Đọc truyện Nam Quốc Sơn Hà – Chương 50: Đã Đem Xương Máu Đền Non Nước, -còn Mãi Tinh Thần Với Gió Trăng
Tại chân núi Nham-biền, nước Đại-Việt.
Ngày 21 tháng giêng, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Nhân-tông bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).
Suốt ngày 21, Trung-Thành vương nhìn chim ưng tuần thám trên trời để theo dõi tình hình địch, mà không thấy một dấu hiệu gì. Cho đến trưa, thì chim ưng mang lệnh từ Khu-mật viện đến, vương hồi hộp mở ra đọc. Trong lệnh, nguyên soái Thường-Kiệt cho biết tình hình mặt trận Cổ-pháp Vũ Quang với Võ Kim-Loan tuẫn quốc. Tuy toàn bộ đạo kị binh Tống bị thảm bại, nhưng có lẽ Tống sẽ tràn ngập căn cứ Cổ-pháp bất cứ lúc nào. Tại Yên-dũng, Lý Đoan, Trần Ngọc-Liên đang chống trả với Yên Đạt trong thế tuyệt vọng. Cuối cùng lệnh ban ra:
«… Nhắc lại, đêm nay tiên nương Bảo-Hòa, công chúa Thiên-Ninh sẽ đem hiệu Ngự-long, Quảng-thánh đánh úp căn cứ Như-nguyệt. Bằng mọi giá phải tấn công vào tổng hành doanh Quách Quỳ, nếu không y tung quân sang cứu viện Nam ngạn, thì hai hiệu Ngự-long, Quảng-thánh bị tiêu diệt. Sau khiđánh vào tổng hành doanh Tống, phải lui quân xuống hai hạm đội Thần-phù, Bạch-đằng kéo về trấn Như-nguyệt ».
Vương than với vương phi:
– Chúng ta đang đối đầu với các đại tôn sư Trung-nguyên. Mộc-tồn hoà thượng với Đại-từ Liên-hoa hoà thượng lúc nào cũng ẩn trong quân Tống rồi, khi chúng ta gặp nguy, thì người sẽ tếp cứu. Duy U-bon vương, không biết vương có tới kịp để dự trận với chú Chiêu-Văn không?
– Em cũng lo điều đó. Ta đành để số phận làm việc.
Cho đến chiều, vương cùng vương phi dùng ngựa duyệt lại doanh trại hiệu Long-đực, Đằng-hải một lượt. Duyệt xong vương lại đến doanh trại của hiệu Vạn-tiệp, Hùng-lược duyệt qua. Vương hỏi Tín-Nghĩa vương:
– Sư thúc Lê Văn tới chưa?
– Chưa.
Vương an ủi em:
– Nhưng dù sao em cũng có ba vị sư bá Côi-sơn tam anh bên cạnh, dư sức đối phó với Liêu-Đông tam ma.
Tín-Nghĩa vương lắc đầu:
– Trong ba sư bá, thì chỉ mình tam sư bá Trung-Đạo ở cạnh em mà thôi. Nhưng người phải trấn trên hạm đội Bạch-đằng mất rồi. Còn đại sư bá Phụ-Quốc, nhị sư bá Bảo-Dân đã giả trang làm Thiên-tử binh đi theo Dương Minh.
Trung-Thành vương kinh hãi:
– Sao? Tại sao có vụ này?
– Tại em lỡ lời. Em nói rằng ba vị sư bá tuổi cao, sức không được như xưa thì nên ở trên chiến hạm hơn là xuất trận. Câu nói này, sư bá Trung– Đạo không để vào tai. Nhưng đại, nhị sư bá thì bực mình ra mặt. Các cụ cùng hơn trăm đệ tử giả làm Thiên-tử binh theo Dương Minh. Em cố cản mà không được.
Vương phi Trinh-Dung tính đốt ngón tay rồi nói:
– Không ngờ các cụ lớn tuổi mà hỏa khí còn mạnh quá. Đại sư bá đã 79 tuổi, nhị sư bá đã 77 tuổi rồi chứ có ít đâu. Đành vậy.
Anh em từ biệt nhau.
Trời nhá nhem tối, thì các hiệu binh bắt đầu di chuyển Lôi-tiễn tới vị trí ấn định. Dương Minh họp chư tướng lần cuối, để nhắc lại nhiệm vụ:
– Lệnh ban cho chúng ta đánh vào doanh ba. Doanh ba là nơi đồn trú của năm đạo quân triều, lực lượng trừ bị của Quách Qùy dùng để đánh Thăng-long, tổng số khoảng năm vạn người. Ta cần phải giết ít nhất phân nửa số quân này, hay ít ra cầm chân không cho chúng tiếp cứu Nam ngạn Như-nguyệt.
Hầu ngừng lại để cho chư tướng theo kịp, rồi tiếp:
– Quân Tống tuy đông, nhưng ta không sợ, bởi vì một là ta ra quân bất ngờ. Hai là ta lợi dụng đêm tối dùng Thần-nỏ, Thạch-xa, thú binh làm chủ lực chính. Ba là chúng ta đều quyết tử một đi không về.
Hầu ban lệnh:
– Sư huynh Lý Lục đem đội hổ, mười dàn Thần-nỏ với sư một đi bên trái. Sư tỷ Mai-Lục đem sư hai, mười dàn Thần-nỏ với đội báo đi bên phải. Phương-Cúc đem sư ba, đội Thạch-xa với sư ba đi chính giữa. Chúng ta di chuyển tới gần trại Tống chờ đợi. Khi trong trại Tống tắt đèn một lúc, thì ta cùng tấn công. Quân Tống kinh hoàng thức giấc, thì ta dùng Thạch-xa, Thần-nỏ bắn mở đường, rồi cho thú binh tiến trước, Thiên-tử binh tiến sau. Khi vào tới trung ương, thì sư huynh đánh quặt sang trái, sư tỷ đánh quặt sang phải. Khi có lệnh thì đổi tiền đội làm hậu đội rồi rút lui.
Một bữa tiệc khao quân đã được chuẩn bị: Thịt nướng, giò, chả, rượu đem ra. Tướng mời binh, binh mời tướng cùng uống chung rượu vĩnh biệt.
Người ngậm tăm, thú buộc mõm, âm thầm lên đường. Tới giờ Dậu, thì các đoàn quân chỉ còn cách trại Tống hơn sáu dặm. Quân tướng cùng dừng lại nghỉ ngơi. Sang giờ Tuất, trống trong trại Tống đánh ba hồi, báo hiệu sang canh, tắt đèn đi ngủ. Đèn đuốc tắt hết. Dương Minh ra lệnh cho các đội quân lên đường. Sang giờ Hợi thì tới doanh trại Tống.
Một tiếng hú lảnh lót vang lên, đó là hiệu lệnh tấn công. Ba đội quân cùng nã Thạch-xa phá tan các hàng rào, các cổng, rồi Thần-nỏ đi giữa, hai bên là thú binh, phía sau là Thiên-tử binh reo hò xung vào trại Tống. Quân Tống đang riu riu ngủ, choàng thức dậy, thì bốn phía toàn quân Việt lố nhố, Thạch-xa nã, Thần-nỏ bắn, thú xông vào mà vồ, mà cắn, mà quật. Thoáng một cái quân Việt đã xông vào tới trung ương trại. Bấy giờ quân Tống mới đốt được đèn đuốc lên, thì hai trong năm trại đã bị đánh phá.
Không hổ là những binh đội tinh nhuệ nhất của Tống, bị tấn công bất ngờ, nhưng chỉ hơn khắc sau ba trại còn lại đã dàn ra phản công, bao vây hiệu Long-dực vào giữa.
Lại nói ngày 21 tháng giêng, Quách Quỳ cùng chư tướng nhận được tin Yên Đạt chiếm Phú-lương, giết được các tướng Việt như phò mã Hoàng-Kiện, công chúa Động-Thiên; Trần Di, Bùi Phương-Lý. Hiện Đạt đang phá chiến lũy Yên-dũng. Lại được tin đạo quân của Miêu Lý công phá Cổ-pháp, giết được Vũ Quang; Võ Kim-Liên tử tử theo chồng. Quỳ sai quân chấp pháp gửi lệnh cho hai cánh quân:
«… Nội ngày 22 tháng giêng, Yên Đạt phải phá cho được Yên-dũng; Miêu Lý phải nhổ cho được cái gai Cổ-pháp… Rồi hai đạo cùng tiến về Thăng-long… »
Quỳ họp chư tướng, lần này có cả Liêu-Đông tam ma, Hoa-sơn tứ lão rồi quyết định:
– Tên yêm hoạn Lý Thường-Kiệt với tên Nho sinh mặt trắng Lý Kế-Nguyên bị mắc mưu ta. Chúng cho rằng cánh quân mặt biển với Như-nguyệt của ta là thực, nên chúng để tới hai hạm đội trấn ở Nam-hải. Lại để hai hiệu Bổng-thánh, Bảo-thắng trấn Như-nguyệt; ba hiệu Ngự-long, Quảng-thánh, Phù-đổng trấn Cổ-pháp. Ta cũng giả hư trương thanh thế đánh Như-nguyệt, Cổ-pháp, nhưng thình lình diệt Phú-lương, Yên-dũng. Quả Phú-lương bị ta chiếm. Yên-dũng chỉ có một hiệu binh Bổng-nhật thì mười lăm vạn binh của Yên-đạt sẽ nghiền nát trong nửa ngày rồi tiến về Thăng-long. Bây giờ ta cho cả hai mặt Cổ-pháp, Yên-dũng là thực. Tên Thường-Kiệt tưởng ta ngu như nó, nó sai hai tên Hoằng-Chân, Chiêu-Văn với hai hạm đội tiến về đây để ta tưởng mặt Nham-biền là thực, rồi rút quân về.
Chư tướng đều cười khoan khoái. Quỳ tiếp:
– Còn lâu ta mới mắc mưu chúng. Ta không rút quân về. Nếu chúng muốn tự tử thì cứ đánh vào bản doanh ta. Vậy ta chỉ để lại hai đạo binh triều, hai mươi chỉ huy tân-đằng-hải trấn ở Nam-Bắc chiến lũy Như-nguyệt. Với quân số này đông hơn chúng, lại thủ trong đồn, thì Hoằng-Chân, Chiêu-Văn không thể nào đánh được. Ngay sáng mai chúng ta di chuyển tổng hành doanh theo đạo quân Miêu-lý tiến về Thăng-long.
Ôn Cảo vội xuống lệnh cho quân sĩ nhổ trại, thu xếp quân trang, lừa ngựa, để sáng hôm sau lên đường vào giờ Mão.
Nhưng đúng lúc đó thì ngựa lưu tinh loan báo một tin khủng khiếp:
– Toàn bộ cánh quân Nham-biền bị đánh tan, hai đạo quân của Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương đang tiến về tổng hành doanh.
Quỳ hơi chột dạ. Nhưng Liêu-Đông tam ma trấn an:
– Chúng hư trương thanh thế đấy. Từ hôm khởi cuộc chiến đến giờ bọn Giao-chỉ luôn ẩn trong hang, trong ổ, nên Thiên-binh phải khó nhọc lắm mới đánh được. Bây giờ chúng ra khỏi ổ chó của chúng, với hai cánh quân này chưa tới 4 vạn người. Bố bảo chúng cũng không dám đánh vào tổng hành doanh. Có lẽ chúng chỉ hư trương thanh thế, hầu ta phải rút quân ở Cổ-pháp, Yên-dũng về mà thôi.
Ôn Cảo, Vương Mẫn cũng đồng ý với Liêu-Đông tam ma. Ôn Cảo nói:
– Chỉ nội ngày mai, chúng ta đánh Thăng-long, thì hai tên ôn con Hoằng-Chân, Chiêu-Văn mất đường về. Bấy giờ một là quân của chúng tan, hai là chúng phải đầu hàng.
Vừa lúc đó thì có tiếng quân reo ở phía Như-nguyệt và tiếng Lôi-tiễn nổ ở phía Đông. Rồi có quân báo:
– Quân Giao do công chúa Thiên-Ninh đánh chiếm Như-nguyệt. Phó nguyên soái Triệu Tiết cùng chư tường đang chống trả rất khó khăn.
Quỳ hỏi:
– Thế bọn Miêu Lý, Trương Thế-Cự, Đặng Trung, Lưu Mân đâu?
– Có tin tất cả đều bị bắt hay giết rồi.
– Vô lý, không thể dễ dàng như vậy, nhất là đạo kị binh của Trương Thế-Cự.
Lát sau lại có tin:
– Quân Giao chọc thủng tuyến giữ Như-nguyệt, thế cực kỳ nguy cấp.
Quỳ bắt đầu bối rối:
– Cho hai hiệu 16, 17, 18, 19 từ Bắc ngạn vượt phù kiều sang tiếp viện Nam ngạn.
Bây giờ tiếng Lôi-tiễn xé không gian, tiếng voi rống, tiếng hổ gầm, tiếng báo gào, tiếng sói tru, tiếng ngựa hí, tiếng quân reo, tiếng vũ khí chạm nhau hoà lẫn với tiếng người bị giết, bị chém kêu thét lên từ doanh ba vọng lại. Quỳ với bộ tham mưu chột dạ. Lát sau quân báo:
– Đệ tam doanh bị địch tấn công. Quân Giao đã tiến tới trung ương. Đệ nhất, đệ nhị doanh bị Lôi-tiễn bắn vào, bốc cháy khắp nơi.
Quỳ hoảng hốt ra mặt. Y yên trí mặt Như-nguyệt đã có Triệu Tiết, Diêu Tự. Y cùng Ôn Cảo, Vương Mẫn với Liêu-đông tam ma, Hoa-sơn tứ lão rời hành doanh tới đệ tam doanh.
Dưới ánh đuốc chập chờn, Quỳ đưa mắt quan sát: Hai trại quân đã bị phá tan nát. Lều bốc cháy ngùn ngụt, quân Tống nằm la liệt trên mặt đất; kẻ thì chết, người thì quằn quại bị thương. Ba trại còn lại đang dùng lá chắn chống nỏ thần. Quân sĩ dùng đao, cung tên chống với thú binh. Thiên-tử binh Đại-Việt như đàn hổ đói, được thú binh yểm trợ đang chém giết quân Tống. Quân Việt dàn trận thành ba mũi tấn công, khi chĩa vào chỗ nào, quân Tống bị đánh ngã chỗ đó.
Quỳ ra lệnh cho tướng kị binh Vương Mẫn:
– Hồi chiều tế tác báo cho biết Hoằng-Chân, Chiêu-Văn dựa vào chân núi Nham-biền mà đóng quân. Chúng lập phòng tuyến hướng về ta. Phía sau lưng chúng để hở, chỉ canh gác lấy lệ, vì tin rằng ta không có quân. Bây giờ y nghĩ rằng quân của chúng đột kích ta, ta mải chống trả. Vậy tướng quân cho xuất tất cả kị binh, đi vòng phía bờ sông, rồi đánh vào sau lưng y, thì diệt được y.
Quỳ nói với Liêu-Đông tam ma:
– Xin ba vị tiên sinh cùng hai trăm cao đồ theo trợ chiến cho Vương tướng quân.
Vương Mẫn, Liêu-Đông tam ma cùng đám đệ tử vội về khu trại kị binh. Trận chiến ở đệ tam doanh, ở Như-nguyệt làm cho kị binh tỉnh giầc. Tướng sĩ đã mặc giáp trụ, mang cung tên, thắng yên cương chờ đợi sẵn. Nên khi Vương Mẫn về tới nơi, y gọi chư tướng tới giảng giải về nhiệm vụ, chỉ cần nửa khắc là đoàn kị binh rầm rộ lên đường.
