Ngân Hồ

Chương 11: Yến tử hàm nê - trúc tân gia (hạ)


Đọc truyện Ngân Hồ – Chương 11: Yến tử hàm nê – trúc tân gia (hạ)

Tiểu hồ ly bộ dạng tủi thân, bám lên lỗ khóa cửa không ngừng kêu rin rít. Chỉ có điều, Vương Nhu Hoa chỉ thoáng liếc nó rồi bế con trai vào bồn tắm. Bẻ một miếng bánh đặt ở miệng lỗ. Về phần nước, bên trong có.

Lúc này, mặt trời đã mọc. Tiết tháng năm, khi mặt trời đã thoát khỏi sự trói buộc của mây đen thì chẳng còn ngại ngần gì nữa mà thỏa sức tỏa ra nhiệt lượng của mình. Chỉ chốc lát, hơi nước trong thành Đông Kinh đã bốc lên ngùn ngụt. Ai cũng uể oải, toàn thân giống như đang ở trong lồng hấp.

Hoàng Thành nằm ở địa thế cao, xem như khô thoáng. Gió thổi từ Tướng Quốc Tự sang mang theo dư âm của tiếng chuông buổi sáng, đó là các hòa thượng đang cầu siêu cho vong hồn những người đã chết, hy vọng tiếng chuông vang xa này có thể đưa họ về miền cực lạc.


Vương Nhu Hoa quỳ trên mặt đất, thành kính chắp tay trước ngực. Nàng chân thành cầu nguyện cho Thất ca, mong kiếp sau chàng không khổ cực như vậy nữa. Rồi nàng lại cầu cho Nguyên nhi lớn lên bình an, không bệnh không đau. Gậy tre một đầu cắm xuống đất, một đầu móc vào tấm vải dầu làm thành một cái lều đơn giản, đây chính là chỗ ở của mẹ con nàng. Vương Nhu Hoa rất hài lòng với hoàn cảnh này. Cũng bởi vì hôm qua nàng thấy những người bị bán như nô lệ, nên nàng cảm thấy cuộc sống bây giờ của mình ít ra cũng không tồi. Nếu như có thể tìm được tộc nhân thì càng tốt hơn nữa, dù sao Lục công học vấn cao, nhất định có thể dạy cho Nguyên nhi…

Cuộc sống cứ thế trôi qua từng ngày. Mỗi ngày Vương Nhu Hoa lại mang về một ít vật liệu xây dựng, cho nên từ một cái lều đơn sơ bây giờ chỗ ở của nàng đã có nóc nhà, hai vách tường hai bên cũng đang dần dần hình thành. Đây là do Vương Nhu Hoa tìm được đống rơm rạ và bùn đất tốt về trét lên. Nếu không thì nàng cũng không thế xây một gian phòng giữa trời như vậy, một gian phòng có thể giúp mẹ con nàng sống qua mùa đông rét mướt.

Thành Đông Kinh mùa hè thì nóng bức vô cùng, mùa đông lại băng tuyết đầy trời. Bởi vì ở cạnh hoàng thành nên không có một thợ xây nào dám đến giúp đỡ Thiết gia xây dựng phòng ốc. Vương Nhu Hoa biết điều này, bất quá nàng càng coi trọng an toàn của mình và con hơn. Dù gì cả hai mẹ con nàng cũng không có cha và tộc nhân che chở, sống sót giữa Đại Tống to lớn này rất khó khăn.

Trong thành nhiều nhất vẫn là người chết, thuyền bè trên sông vận chuyển xác chết ra ngoài nối liền không dứt. Nghe nói trong thành đã xuất hiện bệnh dịch rồi… Người chết thì hết, người sống lại phải chờ thu sang đông đến, chỉ có qua hết mùa đông giá rét, ông trời mới ngừng thu người, những người còn lại mới có thể an toàn sống tiếp. Người có tiền khi thấy hồng thủy lui đi liền lục tục rời khỏi Đông Kinh. Bọn họ biết rõ bệnh dịch hơn người nghèo khó.

