Nàng Iđo

Chương 21


Đọc truyện Nàng Iđo – Chương 21

Ngày hôm sau, từ sáng sớm, Tro-bo đã bắt tay vào sửa đổi bức tranh.

Chàng thay đổi nữ thần nghệ thuật bằng cách cho một đôi cánh trắng vào đôi vai, biến hình ảnh đó thành thiên thần, những người nông dân chạy tới không phải là những người Hy-lạp cổ nữa mà là những con người hiện đại ở vùng I-sar nước Đức, chàng vẽ tỉ lệ người trong tranh lớn bằng nửa người thật.

I-đo cũng thường vào xem. Một lần, nàng đứng sau lưng Tro-bo, nhìn đôi tay Tro-bo nhanh nhẹn vẽ phác các đường nét bằng than bồ đề, rồi chàng tẩy xóa đi những nét chưa đạt. Sau đó chàng vẽ lại, và các đường nét ngày một vững hơn, chắc chắn hơn. Sau đó chàng cầm lấy bảng pha màu, bút vẽ và phết lên tranh màu đỏ.

Đến trưa, bức tranh gần như đã đầy đủ bối cảnh. Họ ngồi trên bàn ăn và nói chuyện về tranh, tất nhiên, bây giờ họ gọi đó là bức tranh của chúng mình.

– Tôi đã đi vẽ cảnh ở trong sân cối xay đấy, – Tro-bo nói giọng hồi hộp, – Và tất nhiên những người nông dân ở đó sẽ là những người đến xem thiên thần. Sau lưng họ là một cái chuồng trong đó có một con ngựa gày, con ngựa này lơ đãng không biết việc gì xảy ra.

– Tốt hơn cả là ngài nên vẽ con lừa.

– Ôi đúng quá, I-đo! Xin lỗi tiểu thư. Tôi phải vẽ con lừa, như nàng đã nghĩ ra. Con lừa vốn không có suy nghĩ, chẳng biết kêu ca. Nó sẽ tượng trưng cho sự ngu dốt. Cũng như đám người đứng vây quanh thiên thần vậy, bởi vì nét mặt họ, quần áo họ đều là người của trái đất. Tôi cũng không cần phải đi vẽ họ, bởi vì tôi sẽ thay vào đó những mẫu người hay hơn.

I-đo nghĩ ngợi rồi nói vẻ chín chắn:

– Tốt nhất là ngài nên vẽ những người nông dân đó là người Hung, và trong sân cối xay gió của một vùng Hung-ga-ry.


Tro-bo kinh ngạc nhìn nàng, tay vuốt tóc:

– Tiểu thư nói đúng! Tôi xin đặc biệt cám ơn tiểu thư.

– Bởi vì ngài là một họa sĩ Hung chứ không phải là một họa sĩ người Đức.

– Cám ơn I-đo, I-đo tốt bụng thân mến! Xin tiểu thư đừng có giận tôi, bởi vì tôi không cảm thấy em là người xa lạ trong nhà.

I-đo nhìn xuống, nhưng nàng không phản đối câu nói thân mật đó của Tro-bo.

– Đúng vậy. Trong bức tranh nhà mộ và bức tranh cuộc đình công của họa sĩ Mun-ka-si sẽ có giá trị biết bao nhiêu nếu họa sĩ vẽ những người công nhân là những người Hung, người họa sĩ không được phép tách rời khỏi Tổ quốc mình. – Tro-bo trầm ngâm nói.

– Thế thì chúng ta cần phải trở về tổ quốc ư? – I-đo bồn chồn hỏi?

– Nếu chỉ vì để vẽ tranh thôi thì không cần, tiểu thư có cần về không?

– Không, tôi không có việc gì cả.


Thế thì chẳng cần về, bởi vì đối với tôi, tôi rất dễ dàng vẽ trang phục dân tộc Hung lên các cơ thể. Bao giờ các họa sĩ cũng có mẫu trang phục của dân tộc mình. Ở đây, các khoản chi phí để sống sẽ rẻ hơn, chúng ta có thể dễ dàng hoạt động nghệ thuật hơn. Đến mùa thu, chúng ta sẽ chọn tranh và gửi về triển lãm vào mùa xuân trong nước. Từ giờ tới đó, tôi còn phải vẽ nữa. Bây giờ, điều cần thiết nhất là phải vẽ cho được cô gái đang hấp hối. Tôi đi vào bệnh viện đây.

