Mười Lăm Năm

Chương:1Quyển 3 -


Đọc truyện Mười Lăm Năm – Chương 51Quyển 3 –

Thời tiết mùa hè này vô cùng nóng, ve sầu kêu mãi chẳng yên, lá cây như bị mặt trời chiếu đến mức nhỏ dầu, toát lên vẻ khổ sở khó tả.

Công ty nhỏ của bọn Lương Túc cuối cùng sau gần một năm bấp bênh bất ổn đã chết non.

Các anh em cùng lái xe ra một công viên ngoại ô thành phố, chuẩn bị đầy bia rượu trong cốp xe không đậy nắp được, ngồi cạnh hồ nhân tạo trong công viên, định biến bản thân thành ma men, ôm đầu khóc rống một phen. Họ như một đám kẻ điên trẻ tuổi, tụ tập vừa uống vừa hát, an ủi ước mơ bị đập một cú nảy sao tung tóe của mình.

Khi một nửa chai bia rượu rỗng, ngã đầy đất, họ bắt đầu kề vai sát cánh quay về phía hồ nhân tạo, gào khóc thảm thiết cùng hát bài “Tận trung báo quốc” với âm điệu như chạy lạc một vòng quanh Trái Đất. Hát được một nửa, có người hu hu bật khóc, ngồi xổm trên đất, ai đẩy cũng không nói, miệng lầm bầm lẩm bẩm gì đó không rõ, nghe kỹ thì là:

– Ôi cải thìa, ôi lá vàng… thất bại rồi (1), mịa nó thất bại rồi, đời này ông đây lần đầu tiên muốn làm chút sự nghiệp, lại thất bại như thế… sau này ai mịa nó còn làm cái này nữa, thằng đó là chó!

(1) Chữ hoàng (黄) vừa có nghĩa là màu vàng vừa có nghĩa là thất bại cũng vừa chỉ những thứ xấu xa, đồi trụy.

Lương Túc đá một cú vào mông anh ta, khiến chi trước của anh ta chạm đất:

– Chó, mày chửi ai chó đấy?

Người bị đạp dường như không nghe thấy, nước mắt nước mũi ròng ròng:

– Ông đây không làm nữa… ông… ông đây tốt nghiệp xong sẽ tìm nơi nào đó làm dân văn phòng, không làm dân văn phòng thì ra ngoài bán sách đĩa lậu, không phải tao đồi trụy sao… (1), tao sẽ chuyên đi bán phim heo, một bản 200 tệ…

Một người khác nói:

– 200 tệ? Mày diễn cũng không ai thèm mua.

– Tao oan ức thôi mà… oan ức lắm…

Anh ta càng khóc càng giống khóc tang, mấy người xung quanh bị tâm trạng anh ta lây nhiễm, đều không dằn được sống mũi cay cay, Lương Túc ngồi xổm xuống, dùng chai bia gõ gõ vai anh ta, cảm thấy mình xem như tỉnh táo nhất, bèn khuyên nhủ:

– Được rồi, chuyện có gì quá đâu? Mày có gì mà oan, bộ mày là Đậu Nga à? Các anh hùng liệt sĩ cách mạng đã dạy chúng ta rằng, ngã từ đâu phải đứng lên từ đó…

Người kia nói:

– Tao không ngã, nào giờ tao toàn nằm lê lết thôi, làm sao dậy?


Càng nghĩ càng xót xa, bèn dứt khoát ngã nhào xuống đất, lăn một vòng, trở mình, hướng bụng lên bầu trời đêm tối tăm u ám, mặt thẫn thờ không biểu cảm, rồi chợt giang tay ra, lớn tiếng:

– A!

Anh ta hắng hắng giọng, nghiêm trang chính trực:

– Đêm tối cho mắt ta màu đen, nhưng ta dùng nó để kiếm tìm ánh sáng!

Mọi người vỗ tay khen hay, tiếng vỗ tay chưa ngớt, anh ta lại nói:

– “Phương xa ơi hỡi phương xa, 

Phương xa chẳng có thứ gì ngoài xa. 

Cánh đồng đại mạch nơi xa, 

Bạt ngàn ngọn lúa, có gì nữa đâu?

Càng xa càng lẻ bóng sầu, 

Phương xa có thứ gì đâu khác nào? 

Giờ đây tảng đá phương xa, 

Đã bay đến cạnh bên ta nơi này, 

Đá kia có máu chảy đầy, 

Đá kia có bảy chị em ra đời, 

Đứng trên đồng cỏ hoang vu, 


Khi xưa ta ở tít mù phương xa, 

Tự do và cả bần cùng. 

Không tài nào đụng bảy người chị em, 

Như dòng máu nóng trong tim, 

Như niềm hạnh phúc kiếm tìm phương xa. 

Đau thay hạnh phúc phương xa.” (2)

(2) Bài thơ “Phương xa” của Hải Tử.

