Đọc truyện Mười Tội Ác 1: Bóng Ma Đêm Mưa – Chương 5: Bệnh viện tâm thần
Bây giờ tôi không tồn tại, nhưng trong quá khứ tôi đã từng tồn tại – Wan Faulkner.
Tôi muốn kể sự thật cho mọi người, mặc dù sẽ chẳng ai tin tôi. Thế giới này thực ra chỉ là một cuốn sách, mỗi người chúng ta đóng một vai trong cuốn sách đó và chẳng ai có thể thay đổi được số phận của mình. Cuốn sách cứ âm thầm đi đến hồi kết đã được định đoạt sẵn, giống như thể mỗi chúng ta đều sẽ chết. Đó là sự thật không thể thay đổi!
Trong văn phòng tổ chuyên án, giáo sư Lương và Bao Triển đang đánh cờ, còn Tô My và Họa Long ngồi trước bàn máy tính tranh cãi gì đó.
Giáo sư Lương hỏi: “Tiểu My, chuyện gì thế cháu?”
Tô My đáp với giọng bực bội: “Họa Long cứ đòi cháu đưa ảnh của anh ấy lên mạng.”
Giáo sư Lương dàn hòa: “Thì cháu đưa lên cho cậu ấy! Đơn giản thế có gì đâu mà phải lớn tiếng.”
Tô My cự nự: “Giáo sư không biết đấy thôi!”
Bao Triển cũng quay lại hỏi: “Anh ấy muốn đưa lên trang nào?”
Tô My bất lực đáp: “Google!”
Trừ Họa Long ra, ba người còn lại liền phá lên cười. Vừa lúc ấy phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc cầm một cuộn hồ sơ hình sự bước vào.
Họa Long: “Chào sếp! Lại có vụ gì ạ? Lần này đi đâu vậy?”
Phó cục trưởng trả lời với vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng: “Địa ngục! Tôi không hề nói ngoa chút nào!”
Tô My nhăn mày: “Rốt cuộc nơi đó ở đâu mà phó cục trưởng nói nghe khiếp thế?”
Bạch Cảnh Ngọc vòng vo: “Nơi đó người béo bước vào lập tức hóa gầy, người gầy bước vào lập tức hóa phì nộn. Bất kể người béo hay kẻ gầy bước vào thì họ đều có điểm chung là nhất định sẽ biến thành những cỗ xác không hồn, vẻ mặt vô cảm, chân tay lờ đờ.”
Giáo sư Lương gõ nhẹ xuống mặt bàn nói: “Tôi biết đó là nơi nào rồi. Bệnh viện tâm thần!”
Bạch Cảnh Ngọc gật đầu: “Đúng vậy! Lần trước tôi từng đến bệnh viện tâm thần thị sát một lần, trong đó nhốt rất nhiều kẻ mắc bệnh tâm thần gây ra nhiều vụ trọng án. Hôm ấy tôi đã sốc nặng”
Tô My tò mò: “Ồ! Chuyện gì mà khiến phó cục trưởng phải sốc vậy?”
Hồ như Bạch Cảnh Ngọc không muốn nhắc lại chuyện cũ, suy tư một lát, ông cười mà như mếu đáp: “Họ uống thứ họ thải ra!”
Ngày 29 tháng 12 năm 2007, bệnh viện tâm thần thành phố An Định xảy ra một vụ án giết người vô cùng nghiêm trọng, viện trưởng và viện trưởng phu nhân bị sát hại, hiện trường gây án diễn ra tại nhà xác của bệnh viện, cảnh tượng trông vô cùng thảm thương đến không nỡ nhìn, trên vách tường trong phòng in rất nhiều dấu vân tay và cả dấu vân chân. Cảnh sát địa phương đã tiến hành điều tra bước đầu, dấu vân tay là của viện trưởng phu nhân, còn dấu vân chân là của viện trưởng. Nhân viên trông nhà xác vẫn thoi thóp thở.
Ba nạn nhân bị trói trên băng ca cứu thương, cả ba đều được gây tê toàn thân.
Viện trưởng và viện trưởng phu nhân đã tử vong.
Nhân viên trông nhà xác vẫn sống nhưng giờ đang rơi vào trạng thái người thực vật, bệnh trạng rất nguy kịch, có thể tắt thở bất cứ lúc nào.
Tổ chuyên án nhìn những bức ảnh. Qua ảnh có thể thấy con ngươi của ba nạn nhân lồi hẳn ra, lông mi bị cắt.
Họa Long chỉ vào bức ảnh hỏi: “Tại sao hung thủ lại làm vậy?”
Giáo sư Lương đáp: “Hung thủ muốn cho ba nạn nhân nhìn thấy nhau thật rõ…”
Vụ án nghiêm trọng đến nỗi cảnh sát địa phương, sở y tế và ủy ban nhân dân thành phố thống nhất phải mời tổ chuyên án đến giúp đỡ phá án, các lãnh đạo trên tỉnh cũng hết sức quan tâm, trưởng phòng trọng án thuộc đội cảnh sát hình sự họ Nghiêm cùng đến bệnh viện tâm thần thành phố An Định với tổ chuyên án. Cảnh sát bao vây toàn bộ bệnh viện, họ nhận định bước đầu rằng hung thủ có thể là bác sĩ hoặc bệnh nhân của chính bệnh viện này.
Bệnh viện tâm thần thành phố An Định có niên đại rất lâu đời, nó được xây dựng từ những năm 30 của thế kỉ trước, tiền thân của nó là viện điều dưỡng dành cho các sĩ quan quân đội trong thời kì chiến tranh. Trước bệnh viện vẫn còn nhìn thấy hố bom. Bước qua cánh cổng nan sắt sẽ thấy bên trong cánh cửa là hai dãy nhà gạch lợp ngói xi măng. Hai dãy nhà chia thành ba khu vực, lần lượt là phòng tiếp tân, phòng chờ khám và phòng thăm người thân. Trong bồn hoa trước cửa trồng toàn hoa mào gà. Bước qua một cánh cổng sắt nữa thì thấy mở ra không gian trước mắt vô cùng khoáng đạt, rộng rãi. Đó là một chiếc sân lớn vắng teo không bóng người, cuối sân có một tòa nhà vô cùng cũ nát, dây trinh đằng bò kín các vách tường, lá cây đã rụng hết còn trơ thân và rễ gân guốc, khô héo bám chặt lấy cả tòa nhà, trông vô cùng quái dị và đáng sợ.
Bốn thành viên của tổ chuyên án và trưởng phòng Nghiêm bước vào tòa nhà. Trong phòng họp của bệnh viện, viện phó giới thiệu với cả đoàn rằng bệnh viện tâm thần này tập hợp rất nhiều các thành phần bệnh nhân, ví dụ như bệnh nhân buộc phải cưỡng chế vào viện chữa trị, bệnh nhân thông thường, bệnh nhân đến kiểm tra thần kinh, bệnh nhân cai nghiện, bệnh nhân mắc bệnh tình dục… Tất cả có tám mươi ba bác sỹ và hộ lí, hai trăm mười bệnh nhân. Từ khi xảy ra vụ án kinh thiên động địa này thì rất nhiều bác sĩ đều làm đơn từ chức, nhưng viện phó không phê chuẩn cho bất kì ai bởi vì rất có thể hung thủ lẩn trốn trong số đó. Hơn nữa, nếu bác sĩ từ chức thì không ai chăm sóc và quản lí bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân ở đây mắc bệnh tâm thần nặng từng phạm tội hình sự, gây nguy hại nghiêm trọng cho xã hội.
Giáo sư Lương bắt đầu phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Trưởng phòng Nghiêm dẫn cảnh sát địa phương tiến hành kiểm tra các tử thi chi tiết hơn, phòng kĩ thuật kiểm định các dấu vết nhỏ xuất hiện trên hiện trường vụ án. Họa Long và Tô My phụ trách thẩm vấn các nhân viên công tác tại bệnh viện, đặc biệt cần hỏi rõ hành tung cụ thể của từng người trong đêm xảy ra án mạng. Viện phó cùng các y bác sĩ tiến hành cấp cứu khẩn cấp cho nhân viên trông nhà xác, phải cứu anh ta bằng mọi cách bởi anh ta là người duy nhất sống sót và nhìn thấy hung thủ.
Tám mươi ba nhân viên trong bệnh viện được chia thành từng đợt, lần lượt bước vào phòng thẩm vấn, rất nhiều người không chịu hợp tác. Tô My phát giấy và bút cho họ, yêu cầu họ ghi tường tận mình làm gì vào đêm hôm đó, có phát hiện điểm khả nghi nào hay không. Phần lớn các y bác sĩ đều cho rằng vụ án này do viện phó hoặc các bác sĩ trong bộ lãnh đạo gây ra, số khác ghi chép lung tung, ngoài ra còn có một y tá chỉ vẽ một vòng tròn trên giấy, mà không viết chữ nào.
Tô My hỏi cô y tá đó: “Vòng tròn này có nghĩa gì? Mà… sao cô lại có râu?”
Cô y tá lạnh lùng đáp: “Tôi muốn từ chức!” Nói xong, cô trừng mắt nhìn Tô My rồi quay người bỏ đi. Lúc ra đến cửa, cô y tá đấm mạnh xuống bàn với lực rất mạnh, làm mọi thứ đang đặt trên đó rung lên bần bật.
Vì đặc thù của công việc nên các y tá trong bệnh viện tâm thần đều cao to, khỏe mạnh hệt như nam giới, người nào cũng lưng hùm eo gấu, sức khỏe phi thường.
Y tá trưởng dẫn giáo sư Lương và Bao Triển tham quan quanh bệnh viện. Kết cấu của bệnh viện này thực chẳng khác gì nhà tù, đến đâu cũng thấy cửa bằng nan sắt, những bệnh nhân tâm thần nặng được cách ly riêng một chỗ, không được phép tự do ra vào, ngoại trừ số ít bệnh nhân nhập viện tự nguyện là có thể xuất viện thì đa số những bệnh nhân bị cưỡng chế vào đây đều khó có cơ hội lành bệnh để trở về với xã hội.
Tầng hai là nơi dành cho những bệnh nhân tâm thần được người thân hoặc người giám hộ đưa tới. Tầng ba là những bệnh nhân tâm thần lang thang được ủy ban nhân dân thu nhận và đưa vào đây điều trị. Tầng bốn là những phạm nhân mắc bệnh tâm thần từng vi phạm pháp luật bị cưỡng chế vào viện.
Tại phòng tiếp tân ở tầng hai, giáo sư Lương thẩm vấn một vài bệnh nhân tâm thần tự nguyện nhập viện điều trị. Họ được phép tự do hoạt động bên ngoài, thậm chí được vào thư viện đọc sách báo, bởi vậy rất có khả năng hung thủ nằm trong số những bệnh nhân dạng này.
Người đầu tiên bước vào là một cô gái đeo kính trông rất giống dân trí thức, nom cô tiều tụy nhưng không kém phần xinh đẹp. Cô thản nhiên nói mình chính là hung thủ giết người, cô ta muốn giết viện trưởng từ lâu vì viện trưởng từng cưỡng bức cô ta. Rồi cô ta miêu tả rất sống động viện trưởng đã làm gì, các chi tiết nghe có vẻ vô cùng chân thực. Đang nói rất hùng hồn, đột nhiên cô ta quay ngoắt sang phía giáo sư Lương nói: “Ông cũng muốn cưỡng bức tôi đúng không! Tôi thừa biết!”
Giáo sư Lương lúng túng mở bệnh án. Thì ra đây là bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng. Cô ta cho rằng mình xinh đẹp và tất cả mọi người đều muốn cưỡng bức mình.
