Bạn đang đọc Ngày 32 – Chương 26
ngày 32, hồi XV
Dịch A Lam không có cách nào an ủi Giản Thành – người vẫn đang tự trách mình.
Đây là nhận thức luận của Giản Thành, hắn phải hối hận về những gì đã xảy đến với Dịch A Lam và cần tìm ra một triết lý để cho mình lối thoát, ngoại lực không thể giúp hắn.
Giống như một hòn đá nhọn rơi vào thịt trai, chúng ta phải dùng bản tính mềm yếu nơi con người để tra tấn nó mọi lúc, cho đến khi từ mềm thành cứng, hoặc từ đá thành ngọc trai, và rồi cuối cùng là để ánh sáng xua đi cái mông muội của cuộc đời.
Đôi khi Dịch A Lam cũng sẽ nghĩ, nếu y thực sự chết dưới mũi dao của Hứa Tuấn Bân, liệu y có oán hận Giản Thành và hối hận vì đã giúp Giản Thành không.
Dịch A Lam không biết câu trả lời, và y cũng chẳng muốn theo đuổi một thứ quá thực tế.
Thế nên phải sống thật tốt, hãy để mọi oán hận chỉ là một hồi chuông báo động.
Trở về nhà, Dịch A Lam cúi nhìn lòng bàn tay mình.
Y đã xuất hiện vết chai trong quá trình luyện súng, rồi vết chai mới chồng lên vết chai cũ khi thời gian ngày một kéo dài, đặc biệt là vị trí hổ khẩu và ngón trỏ.
Đôi bàn tay mảnh khảnh thon dài phù hợp gõ phím máy tính nay không còn mịn màng nữa, nhưng Dịch A Lam lại có một niềm tin chưa từng có.
Y nắm chặt tay, cảm giác như nắm trong mình biết bao sức mạnh.
Y đẩy cửa bước vào, Nhạc Khê Minh có lẽ nghỉ phép nên về sớm.
Bà đang ngồi trên sô pha cùng bà nội xem kênh sức khỏe trong phòng khách.
Sức mạnh mà Dịch A Lam nắm giữ hệt như con bồ câu lì lợm, vỗ cánh bay mất khỏi lòng bàn tay.
Dịch A Lam những muốn nói chuyện tử tế với mẹ biết bao nhiêu thì trong khoảng thời gian đối mặt với tử thần, y đã “phơi” khoảng cách giữa hai người theo năm tháng dưới ánh mặt trời bấy nhiêu.
Dẫu là “chết” trong nắng hay “sinh sôi” kể từ khi tắm mình ở đấy, cũng cần một kết luận nhanh chóng.
Chứ nếu y chết rồi, vậy lấy ai nói với mẹ những điều hãy còn chưa tỏ đây.
Nhạc Khê Minh nhìn y, cười rằng: “Về rồi hả con? Bên ngoài nóng không? Hôm nay đồng nghiệp tặng mẹ một quả dưa hấu trồng ở quê cô ấy.
Mẹ và bà ăn thấy ngọt lắm.
Để trong tủ lạnh đó, con mau ăn thử đi.”
Nỗi xung động nơi Dịch A Lam thoắt cái hóa thành nhành cây trôi theo nước.
Không thể nghi ngờ gì nữa, mẹ yêu y; và trong nỗi đau do bị phản bội tình cảm ngự trị nơi tim, bà vẫn cẩn thận bảo vệ y suốt hai mươi năm.
Nhưng định mệnh lại đi ngược với mơ ước của mẹ, đây ắt là đòn giáng mạnh nhất vào người phụ nữ tội nghiệp hơn nửa đời này.
Dẫu buộc phải chấp nhận sự lựa chọn của y vì mẹ yêu y nhưng, chấp nhận không đồng nghĩa là thoải mái.
Mẹ sẽ luôn sống dưới cái bóng tàn nhẫn của Dịch Vân Sơn; sẽ cố gượng cười dù nỗi đau ấy tra tấn mình hằng đêm, vì chỉ muốn con trai hạnh phúc.
Dịch A Lam chợt nghĩ rằng nếu mình chết, phải chăng mẹ được giải thoát?
