Đọc truyện Năm Tháng Tĩnh Lặng, Kiếp Này Bình Yên – Chương 5: Phong tình cổ trấn
Có lẽ chúng ta đều là
những người tin vào tiền duyên, cho nên, thân sống giữa phồn hoa, vẫn
không quên kiếm tìm những tháng ngày xưa cũ đó. Chuyện xưa trôi qua như
mây khói tản mát, giữa bóng đêm của năm tháng âm thầm đổi thay, vừa ban
nãy vẫn còn phong trần cuộn sóng, bây giờ đã không còn lại dấu vết gì.
Năm tháng không biết đã đổi dung nhan bao lần, chỉ có cổ trấn là vẫn giữ lời thề ước năm xưa, không dám thay đổi dáng vẻ ban đầu. Tường viện
xanh rêu âm ẩm, ngõ nhỏ sâu dài hun hút, lầu gỗ cổ kính, hành lang quanh co, sân khấu loang lổ, tuy đã phủ đầy bụi bặm của dĩ vãng, nhưng vẫn là mối tâm tình trong giấc mộng. Đẩy cánh cửa bị thời gian khép hờ, những
tình cảm cảnh cũ người xưa còn lưu giữ nơi cổ trấn đó, vẫn bình yên êm ả như thế…
Tây Đường như mộng
Cho dù là người đã từng hay
chưa từng đến Tây Đường đều sẽ cảm thấy, Tây Đường là một giấc mộng, một giấc mộng thuộc về Giang Nam. Nó nên thơ cổ kính, thuần phác tĩnh lặng, đã từng bị người đời quên lãng, đến nay lại được người ta tìm kiếm. Tôi luôn cho rằng những người đến Tây Đường là những người không từ bỏ được quá khứ hữu tình. Bởi vì mỗi phong cảnh nơi đây đều có thể dễ dàng, nhẹ nhàng lay động sự mềm yếu trong bạn. Giữa phong cảnh sự vật yên tĩnh
của Tây Đường, có thể mơ một giấc mơ dài, khi tỉnh lại, cũng sẽ có những tháng ngày không lưu giữ được.
Trước khi đến Tây Đường, tôi cũng chỉ là một khách bộ hành ngẫu nhiên, mà không biết rằng từ ngàn năm
trước đó, mình đã từng có duyên phận với nó. Thời Xuân Thu, Ngũ Tử Tư
của nước Ngô đã khơi thông thủy lợi, vận hành chuyển muối, khai vét Ngũ
Tử đường, dẫn nước từ phía Bắc núi Tư chảy về trong vùng, vì thế từ đó
Tây Đường cũng được gọi là Tư Đường. Cũng chính là một chữ “Tư” này,
khiến tôi cho rằng, mình và Tây Đường có nhân quả định mệnh[1]. Cho dù
chỉ là cảm xúc đơn phương, nhưng vì trong lòng chất chứa cảm xúc này,
nên trước mỗi cảnh mỗi vật ở Tây Đường, tôi đều không kìm được xiết bao
lưu luyến.
[1] Tác giả Bạch Lạc Mai tên thật là Tư Trí Tuệ.
Tháng năm yên tĩnh, khe khẽ dập dềnh giữa sóng nước. Dưới ngói xanh tường
xám, dường như chớp mắt đã có thể nhìn thấy lịch sử xa xăm của Tây
Đường. Thực ra Tây Đường không có một chiều dài lịch sử lớn lao thâm
trầm, cũng không có nhiều nhân vật hô mưa gọi gió. Năm tháng cũng như
dòng sông nơi đây, cứ từ từ chảy miết, không có sóng to gió lớn hãi
hùng, chỉ bình dị yên ổn. Tòa cổ trấn ngàn năm này, từ khi bắt đầu đã có dáng vẻ cổ kính, đơn sơ như thế. Ung dung bước qua bốn mùa thay đổi,
ung dung nhìn hợp hợp tan tan của đời người, cũng ung dung tiếp nhận
những khách qua đường vãng lai và những tình cảm khác nhau mà họ đem
tới.
