Ngày 32

Chương 102


Bạn đang đọc Ngày 32 – Chương 102


tháng Tư, hồi III
Dịch A Lam lờ mờ nhận ra bầu không khí trong bệnh viện trở nên tế nhị, lượng người qua lại cũng giảm đi nhiều; đặc vụ đến từ các quốc gia phụ trách an ninh-giám sát đều lộ vẻ lo lắng không hợp với năng lực chuyên môn, đôi khi còn tụm ba tụm năm thì thào, thường đi kèm với các hành vi cử chỉ thể hiện sự bồn chồn bứt rứt.
Có vẻ như, chuyện gì lớn đã xảy ra.
Rồi bỗng dưng, Châu Yến An xuất hiện trước mặt y.
Dịch A Lam vừa ngạc nhiên vừa vui mừng; trong lúc phấn khởi, y quên mất ánh mắt của mọi người mà nắm tay Châu Yến An: “Sao họ cho phép anh qua đây?”
Châu Yến An nở nụ cười nhạt, ánh mắt vẫn điềm tĩnh, nhưng sao vẻ điềm tĩnh hôm nay trông thật khác.

“Anh tới đón em, anh lái chuyên cơ qua đây.”
Dịch A Lam nhìn anh toan cất lời, thì vô tình chạm phải thứ gì đó cưng cứng trong túi áo khoác Châu Yến An.

Y tròn mắt, thoáng nhìn xung quanh rồi thấp giọng: “Anh mang theo súng à?”
Châu Yến An gật đầu, “Bây giờ…!bên ngoài không được yên bình lắm.”
Dịch A Lam hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy anh?”
“Trở về rồi, anh kể chi tiết với em.” Châu Yến An dắt tay Dịch A Lam ra ngoài; chẳng một ai trong hành lang để mắt tới họ, chứ đừng nói chi đến việc ngăn cản hai người.

Xét cho cùng, không có gì quan trọng hơn ngày tận thế.
Trực thăng băng qua núi sông ngút ngàn, đưa Dịch A Lam trở lại chốn quen thuộc.
Bầu không khí trong Tổ công tác khẩn cấp nhuốm màu u ám, Dịch A Lam có linh cảm rằng thế giới chắc hẳn vừa trải qua những biến chuyển kinh thiên động địa trong khoảng thời gian y bị cách ly khỏi thiết bị điện tử có chức năng truyền-nhận thông tin từ thế giới bên ngoài.
Nhưng sau khi nghe Châu Yến An nói về mối quan hệ giữa Bức xạ chênh lệch Entropy và ngày tận thế, Dịch A Lam vẫn ngỡ như mình đang nằm mộng.
Bức xạ Entropy chẳng còn là bí mật, như một vị lãnh đạo đã dự đoán.

Bất kỳ ai nghe được tin này, dẫu có quyền cao chức trọng cũng bị đánh thành con kiến hôi không nơi nương tựa.

Lợi ích quốc gia, ràng buộc thể chế, khế ước xã hội, hạnh phúc người dân và tương lai tươi sáng đều sụp đổ, không một ai đủ bình tĩnh đối mặt với tất thảy, im lặng đã là thái độ tốt nhất lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, dưới sự liên minh của những cường quốc, một phần của công cuộc truyền bá dư luận đã bị can thiệp và thực tế Người 32 có thể sống sót sau Bức xạ chênh lệch Entropy cũng tạm thời bị giấu giếm.

Để đảm bảo các tổ chức chính phủ miễn nhiễm hoàn toàn với sự hoảng loạn trước ngày tận thế, nhiều quốc gia đã thành lập Tổ Sự Vụ – chuyên trách các hoạt động tối thiểu, nắm trong tay sức mạnh quân sự tuyệt đối; đồng thời còn tiết lộ Kế hoạch Cứu Thế cho những người trong Tổ theo từng chức vụ, để họ vẫn tin tưởng, vẫn sẵn lòng đấu tranh cho tương lai nhân loại.
Kết quả là, tin tức về ngày tận thế hệt như trận cháy rừng, không ngừng quét qua thế giới.

Người dân lúc này vẫn đang đắm chìm trong hy vọng tươi đẹp do vũ trụ song song yếu mang lại.

