Nàng Iđo

Chương 24


Đọc truyện Nàng Iđo – Chương 24

Những ngày tiếp theo, nàng ít gặp Tro-bo. Buổi sáng trời chưa sáng rõ, chàng đã vội vã đi đến phòng vẽ mới, chỉ đến khi trời nhập nhoạng tối chàng mới trở về nhà. Chàng ăn nhiều như một con sói đói vậy. Sau đó chàng hút thuốc và đi nằm. Chàng không có cả thời gian để đến Luit-pôld nữa.

Không đừng được, một lần I-đo hỏi:

– Ngài ăn trưa ở đâu, nếu như em được phép hỏi ngài.

Tro-bo nhún vai:

– Tôi không ăn trưa.

– Không ăn trưa?

– Đúng vậy, vì tôi không có thời giờ.

I-đo sợ hãi hỏi.

– Vậy ra ngài chỉ ăn tối thôi ư?

– Thế cũng đủ rồi, tôi không có thời gian đi ăn trưa đâu. Đến lễ giáng sinh là tôi phải vẽ xong bức tranh.

– Như thế cũng làm gì đến nỗi không có một chút thời gian để ăn trưa?

– Tôi có chuẩn bị đồ khô. Sáng sáng tôi mang đến phòng làm việc một lít sữa và hai cái bánh mì tròn nhỏ. Với đồ đó, tôi đủ sống đến tối.

– Thế em sẽ mang thêm bữa trưa đến đó cho ngài nhé?

– Phòng làm việc ở xa đây lắm, tận phố Bô-va-ri-a. Kể ra, ở đó cũng có tiệm ăn đấy nếu như tôi cảm thấy đói. Nhưng mà tôi cũng không còn có thời giờ nghĩ đến cái đói kia.

Ngày hôm sau, vào lúc mười hai giờ trưa Ka-ti bõ cửa phòng làm việc của Tro-bo, trong tay có xách cái cặp lồng bốn ngăn đựng thức ăn, sau lưng cô là I-đo.

– Xin lỗi ngài vì chúng em đến quấy rầy, nhưng em bắt buộc phải làm như vậy… – I-đo nói nàng hơi đỏ mặt.

Trong phòng vẽ của Tro-bo lộn xộn, bừa bãi và đầy rác rưởi, mùi ẩm mốc. Đủ thứ để lẫn lộn như chai lọ, ủng, giầy, giấy má. Trong một góc nhà còn vứt bộ đồ trắng muốt mà người mẫu làm thiên thần mặc. Trên bàn cũng có đủ thứ nào là mầu, bút vẽ, giẻ rách, xà phòng, lọ dầu vẽ, chai sữa, bánh mỳ tròn, tẩu hút, hộp thuốc, than vẽ, đèn chiếu sáng, ảnh chụp mẫu v.v… Ở tường dựa một bức vẽ lớn, đó là bức thảm cảnh của thiên thần, bên cạnh là bức tranh nhỏ đã vẽ toàn bộ từ trước giờ phóng ra.

– Ở đây bẩn lắm, không có ai quét dọn đâu! – Tro-bo nói vẻ căng thẳng, – Lúc nói đến nhận phòng, nó đã bừa bãi thế này rồi, nhưng mà tôi không biết dọn…

– Bừa thế này thì ngài không thể tìm được cái bánh ở đâu đâu. Ka-ti, em hãy thấm cho ướt một cái giẻ và lau sàn nhà trong khi ông chủ đang ăn. Nhưng trước đó, em hãy chạy đi mua một cốc bia về cho ông chủ đi đã.

Trong khi Tro-bo ngồi ăn trưa, trên bàn dần dần biến mất rác rưởi, cùng các chai lọ rỗng, mùi ẩm mốc. Trên sàn nhà, bụi cũng đã được lau sạch. Bộ trang phục của người mẫu cũng đã được móc lên trên các cái giá treo còn trống rỗng.

Tro-bo không cám ơn, mà chàng chỉ lắc đầu cười vui vẻ:

– Có thế chứ, nếu mà em không phải là vợ ép cưới của tôi, thì tôi chỉ xin cưới em làm vợ thật mà thôi, – Tro-bo nói giọng đùa vui.

Đó là lần đầu tiên giữa chàng và nàng có một câu đùa như vậy.

Ăn xong, chàng lại vội cầm lấy bảng mầu, bút vẽ.

Ka-ti ngạc nhiên, những người Hung lại có phong tục lạ vậy? Một đôi vợ chồng trẻ mà chỉ cám ơn nhau ngắn ngủi và chào nhau khi đứng cách nhau khoảng sáu bước chân ấy.

Sau đó I-đo cũng tìm được nhà ở gần với phòng vẽ, mà lại có sẵn đồ gỗ, nhà thuê của một bà góa. Ở đây chỉ có ba phòng nên tiền thuê nhà cũng rẻ hơn ở nhà cũ. Tuy vậy nàng cũng cần phải sắm thêm đồ nhà bếp, nhưng cái chính là có điều kiện cho Tro-bo làm việc.

I-đo lại tìm được những người bạn gái ở trong ngôi nhà đó. Hàng xóm của nàng là một cô giáo dạy nhạc trong trường phổ thông âm nhạc và em gái của cô ta. Trước cửa nhà hai chị em có biển đề tên: Rup-êch Ka-rô-lin, đó là tên cô chị còn tên cô em là Te-rêz. Cả hai cô đều đã quá lứa lấy chồng, nom hình thức cả hai đều quá bé nhỏ và đầy tàn nhang, đó là các cô gái vùng Va-bơ-rơ chính cống. Các cô than rằng, thời này phụ nữ thật khó lấy chồng.

