Nam Quốc Sơn Hà

Chương 46: Đã Đem Xương Máu Đền Non Nước, -còn Mãi Tinh Thần Với Gió Trăng


Đọc truyện Nam Quốc Sơn Hà – Chương 46: Đã Đem Xương Máu Đền Non Nước, -còn Mãi Tinh Thần Với Gió Trăng

Tại phía Bắc chiến lũy Như-nguyệt,

Những ngày mùng một, mùng hai, mùng ba tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).

Trời phía Bắc sông Như-nguyệt thực đẹp. Nắng mới tỏa trên cây có mới nảy mầm trổ hoa, ngàn chim hót líu lo mừng Xuân. Trong cái cảnh Xuân đẹp ấy, quân Tống ngao ngán nghĩ lại cuộc chiến đêm Giao-thừa, đã cướp đi hơn sáu vạn đồng đội. Bây giờ trong khung cảnh hoa Xuân, khung cảnh Tết, họ đứng nhìn từng toán dân phu đông như kiến; hai người một, ba người một đang khiêng xác đồng đội của họ nằm cong queo, mắt trợn trừng, máu rơi thành những vệt dài trên cỏ.

Họ đành uống cho thực say, rồi ngâm bài Đường thi của Vương Hàn:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhận hồi.

Trần Trọng-San dịch như sau:

Rượu bồ đào, chén dạ quang,

Muốn say đàn đã rền vang dục rồi.

Sa trường say ngủ ai cười.

Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu?

Quách Quỳ cho quân mặc giáp trụ, chờ quân Việt trở lại. Nhưng suốt ngày mùng một, mùng hai, mùng ba, quân Việt biệt tăm. Tế tác Tống leo lên cao, nhìn sang Nam ngạn sông Cầu, chỉ thấy ụ đất cao như núi, với hàng rào dày đặc, không một bóng người, không một cụm khói.

Tin tế tác ở Thăng-long gửi về liên tiếp, thuật vụ hai thánh tăng Dương Không-Lộ (Minh-Không), Từ Đạo-Hạnh đúc Nam-thiên tứ đại thần khí. Hai ngài lại làm phép khiến con Kim-ngưu trong núi Thái-sơn chạy về hồ Tây.

Được tin này Quách Quỳ phân vân không ít, nhưng y vẫn phải cố trấn tĩnh, sợ lòng quân loạn. Thế nhưng, không biết ai cung cấp, mà tất cả tướng sĩ Tống đều truyền tụng nhau về Nam-thiên tứ đại thần khí, về con Kim-ngưu bỏ núi Thái-sơn về Thăng-long. Lòng tướng sĩ Tống bắt đầu loạn, người người tụ lại thuật cho nhau nghe những gì mình biết.

Ngày mùng bốn tháng giêng.

Bỗng nhiên vào đêm mùng ba sang ngày mùng bốn, khi trống lệnh vừa điểm ba tiếng, báo hiệu tắt đèn đi ngủ, thì có tiếng từ ngôi đền thờ bên kia sông Như-nguyệt vọng sang rõ ràng, bằng giọng Biện-kinh:

« Chư tướng sĩ Tống nghe đây.

Ta là Đại đương giang đô hộ quốc thần vương Trương Hống và Tiểu đương giang đô hộ quốc thần vương Trương Hát. Ngọc-Hoàng thượng đế sai chúng ta trấn ở sông Như-nguyệt này. Đêm qua, thiên sứ giáng trần, trao cho chúng ta bộ Thiên-thư nghị chế, truyền ta đọc cho chư tướng sĩ nghe ».

Tiếng thần vang đi rất xa, rõ ràng, lọt vào tai binh tướng Tống. Đến đoạn nói về Nam-thùy Tống, tiếng càng rõ, chậm hơn:

« Đây là nguyên văn Thiên-thư nghị chế »

«…Ta đã sai con thứ làm vua Nam-phương tức Viêm đế. Cương vực Nam, Bắc phân ra mấy nghìn năm có dư. Hóa cho nên người phương Nam biết phận, cung tay quy phục Trung-nguyên, hàng năm tiến cống đầy đủ, không dám xâm phạm cương thổ Trung-nguyên. Chư thiên tử ngồi trấn Hoa-hạ cũng nhân đó mà ban bố ân đức xuống khắp trời Nam. Thế mới đúng là mệnh ta dội xuống, khiến cho cương vực Nam, Bắc phân ra không bị thay đổi. Kẻ nào không tuân mệnh ta, thì ta sẽ sai thiên binh, thiên tướng xuống giết chết không tha ».

Tướng sĩ Tống kinh hoàng vô cùng, thì lại có tiếng thần đọc thơ:

Nam quốc sơn hà, Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại Thiên-thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư.

(Nước Nam là nơi vua nước Nam cai trị, điều đó đã chép trong bộ Thiên-thư nghị-chế. Chúng bay là bọn giặc, dám trái mệnh trời đến xâm phạm, thì sao tránh khỏi bị bại?)

Quách Quỳ cũng nghe rất rõ, y triệu Nguyễn Dư đến hỏi:

– Ngôi đền ở bên kia sông thờ thần nào vậy?

– Thưa nguyên soái, đền đó tên là Đại đương giang thần từ, thờ hai thần Trương Hát, Trương Hống. Hai thần là anh em, cùng làm tướng cho Lý Nam-đế (tức Triệu Việt-vương), đánh thắng quân Lương nhiều trận. Sau một tướng trong huyết tộc với vua là Lý Phật-tử đánh bại đế lên làm vua, tức là hậu Lý Nam-đế (571-602). Hậu Lý Nam-đế gọi hai anh em họ Trương đến trao cho quan tước. Hai ngài không nhận, trả lời: « Tôi trung không làm quan với kẻ đã giết chúa mình », rồi ẩn lánh ở Phù-long. Hậu Lý Nam-đế sai sứ gọi nhiều lần, hai ngài đều không ra. Vua ban chỉ: Ai chém được đầu hai ông, thì thưởng cho ngàn vàng. Hai ngài bèn uống thuốc độc tự tử. Đến đời Ngô, Nam-Tấn vương đi đánh giặc Lý Huy ở Tây-long, đêm chiêm bao thấy hai thần xin theo giúp việc quân và nói rằng: Vì có lòng trung, anh được trời cho làm Thần-hà Long-quân phó thần Vũ-lạng nhị giang, em làm Chi-mạn nguyên tuần giang đô phó sứ. Yên giặc, Nam-Tấn vương phong cho anh làm Đại dương giang đô hộ quốc thần vương, em làm Tiểu dương giang đô hộ quốc thần vương, và sai lập đền thờ.

Ghi chú,

Hai thần Trương Hát, Trương Hống được thờ ở rất nhiều nơi. Cho đến nay, trải hơn nghìn năm lịch sử, nhiều đền bị phá hủy. Hiện (1995) những đền sau đây vẫn còn trơ gan với tuế nguyệt:

1. Đình Bích-động,

Ở làng Bích-động, nay là xã Dỉnh-sơn, huyện Việt-yên, tỉnh Hà-bắc, thờ hai ngài làm thần thành hoàng.

Tài liệu: Bắc-giang tỉnh thần tích.

2. Đình Châu-xuyên,

Ở thôn Châu-xuyên, xã Thọ-chân, tổng Thọ-xương, phủ Lạng-giang, tỉnh Bắc-giang, nay là tỉnh Hà-Bắc, thờ hai ngài làm thần thành hoàng.

Tài liệu: Bắc-giang tỉnh thần tích.

3. Đại Đương-giang thần từ,

Ở phố Như-nguyệt, xã Tam-giang, huyện Yên-phong, tỉnh Hà-Bắc, chính là nơi lập chiến lũy Như-nguyệt, thời Lý. Nay là thị xã Đáp-cầu, Bắc-ninh.

Thoát-hiên Đặng Minh-Khiêm có thơ vịnh như sau:

Sất mã quân vương nhập thủy tần,

Đệ huynh nhẫn tác sự thù nhân.

Nguyệt-giang thanh dạ cao ngâm hậu,

Nam-quốc càn khôn tận tảo trần.

Ngạn-Xuyên dịch như sau:

Ruổi ngựa nhà vua nhảy biển trầm,

Anh em quyết chẳng chịu vong ân.

Nguyệt-giang đêm vắng thơ vừa dứt,

Trời đất Nam-bang sạch bụi trần.

Tài liệu

– Đại-Việt sử ký toàn thư (Lý kỷ, Nhân-tông kỷ),

– Việt điện u linh,

– Thiên Nam vân lục liệt truyện,

– Hoàng Việt nhất thống địa dư chí,

– Trương tồn thần sự tích,

– Đại Việt địa chí.

Hình chụp tượng thờ hai vị Đại-vương Trương Hát, Trương Hống tại thị xã Đáp-cầu, Bắc-ninh.

Hình dưới là cổng đền thờ. Cổng này là cổng chung, phía trong còn thờ bà sinh mẫu của Thánh-Gióng. (Hình chụp tháng 8-2001)

4. Tam-giang thần từ,

Tại xã Loa-lâu, huyện Tư-nông, tỉnh Thái-nguyên, nay là tỉnh Bắc-thái.

Tài liệu

– Bắc thành địa dư chí,

– Đại-Nam nhất thống chí.

Quỳ cho Nguyễn Dư về, trầm ngâm không nói gì, mặc cho tướng sĩ bàn tán xôn xao. Tiếng người đọc Thiên-hư tiếp tục cho đến hết canh hai mới dứt.

Trước khi khởi hành Nam chinh, Vương An-Thạch sai bộ Lễ cho in bộ Thiên-thư nghị chế ra hàng vạn bản, truyền phát cho tướng sĩ, để họ biết rằng vua Trung-quốc là con trời, nay Giao-chỉ đem quân phạm cảnh, triều đình mang quân đi chinh tiễu là đúng với Thiên-thư. Cho nên sách này binh tướng Tống đã đọc thuộc làu. Bây giờ nghe thần nhắc, họ mới kinh hoàng:

– Thôi rồi! Hy-Ninh đế nghe lời Vương An-Thạch bắt họ Nam chinh, vượt cương giới Thiên-thư định, thì trước sau gì rồi cũng bại.

Sang ngày thứ tư, các tướng Tống đem quân đi đẵn tre, đẵn nứa, đẵn gỗ, cắt dây đem về bờ sông đóng bè. Theo tế tác loan báo, thì quân Việt ở Nam ngạn được chia thành từng tốt (100 người), trấn xung quanh một ụ phòng thủ; cần đổ bộ mỗi đơn vị năm trăm người một lúc, mới đủ sức đàn áp một tốt. Vì vậy phải đóng loại bè có khả năng chở năm trăm người một lúc.

Đêm đó, chư thần lại đọc Thiên-thư, lại đọc thơ. Lòng binh tướng Tống càng căng thẳng, mà Quách Quỳ cũng không biết giải quyết ra sao.

Tướng Yên Đạt nghiên cứu binh thư cùng kinh nghiệm các đời về phương thức vượt sông. Y đã tìm thấy phương pháp vượt sông Độ-khẩu của Hán-trung vương Đào Kỳ thời Hán là toàn vẹn. Nay y đem ra giảng giải cho chư tướng. Đầu tiên cho thủy quân cùng trăm bè chở năm vạn quân vượt sông, ào ạt leo lên chiến lũy đánh với quân thủ. Dĩ nhiên trận đánh sẽ rất khủng khiếp.(Xin xem Anh-hùng Lĩnh-Nam, quyển 4, của Yên-tử cư-sĩ, do Nam-á Paris xuất bản).

Sau khi đổ quân lên, lập tức dùng trăm bè nhanh chóng kết thành ba cái cầu nổi, các cánh quân khác nhất tề vượt cầu nổi tiếp viện cho đạo quân tiên phong; còn thủy quân dàn ra bảo vệ cầu nổi, cùng các đầu cầu.

Chư tướng đem phương pháp này giảng giải rất kỹ cho binh tướng. Trong khi bảo-binh bắt tay vào việc đóng bè. Ngay ngày đầu, quân Tống đã đóng được hơn hai mươi bè. Sang ngày thứ nhì đóng được bốn mươi bè. Ngày thứ ba đóng được bốn mươi bè nữa, như thế là đủ số một trăm như Quách Quỳ muốn.

Chỉ còn chờ thủy quân tới nữa là đổ bộ.

Ngày mùng bẩy tháng giêng.

Nguyên-soái Quách Quỳ được phúc trình rằng bè đã đóng xong, quân sĩ luyện tập cách chèo, chống, tập đổ bộ rất thuần thục. Quỳ mừng lắm, sai họp chư tướng bàn định kế hoạch chi tiết việc vượt sông phá chiến lũy Như-nguyệt.

Ôn Cảo trình bầy tình hình quân Việt:

– Tên Lý Thường-Kiệt quả thực tài không thua Kinh-Nam vương. Y phối trí quân rất cẩn thận. Đầu tiên là chiến lũy cao tới ba trượng, mười lớp rào. Trấn lớp rào là một hiệu Thiên-tử binh của bọn Tây-hồ thất quái, bọn này rất giỏi thủy chiến. Nếu như ta phá được mười lớp rào, đánh tan được hiệu binh trấn ở đây, tiến vào sâu một chút lạo gặp một hiệu Thiên-tử binh khác của bọn Giao-chỉ ngũ-kiêu chặn đường. Ngoài ra, y còn phối trí bốn hiệu binh, cũng do bọn Tây-hồ thất quái chỉ huy, lưu động dọc sông với hạm đội Thần-phù. Nếu như tiền quân ta vượt sông, bọn này sẽ đánh cắt ngang lưng ta.

Khúc Chẩn hỏi:

– Trong ba nút chặn, thì tên Thường-Kiệt phối trí các hiệu ra sao?