Thoạt đầu chẳng mấy ai quan tâm, chỉ coi “bức xạ” và “xoá sổ sự sống” như tin đồn thất thiệt; họ đinh ninh đó là hoạt động chống đối xã hội của phần tử phản động, chỉ cốt gây hoang mang dư luận.

Nhưng khi tin tức lan truyền ngày một mãnh liệt, trên cơ bản các quốc gia đều xuất hiện cùng một luận điệu mà vẫn không thấy chính phủ đứng ra bác bỏ tin đồn, bộ phận nhỏ dân chúng dần hoang mang, yêu cầu chính phủ ra mặt xoa dịu lòng dân.

Chính phủ lại giữ im lặng, chẳng qua thái độ này đã thay cho câu trả lời.
Cùng với việc vài “ông lớn” tổ chức họp báo, tuyên bố Bức xạ chênh lệch Entropy là thật, nỗi tuyệt vọng rốt cục đã bao trùm nhóm người lạc quan cuối cùng.


Chưa đầy hai tháng, cả nhân loại đều phải nếm trải vị ngọt-đắng của vận mệnh; vốn tưởng ngày 32 là phúc âm, ngờ đâu lại là chuyến ghé thăm của ma quỷ.

Tất cả họ sẽ chết vì một thế giới nhìn không thấy, chạm không tới – tựa như một “thực thể vô hình”.
Cục diện thay đổi xoành xoạch, ảnh hưởng mà nó mang đến còn phức tạp hơn nỗi tuyệt vọng do ngày tận thế gây ra bởi Mặt Trời chết đi, tác động của thiên thạch, hay sự xâm lấn của người ngoài hành tinh.

Hệt như con sông cuồng nộ với bùn lầy vẩn đục, những hoài bão được nhúng trong nỗi tuyệt vọng sôi trào, sự vỡ mộng này trớ trêu như một trò hề khiến người ta vừa chợt cười đã khóc.
Họ bắt đầu xử sự bất thường; công việc, học tập và trật tự bị họ bỏ rơi như một lẽ đương nhiên.
Có người hoảng loạn ca thán, tay chân mềm oặt, cặp mắt thâm quầng, mất ngủ triền miên, hầu như không thể làm gì.

Anh ta chẳng nói năng được câu nào, nỗi sợ cứ ăn mòn lấy anh; và rồi khi đến tận cùng thế giới, nỗi sợ sẽ thống trị toàn bộ loài người.
Có người hoan hỉ đắm chìm trong nhục dục, nắm bắt khoảng thời gian cuối cùng mà tận hưởng cái run rẩy tựa thiên thu.

Anh ta ôm ghì lấy người mình yêu, cố moi hết can đảm để đối mặt với cái chết từ người khác.
Có người quyết chí trả thù, khi mà luật pháp đã chẳng thể trói buộc họ thành cái xác vô hồn, khi mà những hình phạt trở nên vô nghĩa lý.

Những kẻ từng làm tổn thương họ, áp bức họ, khiến họ bất mãn, khiến họ ghen ghét, và dẫu đó là Chúa Trời, họ cũng sẽ thực thi công lý bằng chính đôi tay mình.
Có người đi con đường bạo lực, cố tình trút bỏ nỗi sợ và cơn hờn giận bằng cách tấn công chính phủ, hoặc tấn công tất cả những người họ thấy.

Kẻ mạnh đánh kẻ yếu, cứ tưởng kẻ yếu vẫn nhịn nhục chịu áp bức như trước; song trái lại, kẻ yếu liều mạng chống trả – dầu gì cũng phải chết, vậy trước khi chết hãy đấu một trận ra trò đi! Họ bèn lao vào ẩu đả, buông lời cay nghiệt trong dòng máu cùng màu với mình.

Họ bôi nhọ cái thế giới chết giẫm này.

Họ đã hoàn toàn mất đi hy vọng, chỉ biết chờ Thần Chết điểm danh.

Đàn ông hãm hiếp đàn bà, còn đàn bà hoặc chấp nhận số phận, hoặc nguyền rủa, hoặc thương hại: “Mày sẽ xuống địa ngục.”
“Tất cả chúng ta rồi sẽ xuống địa ngục thôi.”
“Sự khác biệt là tao chết như một con người, còn mày thì muôn kiếp làm thú.”
Vẫn có người, mặc dù ít, nhưng họ là chút tia sáng cuối cùng của nhân loại.

