Đọc truyện Nàng Không Là Góa Phụ – Chương 6
Mặt trời chiếu qua màn cửa, rọi vào giường ngủ của nàng. Nàng biết trời còn sớm và bên ngoài còn lạnh. Nhưng chắc hôm nay trời cũng sẽ đẹp như hôm qua. Và chắc nàng không làm sao ngủ lại được. Nàng duỗi người rồi lại chuồi hai tay dưới tấm chăn ấm áp. Mấy đêm vừa rồi nàng không ngủ được ngon giấc. Nhưng nàng quyết định ngồi dậy, đi dạo một vòng buổi sáng sớm với Toby. Sáng nay sẽ có mấy đứa trẻ đến nhà nàng để tập đọc.
Khi nàng vừa rửa ráy, mặc áo quần xong thì con Toby hiện ra trong phòng ngủ. Nó vẫy đuôi nhè nhẹ.
– Mày cứ đứng đấy mà nhìn – nàng nói với nó – Tao không nói đến chữ “Đ” cho đến khi nào tao mở cửa để đi, nếu không thì mày sẽ nhảy nhót loạn xạ khiến tao không làm gì được. mày để yên cho tao một lát.
Nhưng hình như con Toby hiểu nghĩa chữ “Đ” có nghĩa là “Đi dạo” rất rõ. Cho nên nó vẫy đuôi như điên, miệng rên ư ử vì sung sướng, rồi nhảy nhót quanh Catherine, nhào đến thang gác lầu như thể thúc nàng nhanh tay lên.
Nàng cười.
Một lát sau, khi nàng đi dọc theo con đường làng, nàng thầm nghĩ: vài tuần thôi là yên.
Nàng gặp ông Hardwick, chủ quán trọ đang quét dọn trên vỉa hè, nàng vẫy tay, cười chào ông ta. Tiệc tùng ở trang viên kéo dài vài tuần là cùng, không thể nào lâu hơn.
Ngài Tử tước Rawleigh và các bạn của anh ta sẽ quay về thành phố để tham dự Lễ Hội Mùa. Dù sao thì họ cũng là những nhà quí tộc thời thượng, không làm sao giữ họ ở lại đây lâu được. Quả là bà Adams đang cố ghép tử tước cho cô Hudson, nhưng còn hai nhà quí tộc kia nữa thì sao. Hai người mà chỉ có một cô Lipton thôi.
Không, không có gì giữ họ lại đây lâu. Nàng biết Ngài Tử tước không thích cô Hudson.
Nếu nàng ráng chịu đựng được vài tuần, thì tình hình sẽ đâu vào đó, nàng sẽ trở lại sống yên ổn. Nàng không còn cách gì khác hơn. Khi ấy, mỗi lần nàng đặt chân vào nhà ông Adams, nàng sẽ khỏi sợ phải đụng đầu với anh ta.
– Không phải đi ngã ấy đâu, Toby – nàng cất tiếng gọi con chó, vì nó đang chạy theo con đường này để đến trang viên Bodley. Nàng thường đi theo con đường này để đến Bodley, con đường rẽ qua khu rừng cây để đến trang viên. Bây giờ không cần đi băng qua ngã này. Ông Adams thích để cho dân làng được tự do đi qua khu công viên của ông. Dĩ nhiên đây là một chiến thuật dễ hiểu của ông ta, vì khi băng qua công viên, họ không đến gần nhà ông ta quá, khỏi trông thấy mọi sinh hoạt trong nhà. Nhưng sáng nay nàng muốn đi dọc theo con đường làng, con đường này chạy qua trước mặt tòa nhà, dọc theo bức tường rêu phong của công viên.
Nàng đã cố hết sức để tạo cho mình một cuộc sống mới có ý nghĩa trong suốt năm năm qua. Những cố gắng của nàng không phải dễ dàng gì… Cuộc sống trước đây của nàng hết sức khác biệt… Nàng đã chế ngự tất cả mọi nhu cầu ngoài nhu cầu để sống còn. Thậm chí khi mới đến sống ở đây, nàng cũng không thiết tha gì đến các nhu cầu này để sống nữa.
Suốt năm năm, nàng đã dẹp bỏ được những nhu cầu khác. Nàng đã có bạn bè mới, có công việc để làm, có mái nhà thân thương để ở. Rồi năm ngoái nàng có con chó Toby.
Đã hai lần có người đến đề nghị lập gia đình với nàng nhưng nàng từ chối, một lần cách đây đã ba năm và một lần mới năm ngoái. Họ là những người quí phái, nàng kính trọng họ và họ vẫn đối đãi tử tế với nàng. Nàng không muốn lấy chồng. Không cần hôn nhân.
Thế nhưng bây giờ bỗng nhiên nàng cảm thấy cần những nhu cầu mà khi còn con gái nàng không cảm thấy quá cần thiết, quá thúc bách. Dĩ nhiên là những nhu cầu bây giờ khác hẳn những nhu cầu vào hồi ấy. Khi còn con gái, nàng không nghĩ gì về ham muốn xác thịt hết. Nàng chỉ cảm thấy cần có sự lãng mạn, cần có đàn ông đẹp trai con nhà quí phái mến mộ, cần có hôn nhân. Lúc ấy nàng còn thơ ngây quá. Sự thơ ngây rất nguy hiểm.
Trong những ngày vừa rồi, nàng thèm khát những điều làm nàng lo sợ. Toàn những khát vọng về xác thịt. Nói trắng ra là thèm muốn đàn ông sờ mó vuốt ve. Muốn có đàn ông nằm bên cạnh, để cảm thấy khỏi trống vắng, khỏi cô đơn.
Những thèm muốn mới mẻ này làm nàng sợ, là vì nàng không có những kỷ niệm ái ân tốt đẹp. Mà nàng chỉ có những kỷ niệm đớn đau. Cho nên nàng không bao giờ muốn có lại cảnh ái ân đã gây cho nàng đau khổ như trước đây.
Mà nàng đâu phải cô đơn. Hay nếu quả nàng cô đơn, thì cảnh cô đơn này là một cái giá phải trả để có sự độc lập, có được sự tự trọng và sự yên ổn trong lòng. Một cái giá phải trả nho nhỏ. Mà cũng không phải là cô đơn, mà là cảnh đơn chiếc. Hai trường hợp khác nhau. Cảnh đơn chiếc của nàng được lấp đầy, xóa tan bằng những cuộc thăm viếng của nhiều bạn bè và láng giềng.
Nhưng nàng sợ rồi đây nàng sẽ không thể tiếp tục tự lừa dối mình. Nàng sợ nàng sẽ nhận thấy sự cô đơn của mình. Hiện nàng đã thấy mình cô đơn rồi.
Và đó cũng chỉ vì một gã đàn ông kiêu căng, xấc láo. Một gã đàn ông cách đây hai đêm đã ngồi trong nhà bếp của nàng, đề nghị nàng làm tình nhân cho anh ta. Một gã đàn ông mà mặc dù nàng đã tỏ thái độ hằn học, sỉ nhục, nhưng vẫn đeo đuổi cám dỗ nàng.
Một gã đàn ông mà hôm qua đã xúc phạm nàng và trước khi bị bà Adams kéo đi, đã nhìn nàng bằng cặp mắt như muốn lột hết áo quần của nàng ra.
Đúng gã là người đàn ông nàng muốn.
Nghĩ thế, nàng thấy hoảng sợ.
Thế rồi con Toby, đang chạy ra cánh đồng bên cạnh để đánh hơi tìm tòi, vội vã chạy lui, cất tiếng sủa vang. Nàng thấy từ xa có ba người đang cưỡi ngựa đi tới. Ai mà đi trong lúc trời còn sáng sớm như thế này? Tim nàng đập thình thịch. Phải chăng đi bách bộ một mình như thế này mà cũng không yên.