Ngày hôm đó, là một ngày vội vã hiếm có, chàng ăn nhanh như ăn ở ngoài ga vậy, rồi ngay sau bữa ăn, chàng cầm mũ đi. Đến hành lang chàng quay lại dặn Ka-ti:

– Chiều tôi không ăn cơm nhà nhé.

Ka-ti ngạc nhiên nhìn ông chủ bởi lẽ phong tục Hung sao quá khác đi, những việc đó mà ông chủ lại không báo với vợ lại báo với người hầu.

Những ngày sau đó, I-đo lại trở về trạng thái lạnh lùng lạnh nhạt như bầu trời u ám. Tro-bo cũng không tìm hiểu nguyên nhân. Thỉnh thoảng cũng đã xảy ra chuyện như vậy, thường sau những khi họ cảm thấy gần gũi, cảm thông với nhau, là sau đó I-đo lại tỏ ra lảng tránh, lạnh nhạt.

Vì thế, chàng cũng chẳng tìm hiểu lí do, mà cũng bởi những ngày đó chàng đang tự dằn vặt mình:

– Mình có thể là người làm việc nghệ thuật nghiêm túc không, hay chỉ là người làm việc tài tử, bôi bác thôi? Mình vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình đã thể hiện trên tranh được. Nếu mình là một họa sĩ thực thụ thì mình chưa thể hài lòng với nhân vật chính trong tranh được!

Thực ra, chàng vẽ bức tranh đó cũng khá nhanh. Ngay hôm sau, chàng đã lên cối xay để vẽ khung cảnh chung. Sau đó một ngày chàng đã thử đặt tranh vào khung.


I-đo không đi vẽ ngoài trời cùng chàng nữa. Nàng viện lí do nàng đã chán mùi chuồng lợn và tiếng ồn ào của gia cầm rồi. Tro-bo cũng chẳng ngạc nhiên. Đối với một tiểu thư thanh lịch thành phố, thì những tiếng ồn ào, mùi hôi thối của súc vật chỉ làm cho nàng khó chịu mà thôi. Vì vậy, chàng cũng chẳng gọi I-đo đi nữa, chàng đi một mình, và chính chàng cũng ngạc nhiên trược sự lao động miệt mài của mình. Chàng vẽ những phác thảo, rồi sau đó mang về nhà phóng to lên tranh. Còn ở phác thảo chàng chỉ thể hiện đến độ đậm nhạt, màu sắc trên khuôn mặt. Về nhà chàng vẽ quân áo trang phục lên. Sau đó chỉ còn bước hoàn thiện tranh.

Bức tranh đã hầu như xong. Khung cảnh chính là cái sân, trên sân có cối xay gió, nhưng cối xay đang đứng yên. Trên sân còn có chiếc giếng với cần kéo, sau giếng là chiếc gióng chuồng với con lừa, những người nông dân vẻ mặt ngơ ngác, đó là những người nông dân Hung thực thụ, thậm chí chỉ nhìn họ, còn như ngửi thấy mùi của căn phòng chật hẹp họ ở.

Trên bức tranh cũng đã có hình nhân vật chính, một thiên thần cánh bị gẫy, khuôn mặt mịn màng, ngước nhìn lên trời, cánh tay sã xuống.

Nhưng chàng chưa hài lòng, bởi vì trên nét mặt đó không có vẻ đau đớn thực sự. Trông nét mặt cô gái như là của một nữ diễn viên đóng vai thiên thần vậy, và cô ta đang thử tập ở trên sân, giữa ánh sáng ban ngày. Tất cả các điệu bộ như là sẽ biểu diễn trên sân khấu, ngay cả tóc cũng được giữ gìn để khỏi rối bù.

Tro-bo xóa rồi lại vẽ, nhưng chàng lắc đầu, rên ri như muốn khóc:

– Vô ích, khuôn mặt này không phải theo đúng ý mình muốn! Mình đã cố gắng tìm tòi cách thể hiện của bác Bo-laz chứ chưa phải là kiến thức thật của mình. Bác già nói đúng, những tác phẩm được xếp vào loại vĩnh cửu, thì phải có sự độc đáo của suy nghĩ và trên cách thể hiện. Trong mỗi một họa sĩ đều có sự rung động được thể hiện ra một cách khác nhau. Như danh họa Rem-brant thì sự rung động ấy được thể hiện trên những nét mặt và độ đậm nhạt. Còn Ti-zi-an là cách thể hiện bằng màu. Danh họa Ru-bens thì chỉ dùng một mầu là mầu tự nhiên của làn da; Ra-fa-el thể hiện như những giấc mơ; Đuy-er thì độc đáo ở đường nét. Họa sĩ này không thể bắt chước cái độc đáo của họa sĩ kia được. Anh ta phải tự thu nhặt lấy kiến thức, phải rung động tự trái tim mình mà vẽ nên tác phẩm. Mình chưa thực sự rung động, trước một cô gái hấp hối, mà mình mới chỉ rung động, về một con chim bồ câu bị bắn chết thôi, vậy thì chưa được! Liệu mình có thể hiện sự rung động của bác Bo-laz thành của mình không?