Tiếp theo là một cậu béo da trắng mắt thâm quầng, trông chẳng khác nào mắt gấu trúc. Cậu ta ngồi xổm xuống góc nhà, tay run lẩy bẩy, ngay cả cơ mặt cũng co giật theo. Y tá trưởng khe khẽ giải thích: “Vì nhiều bệnh nhân ở đây phải thường xuyên sử dụng thuốc nên mắt họ có quầng đen xung quanh và tứ chi thường run lật bật.”
Giáo sư Lương hỏi: “Cậu từng đến văn phòng của viện trưởng bao giờ chưa?”
Cậu béo căng thẳng đáp: “Đến đó rồi! Viện trưởng uống trộm rượu của tôi. Trong phòng ông ta có một cái giếng, tôi giấu một thùng bia ở trong giếng đó, bia đặt dưới giếng ngon hơn bia ướp đá nhiều đấy, ông biết không?”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Viện trưởng bị sát hại rồi! Cậu biết tin này chưa?”
Cậu béo thực thà đáp: “Họ có ba người, tôi nhìn rõ mồn một. Kẻ giết người đang đứng ngay sau lưng ông kia kìa!”
Giáo sư Lương và Bao Triển không kiềm được liền quay lại nhìn, sau lưng không hề có ai, chỉ có một vách tường.
Y tá trưởng xua tay bảo cậu ta đi ra. Bao Triển nhìn bệnh án, hóa ra cậu béo này là bệnh nhân mắc chứng ảo giác.
Sau khi cậu béo rời khỏi phòng, thì một thanh niên bước vào, trông cậu ta hao hao giống sinh viên đại học, rất nho nhã và có học thức. Giáo sư Lương giở bệnh án. Đây là bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt, sở hữu hai nhân cách hay nói cách khác là song trùng nhân cách. Hai nhân cách trong con người đó có tên và trí nhớ hoàn toàn riêng biệt, nhưng cùng sống trong một cơ thể. Nếu nói cơ thể chúng ta là một cỗ máy thì với người mắc chứng song trùng nhân cách, cỗ máy đó do hai người điều khiển.
Cậu ta mỉm cười chào mọi người, rồi ngồi xuống ghế phía bên kia bàn, hai tay đặt gọn gàng trên gối, trông chẳng khác gì một người hoàn toàn bình thường.
Giáo sư Lương hỏi: “Cậu tên gì?”
Cậu thanh niên đáp: “Lưu Vô Tâm!”
Bao Triển thắc mắc: “Sao trong bệnh án lại ghi anh tên là Đỗ Bình? Vậy Đỗ Bình là ai?”
Người thanh niên vỗ vào ngực mình và giải thích: “Thân thể này là của cậu ta! Của Đỗ Bình!”
Giáo sư Lương gật gù vẻ rất hiểu lời cậu ta: “Một người bị phân chia ra thành hai nhân cách! Tôi trông cậu giống người có học, vậy phải xưng hô với cậu như thế nào đây?”
Thanh niên nọ nói: “Cứ gọi tôi là Lưu Vô Tâm! Tôi sống trong cơ thể cậu ta…”
Bao Triển tò mò hỏi: “Anh có hiểu gì về Đỗ Bình không?”
Cậu thanh niên đáp: “Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau, cậu ta không hề biết đến sự tồn tại của tôi có điều tôi cảm nhận được cậu ta. Cậu ta là kẻ vô học, lười suy nghĩ bởi vậy tôi mới xuất hiện để thay thế cậu ta. Đơn giản thế thôi!”
Bao Triển lại hỏi: “Anh rất thông minh! Người nhà đưa anh đến đây sao?”
Cậu thanh niên trả lời: “Tôi tự nguyện vào đây vì thích nơi này, thích bệnh viện tâm thần. Ở đây ai cũng có thể nói nhăng nói cuội, điên điên khùng khùng, có thể thoải mái và công khai làm điều mình thích. Tôi thích cảm giác tự do, ghét áp lực và ghét ánh nhìn của người khác. Ở đây mọi thứ bất thường đều trở thành bình thường, bất kể anh tè trên giường, hoặc nhìn ai thấy ngứa mắt là thụi liền, chẳng ai quan tâm, chỉ cần anh thích là có thể làm. Đối với các bác sĩ ở đây thì chính bình thường mới là bất thường.”
Giáo sư Lương hỏi dò: “Đỗ Bình thích nơi này không?”
Cậu thanh niên thẳng thắn đáp: “Bây giờ là tôi – Lưu Vô Tâm. Lúc này cậu ta không tồn tại.”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Có vẻ cậu là người rất thích suy nghĩ, vậy tôi hỏi cậu, thế nào là tồn tại?”
Cậu thanh niên đáp: “Tôi và ông giống nhau, chỉ tồn tại trong không gian và thời gian nhất định. Chúng ta từ đâu đến và vì sao lại ở đây? Câu trả lời là chúng ta đều được nhào nặn ra từ hư vô. Nếu nói chúng ta đều tồn tại trong một cuốn sách thì chúng ta chính là nhân vật trong cuốn sách đó, còn những người đọc sách lại là nhân vật của một cuốn sách khác!
Giáo sư Lương quay lại chủ đề: “Vào buổi tối viện trưởng bị sát hại, anh đang làm gì?”
Cậu thanh niên trả lời gọn lỏn: “Đọc sách!”
Bao Triển hỏi luôn: “Sách gì vậy?”
Cậu thanh niên nói: “Lược thời gian!”
Buổi thẩm vấn kết thúc, người thanh niên đứng dậy từ biệt, cậu ta rất lịch sự bắt tay giáo sư Lương và Bao Triển. Khi bắt tay, cậu ta lặng lẽ truyền một tờ giấy vào tay giáo sư Lương. Khi y tá trưởng đã rời khỏi phòng, giáo sư Lương mới mở tờ giấy ra, trên đó viết: “Hãy cẩn thận với y tá trưởng! Có một người đàn ông cư trú trong cơ thể bà ta!”
Bao Triển và giáo sư Lương nhìn theo bóng của y tá trưởng. Đó là một người phụ nữ tóc xoăn và đặc biệt cao lớn.
Đêm hôm ấy, y tá trưởng sắp xếp mấy chiếc giường trong phòng tiếp tân để bốn thành viên của tổ chuyên án và trưởng phòng Nghiêm ở lại bệnh viện tâm thần. Hai cánh cổng của bệnh viện vẫn sừng sững và câm lặng. Trước cổng viện là một con phố, đứng trước cửa sổ phòng tiếp tân có thể nhìn thấy rất nhiều cảnh sát bồng súng đứng canh trước cửa. Từ cửa sổ hậu có thể nhìn thấy khu nghĩa địa phía sau bệnh viện tâm thần. Theo lời giới thiệu của viện phó thì đa số bệnh nhân tâm thần lang thang không nhà không cửa sống trong viện đều không có người đến nhận, cả những phạm nhân tâm thần gây nguy hiểm cho xã hội bị cưỡng chế vào đây cũng vậy, vì sợ họ tấn công nên gia đình không dám đón họ về nhà, hơn nữa bệnh viện cũng không dám thả nên sau khi họ chết, bệnh viện sẽ chôn họ trong khu nghĩa địa này.
Đúng lúc nửa đêm khuya khoắt Họa Long và Bao Triển bỗng giật mình tỉnh giấc bởi tiếng thét thất thanh vọng lại từ khu mộ địa phía sau tòa nhà. Hai người vội vàng gọi trưởng phòng Nghiêm dậy. Ba người cầm đèn pin cùng lao ra nghĩa địa kiểm tra.
Nghĩa địa tối om, cỏ mọc cao ngút đầu người, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng cười quái dị. Ba người vòng qua mấy ngôi mộ, vào khoảnh khắc bước vào khu nghĩa địa, họ nghe rõ ràng thấy tiếng rên khóc của đàn bà từ sâu trong nghĩa địa vẳng tới.
Họa Long lấy súng ra, Bao Triển soi đèn pin. Phía sau một ngôi mộ có người đàn bà áo trắng đang đứng.
Người đàn bà chầm chậm quay đầu lại…
Người đàn bà đó chính là y tá trưởng. Bà ta mặc chiếc áo y tá màu trắng, chầm chậm quay đầu lại, mọi người nhìn thấy da và thịt trên mặt bà ta đã bị tróc hết, miệng sùi bọt máu, phát ra tiếng kêu thảm thiết vừa như khóc lại vừa như cười.
Cảnh tượng ấy khiến người ta hồn bay phách lạc. Trong lúc hoảng loạn, Họa Long bắn một phát súng chỉ thiên. Người đàn bà ngã sấp xuống ngôi mộ ngay trước mặt.
Vừa lúc ấy, viện phó và đội trưởng đội bảo vệ nghe tiếng còi báo động liền chạy tới, cảnh sát đứng gác ngoài bệnh viện cũng lập tức lao vào. Bao Triển ra sức hét yêu cầu mọi người bảo vệ hiện trường, nhưng chẳng ai nghe lời anh, hiện trường trở thành bãi chiến trường hỗn loạn với đủ tiếng hò hét. Người nào người nấy ba chân bốn cẳng khênh y tá trưởng vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Tình trạng thương tích của bà ta vô cùng nghiêm trọng. Một tiếng sau, mọi biện pháp cứu chữa y tá trưởng đều trở nên vô hiệu, bà ta tử vong do mất máu quá nhiều.
Tổ chuyên án tiến hành điều tra khám nghiệm hiện trường. Tô My bắt đầu chụp ảnh, nhưng vì trên hiện trường chồng chéo quá nhiều dấu chân nên nhất thời khó phân biệt được dấu chân nào là dấu chân của thủ phạm.
Giáo sư Lương chú ý đến vết bánh xe để lại trong mộ địa, nhân viên bệnh viện nhận ra đó là vết bánh xe của băng ca cứu thương.
Bao Triển cẩn thận kiểm tra mộ địa một lượt, hiện trường còn sót lại một chiếc xẻng sắt, một ngôi mộ mới đào. Điều này rất kì quái, mộ địa nằm sau bệnh viện, cỏ mọc um tùm lại rất hoang vắng, hung thủ hoàn toàn có thể giết chết y tá trưởng rồi giấu xác vào lùm cỏ, nhưng y lại không làm vậy, chẳng rõ do cố ý hay có ẩn tình gì.
Trưởng phòng Nghiêm mở cuộc họp khẩn cấp ngay giữa đêm. Ông cảnh sát già tính khí nóng nảy vừa đập bàn chan chát vừa lớn tiếng hét: “Hung thủ dám ngang nhiên giết người ngay trước mũi chúng ta, không những thế thủ đoạn lại vô cùng tàn nhẫn. Rõ ràng y muốn khiêu chiến với cảnh sát đây mà!”
Giáo sư Lương nhận định: “Tôi cho rằng hung thủ vẫn đang ẩn náu trong bệnh viện, thậm chí có thể y ở ngay cạnh chúng ta, bởi thế hi vọng cảnh sát cho điều tra sâu hơn.”
Cảnh sát thành phố An Định phụ trách báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi và nghiệm chứng hiện trường.
Bốn nạn nhân là viện trưởng, viện trưởng phu nhân, nhân viên trông nhà xác và y tá trưởng đều bị tiêm thuốc gây tê toàn thân trước khi sát hại. Thuốc tê được cất giữ ở rất nhiều nơi trong bệnh viện như trong hiệu thuốc, nhà kho, phòng cấp cứu, phòng chăm sóc… Những phòng này đều sử dụng loại khóa chìm kiểu cổ, ngay cả phòng phẫu thuật và phòng hóa nghiệm cũng vậy vì đã qua nhiều năm nên khe hở giữa cửa và khung cửa rộng toác ra, chỉ cần dùng tấm nhựa cứng tương đối mỏng như chứng minh thư hay thẻ nhân viên là có thể mở bật khóa cửa, bất cứ ai đều dễ dàng tự do ra vào.