Tây Đường ven sông, tựa như luôn có một làn sương mỏng như
lụa bao bọc, chỉ cần như vậy đã có thể làm nổi bật được phong vận của
miền sông nước Giang Nam. Nước chảy reo ca, khỏa chèo nhẩm hát, những
nhà dân cổ kính hai bên bờ là cảnh tượng nguyên sơ mà chân thực của tiểu trấn. Biết bao năm, con người nơi đây cũng đã kinh qua bao lần đổi
thay, chỉ là lại thêm một lần luân hồi, chứ không thể làm thay đổi ký ức xanh thẳm đó. Dưới bầu trời bao la, không nhìn thấy được lầu cao thành
thị, chỉ có những ngôi nhà cũ điểm tô năm qua năm tới kể lại những câu
chuyện na ná như nhau.
Lầu gỗ đơn sơ có mấy cánh cửa trên mái
hiên đang hé mở, khiến tôi quên hết mệt mỏi của chuyến đi, thậm chí còn
tự tưởng tượng rằng, có một cánh cửa đã mở vì mình, có một người đang
đợi mình. Mà tôi không biết phong cảnh Tây Đường xưa nay không dễ dàng
bị người ta làm kinh động. Đây là miền sông nước trong mộng của rất
nhiều người, bạn có thể cảm nhận được hơi thở của nó từ rất xa, nhưng
chẳng mấy người có thể lưu lại mãi mãi. Chỉ là có được trong khoảnh
khắc, để đổi lấy nhớ nhung một đời, Tây Đường cũng không phụ lòng bất cứ người nào đi ngang qua cuộc đời nó.
Những người đã từng đến Tây
Đường nhất định sẽ không quên hành lang nghìn mét dài hun hút đó. Ở
Giang Nam, những hành lang ven nước này đâu đâu cũng thấy, nhưng chỉ có
hành lang ở Tây Đường mới khiến bạn cả đời khó quên. Bởi vì độ dài ấy
như thể đi đến tận kiếp sau mới hết. Bạn có thể thoải mái mơ một giấc mơ ở nơi này, không cần lo lắng bị bất cứ cảnh tượng hiện thực nào đánh
thức. Chỉ lắng lòng cảm nhận ngọn gió đang quét qua hành lang dài, lướt
qua làm đáy lòng se se lạnh, mà bức tranh Giang Nam, câu chuyện đời
người, cứ thế từ từ mở ra.
Có người nói với tôi, con phố dài dằng dặc này có những ngọn nguồn tươi đẹp. Mà tôi lại không muốn biết căn
nguyên của những chuyện xưa đó, chỉ muốn bình an có được cuộc gặp gỡ này – cuộc gặp gỡ với Tây Đường trên hành lang sinh mệnh. Sau khi quay
người, dù nó sẽ lãng quên tôi, tôi cũng sẽ hết sức trân trọng mối lưu
luyến chẳng thể cắt rời này.
Tôi như một khách qua đường, đến bến đò Tây Đường, tôi đợi một chiếc thuyền, sắp xếp cuộc gặp gỡ trong cuộc
đời. Ngay khoảnh khắc tương phùng này đã dự kiến một màn ly biệt, chỉ là cuộc đời của mỗi con người, đều vì quá trình này mà hối hả đuổi theo.
Trong nhân quả đã định, không ai còn mải mê tính toán được mất. Xuôi
theo dòng nước, thử quên đi hành lý nặng nề trên vai, giữa dòng chảy cứ
gặp đâu vui đấy. Cây cầu cổ ở Tây Đường giống như một cây cổ cầm bắc
ngang sông nước, cùng một dây đàn nhưng mỗi người lại có thể gảy nên
tiếng nhạc và thanh điệu khác nhau.
