Đọc truyện Mười Tội Ác: Bóng Ma Đêm Mưa – Chương 44: Bụi Phủ Cửa Trần Ai
Phía sau cánh cửa là phòng khách trống rỗng, không một bóng người.
Tổ chuyên án tập trung cao độ.
Cả đội đều biết tên hung thủ man rợ và biến thái kia đang lẩn trốn trong chính căn phòng này.
Bao Triển chỉ về phía căn phòng có treo giò lan, Họa Long gật đầu rồi xông sang trước tiên.
Những người khác lập tức theo sau.
Khung cảnh bây giờ vô cùng hỗn loạn, ánh đèn pin liên tục chiếu loạn xạ xung quanh.
Họa Long đưa một chân lên đạp tung cửa phòng, cả đội ập vào căn phòng có giò lan.
Trong phòng trải một tấm nilon lớn, trong góc nhà là một chiếc cốc sắt cũ thời xưa, trên nắp cốc là nửa chiếc sủi cảo chiên chưa ăn hết.
Chiếc đinh đóng trên tường có treo chiếc túi bằng vải bạt, bên trong thò một đoạn dây thừng.
Đây chính xác là một chỗ ở tạm thời.
“Không được lại gần!” – Một giọng nói run rẩy vang lên.
Họa Long giơ tay ngăn mọi người lại, rồi đưa đèn pin chiếu sang hướng giọng nói.
Mọi người nhìn thấy một ông cụ đang ngồi trên bậu cửa sổ, quay lưng về phía căn phòng.
Cơ thể ông cụ hơi nghiêng ra phía ngoài, bất cứ lúc nào cũng có thể nhảy xuống tự vẫn.
Đột cảnh sát hết lời khuyên nhủ, mong ông sẽ bình tĩnh lại, nào ngờ ông cụ đưa tay gạt giò hoa lan sang một bên, rồi nhoài người rơi xuống từ tầng bốn…
Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát điều tra cho biết người nhảy lầu tự vẫn tên Tôn Thắng Lợi, là cha của đầu bếp mập.
Ông cụ này bệnh tật đã lâu năm, sống trong viện dưỡng lão, chỉ còn chờ ngày trút hơi thở cuối cùng.
Ông ta bí mật trở về thành phố Vũ Môn, không thông báo với bất cứ ai, quyết tâm thực hiện tâm nguyện cuối đời của mình: Báo thù.
Một con người trước khi chết đến một giò hoa cũng không nhẫn tâm làm tổn hại, lại có thể gây ra ba vụ án móc ruột ghê rợn, làm chấn động một vùng!
Bàn tay tưới nước cho hoa cũng chính là bàn tay dễ gây ra ba vụ án man rợ.
Mỗi con người đều như nhau, tay trái thuộc về ác quỷ, tay phải ở bên thiên thần.
Cụ ông nhảy xuống từ tầng bốn.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa không trung ấy, biết bao kí ức như đang ùa về từ dưới miệng giếng.
Cụ ông dường như đang trở lại với con ngõ nhỏ heo hút nơi mình đã lớn lên.
Trong con ngõ nhỏ ấy, những bông đậu tương mọc lạc loài nơi góc tường bung nở, trên cây Vu già có những mụn nhựa đen mọc chi chít, trong đám mây mờ ảo của kí ức, những đứa bạn thời niên thiếu như trở về rồi vụt qua, tất cả đều vẫn là những đứa trẻ xưa cũ.
Rồi ông cụ nhìn thấy chính mình trong đám trẻ.
Ấy là những năm tháng của thù hận, ấy là những năm tháng ai ai cũng là kẻ phạm tội, ai ai cũng là những tên hung thủ, và ai ai cũng là người bị hại.
Năm 1967, chàng trai Tôn Thắng Lợi bước chân vào trường cấp ba.
Cậu chưa bao giờ đánh nhau với ai trước đó, cũng chưa từng chửi tục bao giờ.