Trong nhà xác bệnh viện còn lưu lại khá nhiều dụng cụ gây án, tất cả có hai mươi bảy loại, gồm găng tay cao su, kìm, banh Volkman bốn răng tù tự động, đầu cưa điện, chìa khóa đầu cưa điện, kẹp cố định da đầu, dao phẫu thuật, kéo phẫu thuật, lưỡi cưa, thìa nạo, bông và v.v…
Công cụ gây án có thể chia ra làm hai loại: dụng cụ phẫu thuật mở hộp sọ và dụng cụ phẫu thuật chi. Vòi nước tại hiện trường gây án được mở lớn, mặt đất lênh láng nước lẫn máu, hung thủ đeo găng tay nên không lấy được dấu chân và dấu vân tay trên hiện trường.
Cảnh sát thành phố An Định tiến hành điều tra chi tiết về bối cảnh xã hội của viện trưởng và đã bước đầu xác định đây là vụ án nhất thời nảy ý định giết người nhằm mục đích báo thù rất dã man. Viện trưởng phu nhân chỉ ngẫu nhiên bị sát hại, hôm ấy bà lái xe đến đón viện trưởng cùng đi dự tiệc cưới của một người bạn. Hung thủ lần lượt gây tê cho vợ chồng viện trưởng trong văn phòng của ông ta, rồi lấy băng ca cứu thương chuyển vào nhà xác sau đó bắn thuốc tê vào nhân viên trông nhà xác, cuối cùng giết hại cả ba nạn nhân. Từ kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy hung thủ cố tình để ba nạn nhân nhìn rõ quá trình giải phẫu. Trong văn phòng của viện trưởng và nhà xác không hề thấy dấu vết vật lộn, giãy giụa, điều đó chứng tỏ có lẽ hung thủ là người quen, thậm chí nhiều khả năng là nhân viên làm việc trong bệnh viện. Từ dấu vân tay và dấu vân chân của nạn nhân in trên tường cho thấy hung thủ có khuynh hướng lệch lạc nhân cách hoặc tâm thần phân liệt.
Sau khi giáo sư Lương nghe người phụ trách cảnh sát thành phố An Định trình bày xong, ông nhận định: “Có ba khả năng. Thứ nhất, hung thủ là nhân viên làm việc trong bệnh viện. Thứ hai, hung thủ là bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại bệnh viện. Còn một khả năng nữa…”
Trưởng phòng Nghiêm ngạc nhiên hỏi: “Trong bệnh viện tâm thần này ngoại trừ y bác sĩ ra thì chỉ có bệnh nhân tâm thần. Lấy đâu ra khả năng thứ ba nữa?”
Giáo sư Lương nói: “Khả năng thứ ba, hung thủ chính là bác sĩ mắc chứng tâm thần phân liệt. Có lẽ chính y không hề hay biết mình mắc bệnh tâm thần.”
Bao Triển báo cáo tình hình khám nghiệm hiện trường, chiếc xẻng để lại gần mộ địa vốn dựng ở ngoài nhà ăn bệnh viện: Đầu bếp của nhà ăn, nhân viên tạp vụ, nhân viên quét dọn đều từng sử dụng chiếc xẻng này. Băng ca cứu thương vốn để ở khúc quanh trên hành lang tầng một của bệnh viện, hung thủ đã gây tê khiến y tá trưởng trực ban đêm đó ngất xỉu ở một nơi vắng người qua lại, rồi khênh lên băng ca cứu thương, sau đó y cầm xẻng dựng ngoài nhà ăn đi một mạch ra nghĩa địa. Có lẽ vì thuốc gây tê hết tác dụng nên y tá trưởng bắt đầu kêu lên thảm thiết, hung thủ vội vàng đẩy băng ca cứu thương về chỗ cũ rồi chạy trốn. Ngoài ra còn một khả năng nữa, đó là hung thủ cố tình dụ cảnh sát ra khu mộ địa. Nấm mồ mới đào là mộ mới, điều kì lạ là dưới huyệt không hề có thi thể hay hộp đựng tro cốt.
Giáo sư Lương suy đoán: “Có thể trong khu nghĩa địa này ẩn giấu bí mật nào đó!”
Bao Triển nói: “Chắc chắn hung thủ phải để lại dấu chân hoặc vết giày. Dẫu ngụy trang tài tình đến đâu thì một người đi đào huyệt cũng không thể xóa sạch mọi dấu vết.”
Tô My lấy những bức ảnh chụp dấu chân tại hiện trường bày lên bàn cho mọi người xem. Vì các nhân viên đã phá hỏng hiện trường nên trên mặt đất có rất nhiều dấu giày. Nhất thời khó mà phân biệt được đâu là dấu giày của hung thủ.
Giáo sư Lương nói: “Khi nãy đã làm kiểm định dấu chân của tất cả các nhân viên có mặt tại hiện trường. Tôi tin rằng có thể nhanh chóng điều tra ra dấu chân của hung thủ thôi.”
Trưởng phòng Nghiêm ra lệnh: “Bắt đầu từ bây giờ, thuốc gây tê sẽ do viện phó trực tiếp quản lí. Khi muốn sử dụng, các nhân viên y tế phải ra chỗ viện phó lĩnh thuốc. Còn nữa, bây giờ yêu cầu tất cả nhân viên trực ban trong bệnh viện đều đi kiểm định dấu chân!”
Cô y tá mọc râu ngồi cạnh viện phó lầm bầm trong miệng: “Chỉ huy gì mà ngu xuẩn thế.”
Trưởng phòng Nghiêm nghe thấy liền quắc mắt nên hỏi: “Này đồng chí nam kia! Đồng chí vừa nói gì?”
Cô y tá có râu chống nạnh nói: “Mẹ ông là đồng chí nam thì có! Tôi là phụ nữ!”
Viện phó vội vàng khuyên can: “Y tá Chu, không được vô lễ!”
Trưởng phòng Nghiêm đập bàn ầm ầm, bắt đầu to tiếng với y tá Chu. Vừa lúc ấy, trong hành lang bệnh viện vọng lại tiếng bước chân rầm rập, hai y tá và một nhân viên bảo vệ đang đuổi theo một người đàn ông cao lớn xông vào phòng họp. Người đàn ông cởi trần, gân xanh nổi cuồn cuộn nơi cổ, trông hùng hổ đến khiếp người, trên bụng anh ta có một vết sẹo dài, trên mặt và cánh tay đều chằng chịt sẹo. Anh ta quát nạt mọi người trong phòng: “Lũ súc sinh!” Nhân viên bảo vệ đứng đằng sau liền ôm ấy eo anh ta. Người đàn ông chuyển từ tức giận sang điên cuồng, anh ta vùng ra khỏi vòng tay nhân viên bảo vệ, vừa kêu lên những tiếng quái đản “Súc sinh!” vừa vung tay đấm loạn xạ vào tường. Mỗi nắm đấm đều dồn tất cả sức lực, âm thanh phát ra nghe rầm rầm, trong sát na bờ tường đã hoang đỏ.
Người đàn ông lực lưỡng quay lại, hầm hầm lao vào giáo sư Lương đứng cách mình gần nhất. Họa Long đứng bật dậy định bảo vệ giáo sư Lương, nhưng y tá Chu đã xông ra trước. Cô kẹp chặt cổ anh ta từ phía sau, rồi dùng miếng võ vật cổ truyền của Mông Cổ vật ngửa anh ta xuống đất, trong khi tay còn lại của cô nhanh chóng tiêm thuốc an thần vào bắp tay anh ta. Người đàn ông cao to lập tức trở nên mềm oặt, anh ta được y tá và bảo vệ khênh về phòng.
Y tá Chu phủi tay, nói với ông trưởng phòng Nghiêm: “Bảo ông chỉ huy ngu xuẩn nghĩa là rất ngu xuẩn, hiểu chưa? Ông nhìn thấy chưa? Nếu đợi xin thuốc tê, rồi mới đi lĩnh thì bây giờ trong căn phòng này đã có ít nhất mấy người thiệt mạng rồi đấy!”
Bao Triển đột nhiên nhớ đến vòng tròn kì lạ mà cô y tá này vẽ trên giấy lúc lấy lời khai. Trong đầu anh chợt loé lên một suy nghĩ. Vòng tròn đó không hề bất quy tắc, mà nó được tổ thành bởi hai đường cong hình trăng khuyết. Tuy trông rất quái dị nhưng hồ như nó ẩn chứa một hàm ý sâu xa.
Viện phó ra hiệu cho mọi người tiếp tục cuộc họp. Người đàn ông khi nãy chỉ là một bệnh nhân mắc hội chứng trầm cảm nặng mà thôi.
Nét mặt trưởng phòng Nghiêm thể hiện rõ vẻ ngượng ngùng, ông ta ho khan một tiếng, rồi nói: “Ở đây tôi vẫn là cảnh sát có quân hàm cao nhất, cho nên mọi người hãy thực hiện theo yêu cầu của tôi. Còn chuyện quản lí thuốc an thần và thuốc gây tê thì bàn sau. Bây giờ gọi tất cả nhân viên trực ban trong bệnh viện đến đây để kiểm tra dấu chân. Trong số những người ra mộ địa chắc chắn có kẻ là hung thủ.”
Viện phó không tán thành: “Nếu gọi tất cả các y bác sĩ trực ban đến đây thì bệnh nhân sẽ ở trong trạng thái không ai cai quản, chăm sóc.”
Trưởng phòng Nghiêm gạt đi: “Tạm thời khóa tay bệnh nhân trên giường, khống chế họ ở tại chỗ!”
Nhân viên trực đêm không nhiều nên việc tiến hành kiểm tra dấu chân diễn ra rất thuận lợi. Đầu tiên cảnh sát loại trừ dấu chân của tổ chuyên án, trưởng phòng Nghiêm, viện phó, đội trưởng đội bảo vệ và dấu chân của các cảnh sát đứng gác cổng, sau đó loại trừ thêm dấu chân của nạn nhân thì dấu chân cuối cùng tại hiện trường mộ địa chính là dấu chân của nghi phạm giết người để lại. Nhưng kết quả đối chiếu khiến mọi người vô cùng thất vọng, trong số nhân viên trực đêm tại bệnh viện không có dấu giày của người nào trùng khớp với dấu giày của nghi phạm.
Bao Triển xem ảnh chụp dấu giày. Đó là vết tích của đôi dép lê.
Vụ án này rất cổ quái, đầu tiên hung thủ gây tê cho y tá trưởng, sau đó giải phẫu phần mặt, rồi đào một huyệt mộ trong nghĩa địa tối đen như mực. Trong cả quá trình thực hiện hành vi phạm tội ghê rợn mà hung thủ lại đi đôi dép lê. Điều đó đủ thấy tố chất tâm lí của hung thủ vô cùng vững vàng.
Viện phó nói: “Loại dép lê này chỉ dành cho bệnh nhân tâm thần trong bệnh viện.”
Tô My hỏi: “Giờ đang là mùa đông mà bệnh nhân chỉ đi dép lê thôi sao?”
Viện phó đáp: “Vẫn còn hơn để họ đi chân đất.!”
Tổ chuyên án tiến hành điều tra thâu đêm. Cô gái mắc bệnh hoang tưởng và cậu béo mắc chứng ảo giác mà tổ chuyên án đã thẩm vấn lần trước lại bị gọi lên thẩm vấn lần nữa, song vẫn không phát hiện ra điều gì khác thường. Đôi dép lê của bệnh nhân tâm thần phân liệt Lưu Vô Tâm cũng chẳng hề dính bùn đất ngoài mộ địa. Điều đó chứng tỏ ba người họ đều không ra nghĩa địa phía sau bệnh viện.