Địa thế Bắc Như-nguyệt tới Nham-biền về thời Lý là khu đất hoang khô quạnh. Bấy giờ thời tiết vào dịp tết, cỏ non mới mọc, cây còn trơ cành, thực là thiên thời, địa lợi cho đoàn kị binh tung hoành.
Trận chiến ở đệ tam doanh vẫn tiếp diễn ác liệt. Sau khi đánh tan hai đạo binh triều Tống, hiệu Long-dực bị ba đạo binh thiện chiến nhất bao vây chặn lại. Nhưng người người đều bỏ ra ngoài lẽ sống chết, lại có thú binh yểm trợ, nên cuộc chiến vẫn chưa phân thắng bại.
Sau hơn giờ giao chiến, Thần-nỏ, Thạch-xa đã bắn hết đá, hết tên. Nỏ binh, xa binh phá các xe bắn đá, nỏ thần, rồi cầm vũ khí chiến đấu với Thiên-tử binh.
Đứng quan sát trận chiến, Quách Quỳ để ý thấy chỗ mũi nhọn do một nữ tướng chỉ huy cạnh Dương Minh; mạnh đến nỗi mũi này đi đến đâu là binh Tống bị đánh dạt ra đến đó. Đặc biệt, đội cảm tử trên hai trăm võ sĩ được chỉ huy bởi hai đội trưởng già;, bất cứ đội trưởng, võ sĩ nào của Tống, hai lão già với đám võ sĩ Việt chỉ đưa một đao là cả người lần vũ khí đứt ra làm hai.
Quỳ hỏi:
– Nữ tướng kia là ai vậy?
– Y thị là vợ tên Dương Minh cùng chồng thống lĩnh hiệu Thiên-tử binh Long-dực. Hồi còn con gái, khuê danh là Hoàng Phương-Cúc. Thị là con của Hình-bộ thượng thư Hoàng Khắc-Dụng.
Quỳ lại chỉ vào hai cánh khác: Cánh bên phải do một thiếu niên chỉ huy. Cánh bên trái do một thiếu nữ chỉ huy. Mặt hai tướng này non choẹt, nhưng võ công rất cao thâm. Quỳ hỏi:
– Hai tướng thiếu niên kia là ai?
– Chúng là vợ chồng. Chồng tên Lý Lục, vợ tên Mai-Lục. Chúng thuộc đám Thập-bát kim cương, là Việt-kiều ở bên Chiêm về cố quốc tham chiến. Sư phụ của chúng là Mộc-tồn hòa thượng.
Nghe đến Mộc-tồn hòa thượng, mặt Quỳ cau lại thực khó coi. Quỳ nói với Hoa-sơn tứ lão:
– Xin Tứ-lão cùng quý cao đồ bao vây, giết chết đám tướng Giao-chỉ kia, thì mới mong diệt được đạo quân này.
Trong Hoa-sơn tứ lão, thì Bạch-lão có vai vế cao nhất. Từ hôm theo quân sang Nam. Lão phân chia hai trăm đệ tử làm bốn toán, mỗi toán cho được đặt thuộc quyền một lão luyện tập, để khi ra trận tiện việc chỉ huy. Cả bốn toán đều chờ đợi. Mãi tới hôm nay, anh em lão mới được Quách Quỳ nhờ đến. Lão phân chia: Xích-lão đánh Mai-Lục, Thanh-lão đánh Lý Lục, còn Bạch-lão, Hắc-lão đánh Dương Minh, Phương-Cúc.
Thoáng một cái, các lão với đệ tử đã xông vào trận chiến. Bạch-lão tung người lên, lão dùng một ưng trảo chụp Dương Minh đang đứng trên bành voi chỉ huy. Trảo của lão phát ra kình lực khiến cho tên quản tượng suýt ngã xuống. Lão kinh ngạc vô cùng, khi thấy trảo sắp tới cổ Dương Minh, mà viên tướng này coi như không biết tới, lão mừng thầm. Nhưng lão chợt cảm thấy phía trước mình có một kình lực mạnh đến nghiêng trời lệch đất đè xuống. Kinh hoàng lão vội biến chỉ thành chưởng đỡ. Ầm một tiếng, người lão bật tung về sau, rơi xuống đất, khí huyết trong người lão chạy nhộn nhạo cực kỳ khó chịu. Bấy giờ lão mới nhìn đối thủ của mình, chỉ là một Thiên-tử binh già. Lão chưa kịp định thần, thì đối thủ đã phóng một chỉ hướng đỉnh đầu lão, chỉ lực phát ra tiếng véo chói tai. Kinh hãi, lão trầm người xuống, rồi rút kiếm đánh cắt ngang vào luồng lực đạo. Choang một tiếng, kiếm của lão bị gẫy làm năm sáu mảnh. Lão ném chuôi kiếm rồi đẩy ra một chưởng, hắt tất cả những mảnh vụn về phía đối thủ. Viên Thiên-tử binh cũng đẩy một chưởng, đánh ngược lại. Hai chưởng chạm nhau đến bùng một tiếng. Cả hai người cùng lảo đảo lùi lại.
Bạch-lão quát lên:
– Cao nhân là ai, xin cho biết cao danh quý tính?
Sau khi quát, lão tưởng đối thủ không biết tiếng Biện-kinh. Nào ngờ viên Thiên-tử binh hỏi ngược lại cũng bằng tiếng Biện-kinh:
– Hoa-sơn tứ lão danh trấn Trung-nguyên về đạo đức, về võ đạo; thế mà sao lại sang đây lăn mình vào chỗ chết, cướp nước người chỉ vì cái mộng ngông cuồng của gã hủ Nho Vương An-Thạch? Xin Bạch-lão giải thích cho?
Bạch-lão liếc nhìn bên cạnh, Hắc-lão đang đấu chưởng với một viên Thiên-tử binh già, hơi yếu thế.
Quách Quỳ đứng xa đã lược trận, y thấy Bạch, Hắc là hai đệ nhất cao nhân đương thời, mà bị hai Thiên-tử binh đánh cho đến luống cuống chân tay thì kinh ngạc không ít. Y đến gần quan sát, chợt y chửi thầm:
– Mình đáng chết thực, thì ra hai Thiên-tử binh này là Trần Phụ-Quốc, Trần Bảo-Dân. Hèn chi Hoa-sơn nhị lão không đàn áp nổi.
Y lên tiếng:
– Ngừng tay!
Bốn người ngừng tay lùi lại. Quách Quỳ xá một xá:
– Thì ra tiền bối Phu-Quốc, người chẳng từng là Phụ-quốc đại tướng quân tổng lĩnh thị vệ đời vua Nhân-tông bản triều đó ư? Còn vị tiền bối kia, người chửng từng là một tao nhân trên giòng Tương-giang, hồ Động-đình sao? Tại sao hai vị lại giả trang làm Thiên-tử binh hèn hạ như thế này?
– Bọn lão phu không nhận chức tước gì của triều đình Đại-Việt, thì khi xuất trận chỉ có thể mặc quân phục của Thiên-tử binh mà thôi.
Phụ-Quốc, Bảo-Dân thấy hai viên tướng Tống đứng rất gần mình, đang chỉ huy thiết đột vây quân Việt. Hai người đưa mắt cho nhau, rồi thình lình mỗi người tung mình về hai tướng đó, tay rút kiếm xả một nhát. Hai viên tướng đang mải chỉ huy không phòng bị, bị chiêu kiếm như trời giáng. Cả hai bị đứt làm hai khúc.
Bạch-lão nổi giận rút kiếm xả vào người Phụ-Quốc, trong khi Hắc-lão xả kiếm vào người Bảo-Dân. Bốn đại cao thủ Hoa-Việt cùng cố xuất hết lực bảo vệ quân mình.
Quách Quỳ nhìn về phía trái. Mai-Lục tay kiếm, tay đao dẫn đầu đội Thiên-tử binh, không tướng nào đương nổi. Giữa lúc Mai-Lục vung kiếm chặt đầu một đô thống Tống, thì Xích-lão tung mình lên cao, lão búng tay một cái, thanh kiếm của Mai-Lục bay vọt lên cao, tay còn lại lão đoạt đao của nàng. Mai-Lục bình tĩnh, tay rút cây roi da trên lưng quất vào người lão. Lão hớt một đao, cây roi bị đứt rồi vọt người lên cao, tay lão dùng một ưng trảo chụp cổ nàng nhắc bổng khỏi bành voi.
Viên đội trưởng chăn ngựa cho các tướng ở tổng hành doanh tên Trịnh Can đang dắt ngựa cho ôn Cảo đứng sau Quách Quỳ. Y hú lên một tiếng rung động không gian, dài liên miên bất tuyệt, khiến mọi người phải bịt tai lại; rồi y tung người lên cao, tay phóng một chưởng mạnh như bài sơn đảo hải hướng Xích-lão. Xích-lão kinh hoảng vội dùng tay trái cặp Mai-Lục, tay phải xuất chiêu đỡ chưởng của Trịnh Can. Nhưng Trịnh Can lại phát tiếp một chưởng nữa, chưởng sau xô chưởng trước như hai lớp sóng nối nhau. Xích-lão kinh hãi, vội tung Mai-lục lên cao, rồi dùng cả hai tay phát chưởng, thân nhảy lùi lại ba bốn bước để tránh áp lực của hai chiêu chưởng khủng khiếp kia. Trịnh Can tiến tới bắt lấy Mai-Lục, tung nàng lên cao. Mai-Lục lộn một vòng, đáp xuống giữa trận Tống, nàng chuyển tay một cái đã đoạt được hai thanh đao của quân Tống. Đao lại vung lên, mỗi cái vung là một thân hình đổ xuống.
Về phía trái, Thanh-lão cùng mười đệ tử tung mình đến chặn ngay trước mặt mũi tấn công của Lý Lục. Lão đáp xuống giữa lúc tay phải Lý Lục đang thúc một chiêu kiếm xuyên qua ngực một viên sư trưởng, rồi tay trái đẩy xác y bay tung sang bên cạnh. Lão chuyển động tay phải một cái, đã đoạt được kiếm của Lý. Lý kinh hãi nhảy lùi liền ba bước, bốn Thiên-tử binh xả đao vào người lão cứu chúa tướng. Nhưng lão như con cá trạch, chỉ cần lách mình hai cái, lão đã đuổi kịp Lý. Tay lão xuyên qua lưới vũ khí của bốn Thiên-tử binh, chụp cổ Lý rồi nhảy về trận Tống.
Lão điểm huyệt Lý Lục, rồi trao cho một đệ tử trói lại, còn lão thì lao vào trận tuyến Việt. Trước mặt lão, hai con hổ, một con beo nhảy xổ đến. Lão vung tay một cái, chưởng phong phát ra ào ào, hai con hổ bật tung lại phía sau, nhưng khi lực đạo sắp tới con báo, thì lão cảm thấy cánh tay như tê liệt. Một mùi thơm của hương sen thoang thoảng xông vào mũi lão. Biết bị trúng độc, lão cố hít hơi điều khí tống độc ra, thì một tiếng véo, rồi hương sen ngào ngạt bốc ra, toàn thân lão như mất hết kình lực. Trong khi đó đôi hổ, với con beo lại nhảy đến vồ lão, lão nghiến răng phát chiêu, mà chưởng không ra. Quá hãi hùng, lão nhảy lùi liền hai bước, thì lạ chưa, Lý Lục chuyển tay một cái tung ra hai chưởng đánh bay hai đệ tử của lão, rồi vọt người lên voi tiếp tục chỉ huy.
Biết có người tung thuốc cứu Lý Lục, tấn công mình, lão lên tiếng:
– Kẻ nào đánh trộm? Nếu là anh hùng, hảo hán thì hãy xuất hiện cùng ta đấu mấy nghìn chiêu.
Không có tiếng đáp lại. Lão vận khí điều tức, thấy chân khí lưu thông như thường, lão tung mình lên, tay rút kiếm xả một nhát như chớp giật vào người Lý Lục, kình lực cực kỳ trầm trọng. Binh tướng Việt kêu thét lên kinh khủng, vì chiêu kiếm đó xả xuống thì Lý Lục với con voi sẽ đứt làm đôi. Từ phía trận Tống, tên mã phu Vũ Uy lách mình một cái, đoạt thanh đao của một quân thiết đột rồi chĩa ngay vào lưng Thanh-lão, nếu lão không thu chiêu về tự cứu mình, thì người lão bị xẻ làm đôi trước. Lão vội quay tay đổi chiều, thanh kiếm vòng ra sau gạt kiếm của Vũ Uy. Choang một tiếng, cả hai thanh kiếm cùng gẫy. Cả hai người cùng lảo đảo lùi lại.
Thanh-lão quát:
– Người chẳng là tên mã phu đó ư? Tại sao người lại giúp giặc đánh người nhà?
Vũ Uy không nói không rằng, lão phóng chưởng tấn công Thanh-lão, chưởng không cực kỳ dũng mãnh. Thanh-lão nghiến răng đỡ. Rầm một tiếng, lão bật lui liền hai bước.
Quách Quỳ kêu lên:
– Thiên-vương chưởng! Chiêu Lôi-đả Ân-tặc! Người chẳng là người Tống ư? Tại sao người biết xử dụng võ công Sài-sơn?
Vũ Uy tiếp tục tấn công Thanh-lão. Hai người cùng dùng hết khả năng đấu với nhau.
Quách Quỳ hỏi viên tá lĩnh hầu cận:
– Có phải hai tên mã phu này là Trịnh Can, Vũ Uy không? Tại sao chúng lại giao chiến với Thanh, Xích lão?
– Thưa nguyên soái đúng. Đây là hai tên mã phu già Trịnh Can, Vũ Uy. Không hiểu sao võ công chúng lại cao thâm đến như vậy? Dường như chúng là gian tế của Giao-chỉ.
Đến đây, vòng vây của quân Tống đã thắt lại, hiệu Long-dực chỉ còn hơn nửa, nhưng người nào cũng quật cường chiến đấu. Thình lình Dương Minh bị trúng một mũi tên vào bụng dưới. Quá kinh hoàng, sợ quân sĩ nhìn thấy sẽ mất tinh thần, hầu rút kiếm đưa một nhát cắt tên, rồi lấy dây lưng băng bụng lại, tiếp tục chỉ huy.
Về phía Phương-Cúc, phu nhân vẫn đứng trên bành voi chỉ huy. Đội nữ cận vệ quyết tử đứng vảo vệ xung quanh. Ôn Cảo thấy vậy chỉ cho đội cao thủ Hoa-sơn:
– Cần thanh toán ngay con nhỏ kia!
Mười cao thủ Hoa-sơn cùng xả kiếm đánh thẳng vào trận nữ binh. Hơn mười nữ binh bị hạ, trận bị hở một khoảng. Hai cao thủ khác tung mình lên, dùng kiếm đánh vào hai bên Phương-Cúc. Phương-Cúc vọt người lên cao, nhưng hơi chậm, một kiếm đả xả rách bụng bà.
Mã phu Trịnh Can đang đấu với Xích-lão, thấy Phương-Cúc lâm nguy, lão quát lên một tiếng, rồi đánh ra một chưởng như bài sơn đảo hải, khiến mười cao thủ Hoa-sơn bị bay tung ra sau, kẻ thì bị vỡ làm hai mảnh, kẻ thì vỡ đầu, kẻ thì vỡ ngực. Trịnh Can phẩy tay một cái, Phương-Cúc lại rơi xuống bành voi. Y hỏi bà:
– Con! Con có sao không?
