Đọc truyện Ngang Qua Thế Giới Của Em – Chương 2: Tình Yêu Của Đầu Heo.
Tôi say khướt và chợt nhớ đến một ngày xa xưa, tôi bưng bát mỳ ăn liền đứng ngay trên ban công, vu vơ ngắm cảnh trường lớp chìm trong tuyết trắng. Đầu Heo cầm ô, nàng Thôi Mẫn dịu dàng nép bên nó. Họ nương vào nhau, cứ thế chầm chậm dạo bước qua tuổi thanh xuân.
Phòng ký túc xá sinh viên của tôi có bốn người, thằng nằm giường tầng trên tôi là Đầu Heo.
Mùa hè oi bức, ngột ngạt không làm sao ngủ được.
Bồn rửa tay trong ký túc xá rất dài và rộng. Đầu Heo nóng quá, không chịu nổi, nó mặc độc cái quần sịp, chạy ra bồn rửa tay, nằm dạng chân dạng tay trong bồn. Nó ngủ thiếp đi trong sự thỏa mãn sảng khoái vì mát mẻ.
Bọn sinh viên ký túc xá mang quần áo đi giặt, thấy nó ngủ say như chết, không nỡ đánh thức, lẳng lặng xả nước bên cạnh giặt giũ. Nước giặt quần áo suýt nhấn chìm thằng Đầu Heo nằm ngủ tít trong bồn.
Đầu Heo tỉnh giấc, ngẩn ngơ soi gương bảo:
– Ơ, sao mình sạch thế này nhỉ?
Đầu Heo muốn mua quạt điện xịn, nhưng không đủ tiền thế là nó nghĩ ra cách viết truyện ngắn gửi cho trang Vua truyện ngắn hòng kiếm chác nhuận bút.
Nó gửi bản thảo cho tôi đọc trong nỗi xúc động rưng rưng. Và sau khi đọc xong thì tim gan phèo phổi của tôi như muốn vỡ nát. Câu chuyện kể rằng: Khu ký túc xá nam quá ư bẩn thỉu, đến nỗi đám chuột sinh sống ở đó vào một ngày kia bỗng biến đổi gen và cắn chết một sinh viên.
Đầu Heo đề nghị tôi phát biểu cảm nghĩ. Tôi trầm ngâm giây lát, gật gù bảo:
– Cũng cho là được, cứ thử xem sao!
Kết quả bản thảo của nó bị từ chối.
Đầu Heo không cam lòng, nó quyết tâm viết lại. Nó sửa thành: Ký túc xá nam hôi hám, bẩn thỉu, đám chuột đột biến gen cắn chết một cán bộ kiểm tra vệ sinh.
Bản thảo lại bị trả về. Lần này, Đầu Heo thực sự nổi giận, nó thức trắng đêm sửa bản thảo, nội dung dài gấp đôi.
Lần này, câu chuyện của nó diễn ra như sau: Ký túc xá nam quá bẩn khiến đám chuột bị biến đổi gen và cắn một sinh viên. Sinh viên này sau khi tốt nghiệp thì trở thành biên tập viên của trang Vua truyện ngắn. Rõ ràng là một anh chàng độc thân còn zin, nhưng lại chết vì bệnh giang mai.
Lần này, bản thảo không bị trả về, biên tập viên trang Vua truyện ngắn gửi thư phúc đáp đàng hoàng. Nội dung thư chỉ có một câu: “Anh bạn, tao muốn đập chết mày!”
Đầu Heo từ bỏ giấc mộng kiếm tiền và lao vào chơi game. Nó bỏ ra ba mươi tệ mua bộ trò chơi điện tử ở chợ trời về và bắt đầu đánh Tam quốc chí 2.
Nó chơi thâu đêm suốt sáng đến lúc máy đơ thì đã có được sáu ông Quan Vũ và tám ông Tào Tháo.