Dường như những suy nghĩ của chàng mỗi lúc một thêm sáng sủa như những đám mây che lấp khiến mặt trăng mờ tối, giờ đang tản đi.

– Hội họa, chính là linh cảm đẹp của người họa sĩ. Nhưng cái đẹp là gì? Nếu như với mỗi người lại đánh giá cái đẹp khác nhau? Thế nhưng số đông nhiều người lại phải công nhận độ đậm nhạt của Rem-brant là đẹp, và mầu sáng bóng của Ti-zi-an là đẹp, hoặc là các đường nét cong mềm mại của Bot-ti-xe-li là đẹp. Thế thì đó sẽ là cái đẹp vĩnh cửu.

Một lần đang ăn trưa, chàng trầm ngâm cầm cái thìa, chợt nghĩ:

– Cái mà con người ta công nhận là đẹp, là cái mà chính trái tim của họ rung động trùng với những rung động của trái tim họa sĩ!


Rồi chàng lại tự chất vấn mình:

– Thế sự rung động của trái tim là gì?

Câu hỏi này được chàng tự tìm cách lý giải khi đang ngồi hút thuốc:

– Tất cả, tất cả những gì mà đôi mắt nhìn thấy, trái tim yêu thích. Sự yêu thích có thể biến tất cả thành vàng, bằng ngọn lửa kì diệu. Ngọn lửa đó là ngọn lửa tuyệt vời. Chúng ta gìn giữ nó như của cải, không bao giờ nó trôi qua vô ích cả. Người họa sĩ thể hiện sự tuyệt vời bằng bút vẽ. nhà thơ bằng bút viết. Những bức tranh là một phần của nghệ thuật.

Chàng lại hạnh phúc tràn trề đi vào phòng vẽ, và cầm lấy bảng mầu, bút vẽ. Chàng lại thử, lại vẽ. Chàng vẽ riêng ra một bảng vẽ khác, chỉ một khuôn mặt đã chết của thiên thần.

Những chiếc bút bỗng ngập ngừng, rồi chàng lại tự hỏi:

– Vì sao mình vẫn chưa thể hiện được, vì sao thế?

Chàng lại tự trả lời:

– Mình mới có say mê chủ đề tư tưởng của tranh. Đi tìm cách thể hiện thảm cảnh của một thiên thần nhà trời giữa đám người trần tục. Chính bác Bo-laz tưởng tượng ra một gương mặt đau đớn của người phụ nữ. Mình cũng chưa bao giờ được chính mắt nhìn thấy nét mặt đau đớn của người phụ nữ khi hấp hối, nhất là mầu sắc trắng trong không thể hình dung ấy. Mình chưa được thấy dù trong thực tế, hay là trong giấc mơ. Mình chỉ mới cảm thấy trái tim mình như đã bị phù phép bởi hình ảnh đó mà thôi. Mình chưa nhìn thấy, mình mong ước được nhìn thấy bởi đó là kho báu của mình và nó sẽ cùng mình tồn tại vĩnh viễn. Còn những khuôn mặt mà mình đã nhìn thấy, nó đều có vẻ khổ ải quá, dày vò quá. Chính nét mặt đau khổ của thiên thần nó phải khác kia, như vậy, mình chưa tiến triển được gì cả. Mới chỉ có linh cảm của trái tim mà thôi. Mình nghĩ theo chiều hướng mà bác Bo-laz đã nghĩ kể cả mầu sắc lẫn độ đậm nhạt để mình đi tìm, nhưng nét mặt ở trên thực tế thì lại khác, mà mình chưa tìm thấy, chưa rung động. Vậy nếu mình có vẽ thì cũng chỉ như là vẽ mầu lên giấy mà thôi, như vậy không thể thành nghệ thuật được!

Chàng lại thở dài, căng thẳng đặt bút vào góc phòng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.