Tuy đau thấu tâm can, nhưng Phương-Cúc vẫn gượng gạo:
– Thầy để mặc con!
Trong khi Trịnh Can cứu Phương-Cúc, thì Xích-lão tung chưởng giết đám nữ vệ sĩ; Can nổi giận đánh một chưởng mạnh đến nghiêng trời lậch đất. Xích-lão thấy nếu mình đỡ chưởng đó thì nát thây ra, mà chết. Lão vọt mình lên cao tránh. Trịnh Can không buông tha, ông hướng chưởng lên trời, binh một tiếng, Xích-lão bay ra xa rơi xuống đất. Lão quằn quại mấy cái rồi nằm bất động. Đám đệ tử Hoa-sơn vội đến cứu lão, thì lão đã mê man.
Nhờ Trịnh Can cứu mệnh, nhưng vết kiếm làm cho ruột của Phương-Cúc lòi ra ngoài. Bà vội lấy dây lưng băng lại, rồi nghiến răng chịu đau, ngồi trên bành voi chỉ huy.
Trong suốt trời gian quân Tống, quân Việt giao chiến ở đệ tam doanh thì Lôi-tiễn vẫn bắn đều đều vào đệ nhất, đệ nhị doanh. Thình lình tiếng Lôi-tiễn im bặt, rồi từ phía chân núi Nham-biền, lửa bốc ngút trời, tiếng quân reo, tiếng ngựa hí vọng lại.
Quân báo với Quách Quỳ:
– Kỵ binh đang giao tranh với quân của Giao-chỉ ở chân núi Nham-biền.
Tên quân báo báo tin nói rất nhỏ, nhưng cũng lọt vào tai Trịnh Can. Ông nói với Vũ Uy:
– Sư đệ! Lúc này không thể nương tay được. Sư đệ mau giải quyết đi.
Vũ Uy nghe Trịnh Can nói như ra lệnh, ông hít một hơi, rồi phát ra ba chiêu liền, trong chưởng phong có mùi thơm thoang thoảng của hoa sen. Thanh-lão đỡ được hai chiêu đầu, đến chiêu thứ ba thì người lão bay tung ra xa. Cũng như sư huynh, lão quằn quải mấy cái, rồi mê man.
Thiên-tử binh trói hai lão lại.
Thấy Trịnh Can, Vũ Uy hạ Hoa-sơn nhị lão quá dễ dàng, Quách Quỳ nghĩ ra một điều, y quát lên:
– Mộc-tồn hòa thượng, Đại-từ Liên-hoa hòa thượng!
– Đúng thế!
Trịnh Can xoa mặt, vung tay xé rách áo ngoài, ông trở thành một vị tăng áo nâu. Vũ Uy cũng lột mũ, xé áo, trở lại thành một nhà sư.
Mộc-tồn Vọng-thê hoà thượng, Đại-từ Liên-hoa hòa thượng, danh trấn Hoa-Việt trên ba mươi năm qua, dù võ lâm, dù triều đình, dù binh tướng Tống, nghe tên hai ngài đều táng đởm kinh hồn.
Hai ngài đứng dàn ngang, cùng phát chiêu, bình, bình, hơn hai mươi quân thiết đột bị bay tung lên cao, rơi xuống chết đứ đừ. Hai ngài chỉ đánh có mười chiêu, khiến vòng vây Tống mở rộng.
Mộc-tồn hòa thượng đưa mắt nhìn trận đấu của Phụ-Quốc, Bảo-Dân với Bạch, Hắc-lão không phân thắng bại.
Vào thời Đại-Việt giúp Nùng Trí-Cao khởi binh, bản lĩnh ủa Côi-sơn tam anh vào tuổi khí huyết sung thịnh, từng giết chết thủ tọa La-Hán đường chùa Thiếu-lâm, với đệ nhất cao thủ bang Nhật-hồ. Nhưng nay, tuổi các ông đã đi qua cổ lai hi (70) từ lâu; trong khi tuổi của Hoa-sơn tứ lão đang hồi sung thịnh nhất. Vì vậy cuộc chiến vẫn bất phân thắng bại.
Thấy rằng muốn cứu sống đám Thiên-tử binh này, thì phải giết tướng giặc. Mộc-tồn hòa thượng đưa mắt cho Viên-Chiếu. Cả hai cùng quát lên, một tiếng rồi phát chưởng đánh vào những viên đô-thống, tá lĩnh đang chỉ huy quân. Chỉ thoáng một cái, hai vị đã thanh toán xong gần ba chục tướng lớn nhỏ của Tống. Trận Tống bị rối loạn liền.
Liếc nhìn thấy Quách Quỳ đang đứng điều binh, Mộc-tồn hòa thượng phát một chưởng như bài sơn đảo hải đánh vào người y. Quá kinh hãi, y phát chiêu đỡ. Ầm một tiếng, người y bật tung lại sau. Đám võ sĩ cùng phát chiêu cản Mộc-tồn hòa thượng cứu chúa. Nhưng ngài như thiên tướng giáng thế, tay vung lên, đám võ sĩ bay tung ra hai bên. Chỉ hai chiêu ngài đã tiến tới gần Quách Quỳ, miệng quát:
– Quách Quỳ, hôm nay Phật-gia phải khai sát giới.
Quách Quỳ tung mình bỏ chạy vào trận Tống. Mộc-tồn hòa thượng vung tay đánh dạt quân Thiết-đột tiến tới chỗ y đứng. Ngài chỉ đánh có ba chiêu, thì chỉ còn cách Quỳ có ba trượng (6m). Đội võ sĩ Hoa-sơn, Thiếu-lâm lăn xả ra vây lấy ngài cứu Quỳ. Ngài móc trong túi ra một nắm thuốc, tay bóp nát rồi vọt mình lên cao, ở trên cao ngài phóng xuống một chưởng. Chưởng mang theo thuốc chụp xuống đầu đội võ sĩ Hoa-sơn, khiến đội này lảo đảo ngã lăn ra. Nhưng khi nhìn lại, ngài không thấy tăm tích Quách Qùy đâu. Mộc-tồn hòa thượng đành quay trở lại mặt trận. Thấy Phụ-Quốc, Bảo-Dân chưa hạ được Hoa-sơn nhị lão, ngài móc trong túi ra hai viên thuốc, rồi hướng hai lão bắn tới. Một viên trúng huyệt Đại-trùy Bạch-lão, một viên trúng huyệt Phong-phủ Hắc-lão; giữa lúc chưởng của Phụ-Quốc, Bảo-Dân đánh tới. Hai lão bị mất kình lực, thân mình bay tung lại sau, rơi xuống đất. Cả hai quằn quại mầy cái rồi nằm bất động.
Thế là cả bốn lão bị Thiên-tử binh trói lại.
Quân Tống thấy Quách Quỳ bỏ chạy, Hoa-sơn tứ lão sống chết chưa rõ, các tướng chỉ huy sư, lữ đều bị giết thì kinh hoàng như rắn mất đầu. Vòng vây do vậy dãn ra.
Mộc-tồn hoà thượng vận nội lực nói lớn:
– Chư quân nghe đây! Bần tăng là người theo Phật, không muốn khai sát giới. Nhưng vì Hy-Ninh nghe theo lời Vương An-Thạch đem quân sang cướp nước Việt, hại con đỏ, vì vậy bần tăng chỉ giết tướng mà thôi. Còn chư quân vô tội, bần tăng không nỡ ra tay. Vậy chư quân hãy lùi lại, không nên đuổi theo. Bằng đuổi theo, thì bần tăng không thể dung tính mạng.
Nói rồi ông quát lên một tiếng, phát chiêu Thiên-vương trấn thiên vào xác con voi chết nằm đó, rầm một tiếng, con voi bị đánh bật tung lên cao, rồi vỡ thành hàng trăm mảnh rơi xuống đầu quân Tống. Quân Tống hét lên kinh hoàng, vòng vây mở thực rộng.
Thế là Phụ-Quốc, Bảo-Dân cùng với Dương Minh, Phương-Cúc dẫn đầu; Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Lý Lục, Mai-Lục đi đoạn hậu. Thiên-tử binh vác xác đồng đội, dìu thương binh thong thả rời khỏi doanh trại Tống. Vừa rời khỏi trại Tống, thì Dương Minh, Phương-Cúc cùng lảo đảo muốn ngã. Vệ sĩ vội đỡ hai người xuống, lấy cây làm cáng, cáng hai người đi.
Viên-Chiếu hỏi:
– Hai con có đau lắm không?
– Sư bá yên tâm, chúng con chịu đựng được mà.
Khi đã rời trại Tống hơn bốn dặm, Mộc-tồn hòa thượng, Viên-Chiếu cùng chư đệ tử mới ra lệnh dừng bước để băng bó, trị bệnh cho thương binh.
Nhắc để độc giả biết, Mộc-tồn, Viên-Chiếu từng nổi danh là thánh y đương thời, nên đoàn đệ tử của ngài cũng như Lý Lục, Mai-Lục đều là những thầy thuốc giỏi.
Viên-Chiếu móc trong bọc ra hai viên thuốc bỏ vào miệng Dương Minh, Phương-Cúc:
– Đây là thuốc cầm máu và trấn thống. Hai con nuốt đi cho máu bớt chảy, đợi lát nữa về trại, sư bá sẽ cho con uống ma-thang để ngủ mê đi rồi dùng dao mổ vết thương lấy máu bầm, rịt thuốc may lại thì không lo gì nữa.
Mộc-tồn hòa thượng xua tay:
– Đợi về đến trại thì lâu quá. Ta nên làm tại đây. Nhưng đau lắm, các con có chịu được không?
Phương-Cúc cười:
– Sư bá! Bọn con không sợ đau đâu.
Thế rồi Mộc-tồn hòa thượng trị cho Dương Minh; Viên-Chiếu trị cho Phương-Cúc. Hai ngài điểm vào mấy yếu huyệt khiến hai người tê đi, rồi dùng dao trủy thủ hơ vào ngọn đuốc khử độc. Hai ông ra tay thực nhanh, mổ vết thương, dùng vải thấm máu, dùng kim may vết thương, sau đó lấy cao dịt vết thương; cuối cùng dùng vải băng lại. Công việc không đầy một khắc là xong.
Bấy giờ hai ngài mới giải huyệt cho Dương Minh, Phương-Cúc.
Đoàn người tiếp tục rút về hướng Nham-biền. Đi được hơn nửa giờ, thì tiền quân thấy chân núi, nơi quân Việt đóng trại đèn đuốc như sao sa, rồi tiếng ngựa hí, tiếng người la hét, tiếng vũ khí vọng lại, vội báo cho Phụ-Quốc. Phụ-Quốc kinh hãi la lớn:
– Quân Tống đột kích trại ta!
Mộc-tồn, Viên-Chiếu bỏ hậu quân tiến lên hàng đầu. Mộc-tồn hòa thượng bảo Mai-Lục:
– Mắt con tinh nhất, con trèo lên cây quan sát xem cái gì đang xẩy ra tại chân núi Nham-biền?
– Tuân pháp chỉ sư phụ.
Mai-Lục thoăn thoắt leo lên chót vót ngọn cây gần đó, phóng mắt nhìn về phía trại Việt, rồi nói vọng xuống:
– Bạch sư phụ! Kị binh Tống đang đánh nhau với quân Việt. Dường như trại binh bị tràn ngập. Khu đóng quân của hiệu Vạn-tiệp, Hùng-lược chỉ thấy xác chết ngổn ngang. Khu đóng quân của hiệu Đằng-hải ở sườn núi vẫn còn giao tranh. Quân Việt rút lên núi cố thủ, còn kị binh Tống thì đang vây phía dưới.
Bàn về võ công thì Mộc-tồn, Viên-Chiếu cao hơn Phụ-Quốc, Bảo-Dân. Nhưng hai ngài lại không biết nhiều về binh sự; trong khi Phụ-Quốc từng là đô đốc Tương-giang hồ Động-đình, sau lên tới Phụ-quốc đại tướng quân, tổng lĩnh thị vệ thời vua Nhân-tông triều Tống. Vì vậy Viên-Chiếu hỏi ông:
– Nhị sư huynh! Ta phải làm gì?
Phụ-Quốc hỏi Lý Lục, Mai Lục:
– Ta còn bao nhiêu quân có thể lâm chiến được?
– Bạch sư bá, còn được năm nghìn hơn không thương tích.
– Liệu chư quân còn sức chiến đấu không?
Dương Minh đang nằm trên cáng, ông ngồi dậy:
– Trận vừa qua tuy kinh tâm động phách, nhưng chư quân chưa dùng hết lực, sức khoẻ vẫn còn nguyên. Vả chư quân đều luyện võ hơn mười năm. Bây giờ chỉ cần nửa khắc, họ điều tức, thì công lực lại phục hồi ngay.
Mai-Lục lại nói vọng xuống:
– Trận Tống chuyển động. Chúng đang rút lui ra xa, dàn trận. Ồ! Có một đội kị mã từ phía Nam mới tới. Ái chà! Đám kị mã mang rượu tới khao quân Tống.
Dương Minh lệnh cho quân dừng lại nghỉ ngơi, dưỡng thần.
Phụ-Quốc bàn:
– Đây là khu đồng bằng, chỉ có cỏ. Từ hôm sang đến giờ, kị binh Tống thường rong ruổi ở khu này, nên chúng rất quen với địa thế. Bây giờ chúng rút về hướng này, hiệu Long-dực của ta chỉ còn một nửa, lại phải mang theo thương binh tử sĩ; cung thì hết tên. Làm sao ta địch lại chúng? Chi bằng ta rút ra phía bờ sông, tránh chúng. Một mặt ta viết thư sai chim ưng cầu cứu với thủy quân, để thủy quân lên bờ cứu viện cho ta. Bằng không chúng sẽ dẵm nát chúng ta trong chốc lát.
Phương-Cúc ngồi nhỏm dậy, phu nhân đưa mắt cho chồng, trong ánh mắt đó dường như bà nói với hầu một điều gì. Dương Minh hiểu ý phu nhân, hầu gật đầu. Bà nói với Phụ-Quốc:
– Vậy xin nhị vị sư bá đem tử sĩ dấu vào rừng kia, rồi dẫn thương binh đi ngay cho.
– Nào, ta đi!
Nhưng Dương Minh xua tay:
– Sư bá đi đi, bọn cháu quyết không chịu lui. Dù quân số hao hụt một nửa, dù cung không còn tên, nhưng chúng cháu chỉ có thể chết chứ không thể lùi. Chúng cháu quyết dàn trận tại đây để đánh với quân Tống.
Phụ-Quốc chợt nhớ lại trong buổi triều hội, Linh-Nhân hoàng thái hậu, vua bà Bình-Dương, tiên nương Bảo-Hòa; từng khuyên bọn Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt nên uyển chuyển rút quân khi thấy trận thế mình yếu, mà 12 tướng đều từ chối. Bây giờ ông cũng chạm phải thái độ quyết tử đó. Chưa biết phải tính sao, ông tìm Mộc-tồn hòa thượng để thỉnh ý kiến.
Không đợi cho Phụ-Quốc trả lời, Phạm Dật xé vạt áo, rồi búng tay vào lưỡi dao chủy thủ, máu chảy ra. Hầu viết mấy chữ sai chim ưng đem ra hạm đội cầu cứu với đô đốc Trần An, Trần Hải, và báo cho đạo quân của Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương biết việc làm của mình.