Năm đó, khoảng một tháng trước kỳ nghỉ dài trong năm, bọn tôi gom tiền lại cũng chỉ còn mười tệ. Thế là cả bọn nhịn đói ba ngày liền. Hễ ngủ dậy là cả bọn vội vàng chạy vào nhà vệ sinh uống nước máy, sau đó leo lên giường nằm im không nhúc nhích, tranh thủ ngủ thiếp đi.
Đến ngày thứ tư thì cả bọn đói phát khóc.
Được sự động viên của các bạn bên ký tuc xá nữ, lớp trưởng mạnh dạn xách một túi vải đựng đầy đồ ăn vặt đến cho chúng tôi, hy vọng chúng tôi có thể sống tiếp. Lúc ấy, chúng tôi nhìn cái túi vải mà hai bàn tay run run, nhặt miếng quẩy thừng bỏ vào miệng mà nước mắt như mưa.
Túi kẹo quẩy thừng chỉ giúp chúng tôi sống sót được ba ngày, sau đó cả bọn tiếp tục lâm vào cảnh đói khổ. Tôi vẫn nhớ như in, nửa đêm thằng Đầu Heo nhảy xuống đất. Ba thằng còn lại trợn tròn mắt nhìn nó, hỏi:
– Đi đâu đấy?
Nó đáp:
– Tao không quan tâm, tao muốn ăn gì đó.
Tôi hỏi:
– Mày có tiền à?
Đầu Heo lau nước mắt, hùng dũng bước ra cửa, quay đầu lại hét lên:
Tao không có tiền nhưng tao mặc kệ, tao phải ăn gì đó.
Ba thằng tôi tức ói máu, chửi nó không tiếc lời vàng ngọc. Ra đến cửa, thằng Đầu Heo không biết nghĩ ngợi thế nào, lại quay lại, leo lên giường mếu máo;
– Muốn ăn cũng bị chửi, thôi tao chả ăn nữa.
Sáng sớm hôm sau, thằng Đầu Heo mất tích. Tôi đói đến hoa mắt, chóng mặt. Bỗng ai đó đẩy một bát canh nóng hổi đến trước mặt tôi. Tôi ngẩng đầu lên, là thằng Đầu Heo. Nó nhoẻn miệng cười, bảo:
– Bọn mình ngu thật, nhà ăn miễn phí nước canh, uống thoải mái không mất tiền mà.
Phòng ký túc xá của tôi ngập trong nước mắt.
Đầu Heo lẩm bẩm:
– Giá có than hoa mà nướng hàu ăn thì ngon bá cháy, bỏ thêm ít tỏi vào nữa, nước hàu lèo xèo thơm phưng phức.
Rồi cũng đến cái ngày Đầu Heo biết yêu. Nó đem lòng yêu mến một đàn chị khác khoa.
Đầu Heo đứng chờ đàn chị ở buồng cấp nước sôi.
Nhưng nó không dám ngỏ lời. Đàn chị xếp phích nước cạnh bờ tường, vừa đi khỏi thằng Đầu Heo liền trộm phích nước của đàn chị đem về phòng ký túc xá. Trong vòng một tháng, nó “chôm” của đàn chị mười chín cái phích nước.
Chúng tôi lấy làm khó hiểu, nhưng đứa nào đứa nấy bấm bụng hoan hỷ, nỗi niềm hưng phấn trào dâng, thế là chúng tôi có thể đi bán phích nước được rồi!
Một đêm nọ, Đầu Heo nói:
– Thực ra, tao đang bày tỏ tình cảm một cách tế nhị.
Tôi thất kinh hỏi:
– Đề nghị nói rõ hơn!
Tao định chôm đủ 520 (*) phích nước của nàng, như thế nàng sẽ biết tao yêu nàng
Cả bọn không ai nói với ai câu gì, nhưng trong lòng đều thầm nghĩ: “Mẹ cha thằng khùng!”
Hồi đó cứ đến tối là lại có người cởi trần, mặc độc cái quần sịp đứng ngoài cửa phòng ký túc xá nam nấu cháo điện thoại với người yêu. Bọn họ ngả ngốn, cười ha ha vui vẻ, rồi lại thầm thì nhỏ to.