Họ đã vượt qua nỗi sợ về cái chết, hoặc họ vẫn đang chiến đấu chống lại cái chết, để nêu cao những triết lý mà không nhiều người sẵn sàng lắng nghe trong hoà bình hay thời đại khó khăn.

Họ đang cố hết sức kêu gọi mọi người hãy lý trí lên.

Họ nói rằng nếu vận mệnh buộc ta chết, vậy ta hãy chết như một con người – một sinh vật toàn năng đứng trên đầu vạn vật.

Để khi thời đại mới được may mắn sinh ra trong những năm tháng về sau, để di tích khảo cổ của ta mang đậm hơi thở thần thánh, để ta truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ trẻ tương lai.
Có người say sưa trong lễ hội hoá trang, rồi đằng sau cái lễ hội mà ngay cả tiếng cười cũng phải “vẽ lên” chính là sự tuyệt vọng lạnh căm.


Họ sơn những ngôi nhà đang xây dở.

Họ vẽ nguệch ngoạc lên mặt kính bóng lưỡng của nhiều cửa hàng sang trọng.

Họ diễu hành qua các con phố.

Họ ca hát.

Họ giơ cao những tấm biển ghi “Tất cả chúng ta sinh ra trong bình đẳng, cớ sao có người bình đẳng hơn.

Cái chết sẽ sửa chữa mọi thứ”, “Trước cái chết, người người đều bình đẳng”, “Không có Thái Sơn cũng chẳng có hồng mao, chúng ta đều là cát bụi”, “Đối với tư bản: người chết, tiền tiêu không hết”,…
Họ in ra những đoạn phim tĩnh, và dán những câu thoại phù hợp với sở thích của họ trên khắp cung đường ngõ hẻm.

Như bọn cuồng tín ưa truyền giáo, họ muốn cho thế giới chết giữa cánh đồng bạt ngàn sắc hoa:
“(…) Thay vì chết một mình với khối thân thể này, thay vì ghen tỵ với người khác được sống lâu hơn, ta thà rằng bệnh dịch đưa cả thế giới xuống địa ngục.

Có lẽ vào khoảnh khắc bầu trời sụp đổ, ta sẽ phóng pháo hoa chúc mừng, sẽ cúi chào nhau, sẽ nâng ly sâm panh trong tay.

Ta sẽ không còn cảm thấy lo lắng hay tuyệt vọng, vì nhiệm vụ của ta trên Trái Đất đã đi đến hồi kết.

Ta sẽ chết thanh thản như thể mọi việc đều là ý muốn của Chúa.

Ta sẽ thôi áy náy, sẽ thôi hối tiếc vì đã không thể thay đổi thế giới kịp thời.”
“Chừng nào nhạc sĩ còn lái xe, chừng nào thi sĩ còn phục vụ trong nhà hàng, và chừng nào những kẻ tài giỏi vẫn “được” trả lương bởi gã tầm thường, thì ngày tận thế nhất định vẫn đến.”
Đối mặt với ngày tận thế, vết rạn nứt giữa các tầng lớp càng được bộc lộ rõ ràng.
Hãy gieo rắc những thương đau, gieo rắc sự đê hèn, xấu xa, vô vọng của loài người, để trận diệt vọng này trở nên dễ chịu hơn.
Người 32 chẳng hay rằng mình có thể sống sót qua kiếp nạn, nên khi nghĩ đến vẻ mãn ý vì bản thân từng là “người đặc biệt”, từng là “người được Trời chọn”, họ càng đau thắt tim gan.

Họ khiển trách ngày 32 mang lại xui xẻo.

Họ không ngừng phàn nàn với hàng xóm, phơi bày sự thật mình có thể bước vào ngày 32.

Họ giống như thím Tường Lâm, lặp đi lặp lại: Nếu biết sớm hơn…!Nếu biết sớm hơn…!Nhưng, nếu biết sớm hơn thì có ích gì? Họ buộc phải đi vào thế giới đó, họ có thể làm gì khác đâu? Sao bất công quá đỗi, cứ thế mà lừa gạt họ ư?!
Đúng là bấy giờ đã có vài kẻ đổ lỗi cho Người 32, song phần lớn họ đều chìm thẵm trong cơn đau khổ, họ chẳng còn thì giờ phân biệt Người 32 với người bình thường.
Nhưng không lâu nữa thôi, mọi thứ sẽ thay đổi.
Họ nhất định hối hận vì đã thú nhận là Người 32, vì đã trong một phút nông nỗi để rồi thu hút vô số cặp mắt thù hận như đom đóm trong tối.


