Đọc truyện Nếu Em Ở Lại (If I Stay) – Chương 4
[4] 10:12 A.M
Khi chiếc xe cấp cứu chở tôi đến bệnh viện gần nhất, không phải bệnh viện trực thuộc thành phố của tôi mà là một tòa nhà địa phương nhỏ trông giống một ngôi nhà cũ hơn một trung tâm y tế, các bác sĩ đẩy tôi vào. “Tôi nghĩ chúng ta có một ca xẹp phổi. Đặt ống ngực và chuyển cô bé đi!” Cô bác sĩ tóc đỏ tốt bụng gào lên khi giao tôi cho một nhóm y bác sĩ.
“Những người còn lại đâu?” Một người đàn ông để ria ngắn hỏi.
“Người lái xe kia bị chấn động nhẹ, đang được điều trị tại chỗ. Bố mẹ DOA. Cậu bé khoảng bảy tuổi đang đến sau chúng tôi.”
Tôi thở phào, như thể tôi đã ghìm hơi thở của mình suốt hai mươi phút vừa qua. Sau khi nhìn thấy chính mình nằm trên rãnh, tôi không thể tìm Teddy. Nếu nó giống như bố và mẹ, giống như tôi, tôi… tôi thậm chí còn không muốn nghĩ về chuyện đó. Nhưng nó không như vậy. Nó vẫn còn sống.
Họ đưa tôi vào một căn phòng nhỏ với ánh sáng chói. Một bác sĩ chấm thứ gì đó màu cam vào một bên ngực tôi rồi cắm một ống nhựa vào người tôi. Một bác sĩ khác rọi đèn pin soi mắt tôi. “Không có phản ứng,“ anh ta nói với y tá. “Máy bay đến rồi. Đưa cô bé đến Trauma. Ngay lập tức!”
Họ đưa tôi ra khỏi phòng cấp cứu rồi đẩy vào một cái thang máy. Tôi phải chạy vội để đuổi kịp. Ngay trước khi cánh cửa khép lại, tôi phát hiện cô Willow đang ở đây, một điều kỳ lạ. Chúng tôi định đến nhà thăm cô ấy, chú Henry cùng em bé. Cô ấy được gọi đến viện vì trận tuyết? Vì chúng tôi? Cô ấy hối hả bước đi trên hành lang bệnh viện, gương mặt rất tập trung. Tôi không nghĩ cô ấy biết người gặp nạn là chúng tôi. Có lẽ cô ấy đã cố gọi điện, gửi lời nhắn vào điện thoại của mẹ, xin lỗi vì có ca cấp cứu và cô ấy không thể ở nhà đón chúng tôi sang chơi.
Thang máy mở lên tầng thượng. Một chiếc trực thăng với cánh quạt đang quay trong không khí nằm ở giữa vòng tròn màu đỏ.
Trước đây tôi chưa từng ngồi trong một cái trực thăng. Cô bạn thân nhất của tôi, Kim, thì rồi. Cô ấy có một chuyến bay qua núi St. Helens với người bác, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng của đài National Geographic.
“Bác tớ ngồi đó, nói chuyện về thực vật mọc trên tàn núi lửa, còn tớ thì nôn ngay vào người bác ấy,“ Kim kể với tôi trong phòng riêng vào ngày hôm sau. Cô ấy trông vẫn xanh xao sau cuộc trải nghiệm.
Kim đang làm cuốn kỷ yếu và hy vọng sẽ trở thành một nhiếp ảnh gia. Bác của cô ấy dẫn cô ấy theo chuyến đi như một phương pháp bồi dưỡng tài năng đang chớm nở của cô ấy. “Mình thậm chí đã chụp được vài kiểu bằng máy ảnh của bác mình,“ Kim than thở. “Giờ thì mình sẽ không bao giờ trở thành một nhiếp ảnh gia được.”
“Có nhiều kiểu nhiếp ảnh gia khác nhau mà,“ tôi bảo cô ấy. “Cậu không cần thiết phải bay trên một cái trực thăng.”
Kim bật cười. “Tuyệt đấy. Bởi vì mình sẽ không bao giờ leo lên trực thăng một lần nào nữa – cả cậu cũng vậy!”
Tôi muốn bảo Kim rằng có những lúc chúng ta không có quyền lựa chọn.