– Đối diện với Nham-biền có hai hiệu, thì hiệu Long-dực trấn ở chiến lũy trên bờ sông; hiệu Đằng-hải trấn phía sau. Đối diện với Phú-lương có hai hiệu, thì hiệu Vũ-thắng trấn ở chiến lũy trên bờ sông, hiệu Bổng-nhật trấn phía sau. Đối diện với Như-nguyệt có bốn hiệu. Hai hiệu Bổng-thánh, Bảo-thắng trấn ở chiến lũy trên bờ sông; Ngự-long, Quảng-thánh, Phù-đổng trấn ở dọc đường về Thăng-long. Còn lưu động có ba hiệu Hùnglược, Vạn-tiệp, Thần-điện.

Khi Ôn Cảo nhắc đến tên ba hiệu Thần-điện, Bổng-thánh, Hùng-lược là những hiệu đã đột kích vào doanh trung-ương; trên mặt chư tướng đều đều hiện ra nét cau có, vì hình ảnh những Thiên-tử binh lăn xả vào chém giết như bầy sư tử lại hiện ra trong trí nhớ.

Quách Quỳ trầm tư một lúc, rồi đập tay lên án thư:

– Ta nhất định phải qua sông. Phương thức đánh như sau: Đầu tiên cho quân dùng dao, câu liêm mà cắt mà chặt các lớp rào kiếm chỗ đặt chân, chỗ nào kiên cố quá ta dùng rơm tẩm dầu mà đốt. Các tướng phải đi tiên phong, dùng đội võ sĩ đánh cảm tử, sao cố đục thủng một lỗ thì quân, tướng ào ạt tràn vào trong, đánh tỏa ra hai bên thì quân ngoài rào không bị cản trở nữa; chiến lũy sẽ bị tràn ngập.

Quỳ nhấn mạnh:


– Về việc sang sông, bằng mọi giá, trong đợt đầu, ta đưa chín đạo binh triều tinh nhuệ đánh phá lũy lấy chỗ đặt chân. Trong khi đó ta kết bè thành phù kiều, bấy giờ các đạo khác ào ạt đổ sang sau. Chiến lũy tuy chắc, tuy cao, nhưng ta chấp nhận hy-sinh để lọt vào trong. Lọt vào rồi, thì chỉ cần hai giờ là ta tới Thăng-long.

Quỳ yên lặng một lúc, rồi tiếp:

– Ta vượt sông bằng cả ba mặt trận: Phú-lương, Như-nguyệt, Nham-biền. Nhưng Nham, Phú là hư, chỉ với mục đích cầm chân bốn hiệu Thiên-tử binh tại đây. Còn Như-nguyệt là thực, ta cần đánh tan hiệu Bảo-thắng, Bổng-thánh trấn lũy. Chiếm được lũy rồi khi đại quân ồ ạt sang, thì hai hiệu trấn dọc đường về Thăng-long là Ngự-long, Quảng-thánh nghiền ta nát ra như tương trong chốc lát. Chỉ có hiệu kị binh Phù-đổng là đáng ngại. Tướng tổng chỉ huy chiến lũy Như-nguyệt là ai?

Ôn Cảo đáp:

– Y tên là Nguyễn Căn, tuổi còn trẻ, võ công bình thường, nhưng y là người kinh nghiệm xung phong hãm trận. Y từng tham dự trận đánh Chiêm. Vợ y tên Vũ Thanh-Thảo, bạn thân của Linh-Nhân hoàng thái hậu, học trò Tôn Đản, Cẩm-Thi. Võ công thị rất cao thâm. Cả hai vợ chồng đều thuộc loại gan lỳ, sẵn sàng thí mạng chứ không chịu lui hay đầu hàng đâu.

– Tôi đã có cách trị tên này rồi.

Triệu Tiết kể: Nguyễn Căn có đứa em sinh đôi. Hai anh em giống nhau như đúc. Thằng em tên Nguyễn Dư, bất học, vô thuật, vô sở bất chí lêu lổng. Cách đây mấy năm, khi sang Đại-Việt, vô tình gặp Dư, tôi cho y ít tiền. Y chiêu dụ được hầu hết bọn bất lương, lưu manh ở Thăng-long, dẫn theo hầu tôi. Hiện tôi có mang chúng theo trong quân.

Đào Bật suýt xoa:

– Kế này hay đấy. Lấy em, xưng làm anh…

Triệu Tiết mỉm cười:

– Đúng như Đào huynh nghĩ. Hiện bên trong chiến lũy, chúng chia ra từng đoạn một. Mỗi đoạn một tướng trấn thủ. Chúng phối trí từ trái sang phải như sau: Vợ Nguyễn Căn, Phương-Đơn, Mai Cầm, Phương-Tiên, Quách Y. Nguyễn Căn lưu động đốc thúc. Ta cho Nguyễn Dư mặc y phục như anh y, lại sai đội tế tác du thủ du thực của y mặc y phục giả làm võ sĩ theo hầu. Ta phải cố chọc thủng phòng tuyến, lọt vào trong, rồi cho Nguyễn Dư dùng cờ đốc thúc, lệnh cho quân lùi lại, để quân ta từ ngoài chiến lũy tràn vào. Tất nhiên bọn Mai Cầm, Quách Y không tin, nhưng hàng ngũ quân Giao sẽ cực kỳ rối loạn.

Chư tướng vỗ tay hoan hô.

Ôn Cảo lắc đầu:

– Xin nguyên soái lưu tâm. Hai hiệu trấn ở lũy Như-nguyệt do vợ chồng hai tên Mai Cầm, Quách Y chỉ huy. Hai đứa này võ công thấp nhất, mưu trí nông cạn nhất so với mười đứa kia, nhưng chúng lại là hai tên liều mạng nhất. Chính vì vậy mà tên yêm hoạn Thường-Kiệt mới để chúng trấn ở chỗ nguy hiểm này. Ta chỉ có thể chiếm được chiến lũy khi hai hiệu Bảo-thắng, Bổng-thánh bắn hết tên. Nếu hai hiệu này bắn hết tên, ta cũng phải mất từ mười vạn tới hai mươi vạn người. Chẳng lẽ ta hy sinh nhiều như vậy sao?

Quách Quỳ hiểu Ôn Cản hơn ai hết. Y xua tay:

– Quân số hai hiệu này khoảng hai vạn người phải không? Huynh đừng lo, tôi sẽ đổ mười đạo binh triều, với năm trăm chỉ huy Tân-đằng-hải vào chiến lũy. Tức ta dùng hai mươi lăm người đánh một người. Cho rằng ta hy sinh hai mươi vạn người, đổi lấy hai vạn của chúng, mà chiếm được chiến lũy, hoàng thượng vẫn coi là chiến thắng mà.

Chư tướng rùng mình. Quỳ tiếp:

– Trong trận đánh Hy-hà, Kinh-Nam vương có bốn mươi vạn, mà vương dám hy sinh hai mươi vạn người để phá tan giặc. Nay ta có trăm vạn, sao ta không thể hy sinh hai mươi vạn?

Triệu Tiết thắc mắc:

– Xin nguyên soái cẩn thận, bởi Giao-chỉ còn ba hiệu lưu động do Lý Hoằng-Chân chỉ huy, bất cứ lúc nào cũng có thể nhập cuộc.

Quỳ tự tin:

– Huynh đừng lo, tôi đã dự tính rồi. Hạm đội Thần-phù với ba hiệu này của Hoằng-Chân hiện đang lưu động ở vùng sông Hồng. Tôi cho tế tác theo dõi đường đi nước bước của chúng rất kỹ. Tôi chờ khi chúng ở xa phòng tuyến, thì cho quân vượt sông. Khi ta vượt sông xong rồi, tất y phải kéo về bảo vệ Thăng-long, chứ đâu có thể nhập cuộc?

Khúc Chẩn hỏi:

– Liệu Việt có còn quân khác thủ Thăng-long không?

Triệu Tiết đáp:

– Giao-chỉ có 12 hiệu Thiên-tử binh là đáng kể, còn các hiệu địa phương thì ô hợp, giữ sao nổi Thăng-long? Vả khi ta đem đại quân trăm vạn ào ạt tới Thăng-long, chỉ cần mỗi tên quân của ta vạch quần đái một bãi, thì cái thành kia phải xụp đổ.

Chư tướng bật cười về câu nói đùa của Tiết.

Quân Tống chuẩn bị vũ khí, hành trang, để bất cứ lúc nào có lệnh là xuống bè xung trận. Bảo-binh, dân phu thì cho nhổ lều trại, đợi khi quân triều đánh chiếm được chiến lũy, sẽ theo sau để cắm trại, đào bếp nấu nướng.

Quân chờ hết ngày mùng tám tháng giêng, mà thủy quân vẫn chưa tới. Người người truyền tai nhau rằng chắc ngày chín. Nhưng ngày chín vẫn chưa thấy tin tức gì. Quân tướng bắt đầu uể oải, ngồi tưởng tượng sau trận đánh sẽ được ban thưởng, thăng cấp, mỗi người được gả cho một cô gái Thăng-long đẹp như tiên.

Trong khi đó đêm đêm, thần linh Đại-Việt vẫn đọc Thiên-thư, đọc thơ rót vào tai tướng sĩ Tống.

Rồi ngày mười, mười một, mười hai rồi… mười sáu cũng chưa thấy chu sư tới, đêm chư thần vẫn đọc Thiên-thư, đọc thơ.

Trong khi đó, trong hành doanh, Quách Qùy, Triệu Tiết, Đào Bật còn nóng lòng hơn. Trước đây hơn tháng, chỉ dụ từ Khu-mật viện ở Biện-kinh ban ra, hẹn chắc rằng chu sư do đô đốc Dương Tùng-Tiên, phó đô đốc Hòa Mân sẽ vận tải lương thảo từ Khâm-châu tiếp tế; chậm nhất là ngày mười rằm sẽ tới sông Cầu. Mà bây giờ đã là ngày mười sáu, lương thì sắp cạn, quân thì chờ đợi lâu sinh chán nản, mệt mỏi, mà chẳng thấy thủy quân đâu.

Quách Quỳ triệu tập chư tướng, rồi đưa ra hai phương thức giải quyết: Một là chờ thủy quân rồi mới vượt sông. Hai là vượt sông ngay. Các tướng bàn luận phân vân. Kẻ thì bàn nên sang sông ngay, vì khi đã sang được sông, xuống khu đồng bằng phì nhiêu, thóc gạo dư thừa; trâu bò, gà vịt ăn không bao giờ hết. Ngoài ra còn giải quyết được vấn đề dân phu. Lại có người bàn không nên qua bây giờ, mà phải chờ chu sư tới, họ viện lẽ: Nếu như đổ bộ không thành, quân chết nhiều mà chẳng nên cơm cháo gì. Bấy giờ giặc thừa cơ đuổi theo, thì thực là nguy.

Cuối cùng Quỳ quyết định trung dung:

– Chờ hai ngày nữa, dù chu sư tới hay không cũng đổ bộ.

Ngày mười bẩy trôi qua, lòng Quách Quỳ nóng như lửa đốt, y cho tế tác lên đài cao, nhìn về hướng Đông chờ đợi. Chờ suốt ngày, vẫn chỉ thấy sông rộng, có Xuân xanh rì, hàng đoàn chim đo cánh ngang trời.

Ngày 18 tháng giêng.

Ngày mười tám dài lê thê qua đi… Không chờ được nữa, Quỳ cho họp chư tướng tại hành doanh. Chư tướng đều biết rằng giờ trọng đại nhất đời họ đã tới. Vì tất cả hy vọng của Hy-Ninh đế, tất cả lương tiền đổ ra bấy lâu, tất cả công lao trăm vạn người thành hay bại là lúc này đây.

Nếu qua sông thành công, thì chiếm được Đại-Việt, rồi thuận thế chiếm luôn Chiêm, Chân, Lào, Xiêm, Đại-lý; thế lực Tống sẽ trấn động, Tây-Hạ, Bắc-Liêu không còn dám gây sự nữa. Các tướng kẻ ít công nhất cũng được thăng quan, người có công sẽ được phong hầu, tên ghi thanh sử, ấm mồ mả tổ tiên, vinh dự ở triều đình. Còn như bại, thì cuộc viễn chinh này hóa ra một tuồng ảo mộng, triều đình sẽ chém đầu đem bêu cho dân chúng xem, gia đình họ hàng nhục nhã không biết đâu mà kể. Còn giang sơn Đại-Tống, phải chịu nhục nhã với man di đã đành, mà e còn khó giữ nổi.

Quách Quỳ ban lệnh:

– Sáng mai, giờ Thìn bắt đầu qua sông.

Các tướng ngồi im phăng phắc. Quỳ gọi bốn tướng Yên Đạt, Khúc Chẩn, Tu Kỷ, Đào Bật:

– Tôi nhắc lại, quân ở Phú-lương của Yên, Khúc tướng quân; quân ở Nham-biền của Tu, Đào tướng quân; chỉ đánh cầm chừng, mục đích giữ chân giặc không cứu ứng Như-nguyệt mà thôi. Sau khi cánh Như-nguyệt đổ bộ thành công, ắt bọn Hoàng Kiện, Lý Chiêu-Văn sẽ bỏ phòng tuyến rút về cứu Thăng-long. Bấy giờ bằng mọi giá các vị phải vượt sông đuổi theo chúng đánh tiêu diệt, không để chúng về an toàn.

Bốn tướng nhận lệnh.

Tại Như-nguyệt, ta đổ bộ bằng ba cánh. Giữa, tả, hữu.

Quỳ gọi Miêu Lý, Vương Tiến:

– Hai vị đổ bộ cánh giữa, làm nỗ lực chính. Miêu tướng quân đem ba đạo binh đệ tứ, ngũ, lục dùng bè qua sông; Vương tướng quân dùng một chỉ huy Tân-đằng-hải (nhắc lại môt chỉ huy có 500 quân) chèo bè, kết bè thành phù kiều. Sau đó cho đổ bộ chín chỉ huy Tân-đằng-hải khác vượt phù kiều tiếp viện cho Miêu tướng quân. Bằng mọi giá, hai tướng quân phải phá bằng được bức tường phòng thủ. Khi lọt được vào trong, thì tiến thẳng về Thăng-long.