Ký ức liên quan đến những cây cầu luôn khiến người ta nhớ đến bài “Đoạn chương” của thi nhân Biện Chi Lâm: “Em đứng trên cầu ngắm phong cảnh. Người ngắm phong cảnh trên lầu
ngắm em. Trăng sáng tô điểm khung cửa của em. Em tô điểm cho giấc mộng
người khác.” Còn tôi luôn cho rằng, người đứng trên cầu chưa chắc biết
mình đã trở thành phong cảnh của người khác, người ngồi trên thuyền,
cũng không biết anh ta đã tô điểm cho giấc mộng của kẻ nào!
Kỳ
thực, cuộc tương phùng xa lạ giữa người và người, đa phần chỉ là lướt
qua nhau, cái họ có thể ghi nhớ là cây cầu kinh qua ngàn năm không đổi,
chứ không phải là phong cảnh nơi họ đã dạo chân qua. Lại có lẽ, đa tình
chỉ là những vị khách qua đường, vì mỗi cây cầu hàng ngày đưa tiễn biết
bao vị khách, chúng chẳng có lòng nào lưu ý đến những phù hoa đó. Nước
chảy róc rách chẳng ngừng, chở tôi đi về bờ bên kia, chỉ có cây cầu Tây
Đường và những mái nhà miền sông nước lẳng lặng nhìn nhau mãi chẳng muộn phiền.
Ở Tây Đường, còn một nơi có thể cất giữ linh hồn, đó là
Thạch Bì lộng[2] được mệnh danh là “Giang Nam đệ nhất lộng[3]”. Trong
một góc nhỏ khuất tầm mắt, viết ba chữ giản dị “Thạch Bì lộng”. Một ngõ
nhỏ cũ kỹ chật hẹp, giống như một chuyện cũ lạc trong góc khuất của thời gian, giữa ẩn ẩn hiện hiện, tựa như không có điểm tận cùng. Người đến
Tây Đường đều sẽ không từ bỏ cuộc tương phùng này, cho dù Thạch Bì lộng
xưa nay chưa từng dành cho bất cứ người nào một lời hứa dù là giản đơn.
Nhưng sự chất phác mang theo vẻ thần bí lại khiến người ta có thể thấy
được quá khứ chân thực.
[2] Thạch Bì lộng: Là một ngõ nhỏ hình
thành giữa hai phủ đệ của con cháu Vương gia, được lát bằng 168 viên đá, dài 68 mét, rộng 0,8 mét.
[3] Lộng, lộng đường tức là ngõ, ngách.
Những bức tường cũ kỹ ghi đầy dấu vết tháng năm bị thời gian đẽo từng mảng,
từng mảng một. Những ký ức rơi rụng này đã gom góp lại những lênh đênh
sông nước tự cổ chí kim. Trên con đường lát đá mỏng, bước chân một số
người âm thầm lại gần, bước chân một số người đã vội vã đi xa, chỉ có
thời gian trầm mặc là còn lưu lại nơi đây, chưa từng hỏi nhân quả.
Theo dòng suy tư mênh mang, hoàng hôn càng lúc càng xa, Tây Đường mới thấp
thoáng đèn hoa lại mang một vẻ đẹp khác. Hành lang dài ven sông treo một hàng đèn lồng đỏ, ánh đèn dịu mắt tựa như tơ lụa Giang Nam, mang theo
biết bao đa tình và thương mến. Đêm Tây Đường rất tĩnh lặng, tĩnh lặng
đến mức có thể nhìn thấy chiếc bóng trong giọt nước đậu trên hai bờ ngói xanh. Đêm Tây Đường, dưới ánh đèn mờ tối có một vẻ hoa lệ không thể che mờ.
Sân khấu nổi trên mặt nước là khung cảnh sinh động nhất
trong màn đêm Tây Đường. Hý khúc Giang Nam truyền thống, khẽ hát tiếng
Ngô uyển chuyển[4], tựa như một ly rượu nhàn nhạt dưới trăng thanh gió
mát, chuốc say cả người trên, kẻ dưới sân khấu. Biết bao tháng năm đã bị sông nước nồng hậu nơi đây tưới ướt đẫm, mà họ cam tâm tình nguyện nhảy xuống nỗi ưu thương của nước, chỉ vì một nỗi xúc động dịu dàng trong
tim. Mỗi người đều chất chứa trong mình một tình cảm tinh tế mà đẹp đẽ,
trong phàm trần khói lửa, họ không dễ dàng bộc lộ bản thân. Là Tây Đường đã khiến họ dũng cảm bộc bạch, hơn nữa trong cuộc đời đầy gò bó, có thể có được niềm vui không thể nào quên như thế.