Cửa sập của trực thăng đang mở, cái cáng của tôi cùng với tất cả đống dây rợ và ống truyền được đẩy vào trong. Tôi trèo lên theo. Một bác sĩ khác bước ngay sau tôi, vẫn đang bơm khí vào cái túi nhựa con hiện đang hô hấp giùm tôi. Khi máy bay cất cánh, tôi hiểu vì sao Kim lại buồn nôn rồi. Một cái máy bay trực thăng không giống một cái máy bay thường, bay êm và nhanh như một viên đạn. Trực thăng giống quả bóng băng trong trò khúc côn cầu hơn, bắn thẳng lên bầu trời. Lên rồi xuống, trái rồi phải. Tôi chẳng hiểu vì sao mọi người còn có thể điều trị cho tôi, có thể thể đọc số liệu trên cái màn hình bé tí, có thể lái cái trực thăng này trong khi đang trao đổi về tôi qua ống nghe điện đài, sao họ có thể làm được bất kỳ điều gì trong số đó với cái máy bay cứ lắc lư thế này chứ.Chiếc trực thăng bay vào vùng không khí loãng, đáng ra nó phải khiến tôi buồn nôn. Nhưng tôi chẳng cảm thấy gì cả, ít nhất là bản thể của tôi đang đứng đây không cảm thấy gì. Cơ thể nằm trên cáng cũng không có vẻ bị ảnh hưởng. Một lần nữa, tôi lại tự hỏi mình đã chết hay chưa, nhưng rồi tôi tự trả lời là chưa. Họ sẽ không đưa tôi lên trực thăng, không chở tôi ngang qua một khu rừng rậm nếu tôi đã chết.
Với lại, nếu tôi đã chết, tôi nghĩ lúc này mẹ và bố đã ở bên cạnh tôi rồi.
Tôi có thể nhìn thấy đồng hồ trên bảng điều khiển, đã 10:37. Không hiểu chuyện gì đang diễn ra dưới mặt đất. Liệu cô Willow đã phát hiện ra ai đang ở trong tình trạng khẩn cấp chưa? Đã có ai gọi cho ông bà tôi chưa? Họ sống ở một thành phố phía trên chúng tôi, tôi đã mong đến bữa tối với họ. Ông Gramps câu cá và hun khói miếng cá hồi vừa câu được với sườn gà, chúng tôi sẽ ăn chúng cùng ổ bánh mì bia nâu đặc bà Gran tự làm. Rồi bà Gran đưa Teddy đến kho tái sử dụng khổng lồ trong vùng, để nó bơi giữa đống tạp chí. Dạo gần đây, thằng bé mê mẩn Readers Digest. Nó thích cắt những tấm hình hoạt hình ra khỏi báo và ghép tranh.
Tôi nghĩ về Kim. Hôm nay được nghỉ, và rõ là mai tôi không có mặt ở trường. Hẳn cô ấy sẽ đinh ninh tôi nghỉ học vì tối muộn hôm trước đi nghe Adam và Shooting Star diễn ở Portland.
Portland. Tôi khá ngờ rằng mình đang được đưa đến đó. Viên phi công của trực thăng đang nói chuyện với Trauma One.Ngoài cửa sổ, tôi có thể thấp thoáng thấy đỉnh của núi Hood. Điều đó có nghĩa Portland đang ở rất gần.
Adam đã đến đây chưa? Hôm qua anh hát ở Seattle, nhưng anh luôn tràn đầy adrenaline sau một buổi diễn, lái xe sẽ giúp anh bình tĩnh hơn. Cả ban nhạc thường vui vẻ để anh là người lái khi họ còn đang chợp mắt. Nếu anh đã ở Portland rồi, chắc anh vẫn đang ngủ. Khi tỉnh dậy liệu anh có đến Hawthorne uống cà phê không? Hay có lẽ mang một quyển sách đến Vườn Nhật Bản? Đó là chuyện chúng tôi đã làm vào lần trước khi tôi đến Portland cùng anh, chỉ là lúc đó thời tiết ấm hơn. Chiều tối nay, tôi biết cả ban nhạc sẽ có một buổi kiểm tra âm thanh, rồi Adam sẽ ra ngoài chờ tôi đến. Lúc đầu, anh sẽ nghĩ tôi đến muộn. Làm sao anh biết được thực ra tôi đã đến sớm chứ? Rằng tôi đến Portland từ buổi sáng khi tuyết vẫn còn đang tan?