Hai tướng nhận lệnh.

Quỳ gọi Diêu Tự, Bình Viễn:

– Hai vị đổ bộ cánh tả. Diêu tướng quân đem ba đạo binh đệ thất, bát, cửu đổ bộ cánh tả, làm nỗ lực phụ, dùng bè qua sông; Bình tướng quân dùng một chỉ huy tân-đằng-hải, chèo bè, kết bè làm phù kiều. Sau đó đổ bộ mười bốn chỉ huy tân-đằng-hải tiếp viện cho Diêu tướng quân. Bất cứ giá nào hai tướng quân cũng phải chọc thủng chiến lũy Như-nguyệt, rồi tiến sau đạo trung ương của Miêu, Vương tướng quân.

Hai tướng nhận lệnh.

Quỳ gọi Đặng Trung, Lưu Mân:

– Hai vị đổ bộ cánh hữu. Đặng tướng quân đem theo ba đạo binh đệ thập, thập nhất, thập nhị, làm nỗ lực phụ thứ nhì dùng bè qua sông; Lưu tướng quân dùng một chỉ huy Tân-đằng-hải chèo bè, kết bè làm phù kiều. Sau đó đổ bộ mười chín tân-đằng-hải tiếp viện cho Diêu tướng quân. Dù khó khăn, dù phải hy sinh tính mệnh binh sĩ, hai tướng quân cũng phải phá bằng được chiến lũy, rồi tiến sau cánh của Diêu, Bình tướng quân.

Quỳ nói với Triệu Tiết, Ôn Cảo:

– Khi quân bắt đầu xuống bè, các vị cho nhổ trại, để sang sông thực mau. Nội chiều mai, chúng ta phải tới Thăng-long.

Cuối cùng Quỳ gọi hai tướng kị binh là Trương Thế-Cự, Vương Mẫn:

– Bên kia sông là đồng bằng, kị binh sẽ có chỗ đắc dụng. Ngay khi các đạo quân bắt đầu qua sông, hai tướng cho kị binh tiến tới gần phù kiều. Đợi khi chiến lũy phá rồi, Trương tướng quân đem một đạo kị binh phá vòng đai phòng thủ thứ nhì phục trên đường Như-nguyệt đi Thăng-long. Còn Vương tướng quân đem hai đạo ẩn ở chân núi Nham-biền phòng bọn Trung-Thành vương đánh hậu cứ ta.

Quỳ nói với chư tướng:

– Từ xưa đến giờ, võ học Giao-chỉ lúc nào cũng thịnh hơn chúng ta. Ngược lại dân ta đông hơn. Cho nên trong bất cứ trận đánh lớn nhỏ, ta cũng dùng cái ưu điểm nhiều người, đem quân số đông đảo tràn ngập đối phương. Ngược lại bọn Giao-chỉ lại dùng những cao thủ bậc nhất tung ra chiến trường để giết tướng của ta. Thế nhưng trong cuộc hành quân xâm phạm Thiên-quốc, cũng như cuộc chiến một mất, một còn này, tên hoạn quan Thường-Kiệt lại bỏ quên cái ưu điểm của mình. Y chỉ biết tận dụng mấy đội quân tinh nhuệ mà thôi. Giả như trận đánh Ngọc-sơn, nếu y dùng mấy cao thủ hạng nhất trấn thủ, thì dễ gì ta thành công?

Chư tướng đều gật đầu công nhận lý luận của Quách Quỳ. Quỳ tiếp:

– Xét trong quân của y hiện thời, mười hai tướng chỉ huy Thiên-tử binh đều là những tên nhóc con, võ công bình thường, xuất thân lưu manh, chỉ biết liều chết. Về kị binh, Vũ-kị thượng tướng quân Hà Mai-Việt võ công càng tầm thường hơn nữa. Nực cười nhất là thủy quân, y dùng tên Nho sinh mặt trắng trói gà không chặt Lý Kế-Nguyên làm Đại Đô-đốc, còn bốn đô đốc, tuy võ công cũng cao, nhưng chưa phải là hạng nhất. Cao thủ hạng nhất chỉ có Thân Cảnh-Long, Thiên-Thành, Trần Thanh-Nguyên, nhưng hiện cả ba đang phiêu bạt trong rừng, coi như vô dụng. Đối diện với chúng ta, chỉ có mình y là đáng kể, thì y phải trấn Thăng-long. Quanh đi, quẩn lại y chỉ còn Thần-vũ thập anh, Kim-cương thập bát hùng. Nhưng hai mươi tám tên này chưa phải là loại thượng thừa. So sánh về võ công, bất cứ tướng nào của ta cũng có thể đàn áp tướng của chúng. Vậy khi đối trận, hoặc chư tướng đích thân, hoặc dùng cao thủ giết tướng của chúng. Khi tướng bị giết, thì quân loạn, ta thắng dễ dàng.

Ôn Cảo hỏi:

– Thưa nguyên soái, xét về cao thủ thượng thừa, ở đây chúng tôi thấy ngoài nguyên soái ra còn có Triệu Tiết, Tu Kỷ, Yên Đạt, Khúc Chẩn, Miêu Lý, Diêu Tự, Trương Thế Cự; còn lại thì hạng nhất khoảng mươi người. Tất cả các cao thủ thượng thừa, hạng nhất đều là tướng cầm quân, lúc xung trận phải điều quân, thì sao có thể rảnh tay đàn áp tướng giặc?

Quách Qùy cười đắc chí:

– Chính vì lẽ đó, khi quân lên đường, hoàng thượng còn lưu tôi lại họp ở Thiên-chương các với các chưởng môn phái Thiếu-lâm, Hoa-sơn, Trường-bạch, Liêu-Đông, bàn về việc đem cao thủ theo trong quân. Thế nhưng, từ hôm vượt biên sang đến giờ, tôi không cho họ xuất hiện; hơn nữa để cho Thần-vũ thập anh tung hoành, hầu đánh lừa tên Thường-Kiệt.

Thấy Khúc Chẩn nhăn mặt tỏ ý không phục, Quách Quỳ xua tay:

– Huynh không bằng lòng phải không? Nếu như chúng ta tung cao thủ ra lúc đầu, giết tướng Giao-chỉ như giết chó, giết mèo, thì thỏa được tự ái. Nhưng giữa tự ái với đại cuộc, thì ta phải chọn đại cuộc. Huynh biết không, trong buổi hội ở Thiên-chương các, Tể-tướng Vương An-Tạch đưa ra lý luận này: Các cao thủ siêu hạng của Giao-chỉ hiện phải kể Côi-sơn tam anh Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo; Bình Dương, Thiệu Thái, Lê Văn, Mộc-tồn, Viên-Chiếu, Minh-Không, Đạo Hạnh, Bảo-Hòa, và vợ Lý Long-Bồ là Thamh-Mai. Nhưng bọn này hiện hạc nội mây ngàn, mà tên hoạn quan Thường Kiệt quên tận dụng. Vậy khi đem quân sang, ta mang thực nhiều cao thủ thượng thừa, nhưng ém đi làm như không có; rồi thình lình tung vào trận chiến nào quyết định mất còn, khiến chúng trở tay không kịp.

Tu Kỷ hỏi:

– Thưa nguyên soái, hiện trong quân ta có bao nhiêu cao thủ thượng thừa?

– Thứ nhất là phái Thiếu-lâm. Trước đây Lê Văn đã sát hại thái sư phụ của ta là chưởng môn Minh-Đức đại sư. Cái hận đó toàn thể đệ tử không bao giờ quên. Trong trận này, đích thân thủ tọa Đạt-ma đường Pháp-Tuệ dẫn mười cao thủ chữ Pháp đi theo, trong đó có một vị đã để trọn đời ra nghiên cứu cách phá võ công Sài-sơn để giết tên Lê Văn.

Yên Đạt hỏi:

– Có một điều tôi lấy làm lạ là đại sư Pháp-Nhẫn, thủ tọa La-hán đường, trước đây đã cùng với vua Anh-tông sang Đại-Việt quan sát tình hình. Không hiểu sao nay người lại chống đối cuộc viễn chinh này, rồi lại theo Giao-chỉ?

Quách Quỳ xua tay:

– Đô tổng quản lầm rồi. Đại sư Pháp-Nhẫn đã ngộ đạo, người không muốn cho bất cứ chúng sinh nào đau khổ, chứ đừng nói người Hoa, người Việt giết nhau. Trong cuộc Nam du với vua Anh-tông, duyên may người gặp Kinh-Nam vương, rồi kết huynh đệ. Trong cuộc xâm lăng của Giao-chỉ, chính người đã xuất hiện, chịu một chưởng của Mộc-tồn hòa thượng suýt mất mạng, để cứu tướng của ta. Trong trận Ung-châu, người xin tên Lý Thường-Kiệt tha cho dân trong thành, rồi nhập thành khuyên Tô Giàm để dân rời xa trận địa. Người cũng như Kinh-Nam vương, không muốn có chiến tranh Hoa-Việt mà thôi. Chứ người không phản đâu. Tướng quân đừng nói bậy, e Ưng-sơn song hiệp nghe thấy thì e mất chỗ đội nón.

Nghe nói đến Ưng-sơn song hiệp, chư tướng đều cảm thấy ớn lạnh. Bất giác họ quay lại sau, nhìn phải, nhìn trái, tưởng tưởng như người của song hiệp đang rình mò đâu đây.

Quỳ tiếp:

– Thứ nhì là phái Hoa-sơn. Trước đây trong Hoa-sơn ngũ lão, Thất-kiệt thì bốn lão với toàn thể thất kiệt bị chết về tay võ lâm Giao-chỉ. Duy Đông-Sơn lão nhân ẩn thân, nghiên cứu cách phá Long-biên kiếm pháp, nên sống sót. Hơn hai chục năm nay, toàn phái để tang, ngày đêm luyện tập để chờ ngày trả thù. Phái này cử bốn trưởng lão kiếm pháp cao thâm không biết đâu mà lường theo trong quân. Bốn vị này đã họ được phép phá Long-biên kiếm pháp, như vậy ta không sợ võ công Mê-linh nữa.

Chư tướng vỗ tay hoan hô.

– Phái Trường-bạch sở trường về Ngũ-độc, lại nhân trước đây trao đổi võ công với bọn Đinh Kiếm-Thương, Lê Phúc-Huynh, Vũ Chương-Hào mà học được Nhật-hồ độc chưởng. Phái Liêu-Đông sở trường về Huyền-âm độc tố. Từ lâu rồi, đệ tử hai phái này này bị triều đình truy lùng, các đệ tử phải lẩn trốn khổ sở. Nay triều đình ban mật chỉ ân xá cho họ, vì vậy Trường-bạch song hùng, Liêu-Đông tam kiệt võ công cao siêu không biết đâu mà lường; tất cả đều theo trong quân.

Quỳ nhìn Triệu Tiết ra vẻ đắc ý:

– Ngoài ra, trước đây bất cứ võ lâm dù hắc đạo, bạch đạo, khi phạm tội, mà trốn ra Tây-thùy xin tòng quân diệt giặc, đều được Kinh-Nam vương ân xá. Họ được đặt dưới quyền của Vũ-kị đại tướng quân Trương Thế-Cự. Đám này ước hơn nghìn người, nay cũng được đem theo.

Y nắm tay đấm lên bàn:

– Trận Như-nguyệt, Phú-lương, Vạn-Xuân này cũng chưa phải là trận quyết định, vì vậy tôi vẫn ém họ trong quân. Bằng như nay tôi đưa họ ra trận, tên Thường-Kiệt biết ngay, y sẽ tung chim ưng đi mời các cao thủ thượng thừa Giao-chỉ tới thì thực là nguy vô cùng.

Quỳ nói với Triệu Tiết:

– Tại Như-nguyệt, huynh thống lĩnh các đội võ sĩ hắc đạo được ân xá, tung vào trận. Dĩ nhiên chúng sẽ bị giết rất nhiều. Nhưng đó là điều hoàng thượng mong: Mượn tay giặc giết dùm bọn du thủ du thực, còn hơn ta giết chúng. Huynh nhớ, lúc phù kiều bắc xong, huynh dẫn chúng tràn qua, dùng võ công gạt tên, cố sao lọt vào trong chiến lũy, rồi đánh tỏa ra hai bên, mở đường cho thiết đột theo. Đợi thiết đột vào rồi, huynh mới dùng tên Ngyễn Dư để làm rối loạn hàng ngũ giặc.

Cuộc họp vừa bế mạc, thì đội trưởng tế tác vào báo:


– Thưa nguyên soái, thân quyến tử sĩ đang ùn ùn vượt Chi-lăng đến chỗ nghĩa địa đòi đào mồ lên tìm xác con em họ. Binh canh không cho, họ đánh luôn binh canh. Hiện họ đang đào xới.

Quỳ hoảng hốt:

– Họ đi có đông không?

– Thưa đông lắm lắm, ít nhất là hai ba chục vạn.

Quách Quỳ hỏi Triệu Tiết:

– Làm sao bây giờ?

– Khó lắm.

Triệu Tiết trả lời: Luật của bản triều đặt ra từ thời vua Thái-tông là khi chiến sĩ tử trận, thì bằng mọi giá phải đem xác về nguyên quán trao cho người thân. Các quan địa phương chiếu luật lệ mà phủ tuất. Nay nguyên soái tạm chôn ở đây, đã là điều vi chỉ rồi. Không biết bằng cach nào đó, mà gia đình tử sĩ biết, nay họ sang đây tìm xác người thân, thì ta phải giúp đỡ họ.

– Nhưng, tử sĩ chết cho đến nay đã mười tám ngày, tử thi chương, thịt bắt đầu rữa, mà đào lên thì hôi thối không thể chịu được. Bệnh dịch từ đó sinh ra, e quân sĩ chết hết.