– Mà đàn ông bây giờ họ không còn tình yêu, họ chỉ cần bảng đếm tiền mà thôi.

Ka-rô-lin thì nhắc lại anh chàng tìm hiểu cô thời trẻ, đó là anh chàng công nhân nhà máy xe. Anh ta đã mời cô đi nhẩy nhiều lần, tặng hoa cho cô. Còn Te-rêz nhắc đến anh chàng bán hàng mỹ phẩm. Người mà chẳng có một chàng trai nào trong thành phố lại sánh kịp chàng vì mùi nước hoa dịu ngọt của anh chàng. Về hai anh chàng này thì chỉ còn để lại bằng chứng là những bức thư. Họ cũng lôi thư từ ra để chứng minh cho I-đo thấy, liệu còn có người phụ nữ nào nhận được những bức thư tình đẹp đẽ hơn các cô không?

Hai cô gái đó còn cho I-đo làm quen với hội bạn bốn cô cũng quá lứa như họ. Chiều nào, họ cũng lại tụ tập lại để chơi nhạc. Tối tối đi xem ở nhà hát hoặc đi nghe hòa nhạc. Chị hàng xóm cũ của I-đo, chị Dô-zê-phin cũng thường lại thăm I-đo. Những lúc I-đo đi chơi, nàng thường đeo chiếc vòng tay của Tro-bo tặng. Đôi khi, Tro-bo cũng đi chơi cùng I-đo, đó là những hôm trời mưa gió, hoặc chàng chỉ cần vẽ đến trưa, chiều chàng ở nhà. Cuối tháng hai chàng định vẽ xong hoàn hảo bức tranh và đặt nó vào khung để trưng bày.

Đầu tiên chàng định gửi đi triển lãm ở Pa-ri.Sau rồi, chàng lại nghĩ, hay là để triển lãm tại Muy-chen. Nhưng đến tháng giêng chàng lại quyết định phải mang bức tranh về triển lãm tại Bu-da-pest, bởi vì bức tranh mang tính dân tộc Hung, thì các dân tộc khác chắc gì đã hiểu được.

Lúc này tranh cũng đã vẽ xong. Chàng viết thư báo cho Ti-nho-kốp biết và bảo, nếu ông muốn xem tranh thì hãy đến Bu-đa-pest. Ti-nho-kốp trả lời bằng điện báo: “Hãy chụp ảnh bức tranh gửi cho tôi xem. Lãnh sự quán Nga ở Bu-đa-pest sẽ nhận tranh gởi về cho tôi”.

I-đo rất thích bức tranh. Tất nhiên, nàng không nói thẳng ra rằng nàng thích nhất là hình ảnh thiên thần.

Gương mặt cô gái đang hấp hối đó rất đẹp, đẹp hơn cả gương mặt thật của nàng kia. Tất nhiên, điều này không phải tự nàng nghĩ ra, mà là hai chị em cô Bup-rêch thì thầm sau lưng nàng mà nàng nghe được. Đôi bàn tay của thiên thần chính là đôi bàn tay của nàng, những ngón tay xòe ra bấm vào đất, còn cánh tay kia rũ xuống hoàn toàn bất lực. Đặc biệt nhất của nghệ thuật là hai cái cánh lông chim xù bay tơi tả xung quanh. Một cái cánh bị gẫy quặt xuống xung quanh có năm người đàn ông và sáu người đàn bà, ba đứa trẻ con đứng nhìn ngơ ngác, ngây ngô. Trong đám đàn ông có ba người thành kính ngả mũ xuống. Khuôn mặt rám nắng của họ trông có vẻ thảng thốt. Những bàn tay của họ to lớn thô kệch tương phản với đôi tay đẹp nuột nà, trắng trẻo của thiên thần. Xa xa là dòng suối nhỏ và cối xay gió, có một con lừa đứng, và có năm đứa trẻ con đang chạy. Một đứa giơ tay lên mồm làm loa gọi lên phía cối xay. Có đứa trẻ khác vừa chạy vừa vẫy tay gọi ai đó. Hậu cảnh là một cái bóng cây liễu, cây thùy dương xanh trên cánh đồng cỏ.

Một ngày chủ nhật, Tro-bo gọi tất cả các bạn thân lại để cho họ xem tranh.Chàng tuyên bố:

– Mình yêu cầu các bạn chỉ nói những điểm yếu, điểm chưa đạt của tranh mà thôi…

Các bạn thân của chàng đã đến đủ. Họ nhìn chăm chú, im lặng. Họ bước đến gần, họ lùi ra xa ngắm nghía rất kỹ càng như định kiểm tra.

– Thật là cừ đấy, – Họ trầm trồ với nhau, – rất tuyệt. Mình có lời mừng cậu đấy.

Họ thi nhau ca ngợi tranh, nhưng gương mặt họ rất nghiêm trang như chính họ là người cần phải mua bức tranh đó vậy.

Quãng mười một giờ trưa, I-đo và Ka-ti mang đến cho họ một khay bánh nướng kem, một chai cô-nhắc và thuốc lá.