Mộc-tồn hòa thượng đã đến bên Dương Minh, ngài nói:
– Bây giờ ta đem thương binh, tử sĩ vào khu rừng rậm kia dấu đi, còn binh tướng khoẻ ta dàn trận phục kích, đợi kị binh Tống trở về thì đổ ra đánh. Hay ta dàn trận chờ chúng?
Dương Minh thấy Mộc-tồn hòa thượng đồng ý với mình thì vui vẻ hỏi ông:
– Sư bá! Liệu kị binh Tống có rút về phía này không? Lỡ chúng đổi ý, rẽ sang đường khác thì sao?
Mộc-tồn hòa thượng móc trong bọc ra mấy cây pháo lệnh:
– Chúng rẽ sang đường khác thì ta gọi chúng đến. Trong những ngày ẩn ở trại Tống ta đã lấy cắp được những ống pháo lệnh của Quách Quỳ. Khi những hỏa pháo này tung lên tại đâu, thì tướng Tống được gọi, bất cứ giá nào phải tới nơi để tiếp cứu chúa tướng. Tướng kị binh của Tống đang đánh ta là Vương Mẫn, thì ta tung cây pháo thăng thiên, lúc nổ phát ra hình con ngựa phi. Vương Mãn thấy lệnh ắt bỏ trận, hướng về đây. Ta chỉ việc phục kích là diệt được đám kị binh này.
Các hiệu Thiên-tử binh đều được học phép lăn dưới đất, chăng dây chống kị binh trên cánh đồng, nên khi Lý Lục, Mai Lục ra lệnh, thì binh tướng hiểu liền. Cuộc mai phục chỉ trong vòng hơn nửa khắc là xong.
Phụ-Quốc phân chia bốn đại cao thủ, mỗi người trấn một khúc. Khi trận chiến bắt đầu, thì phải ra tay thần tốc giết hết các tướng, đô thống, tá lĩnh, tham lĩnh, sư trưởng, lữ trưởng để đám kị binh như rắn mất đầu, thì Thiên-tử binh mới có thể giết bọn kị mã: Mộc-tồn hòa thượng khúc đầu, Phụ-Quốc khúc thứ nhì, Viên-Chiếu khúc thứ ba, Bảo-Dân khúc thứ tư.
Mộc-tồn hòa thượng bảo Mai-Lục:
– Con leo lên cây, quan sát tình hình địch rồi báo xuống cho đại sư bá.
Nói dứt ngài rút chiếc pháo thăng thiên ra đốt rồi vận nội lực tung lên. Cây pháo bay vọt khỏi những lùm cây cao chót vót, phát ra tiếng nổ, toả thành hình con ngựa phi.
Mai-Lục nói vọng xuống:
– Kị binh Tống đang từ từ lui khỏi chân núi.
– Quân Việt thừa thế dùng tên bắn theo.
– Kị binh đổi đội hình chia làm hai. Một nửa dàn trận đánh cản hậu. Một nửa đang hướng về đây.
– Kị binh đốt đuốc, đi hàng một đang hướng về đây. Mỗi kị mã để một xác đồng đội nằm ngang trên lưng ngựa. Ồ, có kị mã mang hai ba xác theo.
Lý Lục hô quân:
– Chăng dây, dấu dây lẫn vào cỏ.
Quân sĩ răm rắp làm theo.
Mai-Lục nói vọng xuống:
– Tổng số ước hơn ba nghìn kị binh đamg đi tới.
Mộc-tồn hòa thượng nói nhỏ vào tai Lý Lục:
– Vương Mẫn có sáu nghìn kị binh. Như vậy trong trận chiến vừa rồi y bị hao một nửa. Chà! Ta có năm nghìn người mà phải đánh với ba nghìn kị binh thì cái kết quả đã thấy rồi. Tuy nhiên các con đã quyết tử thì sư phụ củng không biết phải nói sao!
Mai-Lục lại nói vọng xuống:
– Kị mã chỉ còn cách có hai dặm. Đuốc cháy hết. Cứ ba kỵ mã có một người cầm đuốc.
Đến đây kỵ binh bắt đầu đi vào trận địa phục kích.
Dương Minh cầm tù và chuẩn bị. Mộc-tồn hòa thượng chỉ vào viên tướng kỵ mã đi đầu nói nhỏ vào tai Lý Lục:
– Cái tên đi đầu kia là Vương Mẫn, y thống lĩnh đoàn kị mã này. Sư phụ sẽ giết chết y, để chúng không có người chỉ huy.
Khi thấy đoàn kỵ binh hoàn toàn lọt hoàn toàn vào trận địa phục kích, Dương Minh cầm tù và rúc lên: Tuu…u. Tú..u…u.
Thiên-tử binh cùng giật dây chăng ngang đường. Ngựa vướng dây ngã lăn ra, chúng hí lên inh ỏi, hắt kị mã xuống ngựa. Các cao thủ lao lên trước, mỗi chiêu phát ra, một viên chỉ huy kỵ binh bị đánh tan xác. Thiên-tử binh rời chỗ nấp, vũ khí vung lên phập, phập, phập… Bao nhiêu kĩ mã ngã ngựa bị giết. Phân nửa kỵ mã không bị ngã, chúng la hét vang dội, thúc ngựa lao vào hàng ngũ quân Việt. Quân Việt lăn xuống đất, dùng vũ khí chặt chân ngựa. Cuộc chiến diễn ra trong bóng đêm. Quân Việt cứ nằm sát mặt đất, hễ thấy người ngồi trên ngựa là vọt dậy chém ngã.
Dương Minh, Phương-Cúc tuy bị thương nặng, nhưng trách nhiệm của chúa tướng khiến hai người vẫn lên mình ngựa chỉ huy quân.
Đoàn kỵ mã đi sau thấy đoàn trước trúng phục binh thì đốt đuốc lên, rồi dàn trận xông vào. Từ chiều, Thiên-tử binh phải lặn lội, xung sát trong đêm, bây giờ phải chiến đấu trong địa thế bất lợi, khí thế giảm rất nhiều. Hơn nữa họ phải đối đầu với đoàn kị binh đông gấp hai mình, nên trong khoảnh khắc, trận Việt bị cắt làm ba làm bốn.
Môïc-tồn hoà thượng, Viên-Chiếu, Phụ-Quốc, Bảo-Dân ra sức xung sát, nhưng cũng không cản được thế như núi lở băng tan của kị binh.
Giữa lúc quân Việt lâm thế tuyệt vọng, thì từ phía bờ sông Cầu, một đội binh rất hùng tráng đang cầm đuốc tiến tới. Dương Minh nhận ra đó là thủy quân của hạm đội Bạch-đằng, Thần-phù. Hai đô đốc Trần An, Trần Hải dẫn đầu hai đội quân. Cạnh đó là Trần Trung-Đạo. Hai đạo quân dàn ra mau chóng bao vây lấy khu trận địa. Thủy quân vây tròn kị binh lại. Trận chiến thực kinh khủng: Ở trong cùng là hiệu Long-dực bị kỵ binh vây; vòng ngoài thủy quân vây kị binh. Trận chiến kéo dài hơn hai khắc, thì tất cả kỵ binh Tống đều bị hạ.
Chiến trường trở lại yên tĩnh.
Đô đốc Trần An nói với Trần Phụ-Quốc:
– Biết rằng quân nhà bị kỵ mã tấn công, nhưng trong đêm tối cháu không dám cho thủy quân lên bờ tiếp viện. Mới đây, U-bon vương cho người báo rằng, sau trận chiến, các hiệu Đằng-hải, Hùng-lược, Vạn-tiệp tổn thất không làm bao. Vậy phụ thân cháu cho đổ bộ thủy quân đánh vào sau lưng địch cứu viện cho Dương Minh, Phương-Cúc. Chúng cháu lại nhận được thư cầu cứu của Dương Minh… Chúng cháu cho thủy quân tiến đến đây cứu viện. Cũng may vừa kịp.
Chiến trường được thu dọn mau chóng. Thủy quân giúp Thiên-tử binh mang thương binh, tử sĩ về doanh trại ở chân núi Nham-biền.
Sau cuộc xung sát, máu ở vết thương Dương Minh, Phương-Cúc lại ứa ra. Hai vị lảo đảo muốn ngã. Phương-Cúc vẫn còn tỉnh táo. Bà hỏi Mai-Lục:
– Sư tỷ, mình bắt được bao nhiêu ngựa?
– Hai nghìn rưởi con.
Dương Minh thở hổn hen nói với Phương-Cúc:
– Phương-Cúc ơi, em vui lòng chưa? Từ trước đến giờ em hằng lo lắng về đoàn kị mã Tống. Chúng có một vạn hai nghìn ngựa, thì trong trận Cổ-pháp, công chúa Thiên-Ninh dùng thuốc, bắt hơn năm nghìn của Trương Thế-Cự. Năm nghìn của Vương Mẫn thì trong khi đánh Nham-biền chết một phần. Còn lại bị ta giết, bắt hết. Như vậy Quách Quỳ chỉ còn hai nghìn ngựa thì ta không sợ y nữa.
Mộc-tồn hòa thượng vỗ vào vai Dương Minh:
– Con ơi! Quách Quỳ không còn kỵ binh đâu!
– Thưa sư bá, thế hai nghìn quân kị kia của chúng nay ở đâu?
– Ta ẩn trong trại Tống bấy lâu ta biết rõ: Lam chưởng làm chết mất hơn hai nghìn ngựa rồi.
Đoàn người ngựa tiếp tục lên đường hướng về núi Nham-biền.
Chợt Phương-Cúc nói với Dương Minh:
– Anh ơi! Sao em cảm thấy chân tay tê dại thế này?
– Anh cũng vậy.
Phương-Cúc thở hổn hển:
– Sao em thấy người buồn ngủ kỳ lạ. Kìa trên trời đầy chim bay, anh có thấy không? À, không phải, đó là chuồn chồn, châu chấu.
Dương Minh là thầy thuốc, nghe phu nhân nói hầu kinh hãi vì biết đó là triệu chứng của người kiệt lực sắp chết. Hầu bảo thân binh:
– Người… người mau ngừng lại, rồi thỉnh…hai vị đại sư… cho ta.
Mộc-tồn hòa thượng nghe quân báo tình hình bệnh trạng của Dương Minh, Phương-Cúc thì kinh hãi, ngài lạng người đến cầm mạch bà, thì chân tay bà lạnh ngắt, mắt trợn ngược. Dương Minh thấy nét mặt hoảng hốt của Mộc-tồn thì hỏi:
– Sư bá… Phương… Cúc sao rồi!
– Sau khi máu ra nhiều, ta buộc vết thương cho, đáng lẽ Phương-Cúc với cháu phải nằm nghỉ… thì các cháu lại xung sát, nên máu trong người ra hết. Phương-Cúc kiệt sức mà tuẫn quốc rồi.
Dương Minh thở dài, hầu nắm tay Mộc-tồn hòa thượng:
– Sư bá! Sư bá giảng rằng, sau khi chết 100 ngày thì người ta lại đi đầu thai. Nhưng sư bá ơi, trước đây có lần Long-biên ngũ hùng, Tây-hồ thất kiệt đem truyện đó bàn với tiên nương Bảo-Hòa. Người dạy rằng muốn đầu thai hay không là tự mình. Vì vậy mười hai đứa chúng cháu cương quyết sau khi chết không đầu thai, hồn sẽ quy tụ các tướng sĩ thành lập đội âm binh bảo vệ xã tắc. Sư bá bảo… có nên không?
– Nên chứ. Hoặc giả con có thể tái đầu thai, rồi lại làm tướng giết giặc còn hơn là không đầu thai. Con hiểu không?
Hầu mỉm cười:
– Con lại tái đầu thai làm người Việt.
Không thấy Dương Minh trả lời, ngài hỏi lại:
– Sao con không trả lời sư bá?
Hầu vẫn im lặng. Ngài vội cầm tay hầu, thì hầu đã quá vãng. Đại sư Viên-chiếu đứng cạnh, ngài lẩm nhẫm đọc kinh vãng sinh.
Binh tướng hiệu Long-dực nghe tin chúa tướng cùng phu nhân tuẫn quốc thì bỏ cả hàng ngũ vây xung quanh thi thể hầu với phu nhân khóc lóc thảm thiết,
Ghi chú,
Trung-vũ đại tướng quân, Kính-tâm hầu Dương Minh tuẫn quốc năm 26 tuổi. Phu nhân Hoàng Phương-Cúc tuẫn quốc năm 25 tuổi. Sau khi hết giặc, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu ban sắc phong cho ngài chức tước như sau: Cao-sơn, Thiên-y, Trung-vũ đại vương. Phu-nhân được phong Trang-hòa quận chúa. Truyền lập đền thờ.
Vì lời nói: Sẽ tái đầu thai làm người Việt, nên ngài là một vị tướng được dân chúng huyền thoại nhiều nhất. Nhiều đến nỗi những ai không tìm hiểu sâu xa sẽ tưởng có nhiều Cao-sơn đại vương khác nhau. Sau 918 năm thăng trầm lịch sử, cho đến nay (1995) tôi còn tìm được chín đền thờ ngài. Mà đáng buồn thay, thần tích chín đền thờ đều không hoàn toàn giống nhau. Đó là đền thờ:
1. Ở ba xã Ôn-cập (làng Gắp), Lạc-yên (làng Khốm), Hoàng-liên (làng Sen), tổng Hoàng-vân. Nay thuộc huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-bắc.
2. Đền thờ ở xã Lương-nhàn, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-hưng.
3. Đền thờ ở phường Đông-tác, huyện Thọ-xương, nay thuộc quận Đống-đa, Hà-nội.
4. Đình thờ ở thôn Điền-niêm, huyện Vĩnh-bảo, nay thuộc Hải-phòng.
5. Đền thờ ở thôn Bất-lự, xã Đại-sơn, huyện Tiên-du nay là huyện Tiên-sơn tỉnh Hà-bắc.
6. Đình thờ ở làng Cung-bái huyện Lục-ngạn, nay là huyện Yên-thế, tỉnh Hà-Bắc.
7. Đình thờ ở làng Đông-lỗ, tổng Đông-lỗ, huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc.
8. Đền thờ ở xã Quỳnh-giản, huyện Chí-linh, tỉnh Hải-dương.
9. Đình thờ ở xã Đồng-áng, tổng Hoàng-vân, huyện Hiệp-hòa, tỉnh Hà-Bắc.
Độc giả muốn thâm cứu thêm về tiểu sử ngài, xin đọc bài tựa NQSH, quyển 1, phần 7.2.2.
Dương Minh tuẫn quốc rồi, Lý Lục là phó thống lĩnh thay thế cầm quyền. Ông ra lệnh cho binh sĩ tiếp tục lên đường về căn cứ Nham-biền.
Mai-Lục thấy Mộc-tồn hòa thượng kẹp một người trong nách thì hỏi:
– Sư phụ! Sư phụ bắt giữ ai thế kia?
– Nó là Vương Mẫn, lĩnh chức Vũ-kị Vân-ma thượng tướng quân.
Nói rồi ngài ném y xuống đất cho quân trói lại.
Hơn khắc sau, đoàn người ngựa về đến trại Nham-biền. U-bon vương Lê Văn ra ngoài trại đón vào. Không thấy Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương cùng các tướng Trần Ninh, Ngô Ức, Tạ Duy đâu; Mộc-tồn hòa thượng hỏi U-bon vương:
– Sư đệ, nhị vương với ba đại tướng quân đâu rồi?
