Đọc truyện Nếu Đời Anh Vắng Em – Chương 16: Anh đã tới California
Tấm bản đồ cuộc sống được gấp lại nên chúng ta chẳng thể nào nhìn được một lối đi lớn xuyên suốt đường đời, mà đi đến đâu, sẽ luôn có một đoạn đường mới mẻ mở ra đến đó.
Jean COCTEAU
San Francisco
Ánh sáng.
Sự êm dịu.
Làn gió nhẹ.
Bầu trời như của mùa xuân.
Một bài hát của nhóm Beach Boys vọng ra từ chiếc đài trên xe.
Và bầu trời Paris xám xịt giờ chỉ còn là một kỷ niệm.
Ngồi sau tay lái chiếc xe thể thao mới thuê, Martin leo lên những con đường dốc đứng, hai bên là những ngôi nhà theo kiến trúc Victoria uốn lượn như đường tàu. Mặc dù chỉ còn hai ngày nữa thôi là đến Noel, song ánh nắng mặt trời ngập tràn trong thành phố và mùi biển phảng phất, rất gần, giống như đang ở bên bờ Địa Trung Hải.
Khu phố độc đáo này trông như vừa được sơn lại bằng màu phấn nhưng vẫn còn nguyên vẹn bầu không khí thư thái và màu nhiệm làm say lòng người như anh đã biết thừoi trai trẻ. Anh vẫn còn nhớ như in tất cả: tiếng ồn ào từ bến cảng vọng lên, làn gió mát lành của đại dương, những chiếc tàu cáp kéo có từ những năm 1950, với những tấm vách bằng gỗ và những chiếc chuông đồng.
Anh phóng vượt qua một chiếc xe buýt điện cắm cờ ủng hộ Obama, rồi anh nhìn thấy vịnh với làn nước xanh thăm thẳm bao quanh là những ngọn đồi trong lúc chạy xe xuống gần bờ biển.
Lần đầu tiên trong đời, anh đi hết hai cây số chiều dài cầu Cổng Vàng bằng ô tô, say sưa ngắm nhìn qua kính chiếu hậu khung cảnh thành phố đắm mình trong vịnh. Sau đó, anh theo những đường lượn vòng gấp của con đường nhỏ dẫn tới Sausalito. Những ngôi nhà tráng lệ nằm dựa lưng vào ngọn đồi từ lâu đã thế chỗ cho những khu nhà tạm bợ của thế hệ hippi đầu tiên, nhưng trong khung cảnh xa hoa này, Martin chỉ nghĩ tới một điều duy nhất: anh sắp gặp lại Gabrielle.
Chuyện tình của họ đã bắt đầu tại đây, dưới ánh nắng hè năm 1995.
Suýt nữa thì nó đã kết thúc vào một đêm Noel, trong giá lạnh và đau đớn tại một quán bar ở Manhattan.
Mười ba năm sau, số phận lại chuẩn bị lật lại những con bài mới để mở ra một ván chơi mà cả hai người đều không chờ đợi.
° ° °
– Quỷ tha ma bắt đi cho xong! Gabrielle rủa và đóng nắp túi đựng đồ nghề lại. Bộ chế hòa khí lại dở chứng nữa rồi!
Cúi người xuống động cơ của chiếc thủy phi cơ, cô nhảy xuống đất bằng vẻ khéo léo nhanh nhẹn như một con mèo.
– Không sao cả, Sunny an ủi cô. Chúng ta sẽ sửa lại!
– Chú lúc nào cũng không sao cả! Nhưng còn đống hóa đơn của cháu, lấy gì mà thanh toán nếu cháu không thể chở khách được nữa?
– Mình vẫn còn con Sessna cơ mà.
– Ba chỗ thay cho sáu chỗ, coi như nửa doanh thu tan thành mây khói rồi!
Cô chống nạnh và đứng lặng ngắm nhìn thứ đang khiến mình băn khoăn: Nam Thập Tự, chiếc thủy phi cơ Latécoère 28 cổ, một chiếc thủy phi cơ động cơ đơn duyên dáng, bọc gỗ thông bá hương phun véc ni và bồi vải. Lớp sơn màu đỏ Bordeaux được trang điểm thêm những đường kẻ màu vàng lấp lánh như hàng ngàn ánh lửa, trông nó thật tuyệt vời và thu hút sự chú ý của tất cả những người đi dạo.