Thẻ điện thoại IP (**) xếp thành chồng cao ngất ngưởng trong ngăn bàn.
(*): Trong phiên âm tiếng Trung gần với “tôi yêu em”
(**): IP viết tắt của Internet Protocol, thẻ điện thoại IP về cơ bản giống với thẻ điện thoại thông thường nhưng nó có thể dễ dàng thông qua mạng internet kết nối với PC, PC với điện thoại, điện thoại với điện thoại…
Đầu Heo lấy làm phẫn nộ, vì nó không có ai để nấu cháo điện thoại. Nó quyết định gọi cho đàn chị, đàn chị tên Thôi Mẫn.
Bạn cùng phòng của Thôi Mẫn nghe điện thoại, bảo cô ấy đã chuyển phòng.
Đầu Heo ngơ ngẩn suốt đêm.
Hôm sau, đám sinh viên chen chân vây kín bảng tin trước nhà ăn, thấy Đầu Heo ở đó, tôi cũng cố len vào xem sao.
Bảng tin dán thông báo cảnh cáo: Thôi Mẫn, sinh viên khoa X năm Y ăn cắp 2.000 nhân dân tệ của bạn cùng phòng, thông báo này có tính cảnh cáo, răn đe. Thôi Mẫn đã được giao cho cảnh sát xử lý.
Đám sinh viên bàn tán xôn xao, ai nấy đều xuýt xoa: “Quả nhiên không thể xem mặt mà bắt hình dong.”
Tôi kéo Đầu Heo rút khỏi đám đông, thấy tay nó siết chặt thành nắm đấm, mắt nó ngấn nước.
Tuy không biết nó khóc vì điều gì, nhưng tôi hiểu là nó đang rất buồn. Đầu Heo ngoảnh lại nhìn tôi chằm chằm:
Chắc chắn Thôi Mẫn bị oan, cậu có tin không?
Tối hôm đó, Đầu Heo phá lệ ra sân vận động chạy bộ. Tôi đứng một chỗ nhìn nó chạy như một gã khùng, một vòng, hai vòng rồi ba vòng, đến khi mệt quá nó nằm lăn trên thảm cỏ.
Lâu sau, nó lồm cồm bò dậy, rồi chạy như bay đến khu ký túc xá nữ, tôi theo không kịp.
Sau đó, Đầu Heo trốn học liên miên, nó hùng hục đi làm gia sư.
Sau đó, nó xuất hiện cùng đàn chị Thôi Mẫn vào các buổi tối tự học, trong ánh mắt ngỡ ngàng, kinh ngạc của mọi người.
Mùa đông, trời đổ tuyết lớn, Đầu Heo cầm ô, Thôi Mẫn dịu dàng nép mình bên Đầu Heo.
Mấy năm trước tôi có dịp trở lại trường, quay lại khu ký túc xá ấy. Tôi cất bước trên hành lang và chợt có cảm giác chỉ cần đẩy cánh cửa phòng 308 sẽ thấy bốn tên con trai ngồi chồm hỗm, châu đầu quanh một chậu rửa mặt úp cả mấy gói mỳ tôm mà chúng tôi dồn tiền mua chung. Cả bọn ì xèo bàn tán.
Chúng tôi thức trắng đêm ở quán net, lúc thì ngủ gà ngủ vịt, lúc thì cười như điên dại. Chúng tôi uống rượu Nhị Oa Đầu ở nhà ăn, mắt đỏ tròng trọc, nghẹn ngào dặn dò bạn mình hãy bảo trọng. Chúng tôi rảo bước đến thư viện, nô đùa trên bãi cỏ, uống rượu bên hồ nước, mượn thẻ IP của nhau và gọi điện đường dài. Chúng tôi im lặng khi bạn mình khóc và vắt óc tìm cách chuyển chủ đề.
Rồi tôi nhớ lại hình ảnh Đầu Heo chạy điên cuồng trên sân vận động năm xưa. Trong đêm khuya, ánh sáng của muôn ngàn vì tinh tú rọi trên gương mặt gã trai trẻ, gã chạy miết, mặc cho sức cùng lực kiệt, như thể, nếu cố gắng sẽ đuổi kịp cô gái gã yêu.