Ôn Cảo thở dài:

– Cũng đành vậy chứ biết làm sao bây giờ?

Triệu Tiết thêm vào:

– Bọn Giao-chỉ rút đi, đã tận thu hết lương thực. Lương thực cho quân ta còn đang thiếu thốn, mà nay với mấy chục vạn người đổ xuống vùng này thì lấy đâu ra lương cho họ ăn?

Lát sau, quân lại báo:

– Tại vùng Phú-lương, gia đình tử sĩ cũng biết đi theo đường thượng đạo tới đào mả để tìm xác con em. Tướng Khúc Chẩn cũng đành nhắm mắt để họ muốn làm gì thì làm.

Miêu Lý cau mày:

– Tôi nghĩ vụ này nhất định có bàn tay của tế tác Giao-chỉ, chứ sao thân nhân tử sĩ ở những nơi cách nhau hàng vạn dặm, mà cũng ồ ạt tới một lúc!!!

Tại chiến lũy Như-nguyệt, Đại-Việt.

Ngày 19 tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).

Đúng giờ Thìn. Ba tiếng pháo lệnh nổ trên không.

Các đạo binh triều thiện chiến bậc nhất, từng thắng Tây-Hạ, Bắc-Liêu biết bao nhiêu trận, ào ạt xuống những chiếc bè khổng lồ. Người người tay mang vũ khí mắt đăm đăm nhìn sang bên kia sông: Chiến lũy cao vòi vọi, rào tre dầy đặc kiên cố. Trên đài cao ở đỉnh chiến lũy, hai cây cờ mầu vàng, một cây có hình chim âu mầu đen, đó là kỳ hiệu của hiệu Bổng-thánh; một cây có hình chim âu mầu xanh, đó là kỳ hiệu của hiệu Bảo-thắng.

Bè từ từ rời bến tiến dần ra giữa sông, rồi áp sang Nam ngạn. Hàng chục vạn con mắt đều đăm đăm nhìn lên chiến lũy. Hàng vạn cung thủ, tên nạp cung chờ đợi, để hễ thấy quân Việt nhô lên là buông tên.

Hàng trăm vạn người hồi hộp, khi bè tiến gần đến Nam ngạn, vẫn không thấy bóng quân Việt đâu, chỉ thấy trên trời mười đoàn chim ưng bay lượn.

Thình lình những tiếng rú kinh hồn, xé gió trên không, rồi Lôi-tiễn bắn thẳng vào những bè chở quân. Mỗi mũi Lôi-tiễn trúng giữa bè phát nổ inh tai nhức óc, thì tiếp theo hàng trăm người bay tung xuống sông, thịt nát xương tan. Lẫn trong tiếng Lôi-tiễn là tiếng thét, tiếng la, tiếng rú, tiếng kêu của những kẻ đau đớn cùng cực.

Lôi tiễn bắn, mặc Lôi-tiễn bắn, trống lệnh vẫn thúc ; binh chống, chèo bè vẫn cứ đẩy bè sang sông. Cũng có loại Lôi-tiễn nổ chụp lên đầu những đội quân Tống, khói bốc mịt mờ, tiếng la hét kinh hoàng, tiếng rú tuyệt vọng vì bè đang trôi giữa sông, người người đứng sát vào nhau, không tránh vào đâu được; đành ngửa cổ chịu cho Lôi-tiễn rơi xuống đầu. Mã não, hoàng thạch phát nổ, bốc cháy. Hơn chục bè, quân sĩ cháy như những cây đuốc, chúng định nhảy xuống sông, nhưng những viên đội trưởng tay lăm lăm bảo đao chờ đợi kẻ nào nhảy xuống là chém liền.

Đoàn chim ưng tha những bó cỏ tẩm dầu thả xuống những bè đang bốc cháy. Binh tướng Tống kêu thét lên kinh khủng. Một vài người bị cháy nóng quá, tung mình nhảy xuống nước, lập tức bị các đội trưởng chém liền.

Bè đã tới sát Nam ngạn, đi vào chỗ nông, quân sĩ nhảy xuống sông bơi lóp ngóp tiến tới hàng rào, tay bám vào các cọc ngửa cổ nhìn, để tìm chỗ leo lên. Trên bè chỉ còn lại những người chết cháy, da vàng như lợn quay, nằm co quắp.

Bấy giờ trên chiến lũy vang lên một hồi tù và. Quân Việt xuất hiện, dùng tên, dùng Lôi-tiễn bắn trực xạ như mưa. Chim ưng nhào xuống mổ mắt, cấu mặt.

Thảm thay, quân Tống chơi vơi dưới sông, nước ngập tới ngang vai, không chỗ tránh né, chỉ còn biết nhắm mắt chờ chết.

Quân Việt từ trên chiến lũy dùng lao phóng xuống, mỗi mũi, một quân Tống bị giết. Nhưng tướng Tống vẫn ra lệnh leo rào. Lớp này chết, lớp khác tiếp nối.

Miêu Lý là một trong những tướng tài trí, võ công cao thâm, y ra lệnh cho ba tướng chỉ huy ba đạo binh, tung đội thiết đột lăn xả vào chặt rào. Thoáng một cái, đã chặt được ba bốn lớp rào. Có chỗ đặt chân, quân sĩ reo hò leo lên, nhưng lại bị bắn ngã lộn xuống. Việt bắn mặc Việt bắn, Việt phóng lao mặc Việt phóng lao, Việt dùng giáo dài đâm mặc Việt đâm; người này chết, người khác tiến theo. Hơn khắc sau, quân Tống đã đứng ở lớp rào thứ ba.

Quân trên chiến lũy vẫn dùng tên bắn xuống, quân Tống ra sức chém rào, lớp lớp bị bắn ngã xuống sông như sung rụng. Người này ngã, người khác tiếp tục leo lên. Phút chốc xác chết lấp đầy hai lớp rào. Lớp người sau dẵm lên xác chết người trước, tiến lên lớp thứ tư.

Miêu Lý hô lớn:

– Chư quân tiến lên! Một là chiếm được chiến lũy, hai là chết; còn hơn chết ở dưới bờ sông này.

Quân Tống ào ạt tiến lên lớp thứ năm, lớp này bị bắn ngã, lớp khác nối tiếp như đàn kiến. Đến đây, các bè đã nối thành phù kiều. Quân Tống từ bên kia sông lại ùn ùn kéo sang.

Cứ thế, trên bắn xuống, dưới liều chết leo lên. Sang giờ Tỵ thì quân Việt cạn tên, quân Tống nhờ đó phá được lớp rào thứ bẩy. Xác chết nằm xếp lên nhau lớp lớp bên ngoài. Tại các phù kiều, quân, tướng ùn lại, không còn chỗ đứng.

Đến đây xác quân Tống trôi lềnh bềnh trên mặt sông, nằm kín các lớp rào, các đợt quân sau không còn chỗ leo lên nữa.

Quách Quỳ ra lệnh cho các tướng:

– Mỗi người đem theo đội võ sĩ vượt lên chiến-lũy đánh dạt quân phòng thủ, như vậy may ra mới có thể thành công.

Đám tướng Tống chia làm ba toán, mỗi toán ba trăm võ sĩ. Toán thứ nhất gồm Quách Quỳ, Triệu Tiết, Ôn Cảo với năm nhà sư chữ Pháp; toán thứ nhì gồm Miêu Lý, Diêu Tự, Vương Tiến đem năm nhà sư chữ Pháp nữa; toán thứ ba gồm Lưu Mân, Đặng Trung, Bình Viễn đem Hoa-sơn tứ lão. Sau một tiếng hô cả ba toán tung mình nhảy qua mấy lớp rào, lên nóc chiến lũy. Lập tức một tiếng tù và rúc lên, quân Việt đều nằm rạp xuống, rồi Thần-nỏ tác xạ. Bọn tướng Tống, bọn cao thủ kinh hãi tay rút kiếm gạt tên, nhưng vừa gạt được loạt đầu, thì loạt thứ nhì đã bắn tới. Đám võ sĩ tháp tùng ngã như sung rụng. Quách Quỳ kinh hãi vội tung người lên cao, trong lúc y chơi vơi trên không thì hơn chục chim ưng lao tới cào mặt, móc mắt y. Y vội ôm lấy đầu, thì một nhà sư đứng ở bờ chiến lũy tung vào người y một chưởng. Không hổ là đệ nhất cao thủ Tống, y vung tay đỡ. Binh một tiếng người y bắn ra ngoài chiến lũy, rơi xuống sông như trái mít rụng. Y nhìn lại, thì bọn Triệu Tiết, với các cao thủ cũng đang bơi lõm bõm trên sông như chó ngã xuống cầu.

Chín tướng cùng leo lên một bè. Vương Tiến văng tục:

– Tổ bà nó, trong chiến lũy có bốn thằng trọc non, võ công thua xa bọn mình, nhưng nhờ chúng phối hợp Thần-nỏ, Thần-ưng nhịp nhàng mà bọn mình ra thế này.

Triệu Tiết nhắc các bạn:

– Các huynh phải cẩn thận, 12 tướng chỉ huy Thiên-tử binh võ công bình thường, nhưng tài điều binh của chúng thực thần sầu quỷ khốc. Tôi để ý quan sát, cứ hai mươi Thiên-tử binh lại xen vào một thằng nhóc hoặc một con đượi non mặc quần áo nâu, võ công chúng khá cao. Không biết chúng là ai?

Nguyễn Dư giảng giải:

– Đó là đội võ sĩ học sinh trường Long-thành ẩn-sĩ. Về quân sự, chúng rất dở, nhưng võ công chúng rất cao, lại liều mạng, hung dữ hơn cọp đói.

Đến đây quân Tống đã phá được đến lớp rào thứ chín, thứ mười. Bọn Quách Quỳ lại điểm thêm võ sĩ, rồi tung mình lên, nhảy vào trong chiến lũy. Ba tiếng tù và rúc lên inh tai, nhức óc, một thiếu phụ quần áo đen tay cầm cờ chỉ huy Thần-ưng nhào xuống tấn công. Các tướng Tống nhận ra đó là Âu Huyền. Chín tướng cùng vội rút kiếm đánh dạt chim ưng ra, thì Thần-nỏ lại bắn là là tới. Các tướng phải nằm rạp trên đất tránh tên, rồi tung người lên, thì chim ưng đã bay đi mất, một đàn ong nhào xuống. Không đề phòng, các tướng Tống đều bị ong bu lại đốt. Nhức nhối chịu không nổi cả mười tướng nhắm mắt nghiến răng múa tít vũ khí bảo vệ thân.

Đến đây, quân Tống đã lọt được vào trong chiến lũy.

Quân Việt vẫn bình tĩnh tiếp tục đánh quân ở ngoài hàng rào. Đội võ sĩ trường Long-thành vây lấy các tướng Tống. Các tướng Tống ra sức tả xung hữu đột chống trả với đội thiếu niên võ sĩ. Đám thiếu niên này cực kỳ can đảm. Người này bị đánh ngã, thì người khác lại thay thế, chín tướng Tống bị họ bao vây kín.

Hùng Lễ hú lên một tiếng dài, đội hổ báo nhảy vào phụ với đội võ sinh vây lấy các tướng Tống. Bọn Quách Quỳ quay lưng vào nhau chống với hổ, với đám võ sinh can trường.

Quân Tống ồ ạt tràn vào trong chiến lũy. Một hồi tù và rúc lên, quân Việt cùng lui trở lại. Hùng Nhân, Hùng Nghĩa cho mười dàn Thần-nỏ cùng tác xạ một lượt. Trên trời Thần-phong, Thần-ưng đánh xuống. Chỉ một loạt tên, bao nhiêu quân Tống lọt được vào trong chiến lũy bị bắn ngã hết. Quân Việt lại trở về chiến lũy, tiếp tục đánh quân từ ngoài đánh vào.

Vừa chống với hổ, báo, vừa quan sát trận chiến, thấy quân mình chết la liệt trong chiến lũy, Bình Viễn nói với Quách Quỳ:

– Xin nguyên soái tạm cho lui binh thôi. Phân nửa số binh triều đã chết ngoài hàng rào, bây giờ tình hình trong chiến lũy thế này, nếu cứ đánh nữa, thì không còn quân vào Thăng-long.

Quỳ lắc đầu, tỏ ý cương quyết cứ tiến binh.

Miêu Lý chửi tục:

– Bọn tướng Việt toàn một tụi nhóc con với đàn bà. Võ công chúng bình thường, nhưng chỉ nhờ tài điều quân giỏi mà thôi. Phải giết chết một vài đứa mới mong quân mình lên được bờ.

Triệu Tiết để ý quan sát trận Việt, sau chiến lũy, trên hai cái đài cao, mỗi cái có một tướng đứng cầm cờ chỉ huy. Nhận ra trên đài thứ nhất chính là Mai Cầm, trên đài thứ nhì là Phương-Đơn. Y nghĩ thầm:

– Phải giết hai đứa này, mới hy vọng chiếm được chiến lũy.

Y ra lệnh cho Đặng Trung đánh đài của Mai Cầm, Lưu Mân đánh đài của Phương-Đơn. Hai tướng dẫn võ sĩ hướng đài chỉ huy xông tới.

Một tiếng hú lảnh lót vang lên, dưới chân mỗi đài có mười con hổ do một nhà sư chỉ huy. Chúng cùng gầm vang tấn công đám võ sĩ. Đặng Trung coi thường nhà sư, y múa kiếm tấn công ông. Nhà sư cười rất tươi, dùng tay kẹp lấy sống kiếm của Đặng. Đặng kinh hãi nghĩ thầm:

– Thằng trọc non này dám bắt kiếm của ta ư?