Khi trời hửng sáng thì đột nhiên phòng lưu trữ hồ sơ của bệnh viện chợt bùng cháy, khói nổi cuồn cuộn, lửa cháy ngùn ngụt, lưỡi lửa nhanh chóng liếm lên tầng ba. Bệnh nhân tâm thần ở tầng ba túm tụm đổ xô về một phía kêu la hỗn loạn. Vì không có ai trông coi nên họ đập hỏng các nan cửa sắt để thoát ra ngoài. Liền sau đó các bệnh nhân tâm thần ở tầng bốn cũng bị ngọn lửa hung tàn uy hiếp, có người sợ quá liền nhảy xuống đất và tử vong tại chỗ. Rất nhiều bệnh nhân tập trung tại lối ra cầu thang, trong phút chốc tiếng thét gào kêu khóc vang lên ai oán như tiếng ma hờn quỷ khốc. Cảnh tượng vô cùng hỗn độn.
Một số bệnh nhân chạy ra sân viện nhảy múa đầy hưng phấn, một bệnh nhân còn mạo nhận mình là cảnh sát giao thông huơ tay loạn xạ chỉ huy mọi người đi lại. Anh ta đưa tay vào miệng huýt vang, âm thanh phát ra nghe như tiếng còi.
Cảnh tượng hỗn loạn ấy kéo dài một tiếng đồng hồ, mãi khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cảnh sát vũ trang ra tay thì mọi việc mới dần dần lắng xuống, vụ hỏa hoạn cũng được kiểm soát. Nhân viên y tế tiêm thuốc an thần cho những bệnh nhân quậy phá hung hăng nhất. Họa Long và Bao Triển đưa mắt tìm giáo sư Lương và Tô My trong đám người nhốn nháo, nhưng hai người đó đã biến mất từ khi nào.
Khi vụ náo loạn xảy ra, giáo sư Lương và Tô My đang thẩm vấn Lưu Vô Tâm. Họ kiểm tra dép lê của cậu ta, nhưng không thấy gì khác thường.
Giáo sư Lương chất vấn: “Lần trước cậu đưa cho tôi mảnh giấy viết “Hãy cẩn thận y tá trưởng”, ngay sau đó bà ta bị sát hại. Liệu đây có phải sự tình cờ ngẫu nhiên không?”
Lưu Vô Tâm thản nhiên trả lời: “Tôi có nói ông cũng chẳng tin!”
Giáo sư Lương hỏi: “Vì sao?”
Lưu Vô Tâm đáp: “Bởi vì tôi là bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, không ai tin lời nói của một kẻ tâm thần cả!”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Vậy cậu định nói gì với tôi?”
Lưu Vô Tâm nói: “Thực ra tôi không hề bị tâm thần, các bệnh nhân trong bệnh viện này đều không mắc bệnh. Bác sĩ mới là người có bệnh.”
Đúng lúc đó, hành lang bệnh viện bỗng trở nên náo loạn, ai đó hét lớn: “Cháy rồi! Chạy đi.”
Giáo sư Lương, Tô My và Lưu Vô Tâm nghe vậy liền chạy nhanh ra ngoài hành lang. Một đám bệnh nhân tâm thần bỗng từ đâu ùn ùn kéo đến. Một lão già cất cao giọng hát kinh kịch, ông ta nhảy tưng tưng, thét vang một tiếng, sau đó xé quần áo trên người, phơi thân hình trước mặt Tô My. Tô My giật mình lạc giọng hét chói tai. Ba người vội vàng chạy vào kho chứa đồ ở tầng một của bệnh viện. Tô My kéo chặn cửa lại. Một lát sau, càng lúc càng nhiều người kéo đến hành lang. Rất nhiều bệnh nhân phá vỡ cửa sổ định nhảy vào, vài bệnh nhân khác bắt đầu đập cửa. Lão già mắc chứng thích khoe của quý khi nãy thò lưỡi đỏ lòm, cười khả ố với Tô My, rồi lớn tiếng gọi: “Bé yêu! Chúng ta đi ngủ đi! Quay sang mà nhìn này! Xem ta này…”
Cuối cùng đám bệnh nhân tâm thần cũng phá tung cửa, tất cả xông vào phòng, nhưng trong đó chẳng có ai.
Thì ra giáo sư Lương, Tô My và Lưu Vô Tâm phát hiện lối vào một gian mật thất dưới lòng đất ở trong kho chứa đồ. Tô My tháo then ngang, đợi Lưu Vô Tâm cõng giáo sư Lương vào hẳn trong mật thất, cô lập tức cài then ngang lại.
Mật thất tối om, Tô My lấy điện thoại di động ra định gọi Họa Long và Bao Triển đến cứu, nhưng không may ở đây lại mất sóng. Nhờ ánh sáng yếu ớt tỏa ra từ điện thoại, họ nhìn thấy một số bình thủy tinh đặt trên kệ dài.
Tô My gí sát điện thoại vào một bình thủy tinh để quan sát cho rõ, cô giật bắn mình phát hiện trong bình ngâm một bộ phận cơ thể. Trong những bình khác cũng đều ngâm các bộ phận của cơ thể người.
Tô My kinh hãi đến nỗi đánh rơi điện thoại xuống đất ánh sáng điện thoại vừa vặn chiếu sáng phía mép tường, Tô My lờ mờ nhìn thấy ở đó có xác ướp.
Tô My tìm thấy công tắc đèn, cô bật sáng, mật thất dưới lòng đất của bệnh viện tâm thần này nồng nặc mùi formalđehyde. Trên hai chiếc kệ lớn kê sát mép tường, đập vào mắt là những tiêu bản cơ quan trong cơ thể người. Nhìn bốn phía xung quanh căn phòng, người ta không khỏi thấy ớn lạnh.
Giáo sư Lương kiểm tra xác ướp, thi thể đã được xử lí rút nước và rút mỡ một cách đơn giản, sau đó sử dụng chất chống mục và thuốc keo hoá, cuối cùng lấy băng cuốn lại thành hình xác ướp, cố định cơ thể bằng cách này có thể giữ được vài năm. Mỗi cỗ xác ướp đều được dán mã số tiêu bản, trên mỗi mảnh giấy đều viết địa chỉ.
Đột nhiên, Lưu Vô Tâm trở nên thắc thỏm bất an, cậu ta nhìn chằm chằm vào những chiếc bình rồi lẩm bẩm: “Hình như tôi từng đến đây rồi thì phải!”
Tô My và giáo sư Lương bắt đầu lo lắng, họ bị kẹt trong mật thất với một bệnh nhân tâm thần, trong khi ngoài mật thất là đám người điên.
Tô My buồn nôn, giáo sư Lương cố gắng kìm nén cảm giác nhộn nhạo trong dạ dày, hai người nhìn Lưu Vô Tâm với ánh mắt khiếp đảm.
Lưu Vô Tâm giơ một chiếc bình lên. Lát sau, cậu ta đặt chiếc bình xuống, vỗ tay bồm bộp ra lệnh: “Nào! Làm việc thôi”
Giọng Tô My cơ hồ lạc đi, cô hỏi: “Làm việc gì? Lưu Vô Tâm, ở đây có lối ra nào khác không?”
Lưu Vô Tâm ngơ ngác hỏi: “Lưu Vô Tâm là ai? Tôi là Đỗ Bình. Các người không muốn làm việc hả? Định chạy trốn chứ gì?”
Đột nhiên Lưu Vô Tâm nổi nóng, cậu ta tiến từng bước lại gần hai người. Không gian trong mật thất rất nhỏ hẹp, một cô gái và một ông lão tàn tật đâu phải đối thủ của cậu ta. Lưu Vô Tâm áp sát giáo sư Lương, thò tay bóp cổ ông, rồi phẫn nộ quát lớn: “Đứng dậy! Mau làm việc!” Tô My không kịp suy nghĩ, vội ôm một chiếc bình ở gần đó đập thẳng vào đầu Lưu Vô Tâm. Formaldehyde trong bình bắn tung toé khắp nơi. Cậu ta ướt lướt thướt, lắc mạnh đầu như thể con chó lắc mình sau khi tắm, hai tay cậu ta vẫn tiếp tục bóp mạnh như thể muốn nhấc bổng giáo sư Lương lên khỏi mặt đất. Tô My lại ôm một chiếc bình lớn hơn đập vào đầu Lưu Vô Tâm. Chiếc bình vỡ tan, Lưu Vô Tâm ngã ngửa, đập mông xuống đất. Khi ngã cậu ta va phải chiếc kệ gần đó, chiếc kệ lật nghiêng, tất cả bình thủy tinh trên kệ đều rơi vỡ rào rào.
Tô My khiếp đảm tột độ, cô vừa khóc vừa kéo giáo sư Lương định chạy ra khỏi mật thất, nào ngờ cô bị trượt chân ngã nhào.
Lưu Vô Tâm chậm chạp đứng dậy, lầm bầm trách móc: “Làm việc thôi! Một mình tôi không thể làm hết được!”
Giáo sư Lương cố tìm cách hòa hoãn tình thế.: “Được! Chúng tôi sẽ cùng làm việc với cậu! Cậu dạy chúng tôi nhé!”
Lưu Vô Tâm bước ra phía sau những kệ gỗ, chẳng ngờ ở đó còn có một cánh cửa nữa. Tô My cố sức cõng giáo sư Lương đi theo Lưu Vô Tâm vào trong phòng. Sau khi cả ba người đã vào hên trong, Lưu Vô Tâm bật đèn,thì trong này cũng là tiêu bản.
Tô My đặt giáo sư Lương xuống đất, họ chú ý đến ba làn cầu thang tỏa về ba hướng.
Giáo sư Lương hỏi: “Ba cầu thang này thông đến đâu vậy?”
Lưu Vô Tâm đáp: “Đến xưởng chế biến và văn phòng của viện trưởng!”
Giáo sư Lương lại hỏi: “Còn cầu thang thứ ba thì sao?”
Cậu ta thản nhiên trả lời: “Đến nhà ăn của bệnh viện! Không làm việc là không cho ăn đâu nhé!”
Tô My dựng tóc gáy, một trong ba lối ra của mật thất ngầm dưới lòng đất này lại thông đến nhà ăn của bệnh viện. Sau khi đến đây, các thành viên của tổ chuyên án đã ăn bánh bao nhân thịt trong nhà ăn, nghĩ tới đó Tô My liền oằn người nôn thốc nôn tháo.
Giáo sư Lương hỏi: “Lưu Vô Tâm… à không… Đỗ Bình! Viện trưởng bắt cậu làm việc ở nơi này sao?”
Lưu Vô Tâm đáp: “Đúng thế! Tổ tôi có ba người là Gấu béo, chị Kính cận và tôi. Tôi là tổ trưởng.”
Giáo sư Lương và Tô My đưa mắt nhìn nhau, hai người đã chuẩn bị sẵn tâm lí chạy trốn, phải rời khỏi nơi đáng sợ này càng nhanh càng tốt.
Lưu Vô Tâm ôm một bình tiêu bản khóc nức nở, vừa khóc vừa nói: “Nó tên là Ô Ô, nó cho tôi táo. Lâu lắm rồi tôi không được ăn táo.”
Tô My cõng giáo sư Lương hướng về phía cầu thang. Lưu Vô Tâm nghiêng đầu nhìn, cậu ta cầm móc sắt vừa hét vừa đuổi theo. Tóc cậu ta ướt bết bát chẳng khác nào hải tảo. Tô My đặt giáo sư Lương xuống góc tường, hai người cầm dao phẫu thuật trên bàn giải phẫu chuẩn bị tự vệ. Nét mặt Lưu Vô Tâm trông vô cùng hung tợn, cậu ta tức giận quát: “Các người không muốn ăn cơm hả?”