[4] Nguyên văn “Ngô nông nhuyễn ngữ”, tức chỉ giọng địa phương vùng Giang Nam ngữ điệu uyển chuyển dễ nghe.
Ở một quán trà nào đó của Tây Đường, gọi một bình trà, lặng lẽ nhìn người đi qua lại, giữa hơi nước mờ mịt, lòng người bình thản hiền hòa. Tôi
đem tất cả ký ức về Tây Đường ngâm trong bình trà này, đến khi trà nhạt, tôi liền rời đi. Hai bên chưa từng hứa hẹn, cho nên cũng không cần lưu
lại dấu tích vấn vương. Ở Tây Đường, tôi chỉ là một hạt bụi bay qua
tháng năm như nước chảy, có lẽ quay người, nó sẽ quên mất tôi là ai.
Nhưng tôi, trước sau sẽ lưu lại đôi mắt tâm hồn, cố giữ vẻ đẹp cổ kính
của nó.
Tây Đường đẹp như một giấc mộng, nhưng thực sự không phải là mộng. Có lẽ vào một ngày nào đó của nhiều năm sau, tôi sẽ đội gió
vượt mưa trở về, hai bên đều đã nhạt nhoà dung nhan theo năm tháng,
nhưng nó vẫn là nó, tôi vẫn là tôi.
Vụ Nguyên sắc màu
Nhiều khi chúng ta có thể đến một nơi mà không cần bất cứ lý do nào. Sau khi
đến hãy nguyện tin vào cái gọi là duyên phận. Như thế có thể dễ dàng
vượt qua lịch sử xuân thu, ngắm nhìn phong cảnh đủ khiến bạn cả đời
nhung nhớ. Vụ Nguyên được mệnh danh là “làng quê đẹp nhất Trung Quốc”,
khoảnh khắc tương phùng, tôi và bạn rũ bỏ lớp áo hoa lệ của thành thị,
sóng bước cùng cuộc sống chất phác nơi này. Cho dù rất nhiều người vừa
gặp đã say Vụ Nguyên, nhưng không ai nghĩ phải cùng nó định lời thề ước
nào đó, mà chỉ muốn dừng chân lại chốn non nước bình lặng này, cảm ơn
cuộc gặp gỡ ấm áp, cùng chung hạnh phúc bình dị.
Giữa thẳm sâu
mây trắng, những thôn làng tường trắng ngói đen đó nằm hiền hòa giữa
những ngọn núi, yên ả tĩnh lặng biết bao, không đua tranh với đời. Như
một bức tranh thủy mặc đã định hình, khói mây trong tranh sẽ không tan
biến, thời gian trong tranh sẽ không lưu chuyển. Mà những người mến
tiếng xưa nay sẽ không kìm được suy ngẫm, ở một nơi cách xa tiếng ngựa
xe huyên náo này, có phải cũng ẩn chứa những câu chuyện bình dị nhất
nhân gian? Vậy mà, chính ở nơi không vướng bụi trần này lại chứa đựng
nhiều mây khói đời thường, cất giữ nhiều dân tình chất phác, cũng là nơi bậc đại Nho như Chu Hy đời Tống cư trú.
Từ xưa tới nay, vì sự
yên ổn này, biết bao tao nhân mặc khách đã cam tâm tình nguyện vứt bỏ
danh lợi, rời xa đô thành, cưỡi một chú ngựa còm, ẩn cư điền viên. Giữ
cánh cửa đơn sơ, sửa mấy cành rào giậu, ngắm đôi hàng đào mận đua sắc
đơm bông. Hoặc ngồi im lặng dưới ánh mặt trời, pha một bình trà nhạt,
nghe chim én trên xà nhà lách chách gọi nhau. Hoặc là trồng sen giữa
ruộng, dắt một chú bò vàng, tha thẩn ngắm ráng chiều nơi chân trời. Sự
yên bình của thôn xóm là an bài của thượng đế, tựa như một cái cây, một
viên ngói xanh, một con kiến nhỏ, đều có số mệnh kỳ diệu của nó.