***
“Em đã bao giờ nghe nói đến cái gã Yo-Yo Ma chưa?” Adam hỏi tôi. Đó là học kỳ mùa xuân năm hai của tôi và là năm cuối của anh. Khi ấy, Adam đã quan sát tôi luyện tập trong phòng nhạc mấy tháng rồi. Trường của chúng tôi là trường công, nhưng là một trong những trường tiến bộ luôn được đề cập tới trong tạp chí quốc gia vì sự chú trọng vào nghệ thuật. Chúng tôi có rất nhiều tiết học trống để vẽ trong phòng tranh hay luyện tập âm nhạc. Tôi dành các tiết đó trong gian phòng cách âm ở phòng nhạc. Adam cũng ở đấy thường xuyên, chơi ghita. Không phải loại ghita điện anh chơi trong ban nhạc, chỉ là những giai điệu acoustic thôi.
Tôi đảo mắt. “Ai cũng từng nghe nói đến Yo-Yo Ma.”
Adam cười toe toét. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra nụ cười của anh không cân xứng, miệng anh nhếch về một bên. Anh chỉa ngón cái ra bên ngoài. “Anh không nghĩ em có thể tìm thấy năm người ngoài đó từng nghe cái tên Yo-Yo Ma. Nhân thể, tên gì kỳ cục vậy? Là tên Do Thái à? Yo Mama?””Nó là tên tiếng Trung.”
Adam lắc đầu và cười phá lên. “Anh biết khá nhiều người Trung Quốc. Tên họ sẽ kiểu như Wei Chin, hay là Lee gì đó. Không phải Yo-Yo Ma.”
“Anh không thể báng bổ một nghệ sĩ bậc thầy như nhế,“ tôi nói. Nhưng sau đó tôi cũng cười rũ ra. Phải mất mấy tháng tôi mới tin được rằng Adam không hề trêu chọc tôi, và sau đó chúng tôi bắt đầu có những cuộc đối thoại ngắn trên hàng lang.
Tuy nhiên, sự quan tâm của anh vẫn khiến tôi bối rối. Không phải vì Adam là một chàng trai cực kỳ nổi tiếng. Anh không phải một gã thể thao bảnh bao hay kiểu thanh-niên-nghiêm-túc. Nhưng anh rất ngầu. Ngầu khi anh chơi trong ban nhạc với những người đã vào cao đẳng trong thành phố. Ngầu khi anh có phong cách ăn mặc rock của riêng mình, kiếm được từ những cửa hàng tiết kiệm và giảm giá, không phải từ những chi nhánh nhan nhản của Urban Outfitters. Ngầu khi anh trông hoàn toàn hạnh phúc ngồi trong nhà ăn, miệt mài đọc một quyển sách, không phải giả vờ đọc vì không biết ngồi đâu hay không có ai ngồi cùng. Đó chưa phải tất cả. Anh có một nhóm bạn nhỏ và một đám đông người hâm mộ.
Cũng chẳng phải vì tôi là một đứa ngốc. Tôi có bạn bè và một người bạn thân nhất để ngồi cùng giờ ăn trưa. Tôi có những người bạn tốt khác ở hội trại âm nhạc mà tôi tham gia vào mùa hè. Mọi người yêu quý tôi, nhưng họ không hoàn toàn hiểu tôi. Tôi yên lặng trong lớp, không giơ tay phát biểu nhiều hay hỗn xược với giáo viên. Tôi bận rộn, phần lớn thời gian của tôi dành để luyện tập hay chơi nhạc trong tứ tấu đàn dây, hoặc tham gia lớp lý thuyết ở học viện cộng đồng. Bọn trẻ đối xử rất tốt với tôi, nhưng lại có khuynh hướng coi tôi như một người lớn, một giáo viên. Mà người ta không tán tỉnh giáo viên của mình.
“Em sẽ nói sao nếu anh bảo anh có hai vé của ngài nghệ sĩ bậc thầy?” Adam hỏi tôi, mắt anh lấp láy.
“Thôi đi, anh không có,“ tôi nói, đẩy anh ra mạnh hơn một chút so với dự định.
Adam giả vờ ngã dựa vào bức tường kính. Sau đó ngồi phịch xuống. “Anh có mà, quảng trường Schinizle ở Portland.”
“Là nhà hát Arlene Schintzer, một phần của Symphony.”
“Chính là chỗ đó. Anh có vé, một cặp, em có thích không?”
“Anh nói thật đấy à? Có! Em muốn đi chết được nhưng chúng những tám mươi đôla một vé. Hượm đã, sao anh lại có vé?”
“Một người bạn của gia đình tặng nó cho bố mẹ anh, nhưng họ không đi được. Không có gì to tát cả,“ Adam nói nhanh. “Dù sao, đó là buổi tối thứ sáu. Nếu em thích, anh sẽ đón em lúc năm rưỡi và mình sẽ đến Portland cùng nhau.”