Cái tội lớn mà cậu đã gây ra, chỉ vẻn vẹn gói trong bộ đồ Tây mà cậu đã khoác lên người.
Mà không, cậu còn có một tội vô cùng lớn khác nữa, đó là cậu thích đọc thơ của Pushkin[16].
Trong những năm tháng đầy biến động ấy, khi một người mặc đồ Tây và đọc thơ Pushkin, đồng nghĩa với việc họ đã phạm đại kị.
Tội danh mà họ phạm phải gồm có: “Đi theo phái tư sản”, “Gián điệp Xô Viết”, “Phần tử phản động”, “quân cánh tả”!
Ủy ban cách mạng của trường đưa Tôn Thắng Lợi ra thẩm vấn, trong đó cậu học sinh tên Trương Hồng Kì phụ trách vai trò chủ tịch hội đồng.
Trương Hồng Kì: “Bộ đồ Tây kia ở đâu ra?”
Tôn Thắng Lợi: “Đây không phải đồ Tây, mà là quần áo kiểu Tôn Trung Sơn.
Đồ phơi cạnh lò sưởi, không may bị cháy mất một miếng, nên đành phải khâu lại như thế này.”
Trương Hồng Kì: “Còn dám giáo biện, tất cả bọn phản động, còn chưa ăn đòn thì còn già mồm không chịu nhận.
Đánh hắn nhử tử cho tôi.”
Chẳng mấy chốc, mặt Tôn Thắng Lợi đã xưng húp, máu rớm ra từ khóe miệng.
Trương Hồng Kì: “Trong nhà có cả đồ Tôn Trung Sơn, không phải là phủ nông mới lạ, khai mau, cậu thuộc thành phần nào?”
Tôn Thắng Lợi: “Được, tôi khai! Tôi là con cháu của “năm giai cấp đen” “
“Năm giai cấp đen” là từ nói tắt dùng để chỉ địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, và cánh hữu thời trước.
Trương Hồng Kì: “Mau giao nộp danh sách bọn gián điệp ra.”
Tôn Thắng Lợi: “Tôi không phải gián điệp.”
Trương Hồng Kì: “Không phải gián điệp mà mặc đồ Tây? Còn đọc thơ Pushkin?”
Tôn Thắng Lợi: “Tập thơ này là của cha tôi để lại, quần áo cũng là của cha tôi.”
Trương Hồng Kì: “Cả gia đình phản cách mạng, mau nhốt hắn lại, lục soát nhà, tìm xem có máy truyền tin nào khôn? “
Nhà Tôn Thắng Lợi bị lục soát, tất cả đồ đạc đều bị đập nát, cha cậu sau khi bị tra khảo dã man đã nhảy xuống giếng tự tử, ông không chịu nối nỗi ô nhục này.
Thằng bé nhà hàng xóm mới hôm trước còn ngoan ngoãn gọi ông một tiếng “chú”, hôm nay đã nhẫn tâm rút roi da vung về phía ông.
Mẹ của Tôn Thắng Lợi bi cạo đầu thành hình “âm dương”, bím tóc hai bên của bà giờ chỉ còn lại bên trái, bên phải đã bị những kẻ đầu tổ cạo trọc.
Vào thời ấy, mùa đông rất lạnh, những vại dưa muối, mấy miếng đậu phụ, và nửa quả bí ngô để ngoài sân đều kết thành băng đá.
Tôn Thắng Lợi vừa thở ra khói vừa xách xô đi gánh nước.
Tay cậu cầm xô nước, đứng bên cạnh thành giếng mà ngẩn ngơ hồi lâu không nói.
Mỗi lần múc nước cậu đầu rất sợ nhìn xuống giếng.
Lần này, cậu vô tình nhìn thấy gương mặt cha mình dưới đó.
Nước trong giếng đã đóng băng, khuôn mặt cha cậu bị nước đá làm đông cứng lại.