Y hơi phân tâm một chút, thì nhà sư đã bật tay một cái, biến thành chỉ. Choang! Kiếm của y trúng chỉ gẫy làm ba bốn mạnh. Thuận thế nhà sư đẩy một chưởng, những mảnh kiếm bay vào người Đặng. Đặng kinh hãi tung người lên cao. Lúc y rơi xuống, thì chỉ còn kịp thấy mấy võ sĩ tùy tùng bị hổ vồ chết hết. Còn nhà sư thì khoanh tay đứng nhìn y. Biết đối phương tha chết cho mình, y hỏi:

– Đại sư là ai? Tại sao không ở chốn thanh cao, xuống đây làm gì?

– A-di-đã Phật! Bần tăng pháp danh Viên-Căn, đệ tử chùa Báo-ân. Bần tăng thực không muốn khai sát giới. Bần tăng chỉ bảo vệ Mai sư đệ mà thôi. Đặng cư sĩ, người lùi lại đi.

Nghe đến tên Viên-Căn, Đặng Trung rùng mình chắp tay:

– Đa tạ đại sư dung tình.

Rồi y bỏ chạy.

Đến đây, đội võ sĩ Tống hơn nghìn người đã vào trong chiến lũy, chúng cùng bọn Quách Quỳ mười người giao chiến với đội võ sinh trường Long-thành. Đội võ sinh Long-thành chiến đầu từ sáng đến giờ bị hao hụt quá nửa, bây giờ phải đánh nhau với lực lượng địch đông gấp ba, đã bắt đầu yếu thế.

Dù biết nguy hiểm gần kề, Mai Cầm, Phương Đơn vẫn không sờn lòng, tay cầm cờ chỉ huy quân giữ chiến lũy.

Chợt có tiếng reo hò ở phía bên trái, hầu liếc mắt nhìn: Đó là nơi hiệu Bảo-thắng của Quách Y với Phương-Tiên trấn thủ. Bất giác hầu rụng rời cả chân tay, vì quân Tống đã lọt được vào trong chiến lũy, đang reo hò leo tỏa ra bốn bên, chúng đông như kiến.

Thần-nỏ đã bắn đến loạt tên cuối cùng, Hùng Nhân, Hùng Nghĩa ra lệnh phá hủy Thần-nỏ, rồi cho xạ thủ thoái lui về sau.

Tướng Nguyễn Căn đang cầm cờ đứng giữa đám quân Tống, tay phất ra lệnh cho quân tháo lui, miệng hô:

– Trận vỡ rồi, bốn vị sư phụ chùa Báo-ân! Sáu em trong Thần-vũ thập anh, mau đem sáu sư thú binh rút về Cổ-pháp giúp công chúa Thiên-Ninh bảo vệ Thăng-long. Ta bị giặc bắt. Để mặc ta ở đây.

Bốn nhà sư, ba cặp vợ chồng hú lên một tiếng, dẫn đội thú rút lui. Mặt trận Việt đã thủng mấy khu, binh sĩ đang chiến đấu tuyệt vọng, nay lại mất đi mười cao thủ với đội thú binh, càng yếu hơn.

Quách Y, Phương Tiên ngơ ngơ, ngác ngác không hiểu cái gì đã xẩy ra. Thoáng một cái, Phương Tiên giải đoán:

– Chắc Nguyễn Căn bị Tống bắt sống, nên mới ra lệnh như vậy.

Bà đưa mắt nhìn hầu, cả hai như cùng tương thông: Không tuân lệnh Nguyễn Căn, cứ thúc quân giữ nguyên vị trí. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, sự phối hợp Thần-nỏ, thú binh bị mất. Quân Việt dao động mạnh, phòng tuyến bị đánh cắt ra nhiều đoạn. Bây giờ hai quân Tống, Việt chỉ còn cận chiến với nhau.

Mai Cầm biết thế trận đã vỡ, hầu phất cờ cho quân mình tập trung lại dàn thành trận thế quanh đài chỉ huy. Phương-Đơn cũng đã xuống dưới đài, đang cho quân đánh thục mạng, tiến về phía hầu. Cánh quân của hai vợ chồng đã bắt tay được với nhau. Hầu hỏi phu nhân:

– Lui chăng?

– Không lui, sống ta không giữ được chiến lũy, thì làm ma giữ chiến lũy vậy.

– Tại sao Nguyễn Căn lại hàng giặc?


– Khó hiểu quá.

– Mặt trận phía Quách Y, Phương-Tiên ra sao?

– Chúng đông quá, hiệu Bảo-thắng bắn hết tên, thì chúng leo lên được. Đang kịch chiến.

Hầu kiểm lại: Toàn bộ hiệu Bổng-thánh còn không quá năm trăm người, tên không còn một mũi, nhưng không ai tỏ vẻ sợ hãi cả.

Quân Tống như nước vỡ bờ tràn vào trong chiến lũy. Diêu Tự cho quân dàn ra thành trận chuẩn bị tiến về Thăng-long. Nhưng trên đường đi, bị Mai Cầm, Phương-Đơn dàn quân chặn trước mặt.

Vũ Thanh-Thảo cũng dẫn mấy đội tàn quân hợp lại. Mai Cầmthan:

– Chị Thanh-Thảo ơi! Anh Nguyễn Căn hàng giặc rồi!

Thanh-Thảo ngước mắt nhìn lên, công chúa thấy rõ ràng người đang phất cờ ra lệnh cho quân Việt đầu hàng là em chồng. Bàla lớn:

– Không phải! Y là Dư, em anh Căn đấy!

Bấy giờ quân sĩ mới biết mình lầm, từ nãy đến giờ chính gã Dư đã cầm cờ lệnh điều khiển quân sĩ lùi xa chiến lũy, để cho giặc tràn vào.

Đến đây, hiệu Bảo-thắng của Quách Y, Phương-Tiên còn không quá ba trăm người cũng lùi đến bên hiệu Bổng-thánh. Hai hiệu nhập làm một dàn ra nhanh chóng trên bãi đất chặn đường tiến quân của Tống.

Quân Tống lũ lượt sang sông.

Quách Quỳ chỉ đám quân còn sống sót của Mai Cầm, Quách Y ra lệnh cho Miêu Lý:

– Thanh toán bọn này ngay.

Miêu Lý, Diêu Tự thúc quân xung vào. Thanh-Thảo chỉ huy Mai Cầm, Quách Y, Phương-Đơn, Phương-Tiên cùng tàn quân chống trả. Hai bên xông vào chém giết nhau, đao thương chạm nhau choang choảng.

Hơn khắc sau, quân Việt chỉ còn không quá một trăm, nhưng họ vẫn giữ nguyên trận thế, không chịu lui lấy một bước.

Kị binh đã sang sông. Triệu Tiết thấy tàn quân Việt chỉ còn không ba trăm, mà Tống hao hơn hai nghìn vẫn chưa giải quyết xong; bây giờ còn không quá trăm, mà vẫn can trường chống trả. Y hô kị binh xông vào.

Quách Y hú lên một tiếng, đám quân Việt đều nằm lăn dưới đất, vung đao chặt chân ngựa. Ngựa bị chặt chân ngã vật xuống, hí lên inh ỏi. Khoảng một khắc, quân Việt chết hết, chỉ còn lại Thanh-Thảo, cặp vợ chồng Mai Cầm, Quách Y.

Miêu Lý thấy địch chỉ còn năm người, mà vẫn khảng khái chống trả, thì động lòng trắc ẩn. Y ra lệnh cho kị binh lùi lại, rồi tiến lên cung tay:

– Công chúa! Mai tiểu tướng quân! Quách tiểu tướng quân. Họ Miêu này không can đảm dùng số đông giết chết bốn nghĩa sĩ như bốn vị. Kìa, tôi xin tặng bốn vị bốn con ngựa, bốn vị hãy lên yên về Thăng-long nghỉ ngơi thôi.

Vũ Thanh-Thảo dắt kiếm vào lưng rồi cung tay:

– Miêu tướng quân! Tướng quân có biết phu quân tôi hiện ra sao không?

Nguyễn Dư cầm một cái đầu đưa ra:

– Hà! Y chết rồi! Ha ha! Nó chết về tay ta, về bộ mặt lưỡi cầy của ta, ha ha!

Thanh-Thảo đưa mắt nhìn Quách Y. Phương Tiên, rồi nhìn vợ chồng Mai Cầm. Cả năm như cùng tương thông với nhau. Công chúa cung tay vái Miêu Lý:

– Xin đa tạ lượng quân tử của Miêu tướng quân. Năm chúng tôi được lệnh giữ chiến lũy. Nay chiến lũy vỡ, thì chúng tôi xin chết theo chiến lũy.

Thình lình cả năm cùng đưa kiếm lên cổ tử tử.

Bấy giờ là thời kỳ Nho học cực thịnh của Trung-nguyên, người người đều trọng kẻ sĩ tận trung báo quốc; bây giờ binh tướng Tống chứng kiến cái chết trung liệt của một thiếu phụ trẻ với hai cặp vợ chồng tướng Việt, bất giác họ cùng hướng tử thi năm vị lạy một lạy.

Ghi chú,

Trong suốt năm nghìn năm lịch-sử, tất cả những trận đánh với Trung-quốc bao giờ quân Đại-Việt cũng phải chấp nhận đối kháng với lực lượng đông đảo hơn. Lần vượt sông Như-nguyệt này, Trấn Bắc thượng tướng quân Nguyễn Căn, Tuyên-uy đại tướng quân Mai Cầm, Minh-uy đại tướng quân Quách Y cùng ba vị phu nhân phải chống với một lực lượng đông gấp mười. Tuy sáu ngài tuẫn quốc, nhưng tổn thất của Tống thực kinh khủng: Chín đạo binh thiện chiến nhất chỉ còn lại một nửa, tân-đằng-hại, bảo binh chết không biết bao nhiêu mà kể. Tổng cộng Tống hy sinh mười vạn người. Quách Quỳ vội dùng bảo-binh bổ xung cho các đạo chính binh, nhưng tinh lực không còn.

Hơn mười vạn xác chết, ba vạn thương binh được đưa về Bắc Ngạn. Với số tử sĩ quá cao, dân phu không thể xẻ gỗ, đóng quan tài kịp. Quách Quỳ lệnh cho Ôn Cảo lấy y phục bọc xác, rồi chôn tại chỗ, thành một khu mênh mông.

Bình luận trận đánh, TTCTGCK viết: « Quỳ ham lập công, mà hy sinh mười vạn nhân mạng. Nếu như không có Nguyễn Dư giả Nguyễn Căn ra lệnh làm rối loạn quân Việt, thì binh triều còn chết biết bao nhiêu nữa ».

Sau khi hết giặc, triều đình nghị công, truy phong:

Cho Quang-lộc đại phu, Trấn Bắc thượng tướng quân, Tản-viên hầu Nguyễn Căn tước Nhân-võ, Hùng-huân, Trấn Bắc đại vương. Phu nhân Vũ Thanh-Thảo được phong Hòa-huệ, Ninh-tĩnh, Ôn-văn công chúa. Hai vị được phối thờ tại thái miếu, nên không có đến thờ riêng.

Một vài tài liệu chép: Nguyễn Căn bị bắt. Sau khi Quách Quỳ rút lui, vua Tống phong cho ông một chức quan, lưu lại bên Trung-quốc, hoàn toàn sai. Chính QTNC và TTCTGCK chép: « Giết Trấn Bắc thượng tướng quân Nguyễn Căn và vợ là Vũ Thanh-Thảo ở sông Như-nguyệt. Em Căn là Dư đầu hàng. Dùng Dư giả xưng là Căn ».

Người sau lập đền thờ Linh-Nhân hoàng thái hậu, có phối thờ bà Vũ Thanh-Thảo (Xem NQSH

Hình chụp tượng thờ Hòa-huệ, Ninh-tĩnh, Ôn-văn công chúa Vũ Thanh-Thảo, tại đền thờ Linh-Nhân hoàng Thái-hậu ở xã Dương-xá, Gia-lâm, Hà-nội.

Cho Tuyên-uy đại tướng quân Từ-Tâm hầu Mai Cầm tước Tuyên-uy phúc tướng đại vương, phu nhân được phong Trang-Mẫn quận chúa, truyền lập đền thờ. Hiện hai đền thờ ngài vẫn còn tại làng Đạo-sử, tổng Phá-lãng, và làng Đông-hương huyện Lang-tài. Nay là xã Phá-lãng, huyện Gia-lương tỉnh Hà-Bắc.

Cho Minh-uy đại tướng quân Minh-Tâm hầu Quách Y tước Minh-uy Lôi-trấn đại vương, phu nhân được phong Trang-Thanh quận chúa. Vì sau khi bình Chiêm trở về, ngài có dùng Lôi-tiễn bắn giết bầy chó sói giúp dân ở núi Lôi-sơn, xã Hữu-biệt, huyện Nam-đàn, trấn Nghệ-an; đương thời dân chúng lập sinh từ (thờ sống) ngài. Nay ngài tuẫn quốc, triều đình ban thêm tiền để tu bổ đền, cấp thêm ruộng cho dân lấy hoa lợi thờ cúng ngài.

Độc giả muốn tìm hiểu thêm về tiểu sử hai ngài, xin tham khảo các tài liệu ghi ở phần tựa, NQSH quyển 1, mục 7.2.4 và 7.2.5.

Tại chiến lũy Vạn-xuân, Đại-Việt,

Ngày 3 tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).

Sau buổi hội ngày mùng một tết, Trung-Thành, Tín-Nghĩa vương trở về căn cứ Vạn-xuân hội chư tướng. Chưởng môn phái Đông-a Trần Phụ-Quốc cũng đem trên nghìn cao thủ tới. Nếu võ sĩ của trường Long-thành, Thái-hà toàn là thiếu niên, thì đoàn cao thủ phái Đông-a lại gồm đủ loại. Nam có, nữ có. Già có, trẻ có. Tăng có, tục có. Họ được tổ chức thành đôi ngũ để chiến đấu như Thiên-tử binh, duy một điều khác là võ công họ rất cao thâm.