Thoạt nhìn, trông nó phù hợp với một chỗ trong bảo tàng hơn là đậu trên mặt nước, nhưng Gabrielle đã tân trang lại toàn bộ, dốc hết các ngày nghỉ cuối tuần và phần lớn tiền dành dụm của cô vào nó. Cùng với nhà thuyền và chiếc xe Mustang cũ kỹ, chiếc phi cơ này là tàn sản duy nhất do mẹ cô để lại, và cô nâng niu nó như chính con ngươi của đôi mắt mình.
Cô gái kiểm tra lại những nút thắt kiểu lính thủy đang ghìm chiếc phi cơ vào cột rồi quay lại căn nhà gỗ nhỏ nơi Sunny đang bận rộn với những người khách muốn đặt chỗ, rồi bán kem và đồ uống cho người đi dạo.
Bãi vịnh này trông giống như một hồ nước được một rừng thông bao bọc xung quanh. Vào cuối buổi chiều, ánh sáng dịu nhẹ, không khí trong lành và màu trời xanh ngắt phản chiếu xuống mặt nước hồ khẽ lay động.
Gabrielle làm việc trong vườn quốc gia này từ mười năm nay. Sau rất nhiều thủ tục, cuối cùng cô cũng đã xin được giấy phép khai thác hai chiếc thủy phi cơ để chở khách du lịch lượn một vòng ngoạn mục khó quên trên mặt vịnh. Sunny, một ông già từng là dân hippi, trợ giúp cô trong công việc. Ông đã qua tuổi nghỉ hưu từ lâu nhưng trong bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, mớ tóc buộc túm đuôi ngựa và những hình xăm kiểu từ nửa thế kỷ trước, ông vẫn làm đám khách du lịch mê mẩn với những ký ức của ông về Summer of Love và về San Francisco huyền thoại của những năm 1960.
Mùa hè, “hồ nước” tràn ngập những người thích tắm biển, chèo xuồng, lướt ván và mô tô nước. Nhưng vào cuối buổi chiều mùa đông này, bầu không khí tĩnh lặng, êm ả trải rộng trên mặt nước, nơi những đàn cốc, diệc và hồng hạc chung sống hòa thuận vớinhau.
Gabrielle bước lại gần quầy bán nước với vẻ mặt lo âu. Sunny chìa cho cô một chai nước khoáng nhỏ và cô ghé miệng uống luôn.
– Cô gặp vấn đề với cái máy bay hả?
Cô quay về phía phát ra giọng nói vừa hỏi cô. Người đàn ông chống khuỷu tay lên mặt quầy, nhấm nháp một chai Corona lạnh, chiếc mũ bảo hiểm đặt ngay bên cạnh. Ông ta khoảng sáu mươi tuổi, mớ tóc đen bù xù, bộ râu ba ngày chưa cạo và dáng vẻ lịch lãm: quần bò và áo chui đầu cổ lọ màu đen, áo khoác thể thao bằng vải tuýt. Không phải kiểu người cao lớn song cũng chẳng giống ông già đẹp lão. Cũng chẳng phải kiểu người sắp phải cấy ghép thêm thứ gì. Mà có khi ông ta còn chưa cần dùng tới Viagra.
– Động cơ lại dở chứng à?
– Vâng! cô vừa nói vừa ngồi xuống cái ghế đẩu bên cạnh ông ta.
Ông nâng chai bia hướng về phía cô như muốn cụng ly chúc sức khỏe.
Cô quyết định gia nhập cuộc chơi:
– Cho cháu một chai bia, chú Sunny. Ông đây mời cháu mà.
Đây chính là nguyên tăc số một của cô: ngay từ đầu đã tấn công quyết liệt và đi trước đám đàn ông xem họ phản ứng ra sao. Để xem họ nhảy xổ vào bẫy và tự làm cho mình mất mặt hoặc giành lấy quyền vào vòng trong.
Ông xác nhận nhẹ nhàng bằng một nụ cười và tự giới thiệu:
– Tôi tên là Archibald.
– Gabrielle.
Đến lượt mình, cô nâng chai Corona về hướng ông rồi ăn một phần tư quả chanh trước khi nhấp một ngụm bia.