Các chàng họa sĩ vui hẳn lên, đặc biệt là Ken-đer. Anh xoa tay vào nhau trầm trồ:

– Máy ghi âm có câu hát nói rằng: Crème de la Crème de cognce . Chỉ có năm từ thôi đấy!

Họ lại xúm vào khen ngợi tranh với I-đo, họ chúc mừng chồng nàng đã tiến một bước lớn trong nghệ thuật hội họa.

Tro-bo lúc đó đang trầm ngâm trước bức tranh. Chàng không chờ được nghe những lời khen ngợi, chàng muốn biết còn thiếu sót gì mà chàng chưa nhìn thấy. Họ nói thì chàng mới biết mà sửa được. Ví dụ như quí hóa biết bao khi có người góp ý với họa sĩ Mun-ka-sy về bức tranh Giữ Tổ quốc:

– “Chỉ nhóm người này trông hơi kịch quá!…”


Hoặc là ai đó mà góp ý cho Ti-zi-an trong bức tranh Sự xuất hiện của Ma-ri-a trong nhà thờ rằng gương mặt Ma-ri-a quá trẻ vả lại món tóc đằng sau có vẻ xòa ra thật miễn cưỡng, khuôn mặt không có vẻ cao quí… Như là tượng trẻ con của Lao-koon đã sai lầm ở chõ nặn đầu những đứa trẻ mà lại không phải là đầu trẻ con. Hay là có ai góp ý với Ben-zur rằng trong bức tranh trở lại chiếm giữ thành Bu-đo thì cần phải vẽ những tráng sĩ Hung-ga-ri chứ không phải tướng lĩnh người Áo…

Một giờ, mọi người đã rời khỏi phòng đi về, chỉ có Ken-đer còn lịch sự ngồi bên bàn với I-đo, mẹ đỡ đầu của con anh. Mi-key và Be-re-ky đang lấy mũ chuẩn bị ra về. Tro-bo gọi họ:

– Các cậu đừng về vội.

Và chàng giận dữ đập bàn.

– Mình không có lấy một người bạn tốt, lúc này là lúc cần phải chứng tỏ tình bạn phải không?

– Nhưng cậu muốn gì! – Mi-key lúng túng nói, – Tranh của cậu rất đẹp, rất cừ. Trong đó xuất hiện sự vĩnh cửu của nghệ thuật, nhưng trong tranh còn thiếu cái gì đó, còn cần cái gì đó mà mình cũng không thể nói ra lời được. Mình chỉ cảm thấy chứ không diễn tả nổi.

– Không thể thế được, các cậu phải thấy được những nhược điểm trong tranh. Các cậu biết yếu điểm của mình là gì chứ, trong tất cả cácbức tranh khác nữa. Người họa sĩ nào cũng có nhược điểm. Cậu hãy nói cả những điều đó, những điều mà các cậu cảm thấy, các cậu thu nhận dược qua kinh nghiệm họa sĩ của các cậu.

Be-re-ky nhún vai:

– Tôi nghĩ rằng trong bức tranh này không phải thiếu cái gì hết, mà chỉ do chủ đề mới quá, nên sự cảm nhận chưa hết.

– Bây giờ thì mình đã biết mình cảm thấy gì rồi, – Mi-key như sực tỉnh, – cái gì thiếu trong tranh ư? Bức tranh này là tranh xuất phát điểm từ tranh sử. Mà tranh sử thì phải có cái gì đó để sơ bộ đánh dấu sự kiện xảy ra. Trong tranh này cái gì chứng tỏ bước khởi đầu của chuyện xảy ra?

Be-re-ky cũng nhìn ngắm, và nghĩ ngợi:

– Chỉ có thế…

– Nói nữa đi! Tro-bo giục giã họ – các cậu hãy nói xem còn thiếu gì. Mình còn chưa thấy gì!

Be-re-ky nhún vai:

– Cậu hãy mời tất cả bọn mình đến trung tâm Luit-pôld đi, rồi tất cả mọi người sẽ cùng nghĩ xem.

Ken-đer ra về cuối cùng.

– Thôi cậu đừng có nghe họ, – Anh an ủi vẻ thân mật, – sự thật là bức tranh tuyệt vời, thật cừ khôi! Trong thế kỷ này chưa có ai vẽ được bức tranh như vậy. Đó là sự thật, ông bố đỡ đầu của con mình ạ. Chỉ có hội họa và nghệ thuật mà thôi.

Tro-bo nhìn anh hỏi vẻ độ lượng:

– Cậu có cần năm mươi mác không?

– Không, mình chỉ xin hai mươi mác thôi, không nhiều hơn đâu.

I-đo không nghe những lời chuyện trò của họ. Nàng ngạc nhiên khi thấy sau bữa ăn trưa, Tro-bo lại đăm chiêu nghĩ ngợi.

– Có chuyện gì vậy, em có biết được không, thưa ngài? – Nàng nói khi Tro-bo đang trầm ngâm nhả khói thuốc.

– Tranh của tôi chưa hoàn chỉnh.

– Chưa hoàn chỉnh ư? Tất cả mọi người đều ngợi khen nó kia mà.

– Còn thiếu một cái gì đó. Đó là sự thật Mi-key đã nhìn thấy vậy.

– Anh Mi-key thì như là chiếc cúp bằng gỗ vậy. Mà một chiếc cúp gỗ thì phê bình làm sao được chiếc cúp vàng.

Tro-bo buồn rầu mỉm cười.

