Bạn đang đọc Năm Tháng Không Từ Bỏ – Chương 97: Năm Xưa
Rất nhiều năm trước, từ lúc bắt đầu gặp gỡ, dáng vẻ của cả hai khi ở bên nhau trông như thế nào?
Mục Tuyết Y chợt phát hiện đã qua rất lâu rồi.
Hơn bảy năm trước.
Cho dù…!có nhớ tới vài chi tiết vụn vặt cũng rất khó nắm giữ loại cảm giác đó.
Chu Chẩm Nguyệt hôn lên gò má của nàng: “Em vẫn chưa ăn gì, tôi dẫn em vào tiệm cơm trong thị trấn ăn chút gì đó lót dạ được không?”
Giọng điệu mềm mỏng, nhu hòa nhất trong những ngày qua.
Mục Tuyết Y gật đầu, nhỏ giọng nói: “Ừm.”
“Nhặt dù của em cất vào xe đi, chúng ta che chung dù cùng nhau đi, được chứ?”
“Được.”
Mục Tuyết Y cầm gậy chống, cúi người nhặt chiếc dù rơi trên mặt đất.
Chu Chẩm Nguyệt đưa tay về phía nàng:
“Lại đây, sát bên tôi.”
Cô dừng một chút, chậm chạp nói.
“…!Bé con.”
Mục Tuyết Y sững sờ.
Ký ức phủ đầy bụi sâu thẳm nơi đáy lòng, theo tiếng gọi “Bé con” phá kén xông ra, quay cuồng làm loạn ở trong đầu.
Lần đầu tiên trông thấy Chu Chẩm Nguyệt, nàng chỉ là một cô sinh viên mới vừa tốt nghiệp.
Lúc đó nàng trẻ tuổi lại ngây ngô, mặc một chiếc váy ngắn liền thân màu vàng kem, đeo cặp sách xanh da trời, bên tai tết một bím tóc xinh xinh nho nhỏ.
Dây thắt bím có hình hoa cúc dại, rải rác trên vai cùng với những lọn tóc xoăn khác, tựa như một con sứa bé tí trong suốt đáng yêu lạc vào giữa đám rong biển.
Ngày hôm ấy, nàng đang đợi Chu Chẩm Nguyệt trên đường tan tầm, nàng ôm một hộp quà, sốt sắng suy nghĩ nên làm cách nào để bắt chuyện với vị Chủ tịch lạnh lùng trong truyền thuyết này.
Rõ ràng Chu Chẩm Nguyệt chỉ lớn hơn nàng ba tuổi.
Nhưng trên người nàng đậm chất học sinh, còn Chu Chẩm Nguyệt đã làm Chủ tịch được vài năm, khi xuất hiện trước mặt nàng, một thân áo khoác xám phối với tây trang đen toát ra khí chất già dặn giàu kinh nghiệm, khiến cho nàng đứng bên cạnh giống như một đứa trẻ mẫu giáo.
Lúc tặng quà cho Chu Chẩm Nguyệt, Tiểu Ngải đứng kế bên quát tháo dọa dẫm:
“Bé con, tránh ra.”
Có lẽ tiềm thức của Chu Chẩm Nguyệt đã ghi nhớ.
Sau đó, mỗi lần Chu Chẩm Nguyệt nói chuyện với nàng, cô luôn gọi nàng là “Bé con”.
Gọi trong khoảng thời gian rất lâu.
Cực kỳ lâu sau này, mới đổi lại “Tuyết Y”.
Vào lúc ấy, nàng xưng hô với Chu Chẩm Nguyệt cũng không phải là “A Nguyệt”.
Nàng không có gan to như vậy, vừa gặp mặt đã không biết lớn nhỏ gọi thẳng tên người khác.
Hồi đó, nàng gọi cô là-
Chị Nguyệt.
Mục Tuyết Y nhớ tới đây, không nhịn được cười, đan chặt năm ngón tay của người cạnh bên.
“Vậy chị Nguyệt phải giữ chặt em đấy.”
Chu Chẩm Nguyệt bất thình lình nới lỏng tay ra.
Cô kéo áo khoác của mình bao quanh toàn thân Mục Tuyết Y, để vạt áo phủ lên bả vai nàng.
Ấm áp chặt chẽ, dán sát vào cơ thể.
Mục Tuyết Y không còn bị mưa gió hắt vào người.