Nhất là mỗi độ tháng Tư, đầu thôn Vụ Nguyên tràn ngập sắc hoa cải dầu vàng
rực. Những cành hoa nở bung, không hề giấu giếm giữa ngày xuân, không
khiếp sợ thiều hoa[5] ngắn ngủi, đem sinh mệnh giao cho ánh nắng mùa
xuân đơn sơ giữa thôn xóm. Mỗi vị khách từ xa đến đều phải vòng qua biển hoa thơm ngát này mới có thể vào được thôn trang trong mộng.
[5] Thiều hoa, hay thiều quang chỉ ngày xuân, mùa xuân.
Rất nhiều thân long não cổ thụ mọc thẳng tắp ở đầu thôn và cạnh tường sân,
có lẽ chúng có thể quên đi tuổi đời của mình, nhưng lại không thể quên
được mỗi cuộc gặp gỡ giữa khách qua đường với Vụ Nguyên, không thể quên
được mỗi một câu chuyện như câu chuyện cũ bình hoa mai và cơn gió mát.
Con đường dịch[6] lát đá xanh, biết bao người đã đi lướt qua nhau, ai
cũng không thể nhớ nổi dung nhan của ai. Chỉ đứng giữa khói lửa của thế
tục, để ngày tháng trôi qua nhàn nhạt như trà trong. Mùa ẩm ướt, giữa
khe hở của đá mọc xanh rêu, tựa như cố ý cất giữ những phần không nên
đánh mất. Có những tảng đá khắc chữ, giữ lại năm tháng mênh mông vô bờ
của thôn trang, lặng lẽ kể lại chuyện trước đây của mưa gió Vụ Nguyên.
[6] Đường dịch: Đường chuyển công văn, thư ngày xưa.
Thôn xóm Vụ Nguyên có thế đội sơn đạp thủy, trước thôn hầu hết đều là những
bến nước cổ. Bến nước bị cổ thụ, trúc xanh che khuất, toát lên sự tĩnh
lặng và trầm mặc của tháng năm, nhưng không một ai ghi nhớ nổi lịch sử
của chúng. Chỉ là năm này qua năm khác, chúng vẫn đậu lại nơi đầu thôn
trang, bình thản mà trầm mặc ngắm nhìn khách đến khách đi. Nước sông vẫn trong vắt như xưa, y như con người Vụ Nguyên, ngày tháng giản đơn, sóng gió chẳng kinh sợ. Những chiếc bè tre đậu ngay ngắn, những chiếc ghế
tre đơn sơ, những người lái đò đầu đội mũ rơm, dùng một cây sào dài
chống xuống nước sông xanh biêng biếc, giữa dòng chảy khói mây bao phủ
đi tìm một bến đò. Những cô gái hái chè lưng đeo gùi tre, hát vang mấy
khúc sơn ca, trên cổ tay đeo những chiếc vòng bạc mà bà nội để lại, vẻ
đẹp độc đáo của chúng bồng bềnh dưới ánh mặt trời.
Người trong
thôn trang chèo bè tre đi lao động, đi họp chợ, giản dị đi ra ngoài, lại giản dị quay về. Nhưng sơn trang mộc mạc này không thay đổi dáng vẻ ban đầu, mấy mẫu ruộng ao, mấy thửa hoa màu, mấy ô giếng cổ, mấy gian nhà
cũ, mấy làn khói bếp, tựa như một cuốn sách cổ ngàn năm, gió thổi khô
dấu mực, gửi lại cho người đời sau tìm đọc. Bến nước không phải là nơi
định mệnh ép con người ta phải quay về, mà chỉ là trạm nghỉ của linh
hồn, cho dù tôi hay bạn đi qua mấy chặng sông nước, nó vẫn im hơi lặng
tiếng.