– Cảm ơn em đã an ủi tôi, nhưng vô ích thôi, vì Mi-key đã nói sự thật, – và chàng kể cho I-đo nghe lời Mi-key.

I-đo yên lặng lắng nghe, bỗng nàng khẽ đập tay lên bàn và nói sôi nổi:

– Như vậy ư, nếu thế thì chính ngài cũng là một chiếc cúp gỗ! Xin ngài tha lỗi về câu nói đó, nhưng sự thật như vậy đó! Bởi vì bức tranh này không phải tranh lịch sử, mà nó là một bản tình ca. Mà trong bản tình ca thì người ta không thể nói trắng ra được, chỉ có thể hiện ra bằng tranh. Trong bức tranh này, như em nghĩ chỉ thiếu sự dẫn dắt. Không phải thiếu nữa mà cần phải có, đó là đường chân trời, nó diễn tả sự gặp gỡ của con người, ở thế giới khác, bức tranh thể hiện một vì sao băng rơi xuống, nhưng nó từ đâu tới? Từ một thế giới huyền bí, đúng không nào? Chúng ta cũng chẳng biết đó là nơi nào, nhưng chỉ biết rằng nó rơi xuống mặt đất, đó là điều bức tranh muốn thể hiện.

Tro-bo chăm chú nghe I-đo, nét mặt chàng rạng rỡ lên khi nghe nàng nói.

– Sao băng, – chàng lẩm bẩm với đôi mắt ươn ướt xúc động, – “Sao băng”… I-đo! Hãy cho tôi hôn em đi! Ít ra hôn tay thôi cũng được… Sao băng! Thì chính Zi-chi Mi-kai đã vẽ ngôi sao rơi! Nhưng trong tranh của tôi là một thiên thần.

I-đo hơi tự ái tí chút vì nàng không tránh nổi cái hôn tay của Tro-bo, nhưng trái tim sung sướng rộn ràng, nàng bỏ chạy vào phòng mình.

Tro-bo lại vẽ tiếp.

Chàng vẽ thêm bên cạnh chỗ thiên thần nằm có vài ngọn rau dền, rau mồng tơi, ngọn cỏ… Những thứ gì mà chàng còn phải diễn tả sự hoang dã của trái đất so với miền nào đó mà thiên thần ở. Ngay cả như tranh của Mun-ka-sy chỉ vì nghĩ ra, vẽ bên cạnh đức chúa Kri-xtus là những ngọn dáo La-mã chĩa lên trời, thế mà hình tượng đó đã trở nên bài học cho các học viên hội họa, được ghi vào lịch sử hội họa. Chỉ cần các đường nét và ánh sáng trong tranh phù hợp với nhau.

Lúc ngày, chàng đã đóng gói tất cả những bức tranh lớn nhỏ, những thứ để còn làm tiếp tục vào một hòm riêng gởi về Bu-đa-pest. Chàng chỉ để lại những bức tranh để bán và chàng tiếp tục vẽ thêm các bức tranh mới nữa. Sau lưng các bức tranh, chàng viết sẵn giá tiền bằng các ký hiệu riêng để cho I-đo có thể biết mà bán. Riêng ở bức tranh Zô-lan, chàng không đề gì vào đó cả, I-đo hiểu tranh này không bán.

Các tay buôn tranh đều mua, I-đo thường nói gấp hai – ba lần cái giá ghi sau tranh để cho họ mặc cả. Nàng cười thầm, bởi vì họ thường mua tranh cao hơn cái giá Tro-bo đã định.

Có một người Pháp cũng đến mua tranh, ông ta chọn nhiều tranh, trị giá cả thảy là năm ngàn mác.

– Nhưng mà phải cho tôi thêm cả quyển vở phác thảo này của họa sĩ, và cả bức tranh người đàn bà tóc nâu không bán kia nữa.

I-đo biết những thứ đó không được tính toán để bán, nên nàng yêu cầu ông ta ngày hôm sau hoặc buổi chiều hãy đến lại. Ông ta không thể chờ lâu được, bởi vì một giờ chiều tầu đã chạy về Pa-ri.

– Thế thì ông hãy chờ khoảng một giờ nữa, ông quay lại đây s’il vous plait, monsieur

Và nàng khoác áo choàng lông chạy đến phòng vẽ của Tro-bo.

– Quyển vở phác thảo tôi không thể bán được, – Tro-bo nói, – Trong đó có cả những phác thảo tôi chưa dựng thành tranh được mà chỉ có một hai nét thôi. Nơi thì sáng, nơi thì tối. Tôi không thể bán được. Còn bức tranh người phụ nữ tóc nâu, thì em hãy cất đi chỗ nào mà không có ông khách nào nhìn thấy ấy. Hoặc là cất vào tủ của tôi, hoặc là treo vào phòng riêng của em cũng được.

– Treo vào phòng em ư? – I-đo ngạc nhiên hỏi.

– Chỗ nào cũng được, miễn là họ đừng có nhìn thấy. Tranh vẽ bằng phấn mầu không có giá trị. Nếu như không còn chỗ nào khác thì em hãy cho nó vào hòm của tôi cũng được. Em hãy tìm trong hòm của tôi có một chiếc hộp nhỏ trên có đề thuốc tra mắt em hãy mang đến đây cho tôi với. Tối hôm qua, tôi đọc báo tiếng Đức, giờ mắt tôi mờ quá.


Nói rồi, chàng đưa chìa khóa cho I-đo.