Nàng ôm eo Chu Chẩm Nguyệt, một tay khác chống gậy, từ từ bước đi.
Chu Chẩm Nguyệt thuận theo nhịp chân của nàng, chậm rãi bước đi cùng nàng.
Phần tình cảm hiếm hoi còn sót lại trong ký ức, trôi dạt bất định, khó có thể nắm bắt…
Vì tiếng kêu “Bé con” và “Chị Nguyệt” bỗng nhiên định hình.
Mục Tuyết Y hoàn toàn quên mất mình đã 30 tuổi, tâm trí đắm chìm trong bầu không khí xưa cũ.
Nàng vẫn là cô sinh viên trẻ người non dạ chừng hai mươi tuổi.
Chu Chẩm Nguyệt…!vẫn là một chị gái khó gần, trong nóng ngoài lạnh.
Khóa kỹ xe, bọn họ đi vào thị trấn nhỏ.
Trời tối om, chỉ có vài quán cơm còn mở cửa.
Thị trấn đã lâu đời, không có nhà cao tầng, gạch xanh ngói đen, u ám trong màn mưa, cửa sổ và cửa ra vào tỏa ra ánh đèn màu da cam ấm áp.
Hạt mưa theo mái hiên tí tách tí tách nhỏ xuống vũng nước, nối tiếp nhau bắn tung tóe.
Hai người đều thích ăn bánh bao, vì thế ghé vào một cửa tiệm mì sợi có bán kèm bánh bao.
Đã gần khuya, chủ tiệm mở lồng hấp, bất đắc dĩ nói:
“Xin lỗi nhé, chỉ còn một cái xíu mại, hai cô có mua không?”
Xíu mại rất giống bánh bao, nhưng dùng gạo nếp làm nhân, vỏ hoành thánh làm da, thơm mềm mặn mà.
Người không thích ngọt như Chu Chẩm Nguyệt rất thích ăn nó.
Mục Tuyết Y: “Mua.
Làm phiền thêm một phần Trác tương miến* và một phần mì cay Trùng Khánh*.”
*Trác tương miến (炸酱面): là một món mì có nguồn gốc từ Sơn Đông, Trung Quốc.
Sợi mì to bản được trộn với nước sốt đậu tương được chao qua dầu.
Hay bên Hàn gọi là Jajangmyeon hay jjajangmyeon đó.
Chủ tiệm: “Được, đợi một lát!”
Chu Chẩm Nguyệt ngồi cạnh Mục Tuyết Y, cầm đôi đũa sử dụng một lần cẩn thận lau chùi, làm sạch bụi bặm và gai gỗ ở đầu đũa.
“Em còn nhớ tôi thích ăn mì Trùng Khánh?” Cô rũ mắt, khẽ cười.
Mục Tuyết Y cũng cười: “Sao có thể quên, trước đây em đưa thức ăn cho chị, lần nào chị cũng vứt đi, có một lần em làm mì cay Trùng Khánh, cho rất nhiều ớt, thế mà chị lại ăn sạch sẽ.”
Chu Chẩm Nguyệt không khỏi nhớ lại những món ăn mà Mục Tuyết Y từng làm cho mình.
Thật ra cô cũng không thích ăn mì cho lắm.
Chẳng qua trước đó, cô vẫn chưa nhận ra tình cảm của mình đối với Mục Tuyết Y.
Cô đã không còn nhớ rõ khoảnh khắc mà mình thấu tỏ.
Nhưng cô vẫn nhớ tô mì ngày hôm ấy, mặc dù rải rất nhiều ớt băm nhỏ, cô vẫn vừa khóc vừa ăn sạch sẽ.
Không phải vì cảm động nên mới khóc.
Là đơn thuần bị vị cay làm cho khóc.
Về sau ở chung với Mục Tuyết Y, khi nấu cơm, đôi lúc nàng sẽ cho thêm ớt vào món ăn.
Cô luôn giữ sĩ diện cho nàng mà cố gắng ăn hết, không đành lòng từ chối.
Dần dà, vì ăn quá nhiều đồ cay, cô đã dần dần hình thành thói quen.
“Thói quen” và “Yêu thích” đặt cùng một chỗ, lúc nào cũng khiến người khác nhầm lẫn.
Ngược lại không thể rời bỏ, vậy là được.
Không thể rời bỏ ớt cay.
Đặc biệt không thể rời bỏ vị cay mà Mục Tuyết Y làm ra.