Xác người cha nằm dưới giếng giữa một ngày đông lạnh giá.
Giữa lớp nước đã đóng băng, khuôn mặt ông vẫn hướng lên phía bầu trời, chiếc mũi cao nhô lên khỏi mặt nước.
Cảnh tượng đó đến chết cậu cũng không thể nào quên được.
Khuôn mặt đó của người cha đã đi theo cậu cả cuộc đời.
Học sinh tại thành phố Vũ Môn chia làm hai cánh.
Một cánh tên là “Tùng Trung Tiếu”, nghĩa là tiếng cười giữa bụi cây, Trương Hồng Kì chính là một thành viên trong đó.
Tôn Thắng Lợi gia nhập một nhóm Hồng Vệ Binh bên cánh đối lập tên là “Quý Kiến Sầu” nghĩa là ma quỷ trông thấy cũng phải sợ hãi.
Mục đích của Tôn Thắng Lợi rất đơn giản, cậu chỉ muốn báo thù rửa hận cho cha mình.
Tôn Thắng Lợi là con cháu của “năm giai cấp đen”, xuất thân không tốt.
Để có được sự tín nhiệm của đội “Quỷ Kiến Sầu”.
Tôn Thắng Lợi đã phải vớt xác cha từ dưới giếng lên, lôi ra đầu phố.
Trước mặt mọi người, cậu đổ dầu hỏa lên xác cha, và tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với những kẻ thuộc “giai cấp đen” cuối cùng châm lửa thiêu rụi xác cha mình.
Những vụ ẩu đả tập thể giữa các nhóm Hồng Vệ Binh trong thành phố Vũ Môn ngày càng kịch liệt, có khi số người tham gia lên đến hàng nghìn.
“Quỷ Kiến Sầu” và “Tùng Trung Tiếu ” là hai nhóm mạnh nhất, từng xô sát với nhau nhiều lần, thậm chí có khi còn dùng đến cả vũ khí.
Cuối cùng, trong một trận quyết chiến, đội “Quỷ Kiến Sầu” của Tôn Thắng Lợi bị đánh bại, kẻ chết, người trong thương.
“Tùng Trung Tiếu” giành thắng lợi lớn, chiếm lĩnh tống bộ của đối phương, chính là lễ đường thành phố Vũ Môn, còn bắt một nhóm Hồng Vệ Binh bên phía “Quỷ Kiến Sầu” làm tù binh.
Hồng Vệ Binh bắt Hồng Vệ Bình làm tù binh Trương Hồng Kì bắt Tôn Thắng Lợi làm tù binh.
Trong sân lễ đường có một cây Vu già, Trương Hồng Kì trói chặt Tôn Thắng Lợi lại, rồi treo một chiếc cân bên trên cây, lấy móc cân móc xuống hậu môn của kẻ tù hình, quả cân buộc vào chỗ hiểm, bắt Tôn Thắng Lợi đứng thẳng, chỉ được chạm hai mũi chân xuống đất.
Giữa trưa, Trương Hồng Kì ngồi nghỉ ngơi dưới gốc bóng cây, bắt Tôn Thắng Lợi phải mở to mắt, nhìn thẳng lên vầng mặt trời như quả cầu lửa đang thiêu đốt, không được chớp mắt, nếu không sẽ ăn đòn.
Từ giữa trưa đến chập tối, Tôn Thắng Lợi vẫn phải giữ yên tư thế ấy, giữa chừng cũng nhiều lần bị đánh đập, sau mỗi trận đòn lại thêm đau đớn gấp bội.
Chiếc móc cân cắm sâu vào da thịt, máu chảy xuống chân thành vũng.
Mãi đến tận nửa đêm, có người ra ngoài đi vệ sinh, vẫn còn thấy Tôn Thắng Lợi đứng yên ở đó…
Những đám mây đen của ngày hôm qua cũng vẫn là mây đen của ngày hôm nay.