Y trở về phòng, nằm phịch xuống giường một cách chán nản.
Lúc này, chiếc máy ảnh để trên bàn bấy lâu rốt cuộc đã lọt vào tầm mắt của Dịch A Lam.
Vài hôm trước, y căng thẳng đến mức chẳng biết mình sẽ sống hay phải chết, nghiễm nhiên không còn ý định quan tâm thế giới bình thường sau ngày 32 trông như thế nào.
Giờ đây, với những vướng mắc tình thân vượt lên trên sự sống-cái chết, y chỉ có thể lựa chọn phương thức tránh né.
Dịch A Lam cầm máy ảnh, xem đoạn phim mới nhất.
Hai giờ rưỡi sáng, Dịch A Lam đang ngồi trên giường trịnh trọng chờ ngày 32 ghé thăm.
Thời gian ở góc trên bên trái chậm rãi nhảy thành 2:34, Dịch A Lam đột nhiên thẳng lưng, nom như bị muỗi đốt khi đang ngồi nghiêm chỉnh; chặp sau là một thời gian dài bàng hoàng.
Dịch A Lam cau mày, lấy làm ngờ ngợ.
2:34 là lúc bước vào ngày 32, song y chẳng thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc “tiến vào”; chỉ khi trở lại thế giới thực, Dịch A Lam mới trông có vẻ sợ hãi.
Nếu người ngoài nhìn thấy nó, có khi cho rằng y đột nhiên bị co giật trong một thoáng mà không rõ lý do.
Theo nhận thức về bản thân, khi bước vào ngày 32, Dịch A Lam có cảm giác mơ màng như trước khi chìm vào giấc ngủ sâu.
Tuy nhiên, điểm này lại không được thể hiện trên video.
Thay vào đó Dịch A Lam thoạt trông có tinh thần; đôi mắt sáng tựa sao, chẳng có gì gọi là buồn ngủ.
Trong trí tưởng tượng của Dịch A Lam, y nghĩ nó sẽ giống như phim điện ảnh: Xuất hiện với các dấu hiệu tương tự bị ma ám, hoặc lảm nhảm trong trạng thái vô thức.
Y bỗng dưng bối rối, điều này khiến cho sự tồn tại của ngày 32 càng trở nên ảo diệu và khó nắm bắt.
Xét cho cùng, ngoài bản thân họ, người khác khó lòng tin rằng vào một khoảnh khắc quá đỗi bình thường như thế, họ đã đi đến thế giới khác và còn dành 24 hoặc thậm chí 48 giờ ở đó.
Ngay cả khi là chính họ, có lẽ không ít người vì lý do này mà nghi ngờ điên cuồng thế giới mình đang sống.
Tối đến, Dịch A Lam gửi cho Châu Yến An về những phát hiện của mình.
Châu Yến An cũng trải qua cảm giác tương tự, anh bèn đưa ra phân tích dựa trên vốn hiểu biết ít ỏi: Có lẽ thế giới bình thường và ngày 32 được xem là hai không gian song song có liên quan, tương tự một số thiết bị vật lý ràng buộc lẫn nhau.
Trong chiều không gian đó, một cái được bật thì cái kia phải tắt.
Và khi họ đi đi về về trong ngày 32, có thể so sánh với việc đi qua một “lối dẫn” nối liền hai thế giới; “lối dẫn” này không thuộc thế giới bình thường, cũng chẳng thuộc về ngày 32.
Cảm giác trực tiếp được thể hiện là “trạng thái mất ý thức”, từa tựa đi qua một đường-hầm-thời-không, nơi thời gian và không gian bị nén chặt; còn tâm trí con người rơi vào trạng thái hôn mê khi thế giới bên ngoài biến đổi.
Nhận định này khiến Dịch A Lam phấn chấn hơn hẳn, vì nó đồng nghĩa với việc y và Hứa Tuấn Bân ở trạng thái tỉnh táo khi “bước vào” ngày 32; sẽ không xuất hiện tình huống tuyệt vọng như khi y vẫn còn lơ mơ mà Hứa Tuấn Bân lại đang tỉnh táo.