Cô cảm thấy ánh mắt ông đang nhìn cô và ngước mắt lên.
Ông không hề nhìn ngực, mông hay miệng cô. Chỉ nhìn vào mắt. Vẻ mặt ông toát lên sự trìu mến chân thành. Không phải sự trìu mến của một người ông, cũng chẳng phải kiểu một người chồng vẫn còn yêu vợ nhưng không còn chung đụng nữa. Không, đây hoàn toàn khác: một sự trìu mến rất đàn ông. Một điều gì đó mà đã lâu lắm rồi cô không còn thấy nữa.
Đôi khi cô nhớ tới nhưng bài giảng triết học về ngữ dụng. Hegel nói rằng: Chúng ta suy nghĩ chính bằng lời nói, vì lời nói mang lại sự tồn tại đích thực nhất và cao nhất cho ý nghĩ.
Thế nhưng càng ngày, những lời nói càng trở nên trống rỗng khi phát ra từ miệng những gã đàn ông lân la tới gần cô. Đa phần đều ba hoa như nhau, cùng một kiểu nói bóng gió, cùng một kiểu hẹn hò nhảm nhí, những mẩu nhắn tin cụt ngủn, rỗng tuếch và khô khan. Vì thế, cô đành bám vào những gì không được nói ra: những cử chỉ, ánh mắt, nét mặt, dáng người…
Và lão Archibald này lại toát ra sự tự tin chắc chắn đến nỗi chẳng hề cần tỏ vẻ. Có điều gì đó thật kỳ cục, vừa xa lạ, vừa an toàn, thân thiết.
° ° °
Chỉ dẫn của hệ thống định vị GPS đưa Martin tới tận mặt nước nơi Gabrielle đang làm việc. Anh đậu xe dưới rặng thông và ngồi lại hồi lâu trong xe, ngập ngừng không biết phải làm gì tiếp theo. Anh đã đọc rất kỹ báo cáo điều tra của FBI song không hề thấy nhắc tới bất cứ mối liên hệ nào giữa Archibald và con gái, nhưng có thể tin hồ sơ này được không? Trước kia, chính anh cũng đã từng đặt câu hỏi với cô gái và cô đã trả lời anh rằng cô chưa từng biết tới cha mẹ. Vậy thì tại sao giờ lại phải nghi ngờ?
Bởi Gabrielle vốn là một phụ nữ kín đáo và bí ẩn. Bởi vì cô sống ở San Francisco và vì Archibald, chắc chắn chẳng bao lâu nữa, sẽ mò tới thành phố này để tìm cách chiếm hữu viên kim cương. Không chừng hắn ta đã tới đây rồi cũng nên…
Martin nhấn lên một nút bấm và chỉ trong vài giây, hai phần nóc xe bằng nhôm đã khép chồng lên nhau, biến chiếc xe thể thao mui trần thành một chiếc xe hai chỗ thân gẫy. Khi bước ra ngoài để khóa cửa xe lại, thoạt đầu anh không thể nhận ra được bóng của chính mình in trên kính xe. Phải thừa nhận rằng Lloyds Brothers rất chu toàn: khi về tới khách sạn, anh đã thấy ngay ba bộ vest Smalto may đo rất khéo, ống tay áo ôm khít lấy cổ tay, vai và thân vừa vặn. Bất ngờ hơn thế, một thợ cắt tóc đã chờ sẵn trong phòng và biến anh chàng cảnh sát trẻ râu ria xồm xoàm, mái tóc dài bù xù thành nhân vật chính trong bộ phim truyền hình dài tập của Jerry Bruckheimer 1. Ngoại hình mới mẻ này khiến anh cảm thấy mình như đang nằm trong lớp da của một người khác. Một người trông ưa nhìn và nhẵn nhụi hơn, song với anh thì cũng chẳng hơn gì anh chàng cảnh sát đờ đẫn lê đôi giày Converse khắp vỉa hè Paris. Mà chẳng hiểu từ bao giờ anh không còn cảm thấy hài lòng với chính mình nữa?
Từ khi cô…
Anh mệt mỏi thở dài và đi vài bước về phía “hồ nước”. Nơi này thật yên bình, sáng sủa và gợi cho anh nhớ lại vùng Provence của tuổi thơ anh. Chỉ còn thiếu lũ ve sầu nữa thôi là hoàn thiện bức tranh.