Cầu mái ngói[7] ván gỗ cũng là một phong cảnh không thể
thiếu ở Vụ Nguyên, biết bao năm tháng, nó dùng chiếc xà chiếc cột đã già nua của mình vắt ngang giữa non xanh nước biếc, không oán không hận.
Nói đến cầu mái ngói, không thể quên được giấc mộng xưa trên cầu mái
ngói ấy, thứ mà cầu mái ngói Vụ Nguyên cất giữ chính là giấc mộng bình
thường giản dị của người Vụ Nguyên. Cầu mái ngói gửi gắm những tâm
nguyện tốt đẹp của họ, cho nên mỗi một cây cầu đều có một cái tên đẹp.
“Lưỡng thủy giáp minh kính, song kiều lạc thái hồng” (Hai dòng nước sáng gương soi. Cầu cây mống đỏ rực ngời trên sông[8]) là hai câu thơ nói
đến cầu Thái Hồng (cầu Cầu Vồng) của trấn Thanh Hoa, cây cầu được tôn
vinh là “Cầu mái ngói đẹp nhất Trung Quốc”.
[7] Một loại cầu có mái ở trên để che chắn, bảo vệ thân cầu, là chỗ nghỉ ngơi, gặp gỡ của khách bộ hành.
[8] Hai câu thơ trong bài “Thu đăng Tuyên Thanh Tạ Dữu bắc lâu” của Lý Bạch (đời Đường), bản dịch Nhã Uyên.
Cầu mái ngói thân bằng gỗ, tạo hình tuyệt đẹp, phong cách cổ xưa mộc mạc,
dài tít tắp như khiến người ta nhìn thấy thời Nam Tống xa xôi. Lịch sử
tám trăm năm, vô số người đã dừng chân nghỉ ngơi ở đây, xây đắp nên
những câu chuyện. Mưa gió tám trăm năm, từ kiếp trước đến đời này, cầu
Thái Hồng vẫn như năm nào, trấn tĩnh bình thản, chỉ già nua đi đôi chút. Ngồi nghỉ ngơi trên cầu, ngắm nhìn thôn xóm trong tranh, non xanh nước
biếc. Một bè gỗ lững lờ trôi qua, bám vào đời người, cứ như thế, không
hỏi đường về, không nói trở lại.
Chính ở miền quê đẹp nhất này,
còn lưu giữ những kiến trúc Huy phái mộc mạc, trang nhã. Tường trắng
ngói đen, mái cong góc lượn, nhà ở Vụ Nguyên đều có chung một bố cục
này, tọa lạc trong sơn thôn sâu thẳm, đời đời nối truyền. Giống như một
tòa nhà cổ bị năm tháng bỏ quên, thu hút vô số người đến gõ cánh cửa
nặng nề nơi đình viện sâu hun hút, xem lại một quãng chuyện cũ của Vụ
Nguyên. Điêu khắc gỗ, điêu khắc đá tinh xảo, những hiên cửa sổ chạm trổ
hoa, tuy kinh qua xuân thu năm tháng, nhưng vẫn giữ được hoàn chỉnh vẹn
toàn. Trên cửa còn treo chiếc gương đồng kiểu cũ, trên mặt bàn bày những bình hoa sứ men xanh, còn có chiếc đồng hồ quả lắc đang gõ nhịp, cho dù thời gian trôi qua bao lâu, chúng đều trầm tĩnh như thuở ban đầu.
Người dân trong núi thuần phác, sống cuộc đời bình thường nhất trong những
ngôi nhà giản đơn. Muối một vại dưa chua, ủ vài vò rượu gạo, phơi mấy
cân trà xuân, trong nhà mùi cơm thơm ngát, mùi thơm ngậy của thịt săn
bốc lên. Tháng năm trôi qua như bóng câu, đời người như một vở kịch trên sân khấu cũ kỹ, từ khi bắt đầu đến khi hạ màn, có viên mãn và cũng có
nuối tiếc. Vụ Nguyên, là nơi trú ngụ của sinh mệnh, chốn về của linh
hồn, dù số phận an bài thế nào, họ cũng cam tâm tình nguyện chìm sâu ở
đó, cả đời không hối hận.