Họ đứng trên cùng một vạch xuất phát, điều Dịch A Lam cần nắm bắt là khoảng thời gian phản ứng trong vài giây sau khi đến nơi ấy.
Nhưng khi ngày 31 tháng 8 đến gần, Dịch A Lam vẫn không khỏi căng thẳng.
Giản Thành những ráo riết truy tìm Hứa Tuấn Bân, đầu tư cả khối tiền vào thám tử tư và cả cựu binh ở nước ngoài, thậm chí còn dùng các “biện pháp thương mại” với Pete nhằm moi móc tung tích của gã từ phía Carter.
Có lẽ trả giá không ngừng như thế, mới khiến cảm giác tội lỗi trong Giản Thành vơi đi một ít.
Giản Thành ngỏ lời muốn ở bên Dịch A Lam vào đêm 31 nhưng, Dịch A Lam từ chối.
Nếu y còn sống, theo mạch thời gian của Giản Thành, thì Dịch A Lam ở thế giới bình thường sẽ gọi điện báo bình an chỉ sau một giây; và giả trong trường hợp xảy ra bất trắc, Dịch A Lam ắt hẳn đột ngột chết vì ngừng tim ở thế giới thực.
Thật không hay khi Giản Thành phải gặp rắc rối nếu hắn không thể giải thích rõ ràng.
Hai người xung quanh chết bất thình lình, mọi người ít nhiều sẽ tự hỏi liệu có phải hắn đang âm mưu gì không.
Ngậm ngùi gật đầu, Giản Thành cất giọng buồn rượi: “Dù tôi đứng ở bên cậu cũng khó tưởng tượng ngày 32 như thế nào.
Tôi chỉ chớp mắt một cái, mà cậu đã trải qua cả ngày ly kỳ.
Tôi chắc không bao giờ hiểu được cảm thụ của cậu.
Có lẽ đây là khoảng cách không-tài-nào-vượt-qua giữa con người trong truyền thuyết.”
Dẫu không muốn nhưng Dịch A Lam phải thừa nhận, đúng vậy, ngày 32 chỉ kéo dài một đến hai ngày mà đã hoàn toàn thay đổi nhịp sống trong một tháng, khiến y trở nên xa lạ và chẳng thể hòa nhập với thế giới này.
Dịch A Lam nói với Giản Thành: “Đây là may mắn của cậu.”
Giản Thành cười khổ: “Cũng có thể là bất hạnh.”
Giản Thành may mắn hay không thì chưa biết, song Dịch A Lam chắc chắn là bất hạnh.
Y nằm trên giường chờ số phận đến; người thân duy nhất của mình là mẹ và bà lại đang ngủ ngon lành trong một căn phòng khác, nhưng y chẳng thể nói câu từ biệt.
Y chuẩn bị bước vào một hành trình cô đơn mà không biết liệu bản thân có thể trở lại hay chăng.
Dịch A Lam liếc nhìn điện thoại, đã hai giờ sáng ngày 1 tháng 9, và không có thông báo nào khác.
Sợ làm phiền y, Giản Thành đã cố nén nhiều lời giải thích vô nghĩa; lịch sử liên hệ với Châu Yến An vẫn dừng lại ở đêm qua, Châu Yến An đã nói rất tỉ mẩn, cũng như vừa an ủi vừa động viên Dịch A Lam, gần như đã xem ngày hôm qua là đêm nay.
Dịch A Lam đoán chắc hôm nay Châu Yến An có chuyện quan trọng nên không thể rút thời gian bận tâm đến y.
Châu Yến An quả thật đang tối mày tối mặt; khi hoàng hôn vừa buông, anh đã phải bước vào một đại sảnh hình tròn có nhiều thiết bị, bao gồm thiết bị theo dõi sóng não, cảm biến hồng ngoại phát hiện người…!đại khái là tất cả sóng sinh học có thể phát hiện con người trong phạm vi công nghệ hiện tại, và máy giám sát sóng điện từ; bao gồm máy phân tích tế bào máu tiên tiến nhất – sẽ thu thập mẫu máu trước và sau ngày 32 của Châu Yến An trong một thời gian ngắn, và tiến hành phân tích so sánh toàn diện; còn bao gồm cả máy dò bức xạ và theo dõi tia hồng ngoại-tia cực tím từ môi trường bên ngoài, cố gắng nắm bắt mọi điểm bất thường dù là nhỏ nhất khi chúng xuất hiện vào ngày 32.