Lưu Vô Tâm ném mạnh móc câu về phía hai người, móc câu đập trúng tường. Lần này chỉ là đòn hù dọa, lần sau móc câu chắc chắn sẽ nhằm giáo sư Lương và Tô My.
Tô My lẩy bẩy giơ dao lên.
Lưu Vô Tâm gạt bay hai con dao trong tay hai người, cậu ta gằn giọng: “Nói lại lần cuối nhé! Mau làm việc!”
Giáo sư Lương đột nhiên nói: “Tôi để ý rằng cho dù người ta nói tất cả đều do số mệnh định đoạt và chúng ta không thể thay đổi số mệnh, nhưng chẳng phải trước khi qua đường, chúng ta đều nhìn trước ngó sau cẩn thận đó sao?”
Lưu Vô Tâm kinh ngạc hỏi: “Ông đang nói gì thế!”, rồi cậu ta ngẩng đầu đăm chiêu suy nghĩ: “Hình như tôi từng nghe câu này ở đâu đó rồi thì phải!”
Giáo sư Lương lại tiếp tục: “Nếu họ được gặp nhau lần nữa thì người này sẽ già hơn người kia.”
Lưu Vô Tâm nghe thấy câu này, đôi mắt vốn trợn trừng ngây dại đột nhiên có thần trở lại, cậu ta thốt lên: “Lược sử thời gian! Đây là câu tôi thích trong Lược sử thời gian! Chúng ta đang ở đâu vậy?”
Giáo sư Lương thở phào nhẹ nhõm: “Ơn trời! Cậu tỉnh lại rồi! Lưu Vô Tâm, mau dẫn chúng tôi rời khỏi đây được không?”
Tổ chuyên án và trưởng phòng Nghiêm cảm thấy quá kinh hoàng trước khám phá về mật thất dưới lòng đất, trong khi đó viện phó lại khá điềm nhiên. Trong phòng họp ông ta giải thích thế này: “Từ trước đến nay việc xử lý tử thi vô danh luôn là lỗ hổng của pháp luật, thông thường sau khi để tử thi trong nhà xác một thời gian thì công an địa phương sẽ dán thông cáo tìm thân nhân của người chết, nếu quá thời hạn mà không có ai đến lĩnh nhận thì tử thi sẽ bị hoả thiêu hoặc mang đi chôn. Bệnh viện tâm thần thu nhận và chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân tâm thần lang thang không nơi nương tựa, chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều tiền để trị bệnh cho họ, lại còn phải cung cấp nơi ăn chốn ở, bởi vậy sau khi họ chết, chúng tôi bán thi thể họ cho viện nghiên cứu y học là hoàn toàn hợp tình hợp lí.” Viện phó còn giải thích thêm rằng hiện tại tình hình tài chính của bệnh viện tâm thần gặp rất nhiều khó khăn, gánh nặng chi phí quá lớn, nên đành phải tìm nguồn thu bằng nhiều cách. Ví dụ như thu phí chữa bệnh và ăn ở các bệnh nhân điều trị tự nguyện, cung cấp vật phẩm giải phẫu cho các trường đại học y và các bệnh viên. Họ buộc phải làm vậy để nuôi sống những bệnh nhân tâm thần bị cưỡng chế điều trị tại đây. Ngoài tiền viện trợ của chính phủ ra thì bệnh viện tâm thần buộc phải tìm đường mưu sinh, chính hoàn cảnh khó khăn đã khiến lãnh đạo bệnh viện buộc phải thực hiện chính sách mà pháp luật không ủng hộ cũng không phản đối này.
Tô My nói: “Trước đây tôi từng đến xem triển lãm cơ thể con người. Bây giờ tôi mới hiểu nguồn thi thể trong triển lãm thương nghiệp đó được lấy từ đâu.”
Viện phó khẳng định: “Đúng vậy! Đa số sản phẩm triển lãm trong các triển lãm tiêu bản cơ thể người trên thế giới đều là thi thể của dân Trung Quốc.”
Tổ chuyên án thẩm vấn “Gấu béo” và “chị Kính cận” lại lần nữa, họ khai rằng y tá trưởng chính là người đã dạy họ giải phẫu.
Gấu béo nói: “Chúng tôi đều thích y tá Chu và ghét y tá trưởng.”
Chị Kính cận thêm vào: “Chúng tôi không muốn làm nhưng chẳng còn cách nào khác vì nếu không làm họ sẽ không cho chúng tôi ăn nữa. Chẳng cho ăn bất kì thứ gì cả!”
Gấu béo bổ sung: “Y tá Chu cho chúng tôi rượu, rượu ngâm pín hổ hẳn hoi nhé, chị ấy lén lấy của nhà mang đến cho chúng tôi đấy! Bình rượu ngâm pín hổ ấy để trên giá trong mật thất.”
Từ khi phát hiện ra mật thất xử lí tử thi vô thừa nhận trong viện tâm thần, các thành viên của tổ chuyên án và trưởng phòng Nghiêm quyết từ chối dùng cơm ở nhà ăn bệnh viện.
Sớm tinh mơ ngày hôm sau, họ ăn sáng trong con ngõ nhỏ bán đồ ăn vặt ở trước cổng viện, con ngõ ấy nom bẩn thỉu, tồi tàn – nước tù đọng thành vũng vàng khè, nhưng thế vẫn còn vệ sinh và an toàn hơn nhiều trong nhà ăn bệnh viện.
Bao Triển chợt ngẩng đầu lên, anh hìn thấy một tấm biển quảng cáo treo trên tường. Bao Triển ngẫm ngợi một lát, rồi nói: “Tôi biết hình tròn mà y tá Chu vẽ trên giấy lúc chúng ta thẩm vấn có ý nghĩa gì rồi. Chắc chắn những vụ án mạng này có liên quan đến vòng tròn đó!”
Vách tường treo tấm biển quảng cáo bán thận, trên đó còn viết số điện thoại. Tấm biển quảng cáo thật khiến người ta không khỏi giật mình. Buôn bán vũ khí, súng ống bị coi là phạm pháp, buôn lậu thuốc phiện bị xử tội, vậy mà người ta lại dám treo tấm biển quảng cáo bán thận ngay giữa thanh thiên bạch nhật trước con mắt của bao người.
Bao Triển chợt hỏi: “Mọi người nghĩ hình tròn đại diện cho điều gì?”
Giáo sư Lương đáp: “Khởi đầu và cũng là kết thúc! Đại diện cho số 0!”
Tô My tham gia: “Hình tròn khiến tôi liên tưởng đến lỗ hổng lớn trên phần bụng của tử thi. Cứ nghĩ đến là tôi lại thấy sợ”
Họa Long cũng thêm lời: “Cả vết sẹo gớm ghiếc của gã điên mắc hội chứng stress nặng kia nữa!”
Bao Triển nói: “Hình tròn mà y tá Chu vẽ được ghép từ hai mảnh trăng khuyết. Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến một cơ quan trong cơ thể người.”
Trưởng phòng Nghiêm hỏi: “Tim ư?”
Bao Triển đáp: “Không! Có thể là thận!”
Giáo sư Lương liền phân chia công việc cho các thành viên ngay tại quán ăn vỉa hè. Tô My dẫn bác sĩ pháp y đi khám nghiệm tử thi của Ô Ô, xác minh nguyên nhân gây ra vết thương ở vùng bụng và cái chết của cậu. Họa Long tiến hành thẩm vấn bệnh nhân mắc hội chứng stress và điều tra xem tại sao anh ta cũng có vết thương trên bụng.
Trưởng phòng Nghiêm đề xuất: “Tôi nghĩ không biết ta có nên ra lệnh bắt viện phó không?”
Giáo sư Lương nói: “Tôi nghĩ trưởng phòng Nghiêm nên đi xem sách thì hơn, nhất là cuốn “Lược sử thời gian” mà Lưu Vô Tâm hay xem!”
Trưởng phòng Nghiêm xua tay chối: “Tôi không thích sách cứ đọc là đau đầu.”
Giáo sư Lương thoả hiệp: “Thôi được! Tôi sẽ phụ trách đọc sách và tìm xem có dấu vết hoặc kí hiệu nào đánh dấu trong sách hay không. Còn phiền trưởng phòng Nghiêm điều tra lí lịch của y tá Chu. Pín hổ là vật khá đắt đỏ một y tá quèn như cô ấy làm sao mà đủ tiền mua nổi?”
Bao Triển hỏi: “Còn cháu? Cháu sẽ làm gì?”
Giáo sư Lương đáp cụt lủn: “Bán thận!”
Bao Triển phụ trách thu thập các manh mối ở vòng ngoài, anh thay bộ thường phục, gọi đến số điện thoại viết trên biển quảng cáo.
Cả Trung Quốc có hơn một triệu ba trăm ngàn người mắc bệnh suy thận, người bệnh chỉ có thể cứu vãn sinh mạng nhờ vào hai phương pháp là phẫu thuật cấy ghép tạng của người khác hoặc lọc máu. Đại đa số bệnh nhân đều lựa chọn phương pháp cấy ghép vì lọc máu cũng không thể hoàn toàn thải được hết độc tố ra ngoài cơ thể, hơn nữa trong trường hợp bệnh nhân phải điều trị lâu dài thì phương pháp này còn tốn kém hơn nhiều so với phương pháp cấy ghép. Nhu cầu thị trường quá lớn đã thúc đẩy bao nhiêu “chợ đen” buôn bán thận phát triển như nấm mọc sau mưa, đồng thời hình thành nên bao nhiêu mắt xích có liên quan về lợi ích kinh tế kết nối với nhau ví như bệnh nhân, môi giới, bên bán…
Biển quảng cáo mua thận thường được treo ở những địa điểm công cộng như gần bệnh viện, gần bến xe và đặc biệt là những nơi tập trung nhiều lao động phổ thông.
Một tiếng sau, có người lái chiếc xe con cũ nát đến đón Bao Triển. Anh ta hỏi thăm qua loa mấy câu về tình hình hiện tại của Bao Triển. Anh nói mình buôn tỏi thua lỗ bạn góp vốn ngày đêm siết nợ, giờ lâm vào đường cùng chẳng còn cách nào khác đành đi bán thận. Gã lái xe thấy Bao Triển mặc giản dị nên không hề tỏ ý nghi ngờ, anh ta lái xe vào một khu ổ chuột, sau đó lòng vòng rẽ trái rẽ phải mấy lần, cuối cùng dừng lại trong sân một con hẻm nhỏ.
Những ngôi nhà ở đây nom rất cũ kĩ, lại không có cửa sổ, một đám người ngồi đánh bài, vài người khác đang xem ti vi.
Qua giọng nói và âm điệu, Bao Triển nhận ra họ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước và đều đến đây để đợi đến lượt mình được bán thận. Tuy kẻ Bắc người Nam nhưng họ chung một hoàn cảnh, đó là nghèo đói và thiếu tiền. Họ cùng một mục đích, đó là bán thận hoặc bán gan để kiếm tiền.
Tên môi giới buôn bán nội tạng là người đàn ông trung niên hói đầu. Ông ta yêu cầu Bao Triển điền vào đơn tự nguyện bán thận. Gã lái xe khi nãy cầm ống tiêm lên bảo cần phải lấy máu để xét nghiệm, nếu máu đạt chất lượng thì phải tiếp tục tiến hành làm điện tâm đồ, xét nghiệm viêm gan B, xét nghiệm nước tiểu và siêu vi B. Nếu năm mục xét nghiệm đều thông qua thì mới được coi là cơ thể cho đạt tiêu chuẩn.
Bao Triển vội xua tay bảo: “Từ từ đã! Tôi muốn hỏi rõ một chút, thế nào là cơ thể cho?”
Gã môi giới buôn nội tạng đáp: “Tất cả những người ngồi trong phòng này đều là người bán thận, họ hoàn toàn tự nguyện, nếu các chỉ số của họ đều đạt tiêu chuẩn thì họ chính là những cơ thể cho.”
