết vì thành kiến chứ thật tình anh chẳng bao giờ ưa nổi sự xáo trộn hay sắp xếp lại những thứ mắt nhìn đã quá thân quen. Tỉ mẫn thu dọn không bỏ sót dù chỉ một mẩu giấy nhỏ ghi lời chúc mừng sinh nhật, anh cắm cúi ôn lại những ngày trẻ đã qua theo lớp bụi đóng trên từng giá sách. Bất chợt từ một cuốn sách rơi ra bức hình của em thời anh còn đóng khung hình dung ấy trong tâm trí. Mặt sau là nét chữ nắn nót ghi lại câu thơ Kiều: “Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta”…
Buông thõng người giữa ngổn ngang đồ đạc, anh bất giác ngẩng mặt trách cứ vu vơ… ông Trời! Cuộc đời có những sắp đặt trớ trêu, như cho hai kẻ có lòng gặp nhau khi đã quá muộn màng, chẳng hạn như anh và em ngày ấy… Giờ nghĩ lại vẫn chẳng biết tụi mình đã chọn con đường đúng hay sai? Ngay từ khi biết nhau, anh tự hiểu sẽ chỉ toàn những muộn phiền bởi em đã có riêng một nơi chốn đi về bình yên. Chỉ là một phút xao lòng khẽ qua thoáng chốc, vậy mà vẫn nghe tim mình vang lên những nhịp đập hạnh phúc. Nhưng trong tình cảnh “tương kiến thái văn” (gặp nhau quá muộn), anh còn có thể làm gì hơn ngoại trừ buông tay trả em về với người thương thật sự. Chẳng dám mơ đến trăm năm, càng không mong ngắn ngủi một ngày, chỉ biết rằng ngày xưa còn duyên – còn em, anh hiểu được cảm giác tràn đầy của hạnh phúc xứng đáng. Thế nên ngay lúc này, khi bức hình em rơi ra như nhắc nhở lại thời xa lắc xa lơ, anh mới thấy tụi mình xa nhau quá đỗi. Tựa hồ những ngày-còn-em là một khoảng trời ngút ngàn phía thấp thoáng sau hoàng hôn, chỉ có hóa thân vào ráng chiều mới mong thấy lại được.
Thôi thì khẽ cảm ơn những điều đã qua, để hôm nay anh nhìn lại khoảng nhớ sau lưng mình, em vẫn là “một ngày duyên” anh may mắn có được trong chuỗi ngày biết sống, biết yêu thương này…
_________________