U-bon vương cắn chặt hai hàm răng vào nhau, rồi chỉ vào xác mười người đặt nằm dài trên mười cái cáng làm bằng tre:
– Đệ tiếp cứu trễ, nên họ đã tuẫn quốc cả rồi.
Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Phụ-Quốc, Bảo-Dân đều rúng động tâm can:
– Sao? Sao họ tuẫn quốc ra sao?
U-bon vương buồn rầu thuật lại…
Trong khi hiệu Long-dực tấn công vào trại Tống, tất cả Lôi-tiễn trực thuộc các hiệu Long-dực, Đằng-hải, Vạn-tiệp, Hùng-lược đều được tập trung vào bốn khu gần trại Tống rồi nã vào doanh đệ nhất, đệ nhị. Chính cuộc nã Lôi-tiễn này, đã làm ta rã hàng ngũ bốn đạo binh triều Tống.
Trung-Thành vương, Tín-Nghĩa vương leo lên cây cao gần trại Tống quan sát chiến trường. Giữa lúc cuộc chiến sôi động nhất, thì nhị vương thấy có nhiều tiếng reo hò ở căn cứ Nham-biền vọng lại. Hai vương dương mắt nhìn về, thì một cảnh tượng kinh hồn táng đởm diễn ra: Chiến mã Tống hàng hàng lớp lớp tay cầm đuốc đang tấn công vào phía sau lưng doanh trại của hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp. Quân hai bên đã lẫn vào nhau. Thiên-tử binh đang hết sức chiến đấu với thiết kị. Còn doanh trại của hiệu Đằng-hải nằm trên sườn núi, nên thiết kị Tống chỉ vây ở bên dưới rồi dùng lao phóng lên.
Nhị vương vội tụt xuống, rồi lấy ngựa khẩn trở về trại. Tín-Nghĩa vương vào trại của hiệu Hùng-lược. Trung-Thành vương vào trại của hiệu Đằng-hải. Doanh trại của cả hai hiệu đều bị cắt làm ba, làm bốn khúc.
Tín-Nghĩa vương thấy vương phi Ngọc-Nam đang bị vây bởi năm sáu thiết kị. Cạnh đó, Phương-Dược ngồi dựa lưng vào một tảng đá, phu nhân bị trúng một mũi lao vào hông trái. Còn Ngô Ức tuy bị thương ở ngực trái, nhưng vẫn đứng đốc chiến. Vương rút kiếm lao vào vòng chiến. Chỉ bốn chiêu vương đã đánh dạt được đám thiết kị, rồi cùng vương phi đánh về phía Ngô Ức, bảo vệ cho Ngô điều quân.
Trung-Thành vương bỏ ngựa vọt lên núi, nơi đóng quân của hiệu Đằng-hải. Vương phi Trinh-Dung với Trần Ninh, Ngọc-Hương chia nhau đứng làm ba nơi đốc chiến. Hiệu Đằng-hải núp sau các tảng đá dùng tên bắn vào kị binh Tống. Dưới chân núi, xác kị binh nằm la liệt.
Vương hỏi vương phi:
– Tình hình ra sao?
– Chúng tới bất thình lình, rồi chia làm ba. Hai mũi tấn công hai hiệu Vạn-tiệp, Hùng-lược. Một mũi bao vây không cho hiệu Đằng-hải tiếp cứu đồng đội. Trần Ninh đã cho quân đổ đồi hai ba lần để tiếp cứu hai hiệu kia, mà không phá nổi vòng vây.
Nhìn trận chiến, vương nghĩ rất nhanh:
– Nếu cứ để như vầy thì hai hiệu Vạn-tiệp, Hùng-lược sẽ bị tiêu diệt. Ta phải cho hai hiệu ấy phá vòng vây tiến về đây mới xong.
Vương ra lệnh cho Trần Ninh, Ngọc-Hương:
– Các em truyền binh sĩ chuẩn bị, khi có lệnh thì chọc thủng vòng vây để đón hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp lên.
Nói rồi vương ra hiệu cho đội Lôi-tiễn duy nhất còn lại đóng trên sườn núi. Ba trái Lôi-tiễn xé không gian bay lên không, rồi nổ thành ba trái cầu lửa. Đó là lệnh cho hai hiệu Hùng-lược, Vạn-tiệp đánh về phía chân núi; hiệu Đằng-hải đổ đồi.
Lập tức ba hiệu binh cùng đổi thế trận, đánh như vũ bão, đội ngũ kị binh bị dạt ra, chỉ hơn khắc sau, hai hiệu Hùng-lượcc, Vạn-tiệp đã tiến tới chân núi. Tín-Nghĩa vương, vương phi Ngọc-Nam, Tạ Duy, Phương-Quế đi đoạn hậu, vừa lùi vừa cản giặc. Hơn nửa khắc nữa cả ba hiệu quân đã dàn ra trấn tại sườn núi. Kị binh bị cung tên bắn ngã nhiều quá phải rút ra xa reo hò.
Quân hai bên gờm nhau, im lặng.
Lý Thất, Mai-Thất là học trò Mộc-tồn hòa thượng, rất giỏi y học. Hai người lại bên Ngô Ức, Phương-Dược xem xét thương thế hai người. Phương-Dược bị trúng một mũi lao vào hông trái, chỉ còn thoi thóp thở. Ngô Ức bị trúng một mũi tên vào ngực phải; tên xuyên trúng phổi. Mai-Thất điểm vào mấy yếu huyệt để cầm máu, trấn thống, rồi lấy ra hai viên thuốc bổ khí nhét vào miệng hai người.
Vương-phi Lê Ngọc-Nam hỏi:
– Còn hy vọng gì không?
-– Lao xuyên thủng dạ dày, tên ngập tới phổi thì dù sư phụ hiện diện cũng bó tay.
Ngô Ức tỉnh dậy trước, thấy vương phi Ngọc-Nam đang nắm tay mình, nước mắt dàn dụa, biết bà chị này vốn nhiều tình cảm, hầu an ủi bà:
– Chị ơi! Chị hãy can đảm lên, giặc dữ đang ở trước mặt. Chị quá thương cảm như vậy thì e mất hết ý chí chiến đấu. Trong trận đánh Nam-giới vương chẳng từng dạy chúng em rằng: « Yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau, mà cùng nhau nhìn về một hướng ». Nay chúng em được chết cho xã tắc thì chính xã tắc là cái hướng của bọn em rồi!
Nguyên Tín-Nghĩa vương nhận lời Khất hòa thượng, chiếu cố đến Tây-hồ thất kiệt. Vì vậy bề ngoài vương phi đối với Tây-hồ thất kiệt là chị em, chứ thực sự phi nuôi, dậy bẩy người như con. Bây giờ thấy hầu sắp chết nằm đó, hỏi sao phi không thương tâm?
Hầu hỏi Mai-Thất:
– Sư tỷ! Sư tỷ có thể vực Phương-Dược lại bên đệ không?
Mai-Thất sẽ bồng Phương-Dược đặt bên hầu. Trong cơn mơ mơ, tỉnh tỉnh, Phương-Dược cất tiếng hát một bài hát bình dân diễn tả tình yêu của đôi lứa thiếu niên. Hầu gượng ngồi dậy, dựa lưng vào Lý Thất; hai tay hầu nắm lấy hai tay phu nhân, rồi nói trong cơn mê loạn:
– Phương-Dược! Em là một tiểu thư ôn nhu, văn nhã, đàn ngọt, hát hay… Thế mà em chịu làm vợ anh, một đứa trẻ mồ côi, vô sở bất chí; một đứa võ phu thô lỗ cộc cằn… Chỉ vì chúng ta cùng một chí hướng. Hôm nay, chúng ta được chết cho xã tắc, thế là chúng ta toại nguyện.
Nói dứt, hầu vung tay rút cái lao trên người phu nhân, rồi rút mũi tên trên ngực mình. Ngọc-Nam, Mai-Thất định cản, nhưng không kịp. Máu từ vết thương vọt ra ngoài; hầu vẫn nắm tay phu nhân, mắt hai người từ từ nhắm lại. Trên môi hầu nở một nụ cười.
Ghi chú,
Định-viễn đại tướng quân, Huệ-tâm hầu Ngô Ức là cháu năm đời vua Ngô Quyền (Quyền sinh Văn, Văn đinh Đức, Đức sinh Tuệ, Tuệ sinh Ức) tuẫn quốc năm 24 tuổi. Phu nhân Quách Phương-Dược là tiểu thư con của đại thần Kiểm-hiệu thái phó, Đồng-bình chương sự, Chính-đức hầu Quách Sĩ-An; tuẫn quốc cũng năm 24 tuổi.
Sau khi hết giặc, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho hầu tước Định-viễn Lôi-thần đại vương. Phu nhân được phong Trang-duệ, Ninh-tĩnh quận chúa. Lại truyền phối thờ ở đền Kê-lạc cùng với tiên vương Ngô tiều.
Trải qua 918 năm thăng trầm của lịch sử với biết bao lớp sóng phế hưng, cho đến nay (1995) đền Kê-lạc vẫn còn tại xã Nghĩa-chế, huyện Tiên-lữ, tỉnh Hưng-yên. Nay là huyện Phù-tiên, tỉnh Hải-hưng. Độc giả muốn thâm cứu thêm về tiểu sử của ngài xin xem bài tựa NQSH quyển 1, mục 7.2.6.
Đâu đó vang lên ba tiếng chiêng lệnh, kỵ binh Tống dạt ra. Từ phía sau, một đội võ sĩ hơn trăm người mặc y phục đen, dẫn đầu bởi ba trung niên nam tử. Ba người này, một người mặc y phục trắng, một người mặc y phục đen, một người mặc y phục xanh. Ba người vọt ngựa tiến lên lên hàng đầu. Thiên-tử binh dương cung nhắm ba người buông tên. Ba người chỉ vung tay một cái, tên bị bay dạt ra, rồi nhấp nhô mấy lần đã tới đầu hàng kị binh Tống.
Người áo trắng lên tiếng:
– Ta muốn gặp hai tên lỏi con Hoằng-Chân, Chiêu-Văn!
Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương, hai vương phi Trinh-Dung, Ngọc-Nam lách mình lên trước hàng quân. Trung-Thành vương cung tay:
– Hậu bối Hoằng-Chân xin tham kiến Liêu-Đông tam anh. Dường như ba vị có đại danh là Nhất-Sư, Nhị-Hổ, Tam-Báo thì phải. Từ hơn mười năm nay, anh em tiểu bối ở mãi vùng cực Nam này, mà cũng nghe danh ba vị như sấm động bên tai. Hôm nay anh em tiểu bối mới được diện kiến ba vị. Thực là tam sinh hữu hạnh.
Người mặc quần áo trắng vỗ ngực:
– Ta chính là Nhất-Sư vương.
Y chỉ người mặc quần áo xanh, đen:
– Còn đây là Nhị-Hổ vương, Tam-Báo vương.
Tam-Báo vương hất hàm:
– Phải chăng mi là cháu gọi Trần Tự-An bằng ông nội? Khi ở Trung-nguyên ta nghe võ lâm xưng tụng bốn cha con Trần Tự là Trần Tự-An, Trần Thông-Mai, Trần Thanh-Mai, Trần Tự-Mai quá đáng. Nào là bác học đa năng, nào là vô địch thiên hạ. Lại còn cái tên U-bon vương Lê Văn gì đó, được tôn là võ lâm chí tôn miền Tây. Nực cười nhất là hai tên thầy chùa nhóc con Minh-Không, Đạo-Hạnh, chỉ học được ba cái múa mà cũng dám nhận cái chức thánh tăng mới thối. Cho nên khi lên đường ta đã đóng năm cái cũi để bắt hai tên Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Minh-Không, Đạo-Hạnh và Lê Văn giam vào đó, rồi đem đi khắp chiên hạ cho dân chúng coi chơi. Bây giờ gặp bọn bay đây, ta không thèm chấp. Nhưng bọn bay phải ra lệnh cho quân sĩ bỏ vũ khí đầu hàng, bằng không ta sẽ bắt bỏ cũi.
Vân-ma thượng tướng quân Nhu-Tâm hầu Trần Ninh nghe Tam-Báo phách lối quá, không chịu được, hầu phất tay một cái. Đội Thần-tiễn Long-biên hướng đội cao thủ Liêu-Đông buông tên. Bị bất ngờ, hơn nữa đội Thần-tiễn bắn tên bằng thép, mỗi lần bắn ba, bốn mũi vào ba bốn mục tiêu khác nhau. Đám đệ tử Liêu-Đông hét lên kinh hoàng dùng vũ khí gạt. Nhưng hơn năm chục tên bị tương, bị chết.
Liêu-Đông tam ma thét lên hô đệ tử xung vào trận Việt. Đệ tử Liêu-Đông đều là những cao thủ, nên chúng tiến tới đâu, quân Việt dạt ra đến đó. Căm hận Trần Ninh, Tam-Báo vọt người lên cao như cá phi lên khỏi mặt nước. Chỉ năm sáu lần, y đã đến trước hầu. Thấy chủ tướng lâm nguy, đội Thiền-tiễn Long-biên hướng Tam-Báo buông tên. Tam-Báo phẩy tay mấy cái, kình lực phát ra như bài dơn đảo hải đẩy tên bay ra xa. Y vung tay chụp cổ Trần Ninh, Ngọc-Hương rồi nhảy lùi lại ném hai người vào bụi cây. Trần Ninh vòng tay ra sau rút dao chủy thủ đâm Tam-Báo, nhưng chân khí trên người hầu cuốn cuộn phát ra, khi dao tới lưng Tam-Báo, thì kình lực không còn, con dao rơi xuống đất.
Vương phi Trinh-Dung đứng điều quân, thấy Trần Ninh, Ngọc-Hương bị bắt như hai con gà thì kinh hãi rụng rời. Phi nhìn sang phải thì Tạ Duy, Phương-Dược cũng bị Nhị-Hổ bắt trong trường hợp tương tự. Nhất-Sư đang phá vòng vây tiến lại phía vương phi Ngọc-Nam. Y ra chiêu ưng trảo chụp phi. Kinh hãi, Tín-Nghĩa vương phát chiêu Đông-hải lưu phong, rồi Phong-ba hợp bích đánh vào lưng y để cứu vương phi. Y biến trảo thành chưởng gạt chiêu của vương. Bình, bình, vương cảm thấy như trời long đất lở, tai phát ra những tiếng vo vo không ngừng, chân khí cuồn cuộn tuôn ra khỏi người. Tuy vậy, thấy Nhất-Sư lại chụp vương phi, vương nghiến răng phát chiêu Phong đáo sơn đầu đánh vào lưng y để cứu phi. Nào ngờ Nhất-Sư cười nhạt, không đỡ chưởng của vương, tay y chụp được vương phi. Chưởng của vương vừa tới lưng y, thì kình lực biến mất, tay vương như vỗ vào lưng y vậy. Y cười nhạt, tung vương với vương phi rơi cạnh vợ chồng Trần Ninh, Tạ Duy, như đặt xuống vậy.
Nhị-Hổ bị Trung-Thành vương chỉ huy đội Thần-tiễn Long-biên bao vây chặt như nêm, nên y không tiến tới chỗ vương được.