Từ xa có một người trông giống như ông Adams, nhưng nàng biết không phải ông ấy.
Vì người ấy đi với ông Gascolâgne và Huân tước Pelham. Không còn đường nào để đi cho khỏi gặp họ. Một bên là dãy tường, một bên là cánh đồng rộng. Ngoài ra, giống như ngày hôm qua, con Toby chạy đến đón họ như ông David đương đầu với anh chàng khổng lồ Goliath, nó hung hăng, làm ra bộ can đảm, không sợ sệt.
Ông Gascolâgne phải ra sức mới giữ được con ngựa đứng yên. Ông ta vừa điều khiển con ngựa vừa cười toe toét. Huân tước Pelham cất mũ nghiêng đầu chào Catherine.
Còn Tử tước Rawleigh thì nhoài người từ trên ngựa xuống bế con chó săn nhỏ lên, nó phản ứng lại bằng tiếng gầm gừ tức giận và ngạc nhiên, rồi ngồi lắc lư trên lưng ngựa trước mặt ông ta, tai nhúc nhích, lưỡi thè ra. Nó đã đầu hàng kẽ thù quá dễ dàng.
– Chào bà Winters – Nam tước Pelham lên tiếng – Bà đã tô điểm thêm cho cảnh đẹp ban mai. Tôi chưa gặp người đẹp nào lại dậy sớm như bà.
– Xin chào ngài – nàng đáp, hơi nhún chân để chào anh ta. Nàng thấy anh ta thật dễ thương, hai hàm răng trắng bóng, cặp mắt rất xanh. Anh ta đẹp trai như ngài tử tước và có lẽ duyên dáng hơn. Tại sao nàng nhìn anh ta và nói năng một cách tự nhiên, không một chút hồi hộp nhỉ? – Lúc này là lúc trời đẹp nhất trong ngày.
Ông Gascolâgne cườ, cất mũ chào nàng và nói:
– Chắc tôi phải bán con ngựa này cho rồi. Tôi sẽ không chịu được nỗi nhục nhã khi có con ngựa sợ chó như thế này. Nhưng nếu tôi là chó mà bà là chủ, thì thưa bà, tôi sẽ sủa hết sức kịch liệt để bảo vệ bà.
– Xin chào ngài – nàng cười, đáp – Tôi xin cam đoan với ngài chó sủa hay cắn gì cũng đều bậy hết – Lại một ông đẹp trai nữa, cặp mắt rạng rỡ, vẻ người duyên dáng khoan thai.
Nhưng nàng vẫn không hồi hộp.
Để cho được tự nhiên, khỏi lúng túng như hai hôm trước đây ở cổng trước nhà nàng, nàng quay qua chào Tử tước Rawleigh – xin chào ngài – Tử tước Rawleigh đang gãi sau tai cho con chó, khiến nó mê mẩn ngồi im. Một ông đẹp trai thứ ba, như hai người kia.
Ruột gan nàng bỗng co lại, xao xuyến.
– Chào bà – Rex nhìn thẳng vào mắt nàng, nghiêng đầu chào.
Nàng cảm thấy tình thế trở nên khó xử. Đáng ra nàng chỉ mỉm cười chào anh ta đáp lễ, rồi đi tiếp. Nhưng con Toby vẫn còn trên lưng ngựa với ngài tử tước, xem nó có vẻ như muốn ngồi yên tại chỗ cho hết cả buổi sáng.
Ông Gascolâgne lên tiếng nói:
– Thưa bà Winters, chắc chúng tôi không thể đi cùng chiều với bà, phải không?
Nàng cười với ông ta. Nam tước Pelham nói:
– Chúng ta không thể đi cùng chiều với bà ấy được đâu, Nat à. Than ôi, chắc bà ấy mỏi cổ vì cứ ngước mặt nhìn ba chúng ta ngồi nói chuyện trên lưng ngựa như thế này. Và con chó của bà ấy làm cho ngựa của anh run khiếp vía lên kia kìa – Nói xong, ông ta cười khúc khích.
Ông Gascolâgne cười theo, rồi nói:
– Một người trong chúng ta nên nhường ngựa cho bà ấy. Thế mới đúng phép lịch sự.
Họ trêu nàng, rất tế nhị, rất nhã nhặn. Tử tước Rawleigh cứ nhìn nàng đăm đăm, tay vẫn vuốt ve con Toby.
– Thưa quí ngài – nàng đáp – tôi đi bách bộ để tập thể dục. Và con Toby cũng thế – Nàng nhìn qua tử tước, tay anh để trên lưng con chó, những ngón dài, khỏe, rắn rỏi làm sao.
Bỗng anh cúi người để con chó xuống mặt đường. Con chó vẫy đuôi, rồi chạy lon xon ra phía trước. Tử tước Rawleigh nói:
– Chúc bà đi dạo vui vẻ, thưa bà. Chúng tôi không giữ bà lại đâu – Anh không cười mà cũng không trêu ghẹo nàng như các bạn.
Nàng đi dạo tiếp, tiếng chân ngựa nhỏ dần ở phía sau lưng nàng.
Chỉ vài tuần thôi, nàng nghĩ. Vài tuần là yên. Rồi cuộc sống lại đâu vào đấy như cũ.
Nàng hy vọng như thế
Nhưng nàng nghĩ chắc việc đời không dễ gì như thế.
***
– Duyên dáng quá! – Ông Gascolâgne nói – Áo quần giản dị nhưng vẫn duyên dáng, phải không? Cảnh thôn quê thanh tịnh lại càng tăng vẻ duyên dáng, đúng không?
– Ba người cùng rõ dãi về một phụ nữ xem ra chẳng hay ho gì – Nam tước Pelham nói – Áo quần giản dị chỉ trông duyên dáng cho người nào vốn đẹp mà thôi, người ta đẹp thậm chí không cần áo quần vẫn duyên dáng, Nat à. Lạy Chúa, nhất là khi không có áo quần. Nhưng Rex này, chỗ này thiếu vắng phụ nữ đẹp kinh khủng – dĩ nhiên là tôi không có ý xúc phạm đến em vợ của ông Claude.
– Ý kiến của anh quá chính xác – ngài tử tước nói – Chúng ta đến chỗ hoang vắng ngày là để trốn tránh rắc rối với phụ nữ kia mà, phải không? Eden thì trốn bà quí tộc đã có chồng, Nat thì trốn cô gái chưa chồng, còn tôi thì trốn… người vị hôn thê cũ. Có lẽ chúng ta nên xa lánh phụ nữ một thời gian thì tốt hơn.Tốt cho cả linh hồn lẫn mọi thứ.
– Rex này, cô ta mê anh – Nam tước Pelham nói – Trong khi cô ta cười nói với Nat và tôi, thì con mắt vẫn liếc nhìn anh, như thể chúng tôi là anh trai của cô ấy. Tôi rất bất bình về chuyện này. Anh không hé môi cười một tiếng. Vấn đề là… anh có thích cô ấy hay không? Tôi rất ghét chuyện để phí mất người đẹp duy nhất trong vùng này, vì Nat và tôi quá lịch sự, không nỡ dấn thân vào lãnh địa của anh.
Ngài tử tước khịt mũi. Ông Gascolâgne nói:
– Tôi chắc Rex đã bị tát vào mặt tối hôm nọ. Không bị tát bằng tay thì cũng xem như bị tát bằng lời. Có phải anh đi bộ đến nhà cô ấy suốt buổi tối không? Rex, có phải anh đã vụng về không? Có phải anh vào đề ngay mà không đợi thời gian theo tán tỉnh vài ngày đã không? Chúng tôi phải dạy cho anh cách tán gái mới được, ông bạn ạ. Không ai lại đi xộc vào nhà một góa phụ có đức hạnh, rồi vỗ vai người ta, đề nghị người ta lên giường với mình. Có phải anh đã làm như thế không?