– Em sẽ treo lên đầu giường ngài, – nàng nói vẻ lạnh nhạt.

Đầu tiên Tro-bo còn chưa hiểu vì sao I-đo lại định treo chìa khóa của chàng lên đầu giường? Nhưng sau đó chàng hiểu ra ý I-đo nói tới bức tranh Zô-lan.

– Ừ treo đó cũng được.

I-đo trở về và nhanh chóng thực hiện mọi yêu cầu của chàng. Bởi nàng cũng tò mò trước một cái hòm vốn vẫn đóng kín trước nàng.

Trong hòm Tro-bo cũng chẳng có gì nhiều, vài cái áo sơ mi đã cũ, xà phòng, gương nhỏ, tẩu thuốc đi đường và một số đồ vặt vãnh nữa.

Nàng ấn vào hai cái đinh mở ngăn bí mật. Ngăn đó mở ra nhỏ bằng quyển sổ trong đó có một cái phong bì, trong phong bì có một quyếnổ gửi tiết kiệm đề tên I-đo. Trong quyển sổ là số tiền: 85.834 mác.

I-đo lại đặt quyển sổ vào chỗ cũ. Nàng suy nghĩ:

– Mình cứ tưởng anh ấy lấy mình vì tiền. Thế mà đây là tất cả số tiền của mình còn đầy đủ? Thế vì sao anh ấy lại lấy mình?

Trưa hôm đó, nàng đặt chìa khóa bên cạnh đĩa xúp của Tro-bo và hỏi:

– Mắt ngài đã đỡ chưa?

– Cám ơn em, tôi không sao đâu.

– Em mang cất thuốc tra mắt đi nhé?

– Tôi để ngoài phòng vẽ mất rồi.

– Xin ngài thứ lỗi, vì em đã ấn thử cái ngăn bí mật rồi.

Tro-bo mỉm cười:

– Em đã xem quyển sổ rồi chứ? còn có ở đó không? Tôi hy vọng rằng không thiếu chứ?

– Không thiếu, thậm chí còn nhiều quá là đằng khác. Thế ra mọi chi tiêu phí tổn từ trước tới giờ lại là tiền của ngài ư? Ngài không nghĩ rằng sau một năm sống chung ngài sẽ tự do và rất cần tiền?

Tro-bo nghiêm trang trả lời:

– Tôi không phải là một nô lệ mà sau ba tháng nữa được giải phóng. Theo luật hôn nhân của Hung, nếu người phụ nữ bỏ chồng thì sau khi li dị người phụ nữ còn có quyền đòi hỏi người chồng đóng góp nuôi con kia mà. Nhưng mà chuyện li dị của chúng ta đơn giản hơn nhiều.

– Nhưng mà ngài không có nghĩa vụ phải trả cho em toàn bộ số hồi môn của em.

– Có thể luật pháp không ràng buộc điều đó, nhưng còn những luật của còn người chứ…

I-đo kính trọng nhìn Tro-bo:

– Ngài thật cao thượng.

– Tôi không làm vậy để lấy lời khen ngợi đâu đấy.

– Nhưng em không thể nhận số tiềm mà không phải phần em được phép hưởng.

– Cái gì không được phép?

– Cái số tiền ba ngàn cu-ron mà cha em đưa thêm cho ngài ấy.

– Thì đó cũng là tiền của em.

– Không đó là tiền của chung hai chúng ta. Rồi sau nữa, từ khi chúng ta ở chùng nhau, em mua bao nhiêu là váy áo, giày, dép, mũ. Ngài không nghĩ em phải tiếp nhận các thứ đó từ tiền của ngài chứ?

Tro-bo nhún vai.

– Em có thể tính, nếu như…

– Còn tiền thuê nhà nữa. Ngài chỉ cần một phòng ngủ và một phòng làm việc thôi. Rồi những lần nghỉ ở khách sạn, đi ăn ở tiệm nữa chứ, em sẽ ghi những chi phí ra một hóa đơn.

– Những chuyện đó thì tôi coi như không phải việc của em.

– Ngài cho qua ư?

– Tất nhiên, chẳng lẽ tôi không được quyền chi tiêu ư?

– Nhưng ngài có thể chi tiêu cho một người phụ nữ xa lạ ư?

– Một người phụ nữ xa lạ mà lại quyết dọn phòng làm việc cho tôi ư? Tại sao em – một người xa lạ lại chăm chút đến quần áo, nhà ở, ăn uống của tôi? Vì sao người phụ nữ xa lạ lại mạng bít tất cho tôi? Rồi một người xa lạ lại chạy về lấy thuốc tra mắt cho tôi nữa?

I-đo đỏ bừng mặt khi nghe từ mạng bít tất.

– Thì… thì… em nghĩ rằng đó là những việc tự nhiên của người phụ nữ…

– Vậy thì việc tôi làm cũng là việc tự nhiên của người nam giới. Người nam giới không được phép nhận những sự giúp đỡ mà không đền bù lại được.

I-đo suy nghĩ.


– Dù sao em cũng yêu cầu hãy lấy khoản tiền mà em đã chi tiêu cá nhân ra khỏi sổ tiết kiệm.

– Thì em cứ lấy ra, nếu như em cảm thấy áy náy vì tiền áo váy hoặc chi tiêu vặt vãnh khác. Xin mời, đây chìa khóa đây. Tôi đâu biết em tiêu cái gì, bao nhiêu.

– Nhưng em nhớ, em nhớ từng thứ.