Bóng tối lịch sử cũng sẽ kết thúc trong bóng tối.
Con người có sức chịu đựng siêu cường đối với đau khổ và dày vò.
Tôn Thắng Lợi vẫn sống, có lẽ ý niệm giúp cậu ta sống tiếp chính là “báo thù”.
Sau khi cách mạng văn hóa kết thúc, Tôn Thắng Lợi đã cưới vợ sinh con.
Mấy chục năm nay, lúc nào người đàn ông này cũng mang ánh mắt hung hãn và khuôn mặt âm trầm.
Mỗi năm trôi đi, gió sương lại bồi đắp thêm trong người, băng tuyết lại lấp đầy thêm tâm hồn của người đàn ông ấy.
Mấy chục năm trôi qua, Tôn Thắng Lợi trở thành một ông già, ngồi có đơn một minh trên chiếc ghế dài của viện dưỡng lão.
Với những tháng ngày quá khứ kia, rất nhiều người chọn lựa việc lãng quên, nhưng Tôn Thắng Lợi thì không.
Có lẽ, trước khi chết, ông vẫn còn tâm nguyện nào đó chưa dứt, cũng có thể, ông đã dùng cả đời mình để lên kế họach và thực hiện mưu đồ báo thù của mình.
Người ta vẫn bảo “chó cùng dứt dậu”, con người khi bị dồn đến thế không còn đường thoát nữa, họ sẽ chọn lựa việc phạm tội, đó cũng là con đường cuối cùng có thể chọn, mặc dù đó là đường dẫn người ta đi xuống.
Phía cảnh sát không điều tra rõ vì sao Tôn Thắng Lợi tìm được địa chỉ của Trương Hồng Kì sau này, chúng ta cũng không thể biết được trong cuộc ẩu đả cuối cùng, họ đã nói với nhau những gì.
Tôn Thắng Lợi đứng trong hành lang tối mịt, tay cầm chiếc móc cân, im lặng chờ đợi mấy tiếng đồng hồ, tấn công cháu ngoại của Trương Hồng Kì, lấy ruột cô gái ra một cách tàn nhẫn.
Trần Lạc Mạt may mắn thoát chết, mối căm hận trong lòng Tôn Thắng Lợi không có cách nào nguôi ngoai, vì thế trong lần thứ hai, ông ta ra tay mạnh hơn trước.
Mấy ngày đầu tiên, không ai biết Tôn Thắng Lợi trốn ở đâu.
Trong thành phố này có quá nhiều những căn nhà trống.
Ông ta đã tính đến việc trở về nhà con trai mình, nhưng để tránh gây rắc rối, trong phút chót đã thay đổi kế họach, không vào nhà đầu bếp mập nữa, mà chỉ lấy trộm chậu tiết dê đặt trước cửa, rồi mang để lên trên bậu cửa nhà cụ ông Trương Hồng Kì.
Tôn Thắng Lợi làm như vậy, mục đích để cảnh cáo Trương Hồng Kì: “Nợ máu phải trả bằng máu!”
Khi cảnh sát đang bận bịu tìm kiếm tại hành lang, Tôn Thắng Lợi trốn vào một căn phòng tại tầng bốn.
Ông ta vừa giết chết vợ của Trương Hồng Kì, còn đứng phía sau giữ cái xác và gõ cửa hòng dụ Trương Hồng Kì mở cửa sẽ ra tay sát hại ông ta.
Cảnh sát địa phương từng lục soát tất cả các căn nhà trong khu này, không có bất cứ dấu hiệu nào khả nghi, nên không lục soát thêm.
Tôn Thắng Lợi lấy một căn nhà trống tại tầng bốn làm nơi ở tạm thời.
Nơi này rất gần hiện trường gây án, điều đó chứng tỏ sự thèm khát giết người của ông ta mãnh liệt đến mức nào.