– Dẹp anh đi! – tử tước Rawleigh đáp.
– Eden, anh ấy đã làm thế đấy – Ông Gascolâgne nói.
– Thật chúng ta không lấy làm lạ khi sáng nay anh ấy không cười với nàng, còn nàng thì tránh không nhìn anh ta – Nam tước Pelham đáp – Này Nat, phải chăng anh bạn của chúng ta là người đã nổi tiếng chinh phục rất tài tình các phụ nữ Tây Ban Nha tuyệt thế giai nhân trong những năm ở bán đảo? Một người đã tụt hậu nhanh chóng vì thiếu khả năng tán tỉnh người đẹp như thế này, quả đáng làm cho chúng ta kinh ngạc đấy.
Gascolâgne nói:
– Có lẽ tôi phải ra tay thử sức để xem có kết quả khả quan hơn không, cũng khó gặp may đấy, bạn Rex à, nhưng xem anh có vẻ đã mất hết hy vọng rồi.
Cả hai người cười xòa, Tử tước Rawleigh thấy họ khoái trá những lần chọc như thế này thì anh phải tham gia đùa cợt với họ, phải ăn miếng trả miếng với họ. Nhưng bây giờ anh không thể làm như thế được. Anh đành càu nhàu cho qua chuyện. Anh nói:
– Thôi, Nat, bỏ chuyện này đi.
Gascolâgne bèn đưa hai tay lên trời như thể có ai dí súng vào lưng anh.
– Nàng là người có tư cách – tử tước nói – Nàng không phải là hạng đàn bà dễ dàng cho ta tán tỉnh vui chơi.
– Lạy Chúa lòng lành – Gascolâgne đáp – Eden này, tôi tin anh ấy đã bị đại bại rồi.
– Tôi nghĩ anh nói đúng, Nat à – Nam tước Pelham đáp – Hấp dẫn. Rất hấp dẫn. Lần này thì chúng ta hoàn toàn hết hy vọng rồi.
Thường khi ba người – và cả Ken nữa, khi nào anh ấy có mặt với họ – đều nói chuyện về những đề tài quan trọng với một tinh thần rất sáng suốt, họ bàn luận dông dài, hợp ý nhau. Cho nên họ đã trở thành bạn bè thân thiết. Họ cũng thường trao đổi nhau những câu bỡn cợt ý nhị, tôn trọng nhau. Họ đã sống với nhau trong tinh thần ấy suốt những năm dài ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và ở Bỉ. Họ đối xử với nhau một tinh thần nghiêm túc và vô tư. Họ cùng sát cánh bên nhau để chiến đấu, cùng nhau đối diện với tử thần.
Nhưng thỉnh thoảng, thỉnh thoảng thôi, một người bất bình với những người kia. Thỉnh thoảng một người nói với những người kia: thôi, dẹp đi, và người ấy có ý muốn dẹp vấn đề khó chịu ấy đi thật.
Nàng không phải là đầu đề đem ra bỡn cợt.
Thế nhưng nếu anh không theo tinh thần của bạn bè khi nói chuyện với nhau thì không bao giờ họ để cho anh yên. Hãy để cho nàng yên.
Trên đường về, họ đã đến con đường rẽ vào chuồng ngựa của trang viên. Có lẽ bây giờ đang còn ít người thức dậy, cả nhà chưa ăn sáng được. Clarissa đã có kế hoạch xế trưa nay sẽ đi du ngoạn đến lâu dài Pinewood cách nhà khoảng 5 dặm, nếu thời tiết thích hợp cho cuộc đi chơi. Rõ ràng là thời tiết như thế này rất thích hợp. Bà ta đã có kế hoạch để anh đi hộ tống Ellen Hudson. Có lẽ sáng nay bà chủ nhà cũng thu xếp để anh và cô ấy gặp nhau, ngồi bên nhau.
Bỗng anh cho ngựa dừng lại. Anh cố lấy giọng nhẹ nhàng để nói với các bạn:
– Hai người cứ đi về đi. Tôi ưa làm đối tượng cho các anh châm chọc giải trí, vì các anh quá quắt quá. Cả hai đều nhìn anh rồi nhìn nhau, vẻ kinh ngạc và ánh châm chọc trên mắt họ tắt đi. Trải qua nhiều năm sống với nhau trong tình bạn thắm thiết, họ biết phải trôn trọng tình cảm của nhau. Khi đã nhận ra có người không đồng quan điểm với nhóm, không chịu được sự trêu chọc của nhóm, thì tất cả đều phải thôi ngay, không tiếp tục đùa giỡn nữa.
– Vậy là anh thích đi riêng một mình – Nat nói – Được thôi, Rex.
– Chúng tôi sẽ gặp lại anh ở nhà – Eden tiếp lời bạn.
Không một tiếng chứng tỏ họ biết anh quay lại để tìm Catherine Winters. Không có ánh trêu chọc trong mắt họ. Anh hoàn toàn không hiểu tại sao anh không thấy được chuyện tức cười của tình huống trước mắt. Trước đây anh đã từng bị phụ nữ từ chối rồi. Tất cả họ đều bị. Họ đã thường cười cợt sự thất bại của họ cũng như cười nhau. Nói tóm lại, không người nào trong bọn họ không ham mê chuyện ái ân trai gái.
Anh cho ngựa quay lại, chạy ra đường. Anh có thể giả vờ chạy rong chơi trong làng, nhưng còn sớm quá không làm thế được. Ngoài ra, thế nào họ cũng biết anh giả vờ.
Khi anh ra khỏi con đường vào nhà, anh không theo đường vào làng mà đi ngược lại con đường họ vừa mới đi qua cách đây mấy phút. Anh không vội. Anh muốn chậm rãi cho nàng có đủ thời giờ đi khuất không còn bóng dáng đâu nữa. Trong vùng không có nhiều đường dọc ngang để cho nàng có thể biến vào đấy. Anh nghĩ thế nào con chó cũng làm cho nàng đi chậm lại vì nàng không có dây xích chó, cho nên con chó thích chạy loanh quanh tìm tòi khắp nơi.
Anh mong sao đừng gặp nàng. Thế nhưng khi không thấy bóng dáng nàng đâu cả, anh lại cảm thấy buồn, chán nản. Đi một lát, anh vẫn không thấy tăm hơi của nàng, anh lại mải miết nhìn ra trước để mong thấy được nàng. Nhưng anh đã đoán ra nàng đi đâu rồi. Bỗng anh thấy xuất hiện cánh cửa hông đi vào vườn cây. Cánh cửa đóng, nhưng anh nghĩ chắc nàng đóng lại để cho hươu khỏi ra ngoài. Anh bèn thử đẩy cửa. Cánh cửa dễ dàng mở ra. Rõ ràng cánh cửa này thường được sử dụng. Anh cho ngựa đi vào trong vườn cây.
Con đường chạy quanh vườn cây có nhiều cây cổ thụ. Đây là nơi anh rất thích đi chơi vào thời còn thơ ấu. Mùi vị ở đây quá quen thuộc, gần gũi, cho đến cả bóng râm và không khí tĩnh mịch ở đây cũng làm cho anh thoải mái. Anh xuống ngựa, cầm dây cương, dẫn ngựa đi. Có lẽ nàng không đi theo con đường này. Nhưng cho dù nàng không đi theo đường này, thì anh cứ đi để về nhà cũng được. Anh thích cây cối. Dù sao thì cây cối cũng mang lại cho anh cảnh yên ổn.
Bỗng anh nghe có tiếng cành khô gãy rồi con chó săn nhỏ màu nâu trắng chạy đến, đưa hai chân trước níu chân anh. Nó ve vẫy đuôi. Chắc nó xem anh là bạn, tử tước nghĩ, lòng cảm thấy tức cười. Thậm chí nó không sủa một tiếng.