– Thế thì em cứ việc giữ lấy chìa khóa.

– Không, em chỉ lấy quyển sổ ra thôi.

Nàng cầm chìa khóa vào phòng Tro-bo lấy quyển sổ ra và trả lại chìa khóa cho Tro-bo. Nàng lấy tờ giấy trên bàn và cây bút chì cắm cúi viết, tính toán.

Tro-bo mỉm cười nhìn xem nàng tính toán.

– Trông em lúc này rất hay, có thể vẽ một bức tranh: người phụ nữ đang tính được đấy.

– Thế ngài không nghĩ rằng…

– Không, tôi chỉ thấy gương mặt em thật thú vị, khi em suy nghĩ xem chín cộng với mười tám là bao…

I-đo nhấp nhổm ngồi bên bài viết, vội vã tính.

Nàng cố nhớ lại.

Rồi nàng cúi xuống viết.

– Đây xin mời ngài xem: 6751 mác chi phí cho áo váy và thuê nhà, còn tiền thuê phòng ngủ, phòng vẽ của ngài, ngài tính xem, ôi lạy nữ thánh Ma-ri-a! Còn đồ nhà bếp nữa chứ, bao nhiêu thưa ngài?

– Tôi không ghi lại. Em lấy cuốn sổ của tôi trong túi áo khoác ấy, em hãy ghi vào đó bao nhiêu mà em muốn.

– Thế em tưởng ngài vẫn ghi chép lại.

– Không hề.

– Chúng ta tính khoảng mỗi tháng ba trăm mác.

– Không đến thế đâu.

– Hay là hai trăm vậy.

– Cũng chẳng đến thế.

– Đến đấy. Tiền công người giúp việc, tiền điện, tiền củi, tiền than và còn nhiều nữa.

– Ừ thì cứ cho là hai trăm mác đi.

I-đo cắm cúi tính toán.

Nàng chợt nhớ ra tiền chi tiêu trên đường đi cũng cần phải chia đôi. Sau dó lại còn mua ô che nắng, quà cáp tặng đứa con đỡ đầu của họ… I-đo đã cộng đến con số mười sáu nghìn mác.

– Em phải đi rút tiền ra khỏi sổ hay là ngài?

– Tiểu thư không nhìn trong quyển sổ đó chữ gì sao?

I-đo giở ra đọc: “Bảo đảm”

– Bảo đảm là gì thưa ngài?

– Là sổ mà người ta bảo đảm chỉ phát tiền cho mình em mà thôi.

– Nhưng họ có biết mặt em đâu.

– Thì em cứ thử xem họ có biết không?

I-đo ngơ ngác.

– Em chưa bao giờ đi lĩnh tiền ở quĩ tiết kiệm cả.

– Em cứ bước vào trong, viết tờ khai. Sau đó em muốn lấy ra bao nhiêu tiền tùy thích, lấy tất cũng được.

I-đo nghe rất chăm chú những điều mà nàng chưa biết ấy.

Ba giờ chiều nàng đi đến quĩ gửi tiền tiết kiệm. Nàng bước vào và viết một tờ khai. Rồi đến nộp cho người thủ quĩ, thủ quĩ đưa cho nàng một tấm thẻ có số và bảo nàng ra ngồi chờ phát tiền.

Một vài phút sau từ trong ô cửa kính người ta gọi:

– Bà Ô. I-đo!

Người phát tiền nhìn vào nàng rồi lại cúi xuống nhìn vào quyển sổ trước mặt, sau đó ông ta cầm tiến phát cho nàng.

– Vì sao ngài lại biết tôi chính là Ô. I-đo?

Người phát tiền giơ cho nàng xem quyển sổ to để trước mặt.

– Thưa bà, người gửi tiền cho bà có nhận dạng, có một bản vẽ chân dung bà đây.

I-đo cầm tiền về, và trước bữa ăn tối, nàng đặt quyển sổ cùng chìa khóa bên cạnh bàn để ăn xong nàng sẽ đưa trả Tro-bo.

– Được rồi số tiền này đã dùng để khi trở về, – Tro-bo an ủi nàng, – Mà chúng ta còn ở Bu-đa-pest đến hết tháng tư kia mà. Em có đồng ý vậy không?

– Tùy ý ngài.

– Không, cần phải làm thế nào tốt nhất cho em kia. Tôi đã chuẩn bị quyển sổ đó cho riêng em rồi còn gì.

I-đo nhìn chàng, nàng cảm thấy tái mặt.

– Em sẽ giữ quyển sổ này ư?

– Tùy ý em. Em đã biết cách rút tiền ra rồi đấy. Em có thể yêu cầu nơi gửi tiền chuyển sổ đó về một ngân hàng ở Bu-đa-pest cho em. Như thế sẽ tiện cho việc chi tiêu. Vả lại nếu như em còn có người nào mà em yêu quí nữa chứ.

I-đo nghe đến những câu đó, nàng nhắm mắt vào như là có nòng súng chĩa vào ngực nàng vậy.


– Vì sao ngài lại dùng từ yêu quí ấy?

– Bởi vì… nếu như em có ai đó…

– Của em ư?