Vương Nhu Hoa cắn răng chịu đựng. Trước khi xây nhà xong, nàng cũng không vội tìm kiếm tung tích tộc nhân của mình. Bất quá nàng cũng đã bỏ ra năm trăm văn tiền, đổi hộ tịch của mình và con trai từ vùng lân cận Đông Kinh thành ngay trong chân hoàng thành. Kể từ đó thì mẹ con nàng chính thức trở thành người kinh thành rồi. Lúc đó nàng cũng có thể nhận được một phần tiền, củi và lương thực trợ cấp lúc đông đến. Tuy hằng năm chỉ có ba mươi văn tiền nhưng mẹ con nàng có thể ở cả đời trong thành Đông Kinh. Năm trăm văn tiền không phí chút nào!

Thật ra thì Vương Nhu Hoa còn tính toán xa hơn, nàng muốn cho con mình đi học chữ. Trường học ở trong thành chính là trường học tốt nhất Đại Tống, việc này không thể nghi ngờ. Hết thảy mọi chuyện đều tốt, chỉ có một phiền toái duy nhất chính là Nguyên nhi không chịu ăn cơm. Trừ sữa mẹ ra nó không chịu ăn gì khác, bất kể là quế hoa cao thơm phức hay là cháo gạo rang vàng óng. Điều này khiến nàng rất lo lắng, nếu không chịu ăn cơm thì Nguyên nhi làm sao trở thành một nam tử hán được chứ?


May mà Nguyên nhi cực kì hiểu chuyện, mỗi ngày nó chỉ cần ăn no thì không khóc không quấy phá gì. Có một lần nó ngã đập trán xuống đất nhưng cũng chỉ mếu máo, vươn tay đòi mình ẵm. Đây cũng xem như trời cao có mắt, thương tình nó không có phụ thân che chở nên để cho nó sớm tinh khôn…

– Nguyên nhi, không được cho hồ ly ăn quế hoa cao!

Mắt thấy nhi tử sắp đút một cái quế hoa cao cho hồ ly, Vương Nhu Hoa vội vàng đi tới muốn giật lại nhưng đã muộn, nàng chỉ giựt được miếng cao khi nó đã nằm trong miệng cáo. Vương Nhu Hoa thở dài, lại nhét cái bánh vào miệng con hồ ly đang kêu to đầy uất ức dưới chân.


Thiết Tâm Nguyên lại vừa vọc tay vào thùng nước, Vương Nhu Hoa lập tức kéo tay hắn ra ngoài. Đứa nhỏ này thích nhất là vọc nước, có nhiều lúc nó còn làm lật thùng nước, cho dù ngã xuống cũng cười sắng sặc. Bây giờ nó đã có thể bò, thậm chí còn có thể vịn vài thứ để đứng lên. Vương Nhu Hoa nhìn nước trong thùng bị bùn đất làm dơ, lại nhớ tới con mình hình như chưa bao giờ vọc phải nước nóng. Nhiều lúc nàng muốn dạy cho nó một bài học nho nhỏ, cố ý để chậu nước hơi nóng một bên, chuẩn bị đợi con mình mò lên sẽ nhỏ vài giọt nước lên tay nó cho nó chừa tật hư thích vọc nước. Ai ngờ đứa nhỏ này thấy hơi nước nóng bốc lên liền không đụng tới, cho dù nàng để thùng nước nóng trước mặt nó nó cũng không thèm sờ vào một chút.

Vương Nhu Hoa chợt nhìn con mình, nói:
– Con ơi, chẳng lẽ ý con muốn nói nước này không sạch?

Thiết Tâm Nguyên chỉ cười hề hề, giơ hai bàn tay ước nhẹp chà chà lên mặt mẹ mình, đầu thì úp vào bộ ngực nàng đùa giỡn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.