Xíu mại và hai bát mì được bưng lên.
Nó bốc hơi nóng, khiến xung quanh trở nên ấm áp hơn một chút.
Chu Chẩm Nguyệt dùng khăn ướt lau tay, tách xíu mại ra làm hai.
Cô đưa bên lớn hơn đến bên mép Mục Tuyết Y.
“Nào, ăn một miếng.”
Mục Tuyết Y không so đo, ngoan ngoãn ăn.
Ăn xong, nàng thấy đầu ngón tay của Chu Chẩm Nguyệt còn dính vài hạt gạo nếp, không suy nghĩ nhiều, khẽ mở đôi môi ngậm lấy đầu ngón tay của cô, liếm sạch vài hạt gạo nếp còn dính phía trên.
Chu Chẩm Nguyệt thu ngón tay lại, cúi đầu, vô cùng tự nhiên mút đầu ngón tay.
Thân mật tựa như một cặp tình nhân.
Không ghét bỏ nước bọt của nhau, cũng không hề ám muội mập mờ, giống như một hành động nhỏ thường ngày.
Trác tương miến phải trộn lên, nhưng vì bát mì quá to, tay phải của Mục Tuyết Y không tiện.
Găng tay có một số hạn chế, ngón út luôn mất kiểm soát, không ở đúng vị trí vốn có.
Chu Chẩm Nguyệt đưa tay ra: “Tôi giúp em.”
Mục Tuyết Y đẩy bát qua.
Nghe tiếng trộn mì dính nhớp, kèm theo tiếng mưa rơi lanh lảnh ngoài cửa, Mục Tuyết Y ngẩn người một lúc.
Tâm tư bay xa.
Lại từ từ bay về.
Vừa hư ảo vừa chân thật.
Làm người cảm thấy phù phiếm.
Nàng liếc mắt nhìn Chu Chẩm Nguyệt, rũ hàng mi nhìn tay phải của mình.
Một lát sau.
Tay trái của nàng nắm lấy găng tay, nhẹ nhàng cởi ra.
Lại tùy ý gác tay phải lên cạnh bàn.
Năm ngón tay thon dài, nhợt nhạt do quanh năm không thấy ánh mặt trời.
Dưới làn da mỏng trong suốt hiện rõ mạch máu và gân xanh.
Từng mạch máu nhỏ dài chằng chịt, trập trùng trong khung xương mượt mà và gân cốt tinh tế.
Giống như một dòng nước u tối.
Chảy qua núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng.
Chu Chẩm Nguyệt lơ đãng nhấc mắt, nhìn thấy Mục Tuyết Y cởi găng tay, bỗng chốc sững sờ.
Ánh mắt lướt qua mu bàn tay và xương ngón tay của nàng.
Rơi vào vết sẹo dữ tợn ở gốc ngón út.
Mục Tuyết Y chăm chú nhìn Chu Chẩm Nguyệt, xem kỹ tâm tình của cô trong đôi mắt.
Như đang chờ đợi phán quyết.
Ngón út bị dây thần kinh điều khiển, hơi rụt lại.
“Cảm thấy xấu xí đúng không?” Nàng hỏi vô cùng nhẹ.
Chu Chẩm Nguyệt thu hồi ánh mắt, cầm cái cốc nhựa nhấp một hớp nước nóng.
“…!Em nên hạn chế đeo găng tay, đeo quá lâu sẽ khiến màu da nhợt nhạt hơn những chỗ khác.”
Mục Tuyết Y không nhịn được cười: “Chị Nguyệt chỉ chú ý đến màu da?”
“Tôi cũng chú ý đến những nơi khác.” Chu Chẩm Nguyệt đặt cốc nước xuống, môi dưới còn dính ít nước, giọng nói trơn tru mềm mại giống như đôi môi: “Nhưng ý nghĩ trong đầu, chỉ có nơi này.”
Mục Tuyết Y mím môi, bất giác cong ngón tay.
Nắm chặt.
Lại từ từ thả lỏng.
Chu Chẩm Nguyệt đẩy bát mì qua chỗ nàng.
“Bé con.” Cô đặt đôi đũa lên bát mì: “Ăn no, đừng suy nghĩ quá nhiều.”
Mục Tuyết Y bưng bát mì, còng tay vàng ròng trên cổ tay va vào bát sứ.
Nàng gắp một đũa lớn bỏ vào miệng.