– Xin ngài đứng xuống cho – anh ra lệnh cho con chó – Tao không ưa thấy hai chân mày làm vấy bẩn lên ủng và lên quần tao.
Con chó liếm tay anh. Anh thấy con chó săn này chưa bao giờ chịu vâng lời. Rõ ràng nó đã được nàng nuông chiều thành hư.
– Toby, mày đâu rồi? – Anh nghe nàng gọi – Toby? Thế rồi trong khi anh loay hoay nắm hai chân trước con chó lôi xuống đất khi nàng hiện ra trước mặt anh. Thấy anh, nàng dừng lại, nhìn anh và anh nhìn lại nàng. Thế này thì điên thực anh nghĩ. Tại sao anh làm như thế này nhỉ? Nàng là một phụ nữ đạo hạnh, mà anh thì không muốn dính dáng đến loại phụ nữ đạo hạnh. Nhất là mặt đối mặt như thế này.
Chuyện chiều hôm qua giải quyết như thế nào?
Nàng nhìn ra phía sau lưng anh như thể xem có Nat và Eden không, rồi nàng lại nhìn anh, nhưng không nói gì.
– Tôi đang đứng trên khu đất của em tôi – anh nói – Bà vào đây làm gì?
Nàng hếch cằm lên, đáp:
– Ông Adams mở rộng vườn cây cho dân làng vào chơi. Nhưng tôi đi băng qua vườn cây để về nhà. Đến giờ chúng tôi về rồi.
– Băng qua cây cối để về nhà – anh nói – Từ đây bà theo con đường này sẽ đến cổng sau của trang viên, bà tránh con đường đi qua làng. Đi đường này thoải mái hơn. Để tôi chỉ đường cho bà.
– Tôi biết rồi, cảm ơn ông.
Anh không để ý đến lời nàng, định dắt ngựa đi với nàng qua rừng cây, nghĩ bụng với cách con chó tìm tòi khám phá loanh quanh, họ phải đợi nó, nên ít ra họ cũng phải mất nửa giờ mới đến nơi. Chỉ ở một mình với nàng trong rừng cây, thế nào Claude cũng điên đầu khi biết chuyện này.
Anh cười rồi hỏi:
– Bà để tôi cùng đi với bà nhé? Bà đi với tôi sẽ được hoàn toàn yên ổn. Sáng hôm nay, tôi không có thái độ gì quyến rũ bà hết.
Nàng đỏ mặt, anh nhìn vào mắt nàng, vẫn tươi cười, nụ cười và ánh mắt như đang khép nhẹ sợi dây vô hình nối hai người lại.
– Tôi không thể cấm đoán ông được – nàng nói – Vì tôi là người đi vào lãnh địa của em trai ông và ông là khách quí.
Nhưng anh nhận thấy nàng không đả động gì đến chuyện đi qua cổng để ra con đường về nhà hết.
Họ đi bên nhau, không đụng chạm nhau. Nhưng anh cảm thấy hoàn toàn biết hết về nàng, lòng anh rộn rã.
– Hoa anh thảo nở rồi – anh nói – hoa thủy tiên vàng cũng sắp nở. Trong bốn mùa tôi thích mùa xuân nhất, còn bà, bà cũng thích chứ?
– Phải – nàng đáp – Năm mới, hy vọng mới. Mùa hè tươi sáng đầy hứa hẹn đang nằm trước mắt. Phải, mùa xuân là mùa tôi thích nhất, mặc dù hoa trong vườn tôi không đủ muôn sắc như mùa hè.
Hy vọng mới. Anh phân vân không biết nàng hy vọng cái gì? Không biết nàng mơ cái gì? Nàng có mơ cái gì không nhỉ? Hay nàng chỉ bằng lòng cuộc sống buồn bã như thế này và không mơ cái gì hết?
– Hy vọng mới – anh nói – Bà hy vọng gì? Bà hy vọng điều gì nhất?
Nàng nhìn ra phía trước – Anh nhìn vào mắt nàng. Mắt nàng sáng rực, ánh mắt khiến anh hiểu được phần nào tâm trạng của nàng. Ánh mắt lóe lên nỗi ao ước được sống theo ý mình. Nàng đáp:
– Hy vọng được sống hạnh phúc yên ổn.
– Có phải bà không được như thế nên mới hy vọng? – Anh hỏi.
– Tôi được cả hai – nàng ngước mắt nhìn anh – Tôi muốn được giữ hai thứ này. Chắc ông biết hai thứ này rất mong manh, mong manh như bọt nước. Hai thứ này không bền vững, người ta rất khó giữ được mãi mãi cho mình. Tô ước chỉ được giữa mãi cuộc sống hạnh phúc và yên ổn.
Anh đã làm cho nàng lo sợ cuộc sống hết yên ổn. Trong giọng nói của nàng không có vẻ gì là lên án anh, nhưng anh biết nàng cố tình tránh anh. Mà tại sao lại mong manh như giọt nước? Vì chồng chết nên nàng thấy cuộc sống như thế ư? Cũng như anh, anh thấy hạnh phúc mong manhh khi người vị hôn thê của anh thay lòng đổi dạ?
Anh nhún vai. Anh hy vọng gì? Anh mơ gì? Không mơ gì hết. Nghĩ như thế xem ra thật quá đáng, nhưng sự thật là thế. Chỉ khi người ta không hy vọng gì, không mơ gì, người ta mới có thể làm chủ được đời mình. Mơ mộng thường dính dáng đến người khác, mà người khác thì không đời nhào chịu trách nhiệm về việc ta bị thất vọng, ta bị đau khổ.
Anh đáp:
– Tôi không để tâm vào việc mơ mộng. Tôi sống vui chơi thỏa thích từng ngày. Cứ mơ đến chuyện tương lai, người ta bỏ phí hiện tại trước mắt.
– Đúng là hiện sinh theo mốt thời thượng – nàng cười – Nhưng tôi nghĩ người ta không thể sống mà không mơ mộng. Theo tôi thì tất cảm chúng ta ai cũng có mơ mộng. Nếu không mơ mộng, làm sao ta chịu đựng được cuộc sống?
– Thế đôi lúc bà cảm thấy cuộc đời không chịu đựng được à? – Anh hỏi. Anh phân vân không biết thật sự nàng có được sống trong hạnh phúc không. Nàng đã sống ở đây 5 năm rồi. Nàng sống cuộc đời góa bụa ít ra đã lâu như thế. Nàng bao nhiêu tuổi? Anh đoán nàng vào khoảng 25 tuổi. Tức là nàng đã sống đơn côi vào khoảng 20 tuổi. Có thật nàng đã sống hạnh phúc với cuộc sống như thế này không? Dĩ nhiên có thể cuộc hôn nhân của nàng không được may mắn, và vì thế mà nàng thấy cuộc sống góa bụa như thế này là được tự do như sống trong cảnh thiên đàng.
– Tất cả chúng ta đều thỉnh thoảng gặp những trường hợp rất khó chịu trong cuộc sống – nàng nói – Theo tôi thì không ai đủ may mắn để hoàn toàn tránh khỏi cảnh tối tăm của cuộc đời.
Họ đã đến bên dòng sông, con sông chảy qua rừng, ra khỏi công viên, nó vòng quanh phía sau làng. Đến chỗ này, nước chảy mạnh xuống triền đồi, đổ ào ạt trên mặt đá rồi chảy qua chiếc cầu bằng đá, có hai hàng lan can hai bên. Lúc còn nhỏ, hai anh em thường ngồi chơi vắt vẻo trên lan can, hai tay giang rộng để lấy thăng bằng.
Khi đến chỗ cao ở giữa cầu, anh tựa hai tay lên thành cầu rồi nói:
– Nếu bà muốn được yên ổn, thì đây là nơi để cho bà nghỉ ngơi. Cảnh ở đây rất êm ả, không có nơi nào bằng. Đứng đây nghe nước chảy, tâm hồn ta sẽ thư thái, nhất là khi ánh sáng chiếu xuống dòng sông, nó đã xuyên qua cành lá, trông phong cảnh lại càng hữu tình – Anh đã thả cho con ngựa được tự do gặm cỏ ở trên bờ sông.