Bao Triển hỏi: “Bán một quả thận được bao nhiêu tiền?”
Gã môi giới trả lời: “Ba mươi lăm ngàn tệ một quả thận, bốn mươi ngàn tệ một lá gan.”
Bao Triển tò mỏ hỏi dò: “Thế môi giới các ông lời được bao nhiêu?”
Gã môi giới cảnh giác đáp quanh co: “Chẳng bao nhiêu đâu! Mà anh hỏi dò làm gì? Thuận mua vừa bán, nếu không muốn bán thì biến ngay cho khuất mắt!”
Bao Triển liên lãng sang chuyện khác cho không khí đỡ căng thẳng: “Thế bán thận có hại gì cho cơ thể không?”
Gã môi giới đổi giọng trấn an: “Ôi xời! Chả vấn đề gì sất! Khác gì nhổ cục đờm trong cổ đâu. Yên tâm đi!”
Một người bán thận đứng gần đó nói đế vào: “Bố tôi cũng bán một quả rồi. Trong người có hai quả, bán một quả đâu có sao.”
Một người khác cổ vũ tinh thần cho Bao Triển: “Ở đây còn được ăn uống ngủ nghỉ miễn phí, mà thức ăn cũng không tệ, ngày nào cũng có rau và thịt.”
Gã lái xe khi nãy giới thiệu: “Trung tâm chúng tôi đắt hàng như tôm tươi, năm nay nuôi những một trăm chín mươi cơ thể cho cơ đấy!”
Bao Triển thắc mắc: “Nhà nước nghiêm cấm buôn bán nội tạng cơ thể người. Các anh làm thế này chẳng phải phạm pháp sao?”
Gã môi giới giải thích: “Ai bảo cậu làm nghề này là phạm pháp? Bệnh nhân còn khen chúng tôi đang làm việc thiện đấy!”
Ai đó cũng lên tiếng: “Bán một quả thận vừa có thể cứu người lại vừa có thể kiếm ít tiền, thực ra việc ta làm cũng rất cao thượng đó chứ!”
Bao Triển gật gù ra vẻ đã hiểu: “Nếu bán một quả thận mà không ảnh hưởng đến sức khỏe thì tôi cũng muốn bán một quả. Nhưng phía bệnh viện yêu cầu thân nhân của cơ thể cho phải kí giấy đồng ý mới được phép phẫu thuật, mà tôi lại chẳng có thân nhân ở đây thì làm thế nào?
Gã môi giới gạt đi: “Bệnh viện chỉ cần tiền, nhét tiền vào tay là họ khắc làm phẫu thuật, họ không cần đối chiếu hồ sơ đâu mà sợ.”
Gã lái taxi vỗ vai bảo: “Yên tâm đi! Nếu cần chúng tôi sẽ làm giả một bộ hồ sơ thân nhân của người bán thận, bệnh viện cũng mắt nhắm mắt mở cho qua thôi!”
Bao Triển vờ mặc cả: “Các anh trả thêm cho tôi mấy đồng được không? Tôi đang túng quá!”
Gã lái taxi lắc đầu: “Bây giờ ấy à, giá cả thấp hơn trước một chút vì bọn bệnh viện tâm thần đằng kia nhảy vào họ phá giá. Trước đây mỗi quả thận giá bốn mươi ngàn tệ, nhưng bệnh viện đó chỉ bán ba mươi lăm ngàn tệ nên chúng tôi đành phải hạ giá theo.”
Bao Triển vờ như không biết sự tình, ngạc nhiên hỏi lại: “Bệnh viện tâm thần mà cũng bán thận ư?”
Gã lái taxi nói: “Chứ sao? Lão viện trưởng thất đức ấy bán thận của bệnh nhân tâm thần, nghe nói lão ta bị giết hại rồi.”
Gã môi giới trừng mắt nạt: “Đừng nói bừa! Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ đó, đã có kết luận đâu!”
Loanh quanh một hồi, cuối cùng Bao Triển lấy lí do mình mắc bệnh gan B, không đủ tiêu chuẩn làm cơ thể cho để rời khỏi hang ổ của bọn chúng: Trước khi rời đi, gã môi giới dặn đi dặn lại anh tuyệt đối không được tiết lộ với ai về địa bàn bí mật của bọn chúng. Bao Triển hứa chắc như đinh đóng cột rằng anh sẽ không hé răng nửa lời.
Trở lại bệnh viện tâm thần, Bao Triển báo cáo cho giáo sư Lương những thông tin mình thu thập được ở trung tâm môi giới buôn bán nội tạng. Kết quả khám nghiệm tử thi của Ô Ô cũng cho thấy cậu bé bị thiếu mất sáu mươi phần trăm lá gan, còn người đàn ông mắc hội chứng stress nọ mất một quả thận.
Trưởng phòng Nghiêm lập tức triệu tập cuộc họp khẩn cấp, quá phẫn nộ, ông ta vừa đập bàn rầm rầm vừa quát lớn: “Bệnh viện này bán gan, thận của người sống, bán xác tử thi, thử hỏi lương tâm để đi đâu hả? Lẽ ra các bác sĩ phải là những thiên thần áo trắng cứu người mới phải, đằng này các ông lại thấy tiền là sáng mắt lên, thấy lợi là vô tình thất đức, đúng là không bằng li cầm thú. Rốt cuộc bệnh nhân ở đây là người điên hay chính đám bác sĩ các ông mới là những kẻ điên rồ?”
Bất kể viện phó thanh minh rằng mình không hề hay biết việc buôn bán nội tạng của bệnh nhân, nhưng ông ta vẫn bị lãnh đạo cấp trên bãi miễn chức viện phó, đồng thời cảnh sát cũng vào cuộc điều tra sâu hơn về mọi hành vi trong quá khứ của ông ta. Lãnh đạo sở y tế thể hiện rõ quan điểm rằng sở sẽ phối hợp với cơ quan công an nghiêm khắc trừng phạt những kẻ tham gia vào hoạt động buôn bán nội tạng người phi pháp.
Căn cứ vào những thông tin biết được sau cuộc điều tra ngầm, Bao Triển cho rằng ngoài mối quan hệ cung cầu ra, thì chính việc các bệnh viện không tiến hành thẩm định và kiểm duyệt nghiêm khắc nguồn gốc xuất xứ của tạng được hiến tặng, họ thấy tiền là mắt hoa cả lên, không tuyên truyền đầy đủ cho người bán tạng biết về tính nguy hại sau khi bán thận, bán gan; họ chỉ làm qua loa đại khái, chỉ kiểm tra hồ sơ mang tính chiếu lệ đã vô tình tiếp tay cho bọn buôn bán nội tạng thừa cơ đục nước béo cò, vô tình giao cho bọn chúng một mảnh đất màu mỡ tha hồ hái ra tiền. Bọn chúng lợi dụng việc nhiều người làm hồ sơ giả đi ngụy tạo giấy tờ, giới thiệu và cung cấp người thân giả mạo giúp cho kẻ mua người bán nội tạng có thể thông qua các khâu kiểm duyệt và tiến hành phẫu thuật cấy ghép. Cả Trung Quốc có rất nhiều trung tâm môi giới buôn bán nội tạng người, ngành nghề này đã trở thành một mô hình dịch vụ trọn gói, thậm chí bọn chúng còn ra tay với cả trẻ em vị thành niên. Chính vì vậy các bác sĩ không thể chối bỏ được phần trách nhiệm.
Còn những người đi bán thận thì thận trái đều viết chữ “mông muội”, thận phải đều viết chữ “nghèo túng” cả.
Đại đa số họ là nông dân, với họ nghèo túng không đáng sợ mà đáng sợ là họ không có cách nào để thay đổi cuộc sống nghèo túng.
Tô My thông báo: “Trong số tài sản của viện trưởng có hơn một triệu tệ không rõ nguồn gốc.”
Giáo sư Lương hỏi luôn: “Thể tài sản của y tá Chu thì sao? Cô ấy có bao nhiêu tiền?”
Tô My liếc nhìn tập tài liệu mới điều tra, rồi báo cáo tiếp: “Không có đồng nào cả! Cô ấy không có thu nhập! Y tá Chu làm việc ở bệnh viện tâm thần này đã được ba năm, nhưng cô ấy không được trả tiền.”
Giáo sư Lương chợt quay sang lãnh đạo sở y tế và đề xuất: “Tôi có đề nghị thế này, hãy để y tá Chu đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của bệnh viện tâm thần này!”
Trưởng phòng Nghiêm ngần ngại: “Nhưng bây giờ vẫn chưa thể loại cô ta ra khỏi danh sách những người tình nghi.”
Giáo sư Lương nói: “Y tá Chu không có thời gian gây án, bởi khi xảy ra hai vụ án đó, cô ấy còn đang bận chăm sóc bệnh nhân.”
Lãnh đạo sở y tế phân vân: “Nhưng kinh nghiệm và học vấn của cô ấy đều chưa đủ điều kiện. Làm sao một y tá có thể đảm nhiệm chức vụ viện trưởng được?”
Giáo sư Lương nói: “Sau khi điều tra, chúng tôi mới biết thì ra y tá Chu là tiến sĩ y học chuyên khoa thần kinh đi du học ở nước ngoài về, gia cảnh của cô ấy cũng rất khá.”
Lãnh đạo sở y tế không hiểu liền hỏi: “Theo như giáo sư nói thì gia đình của y tá Chu khá giả, bản thân cô ấy lại có học vị tiến sĩ y học, không những thế còn đi du học ở nước ngoài về. Lí lịch đó hoàn toàn đủ điều kiện giúp cô ấy trở thành giường cột của bất kì bệnh viện nào ở trong nước với mức đãi ngộ vô cùng hậu hĩnh, vậy sao cô ấy lại chịu làm một y tá tình nguyện ở bệnh viện tâm thần cũ nát của chúng tôi? Chẳng những vậy cô ấy còn làm suốt ba năm mà không có nửa đồng tiền công, hàng ngày lăn lộn cùng đám bệnh nhân tâm thần bẩn thỉu, nhem nhuốc, rốt cuộc cô ấy có ý đồ gì? Hay cô ấy cũng mắc chứng tâm thần?”
Giáo sư Lương trả lời ngắn gọn: “Cô ấy là một tín đồ cơ đốc giáo!”
Cùng thời điểm ấy, trong bệnh viện tâm thần có một người bắt đầu cất giọng hát, ban đầu tiếng hát rất nhỏ hồ như vọng đến từ nơi xa xăm, nhưng sau đó thêm một vài người nữa hát theo, âm thanh càng lúc càng rõ ràng hơn, cuối cùng rất nhiều người trong bệnh viện tâm thần cùng nhau hợp xướng. Họ hát một bài hát của cơ đốc giáo, chẳng hê có nhạc nền, tiếng hát thuần túy xuất phát tự đáy lòng, nó khiến người ta có cảm giác tâm hồn mình được gột rửa sạch sẽ.
Chẳng ai nói câu nào, mọi người lắng tai nghe, càng lúc tiếng hát càng vang hơn, càng lúc càng gần hơn. Các bệnh nhân tâm thân hát thế này:
Mắt con nhòa lệ, không nhìn rõ mặt người, dường như lời người nói không còn được chân thực như trước nữa, người lấy bớt của con, để thêm vào cho người, để ý chỉ của người càng ngọt hơn trước. Con khẩn cầu người hãy dừng tay, khi con không còn sức để chiu đựng hơn nữa, nhưng người là thần thánh, làm sao người chịu dừng bước? Xin người đừng nhượng bộ, hãy để con chịu khuất phục trước người.