Giữa các dụng cụ này là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, v.v.; và đứng bên ngoài là các quan chức cấp cao mặt mày nghiêm trang từ những cơ quan khác nhau.
Tất cả sẽ cùng nhau chứng kiến sự xuất hiện và biến mất của ngày 32.
Khi đồng hồ điểm 2 giờ 30 phút, Dịch A Lam đánh bay mọi suy nghĩ có khả năng khiến mình phân tâm.
Như lời Châu Yến An nói, y cần phải duy trì sự tỉnh táo, và cố gắng khiến toàn bộ ý nghĩ phản công lẫn thao tác từng luyện tập suốt thời gian qua ngập tràn trong mình.
Đương lúc cơn buồn ngủ ập đến, Dịch A Lam “buộc phải” tiến vào trạng thái mất ý thức; nhưng mọi dây thần kinh đang nhảy loạn xạ với tất cả sức lực của nó: Phải tập trung! Phải tỉnh táo! Phải nhanh! Phải tấn công!
Nếu quá trình tiến vào ngày 32 được cụ thể hóa, thì thân thể của y đang thực hiện hành vi tấn công không biết mệt mỏi.
Đánh! Nhanh!
Thời điểm bước sang ngày 32, phản ứng cơ thể còn nhanh hơn rất nhiều so với ý thức của y.
Chưa kịp nhìn rõ mặt Hứa Tuấn Bân, Dịch A Lam đã lên gối vào hạ bộ của gã.
Y đập mạnh vào cổ tay cầm dao; và rồi, tiếng kêu đau đớn xé ruột xé gan của Hứa Tuấn Bân lọt vào tai Dịch A Lam.
Hứa Tuấn Bân cuộn tròn như tôm luộc, che đi phần dưới đau đớn của mình.
Nhân lúc gã chỉ biết than đau, Dịch A Lam bình tĩnh lùi ra khỏi phạm vi tấn công của gã.
Song mọi chuyện không hề thuận buồm xuôi gió, cánh tay phải của Dịch A Lam vẫn bị lưỡi dao cắt qua một đường – vết thương dài khoảng một xen-ti-mét, thoắt cái máu chảy đầy toàn bộ cẳng tay.
Nào còn rỗi hơn quan tâm đến vết thương trên cánh tay phải, Dịch A Lam chịu đựng đau rát mà lấy khẩu súng từ trong túi áo khoác chĩa vào Hứa Tuấn Bân.
Y từ từ đứng dậy, dồn toàn bộ trọng tâm cơ thể lên chân trái.
Bấy giờ, chỉ mới mười giây trôi qua kể từ khi họ tiến vào ngày 32.
Có lẽ chính sự luyện tập không ngừng nghỉ suốt tháng rồi đã khiến phản ứng và ý thức của Dịch A Lam được nâng lên một tầm cao mới, hoặc chính sự khẩn cấp khi đối mặt với cái chết đã khiến độ nhạy cảm của y tăng vọt.
Đối với Dịch A Lam, mười giây này chừng như được kéo giãn ra.
Y hoàn thành toàn bộ chuỗi hành vi “tự cứu lấy mình” một cách nhanh chóng và tuần tự; nhịp điệu trôi chảy, y vạch cho bản thân một con đường sống giữa khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc.
Còn Hứa Tuấn Bân thì vẫn chẳng hay gì cả.
Gã đang mải ôm chặt chỗ đau theo bản năng, rồi quỳ thụp xuống đất với gương mặt giàn giụa nước mắt.
Ngay cả khi khẩu súng chĩa vào mình, gã vẫn chẳng nhận ra tình huống hiện tại nghiêm trọng thế nào.
“An nhàn” tặng cho Hứa Tuấn Bân, “khủng hoảng” dành cho Dịch A Lam, khiến cho thế mạnh-yếu đã hoàn toàn đảo ngược.
Hết chương 026.