Anh đi về phía căn nhà bằng gỗ ghép nằm sát mép nước, được biến thành một quán cà phê nhỏ.
Và đúng lúc đó anh trông thấy họ…
° ° °
– Cô có muốn cho tôi xem qua cái động cơkhông? Archibald hỏi với giọng nhiệt tình.
– Ông là thợ cơ khí à?
– Không hẳn. Tôi làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật.
– Vậy thì tôi nghĩ sẽ chẳng ích gì đâu, Gabrielle vừa cười vừa trả lời. Cái động cơ này rất đỏng đảnh, máy bay cũ rích rồi mà…
– Phải, tôi biết, một chiếc Late 28.3.
Gabrielle nhíu mày, vừa bất ngờ vừa nghi hoặc.
Archibald lại càng tỏ ra am hiểu về kỹ thuật:
– Động cơ của nó không phải máy Hispano nguyên gốc, đúng không? Cô đã thay nó bằng máy gì?
– Một con Chevrolet.
– 640 mã lực?
– Phải, đúng… đúng như vậy.
Lần này cô lại càng nghi ngờ hơn: gã này quá rành về máy móc.
– Tôi có thể ra ngó một lát được không?
Như một nỗ lực cuối cùng, cô chìa hai bàn tay dính đầy đầu mỡ của mình ra.
– Rồi lại dây đầy hết cả ra người ông!
Nhưng Archibald đã cởi áo vest ra và xắn tay áo thun lên.
– Tại ông muốn thế đấy nhé! Cô vừa nói vừa cười và đưa cho ông hộp đồ nghề.
Cô thích thú đi theo hắn ra tận chỗ đậu máy bay, hắn khéo léo trèo lên thân máy bay cứ như thể cả đời hắn đã quen với việc đó.
– Cô sẽ tặng tôi gì nếu tôi sửa được nó? Ông vừa hỏi vừa mở nắp máy ra. Một bữa tối chứ?
Cô chớp mắt nhiều lần. Trái tim cô đập dồn đập.
Một gáo nước lạnh.
Cô biết mình có khả năng ấy. Khả năng hấp dẫn đàn ông, khiến họ tưởng rằng có thể đến với cô và khiến cho họ muốn thử vận may. Và họ xáp lại, người khéo léo người vụng về, nhưng bọn họ cũng chẳng khác nhau nhiều.
Không được cho ông ta thấy sự bối rối, thất vọng. Phải vờ tỏ ra thích thú về điều đó.
– Vậy là rõ rồi… Ông cứ tự ra vẻ là một quý ông lịch lãm, nhưng rốt cuộc, mọi chuyện rồi cũng kết thúc giống như vậy, phải không: một bữa ăn tối, một ly rượu, rồi mây mưa chớp nhoáng…
Archibald làm ra vẻ như chưa nghe thấy. Cô nhấn mạnh:
– Tóm lại, ông cũng giống như tất cả bọn họ thôi.
– Có thể như vậy, hắn thừa nhận rồi ngước đầu lên khỏi động cơ, nhưng cũng có thể không.
– OK, cô thách thức, một bữa tối nếu ông sửa được động cơ.
° ° °
Tim đập thình thịch, Martin giấu mình trong chiếc mui trần. Run rẩy, anh mở hộp đựng găng tay trong ô tô để lấy khẩu Glock 19 Parabellum mà Cô Ho đã đưa cho anh. Cô gái Hàn Quốc đã giữ lời, cung cấp cho anh một khẩu súng và giấy phép sử dụng do chính quyền sở tại cấp. Trong một ngăn kéo, anh còn tìm thấy một chiếc đèn pin, một quả pháo thăng thiên gọi cứu hộ, một con dao săn và một đôi ống nhòm. Anh cầm ngay ống nhòm lên và nhìn về phía hồ.
Gabrielle đang trò chuyện với bố cô ấy!
Cô mặc chiếc áo len với những mũi đan vặn thừng to và chiếc quần bò đã sờn trùm lên đôi bốt. Martin cảm thấy hai bàn tay run lên nhè nhẹ. Đã mười ba năm rồi anh không nhìn thấy Gabrielle, nhưng tưởng chừng anh mới chỉ chia tay cô ngày hôm qua. Vẫn như ngày xưa, mái tóc hạt dẻ sáng màu gần như ngả vàng của cô thường che mất đôi mắt, và cô cũng chẳng buồn lấy tay vén lên. Ánh sáng lúc cuối chiều khiến khuôn mặt cân đối của cô lại càng trở nên xinh đẹp, khiến cho ở cô có cái gì đó chợt bừng lên rồi tắt lịm.