Mắt con nhòa lệ, không nhìn rõ mặt người, dường như lời người nói không còn được chân thực như trước nữa, người lấy bớt của con, để thêm vào cho người, để ý chỉ của người càng ngọt hơn trước. Con khẩn cầu người hãy dừng tay, khi con không còn sức để chiu đựng hơn nữa, nhưng người là thần thánh, làm sao người chịu dừng bước? Xin người đừng nhượng bộ, hãy để con chịu khuất phục trước người.
Mắt con nhòa lệ, không nhìn rõ mặt người, dường như lời người nói không còn được chân thực như trước nữa…
(Giải nghĩa: Khi nhỏ con rất tin có chúa tồn tại ở trên đời nhưng lớn lên trải qua bao sự đời khiến con dần dần hiểu ra chúa không hề có thật, bởi vậy càng ngày con càng không nhìn rõ khuôn mặt của người. Nhưng bất luận thế nào con vẫn khẩn cầu người hãy lấy bớt của con để thêm vào cho người, để ý chỉ của người càng ngọt ngào hơn trước. Chúa ơi! Đôi khi con muốn cầu xin người rằng con không muốn tiếp tục nữa, vì gánh trên vai con quá nặng, con thấy mình không đủ sức bước đi, nhưng xin người đừng buông tay, đừng nhượng bộ, người không được đồng ý với lời cầu nguyện của con. Bởi tuy con cầu xin người cho con không phải tiếp tục làm nữa, nhưng chúa ơi, cầu xin người hãy đợi đến lúc con hoàn toàn khuất phục trước người. Bây giờ con chưa thể khuất phục, nhưng xin người hãy đợi con, đừng hạ con từ bậc tối cao xuống bậc thấp hơn. Amen!)
Địa ngục có thật! Bóng tối cũng có thật!
Ai từng đến bệnh viện tâm thần đều biết cảm giác khó có thể diễn tả thành lời ấy, nơi đó giống như một thế giới khác. Mắt bệnh nhân tâm thần như vực thẳm, họ chỉ nhìn thấy bóng tối.
Nhưng giữa bóng tối mịt mùng vẫn le lói ánh sáng!
Trong hành lí xách về nước của y tá Chu có một cuốn sách cũ tên là “Basilica di San Francesco d’Assisil[1]”.
Ở trang xi nhê, cô dùng bút chì viết một câu: “Chúng ta sống trên cõi đời này không chỉ đơn thuần vì mục đích theo đuổi hạnh phúc của bản thân, mà còn nên làm gì đó để cống hiến cho mọi người.”
Thực ra đó là câu nói của mẹ Teresa.
Mẹ Teresa đoạt giải Nobel Hòa bình vào năm 1979, hội Tu nữ Thừa sai Bác ái do bà sáng lập có tổng tài sản lên đến hơn bốn trăm triệu đô la, những công ty giàu có nhất trên thế giới đều tình nguyện quyên tiền cho hội, bà được nhân dân trên toàn thế giới yêu mến, vậy mà khi từ trần tất cả tài sản cá nhân của bà chỉ là bức tượng chúa Jesus gặp nạn, một đôi dép và ba bộ quần áo cũ. Bà hiến tặng tất cả cho người nghèo, người bệnh, người cô đơn người không có nhà để về và người sắp chết, hiến tặng cả cuộc đời mình từ năm mười hai tuổi đến khi từ giã cõi đời năm tám mươi bảy tuổi.
Chúng ta không hề biết gì về cuộc sống ở nước ngoài của y tá Chu, chỉ biết trong một lần tình cờ nói chuyện cô ấy kể rằng mình bị ngất xỉu giữa đường vì thiếu máu, khi tỉnh lại cô phát hiện mình đang ở ngay phía ngoài giáo đường của Dòng Thừa sai Bác ái ở Mỹ. Ngất giữa đường giữa chợ tại đất khách quê người, mà khi tỉnh lại cô lại thấy mình ở trong giáo đường. Đối với người chưa bao giờ đến giáo đường như y tá Chu, thì đó phải chăng là ý trời?
Từ đó, y tá Chu trở thành tín đồ trung thành của Cơ đốc giáo.
Mẹ Teresa sáng lập hơn sáu trăm cơ sở truyền giáo tại một trăm hai mươi ba quốc gia trên toàn thế giới.
Giờ lại thêm một cơ sở nữa.
Sau khi trở về nước, y tá Chu từ chối tất cả lời mời của những bệnh viện danh giá nhất trong nước, cô trở thành y tá thực tập tại bệnh viện tâm thần này. Cô từ bỏ danh lợi, địa vị và cả cuộc sống sung túc. Cô không có bất kì tham vọng nào, cũng không cần báo đáp, trong lòng cô chỉ có một trái tim tràn ngập tình yêu thương, tất cả những gì cô làm ở đây đều xuất phát từ tình yêu thương.
Tấm lòng nhân từ và bác ái ấy giống như ánh trăng sáng vằng vặc, giống như vì sao lấp lánh trong đêm, nếu dùng tất cả mĩ từ trên cõi đời này để ca tụng con người sẵn sàng xả thân vì người khác như cô ấy cũng chẳng có gì quá đáng. Đối với y tá Chu, những bệnh nhân mà cô đang chăm sóc chính là anh chị em thân thiết của cô, cô cho họ niềm tin vào tín ngưỡng, cô giúp họ nhìn thấy ánh sáng trong địa ngục, để họ cùng có chung một đức Cha.
Cô rất xấu, lại còn mọc râu như đàn ông, vai rộng, bụng to, nom chẳng có dáng vẻ gì của phụ nữ.
Không những thế tính cô lại khá nóng nảy, bình thường cô cũng nhẫn nhịn, nhưng lòng người đời đã vượt quá sức chịu đựng của tấm lòng lương thiện tồn tại trong cô, bởi vậy những lúc không thể chịu nổi, cô lại văng tục, mắng mỏ người khác, thậm chí đánh họ.
Nhưng tất cả bệnh nhân trong bệnh viện đều biết cô có đôi cánh trắng muốt trên vai, biết cô là một thiên thần.
Thực ra trong thời gian ở đây cũng có lúc y tá Chu muốn buông xuôi tất cả, cô từng ngồi trên ba viên gạch trong sân bệnh viện, tựa vào dây trinh đằng bám ngoằn ngoèo trên vách tường, nhìn lên bầu trời đầy sao qua kẽ lá nước mắt lấp lóa đọng trên bờ mi, sau đó cô nhắm mắt, chắp hai tay vào nhau, có người nghe thấy lời cầu nguyện của cô, trong những tiếng thì thầm ấy có thể nhận thấy nội tâm cô từng trải qua nỗi giằng xé và do dự.
“Thượng đế ơi! Con quá yếu đuối! Con nên tiếp tục ở đây hay lựa chọn cách ích kỉ là rời đi? Con có thể nhẫn tâm vứt bỏ họ không? Đây có phải địa ngục chăng? Con nhìn thấy quá nhiều bi kịch và đau khổ, còn họ chính là những người cần được yêu thương và quan tâm hơn ai hết! Chúa ơi! Đức Cha của con ơi! Trách nhiệm của một bác sĩ là gì? Có phải cũng giống như một giáo sĩ chăng? Thượng đế ơi! Con đã vượt trăm sông ngàn núi để truyền bá phúc âm của người. Đây là hành trình reo rắc ánh sáng của cuộc đời hay là một phương thức đi xuống, đi xuống mãi, đi cho đến khi thâm nhập vào nơi sâu của địa ngục, trong khi con chỉ mang theo một cuốn Thánh kinh để truyền tình yêu của người đến những kẻ sắp đọc nó? Phải chăng đó là sứ mệnh của con?
Nhân danh Cha, con và các thánh thần! A men!”
Y tá Chu ngước nhìn bầu không chi chít ánh sao và cô đã tìm được đáp án từ nơi sâu thẳm của đường chân trời. Sau lần cầu nguyện đó, cô nhờ người mua hộ cuốn truyện của mẹ Teresa và lấy Mẹ làm tấm gương. Vì tận mắt chứng kiến bao nhiêu tấm thảm kịch giữa trần thế nên cô càng muốn vắt hết sức mình để biến bệnh viện tâm thần giống như địa ngục này trở thành thiên đường.
Kết thúc thời gian thực tập, cô nói với viện trưởng: “Tôi muốn ở lại đây làm nhân viên hộ lí tình nguyện.”
Viện trưởng ngạc nhiên bảo: “Tình nguyện sao? Làm tình nguyện thì không có lương đâu đấy!”
Y tá Chu khảng khái đáp: “Tôi không cần lương! Tôi làm ở đây không phải vì tiền!”
Viện trưởng hỏi: “Thế cô định làm bao lâu?”
Y tá Chu trả lời: “Làm cả đời!”
Từ đó cô bắt đầu mở từng cánh cửa đi vào từng trái tim. Trên thế giới này, người bẩn thỉu nhất luôn là người cần được tắm rửa sạch sẽ nhất, người bị vứt bỏ là người cần được yêu thương và quan tâm nhất.
Ở viện có một bệnh nhân mắc chứng hoang tưởng bị bức hại, anh ta luôn cảm thấy có người muốn truy sát mình, bởi vậy anh ta luôn luôn trốn chạy khắp nơi, lang thang từ bắc vào nam, từ đông sang tây. Khi vào bệnh viện tâm thần này, anh ta lấy tất cả lông tóc trên cơ thể bện thành một sợi dây và luôn trong tâm trạng sẵn sàng chạy trốn. Nhưng từ lúc y tá Chu đến đây, anh ta đã bỏ thói quen này. Câu đầu tiên y tá Chu nói với anh ta là “Đừng sợ! Tôi sẽ bảo vệ anh! Anh đan sợi dây này bao lâu rồi?”
Bệnh nhân đáp: “Chín năm!”
Y tá Chu khẽ thở dài, lẩm bẩm: “Những chín năm liền!”
Trước đây chưa ai từng nói sẽ bảo vệ anh ta, từ nhỏ đến lớn người ta chỉ nói với anh những câu đại loại như “Cút!” “Đồ thần kinh!” “Tránh xa tao ra!” “Cho phát đấm bây giờ!”
Y tá Chu cố gắng truyền bá phúc âm bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu nhất. Trong một lần mất điện, mọi người vây quanh ánh nến, hoa tuyết ngoài cửa sổ lặng lẽ bay theo gió, cô nói với các bệnh nhân rằng đây không phải bệnh viện tâm thần, đây là ngôi nhà của chúa Jesus Kito, đồng thời còn là ngôi nhà của chính mình, mọi người đều là anh chị em của nhau nên cần giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Trong đêm tuyết rơi ấy, cô dạy họ hát bài hát của Cơ đốc giáo, rồi bảo với họ hôm nay là ngày lễ đặc biệt.
Một bệnh nhân hỏi: “Ngày lễ gì vậy?”
Y tá Chu đáp: “Ngày lễ Giáng sinh!”
Lễ Giáng sinh đó, y tá Chu cho Ô Ô hai quả táo, còn dạy cậu thiếu niên mắc chứng mất trí nhớ ấy rằng con người cần phải yêu thương nhau vì mọi người đều là anh em một nhà, vạn vật trên cõi đời này đều là tạo vật của chúa.
Ô Ô nói: “Cháu không nhớ cha cháu tên là gì nữa cô ạ!”
Y tá Chu đáp: “Cha cháu chính là Thượng đế, đức Cha của muôn người!”
Ô Ô gật gù: “Tên này có vẻ dễ nhớ đấy!”
Y tá Chu gợi ý: “Cháu có hai quả táo, cháu nên tặng cho người mình quý nhất một quả. Vì cô rất quý cháu nên mới tặng táo cho cháu.”
Ô Ô ngây thơ hỏi: “Thế nếu cháu không cho người khác thì cô có đánh cháu không?”