Nàng dừng lại bên anh, nhìn xuống mặt nước. Con chó vẫn chạy lên phía trước.
– Nhiều lúc nhàn rỗi tôi đã thường ra đứng ở đây – nàng đáp. Có lẽ nàng không nhận thấy giọng nói của nàng đã biểu lộ nhiều ước mơ hơn nổi dung những từ nàng vừa nói.
Qua giọng nàng, anh biết nàng đồng ý với anh rằng khi nào nàng cần tìm sự yên ổn, nàng đã có nơi để tìm.
Anh nhìn nàng, vóc dáng nàng mảnh mai, tươi đẹp. Mấy ngón tay mang găng mỏng của nàng tựa lên mép lan can. Anh nghĩ giá mà ban đầu anh tính toán đúng đắn, thì chắc bây giờ anh đã biết hết được nàng rồi. Chắc bây giờ tấm thân mảnh dẻ mỹ miều này đã nằm trong vòng tay anh rồi. Chắc thân hình của nàng đã nằm gọn lỏn trong lòng anh mềm mại, ấm áp rồi. Chắc anh đã biết nàng yêu một cách từ tốn hay cuồng nhiệt rồi. Chắc bây giờ tình hình đã thay đổi, chuyển biến sang giai đoạn thứ hai rồi.
Anh chắc tình hình đã chuyển biến như thế.
Anh phân vân không biết phải chăng chỉ một hai lần là anh đã thỏa mãn rồi không.
Không biết anh vẫn mê mẩn nàng như bây giờ mãi không? Hay là khi đã biết những gì cần biết là anh đã thỏa mãn, như bao lần anh gặp gỡ các phụ nữ khác? Không biết có phải rồi anh sẽ mất hết hứng thú và thậm chí không muốn theo đuổi nàng nữa như cuộc đi bộ một cách dại dột với nàng sáng nay qua rừng cây trong công viên?
Anh không biết được. Có lẽ anh không làm sao biết được.
Anh không biết mình cứ đứng yên nhìn mãi nàng cho đến khi nàng ngước mắt nhìn anh, mặt lộ vẻ ngạc nhiên và ánh mắt tỏ ra nàng biết hết sự tình.
Anh cố tìm lời để nói với nàng, nhưng anh không nghĩ ra được điều gì để nói hết. Nàng mở miệng như thể muốn nói cái gì, nhưng nàng lại ngậm miệng và nhìn xuống mặt nước. Anh tự hỏi không biết tại sao anh không đứng thẳng người lên và nói với nàng hai người đi tiếp. Anh tự hỏi không biết tại sao nàng không nghĩ đến việc nên tiếp tục đi để phá tan bầu không khí căng thẳng đang bao trùm lên hai người.
Nhưng cả hai không ai nghĩ đến chuyện ấy.
Anh nghiêng người qua một bên, cúi xuống, quay đầu, rồi áp môi vào môi nàng. Anh hé môi để ngậm môi nàng. Môi nàng run run rồi cùng áp môi nàng vào môi anh. Anh không sờ mó nơi nào trên người nàng hết. Hai người đứng yên một lát, môi áp môi.
Nụ hôn không lâu, nhưng với hoàn cảnh như thế này cũng xem là khá lâu. Anh lại nhìn xuống mặt nước. Nàng cũng nhìn xuống dòng sông. Anh cảm thấy bị dao động. Anh không biết tình hình sẽ đi về đâu, anh muốn chấm dứt chuyện này cho xong. Nàng không chịu làm tình nhân của anh. Anh tin chắc nàng không muốn làm tình nhân của anh. Khi lửa dục hừng hực cháy như thế này thì hôn suông thôi chẳng nghĩa lý gì. Họ sẽ không đi đến đâu hết. Mà anh thì không muốn dan díu lâu dài. Anh nói:
– Vì tự trọng, nên tôi muốn biết có phải bà xem nụ hôn này chẳng nghĩa lý gì vì bà không muốn thế phải không?
Nàng im lặng một hồi lâu. Anh nghĩ chắc nàng không trả lời. Có lẽ nàng không hiểu câu hỏi của anh. Nhưng cuối cùng nàng trả lời :
– Phải, chẳng nghĩa lý gì vì thế đấy.
Nếu nàng không chấp nhận như thế thì hoàn cảnh sẽ dễ dàng hơn. Mẹ kiếp! Nàng muốn cái gì ngoài đời nhỉ? Chỉ cần hạnh phúc yên ổn thôi sao? Chứ không cần lạc thú à? Nhưng chắc phải có cái gì khác nữa nàng cần đến, dĩ nhiên phải thế.
– Tôi nghĩ chắc bà muốn lấy chồng lại – anh nói, giọng gay gắt hơn ý định trong lòng mình.
– Không – nàng đáp nhanh – Không bao giờ. Không bao giờ tái giá. Tại sao người phụ nữ lại cứ thích biến mình thành vật sở hữu của đàn ông, rồi chịu đựng bao cảnh nhục nhã vì phải đè nén cá tính của mình để cho vừa lòng chồng? Không, thưa ông, tôi sẽ không tìm cách để ông đưa ra đề nghị đáng giá nghìn vàng ấy. Hoặc là không tìm cách để ông đưa ra bất cứ đề nghị nào khác. Tôi xin nhắc lại để ông nhớ là tôi đã từ chối lời đề nghị của ông vào đêm nọ rồi, và nếu ông nghĩ rằng nụ hôn vừa rồi là hành động trêu chọc, khuyến khích, thì tôi xin lỗi vậy. Nụ hôn ấy không phải nhằm mục đích trêu chọc. Nụ hôn ấy nói trắng ra chẳng có nghĩa lý gì hết. Bây giờ tôi phải về nhà. Xin vui lòng để tôi đi một mình. Tôi xin bảo đảm với ông, tôi không lạc đường. Toby! – Nàng gọi con chó.
Nàng vội vã đi qua cầu và xăm xăm bước về phía trước, vừa khi ấy, con chó săn nhỏ từ trong rừng cây hiện ra, nó chạy nhanh đến phía nàng. Anh không đi theo nàng. Anh đứng yên tại chỗ, chống hai cùi tay trên lan can cầu, mắt nhìn xuống nước.
Nếu không có tiếng cành cây gãy trong các bụi rậm phát ra tiếng kêu lắc rắc khiến cho anh ngẩng đầu lên thì chắc anh còn đứng ở đấy lâu nữa. Anh cứ tưởng nàng quay lại có việc gì. Nhưng không phải nàng, mà là người làm vườn hay người nuôi thú trong công viên của Claude, anh ta nhìn anh với vẻ hơi ngạc nhiên, rồi khúm núm, anh ta đi tiếp.
Cũng may, Tử tước Rawleigh nghĩ, may là anh chàng này không đến sớm hơn vài phút trước đây.
***
Dân làng Bodley-On-the-Water cảm thấy cuộc sống của họ đang bắt đầu lên hương.
Trời trở nên nắng ấm khác thường suốt nhiều ngày liền, khiến cây cối đâm chồi nảy lộc xanh tươi, hoa sơ xuân nở rộ khắp vườn, chồi non đua nhau xuất hiện kể cả các loại cây đáng ra chưa đến kỳ đơm hoa nảy lộc. Một số cừu non lông trắng mịn màng nhảy nhót vui chơi trong đồng cỏ với cừu mẹ lông vàng dầy đậm.