– Đúng, có ai đó khiến em cảm thấy đau khổ khi sống bên tôi, và đang đợi chờ ngày kết thúc của mối hôn nhân bắt buộc này. Hoặc nói cách khác, em muốn sống tự do một mình hơn. Đó số tiền hồi môn giờ đã ở trong tay em. Em chũng thấy rồi đó, người ta sẽ chỉ đưa cho em, đưa tiền cho một mình em thôi. Ngay cả với tôi, chồng em, người ta cũng không đưa., vì trong qui định đã viết rõ ràng: chỉ giao tiền cho người có tên ở quyển sổ. Vì vậy em sẽ tự sử dụng lấy món tiền đó. Nếu như em có một chàng trai nào mà vì vướng tôi em chưa cưới anh ta được và vì tôi giữ hồi môn của em, thì bây giờ em thấy đấy, mọi trở ngại đã biến mất. Thậm chí em không cần phải chờ đợi thêm ba tháng nữa cũng được. Còn nếu như em muốn đợi cho hết năm để cha em đưa thêm cho chúng ta hai trăm ngàn cua-ron thì tùy em. Tôi chỉ yêu cầu em một điều, nếu như em định bỏ tôi thì em đừng có lặng lẽ bỏ đi không nói cho tôi biết. Bởi tôi sợ bạn bè tôi sẽ hiểu rằng…

I-đo đứng lên, mặt nàng tái mét, cứng đơ như một bức tượng mới dựng dậy.

– Thế nếu em vẫn còn ở lại đây, ngài nghĩ gì?

Tro-bo hắng giọng rồi nói.

– Chẳng nghĩ gì cả… có làm sao nào? Tôi chỉ nói trước mọi việc có thể xảy ra thôi.

– Mối hôn nhân của chúng ta không bắt buộc chúng ta phải mãi mãi bên nhau, và bản thân chúng ta không hứa hẹn gì với nhau cả. Có điều…

– Tôi xin nói rằng tôi vẫn nhớ mọi điểm trong bản giao ước. Tôi đã trân trọng chấp hành mọi điều em yêu cầu, nhưng trong dố cũng có một điểm đó là: tôi sẽ li dị với anh, bất cứ khi nào tôi muốn! Lúc đó tôi đã phải yêu cầu em hãy thêm vào đó là em ở với tôi cho được một năm đã, rồi hãy tính chuyện li dị, nhưng em đã im lặng! Phụ nữ thường ít khi chịu ràng buộc mình vào lời hứa trịnh trọng, cho nên những lúc không muốn hứa họ thường im lặng. Sự im lặng chứng tỏ sự không chấp thuận yêu cầu của tôi, đó là tâm lý thông thường mà tôi hiểu được. Vậy thì giờ đây, vì sao em lại tự ái khi tôi lịch sự nói, nếu em muốn rời khỏi tôi thì cứ việc. Em có thể ra sống tự lập với món tiền hồi môn của em.

I-đo như ngã người xuống ghế. Đôi mắt nhìn vào Tro-bo như bị thôi miên:

– Nhưng bên trong lời giao ước cũng có câu là chúng ta sẽ đối xử với nhau như những người dưng…

– Tôi không chống lại điều đó. Nhưng cũng có một đôi lần tôi yêu cầu em cho phép…

I-đo đứng lên, nói vẻ cao quí.

– Không phải vậy, nhưng em không thể ở lại với một người đàn ông xa lạ trong một ngôi nhà được nữa ư?

– Thì vẫn như từ trước tới nay ấy.

– Nhưng giờ đây ngài lại nói rằng em có thể đi được rồi!

– Em đừng hiểu nhầm tôi, tôi nghĩ vì em có một người nào đó, nên em muốn xa tôi đấy chứ…

Chàng không nói hết câu bởi vì chàng thấy đôi mi của I-đo cụp xuống và từ đôi mi đó, những giọt nước mắt ứa ra long lanh.

Tro-bo giật mình lo sợ.

– I-đo, tôi xin em đừng khóc… I-đo, em hiền dịu, tâm hồn tốt đẹp… Tôi đã làm gì thế này?

I-đo đứng lên, bỏ đi vào phòng.

Tro-bo cũng chạy theo. Chàng bật đèn cạnh cánh cửa lên, vội vàng nói:

– Em hãy tha lỗi vì tôi bước vào phòng em, nhưng tôi cần phải thanh minh cho tôi đã, tôi không bao giờ muốn xa em, trừ phi…

I-đo cầm khăn mùi xoa ấp lên mặt. Nàng ngồi bên mép giường cúi người xuống cái bàn nhỏ đầu giường.

– I-đo, I-đo thân mến… Em hãy nghe tôi cái đã. Em có thể cảm thấy, trong thâm tâm tôi không bao giờ muốn em xa rời tôi. Tôi không biết, vì sao em lại đau khổ đến vậy?

– Yêu cầu ngài hãy ra khỏi phòng em.

– Được rồi, nhưng cả em cũng ra kia. Tôi sẽ không thể ngủ được nếu như tôi biết rằng tôi là nguyên nhân khiến em phải khóc.

– Yêu cầu ngài hãy ra chỗ cũ.

Nàng đứng lên lau mắt. Tro-bo ra phòng khách ngồi đợi, chàng lại nhấc tẩu thuốc lên hút. I-đo đứng bên cạnh cửa, nàng chống tay vào cánh cửa, nhìn Tro-bo với đôi mắt ướt đẫm:

– Thế là ngài đã giục tôi phải đi.

– Không hề có chuyện như vậy.

– Thì ngài đã nói: Tôi có thể đi nếu tôi thích là gì. Tôi là một người phụ nữ trong sạch, chẳng lẽ tôi lại nói: Tôi không đi, tôi ở lại đây ư?