“Được,“ tôi đáp, như thể đó là điều tự nhiên nhất trên đời.
Dù thế, đến chiều thứ sáu, tôi còn nôn nao hơn cả khi lỡ uống phải một bình cà phê đặc sánh của bố hồi đang ôn thi cuối kỳ hồi mùa đông năm ngoái.
Tôi không căng thẳng vì Adam, tôi đã dần cảm thấy thoải mái khi ở bên anh rồi. Chỉ là tôi không chắc chắn điều này nghĩa là gì, thật sự ấy? Một buổi hẹn hò? Thiện ý của bạn bè? Hành động hào phóng? Tôi chẳng thích việc phải đứng trên một mặt đất bập bềnh gì hơn việc dò dẫm từng bước qua một biến đổi mới. Đó là lý do tôi chăm chỉ rèn luyện, để có thể chạy trên mặt đất vững chãi và từ đó tìm ra giải pháp toàn diện.Tôi đổi quần áo đến sáu lần. Teddy, lúc ấy vẫn còn là một thằng nhóc mẫu giáo, đứng bên cạnh giường tôi, lấy mấy quyển truyện Calvin và Hobbles xuống khỏi giá và vờ như đọc chúng. Nó đóng kịch hơi quá rồi, dù tôi không chắc liệu sự khôi hài của Calvin hay của tôi đã khiến nó ngốc thế.
Mẹ ngó đầu vào để xem sự tiến triển của tôi.
“Chỉ là một chàng trai thôi mà, Mia,“ bà nói khi thấy tôi tiếp tục lựa đồ.
“Vâng, nhưng anh ấy là chàng trai đầu tiên con đi chơi cùng trong một dịp có-lẽ-là-hẹn-hò,“ tôi đáp. “Thế nên con không biết phải mặc đồ hẹn hò hay quần áo dự hòa nhạc nữa – mà những người ở đây có mặc đồ đó không nhỉ? Hay con cứ mặc đồ bình thường, nhỡ đâu nó không phải một buổi hẹn hò?”
“Cứ mặc đồ gì con cảm thấy hợp,“ bà gợi ý. “Kiểu con đang mặc chẳng hạn.”
Tôi dám chắc mẹ sẽ cần chẳng dành ra chút nỗ lực nào nếu là tôi. Trong bức ảnh của mẹ và bố hồi xưa, bà trông như sự giao thoa giữa cô ca sĩ thập niên 30 và người đẹp xe máy bốc lửa, với mái tóc tém, viền mắt màu khói tô điểm cho cặp mắt xanh dương to tròn, cái dáng mình dây mảnh khảnh ngồi lom khom vận bộ cánh quyến rũ, cooc-sê ren cổ điển đi kèm với quần da ống bó.
Tôi thở dài. Ước gì mình cũng can đảm thế. Rốt cuộc, tôi chọn một cái váy đen dài và áo khoác ngắn tay màu hạt dẻ. Đơn giản và mộc mạc. Dấu ấn của tôi, chắc thế.
Khi Adam xuất hiện với bộ com lê vải bóng và đôi giày Creepers (bộ cánh gây ấn tượng tuyệt đối với bố), tôi nhận ra đây thật sự là một buổi hẹn hò. Đương nhiên, cách Adam chọn kiểu ăn mặc đi dự hòa nhạc và bộ com lê vải bóng của thập niên 60 có thể chỉ là phong cách trang trọng của anh, nhưng tôi biết còn điều gì đó khác. Anh trông có vẻ căng thẳng khi bắt tay với bố tôi và nói rằng mình có đĩa CD của ban nhạc cũ của ông. “Để gác chân.” Tôi mong thế, còn bố thì nói ra miệng. Adam trông ngạc nhiên, chắc anh không quen với việc cha mẹ còn dí dỏm hơn cả con cái, tôi đoán vậy.
“Hai đứa đừng có rồ lên đấy nhé, buổi diễn Yo-Yo Ma trước đã có mấy vụ thương nặng vì địa-ngục-bạo-lực rồi,“ mẹ tôi gọi với ra khi chúng tôi bước xuống thềm cỏ trước nhà.
“Bố mẹ em tuyệt thật đấy,“ Adam bảo, mở cửa xe cho tôi. “Em biết,“ tôi đáp.