Dĩ nhiên Ông bà Adams cùng khách khứa đã về nhà vào thời điểm này, và hàng ngày không nhiều thì ít họ đều xuất hiện trong làng. Một số dân làng có diễm phúc được họ mời đến nhà. Ông mục sư và vợ được mời nhiều lần. Cả hai đều thuộc giai cấp tiểu quí tộc. Bà Lovering là chị em chú bác với ông Nam tước. Bà Winters được mời một lần. Cô Downes được mời đến dùng trà một buổi chiều với các bà các cô do lời yêu cầu của Phu nhân Baird, bà nhớ đã gặp cô này lâu rồi. Rủi thay là bà Downes quá yếu không thể ra khỏi nhà để đi theo con gái được. Nhưng cô Downes đã báo cho mẹ biết Phu nhân Baird sẽ đến thăm bà vào một chiều nào đó.
Gia đình sẽ tổ chức một bữa tiệc tối có khiêu vũ. Dĩ nhiên có ai ở cách đây vài dặm mà tự cho mình là thuộc dòng dõi cao quí, đều sẽ được mời đến. Thế nào cũng có một ban nhạc hẳn hoi. Chứ không phải chỉ đàn dương cầm như mỗi khi dân làng tụ tập trong phòng khách của quán trọ. Các nhà trồng hoa ở phía sau trang viên Bodley thế nào cũng bị lùng sục để cho đủ hoa trang hoàng phòng ăn và phòng khiêu vũ.
Không có chương trình gì cũng như không có hoạt động hàng ngày nào của gia đình và khách khứa mà giữ được bí mật. Gia nhân trang viên Bodley không phải khi nào cũng bép xép miệng, nhưng hầu như đa số đều là người địa phương, có gia đình ở trong làng hay ở các nông trại gần làng. Một người hầu nam và mấy người làm vườn thường đến quán rượu trong làng vào những giờ nghỉ việc. Bà quản gia Croft là bạn của bà Lovering. Cho nên những tin tức có liên quan đến các nhân vật mà mọi người tha thiết muốn biết đều không làm sao giữ kín được. Không có chuyện gì trong trang viên được giữ bí mật.
Cũng may là những người đưa tin đều trung thực, nên thiên hạ mất vui khi xầm xì với nhau.
Anh chàng Bert Weller sau khi đã uống đến cốc rượu thứ tư vào buổi tối ở quán rượu, kể rằng anh ta đã thấy bà Winters đi dạo với con chó trong rừng cây của lâm viên vào sáng sớm hôm ấy. Điều này thì chẳng có gì lạ hết. Bà Winters có tiếng là người dậy rất sớm. Bà thường đi dạo khi trời còn bình minh. Và bà thường đi vào công viên như nhiều người trong làng. Ông Adams cho phép mọi người làm thế, mặc dù họ biết chắc bà Adams không bằng lòng.
Chỉ có điều lạ lùng là Bert thấy Tử tước Rawleigh cũng đi vào trong rừng cây, không xa nàng mấy, ông đứng trên cầu nhìn xuống nước, còn con ngựa của ông gặm cỏ gần đấy.
Nhưng anh ta nói, chuyện như thế này cũng chẳng có gì lạ. Lạ chăng là mọi người có cảm tưởng như thể bà Winters đi từ hướng cầu đá về nhà.
Có người có ý kiến rằng có lẽ hai người đã gặp nhau, đã chào hỏi nhau.
Percy Lambton cho rằng có lẽ họ đã nói chuyện với nhau “ngoài” việc chào hỏi. Anh ta vừa nói vừa đưa mắt đểu cáng nhìn quanh mọi người như để xem có ai đồng ý với mình không.
Nhưng anh ta không được ai đồng ý. Đấy là vấn đề khó nói, và thậm chí không nên nghĩ đến. Chuyện này nói ra sẽ làm cho mọi người bàn tán lung tung. Tử tước Rawleigh là anh trai của ông Adams – người anh song sinh – Còn bà Winters là người đáng kính trong làng, cho dù không ai biếr rõ bà ở đâu đến hay là không ai biết lai lịch của bà trước khi bà đến ở tại Bodley-On-the-Water.
Có lẽ họ tình cờ gặp nhau và cùng đi với nhau. Dù sao thì khi bà Winters đến nhà ông Adams, hai người đã được giới thiệu với nhau rồi.
Có người lại nhận xét cho rằng họ rất đẹp đôi.
Chà, nhưng mà chàng là “tử tước”, có người nhắc nhở như thế. Mặc dù nàng là người có đức hạnh đáng kính, nhưng cái hố giai cấp ngăn cách hai người quá lớn. Percy Lambton lại có ý kiến.
– Có lẽ cô ta là người hầu hạ cho một phu nhân nào đấy trước đây, nên cô đã bắt chước phong cách cao quí của chủ mình.
Khi bà Hardwick cho thêm rượu vào đầy cốc thì câu chuyện chuyển sang vấn đề khác.
Nhưng dù so thì câu chuyện của họ vừa bàn tán cũng được loan đi khắp làng. Mặc dù người nghe không có ác ý, nhưng họ vẫn quan tâm đến. Họ quan tâm để ý xem thử giữa ngài Tử tước Rawleigh danh giá với bà Winters của họ có thật có dấu hiệu gì tỏ ra hai người tằng tịu với nhau không. Trong đêm tổ chức buổi tiệc có khiêu vũ, đã xảy ra ba biến cố. Thực ra thì chỉ ba chuyện nhỏ nhặt thôi, nhưng đối với những ai sống cách biệt với những nơi xuất phát những lời xầm xì, thì cho dù chuyện nhỏ đến đâu cũng trở thành chuyện quan trọng vượt cả thực tế.
***
Mọi người ở trang viên Bodley đều đi lễ nhà thờ vào sáng Chủ Nhật. Catherine ngồi nhìn bà Adams dẫn đầu đoàn người đi vào, nàng cảm thấy thích thú trước cảnh bà ta đóng vai bà hoàng rất giỏi, đi dọc theo lối đi ở giữa hai hàng ghế, đến ngồi ở ghế có bọc nệm phía trước, nơi bà thường ngồi, nhưng dĩ nhiên không ai lên ngồi ở dãy ghế ưu tiên ấy hết. Hầu hết đều ngồi ở dãy ghế gỗ bóng láng phía sau bà.
Đêm qua ông mục sư và bà Lovering lại được mời đến ăn cơm tối ở trang viên.
Catherine không được mời. Việc nàng không được mời này là hành động rất có ý nghĩa của bà Adams, vì khi nhìn vào bàn ăn ai cũng thấy còn thiếu một bà trong số khách quí của bà chủ. Rõ ràng bà ta trừng phạt Catherine, vì nàng đã cả gan ở một mình với Tử tước Rawleigh trong phòng dạy đàn. Không phải chuyện này thiếu đứng đắn, nhưng bà Adams muốn tử tước chỉ để mắt đến em gái bà trong những tuần lễ sắp đến mà thôi.
Bất kỳ phụ nữ độc thân nào tuổi từ 18 đến 40 đều được bà xem như là kẻ đáng ngại hết.
Juliana lén lẻn vào dãy ghế Catherine đang ngồi, cô bé ngồi xuống bên nàng, nhìn nàng, mỉm cười với thái độ đồng lõa. Bà Adams không hay biết gì về hành động của cô bé hết. Chắc bà đinh ninh con gái bà đang ngồi với một ai đó trong số khách của bà.
Catherine nháy mắt đáp lại cô bé.
Nàng được mời đến dự buổi dạ vũ ở trang viên sẽ được tổ chức vào thứ Sáu sắp đến, nhưng việc này không làm ai ngạc nhiên, ở nông thôn không dễ gì mời đủ một số khách có khả năng để gọi là một buổi dạ hội khiêu vũ. Người nào xem được đều là quan trọng hết, vì nhờ thế mới hy vọng buổi dạ vũ thành công.