Nước mắt lại chảy tràn lên mặt nàng, nàng ôm hai tay lên mặt.

Tro-bo chạy vội đến.

– Tôi cầu xin em hãy ở lại!

Vừa nói, chàng vừa nhẹ nhàng ôm lấy người I-đo, và hôn lên đôi tay ướt đẫm nước mắt đang để trên mặt nàng.

Chàng làm việc đó hoàn toàn tự nhiên như là chúng ta an ủi đứa trẻ đang khóc vậy. Chàng không hề nghĩ đến chàng, đến những điều qui định riêng, và không nghĩ đến phản ứng của I-đo.

– Tôi đã nói rằng dù chúng ta sống cạnh nhau như hai người dưng, nhưng từ bàn tay tốt đẹp của em, tôi không cảm thấy xa lạ. Nào em hãy lại đây, ngồi xuống nào. Tôi đã nhiều khi phải suy nghĩ, nếu như đến một ngày nào đó hết năm chung sống của chúng ta, tôi sẽ lấy làm tiếc khi nhìn em ra đi. Nào, em đừng khóc nữa. Em hãy tha lỗi cho tôi, nếu tôi có lỗi. Em tha thứ cho tôi thì em hãy ngồi xuống đây và cho tôi hôn tay.

I-đo đưa tay cho Tro-bo. Tro-bo hôn tay và họ lại ngồi xuống bên bàn.

– Nhưng mà ngài phải hứa với em một điều, – I-đo nhỏ nhẻ nói và lau nước mắt, ngài hãy cất quyển sổ này vào lại hòm của ngài, và chìa khóa, ngài hãy cất vào túi ngài. Ngài nói điều vừa rồi bất ngờ quá, vả lại ở nơi đất khách quê người này, em làm gì có chỗ nào mà đi?

– Em tự làm khổ mình rồi.

Chàng báo tin tuần tới chàng đóng gói hết tranh vào và họ sẽ trở Bu-đa-pest.

– Ngày mai chúng ta sẽ đi chia tay với bạn bè. Nếu như em tán thành, chúng ta sẽ mời họ lại ăn tối. Cũng ở cái tiệm mà hồi nọ họ đã đón chúng ta ấy.

Chàng mừng thầm, trong bụng, vì chàng đã rõ I-đo không có ai cả.

Ngược lại I-đo đau đớn trong lòng vì nàng nghĩ Tro-bo vội vàng muốn trở về Bu-đa pest vì chàng muốn được tự do sau khi li dị, Tro-bo bây giờ đã có tiền, có tương lại vì thế chàng trở về như mặt trời phía tây về phía đông với cô gái ấy của chàng.

Nàng càng khẳng định điều đó, ngay cái hôm mà Tro-bo quyết định trở về Bu-đa-pest thì chàng lại nhận được thư, trên phong bì có viền tang đen như là thư trước đây. Và nét chữ đề ngoài phong bì là chữ của Zô-lan. I-đo đã quen với nét chữ đó. Tro-bo đọc thư, nước mắt ứa ra. Nhưng I-đo không hỏi gì cả. Nàng thấy Tro-bo ngồi vào bàn và viết một bức thư dài. Giữa chừng chàng nghỉ tay ba lần để lau nước mắt, sau đó chàng cầm bức thư ra bưu điện gửi.

I-đo không tìm thấy bức thư đó để ở nhà, mặc dù nàng đã tìm kiếm, đặc biệt là bức thư chàng vừa nhận được.

Nàng không được đọc bức thư đó.

Bức thư trước đây cũng có viền tang đen ở phong bì, và như vậy Zô-lan báo tin cho anh biết chồng cô vẫn tiếp tục chơi cờ bạc. Anh ta đã để mất hết tất cả mọi của cải của vợ con lẫn cả phần sở hữu của Tro-bo (bởi vì Tro-bo đã chuyển giao phần sở hữu đất đai của mình sang tên cho cô em gái). Anh ta đánh bạc thua và bán dần đi đất đai phương tiện làm việc, những thứ mà chính Tro-bo đã trả tiền để chuộc lại cho em gái. Cuối cùng Zô-lan chỉ còn lại bốn mẫu đất xung quanh đó là mảnh vườn sau bếp, mấy cây ăn quả, sân gia cầm và mảnh sân sáng sủa trước nhà. Lúc này chồng cô lại thề thôi say sưa rượu chè, cờ bạc để giữ lấy ngôi nhà, nhưng chứng nào tật nấy, anh ta không chừa được và cả nhà sống trong cảnh khổ cực hết sức. Zô-lan chán chường tìm cách đổi nhà đi xóm khác, nhưng rồi anh chồng bạc nhược của cô lại nuốt mọi lời hứa danh dự, cầm bài trên tay lê la trong quán rượu để đánh bạc với những người nông dân, phu phen khác.

Ngay cả chính anh ta cũng cảm thấy rằng không thể sống tiếp tục như vậy được và anh ta đã chết.

Còn ở lá thư vừa rồi, lá thư mà Tro-bo vừa đọc vừa khóc, là Zô-lan báo tin thằng con trai của cô đã chết. Đối với số phận thằng bé, thì còn có thể tự an ủi như vậy là may mắn để nó khỏi giống như bố nó, nhưng mà lấy gì để an ủi trái tim mất mát của người mẹ?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.