Trên đường đến Portland, chúng tôi có những cuộc trò chuyện nhỏ. Adam bật vài bài hát của nhóm nhạc anh thích, đầu tiên là tam ca nhạc pop của Thụy Điển nghe có vẻ đơn điệu, sau đó là một ban nhạc Iceland khá được. Chúng tôi bị lạc ở khu trung tâm một lúc và chỉ đến nhà hát vài phút trước khi mở màn.
Ghế của chúng tôi ở trên ban công, tầng “chảy máu cam“. Nhưng bạn không đến Yo-Yo Ma để nhìn, mà âm thanh thì thật tuyệt vời. Người đàn ông đó có cách khiến cello bật ra những âm điệu như một người phụ nữ nức nở, và rồi trở thành tiếng trẻ em cười khanh khách ngay phút sau. Nghe ông ấy, tôi luôn nhớ đến lý do đầu tiên khiến tôi bắt đầu chơi cello – bởi nó hàm chứa điều gì đó rất nhân văn và ý nghĩa.
Khi buổi hòa nhạc mở màn, tôi liếc sang Adam qua khóe mắt. Trông anh có vẻ hài lòng về mọi thứ, nhưng anh vẫn nhìn vào tờ chương trình, rõ là đang đếm ngược các tiết mục tới lúc nghỉ giữa giờ. Tôi sợ rằng anh sẽ cảm thấy chán, nhưng một lúc sau tôi quá tập trung vào âm nhạc nên không để tâm được nữa.
Và rồi, khi Yo-Yo Ma chơi đến bài Le Grand Tango, Adam với sang và nắm lấy tay tôi. Nếu ở bất cứ tình huống nào khác, đây sẽ là một hành động rất tệ, một bước tiến ngáp-và-sờ-mó cũ rích. Nhưng Adam không nhìn tôi, anh nhắm mắt và lắc lư nhè nhẹ trên ghế ngồi. Anh cũng đang chìm đắm trong âm nhạc. Tôi cũng nắm lại tay anh và chúng tôi cứ ngồi như thế cho đến cuối buổi diễn.
Sau đó, chúng tôi mua cà phê và bánh donut rồi đi dạo ven bờ sông. Sương đang giăng xuống, anh cởi chiếc áo com lê khoác ngoài và choàng nó qua vai tôi.
“Không phải anh được tặng vé từ một người bạn của gia đình phải không?” Tôi hỏi.
Tôi nghĩ anh sẽ cười phá lên hoặc giơ tay đầu hàng như anh thường làm mỗi khi tôi thắng anh trong một cuộc tranh luận. Nhưng anh chỉ nhìn thẳng vào tôi, vì thế tôi có thể thấy những tia sáng màu xanh, nâu và xám lấp lánh trong con ngươi của anh. Anh lắc đầu. “Đó là tiền tip của hai tuần giao pizza,“ anh thừa nhận.
Tôi dừng bước. Tôi có thể nghe thấy tiếng dòng nước chảy bên dưới. “Vì sao?” tôi hỏi. “Sao lại là em?”
“Anh chưa từng thấy ai yêu âm nhạc như em. Đó là lý do anh thích nhìn em luyện tập. Em có cái nếp nhăn dễ thương nhất trần đời ở ngay giữa trán, đây này,“ Adam nói, chạm vào sống mũi tôi. “Anh bị âm nhạc ám ảnh, thế nhưng anh cũng không có xúc cảm mãnh liệt đến như em.”
“Vậy thì sao? Em là một trải nghiệm cuộc sống với anh à?” Tôi muốn nó mang ý hài hước hơn, nhưng câu nói thốt ra có vẻ gay gắt.
“Không, em không phải một trải nghiệm,“ Adam nói. Giọng của anh khàn và nghẹn lại.
Tôi cảm thấy hơi nóng dồn lên cổ và ý thức được mình đang đỏ mặt. Tôi nhìn xuống đôi giày. Tôi biết bây giờ Adam đang nhìn tôi, điều ấy cũng chắc chắn như việc tôi biết nếu tôi ngẩng đầu lên anh sẽ hôn tôi vậy. Nỗi khao khát được anh hôn mãnh liệt tới mức khiến tôi sửng sốt, để rồi tôi nhận ra mình nghĩ về nó thường xuyên đến mức có thể mường tượng chính xác viền môi anh, và hình ảnh ngón tay mình vuốt xuống phần hõm trên chiếc cằm chẻ của anh.
Ánh mắt tôi run run ngước lên, Adam đang ở đó đợi tôi.
Mọi chuyện đã được bắt đầu như thế.