Nàng không ân hận khi bị bà Adams cho vào sổ đen. Trong ba ngày qua, nàng hoàn toàn sung sướng vì không gặp Tử tước Rawleigh. Bây giờ nàng mới có cơ hội để liếc mắt nhìn chàng, anh ta ngồi bên cạnh cô Hudson ở dãy ghế có lót nệm, cách người em trai hai chỗ. Trời đất, hai người giống nhau như đúc. Hai người đều có nước da sậm, đẹp trai như cùng đúc ra một khuôn.
Nụ hôn! Chỉ là hai đôi môi gặp nhau thôi! Không có gì hết. Không có gì ngoài hiện tượng ấy. Nhưng nó vẫn còn in dấu tai hại trong lòng nàng. Nó ám ảnh nàng suốt ba hôm nay và ban đêm nó thâm nhập vào những giấc mộng của nàng.
Không thể nói nàng không ngờ sự thể lại xảy ra như thế được, không thể nói nàng không ngờ chàng lại hôn nàng. Nàng đã biết thế nào chàng cũng hôn nàng. Nếu nói không biết thì là khờ dại. Không khí trên cầu đã cho nàng biết thế nào cũng xảy ra chuyện ấy. Đáng ra nàng phải phá tan không khí căng thẳng ấy mới đúng. Đáng ra nàng phải nói cái gì kia. Đáng ra nàng phải di động. Đáng ra nàng phải tiếp tục cuộc đi bách bộ. Thế mà nàng không làm gì hết.
Chính chàng là người đã hôn nàng. Chính chàng đặt môi mình lên môi nàng, rồi cứ để hai môi hé mở. Để cho nàng phải có nhiệm vụ tích cực, chủ động, vì chàng sợ nàng quay mặt đi, không đáp lại. Nàng cố tin rằng chính chàng là người hoàn toàn đáng trách, nụ hôn ấy là nụ hôn lén, sau khi chàng đã cả quyết với nàng rằng chàng không dụ dỗ phụ nữ vào lúc sáng sớm.
Nhưng nụ hôn ấy thực ra không phải nụ hôn lén. Mà nụ hôn đã được hai bên cùng thỏa thuận. Ít ra nàng cũng có trách nhiệm về nụ hôn ấy. Nàng không trách nụ hôn, bởi vì… phải, bởi vì nàng đã muốn hôn. Nàng hiếu kỳ. Ồ, không phải, nói thế sai rồi. Nàng khao khát được hôn. Chỉ có thế.
Nhưng tại sao nàng cứ ấm ức trong lòng về chuyện nàng để cho anh vào thăm nhà nàng và nói chuyện với anh trong phòng dạy đàn? Nàng là đồ đạo đức giả. Nhưng nàng không muốn tiếp xúc với anh nữa. Nàng không muốn có những hành động điên khùng như thế nữa.
Ôi, thật chán mứa anh chàng đểu giả có sức hấp dẫn kỳ lạ kia, nàng nghĩ, lòng ngán ngẩm, vừa đưa mắt nhìn xuống cuốn kinh cầu nguyện, đồng thời nghiêng một bên tai để nghe Juliana thì thầm kể chuyện. Cô bé cho biết hôm qua bé đi ngựa chơi với bác Rex, và khi bé yêu cầu bác cho ngựa phi nhanh, bác đã thúc ngựa phi nước đại khiến cho mẹ bé phải phàn nàn, nói với bác rằng bé đã sợ hết hồn, và ba cười, ba nói với má rằng bác Rex cưỡi ngựa rất giỏi, bác là kỵ binh của nước Anh, rồi ông Gascolâgne…
Nhưng buổi lễ bắt đầu, Juliana phải im lặng – bé cười và nháy mắt.
Catherine định sẽ rời khỏi nhà thờ ngay sau khi buổi lễ chấm dứt. Nàng không muốn gặp mặt bất kỳ người nào trong đám người ở trang viên Bodley. Nhưng rồi chuyện xảy ra không như ý muốn của nàng. Juliana có chuyện khác nữa muốn kể cho nàng nghe.
Cô bé háo hức kẻ chuyện chiều hôm qua bé đã đi chơi ở lâu đài Pinewood. Ở đây, ngài Pelham đã đem bé lên tận trên các bức tường có lỗ châu mai khiến bé sợ hết hồn, rồi bác Rex dẫn bé xuống tận ngục thất ở dưới lâu đài, và bé lại sợ nữa, nhưng thực ra đây không phải là ngục thất, vì có một cánh cửa có chấn song mở ra dòng sông và bác Rex nói rằng chỉ có những ai lãng mạn mới cho rằng đây là ngục thất. Sự thực thì có lẽ đây là một nhà kho chứa đồ tiếp liệu bằng đường thủy.
Khi bé kể xong câu chuyện thì mọi người đã ra ngoài hết rồi. Khi họ đi qua, người nào cũng nhìn nàng, vì Juliana ngồi bên cạnh nàng và đang nói tía lia với nàng. Nàng gượng nghĩ thầm: hy vọng khi đi ra sẽ không gặp ai cả.
Juliana đi ra trước nàng, và nàng mong sao lúc ra về sẽ không ai thấy. Nhưng cả đám người vẫn còn đứng tụ tập trên đường vào nhà thờ. Và Mục sư Lovering vẫn còn đứng ở đầu tầng cấp để đợi bắt tay nàng, và sau khi bắt tay xong, ông vẫn nắm tay nàng, khen ngợi nàng đã trang hoàng hoa nghệ tây vàng và hoa anh thảo trên bàn thờ của giáo đường. Ông mục sư nói:
– Chúng tôi rất cám ơn về số hoa của bà, mặc dù mới đầu xuân hoa chưa nở đẹp lắm, nhưng cũng đã trang hoàng tươm tất giáo đường nhỏ mọn của chúng tôi trước mặt quí vị khách quý. Tôi xem đây là dấu hiệu khẳng định sự tôn kính đối với giới tu sĩ. Bà Winters à, giới tu sĩ chúng tôi quá nghèo nên chúng tôi không nghĩ chúng tôi có ý đồ xúc phạm đến họ, chúng tôi nghĩ là chúng tôi chưa làm đầy đủ nhiệm vụ để đón quí khách của ông Adams, kể cả ngài Tử tước Rawleigh đến dự lễ tại nhà thờ của chúng tôi sáng nay.
– Dạ, quả vậy – Catherine đáp nho nhỏ.
Nhưng Phu nhân Baird đã đến chào nàng, cùng đi có chồng bà và bà Lipton. Rồi Tử tước Rawleigh cũng đến, khẽ cúi đầu chào nàng và nhìn nàng đăm đăm. Nàng sợ – nàng rất sợ – sợ đỏ mặt. Nàng cố gắng hết sức để không nghĩ đến cuộc gặp nhau của họ vào hôm nọ.
Cố không nghĩ đến nụ hôn hôm nọ!
Nàng nói chuyện một lát với Phu nhân Baird, ngài Clayton và bà Lipton. Rồi nàng lễ phép xin kiếu từ.
Khi nàng vừa quay đi bỗng nàng nghe có tiếng cất lên, giọng ngạo nghễ, buồn buồn:
– Bà Winters, nếu bà cho phép, tôi xin đưa bà về nhà.
Đi trên con đường làng dài này ư! Qua cầu rồi qua nhà bà Downes, rồi qua nhà ông mục sư, rồi qua khắp làng trước khi đến ngôi nhà tranh ở cuối đường. Rồi cả làng và một nửa dân ở vùng quê, cả gia đình và khách ở Bodley đang còn đứng tụ tập ở sân nhà thờ và ở trên đường thấy ư!
Dĩ nhiên không có chuyện gì đáng ngại cho lắm. Họ sẽ đi trước mặt mọi người, đi đàng hoàng trên đường. Trước đây nàng thường có người đưa nàng từ nhà thờ về nhà rồi.