Tín-Nghĩa vương thăng trướng. Đưa mắt nhìn chư tướng một lượt, vương ban lệnh:

– Trong ba mặt trận, thì mặt trận Phú-lương chỉ thủ, mà không tấn. Mặt trận Như-nguyệt dùng làm cái bẫy, để tiêu hao lực lượng Tống. Còn mặt trận Vạn-xuân ta, lĩnh nhiệm vụ quan trọng vô cùng, là lợi dụng Tống đánh Như-nguyệt, tràn về Thăng-long; ta tấn công diệt đội quân ở Nham-biền, rồi tiến lên uy hiếp hậu quân giặc, khiến chúng phải rút quân về giữ hậu cứ. Nếu như vì lý do gì đó mà ta thất bại, thì Thăng-long bị tràn ngập.

Chư tướng đều biết nhiệm vụ của họ rất trọng yếu, người người nhìn nhau, im lặng chờ lệnh.

– Khi Tống vượt sông đánh Như-nguyệt, thì Tu Kỷ cũng cho quân vượt sông sang Nam-ngạn. Nhưng chúng chỉ đánh cầm chừng, hư trương thanh thế đợi khi Như-nguyệt thất thủ, mới biến hư thành thực phá chiến lũy rồi tiến về Thăng-long. Lực lượng Tống ở Nham-biền có mười đạo binh triều, khoảng năm vạn. Một trăm chỉ huy tân-đừng-hải khoảng năm vạn, với năm vạn bảo binh. Như vậy lực lượng Tống có mười lăm vạn.

Vương mỉm cười:

– Còn lược lượng ta. Ta có hạm đội Thần-phù, được tăng viện thêm hạm đội Bạch-đằng từ Thăng-long lên, khoảng hai vạn. Bộ binh ta có năm hiệu Thiên-tử binh Đằng-hải, Long-dực, Hùng-lược, Vạn-tiệp, Thần-điện.. Ngoài ra ta còn có đội tiễn thủ Long-biên, đội Giao-long Tây-hồ, đội võ sĩ Đông-a, hơn hai nghìn nữa. Tổng cộng ta có khoảng bẩy vạn người. Tức quân số ta chỉ bằng nửa địch. Nhưng, quân quý hồ tinh, bất quý hồ đa.

Chư tướng nhìn nhau, gật đầu công nhận lý luận của Tín-Nghĩa vương. Vương tiếp:

– Tướng chỉ huy mặt trận Nham-biền là Tu Kỷ. Võ công y cao, biết nói tiếng Việt, kinh nghiệm chiến đấu, lại rất can đảm. Ngoài ra còn ba tướng nữa, võ công rất cao, đó là Lý Thật, Quản Vi, Giới Định và hàng tướng Lưu Báo. Hiện Kỷ đã cho đóng một trăm bè, như vậy khi đổ bộ, có thể y sẽ đổ một lúc cả mười đạo binh, rồi dùng bè kết thành phù kiều cho các chỉ huy Tân-đằng-hải theo sau. Vì tin rằng phía trước chúng, ta chỉ có hai hiệu binh, phía sau chúng ta không có quân, nên tại hậu cứ Nham-biền giỏi lắm Kỷ chỉ để lại bảo binh với ít chỉ huy tân-đằng-hải.

Vương để kiếm lệnh lên án thư:

– Ta chia quân làm hai mặt trận. Mặt trận đánh úp Nham-biền, và mặt trận trấn ở Vạn-xuân.

Chư tướng hồi hộp không biết mình sẽ được lĩnh nhiệm vụ ở mặt trận nào.

– Mặt trận đánh úp Nham-biền do Trung-Thành vương tổng chỉ huy. Lực lượng thống thuộc gồm hạm đội Bạch-đằng của đô đốc Trần An, hiệu Vạn-tiệp của Ninh-viễn đại tướng quân Tạ Duy và hiệu Thần-điện của Tuyên-vũ đại tướng quân Triệu Thu. Nhiệm vụ đánh tiêu diệt quân Tống còn lại ở Nham-biền, cướp phá kho lương, làm cho tiền quân đánh Vạn-xuân không còn đường về. Sau đó tiến đến hậu cứ Tống ở Như-nguyệt khiến tiền quân Tống ở Như-nguyệt kinh hoảng phải rút lui.

Chư tướng vỗ tay hoan hô.

– Mặt trận Vạn-xuân, do chính tôi chỉ huy. Lực lượng thống thuộc có hạm đội Thần-phù của đô đốc Trần Hải, hiệu Hùng-lược của Định-viễn đại tướng quân Ngô Ức, hiệu Đằng-hải của Vân-ma thượng tướng quân Trần Ninh, hiệu Long-dực của Trung-vũ đại tướng quân Dương Minh; được tăng viện đội Thần-tiễn Long-biên, đội Giao-long Tây-hồ, đội võ sĩ Đông-a. Nhiệm vụ: Giữ chiến lũy Vạn-xuân, tiêu diệt tiền quân Tống, sau đó tiến về Như-nguyệt.

Vương đứng dậy cung tay hướng Trần Phụ-Quốc:

– Bây giờ tới kế hoạch tiến công. Đầu tiên ta đánh vào tâm địch trước. Vậy kể từ đêm mai, xin sư bá chỉ huy chư đệ tử, dùng nội lực bắc loa hướng vào các trại Tống, thi hành kế hoạch của thái phó Quách Sĩ-An: Giả làm thần đọc Thiên-thư, đọc thơ để loạn lòng quân giặc. Cháu hy vọng rằng, sau mười lăm ngày nghe đọc Thiên-thư, thơ, thì tinh thần quân Tống sẽ rối loạn không ít.

Vương nói với các tướng:

– Hiện địch chỉ biết ta có một hiệu trấn chiến lũy, một hiệu đóng ở phía sau chiến lũy hai mươi dặm trên đường về Thăng-long. Còn hạm đội Thần-phù với ba hiệu binh, chúng tưởng ta trấn giữ ở cửa biển Bạch-đằng, không bao giờ chúng ngờ tới việc ta đánh úp Nham-biền. Vậy hai hạm đội Bạch-đằng, Thần-phù với ba hiệu binh Hùng-lược, Vạn-tiệp, Thần-điện cứ đóng ở cửa các sông lớn. Ngày mười chín tháng giêng giờ Thìn, quân Tống ào ạt vượt sông, thì sau hai giờ đánh chiến lũy, chúng mệt mỏi, ta mới xuất hiện. Vậy hai hạm đội xuất phát giờ Dần, sao cho giờ Tỵ tới mục tiêu.

Buổi họp chấm dứt.

Tại chiến lũy Vạn-xuân, Đại-Việt.

Ngày 19 tháng giêng, mùa Xuân, niên hiệu Anh-vũ Chiêu-thắng thứ nhì đời vua Lý Nhân-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên nhằm niên hiệu Hy-Ninh thứ mười đời vua Thần-tông nhà Tống (Đinh-Tỵ, DL.1077).

Giờ Thìn.

Đúng lúc Quách Quỳ cho đổ hai mươi vạn quân từ Bắc Như-nguyệt sang Nam ngạn; chiến trận kinh thiên động địa bắt đầu điễn ra; cũng đúng lúc Yên Đạt phất cờ lệnh, cho bè chở mười vạn quân đánh chiến lũy Phú-lương; thì tại mặt trận Vạn-xuân, Nham-biền nổ ra khủng khiếp gấp bội.

Tu Kỷ là một tướng tài trí bậc nhất của Tống. Y được Quách Quỳ ủy cho chỉ huy cánh tả, đánh xuống Vạn-xuân, rồi tiến về vây Thăng-long. Lực lượng cánh tả có mười đạo binh triều, một trăm chỉ huy tân-đằng-hải, năm vạn bảo binh, năm vạn hàng binh. Tổng cộng hai mươi vạn. Trong đó có năm nghìn kị binh.

Trong trận đánh đêm Giao-thừa trước đây, cánh này bị tổn thất mất hai vạn, đa số là quân tân-đằng-hải, đã được bổ xung bằng hàng binh, vì vậy tinh lực còn nguyên.

Tu Kỷ cho quân đồn trú làm ba khu, theo hình tam giác. Khu Nam gồm có mười đạo binh triều, với năm vạn bảo binh. Khu Bắc gồm hơn trăm chỉ huy tân-đằng-hải. Khu Đông gồm binh các khê động Nam phương của Tống và hàng binh Bắc biên Đại-Việt. Còn tại trung ương, y cho đồn trú tổng hành doanh, kị binh và lương thảo, xe cộ, vũ khí.

Tuy lệnh Quách Quỳ ban ra cho y tướng phải dùng bè vượt sông, hư trương thanh thế đánh chiến lũy Nam Nham-biền. Nhưng y giữ bí mật không cho quân biết. Tế tác đã báo cho Tu Kỷ rõ rằng, quân Việt chỉ có hai hiệu Thiên-tử binh. Hiệu Long-dực do Dương Minh với vợ là Phương-Cúc chỉ huy. Hiệu Đằng-hải trấn ở phía sau hiệu Long-dực hai mươi dặm, do vợ chồng Trần Ninh, vợ chồng Lý Ngũ chỉ huy. Tướng tổng chỉ huy phòng tuyến Nham-biền là Tín-Nghĩa vương; mưu trí, võ công thuộc loại số một số hai Đại-Việt.

Cũng như ở Như-nguyệt, suốt mười bốn đêm qua, « thần nhân» từ trên trời hiện xuống đọc Thiên-thư của Tống triều cùng thơ của thần cho binh Tống nghe. Tướng sĩ Tống hoang mang cùng cực, tinh thần căng thẳng vô cùng.

Nhưng phương lược đã định, Kỷ chia quân làm hai cánh. Cánh tả do Đào Bật, Quản Vi chỉ huy. Cánh hữu do chính y chỉ huy. Tướng Lý Thật phụ trách trấn ở Bắc-ngạn, bảo về phù kiều. Còn Giới Định với hàng tướng Lưu Báo giữ hậu cứ.

Cuối giờ Mão sang giờ Thìn, Kỷ bàn với Quản Vi, Đào Bật:

– Bên kia sông, quân Giao chỉ có một hiệu Thiên-tử binh gần vạn người. Trong khi ta đem năm vạn quân triều, ba vạn Ttân-đằng-hải, thì ta nuốt chúng dễ dàng. Thế nhưng Quách Quỳ lại bắt ta đóng vai hư. Thực cũng bực mình. Tôi nghĩ, chúng ta nên dứt điểm tên Tín-Nghĩa, rồi xua quân tràn về Thăng-long, khiến bọn Quách Quỳ nể mặt chúng ta một phen.

Đào Bật, Quản Vi cũng có ý tưởng đó:

– Nhất là phía sau lưng ta, giặc không còn một tên quân. Việc gì ta phải lưu binh giữ trại? Nhưng tôi hơi lo lắng một chút, vì không biết hiện Trung-Thánh vương với hạm đội Thần-phù và ba hiệu binh trực thuộc của y ở đâu? Nếu thình lình chúng xuất hiện thì nguy lắm.

– Nếu y xuất hiện, thì ta đánh cầm chừng, rồi rút. Ta là hư mà!

Đúng giờ Thìn, Kỷ cho phát pháo. Một loạt trăm bè, chở mười đạo binh triều, năm vạn người cùng vượt sông. Bè đã tới giữa sông, mà bên kia chiến lũy vẫn không thấy một tên quân Việt xuất hiện. Hai lá cờ đang bay phất phới. Một lá mầu hồng, chính giữa thiêu hình con âu vàng, đó là kỳ hiệu của hiệu Thiên-tử binh Long-dực. Cạnh đó lá khác thêu chữ Trung-vũ đại tướng quân, Chính-Tâm hầu Dương.

Bè tiến gần sang Nam ngạn. Hơn năm vạn quân thiện chiến bậc nhất của Tống, từng tung hoành trên trên sa mạc Tây-thùy, Bắc-thùy cùng hướng mắt nhìn lên chiến lũy cao vòi vọi.

Thình lình, ba tiếng trống lệnh vang lên. Cờ xí, quân sĩ Việt cùng xuất hiện trên chiến lũy. Nhìn kỳ hiệu, bất giác Tu Kỷ kinh hoàng: Vì tế tác báo rằng quân Việt chỉ có một hiệu Long-dực, mà bây giờ y lại thấy kỳ hiệu Đằng-hải, Hùng-lược, Vạn-tiệp, Thần-điện. Như vậy quân Việt hiện diện tới năm hiệu.

Tuy vậy, đã trót vượt sông, y hô quân nhảy khỏi bè, leo lên phá lũy. Trong khi đó bè nhanh chóng kết thành hai phù kiều. Các chỉ huy tân-đằng-hải ào ào qua sông.

Quân Việt xuất hiện chống trả rất mãnh liệt. Khi quân Tống còn đang lội lõm bõm dưới nước, thì quân Việt dùng tên bắn xuống. Sau hai khắc cầm cự, quân Tống đã phá được lớp rào thứ ba, thì quân Việt dùng dáo dài tấn công.

Tấn công một lúc, Tu Kỷ mới biết mình trúng kế hư binh, vì trong chiến lũy, quân Việt quá ít, có lẽ chưa tới một hiệu, mà hư trương thanh thế năm hiệu để dọa quân Tống.

Kỷ lại gần Đào Bật, Quản Vi. Vi chửi thề:

– Tổ bà nó. Anh em mình lại trúng kế bọn Nam man rồi. Rõ ràng trong chiến lũy chúng chỉ có một hiệu binh, mà chúng kéo cờ hư trương thanh thế tới năm hiệu, làm từ sáng đến giờ anh em mình không dám tấn công. Bây giờ đã biết sự thực. Ta tấn công ào ạt hạ cho bằng được chiến lũy này, rồi tiến về Thăng-long.

Hai người ra lệnh cho quân tấn công ráo riết. Trong khoảng ba khắc, đã phá được lớp rào thứ chín. Quân Việt chống trả mãnh liệt. Đến hết giờ Tỵ, quân Tống phá được lớp rào cuối cùng, tràn vào trong chiến lũy như nước vỡ bờ.