Vương Mẫn hô kị binh bỏ ngựa, theo đám đệ tử Liêu-Đông truy kích quân Việt. Nhìn vợ chồng Tín Nghĩa vương, Trần Ninh, Tạ Duy bị bắt, Trung-Thành lệnh cho đội Thần-tiễn Long-biên bảo vệ quanh mình thực chắc, rồi vương rút lên đỉnh núi đứng điều quân. Thấy kị binh bỏ ngựa, vương cười thầm:
– Tên Vương Mẫn ngu thực. Nếu kị binh ngồi trên mình ngựa, thì một tên có thể đánh bại mười Thiên-tử binh của ta. Nay chúng bỏ ngựa, thì một Thiên-tử binh của ta đó thể đánh bại năm kị binh. Chúng chỉ có sáu nghìn kị binh, sao địch nổi ba hiệu Đằng-hải, Hùng-lược, Vạn-iệp của ta?
Vương phất cờ cho Thiên-tử binh vừa đánh vừa lùi lên cao. Kị binh « đi bộ » ra sức đuổi theo. Thấy dường như phân nửa kị binh đã leo lên đồi, vương phất cờ. Thiên-tử binh reo lên một tiếng, quay lại phản công. Không đầy một khắc, bao nhiêu kị binh leo núi bị giết sạch.
Liêu-Đông Nhất ma Sư-vương thấy Thiên-tử binh tiến thoái nhịp nhàng, y kinh ngạc vô cùng vì rõ ràng các chúa tướng của ba hiệu Đằng-hải, Vạn-tiệp, Hùng-lược người bị giết, kẻ bị bắt, mà sao trận tuyến vẫn không vỡ? Y đưa mắt nhìn, thì ra bọn Lý Ngũ, Thất, Cửu đã kịp thời thay thế. Ba hiệu vây lấy thầy trò Liêu-Đông tam ma. Võ công bọn này cực kỳ cao thâm, mỗi chiêu chúng đánh ra, là một Thiên-tử binh ngã.
Vì đám kỵ binh leo núi bị giết sạch, nên số kị binh ở dưới chân chỉ còn phân nửa. Vương Mẫn cho dàn ra bao vây chân núi, reo hò yểm trợ cho Liêu-Đông tam ma. Tam-ma với đám đệ tử bị bao vây bởi hơn mười lớp Thiên-tử binh, nhưng chúng vẫn không nao núng. Lợi dụng chúng bị vây, vương phi Trinh-Dung cho quân vực Tín-Nghĩa vương, vương phi với vợ chồng Trần Ninh, Tạ Duy đưa lên đỉnh núi.
Phi hỏi Ngọc-Nam:
– Sao? Trong người thấy thế nào?
– Sức lực mất hết, đến dơ tay lên cũng không nổi.
Tín-Nghĩa vương nói với Trinh-Dung:
– Anh chị phải cẩn thận, đừng để chúng chạm vào người, e bị hóa mất công lực như bọn em.
Giữa lúc đó, một đội kị mã khoảng trên ba chục người từ xa phi đến như bay. Trên tay mỗi người cầm một cây đuốc. Đi trước đội kị mã là hai thiếu nữ cầm hai cây cờ lớn. Cây thứ nhất thiêu hình bông sen cạnh bông phong lan. Cây thứ nhì có hàng chữ « U-bon vương Lê ». Cạnh lá cờ là đôi nam nữ, tuy tuổi đã cao, nhưng nam thì như cây ngọc trước gió, nữ thì yểu điệu sắc nước hương trời.
Vương Mẫn thấy U-bon vương với công chúa Nong-Nụt xuất hiện thì chột dạ. Y dàn kị binh ra, rồi tiến tới trước trận hỏi:
– Phải chăng đại vương hiện là Thái-sư, thượng-phụ, Trấn-quốc đại nguyên súy, tước phong Hoa-sen đại vương (U-bon) vương của Chiêm-quốc?
– Đúng vậy.
– Từ trước đến giờ, Thiên-triều luôn trọng đãi Chiêm-vương, hàng năm đều sai sứ sang phủ dụ. Hà cớ vương gia với công chúa lại tới đây trợ giúp Giao-chỉ đánh lại quân Thiên-triều?
– Ta đánh quân Thiên-triều bao giờ? Ớ đâu?
Công chúa Nong-Nụt chất vấn Vương Mẫn: Chúng ta tới đây có truyện với Liêu-Đông tam anh, chứ không liên hệ gì tới chiến cuộc Tống-Việt cả.
Vương mỉm cười ôn tồn:
– Cô gia đang ở U-bon, được tin nguyên soái Quách Quỳ đem quân đánh Đại-Việt. Trong quân của Quách nguyên soái có Liêu-Đông tam anh. Tam-anh đóng năm cái cũi để bắt giam bốn đại sư Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Minh-Không, Đạo-Hạnh với cô gia. Vì vậy cô gia phải tìm Tam-anh để hỏi cho ra lẽ mà thôi. Mong tướng quân cho cô gia gặp Tam-anh.
Vương Mẫn quát lên một tiếng, trận kị binh mở ra một lối, y chỉ lên núi:
– Kia! Tam-anh đang ở trên núi. Xin vương gia lên đó mà lý luận.
Đội kỵ mã của U-bon vương phi thẳng tới chân núi, rồi bỏ ngựa leo dốc. Tới chỗ Trung-Thành vương đang chỉ huy đội Thần-tiễn Long-biên chiến đấu với thầy trò Liêu-Đông tam ma. Vương hú lên một tiếng rung chuyển rừng núi, khiến mọi người ù tai, ngừng chiến lùi lại. Vương hô:
– Tất cả ngừng tay.
Trung-Thành vương hú lên một tiếng, Thiên-tử binh lùi lại. Vương với vương phi hướng U-bon vương, vương phi hành lễ:
– Tham kiến sư thúc, sư thẩm.
Liêu-Đông tam ma thấy U-bon vương thì cười ha hả. Tam-Báo nói:
– Thiên đường có nẻo mi không đến, địa ngục không đường dẫn xác vào. Tể tướng Vương An-Thạch thân lên núi đem chiếu chỉ của Hy-Ninh đế mời chúng ta hạ sơn, bắt cho bằng được năm tên khâm phạm. Nên ta có đóng năm cái cũi để bắt mi với bốn tên sư ăn thịt chó mang về. Nhưng rất tiếc chưa gặp đứa nào cả. Bây giờ mi tự đến đây nộp mạng thì thực là điều ta cầu mong.
Trung-Thành vương đứng cạnh vương nói nhỏ:
– Sư thúc! Chiêu-Văn, Ngọc-Nam, Trần Ninh, Ngọc-Hương, Tạ Duy, Phương-Dược bị trúng độc công của chúng, mất hết công lực. Sư thúc mau bắt chúng để lấy thuốc giải.
U-bon vương Lê Văn vẫn nhỏ nhẹ:
– Thì ra thế. Cô gia ở bên Xiêm, nghe Tam-anh đóng cũi tìm bắt, cho rằng mình đã làm gì để Tam-anh không bằng lòng, nên về đây để giải thích, để xin lỗi. Bây giờ cô gia mới biết tam anh tuân mật chỉ của Hy-Ninh. Vậy thì chúng ta không có gì để nói nữa. Tam-anh là người Hán, vì Hy-Ninh đế mà sang đây, còn cô gia là người Việt, cũng vì Anh-vũ Chiêu-thắng hoàng đế mà về đây. Không biết trong Tam-anh, vị nào chỉ giáo cho cô gia?
Tam-Báo vỗ ngực:
– Ta muốn bắt mi bỏ vào cũi. Nhưng ta muốn trong khi người đấu với chúng ta, thì đám binh Việt không được bắn lén. Người có dám hứa không?
Trung-Thành vương hừ một tiếng, rồi nói:
– Ta hứa.
Tam-Báo vận công phát chiêu. Chiêu số của y cực kỳ ảo diệu, chưởng phong như có, như không. U-bon vương chuyển mình tránh khỏi. Tam-Báo lại phát chiêu thứ nhì, vương vẫn tránh. Đến chiêu thứ ba, vương mới trả lại bằng chiêu Thiên-vương trấn thiên. Ầm một tiếng, người Tam-Báo lảo đảo lùi lại ba bước liền mới đứng vững. Y ọe một tiếng, mửa hai hai búng máu. Trong khi U-bon vương thấy công lực của mình bị thoát ra không ngừng. Là đại tôn sư võ học, là đại y sư, vương tìm ngay ra nguyên tắc của bọn Liêu-Đông: Chúng dùng một số độc tố, mở toàn bộ hai kinh thái dương của địch thủ. Do đó chân khí địch thủ phát ra hết, không còn sức chống bệnh, rồi độc tố nhập tạng phủ mà thành tàn tật. Vương vội hít một hơi, rồi bế kinh thủ thái dương tiểu trường kinh, túc thái dương bàng quang kinh lại, chân khí ngừng thoát ra ngoài. Vương nghĩ thầm:
– Bản lĩnh hóa công của bọn Liêu-Đông thực không tầm thường. Hèn gì cứ mỗi chiêu, chúng lại hạ một tướng của mình. Ta cần dùng phương pháp dồn thuốc vào kinh mạch, bắt sống chúng rồi uy hiếp chúng trị cho người của mình.
Nghĩ vậy, vương thọc tay vào túi lấy mấy viên thuốc bóp bẹp ra rồi vung chưởng tấn công Tam-Báo. Tam-Táo đỡ được mười chiêu thì thở hồng hộc, Nhị-Hổ thấy vậy phát một chiêu đánh vào sau lưng vương cứu em. Công chúa Nong-Nụt mắng:
– Đồ mặt dầy! Hai người đánh một ư?
Công chúa phát chiêu Thiên-vương chưởng đánh vào lưng Nhị-Hổ để cứu vương. Nhị-Hổ thấy phía sau lưng mình bị một áp lực đè xuống, biết có người đánh trộm, y chuyển chưởng đánh vào hông công chúa. Hai chưởng gặp nhau phát ra tiếng bùng. Cánh tay Nhị-Hổ tê rần, trong khi công chúa cũng cảm thấy khí huyết đảo lộn, rồi chân khí ra đi, không trở về. Công chúa vội vận Thiên-vương mật dụ cố cơ, giữ chân khí lại.
Nhất-Sư thấy Tam-Báo đấu không lại Lê Văn, thì nghĩ được một kế, y sai đệ tử khiêng năm cái cũi dàn ra trước trận. Y chỉ vào một cái cũi có tấm gỗ viết chữ «Giao-chỉ lão cẩu Lê Văn » (Con chó già Giao-chỉ):
– Lê Văn, người chống không lại tam đệ của ta đâu, mau chui vào đây ngồi, thì chúng ta sẽ không hóa giải công lực người. Bằng không, khi công lực bị hóa giải, người sẽ như đứa trẻ sơ sinh, đi không nổi, ngồi không được. Còn con vợ người, tuy già, nhưng ta thấy còn ngon lắm, ta sẽ đem về thưởng thức cái món con gái Thái xem có gì lạ không?
Nhất-Sư tưởng với lời nói đó sẽ làm Lê Văn tức giận, chân khí chảy hỗn lọan, nhưng y nào ngờ vương luyện võ công Sài-sơn đến chỗ cao siêu tuyệt đỉnh, thì cách chế chỉ tâm thần đến chỗ «tâm bất hoặc». Y nói mặc y nói, vương hít hơi phát liền ba chiêu rồi dồn thuốc ra. Bình, bình, bình, Tam-Báo thản nhiên đỡ. Trong lòng y nghĩ thầm:
– Cho mi đánh ba chiêu này, rồi công lực mất hết.
Nhưng thình lình y cảm thấy khắp người ngứa ngáy cực kỳ khó chịu, chân tay mất hết lực. Lê Văn đánh một chiêu nữa, người y bay bổng lại phía sau, chui tọt vào trong cái cũi có chữ đề « Giao-chỉ lão cẩu Lê Văn ».
Vương quay lại: Công chúa vừa đánh ra chiêu Thiên-vương hồi thể. Nhị-Hổ cười nhạt, vung tay đỡ, binh một tiếng, công chủa lảo đảo lùi lại. Y cười nhạt:
– Mi trúng chiêu hóa công của ta, từ nay trở thành người tàn tật rồi.
Vương kinh hãi xẹt tới đỡ công chúa, rồi phát chiêu Lôi-đả Ân-tặc bằng tất cả bình sinh công lực. Nhất-Sư đứng ngoài thấy rằng nếu Nhị-Hổ mà đỡ chiêu đó, thì sẽ nát thây ra mà chết. Y hít hơi rồi hay tay để vào lưng Nhị-Hổ truyền công lực sang. Giữa lúc đó, Nhị-Hổ phát chiêu đỡ. Ầm một tiếng, hai anh em Nhất-Sư, Nhọ-Hổ bật tung trở lại, trong khi Lê Văn cũng lảo đảo.
Thình lình Nhị-Hổ kêu lên:
– Sư huynh! Sao mắt đệ không nhìn thấy gì cả?
U-bon vương hô lên một tiếng:
– Ngừng tay.
Vương chỉ vào Nhị-Hổ, Tam-Báo:
– Này Nhất-Sư! Bên ta có tới sáu người bị trúng hóa công chưởng của các vị. Ngược lại hai vị bị ta dồn thuốc vào kinh mạch, Nhất-Sư cùng đám cao đồ bị vây, e khó thoát. Vậy bây giờ chúng ta cùng ngừng chiến. Nhất-Sư trao thuốc giải cho ta để hầu trị sáu người. Còn ta, thì ta cũng sẽ trị cho hai người của Nhất-Sư. Không biết Nhất-Sư nghĩ sao?
– Được.
Nhất-Sư móc trong bọc ra một hộp thuốc, lấy sáu viên trao cho U-bon vương:
– Đây là thuốc giải. Sau khi uống vào một giờ thì khỏi.
Vương bóp một viên thuốc ra ngửi, rồi nếm thử; thấy đây là thứ thuốc không có độc tố. Vương trao thuốc cho Trinh-Dung. Trinh-Dung đem thuốc bỏ vào miệng Tín-Nghĩa vương, vương phi Ngọc-Nam, vợ chồng Trần Ninh, Tạ Duy.
U-bon vương để công chúa xuống rồi hỏi:
– Công chúa có sao không?
– Em dùng Thiên-vương mật dụ cố cơ, nên chỉ mất một ít chân khí mà thôi, chưa kiệt quệ.
Câu nói của công chúa, khiến vương tìm ra được một chân lý: Nội công của Phù-đổng thiên vương khắc chế với Hoá-công nhuyễn cân của phái Liêu-Đông.
U-bon vương Lê Văn tiến đến bên Nhị-Hổ, Tam-Báo, vương xòe bàn tay để lên huyệt Bách-hội rồi vận công. Bao nhiêu thuốc vương đẩy vào kinh mạch hai người từ từ được trục ra. Vương nói:
– Thôi, xin Tam-anh lui về trận Tống. Từ nay, giữa chúng ta bao nhiêu oán hờn đều xóa bỏ.
Nhị-Hổ, Tam-Báo hít hơi, vận công, thấy chân khí lưu thông bình thường, cả hai cung tay:
– Hẹn ngày tái ngộ.
Ba người cùng đám đệ tử lững thững xuống núi. Khi qua chỗ Trung-Thành vương, với vương phi đứng, thình lình Nhị-Hổ, Tam-Báo cùng phát chiêu đánh vào vương với vương phi. Thấy kình lực của chúng không lấy gì làm mạnh cho lắm, hai vị vung tay đỡ. Bộp một tiếng nhẹ nhàng. Chưa ai hiểu tại sao, thì Tam-ma cùng đám đệ tử đã lao xuống núi.