Nếu một người đàn ông nào khác đề nghị như thế này, chắc nàng không cảm thấy lúng túng và ngượng ngùng chút nào hết. Nhưng bây giờ việc nàng không làm được, là tuân theo bản năng, để trả lời với anh là không cần thiết đưa nàng về. Làm thế sẽ gây nên bao lời bàn tán xôn xao.
– Cám ơn ông – nàng đáp rồi đi trước anh xuống con đường dẫn ra đường làng. Nàng chỉ mong sao anh đừng đưa tay cho nàng vịn. Anh không đưa. Tại sao anh lại làm như thế này nhỉ? Nhưng tại sao anh phải nhận thấy mới được kia chứ? Lần gặp nhau vừa rồi, nàng đã để cho anh hôn kia mà. Nàng cảm thấy chết điếng cả người, và cảm thấy mọi con mắt đều đang nhìn theo, cảm thấy chắc họ đã biết hai người gặp nhau trong rừng cây sau khi đã gặp nàng vào sáng hôm ấy.
Lạy Chúa, nàng lại cầu nguyện lần thứ một trăm, xin Chúa đừng để cho Best Weller trông thấy Tử tước Rawleigh ở trong rừng cây sau khi đã gặp nàng vào sáng hôm ấy.
– Bà Winters – Tử tước Rawleigh nói – hình như tôi đã làm một việc sai trái cho bà
– Một việc thôi ư? – Anh muốn nói đến việc nào nhỉ?
– Tối qua bà không đến ăn tối – anh nói tiếp – Và dự buổi khiêu vũ bất thường sau đó, mặc dù Clarissa thấy số phụ nữ nhằm con số lẻ xui xẻo. Tôi đoán thím ấy không mời bà và tôi đoán chắc do lỗi của tôi mà ra. Bà nhớ chuyện xảy ra trong phòng nhạc rồi.
– Có gì đâu – nàng đáp – ngoài việc tôi chơi nhạc Mozart quá dở và ông nói với tôi ông lấy làm thắc mắc.
– Và đã mắng tôi một trận nên thân, tôi không có thì giờ để trả miếng. Dĩ nhiên Clarissa rất tức bực khi thấy hai chúng ta ở trong phòng. Bà lại quá đẹp khiến cho thím ấy mất ăn mất ngủ.
Lời khen làm cho nàng sung sướng, thật điên. Nàng đáp:
– Bà ấy khỏi lo vì theo chỗ tôi biết thì ông đã được ông Hudson hay bất kỳ cô nương nào do bà Adams chọn lựa đều giang rộng hai tay đón tiếp. Đối với tôi, chuyện này chẳng có liên quan gì.
– Và tôi cũng không có liên quan gì với bà hết – anh nói với tiếng thở dài – Bà Winters này, tại sao bà lại đi hạ mình trước một người đàn ông cao ngạo như thế? Tại sao bà cho phép tôi hôn bà?
– Tôi không… – Nàng nói nửa chừng bỗng im bặt.
– Khi vừa đi nhà thờ về, bà nên lựa lời mà nói cho khéo. Chắc bà sắp ăn nói chua cay rồi đấy. Bà chưa trả lời câu hỏi của tôi.
– Nếu tôi làm thế – nàng nói – thì tôi ân hận ngay và mãi mãi ân hận vì chuyện hôn ông.
– Phải rồi, nhiều lúc như thế, người ta thường cảm thấy cô đơn, phải không? Bà có thường nhớ lại chuyện ấy như tôi trong ba ngày – và ba đêm qua không?
– Không nhớ lần nào hết – nàng tức tối đáp.
– Tôi có thể tin bà không nói dối được không? – anh hỏi, mắt nhìn một bên nàng – Bà Winters à, tôi không nhớ một lần nhớ bà mà có lẽ tôi đã nhớ đến một chục lần. Nhưng nói thế chắc còn ít, tôi nghĩ thế. Có khi nào bà thay đổi ý về một câu trả lời do người ta hỏi bà không?
Họ đã đến nhà nàng. Nàng mở cổng, vội vã bước qua rồi đóng cửa lại. Nàng nhìn anh và nói:
– Thưa ông, chắc tôi không đổi ý đâu.
Nàng tự hỏi: tại sao đàn ông thường tin rằng nụ hôn là dấu hiệu của lòng ham muốn và thậm chí còn là dấu hiệu của sự phục tùng?
– Thật tội nghiệp – anh trề môi đáp – Bà đã kích thích khẩu vị của tôi, mà tôi thì chúa ghét cảnh thích ăn mà không có tiệc để ăn cho khoái khẩu.
Nàng quá giận. Nàng muốn bước qua cổng tát cho anh ta một cái thật mạnh. Nàng nghĩ còn gì thú vị cho bằng khi thấy năm ngón tay in dấu đỏ rần trên khuôn mặt đẹp trai kia. Nhưng nàng nghĩ làm thế sợ có người đi trên đường sẽ thấy, cho nên nàng đành kềm lòng lại. Nếu nàng vùng vằng quay đi từ cổng vào nhà với thái độ giận dữ, thì chắc cũng có người để ý đến.
– Thưa ông, tôi không phải là bữa tiệc – nàng nói – và ông sẽ không bao giờ thỏa mãn được khẩu vị của ông về tôi. Xin chúc ông một ngày vui vẻ – Nàng quay lại với vẻ từ tốn cao quí, để nhỡ có ai đi ngoài đường nhìn vào họ sẽ không ngạc nhiên, rồi quay đi vào nhà, con Toby đứng sau cửa đang chồm lên mừng rỡ.
Nàng đã mắc phải sai lầm vì nhìn lui trước khi bước vào nhà, vì vậy thái độ dứt khoát của nàng xem như hỏng bét. Anh nhìn theo nàng, trề môi ra vẻ nghi ngời, mắt ánh lên vẻ thích thú. Anh ta khoái việc này lắm, nàng tức giận nghĩ. Anh ta đang vui sướng khi thấy sai lầm này của nàng.
Sau khi đóng cửa thật mạnh, nàn cảm thấy ân hận, nàng ước chi có thể ra ngoài ấy lại và làm gì đó khác hơn. Người ta chỉ đóng cửa mạnh khi nào giận dữ mà thôi. Nếu được làm lại, nàng sẽ đóng với vẻ lạnh lùng khinh bỉ. Ngay câu nói của nàng cũng có vẻ hằn học giận dữ.
– Ôi, Toby, – nàng nói, cúi xuống gãi vào bụng con chó làm cho nó đê mê, sảng khoái – anh ta khủng khiếp quá chưa bao giờ tao gặp một người như thế. Anh ta không những là kẻ phóng đãng mà còn muốn lừa gạt người để mua vui. Tao không phải là kẻ dễ bị lừa gạt đâu, Toby à. Rồi anh ta sẽ thấy như thế. Thế nào anh ta cũng cố dụ dỗ một phụ nữ nhẹ dạ hơn.
Vấn đề khó khăn là trong lúc đi trên đường về nhà, nàng đã nhìn vào môi anh nhiều lần. Nàng rùng mình nhớ lại cảm giác khi đôi môi ấy áp vào môi nàng – Cảm giác ấm áp, ươn ướt, lâng lâng. Nàng đã muốn có lại cảm giác ấy.
– Không, nàng nói, giọng cương quyết, vừa đi theo con chó vào nhà bếp – Mày không được nhảy lên ghế xích đu.
Con Toby nhảy lên ghế xích đu và loay hoay lựa thế nằm.
– Đồ đực! – Catherine nói với vẻ ghê tởm, nàng quay mặt nhìn vào lò lửa – Giống đực các người đều giống nhau hết. Các người không có từ vựng “không”. Đối với các người không tức là có. Ta ước chi – Ôi, ta ước chi sống mà không có các người!
Con Toby nhân danh cho giống đực trên thế gian, nó buông tiếng thở dài, đưa mắt nhìn nàng với vẻ hân hoan.