Y tá Chu đáp: “Không! Nhưng nếu cháu còn gọi biệt danh của cô thì cô sẽ xử lí cháu ngay lập tức.”
Ô Ô cười hì hì, thẽ thọt gọi: “Cô mông to ơi!”
Y tá Chu lập tức nổi giận, mắng cậu bé rồi cho cậu một cái bạt tai thật.
Ô Ô chẳng những không giận mà còn bảo: “Cháu phải nhớ kĩ chuyện này mới được!”
Ô Ô cầm cuốn nhật kí, trên đó viết: “Hôm nay cô Chu cho mình hai quả táo và một cái bạt tai. Mình sẽ tặng một quả cho anh Vô Tâm, chẳng biết bao giờ anh ấy mới trở lại nữa! Cô Chu có biệt hiệu là “Mông to” vì mông của cô ấy rất to.”
Y tá Chu tò mò hỏi: “Sao cháu lại muốn tặng táo cho anh Vô Tâm?”
Ô Ô đáp: “Vì anh ấy đã dạy cháu một cách nhớ rất hay. Anh ấy bảo cháu ghi lại những chuyện quan trọng vào nhật kí, như thế cháu sẽ không quên chúng nữa!”
Ngay sau đó, y tá Chu làm động tác như thể định giơ tay tát, cô nạt: “Thằng nhóc này! Sao cứ gọi biệt hiệu của cô thế hả? Lại còn ghi cả vào trong nhật kí nữa!”
Ô Ô trả lời một câu khiến cô cảm động đến rơi nước mắt, cậu bé bảo: “Cháu sợ… cháu sẽ quên mất cô…”
Nhật kí của Ô Ô rất ngắn, thường chỉ viết một câu, trong đó ghi chép những câu chuyện thường ngày xảy ra trong bệnh viện tâm thần, chỉ duy trang cuối cùng cậu viết khá dài: “Hôm nay, anh Vô Tâm nói viện trưởng là người xấu, y tá trưởng cũng là nguời xấu. Viện trưởng đưa mình đi khám sức khỏe, còn bảo ngày mai sẽ đưa mình sang bệnh viện khác để khám, sau đó mình sẽ được ra viện. Mình chẳng thể nhớ nổi hình dáng của mẹ trông như thế nào, nhưng mình nghĩ chắc mẹ sẽ giống với cô Chu…”
Ô Ô mất sáu mươi phần trăm lá gan, cậu bé chết sau khi ngất xỉu vì mất máu quá nhiều. Đến tận lúc chết, cậu bé đáng thương đó vẫn không biết rằng sau khi cha mẹ quẳng cậu lại bệnh viện tâm thần, họ chẳng bao giờ cần cậu nữa. Người giám hộ từ bỏ trách nhiệm giám hộ cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến viện trưởng dám lấy nội tạng của một người đang sống sờ sờ mang đi bán.
Viện trưởng chết vì ông ta không tin các bệnh nhân tâm thần cũng biết yêu thương nhau.
Ô Ô có ba nguời bạn thân là Gấu béo, chị Kính cận và Lưu Vô Tâm.
Lưu Vô Tâm và Đỗ Bình ở chung trong một cơ thể, nhân cách thông minh trong cơ thể ấy ý thức rằng lão viện trưởng tham lam sớm muộn gì cũng ra tay với những bệnh nhân tâm thần khác, trong đó có chính mình, bởi vậy trên trang bìa cuốn Lược sử thời gian, cậu ta viết một câu thế này: “Đỗ Bình! Tôi cảnh báo anh, viện trưởng sắp cắt thận của anh đấy! Cả thận của chị Kính cận và Gấu béo nữa! Hi vọng anh đọc được những dòng này của tôi!”
Phía dưới viết câu hỏi của Đỗ Bình: “Anh là ai? Chúng tôi phải làm gì bây giờ?”
Lưu Vô Tâm đáp: “Ăn miếng trả miếng!”
Tổ chuyên án kiểm định nét chữ thì biết đó là nét chữ của Lưu Vô Tâm và Đỗ Bình, tuy hai nhân cách phân liệt ở chung trong một cơ thể nhưng nhân cách chính và nhân cách phụ có tên gọi và trí nhớ khác nhau, thậm chí nét bút cũng không giống.
Ngày thứ tư sau lễ Giáng sinh cũng chính là buổi tối Ô Ô qua đời, viện trưởng yêu cầu y tá trưởng nhanh chóng ướp tử thi. Y tá trưởng ra lệnh cho Đỗ Bình, Gấu béo, chị Kính cận mang Ô Ô xuống mật thất. Tâm trạng của ba bệnh nhân tâm thần rất nặng nề và đau buồn. Vừa nghĩ đến tương lai đen tối của mình vừa căm thù viện trưởng, họ đã lấy trộm thuốc gây tê và bộ dao kéo, máy móc phẫu thuật.
Trong nhà xác, họ bắt đầu tiến hành gây tê toàn thân cho viện trưởng và viện trưởng phu nhân cùng nhân viên trông nhà xác, bắt họ nằm trên ba băng ca cứu thương. Viện trưởng phu nhân chỉ ngẫu nhiên bị sát hại, hôm đó bà tình cờ ở cùng chồng. Gã trông nhà xác bị cố ý sát hại, ngày thường gã này có hai tật xấu là uống rượu và đánh bệnh nhân sau khi uống rượu.
Ba nạn nhân nằm trên cáng bắt đầu van xin ba bệnh nhân tâm thần tha mạng, tuy họ bị gây tê toàn thân nhưng họ hoàn toàn không mất ý thức, trong lúc lơ mơ họ vẫn có thể nói.
Đỗ Bình nói với viện trưởng: “Ông muốn biến thành thực vật không?”
Gấu béo thản nhiên chêm vào: “Tôi muốn xem xem da mặt ông thế nào.”
Chị Kính cận phẫn nộ gằn giọng: “Thường ngày các người bắt chúng tao làm việc, giờ chúng tao bắt đầu làm việc đây!”
Một công nhân lò mổ chuyên nghiệp cần mười phút để xử lí xong một con lợn, còn ba nhân viên phẫu thuật được chính y tá trưởng nghiêm khắc dạy dỗ và giám sát này chẳng mất đến mười phút để hoàn thành cả quá trình. Vết vân tay và vân chân in trên tường chỉ là trò đùa ác ý của những bệnh nhân tâm thần.
Y tá trưởng chết trong nghĩa địa bệnh viện vì trong quá trình hung sát nạn nhân, Đỗ Bình đột nhiên trở lại nhân cách của Lưu Vô Tâm, mật thất là hiện trường gây án đầu tiên. Lưu Vô Tâm ngăn Gấu béo và chị Kính cận, cậu ta biết y tá trưởng chẳng sống được bao lâu nữa, nên bảo hai người kia vứt bà ta ra nghĩa địa.
Nhân cách thông minh ấy đào một ngôi mộ rỗng với mục đích ngầm để lại manh mối cho tổ chuyên án. Cậu ta lồng túi nilon vào hai chân trước khi tới hiện trường gây án. Lưu Vô Tâm có thói quen đi dạo khi trời mưa, mỗi lần sân viện ngập bùn lầy, cậu ta lại xỏ chân vào túi non, rồi thắt nút ở cổ chân trước khi đi dạo. Đó chính là nguyên nhân vì sao tổ chuyên án không tìm thấy vết bùn trên đôi dép của Lưu Vô Tâm.
Ban đầu y tá Chu không hề biết ba người họ là hung thủ, bởi vậy cô chỉ vẽ một vòng tròn để gợi ý cho tổ chuyên án điều tra về việc bệnh viện bán thận của bệnh nhân tâm thần, hi vọng nhờ đó có thể chấm dứt hành vi phi pháp và vô nhân đạo này. Nhưng sau khi vụ án đi vào chiều sâu thì y tá Chu bắt đầu sinh nghi. Đỗ Bình, Gấu béo và chị Kính cận cũng không hề có ý che giấu họ thành thật kể hết sự tình cho y tá Chu nghe.
Y tá Chu không bao che cho ba bệnh nhân của mình, mà cô ấy đã làm ba việc cho họ.
Y tá Chu để họ sám hối, trút bỏ hết tội nghiệt trong linh hồn.
Y tá Chu cầu nguyện cho họ lần cuối.
Y tá Chu cùng họ hát bài hát của Cơ đốc giáo, sau đó làm dấu thập tự trước ngực, rồi dẫn ba người vào phòng họp tự thú.
Đỗ Bình, Gấu béo và chị Kính cận thành khẩn kể lại cả quá trình gây án, tuy xen vào đó là tư duy hỗn loạn và những lời lẽ thiếu logic của bệnh nhân tâm thần, nhưng về cơ bản vụ án đã tạm thời khép lại.
Tổ chuyên án rất muốn nói chuyện với Lưu Vô Tâm nhưng kể từ khi dẫn giáo sư Lương và Tô My rời khỏi mật thất, nhân cách đó không bao giờ xuất hiện nữa.
Về sau, cảnh sát vẫn không điều tra ra ai là kẻ cố tình phóng hỏa ở bệnh viện đêm hôm ấy, rất nhiều hồ sơ của bệnh nhân bị thiêu rụi cùng với một số tác phẩm nghệ thuật. Y tá Chu trở thành viện trưởng Chu, cô rất tiếc nuối vì tất cả tài liệu có giá trị đã thành đống tro tàn. Trong bệnh viện tâm thần có cả những nhà nghệ thuật đôi khi thiên tài cũng bị coi là kẻ tâm thần. Ngoại trừ bệnh nhân chuyên chế tác thủ công mỹ nghệ thường đan bện lông tóc trên cơ thể mình ra, thì ở đây còn có họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà ảo thuật và các nhà hoạt động nghệ thuật khác nữa.
Năm 2000, có một người xòe bốn chiếc ô, bốn chiếc ô đó đều rách nát trơ gọng, không còn mảnh vải che, anh ta cứ tha thẩn đi trong gió tuyết giữa sân bệnh viện tâm thần.
Năm 2001, có bệnh nhân tâm thần khắc bản đồ Thanh Minh Thượng Hà siêu nhỏ lên vỏ lon bia.
Năm 2002, có người lấy đinh khắc một câu trên vách tường “Biến mất ở cõi trên tất cả sẽ trùng phùng ở cõi dưới.”
Giáo sư Lương nhìn vách tường và trầm tư hồi lâu. Ông cảm thấy nét chữ ấy rất giống bút tích của Lưu Vô Tâm, mà năm 2002 Đỗ Bình chưa bị nhốt vào bệnh viện tâm thần này. Giáo sư Lương cảm thấy rất kì lạ vì hồ sơ của bệnh nhân này đã bị thất lạc. Ông liền hỏi lão gù trong phòng tiếp tân của bệnh viện.
Giáo sư Lương: “Làm ơn cho hỏi một chút, ở đây có bệnh nhân tâm thần nào tên là Lưu Vô Tâm không ạ?”
Lão gù: “Đỗ Bình chính là Lưu Vô Tâm mà! Cậu ta có hai tên.”
Giáo sư Lương lắc đầu: “Tôi muốn nói đến Lưu Vô Tâm khác cơ! Năm 2002 có phải có một bệnh nhân cũng mang tên này vào đây không?”
Lão gù nhíu mày suy nghĩ: “Lưu Vô Tâm à? Để tôi nhớ lại xem! À! Hình như tôi có ấn tượng về người này.”
Giáo sư Lương vội hỏi: “Người đó làm gì?”
Lão gù gù đáp: “Nge nói cậu ta là nhà văn. Cậu ta ở bệnh viện tâm thần này gần mười năm, giờ đã ra viện cũng được gần mười năm rồi!”
[1] Basilica di San Francesco d’Assisi: Ngĩa là Thánh Phanxico thành Assisi