Bát mì che lấp nước mắt, âm thầm chảy xuôi, hòa lẫn với mì.
Rất nhiều năm trước, Chu Chẩm Nguyệt cũng từng nói với nàng như vậy.
–“Bé con, đừng suy nghĩ quá nhiều.”
— “Hết thảy đều có tôi đây.”
Mục Tuyết Y khịt khịt mũi, tiếp tục nhồi từng đũa mì vào miệng.
…!Ăn no là được.
Những thứ khác, không cần nghĩ nữa.
* * *
Ăn cơm xong, hai người quay lại xe, lúc này đã chín giờ rưỡi tối.
Đã quá muộn, trời lại mưa, đi đêm không phải là lựa chọn tốt.
Bọn họ cũng cần phải nghỉ ngơi.
Hai người chọn một vị trí thoải mái ở hàng ghế sau nằm xuống, hạ cửa xe để lắng nghe tiếng mưa rơi bên ngoài, dự định ở trong xe ngủ qua đêm.
Mục Tuyết Y nép vào lòng Chu Chẩm Nguyệt, trên người đắp kín chăn và áo khoác.
Trọng lượng của chăn và áo khoác mang đến sự ấm cúng an ổn.
“…!Thật ra lúc đầu, em cũng không muốn đeo găng tay mỗi ngày đâu.”
Mục Tuyết Y vòng tay qua eo Chu Chẩm Nguyệt, thử kể cho cô nghe những chuyện dĩ vãng vụn vặt năm đó.
“Thế nhưng sẽ có người nhìn chằm chằm bàn tay của em, giống như người có vết sẹo trên mặt, khi nhìn mặt họ cũng sẽ không tránh được nhìn vào vết sẹo.”
“Em biết, hầu hết mọi người đều không có ác ý, bọn họ chỉ xuất phát từ bản năng hiếu kỳ.”
“Nhưng em luôn nhạy cảm, dù biết bọn họ không có ác ý, trong lòng ít nhiều…!cũng có chút đau khổ.”
Chu Chẩm Nguyệt xoa đầu Mục Tuyết Y: “Vì lẽ đó em mới đeo găng tay?”
Mục Tuyết Y cười khẽ: “Trùng hợp tay phải và chân phải của em có tật nên phải chống gậy.
Người khác sẽ cho rằng em đeo găng tay là vì muốn giảm thiểu ma sát với lòng bàn tay.”
Chu Chẩm Nguyệt: “Vậy bây giờ em cởi ra, không sợ người khác nhìn sao?”
Mục Tuyết Y yên lặng chốc lát, nhỏ giọng nói: “…!Thật ra…!vẫn sợ.”
Chu Chẩm Nguyệt vuốt ve mái tóc dài của nàng, nhìn ra bên ngoài cửa sổ.
Trong không khí chỉ dư lại âm thanh bé nhỏ của hạt mưa rơi xuống nền đất.
Một lát sau, Mục Tuyết Y mơ màng chìm vào giấc ngủ.
Trọng lượng cơ thể trầm xuống, hô hấp cũng dần nhẹ đi.
Chu Chẩm Nguyệt ngắm nàng trong bóng đêm, chăm chú mím chặt môi.
Mãi sau, cô nhẹ nhàng cầm tay phải của nàng, ngón trỏ nâng ngón út có vết sẹo dữ tợn.
Ánh mắt rơi vào phía trên.
Dừng lại rất lâu.
Cô sờ ngón trỏ của mình, không chút biến sắc tháo chiếc nhẫn ngọc đã theo mình suốt ba mươi năm trời.
Sau đó lặng lẽ đeo chiếc nhẫn vào ngón út của Mục Tuyết Y.
Nhẫn ngọc ở nơi đó, vừa vặn che khuất vết sẹo.
Ngón trỏ của cô nhỏ, ngón út của Tuyết Y lại hơi thô bởi vì vết sẹo để lại, vì vậy chiếc nhẫn đeo vào tay lại bất ngờ vừa khớp.
Tay phải của Chu Chẩm Nguyệt bao lấy tay phải của Mục Tuyết Y, nhẹ nhàng khép lại món quà có ý nghĩa trân quý mà cô chỉ dám tặng khi nàng đã say ngủ.
Nhắm mắt lại, ôm chặt người trong ngực.
“…!Che đi rồi, đừng sợ nữa nhé.”
Cô khẽ thì thầm bên tai người đã ngủ say từ lúc nào.