Đi xuyên qua ngõ phố quanh co tĩnh
mịch, không hẹn mà gặp một tòa từ đường nào đó. Ở Vụ Nguyên, từ đường là một bức tranh cổ phơi giữa thôn trang, toát lên mùi thơm nồng của lịch
sử. Từ đường cũng là gốc rễ của người Vụ Nguyên, cho dù họ có đi đến đâu cũng biết, có một nơi đại diện cho nguồn cội của mình là từ đường ở cố
hương, hết năm này qua tháng khác đang đợi chờ họ. Từ đường đối với
những thương nhân Huy Châu xa quê đi làm ăn là một mảnh trăng sáng, treo ở nơi hút mắt nhất trong trái tim, khẽ chạm vào nó, liền cảm động đến
mức lập tức rớt nước mắt.
Thôn Uông Khẩu có một tòa từ đường của
họ Du, được mệnh danh là “Nghệ thuật điện đường”, được dựng từ giữa
những năm Càn Long thời Thanh với khí thế hùng vĩ, kỹ thuật tinh xảo, bố cục hoàn mỹ và phong cách độc đáo, đã làm rung động tâm hồn của ngàn
vạn người ghé thăm. Môn lầu, xà cột, góc hiên đều dùng thủ pháp nông sâu đậm nhạt, hư thực tương ứng, điêu khắc những hình vẽ tinh xảo như long
phượng kỳ lân, nhân vật truyện kịch, chim bay thú chạy, hoa nở cỏ thơm…
Từ đường nơi đây không chỉ là gốc rễ của người dân Vụ Nguyên, mà còn
lắng kết văn hóa phong tục tập quán thâm hậu của chốn này. Đi xa tới tận chân trời, cuối cùng sẽ có một ngày phải quay về làng cũ, về từ đường,
tưởng nhớ đức độ cha ông, ca ngợi công lao tổ tông.
Ở miền quê
đẹp nhất Trung Quốc này có rất nhiều khung cảnh khiến người ta lưu
luyến. Có thể chọn đến thác cao đệ nhất Hoa Hạ – thác Đại Chướng Sơn, để dòng chảy trong vắt xả trôi, tẩy rửa chút phù hoa cuối cùng trong tâm
tưởng. Cũng có thể đến hồ Uyên Ương lớn nhất thế giới, ngắm uyên ương
thành đôi thành cặp đang quấn quýt đùa vui giữa đồng xanh bèo nước, dùng tháng năm đổi lấy nét dịu dàng. Còn có thể ở vườn nhà trò chuyện với
đại nhạn, ngậm làn khói bếp của thôn xóm, nằm mộng mà bay.
Thôn
trang có tên gọi “làng sách”, “làng trà” này, giống như một thân cổ thụ, năm này qua năm khác, dùng mãi một tư thế để đợi chờ ở đây. Chẳng ai để ý đến tuổi tác của nó, cũng không so đo sao nó mãi không thay đổi,
người đến đây đều nguyện ý trao bản thân cho ánh sáng giản dị nơi này.
Giống như đã từng nhuộm mây trắng gió lành của Vụ Nguyên, cho dù đời người
trăm ngàn hồi chuyển cũng không thể xóa được đoạn duyên phận này. Vậy
thì, rời đi trước khi trà nguội, cắt một chút ký ức ấm áp khôn xiết bỏ
vào hành lý, hoặc là mua một nghiên mực cổ hình vuông đem về, vào một
ngày hoài niệm chuyện cũ nào đó, viết nên câu chuyện sắc màu Vụ Nguyên.
Non nước nhàn nhạt sắc màu, trong những nét chấm phá vẽ thôn trang, có
một bóng hình, đó là chính chúng ta.