Martin chợt hiểu ra rằng cả thời gian lẫn khoảng cách cũng không hề làm phai nhạt tình yêu của anh.
Song một tình yêu khiến cho con người ta phải đau khổ muốn chết liệu có thực sự là tình yêu?
° ° °
Động cơ máy bay khạc lên vài tiếng, giống như bị nghẹt bởi đã nuốt nhầm một cái đinh ốc nằm ngang, rồi lấy lại hơi trước khi nổ rổn rảng và dần trở nên êm hơn.
Chẳng hề tỏ ra đắc thắng, Archibald thận trọng trèo xuống, ra khỏi chiếc thủy phi cơ và chùi hai tay vào một mảnh vải.
– Vấn đề không phải tại bộ chế hòa khí mà là do một trong mấy cái nắp xi lanh. Cho dù có thể dùng tạm trong một thời gian, song cũng nên nghĩ tới việc thay chúng đi.
Hắn mặc lại áo vest và sửa lại áo len rồi quay về phía Gabrielle, mỉm cười.
– Về chuyện bữa tối, tất nhiên chỉ là đùa thôi. Có điều, nếu cô năn nỉ thì…
Bàng hoàng, cô thoáng ngần ngừ. Cô muốn kéo dài thêm giây phút này, muốn biết thêm về người đàn ông này, song cô lại không muốn tỏ ra quan tâm.
– Không, tôi sẽ không năn nỉ.
Archibald chấp nhận ngay lời phán quyết. Hắn với lấy chiếc mũ và chào cô:
– Tạm biệt Gabrielle.
– Tạm biệt.
Hắn rời khỏi căn nhà gỗ và đi về phía bãi đậu xe.
Lúc này, cô không muốn ông ta ra đi. Cô muốn nghe ông ta nói vì những lời nói của ông ta khiến cô cảm thấy dễ chịu. Cô muốn biết điều gì ở ông ta khiến cô cảm thấy mất thăng bằng. Cô muốn, song cô không dám.
Hắn đã bắt đầu nổ máy chiếc xe phân khối lớn, nhưng rồi lại nói:
– Suy cho cùng, cô chỉ nhận lời đi chơi với những người mà cô không thích, có phải không?
– Đúng vậy, cô nói thì thàonhư tiếng thở.
– Vì sao?
– Vì những người khác, tôi sợ sẽ mất họ, Gabrielle thừa nhận.
Cô đã đầu hàng. Cô biết ông ta đọc được ý nghĩ của cô giống như một cuốn sách. Ông ta đã tìm ra điểm yếu, vết thương lòng, nỗi xấu hổ, vết xước đang rỉ máu, độ sâu của những vết thương, gọng kìm đang siết chặt lấy bụng cô.
Hắn đội mũ bảo hiểm vào, hạ kính xuống rồi nhìn cô lần cuối.
Cô có đôi mắt sáng và lấp lánh, giống như vừa mới khóc.
Đứng giữa bến, cô thấy mình thật mỏng manh và gió có thể thổi bay cô đi như một chiếc lá.
Có điều gì đó đang đùa giỡn giữa họ. Đó chẳng phải là sự quyến rũ, không phải ham muốn, song lại có một sức mạnh thật rõ ràng, hiển nhiên.
Archibald nhấn nút khởi động và chiếc xe bốn thì bắt đầu rung lên. Hắn vừa cài số một thì đột nhiên Gabrielle đuổi theo sau và trèo ngay lên ngồi trên yên sau. Hắn cảm thấy cô bấu chặt lấy eo và tựa đầu lên vai hắn.
Archibald bèn tăng ga và chiếc mô tô tan vào trong ánh hoàng hôn.
— —— —— —— ——-
1. Nhà sản xuất phim nổi tiếng người Mỹ, đã sản xuất rất nhiều phim truyền hình về đề tài cảnh sát: Chuyên viên, FBI: chứng cứ biến mất, Cold Case… (Chú thích của tác giả).