Trung-Thành vương hỏi U-bon vương:
– Sư thúc! Tại sao chúng lại phát chiêu nhẹ nhàng như vậy? Hay chúng kiệt lực rồi.
Nói đến đây, vương với vương phi thấy chân khí tuôn ra khỏi cơ thể ào ạt. Cả hai cố van khi giữ lại, nhưng càng vận khí, khí càng ra nhiều hơn. Hai vị lảo đảo ngã xuống. Lý Bát, Mai-Bát vội đỡ lại. Vương run lẩy bẩy:
– Sư thúc, chúng phóng độc vào người cháu.
Lê Văn kinh hãi, vương bắt mạch Trung-Thành vương với vương phi: Nội lực bị mất hết, mạch nhảy rất yếu. Vương nổi giận, lạng mình đuổi theo Liêu-Đông tam ma, thì vừa lúc đó có một đoàn kị mã Tống khoảng trăm người, người nào cũng to lớn, hùng tráng. Đội kị mã theo hộ tống hai người, một nam trang phục theo tước vị thế tử, một nữ trang phục theo tước vị quận chúa của Tống. Dẫn đầu đoàn kị mã là cây cờ lớn, có hàng chữ:
« Thái-sư tả tướng quốc, Kinh-Nam vương, khâm sứ ».
Một đô thống chỉ đoàn kị mã nói với Vương Mẫn:
– Hai người kia là con của Kinh-Nam vương với thái công chúa Huệ-Nhu. Thiếu niên là thế tử Vị-Hoàng. Còn người con gái là quận chúa Minh-Thúy. Trong cuộc chiến này, một bên là cố quốc Đại-Việt, một bên là Đại-Tống, nên vương với công chúa đứng ngoài. Tuy vậy bất cứ Đại-Việt cầm tù tướng sĩ nào của Tống, vương cũng xin lĩnh ra, đem về Thiên-trường phủ dụ, đợi một mai hết chiến tranh sẽ đưa về triều. Chúng ta không thể khiếm lễ với thế tử, quận chúa.
Vương Mẫn hành lễ quân cách:
– Tiểu tướng là Vũ-kị đại tướng quân Vương Mẫn, xin tham nhị vị điện hạ. Kìa tiểu quận chúa, mới có ba năm mà quận chúa đã lớn lên, đã… đã xinh đẹp thế này ư? Không biết đêm khuya, nhị vị điện hạ giá lâm có việc gì?
Minh-Thúy gò ngựa ra trước hàng quân, rồi mỉm cười:
– Vương tướng quân! Dù ở Đại-Việt xa cách ngàn trùng tôi cũng không quên tướng quân đâu. Mỗi khi cỡi ngựa, tôi lại nhớ ra rằng tướng quân đã dạy tôi thuật kị mã. Hôm Tết vừa rồi, tôi xin phép phụ vương mang quà đến nơi đóng quân tặng thưởng quân. Nhưng… nhưng từ hôm đó đến giờ, hai bên đánh nhau ghê quá, tôi không còn đường đi. Đêm nay nhân phụ vương sai huynh trưởng đi sứ, biết tướng quân thế nào cũng có mặt, nên tôi xin đi theo để đem quà biếu tướng quân đó.
Nói rồi nàng vẫy tay, hai võ sĩ bưng ra hai cái mâm lớn, hai võ sĩ khác khiêng ra chiếc vò (lu). Binh tướng Việt, Tống cùng bật lên tiếng « ồ » vì cái vò quá lớn. Trong mâm thứ nhất để một con lợn (heo) quay cực lớn, trong tư thế nằm sấp. Hai bên có hai con gà trống, mười con gà mái quay vàng ngậy. Mâm thứ nhì đựng toàn giò, chả, nem chất cao ngất.
Minh-Thúy chỉ vào vò:
– Gọi là chút quà mọn tặng Vương tướng quân. Trong này chứa đến nghìn cân rượu đậu nành, vừa thơm, vừa bổ.
Vương Mẫn cảm động:
– Đa tạ quận chúa.
Minh-Thúy phất tay một cái, nắp vò mở tung ra, mùi thơm tỏa một vùng rộng. Từ vương Mẫn tới đám kị binh Tống đều nuốt nước miếng ừng ực. Minh-Thúy chĩa tay phóng chỉ vào vò rượu, rượu vọt lên thành tia cao đến ba trượng. Nàng phát nhẹ một chưởng, tia rượu tan ra thành đám mưa bụi… thơm ngát. Nàng nói:
– Tôi quên mất không đem theo chung! Vậy phiền chư vị tướng quân mở bình nước ra để đựng rượu vậy!
Các tướng Tống cùng mở nắp bầu nước ra. Minh-Thúy lại phóng chỉ, rượu lại vọt thành vòi rót trúng vào bầu của Mẫn. Bầu vừa đầy, thì vòi rượu co lại, rồi tái vọt tới bầu của tướng khác. Binh tướng Tống vỗ tay hoan hô cách dùng chỉ lực rót rượu của Minh-Thúy. Họ chuyển bầu cho nhau, mỗi người « ực » một hơi.
Nhất-Sư vương la lớn lên:
– Coi chừng rượu có thuốc độc.
Một đô thống lắc đầu:
– Sư vương sao lại đem dạ tiểu nhân mà đo lòng người quân tử nhỉ. Kinh-Nam vương, thế tử, quận chúa muốn anh em tại hạ chết, thì người chỉ cần truyền một lệnh, anh em tại hạ sẽ tự tử ngay. Việc gì người phải đầu độc nhỉ?
Đám kị binh Tống vỗ tay hoan hô lời của viên đô thống. Anh em Tam-ma bị khinh khi, bị đem ra làm trò cười… cả ba sạm mặt lại.
Trong khi Minh-Thúy rót rượu, thì Vị-Hòang rút kiếm ra, ánh thép lóe lên như những tia chớp; con heo được chặt thành những miếng nhỏ bằng bàn tay; những con gà được chặt làm tám; những cây giò, cây nem được cắt nhỏ. Cắt thịt xong, Vị-Hoàng vung tay một cái, tất cả những miếng thịt, nem, giò đều bay tung lên cao rồi từ từ rơi xuống bàn tay tướng sĩ Tống, giống như cầm bỏ vào vậy.
Minh-Thúy thân bưng một bầu rượu, một mâm nhỏ đựng chim câu quay, cá chiên (rán), nem (chả giò) đến trước Liêu-Đông tam-ma:
– Xin mời Tam-vương xơi chút thổ sản Đại-Việt, gọi là lấy thảo!
Tam-Báo hỏi:
– Người nhân danh cha, hay nhân danh mẹ đến đây mời chúng ta?
Câu hỏi thô lỗ của Tam-Báo không làm Minh-Thúy giận, trái lại nàng cười:
– Tam-vương ơi! Tôi đến đây không do cha, cũng chẳng do mẹ, mà vì lòng tưởng nhớ đến chư vị tướng sĩ kị binh đã từng cùng cha mẹ tôi sống chết bên nhau ở Bắc-thùy, Tây-thùy; trước đây tôi từng quen biết họ.
Nàng chỉ Vương Mẫn:
– Nhất là Vương tướng quân, người là sư phụ dạy tôi khoa kị mã. Tôi nhớ nhung người, nên đến để tương kiến, thế thôi. Trong khi đến đây, tôi thấy Tam-vương là khách, tôi là chủ, nên mời Tam-vương cùng uống cho vui mà!
– Ta không thèm ăn uống những thứ này của cha con mi. Chỉ nay mai, chúng ta chiếm Thăng-long, thì tất cả những gì trên đất Giao-chỉ ta hưởng hết.
Nói rồi y phất tay, cái mâm nhỏ trên tay Minh-Thúy bay tung lên cao. Nhấp nhô một cái, Minh-Thúy đã bắt được cái mâm, nàng xuyên bên Đông, lách bên Tây, nào chim câu, nào giò, nào lại được hứng vào mâm, ngay ngắn như cũ.
Binh tướng Tống lại vỗ tay hoan hô.
Phó tướng của Vương Mẫn là Gia Quốc quát lên:
– Xin Tam-vương lịch sự một chút với quận chúa. Người không kể gì thân thể vàng ngọc mà mời Tam-vương. Tam-vương không nhận thì thôi, tại sao lại bất kính như thế?
– Ta cứ bất kính đấy! Người muốn giết ta chăng?
Thế tử Vị-Hoàng xua tay:
– Phụ-vương, vương mẫu nghe Liêu-Đông tam vương cùng chư đệ tử hiện diện tại đây. Người sợ rằng Tam-vương với sư thúc U-bon vương; đệ tử phái Sài-sơn với phái Liêu-Đông chém giết nhau, thì thù oán Hoa-Việt càng thêm chồng chất. Vì vậy người sai chúng tôi đến đây xin Lê sư thúc cho lĩnh Tứ-vương cùng chư đệ tử đem về Thiên-trường. Người cũng sai chúng tôi mang thuốc điều trị cho nhưng tướng sĩ Việt bị trúng Hóa-công nhuyễn cân. Không ngờ… không ngờ Tam-vương vẫn vô sự, thực là may mắn.
Nhất-Sư vương cười nhạt:
– May mắn cái gì? Thằng lỏi kia! Mi tưởng tên Lê Văn địch lại chúng ta ư? Chúng ta chỉ đánh có mấy chiêu, đã khiến cho con vợ của y với các tướng Nam-man trở thành tàn tật rồi.
Nhị-Hổ lắc đầu:
– Chúng ta sang đây là do lời mời của Hy-Ninh hoàng đế để bắt bốn tên thầy chùa ăn thịt chó với tên Lê Văn đóng cũi mang về cho ngài. Còn Kinh-Nam vương ư? Y là tên mọi Nam-man đã bị triều đình cách hết chức tước đuổi khỏi Trung-nguyên. Vợ y trước đây được phong là thái công chúa, đã phản lại Thiên-triều, phản họ Triệu, nên cũng bị xóa tên trong sổ Ngọc-điệp rồi. Thế mà vợ chồng y không tự biết thân phận, còn sai con trương cờ đến đây làm oai ư?
Suốt hơn bốn mươi năm, Kinh-Nam vương với công chúa Huệ-Nhu gắn liền cuộc đời trên lưng ngựa trấn ngự biên cương, khi thì bình Tây-hạ, khi thì đuổi Liêu, giữ vững giang sơn Đại-Tống. Tất cả chư tướng Tống đều do vương đào tạo. Trong thời gian đó, vương với công chúa coi tướng sĩ như chân tay, coi binh lính như con cái. Cho nên đối với binh tướng Tống, họ kính trọng vương với công chúa như cha như mẹ. Bây giờ thình lình nghe Nhị-Hổ nhục mạ vương với công chúa, bất giác họ cùng quát lên:
– Câm cái mồm!
– Láo! Cắt lưỡi đi!
– Đồ vô luân.
Tam-Báo gầm lên:
– Các người cấm ta nói ư? Ta gọi Kinh-Nam vương là tên mọi Giao-chỉ, con Triệu Thuận-Tường (Nhũ danh công chúa Huệ-Nhu) là con điếm già đấy! Đứa nào có bản lĩnh, thì cứ bước ra đây, đa sẽ đập cho nát thây. Đã vậy ta rời khỏi đây, để mặc bọn bay cho bọn Giao-chỉ băm vằm ra.
Binh tướng đều lăm lăm vũ khí trong cái căm hận cùng cực. Vương Mẫn sẽ gật đầu một cái, kị binh Tống bao vây lấy Liêu-Đông tam ma với đám đệ tử.
Thế tử Vị-Hoàng xua tay:
– Không nên! Dù sao Liêu-Đông tam vương cũng vâng chỉ hoàng thượng tới đây trợ chiến với chúng ta. Tam vương muốn ở lại hay đi là tùy ý. Vạn vạn lần ta không thể để mất hòa khí với Tam-vương.
Binh tướng Tống, Liêu-Đông tam ma nghe lời Vị-Hoàng nói đều kinh ngạc không ít. Bởi chính tai họ nghe Tam-Hổ nhục mạ vương với công chúa, đến nỗi họ nổi nóng phải ra tay. Thế mà anh em Vị-Hoàng không có phản ứng gì, còn xin tha cho chúng.
Kỵ binh mở vòng vây ra, thầy trò Tam-ma nghênh ngang lên ngựa, đi về hướng Nam. Gia Quốc nói nhỏ với Vương Mẫn:
– Vị thế tử này tài đến đâu thì không biết, nhưng minh mẫn thì e hơn cả vương gia!
–?!?!?!
– Nếu như vừa rồi thế tử nổi nóng, khiến chúng ta băm vằm Liêu-Đông tam ma ra thì ít nhất ta cũng thiệt hại khá nhiều nhân mạng. Trong khi miệng thế gian, bọn mặt dơi tai chuột lại dèm pha rằng vương sai con giết Tam-ma là khâm sứ của triều đình.
Giữa lúc đó thì có « pháo lệnh của Quách Quỳ » gọi Vương Mẫn về. Mẫn cùng chư tướng bái biệt thế tử Vị-Hoàng với quận chúa Minh-Thúy, rồi cho rút quân.
Tuy Trung-Thành, Tín-Nghĩa nhị vương, nhị vương phi, hai tướng Trần Ninh, Tạ Duy, hai phu nhân bị trúng Hóa-công nhuyễn cân nằm mê man; tuy Ngô Ức với phu nhân Phương Dược tuẫn quốc.. nhưng sau cuộc chiến chủ lực ba hiệu Đằng-hải, Vạn-tiệp, Hùng-lược vẫn còn nguyên. Ba cặp vợ chồng Lý Ngũ, Thất, Cửu thay thế cầm quân, trận thế Việt không hề bị rối loạn. Lý Ngũ cầm cờ phất lên, ba hiệu binh Đại-Việt cùng thúc trống đổ đồi truy kích.
Vương Mẫn vội cho dàn kỵ mã ra nghênh chiến, mà trong lòng y phát run:
– Đoàn kỵ binh vô địch của ta lúc đi có sáu nghìn, do xuất kỳ bất ý mà đoạt thắng lợi lúc đầu. Nay quân số chỉ còn một nửa, mà thế của địch còn nguyên. Làm sao bây giờ?
Minh-Thúy thúc ngựa vào giữa hai hàng quân, rồi nàng lên tiếng:
– Thôi! Thôi! Khổ quá! Ngừng đi thôi!
Nước mắt đầm đìa, nàng chỉ vào các thương binh Việt, Tống, xác tử sĩ nói với Vương Mẫn:
– Chết nhiều quá rồi! Chết tức tưởi, chết vô lý như thế này chưa đủ sao?
Vương Mẫn cung tay:
– Chính bên Đại-Việt định truy kích đấy chứ!
Minh-Thúy chắp tay xá Lý Ngũ:
– Sư huynh! Sư huynh nể mặt muội mà dừng quân lại được không?
Lý Ngũ đáp lễ:
– Dĩ nhiên là được.
Minh-Thúy bảo Vương Mẫn:
– Tướng quân cho thu nhặt hết xác tử sĩ đem về một thể.
Mai-Ngũ ra lệnh cho hiệu Long-đực giúp quân Tống thu nhặt tử thi đồng đội. Hơn khắc sau, kị binh Tống đã rút khỏi chân núi Nham-biền.