Chúng tôi đọc vang bức thư tình vừa viết xong, cẩn thận sửa lại từng câu, từng chữ, cẩn trọng hơn bất cứ hội nghị, hội thảo nào mà chúng tôi tham dự sau khi tốt nghiệp và đi làm chính thức. Như thể, cứ thế sẽ được đứng giữa vườn hoa ngày xuân không bao giờ tàn lụi. Chúng tôi không có bí mật, không có phiền muộn, chúng tôi giống bài thơ trác tuyệt, không cần gọt giũa, mà vần điệu cứ tự nhiên tuôn trào dào dạt, khắc cốt ghi âm, lấp lánh rực rỡ mãi mãi trong miền ký ức thăm thẳm.
Chúng tôi tụ hội ở Nam Kinh trước ngày Đầu Heo kết hôn. Không còn phải lăn tăn mất bao nhiêu tiền cho một bữa ăn, chúng tôi chỉ ôn lại chuyện xưa mà chẳng thèm nhắc đến chuyện nay. Bởi vì chúng tôi vẫn đang đắm mình trong bài thơ trác tuyệt ấy, bài thơ đã bị mười năm thời gian vùi chôn nhưng chúng tôi vẫn thấy nó.
Nhắc lại những tháng ngày đói khổ của đời sinh viên, chúng tôi ôm bụng cười ngất.
Đầu Heo đạp bàn gọi nhân viên phục vụ nhà hàng, bảo nướng chục con hàu, cho thật nhiều tỏi, mang ngay lên đây.
Rồi nó hứng chí nâng cốc và bảo:
– Tôi sắp kết hôn, mọi người cùng cạn nào.
Bà xã của Đầu Heo chính là Thôi Mẫn.
Đầu Heo say rượu, nằm bò ra bàn, thì thào:
– Trương Gia Giai, Thôi Mẫn không ăn trộm tiền.
Tôi gật đầu, tôi tin.
Đầu Heo bảo:
– Hồi đó, tất cả mọi người đều không tin cô ấy, nhưng tôi tin vì thế cô ấy cũng tin tôi.
Tự dưng khóe mắt cay cay, tôi gật đầu chắc nịch.
Đầu Heo bảo:
– Ngày đó, tôi chăm chỉ đi làm gia sư là vì muốn gom đủ tiền trả cho cô bạn bị mất trộm. Nhưng đến khi tôi kiếm được đủ tiền thì cô bạn kia đã chuyển trường.
Đầu Heo bảo:
– Trời mưa thì đường sẽ trơn ướt và lầy lội, ai cũng phải giẫm lên đám lầy lội ấy. Nhưng tôi có cái thân này, tôi bằng lòng lao động hết mình để kiếm tiền, vì tôi không muốn cô ấy phải chịu tổn thương bởi bất cứ khổ nạn và gian khó nào trên đời. Giọng Đầu Heo quyết liệt. Khi ấy tôi đã nghĩ như vậy, từ nay về sau tôi cũng sẽ làm như vậy.
Tôi say khướt và chợt nhớ đến một ngày xa xưa, tôi bê bát mỳ ăn liền đứng trên ban công, vu vơ ngắm cảnh trường lớp chìm trong tuyết trắng. Đầu Heo cầm ô, nàng Thôi Mẫn dịu dàng nép bên mình nó. Họ nương tựa vào nhau cùng dạo bước qua tuổi thanh xuân.
Mười năm trôi qua, tôi đã say biết bao cuộc, người bên cạnh đã đổi bao lần, thức ăn trên bàn đã đổi bao món, cốc đã thay bao lượt rượu.
Chúng tôi đã kiêu hãnh biết bao, lãng mạn biết bao, vô tư biết bao.
Đó là tuổi trẻ rực rỡ muôn vàn của chúng tôi.
Nếu có thể, hãy cho tôi được gói lại và đem về số hàu nướng còn thừa kia, dẫu phải đi bất cứ nơi đâu.