Vô số người háo hức mong chờ cái chết của họ, thậm chí tình nhân mà họ từng quyết ôm lấy cho đến khi từ giã cuộc đời sẽ vừa ứa nước mắt vừa nói: Xin anh/em hãy chết đi, cầu xin anh/em hãy chết đi.
Cả thế giới sẽ nói với bạn: Hãy chết đi.

Đừng ích kỷ như thế, hãy xuống địa ngục đi.

Vì người mình yêu, chết đi.

Vì nhân loại, chết đi!
Trong số Người 32, chắc hẳn vẫn tồn tại nhiều bậc sẵn sàng đánh đổi cái chết để đổi lấy cơ hội sống sót cho người mình yêu, nhưng khi đó, thứ họ gánh chịu không chỉ là sự kinh hoàng nặng nề của chết chóc, mà còn là bản chất con người không chịu nổi thử thách rèn giũa.

Bất kể trên toàn thế giới đang ngấm ngầm chỉ trích hay công khai lên án, những người thân thương tưởng chừng có thể đồng hành suốt quãng đời, cũng sẽ ngậm ngùi trông chờ cái chết của họ.

Và điều khiến người ta nghẹn ngào nhất, chính là nỗi đau có thật, và sự mong đợi cũng là thật.

Dường như vận mệnh nói với bạn rằng chưa bao giờ tồn tại thứ tình yêu thanh khiết, chưa bao giờ hiện hữu lòng thù hận tận cùng, cũng chưa bao giờ có cái gọi là nhân sinh rõ ràng.

Nếu có, vậy nhất định cơn mưa ấy chưa đủ thảm khốc, sự đục ngầu vẫn bị che lấp bởi dòng nước tĩnh lặng mà thôi.
“Nó”, là một phạm trù vốn dĩ không tồn tại.
Người 32 – những kẻ đang bàng hoàng trước tận thế, vẫn chưa hay rằng tận thế thực sự thuộc về họ mãi còn chưa đến.
Trên đảo Đập Lượng Tử, nhóm “chiến binh lành nghề” đã tập hợp ở đây trong thời gian dài.

Họ cũng nhận được thông báo về sự tàn phá của Bức xạ chênh lệch Entropy, nhưng không giống với Người 32 khác, họ đã biết về nó sớm hơn, họ cũng biết với tư cách là Người 32, mình sẽ sống sót sau đợt “xoá sổ” này.

Đồng thời, họ cũng được cho biết hy vọng cuối cùng của nhân loại nằm ngay chính họ – mang về càng nhiều thông tin của Đập Lượng Tử, thì cơ hội cứu vớt thế giới càng cao.

Tâm lý của kẻ sống sót và ý thức sứ mệnh, khiến họ làm việc chăm chỉ và trách nhiệm hơn bao giờ hết.

Chẳng qua, chỉ cần chú ý, họ sẽ phát hiện toàn đảo đã tăng cường an ninh và gia tăng giám sát, họ hẳn nên hiểu, hành động của mình không phải cứu vớt nhân loại, mà là cứu lấy chính họ.

Đưa nhiều người hơn vào ngày 32 là cách duy nhất để Người 32 trở thành phe trọng yếu, thay vì kẻ được dán mác “hy sinh vì công lý”.
Châu Yến An đã biết được mối liên hệ đặc biệt giữa Người 32 và Bức xạ chênh lệch Entropy từ La Thái Vân, cũng nghe ra những gì mà chính phủ các nước đang âm thầm thực hiện.

Còn Dịch A Lam – chàng trai luôn thông minh nhạy cảm, vừa nghe Châu Yến An nói vài câu đã có thể hình dung ra tình huống tiến thoái lưỡng nan của Người 32.

Sự thật đó như con rắn hổ mang, tàn nhẫn cắn lấy cổ y.
Dịch A Lam nhìn Châu Yến An, “Em bỗng nhiên cảm thấy tất cả chúng ta chết cũng tốt, đỡ phải tranh đấu trong cái vẻ xấu xí này…” Nhưng rồi y lắc đầu nguầy nguậy.