Một hồi tù và rúc lên, hiệu binh Long-dực lùi lại phía sau chiến lũy. Lý Bát, Lý Cửu, cùng hai phu nhân chỉ huy mười dàn Thần-nỏ, mỗi dàn có năm mươi Thần-tiễn Long-Biên hộ tống. Nỏ thần tác xạ loạt đầu, quân Tống ngã lổng chổng. Trong khi Thần-nỏ nạp tên để bắn loạt thớ nhì, thì Thần-tiễn Long-biên cùng hiệu Đằng-hải từ sau xuất hiện hợp với hiệu Long-dực dương cung bắn vào đội hình quân Tống. Quân Tống lớp lớp bị bắn ngã.

Một hồi tù và rúc lên, hiệu Long-dực, Đằng-hải reo hò tiến lên chém giết quân Tống, chiếm lại chiến lũy. Trước kia chỉ có hiệu Long-dực, mà quân Tống phải chết biết bao nhiêu người mới leo vào chiến lũy được. Bây giờ thêm hiệu Đằng-hải với đội cung thủ Long-biên liên thủ, quân Tống bị chặn lại ở giữa các lớp rào chiến lũy. Cuộc giao tranh khốc liệt diễn ra.

Thình lình có tiếng la hoảng phía sau. Tu Kỷ quay lại nhìn: Một đoàn quái vật thân thể giống người, mặt đen như nhọ chảo, khắp người có vảy như vảy rồng, từ dưới sông vọt lên như cá, rồi vung đao chém quân giữ phù kiều. Võ công bọn này thực kinh khủng, hơn năm nghìn quân giữ phù kiều mà thoáng một cái đã bị giết chết hoặc đánh rơi xuống sông. Hai phù kiều bị cắt đứt. Bọn quái nhân chiếm bè, rồi khoan thai chèo về phía Đông.

Thế là quân Tống mất đường về. Tu Kỷ chợt nhớ lại: Tế tác báo cho biết, Giao-chỉ có một đội Giao-long binh khoảng năm trăm người, bơi lội cực giỏi, có tài lặn dưới nước dưới nước cả ngày, võ công rất cao cường. Hồi chiến tranh Chiêm Việt, đội binh này đã đục thuyền, khiến trọn vẹn ham đội Chiêm chìm dưới đáy biển. Chăc là bọn này.

Bây giờ phù kiều bị phá, bè bị cướp mất, quân Tống chơi vơi ở giữa chiến lũy, mất đường về. Tu Kỷ quyết định: Quân trong chiến lũy không nhiều, chỉ có cách chiếm chiến lũy, mới mong sống còn.

Tu Kỷ hô quân tấn công ráo riết. Bây giờ quân Việt mới xuất hiện thực đông chống trả. Quân Tống chết chồng chất trên các lớp rào.

Thình lình quân Tống la hoảng. Kỷ quay nhìn lại: Một đoàn chiến thuyền nhỏ từ phía Đông chèo tới nhanh như tên bắn. Trên mỗi chiến thuyền đều có hai dàn Thần-nỏ. Thần-nỏ cùng tác xạ vào phía sau quân Tống. Chỉ loạt đầu, hơn vạn người ngã lộn xuống sông.

Quân Tống chơi vơi la hét như điên loạn, phía trên thì quân thủ chiến lũy đánh xuống; phía sau thì Thần-nỏ tác xạ, hàng ngũ rối loạn, tiếng gọi nhau ơi ới. Nhưng quân Việt chỉ dùng Thần-nỏ bắn có một loạt đầu, rồi dàn ra đe dọa.

Loa gọi lớn bằng tiếng Biện-kinh:

– Chư quân Tống nghe đây! Vì Hy-Ninh, Quách Quỳ làm trái Thiên-thư nên các người bị bại. Các người thử nhìn xem phía trước là chiến lũy, lên không được. Phía sau là sông sâu, Thần-nỏ bắn vào lưng, không chỗ nấp, chẳng có gì che thân. Các người hãy buông vũ khí đầu hàng, sẽ được tha chết.

Quân Tống còn đang lưỡng lự, thì chiến thuyền lớn, nhỏ từ phía Đông đã tới từ bao giờ. Trên các chiến hạm, cờ xí bay phất phới. Quân sĩ uy nghi, gươm đao sáng ngời. Chiến thuyền ghé bờ Bắc, đổ quân xuống hai đạo quân. Một đạo là hiệu Hùng-lược của Định-viễn đại tướng quân Ngô Ức với phu nhân Phương-Dược. Một đạo là thủy quân của hạm đội Thần-phù.

Trên bờ Bắc, Lý Thật có một trăm chỉ huy tân-đằng hải, với hai vạn bảo binh, thì hai mươi chỉ huy tTân-đằng-hải đã vượt phù kiều sang Nam ngạn, hiện đang mắc kẹt ở dưới chiến lũy. Mười chỉ huy ở trên phù kiều, bị đội Giao-long giết chết, hay đánh rơi xuống sông. Bây giờ Thật chỉ còn hai mươi chỉ huy với bảo binh.

Nhìn sang Nam ngạn thấy Tu Kỷ, Quản Vi đang chơi vơi, y muốn thúc các chỉ huy tân-đằng-hải cứu viện, nhưng phù kiều đã bị bị cướp mất. Y chưa biết phải làm gì thì chiến hạm Thần-phù ghé vào Bắc ngạn. Hiệu binh Hùng-lược, thủy quân của hạm đội Thần-phù; khí thế mạnh nghiêng trời lệch đất đổ bộ. Y dàn hai mươi chỉ huy tân-đằng-hải với bảo binh ra chống cự.


Trong khi quân hai bên bắt đầu giao chiến, thì ở Nam ngạn, Quản Vi đưa mắt nhìn trận tuyến Việt: Một trung niên nam tử, dáng người hùng vĩ, bên cạnh một thiếu phụ cực kỳ xinh đẹp. Cả hai đang đứng trên chiến hạm Việt cầm loa gọi:

– Buông vũ khí, rồi bơi ra giữa sông, leo lên bè đầu hàng. Bằng không ta cho buông tên. Ta, Tín-Nghĩa vương chuyên lấy đức trị người, nói một là một, nói hai là hai.

Quân Tống đành ném vũ khí xuống sông rồi bơi ra bè. Quân Việt trói lại. Phân nửa tướng Tống đầu hàng, còn phân nửa đều vung kiếm tự tử ngay ở hàng rào chiến lũy.

Tu Kỷ bàn với Quản Vi, Đào Bật:

– Bây giờ chúng ta chỉ còn có cách bắt sống cặp vợ chồng Tín-Nghĩa vương, mới mong sống sót. Nào, tôi tấn công thằng chồng, huynh tấn công con vợ nó.

Ba người cùng vọt lên cao như con diều hâu, rồi đáp xuống một chiếc bè. Từ chiếc bè nhấp nhô mấy cái hai người đã nhảy lên chiến hạm. Trong khi còn lơ lửng trên không, Tu Kỷ phóng chưởng tấn công Tín-Nghĩa vương; Quản Vi, Đào Bật phóng chưởng tấn công vương phi Lê Ngọc-Nam. Chưởng của hai người mạnh đến nghiêng trời lệch đất.

Vương xuất chiêu Đông-hải lưu phong hướng lên trời đánh thẳng vào người Tu. Hai chưởng đụng nhau đến bùng một tiếng. Tu Kỷ cảm thấy cánh tay tê rần, khí huyết hỗn loạn cực kỳ khó chịu. Còn Tín-Nghĩa vương cảm thấy trời long đất lở, tai phát ra tiếng vo vo không ngừng. Vương phải lùi đến ba bước để giữ thăng bằng.

Vương đưa mắt nhìn vương phi: Vương phi rút kiếm xỉa vào giữa chưởng của Đào Bật. Bật kinh hãi, vội biến chưởng thành cầm nã bắt kiếm. Ngọc-Nam vòng kiếm xuống dưới rồi tà tà đưa vào ngực Bật. Bật vội rút kiếm gạt; hai kiếm chạm nhau đến choang một tiếng. Đào Bật đã đáp xuống sàn cùng Ngọc-Nam chiết chiêu.

Về phía Quản Vi, y vừa lên sàn thuyền, tay đã rút thanh đoản đao tấn công vương phi cùng với Đào Bật. Nhưng tiếng rít lên ở phía sau lưng y, rồi một thanh nhuyễn tiên đánh thẳng vào cổ y. Kinh hoàng y vội tung người lên cao tránh đòn. Ở trên cao y nhìn xuống, người tấn công y bằng chiếc roi chỉ huy quân là một thiếu niên mặt non choẹt. Khinh thường thiếu niên, y đưa đao bổn xuống đầu đối thủ. Thiếu niên tỏ ra rất can đảm, dùng roi quấn lấy đao của Vi rồi giật mạnh. Vi quay đao một cái, cây roi đứt làm ba bốn đoạn, vừa lúc đó y đáp xuống sàn. Thiếu niên vẫn không lùi bước, tay rút kiếm đưa một chiêu thần tốc vào ngực Vi. Vi vung đao gạt. Choang một tiếng, kiếm của thiếu niên bay tung lên trời, Vi bổ một đao vào đầu thiếu niên. Thiếu niên mỉm cười không tránh, mà dùng tay bắt đao của Vi. Vi kinh ngạc tử hỏi:

– Thằng lỏi con này, võ công kém ta xa, nó có điên không mà dám bắt đao của ta?

Nhưng khi đao Vi gần tới cổ thiếu niên, thì một mùi hương thơm ngát xông vào mũi y, rồi cánh tay y mất hết kình lực; đao của y bị thiếu niên bắt lấy rồi đưa vào ngực y. Máu từ ngực y vọt ra, y ôm ngực lảo đảo, miệng quát lên:

– Tại sao tay ta lại liệt? Ai đánh trộm ta?

Trước khi ngã xuống, y cũng còn kịp thấy một thiếu nữ xinh đẹp đang chống kiếm nhìn y. Thiếu nữ chắp tay lễ phép chỉ vào thiếu niên:

– Vi tướng quân, tôi là Mai-Cửu vợ của anh Lý Cửu. Vì chồng tôi sắp mất mạng về tay tướng quân, nên tôi phải tung viên thuốc Đoạn-cân hoàn vào huyệt khúc trì của tướng quân. Vì vậy tay tướng quân mới bị mất lực.

Quản Vi than:

– Hỡi ơi! Ta nghe Giao-chỉ có Thần-vũ thập anh, Thập bát Kim-cương là đệ tử của Mộc-tồn hòa thượng. Không ngờ ta bị mất mạng vì cặp Kim-cương thứ chín.

Nói rồi, y gục xuống, mắt trợn ngược.

Hai cặp vợ chồng Lý Bát, Lý Cửu chỉ huy đội võ sĩ Đông-a vây kín Tu Kỷ, Quản Vi lại. Hai người tả xung hữu đột, nhưng không thoát ra được. Biết có đánh nữa, thì cũng đến mất mạng vô ích. Tu Kỷ quát lớn:

– Khoan!

Đội võ sĩ Đông-a cùng ngừng tay, lùi lại. Tu Kỷ hướng Tín-Nghĩa vương:

– Vương gia! Họ Tu này nghe vương gia học nghề với ngoại tổ là Côi-sơn đại hiệp Trần Tựï-An, nức tiếng thiên hạ. Thế sao vương gia không thể tứ giáo cho tại hạ mấy chiêu, mà lại dùng số đông vây phủ? Võ đạo Đại-Việt như thế ư?

Sợ chồng tha cho Tu Kỷ, vương phi cười nhạt:

– Này Tu tướng quân. Chỉ vì xưa kia quốc công Thân Thiệu-Cực tha cho tướng quân trên núi Tản; Đại tư mã Thường-Kiệt tha cho Tư tướng quân trong trận Phong-sa-trang; mới đây công chúa Kim-Thành tha cho Tu tướng quân trong dịp họ Dương nổi loạn, mà ngày nay mấy trang động Bắc-biên bị tướng quân tàn sát. Hiện giờ chúng ta đối trận với nhau, chứ không phải đấu võ mà phải tuân theo lề luật võ lâm. Đã đối trận thì phải dùng quân.

Vương phi hô:

– Tấn công!

Tu Kỷ, Đào Bật kinh hãi, vội phóng liền ba chưởng về bên phải, rồi cả hai tung mình nhảy xuống sông. Vương phi Ngọc-Nam rút kiếm phóng theo Tu Kỷ. Hai người rơi ùm xuống nước. Tu Kỷ phóng chưởng đánh vào đầu vương phi. Phi lặn xuống dưới nước. Chưởng của Kỷ làm nước bắn tung lên thành cột.

Trong khi ấy, một người từ chiến lũy Nam ngạn tung mình nhảy ùm xuống sông. Vừa rơi xuống, người đó lại vọt lên cao như con cá. Cứ như thế, người đó vọt hơn mười lần thì đến bên Đào Bật, tay rút kiếm đâm y. Đào Bật vội lặn xuống nườc. Người đó cũng lặn theo y.

Tín-Nghĩa vương nhận ra người đó là Dương Minh.

Cuộc chiến dưới nước giữa Ngọc-Nam, Tu Kỷ; Dương Minh, Đào Bạt diễn ra ác liệt trước mắt hàng mấy vạn người. Sau hơn khắc, Tu Kỷ, Đào Bật đã cảm thấy mệt mỏi lắm rồi. Hai người lặn xuống dưới nước, chuồn sang Bắc ngạn. Ngọc-Nam, Dương Minh cũng lặn theo. Không biết những gì xẩy ra dưới nước, chỉ thấy sóng cuồn cuộn nổi lên. Hơn khắc sau, từ giữa giòng sông « ầm » một tiếng, vương phi Ngọc-Nam tay túm tóc Tu Kỷ vọt lên khỏi mặt nước, tà tà đáp lên sàn chiến hạm. Phi ném y xuống mặt chiến hạm đến bộp một tiếng. Chư quân thấy mắt y mở trừng trừng, bụng chương lên như cái trống.