Bấy giờ anh em Vị-Hoàng mới lên đồi bái kiến U-bon vương. Cả hai thất kinh, khi thấy vương ngồi bên công chúa Nong-Nụt mặt mày ủ rũ. Cạnh vương, xác của Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương với hai vương phi. Xa hơn chút nữa là xác của Trần Ninh, Ngọc-Hương, Tạ Duy, Phương-Quế. Thế tử hỏi Lý Ngũ:
– Sự thể ra sao? Tại sao đến mười đại tướng đều tuẫn quốc thế này?
Ghi chú,
Vân-ma thượng tướng quân, Nhu-tâm hầu Trần Ninh tuẫn quốc năm 26 tuổi. Thiên-hương, Thuần-mẫn quận chúa Trần Ngọc-Hương tuẫn quốc năm 25 tuổi. Hết giặc, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu truy phong cho ngài là Anh-duệ, Chiêu-thắng, Trung-liệt, Nguyệt-đức Long-vương, phu nhân được truy phong Trang-duệ, Thuần-mẫn, Thiên-hương công chúa. Truyền lập đền thờ. Trải qua 918 năm dài của lịch sử với biết bao nhiêu lớp sóng phế hưng, cho đến nay (1995) đền thờ của ngài vẫn còn tại hai xã Chân-hộ, Hộ-trung, huyện Yên-phong, tỉnh Bắc-ninh, nay là tỉnh Hà-Bắc.
Sinh thời, ngài là tướng trẻ nhất trong Long-biên ngũ hùng, có tài trị quân cực nghiêm, đánh đâu thắng đó, nên tiểu sử của ngài bị huyền thoại hóa đi rất nhiều. Độc giả muốn thâm cứu tiểu sử ngài, xin đọc thêm các tài liệu ghi trong phần 7.1.5 phần tựa NQSH quyển 1.
Ninh-viễn đại tướng quân, Dũng-tâm hầu Tạ Duy tuẫn quốc năm 24 tuổi. Phu nhân là Lý Phương-Quế, con gái của nhân vật danh tiếng bậc nhì triều vua Lý Nhân-tông, chỉ sau có Lý Thường-Kiệt, đó là Thái-phó, Thượng-trụ quốc, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Đại-đô đốc Lý Kế-Nguyên, tước Nam-quốc công; tuẫn quốc năm 24 tuổi. Hết giặc, triều đình nghị công tâu lên, Linh-Nhân hoàng thái hậu phong cho ngài là Ninh-viễn, Trung-chính đại vương. Phu nhân được phong Trang-hòa, Ninh-tĩnh công chúa. Truyền lập đền thờ. Trải bao thỏ lặn ác tà của 918 năm dài lịch sử, hiện nay (1995) đền thờ ngài vẫn còn tại xã Lưu-xá, huyện Hưng-nhân, nay là huyện Hưng-hà, tỉnh Thái-bình. Độc giả muốn thâm cứu thêm về tiểu sử ngài, xin đọc các tài liệu trong mục 7.2.7 bài tựa, NQSH quyển 1.
Trung-Thành vương Lý Hoằng-Chân tuẫn quốc năm 37 tuổi, vương phi Nguyễn-thị Trinh-Dung tuẫn quốc năm 32 tuổi. Tín-Nghĩa vương tuẫn quốc năm 35 tuổi, vương phi Lê Ngọc-Nam tuẫn quốc năm 31 tuổi. Trước khi tuẫn quốc, chức tước của chức tước nhị vương, nhị vương phi như sau:
Trung-Thành vương: Kiểm hiệu thái sư, Thượngtrụ quốc, Thượng-thư lệnh kiêm Trung-thư lệnh, Thăng-long tiết độ sứ, Tả kim-ngô đại tướng quân, quản Khu-mật viện.
Tín-Nghĩa vương: Kiểm-hiệu thái phó, Khai phủ nghị đồng tam tư, Võ-minh quân Tiết-độ sứ, Thượng-thư tả bộc xạ, Đồng-trung thư môn hạ bình chương sự, Phụ-quốc đại tướng quân, Khu-mật viện sứ.
Còn sau khi tuẫn quốc, tôi đã tìm trong tất cả thư tịch, mộ chí, bia đá, gia phả Hoa-Việt cũng không biết nhị vương được truy phong những gì? Thực đáng tiếc.
Riêng hai vương phi, được truy phong như sau:
Vương phi Trung-Thành nhũ danh Nguyễn-thị Trinh-Dung được phong Minh-đức, Thạc-hòa, Chí-nhu công chúa.
Vương phi Tín-Nghĩa nhũ danh Lê Ngọc-Nam được phong Ninh-đức, Trang-duệ, Hiếu-khang công chúa.
Cả bốn vị đều được phối thờ ở thái miếu triều Lý, nên không có đền thờ riêng. Mãi sau này, niên hiệu Hội-tường Đại-khánh thứ 9 đời vua Lý Nhân-tông (DL. 1118, Mậu-Tuất) nhân nhị vương rất linh thiêng, thường hiển linh giúp dân; vua sai lập đền thờ ở trại Thủ-lệ phía Tây Thăng-long, nay là Linh-lang đại vương từ tức đền Voi-phục. Đền nằm trong quận Ba-đình, Hà-nội (gần công viên Thủ-lệ). Đây là một di tích lịch sử rất quan trọng, nhưng tiếc rằng lưu truyền bị tam sao thất bản. Ngoài ra dân chúng còn lập nhiều đền thớ khác nữa, cho đến nay, tôi còn tìm được đền Bồng-lai ở huyện Từ-liêm, Hà-nội và ở hai xã Đại-quan, Thuần-lễ.
Hẳn lúc dựng đền, vua có sai chép tiểu sử nhị vương đầy đủ. Nhưng trong các cuộc thăng trầm của lịch sử, phổ bị mất đến năm lần. Sau mỗi lần bị mất, dân chúng theo trí nhớ lưu truyền, chép lại, nên bị sai lạc quá nhiều. Lần mất thứ nhất tướng Mông-cổ Ngột-lương Hợp-thai chiếm Thăng-long đã thu cuốn phổ đem đốt (1257). Sau đó phổ được chép lại, rồi bị quân Mông-cổ của Thoát-Hoan thu đốt hai lần nữa (1283-1285). Lần thứ tư (1385) Chế Bồng-Nga đem quân đốt phá Thăng-long, y cho đốt phá đền để trả thù trước đây (1069) nhị vương đem quân đánh Đồ-bàn. Cuối cùng, năm 1407, Trương Phụ, Mộc Thạch sang đánh giặc Hồ Quý-Ly đã đem tất cả sử sách đốt đi, hoặc chở về Kim-lăng. Sau khi vua Lê Thái-tổ dành được độc lập, dân chúng theo trí nhớ chép lại lần nữa. Tính chung cuốn phổ tại đền Voi-phục phải viết lại năm lần, nên gần như sai hoàn toàn.
Thần tích Linh-Lang đại vương từ (tức đền Voi-phục) chép rằng thần là con thứ tư vua Lý Thánh-tông. Tương truyền bà phi họ Nguyễn đang tắm ở hồ Tây bỗng có con rồng thần hiện ra phun nước thơm vào mình, về nhà mang thai, 14 tháng sinh ra Linh-Lang. Khi Triệu Tiết sang đánh nước ta, Linh-Lang ứng ngĩa tòng quân giết giặc, sau đó về hóa ra con giao long lặn xuống hồ. Nhân đó vua sai lập đền thờ.
Điều vô lý là đền được xây vào niên hiệu Chương-thánh Gia-khánh thứ 7 (1065) đời vua Lý Thánh-tông, trong khi bên dưới chép rằng vương đánh nhau với Triệu Tiết (1077).
Ba tài liệu Việt chép về sự tích này là:
– Hoàn-long huyện chí,
– Bắc-kỳ giang sơn danh thắng cổ tích bị khảo,
– ĐNNTC,
rất mơ hồ. Trong khi QTNC, TTCTGCK, TTCTBK, TS lại chép rất chi tiết.
Khi Linh-Nhân hoàng thái hậu băng hà. Nhiều nơi nhớ công đức của ngài, lập đền thờ như đã trình bầy trong NQSH quyển 1, mục 3. Tại các đền thờ ấy đều phối thờ sáu vị đương thời là phụ tá của ngài (Đã thuật trong NQSH
Nếu con dân Đại-Việt nào đọc những dòng này, mà còn tưởng nhớ đến huân công của hai vị công chúa, đi hành hương đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu, sẽ thấy: Tượng của sáu công chúa đều mặc áo mầu đỏ sẫm, áo choàng giống nhau, thêu hoa văn giống nhau, nẹp áo giống nhau, duy mầu áo choàng với khăn khác nhau mà thôi. Tượng của công chúa Trinh-Dung áo choàng, khăn mầu xanh. Tượng của công chúa Ngọc-Nam áo choàng, khăn mầu tía.
Lý Ngũ thuật sơ lược cuộc chiến kinh hồn táng đởm xẩy ra từ chiều đến giờ, rồi kết luận:
– Không ngờ bọn Liêu-Đông xảo trá, thay vì chúng trao thuốc giải, chúng lại trao thuốc độc. Nên tất cả… đều qua đời!
Vị-Hoàng xua tay:
– Sư huynh lầm rồi! Phàm người trúng Hóa-công nhuyễn cân, thì công lực mất hết, người mềm xèo như trẻ sơ sinh. Từ đấy mỗi ngày lên cơn ngứa ngáy đến nổi muốn sống không nổi, mà chết cũng không xong; không thuốc nào trị được.
Mai-Ngũ hỏi:
– Trường hợp người của phái Liêu-Đông bị trúng Hóa-công nhuyễn cân thì sao? Không lẽ họ cũng chịu chết?
Minh-Thúy tiếp lời anh:
– Đúng vậy. Cho nên họ mới chế ra loại thuốc mà người bình thường uống vào thì không sao, còn người bị trúng Hóa-công nhuyễn cân thì sau khi uống sẽ cảm thấy khoan khoái vô cùng, rồi chết như ngủ vậy. Họ đặt tên đó là thuốc giải thoát. Ban nãy Tam-ma đã trao thuốc này cho ta. Vì vậy… vì vậy…
Đến đây, Minh-Thúy phải ngừng kể, bởi từ phía trước, một đoàn người ngựa rầm rập tiến tới. Ngao-binh báo với Lý Ngũ:
– Có một đoàn ngựa, không người điều khiển đang tiến về đây. Xin Đô-thống định liệu.
Lý Ngũ ra lệnh cho một tá lĩnh đem mười viên võ sĩ ra xem xét sự thể. Chưa đầy một khắc, viên tá lĩnh dẫn đoàn ngựa đến báo cáo:
– Thưa Đô-thống, trên mỗi con ngựa có một đệ tử của Liêu-Đông đặt nằm ngang. Trên lưng ba con khác có ba cái cũi, mỗi cũi giam một trong Liêu-Đông tam ma.
Lê Văn, Vị-Hoàng, Minh-Thúy với vợ chồng Lý Ngũ cùng xuống núi quan sát: Rõ ràng ai đó dùng Hoá-công nhuyễn cân đánh bọn đệ tử Liêu-Đông khiến chúng mất hết công lực, người trở thành mềm xèo. Còn Liêu-Đông tam ma thì bị trói bằng xích sắt, giam trong cũi, miệng mỗi người ngậm một cái đùi chó luộc. Binh tướng Việt thấy vậy, đều bật lên tiếng reo:
– Mộc-tồn vọng thê bồ tát.
Lê Văn chỉ đám Liêu-Đông nói với Vị-Hoàng:
– Cháu mau đem đám này về cho bố cháu, để bố cháu phát lạc.
Vị-Hoàng, Minh-Thúy cùng đội võ sĩ lên ngựa giải đám tù Liêu-Đông đi.
Sau khi nghe Lê Văn kể, Mộc-tồn hòa thượng dở khóc, dở cười, ngài phân trần:
– Hà! Từ chiều đến giờ ta luôn ở cạnh hiệu Long-dực, đánh nhau với Tống mệt muốn bở hơi tai. Ta đâu có bắt bọn Liêu-Đông! Không biết ai đã ra tay rồi mạo tên ta?
Trần Bảo-Dân mỉm cười:
– Ai bảo chú mày oai quá Ngọc-hoàng thượng đế, dữ hơn Diêm-vương lão tử, nên « người » mới mượn danh, chứ có ai mượn danh ta đâu? Kể ra những « người » có bản lĩnh làm việc này cũng không nhiều. Cao nhất phải kể sư cụ Huệ-Sinh chưởng môn phái Tiêu-sơn. Nhưng cụ thành bồ tát rồi, chắc không thể đánh gần hai trăm người thành tật như vậy. Thứ đến con nhí Bình-Dương, cu lợn Thiệu-Thái, tiên bà Bảo-Hòa, nhưng ba đứa này đang đục nhau với Tống ở Như-nguyệt, Phú-lương… đâu có thời giờ làm việc này?
Công-chúa Nong-Nụt cau mày suy nghĩ:
– Hay hai thánh tăng Minh-Không, Đạo-Hạnh? À mà hai ngài cũng đang đại chiến ở Như-nguyệt. Khó quá!
Mai-Cửu là nữ đệ tử trẻ nhất của Mộc-tồn hòa thượng, cũng là đệ tử được ngài yêu thương nhất, thỏ thẻ:
– Sư phụ! Trong thế gian, người lớn gan bằng trời cũng không dám mượn danh sư phụ. Người mượn danh này, bản lĩnh thực phi thường, vì ông ta đã bắt sống được Liêu-Đông tam ma. Bắt sống Liêu-Đông tam ma đã khó, lại còn dùng Hoá-công nhuyễn cân bắt hết đám đệ tử của chúng thì e phải có nhiều người. Như vậy con nghĩ chỉ có… chỉ có…
Mộc-tồn hòa thượng tát yêu đệ tử:
– Thầy biết rồi! Thầy biết rồi! Con thực thông minh, thông minh hơn cả Quốc-mẫu Thanh-Mai, vua bà Bình-Dương.
U-bon vương là người có tài cầm quân nhất hiện diện. Vương ra lệnh:
– Bây giờ đã sang giờ Dần. Ta cho hai hiệu Vạn-tiệp, Hùng-lược xuống hạm đội Thần-phù, Bạch-đằng ăn cơm, nghỉ dưỡng sức. Giờ Ngọ thì khởi hành tiến về Như-nguyệt để trợ cho đạo quân của tiên nương Bảo-Hòa, công chúa Thiên-Ninh. Việc tổng chỉ huy này, phi sư huynh Trung-Đạo không ai làm nổi.
Vương ra lệnh cho vợ chồng Lý Ngũ:
– Sau khi tiên nương Bảo-Hòa tái chiếm Như-nguyệt, vua bà Bình-Dương tái chiếm Phú-lương, ta đánh trận Nham-biền, thì Quách Quỳ không còn khả năng tiến công ta nữa. Vậy hai con đem hiệu Đằng-hải đóng đồn tại Bắc ngạn chiến lũy Phú-xuân làm thế ỷ dốc cho hiệu cho hiệu Thần-điện của vợ chồng Lý Bát.
Vương nói với Phu-Quốc, Bảo-Dân:
– Hai sư huynh lại về Phú-xuân với đệ chứ?
Bảo-Dân cười, vỗ vai Lê Văn:
– Tuân chỉ đại vương.
Vương hỏi Mộc-tồn, Viên-Chiếu:
– Nhị vị bồ tát chắc lại về ẩn ở trong quân Tống?
– Đúng thế.
Thấp thoáng một cái, hai ngài đã biến vào đêm tối.