Y nói không rõ mình đang cảm thấy thế nào, như thể một nỗi buồn không tên chỉ thoáng qua nơi tim mà đọng lại cơn đau nhói sâu đậm.

Dẫu sao thì, cũng rất bất lực.
Châu Yến An nghiêng người ôm y.
Dịch A Lam nghẹn ngào: “Em muốn đi gặp mẹ.


Bà ấy nhất định đang lo lắm.”
“Đi thôi, anh đưa em về.” Châu Yến An lấy chìa khoá xe.

Anh luôn quả cảm là vậy, như thể bóng tối tận thế không làm gì được anh.
Dịch A Lam theo sát Châu Yến An, nhìn anh đánh tay lái băng qua con đường ồn ào, băng qua đám đông nhốn nháo.

Cảnh sát vẫn đang hì hục duy trì trật tự; đám cháy và cột khói bốc lên khắp mọi nơi; và khóc, là cảm xúc duy nhất có thể được nghe và thấy ngay lúc này.

Nhưng Châu Yến An vẫn trầm tĩnh, khuôn mặt kiên nghị của anh nom như tác phẩm điêu khắc thời Trung cổ; mọi bi thảm đang trôi qua sau lưng anh, còn anh lại dường như vĩnh viễn bất biến với thời không.
Dịch A Lam nhìn anh thật sâu, thật kỹ.

Y cầm lòng không đặng, bật thốt: “Anh đang nghĩ gì vậy?”
“Anh không nghĩ gì cả.” Châu Yến An đáp.
“Trông anh bình tĩnh quá.”
“Thoạt đầu, anh cũng sốc không kém gì em.

Nhưng chẳng biết vì sao, anh đã bình tĩnh lại rất nhanh.” Châu Yến An nói.

“Có vẻ như khi điều tệ nhất xảy ra rồi, ta không cần phải lo lắng về những điều khác nữa.

À, có một điểm rất quan trọng.

Anh nghĩ dẫu có chuyện gì xảy ra, anh và em vẫn luôn bên nhau.

Ngày 32 không thể chia tách chúng mình, ngay cả cái chết cũng thế.”
Họ không cần đi qua thử thách, không cần phải đưa ra lựa chọn, không cần phải hy sinh cái tình đã thấm vào máu thịt, cũng không cần một người ở lại đau đớn vì một người đã chết.

Dù sinh hay tử, họ sẽ cùng nhau đối mặt.

Tình yêu của họ là sự tồn tại thanh khiết nhất.
Nước mắt trào ra, Dịch A Lam thực sự muốn hôn Châu Yến An.

Y muốn quên đi mọi thứ, chết cùng anh trong chiếc hôn này.
Xe chạy đến cổng bệnh viện, Dịch A Lam nhìn toà nhà tráng lệ trong tầm mắt đã nhoè đi.

Bất chợt, y thốt: “Về, về đi anh! Mình về trước đã! Em có chuyện muốn hỏi tổ trưởng La, họ có từng trao đổi hay liên hệ gì với giáo sư Ron không.”
“Không, không có!” Dịch A Lam tự hỏi tự trả lời.

Y vừa trở về từ hòn đảo của giáo sư Ron, y đương nhiên biết không có đại diện chính thức nào từ Hoa Quốc đến thăm ngài, tuồng như họ cho rằng một lão già mất ngôn ngữ chẳng phát huy được tác dụng gì.
Nhưng Dịch A Lam nhớ tới khoảnh khắc khi giáo sư Ron nắm cổ tay mình, hiện tại ngẫm lại, khuôn miệng mà khi ngài ú ớ chính là phát âm của “entropy”.

Nói đến ngày 32, ai trên cõi đời này hiểu tường tận hơn Reilly Ron? Bất kể ngày 32 đã xuất hiện bao lâu, bất kể ngài nằm trên giường bệnh từ khi nào, Reilly Ron vẫn là “cha đẻ” của ngày 32.
Ít nhất hãy hỏi giáo sư Ron trước khi quyết định có nên để con người tìm kiếm đường sống giữa thế giới đầy nghi ngờ, tàn nhẫn, cùng những cảm xúc tan vỡ và vết thương không bao giờ nguôi..


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.