Võ sĩ trói y lại. Còn vương phi vào khoang chiến hạm thay y phục.

Tiếp theo, Dương Minh túm tóc Đào Bật tung lên chiến hạm, người y bị ba bốn vết thương, máu chảy đầm đìa.

Tín-Nghĩa vương dùng mưu bắt được hơn ba vạn quân triều, hơn vạn quân tân-đằng-hải rồi, vương nhìn lại bờ Bắc: Hiệu Hùng-lược, thủy quân tuy ít hơn quân Tống, nhưng đã chọc thủng chiến tuyến khiến hàng ngũ quân Tống rối loạn. Tướng Lý Thật với đội võ sĩ cận vệ vẫn can đảm đứng chỉ huy chống trả. Vương cho hạm đội Thần-phù kết bè làm phù kiều, rồi ra lệnh:

– Dương Minh, Phương-Cúc với hiệu Long-dực trấn chiến lũy, bảo vệ phù kiều. Trần Ninh, Trần Ngọc-Hương, Lý Ngũ, Mai Ngũ đem hiệu Đằng-hải vượt sông đánh ngược trở lên, tiếp viện Ngô Ức, Phương-Dược.

Trần Ninh, Ngọc-Hương phi ngựa dẫn đầu cánh tả; Lý Ngũ, Mai Ngũ dẫn đầu cánh hữu. Binh sĩ hiệu binh Đằng-hải như đoàn sư tử đói reo lên rung động mặt sông, thoáng một cái đã vượt phù kiều đánh vào hông trận tuyến của Tống. Trận Tống bị cắt làm ba làm bốn. Các chỉ huy tân-đằng-hải chưa có kinh nghiệm chiến đấu, chưa quen phối hợp, thì đấu sao lại Thiên-tử-binh? Thế là trận Tống bị vỡ. Quân Việt xung vào chém giết, không đầy một khắc, bao nhiêu quân Tống còn lại, hoặc đầu hàng, hoặc bị giết.

Biết thế nguy Lý Thật cùng đội võ sĩ tung mình chạy về hướng Bắc. Nhưng một người mặc quần áo nâu, tóc đã bạc, chỉ huy một đội võ sĩ dàn ra trấn trước mặt y. Kinh hoàng, y kêu lên:

– Phải chăng người là Phụ-quốc thượng tướng quân, tổng lĩnh thị vệ Vương Văn?

– Đúng thế, Vương Văn là tên giả. Tên thực của ta là Trần Phụ-Quốc. Dường như người có quen ta?

– Trước đây tiểu nhân từng là thị vệ dưới quyền tướng quân. Xin tướng quân tha cho tiểu nhân.

Phụ-Quốc đưa mắt nhìn Trần Ninh, Ngọc-Hương như hỏi ý kiến. Trần Ninh lắc đầu:

– Xin sư bá tha lỗi. Y là bộ hạ cũ của sư bá, nhưng nay y là kẻ đi chiếm nước của đệ tử. Đệ tử không thể tha cho y.

Phụ-Quốc lắc đầu, cùng đội võ sĩ rút ra phía bờ sông. Trần Ninh hô lên một tiếng, đội cung thủ thuộc hiệu Đằng-hải buông tên, đám võ sĩ Tống không kịp phản ứng, bị bắn ngã gần hết. Lý Thật tung mình chạy, Lý Ngũ đưa mắt cho vợ; Mai-Ngũ bắn theo hai viên thuốc, kình lực kêu lên tiếng véo. Lý Thật đang lơ lửng trên không, bị hai viên thuốc Đoạn-cân hoàn trúng đầu gối. Hai chân y bị tê liệt, y rơi xuống như trái mít rụng. Thiên-tử binh định trói y lại. Biết thế nguy, tay y rút kiếm đưa lên tự đâm vào ngực tự tử.

Thế là trận chiến ở Nam ngạn, Bắc ngạn Vạn-xuân chấm dứt.

Trên suốt một giải đất Bắc ngạn sông Cầu, xác người, xác ngựa, xe cộ, quân trang, vũ khí nằm la liệt dài đến hơn mười dặm.

Tín-Nghiã vương ra lệnh:

– Trần Ninh, Ngọc-Hương, Lý Ngũ, Mai Ngũ mau đem quân tiến về Nham-biền bắt tay với Trung-Thành vương, rồi tiến về Tây đốt phá hậu cứ quân Quách Qùy.

– Ngô Ức đem hiệu Hùng-lược, xuống hạm đội Thần-phù cũng ta tiến về Như-nguyệt.

Giữa lúc đó có tiếng quân reo, tiếng ngựa hí tiếng vũ khi chạm nhau từ xa vọng lại, rồi lửa từ căn cứ Tống ở Nham-biền bốc cháy ngùn ngụt.

Trần Ninh, Ngọc-Hương cầm cờ phất lên dẫn đầu cánh tả; Ly Ngũ, Mai ngũ dẫn đầu cánh hữu. Hiệu binh Đằng-hải thiện chiến anh hùng nhất Đại-Việt, từng làm mưa làm gió trong trận Hỏa-giáp, Ung-châu vượt phù kiều như đàn sư tử đói, vừa reo vừa tiến. Trống thúc nhịp nhàng.

Tín-Nghĩa vương bảo Ngô Ức, Phương Dược:

– Hai em cho cho quân lên sàn chiến thuyền phất cờ, reo hò, thúc trống, hư trương thanh thế làm như tiến về Như-nguyệt.

Ngô Ức hỏi:

– Vương gia! Tại sao ta phải làm thế?

– Ta ước tính giờ này, quân Quách Quỳ đã phá vỡ phòng tuyến Như-nguyệt đang tiến về Thăng-long. Cho nên ta hư trương thanh thế, để y sợ mà rút quân về Bắc Như-nguyệt. Bấy giờ công chúa Thiên-Ninh sẽ tái chiếm chiến lũy Như-nguyệt. Còn chúng ta sẽ dàn ra không cho Tóng tái đổ bộ Như-nguyệt nữa.

Ngô Ức y lệnh thi hành. Một đoàn chiến thuyền dàn ra tới mấy dặm, phất cờ, thúc trống, quân reo hò từ từ tiến về hướng Tây.

Tín-Nghĩa vương với vương phi Lê Ngọc-Nam ngồi trên sàn một soái thuyền. Vương thấy vương phi luôn bồn chồn nhìn về hướng Tây thì hỏi:

– Em có gì không yên tâm?

– Em lo quá, nếu Như-nguyệt thất thủ thì Thanh-Thảo ắt lành ít dữ nhiều. Trong Hồng-hà ngũ long, thì Ngọc-Huệ đã hy sinh ở Ngọc-sơn rồi. Không lẽ trận này đến Thanh-Thảo?

– Em có lo cũng vô ích thôi. Buổi họp ngày mùng một Tết, chúng ta đã khẳng định rằng trấn ở Như-nguyệt là cầm chắc cái chết trong tay. Giờ này e Thanh-Thảo đã hy sinh rồi cũng nên.

Quân sĩ đã băng bó cho Đào Bật, dốc ngược đầu cho nước ra khỏi bụng Tu Kỷ, rồi giải tới trước mặt vương với vương phi. Tu Kỷ vẫn không khuất phục:

– Vương phi! Đánh nhau dưới nước, thì vương phi thắng mỗ, chứ đánh nhau trên cạn thì mỗ nhất định thắng vương phi. Nghĩ lại, một đời Tu mỗ, anh hùng cái thế, mà bị bắt ở đây như thế này, thì cũng đáng tiếc thực.

Vương phi Ngọc-Nam là người ôn nhu văn nhã bậc nhất trong Hồng-hà ngũ long. Nghe Tu Kỷ tỏ ý bất khuất, phi cười:

-Tu tướng quân nói đúng. Bản lĩnh Tu tướng quân cao thâm hơn ta nhiều.

Phương-Dược ngồi cạnh vương phi Ngọc-Nam, bà lên tiếng hỏi:

– Tu tướng quân! Tướng quân có biết vương phi biệt hiệu là gì không?

–???!!!

– Hồi niên thiếu vương phi cùng bốn người bạn nữa nổi danh là Hồng-hà ngũ long.

– Thế ngũ long là những ai?

– Hoàng-long là Linh-Nhân hoàng thái hậu. Bạch-long là Nhu-mẫn, Đoan-duệ, Anh-văn công chúa Trần Ngọc-Huệ. Thanh-long là vương phi Trung-Thành vương nhũ danh Nguyễn-thị Trinh-Dung. Hồng-long là Hòa-huệ, Ninh-tĩnh, Ôn-văn công chúa Vũ Thanh-Thảo.

Tu Kỷ thở dài:

– Như vậy vương phi đây là Hắc-long?

– Không, Huyền-long chứ không phải hắc. Này tướng quân! Tướng quân được võ lâm tướng sĩ, Tống đặt cho mỹ danh là Xích-ô có đúng thế không?

Tu Kỷ kêu lên:

– Ta bại là phải! Ta bại là phải! Hỡi ôi! Con quạ lửa mà nhảy xuống nước, đấu với rồng đen, thì kết quả đã thấy rõ rồi.

Phương Dược hỏi Đào Bật:

– Đào tướng quân! Nếu đánh nhau trên cạn, anh Dương Minh của chồng tôi thực không đỡ nổi ba chiêu của tướng quân. Nhưng tướng quân có biết biệt hiệu của anh Dương Minh là gì không?

–???!!!

– Phu quân tôi là người đứng hàng thứ sáu trong Tây-hồ thất kiệt. Anh Dương Minh đứng hàng thứ nhì. Sau trận đột kích đêm Giao-thừa, nguyên soái Quách Quỳ gọi Tây-hồ thất kiệt là Giao-long thất quái. Phó nguyên soái Triệu Tiết gọi là Giao-chỉ thất long. Đào tướng quân có biệt hiệu là Trầm-hà cư sĩ phải không?

– Đúng thế.

– Trầm là con sông Trầm, nhưng cũng có nghĩa là chìm. Hà là sông, nhưng cũng có nghĩa là con tôm. Con tôm, mà gặp giao-long, thì sống sao nổi? Vậy tướng quân có muốn nói gì nữa không?

– Bại tướng thì chỉ có chết mà thôi. Phu nhân giết ta đi cho rảnh.

– Được! Lát nữa chúng ta sẽ đem hai người về Ngọc-sơn tế công chúa Trần Ngọc-Huệ với tướng quân Bùi Hoàng-Quan.

Một con thuyền nhỏ áp mạn vào chiến hạm, rồi một người tóc bạc như cước, nhưng mặt đẹp vô cùng tung mình nhảy lên. Người đó là Trần Phụ-Quốc. Tín-Nghĩa vương với vương phi cung tay:

– Đại sư bá.

Đào Bật thấy Phụ-Quốc thì kêu lên:

– Người! Người! Phải chăng người là đô đốc Tương-giang hồ Động-đình, sau làm Phụ-quốc thượng tướng quân tổng lĩnh thị vệ chăng?

Phụ-Quốc không nhận ra Đào Bật, ông hỏi:

– Dường như người có quen biết ta?

– Tiểu nhân là Đào Bật, trước đây làm sư trưởng ngự lâm quân dưới quyền tướng quân.

Lòng Phụ-Quốc nhũn ra, ông đưa mắt nhìn Tín-Nghĩa vương, mà không dám nói một câu. Hiểu ông bác thi sĩ nhiều tình cảm của mình hơn ai hết. Vương cung tay:

– Việc Tu, Đào tướng quân xin để sư bá phát lạc.

Phụ-Quốc nói với Tu, Đào bằng giọng ôn tồn của kẻ cả:

– Hai tướng quân là những anh tài của đất Hoa-hạ, trí dũng có thừa. Hai chục năm qua, vào sinh ra tử biết bao phen, mong có chút công danh. Thế mà cho đến nay, cái tước hầu cũng chưa thấy đâu. Trong khi bọn thư sinh mặt trắng ngồi ở Biện-kinh gây chiến với lân bang, rồi bắt chư tướng lăn mình vào chỗ chết. Nếu như việc thành, thì Hy-Ninh cho là công của chúng. Còn thất bại, chúng đổ lên đầu chư tướng, rồi đem giết cả nhà. Hỡi ôi! Nam nhi đại trượng phu da ngựa bọc thây là truyện thường, nhưng đầu bị chém vì bại trận; thây mình, đầu mình; thây vợ, thây con… dĩ chí thây cha mẹ bị đem phơi ở chợ cho dân chúng coi. Nhà cửa, ruộng đất bị tịch thu thì thực là thảm thương.

Phụ-Quốc bấu tay hai cái, dây trói hai người dứt rời, ông lại lấy bầu rượu bên hông đưa cho Tu, Đào:

– Uống đi, rồi ta đưa vào bờ. Sau trận này, ví dù Quách Quỳ có chiếm được Đại-Việt, thì hai tướng quân cũng không thể được thăng quan tiến chức. Vậy từ nay, hai tướng quân nên cáo bệnh, chẳng nên xuất trận nữa, nhớ không?

– Dạ.

Bấy giờ là tháng giêng, tiết trời lạnh giá, mà hai người ở dưới nước khá lâu, rồi bị trói với quần áo ướt, người run lập cập. Bây giờ được rượu thì mừng chi siết, hai người vội đưa lên miệng uống hết sạch; rồi cung tay vái Phụ-Quốc, Tín-Nghĩa vương, vương phi, sau đó theo võ sĩ đội Giao-long xuống con thuyền nhỏ bơi vào bờ.

Ghi chú,

QTNC, TTCTGCK chép rằng: « Đào Bật, Tu Kỷ là hai tướng tài, thế mà sau khi bại trận, được giặc tha cho về, cáo ốm cho đến ngày lui quân ».

(Xin cáo lỗi, bạn CDDLT không “scan” được hình)


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.