Ông ta nằm trên tấm trải nilon, áp tai xuống nền nhà để lắng nghe tiếng bước chân.
Ông ta ăn sủi cáo chiên, và dùng chiếc cốc sắt cũ múc nước tưới hoa.
Những tiếng khóc thảm thiết của họ hàng Trương Hồng Kì là thứ âm nhạc tuyệt mĩ trong tai Tôn Thắng Lợi.
Đại đa số thời gian, kẻ sát nhân này dùng để nhìn giỏ hoa ngoài bậu cửa sổ và im lặng.
Từ phía hành lang vọng lại những lời đối thoại của người họ hàng cụ Trương Hồng Kì.
Một người nói cụ Trương Hồng Kì quá cố chấp, không chịu dời đi, một người nói phía cảnh sát nên phái người bảo vệ.
Tiếng của họ cứ xa dần xa dần, tiếng bước chân xuống cầu thang cũng nhỏ dần rồi mất hút.
Đợi đến lúc nửa đêm, Tôn Thắng Lợi đứng dậy cầm chiếc móc sắt của mình lên…
Tội ác mà một con người gây ra cũng giống như cánh bồ công anh, mang theo hạt giống, dù có bay xa đến đâu, thì sớm muộn cũng sẽ nảy mầm đâm lá ở một nơi nào đó khác.
Phải chăng Trương Hồng Kì đang chịu báo ứng?
Rốt cục ai mới là kẻ khơi mào cho những tội ác này?
Tôn Thắng Lợi sát hại Trương Hồng Kì một cách vô cùng dã man, tự mình cũng bị thương nặng.
Ông ta chọn việc nhảy lầu tự sát để kết thúc tất cả.
Những giây phút ngắn ngủi trong không trung Tôn Thắng Lợi nhắm mắt, giơ hai cánh tay ra, cảm giác mình như đang bay, không hề có chút cảm giác sợ hãi khi cận kề cái chết, mà ngược lại trong lòng như được giải thoát.
Mắt ông rớm lệ.
Một con người khi bị tổn thương, những giọt nước mắt có thể không rơi ngay lập tức, mà phải đợi đến mãi sau này.
Những giọt lệ dồn nén mấy chục năm trời nay tuôn trào, hòa với tiếng gió huýt bên tai.
Tôn Thắng Lợi thấy mình đã bay qua khu dân cư cũ kĩ này, rồi lại bay qua những hàng bạch dương trên khu đất hoang, bay dần khỏi thành phố hoang ngày một ít người ở, bay khỏi những kí ức lịch sử đen tối trong cuộc đời mình…
Phồn hoa đã tận, chỉ còn lại thành phố bị bỏ hoang.
Cảnh sát trường báo đầu bếp mập đến nhận thi thể.
Đầu bếp mập cảm thấy vô cùng bất ngờ, nói: “Cha tôi trước đây đến con gà còn chẳng dám thịt…”
Già trẻ gái trai ngoài phố bàn tán xôn xao về vụ án này, một cậu bé đang tuổi đến trường nói: “Thật là kinh khủng, thật biến thái, thật đáng sợ.”
Cụ già ngồi đọc sách trước khu trung tâm mua sắm bỏ hoang nọ cũng đứng trong đám dân chúng, cụ hỏi: “Cậu bé, cậu thấy vụ án này rất biến thái, rất đáng sợ sao?”
Cậu bé trả lời: “Vâng ạ.
Lấy ruột người ta ra, một ông già sát hại một ông già.”
Ông cụ đọc sách nói: “Thứ đáng sợ thực sự nằm trong trái tim của hai ông già đó, trước kia cũng vậy, bây giờ cũng thế…!”
Cậu bé tỏ vẻ hiểu ra chút gì, nhưng ngay sau đó lại từ bỏ việc suy nghĩ mà quay ra gọi lũ bạn: “Đi học thôi bọn mày ơi! Chả liên quan gì đến bọn mình cả.”.