Anh ta hình như thật có năng khiếu văn nghệ, từng được giải thưởng đọc diễn cảm thơ trong đại hội của trường, đọc ra mấy câu thơ thảm thiết quỷ khóc sói gào như thật, vừa trẻ tuổi vừa bi phẫn, tiếng gào như từ thời xa xưa vọng đến, những linh hồn nóng nảy tuổi thanh niên vẫn như cũ, thẫn thờ, mê man và khát vọng.

Thanh niên văn nghệ gào xong thì dùng hai tay che mặt, gào càng lớn tiếng hơn:

– Tra Hải Sinh nằm đường ray tự sát, Cố Thành kéo vợ con xuống suối vàng (3), chưa biết chừng lúc nào đó sẽ tới lượt tao! Tao… tao còn chưa có vợ con gì! Tao oán…

(3) Tra Hải Sinh, Cố Thành: hai nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc và đều có cái chết rất bi kịch, Tra Hải Sinh nằm trên đường ray tự sát, còn Cố Thành thì chém chết vợ rồi treo cổ tự tử.

Hự, lại nghĩ tới nữa rồi.

Mấy người khác cùng bật cười to. Chốc lát sau, giọng thanh niên văn nghệ kêu oan kia bỗng im bặt, anh ta nhảy dựng tại chỗ như zombie, quơ tay nói:

– Các anh em, tại sao chúng ta không có gái thích? Vì chúng ta không được! Chúng ta không có tiền! Không có nhà! Có mỗi chiếc xe nát thì hở gió!

Anh ta đi tại chỗ ba vòng như lừa kéo cối xay, tiếp tục dõng dạc hùng hồn:


– Chúng ta là tầng lớp chót của xã hội, là tay mơ mới ra nghề, nghèo rớt mồng tơi, trên người tổng cộng chỉ có tấm áo vải và một thanh kiếm mà mịa nó còn là của hệ thống đưa, tụi bây nói xem, gái có thể chịu theo sao? Cha mẹ gái nhìn tụi mình có thể không liếc xéo khinh thường sao? Có thể sao?

Có người hỏi:

– Vậy mày nói xem làm sao đây?

Thanh niên văn nghệ nắm chặt nắm tay như hô khẩu hiệu:

– Cuộc sống của chúng ta không thể tiếp tục như vậy! Chúng ta phải phấn chấn lên! Phải chiến đấu! Phải lái xe tăng tiến về tương lai xa xăm; đau khổ, mờ mịt gì gì đó đều là con mịa nó vô nghĩa! Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng, chúng ta muốn tiền! Muốn xe! Muốn nhà! Muốn thân phận! Còn muốn ghệ đẹp nữa!

– Hay!

– Wow! Nói hay lắm, nói rất hay, nữa nào!

– Vỗ tay vỗ tay!

– Lập một công ty thất bại tính là gì? Nghèo khó, sa sút tính là gì? Không nhà cửa không sự nghiệp không ai thèm tính là gì? Đều là rắm thối hết! Sẽ có ngày ông đây đứng trên đỉnh xã hội, cầm một đống tiền, tự tay xé cái lồng chụp này trên đầu chúng ta! Để tất cả mọi người đều nghe được tiếng của tao, biết… biết được con người tao!

Sau đó anh ta lảo đảo nhảy ương ca (4), nhìn trời gào lên:

– Tôi muốn bay cao hơn, bay xa hơn…

(4) Ương ca: một loại vũ điệu dân gian Trung Quốc.

Lương Túc chợt bị kích thích, vừa gào theo họ vừa lấy điện thoại di động ra cười khúc khích, run run soạn tin nhắn: “Anh không tiền, không nhà, không xe, hai bàn tay trắng, nghèo rớt mồng tơi, nhưng ăn uống dễ nuôi, biết chịu đánh, biết làm ấm giường, em có muốn anh không?”

Nhắn xong, anh liền tắt điện thoại, nhìn màn hình đen thui, bật cười ngây ngô, cười một hồi, nước mắt bất giác rơi.

Lúc Liễu Dung nhận được tin nhắn, cô đang tổ chức các cô bé dọn phòng ngủ, cô nhìn tin nhắn mà ngẩn ngơ nửa ngày, mãi đến khi một cô bé rụt rè kéo tay áo cô, dùng giọng đậm khẩu âm địa phương nói:

– Cô ơi, em tới muộn, vẫn chưa có phòng ngủ ạ…

Liễu Dung lúc này mới tắt điện thoại, lo bận bịu chuyện trước mắt.

Cuối cùng cô cũng biết, tại sao khi bọn cô yêu cầu hai phòng ngủ, hiệu trưởng Trương lại lộ vẻ khó xử___vì nơi này thực quá thiếu phòng ngủ, học sinh chẳng những phải ngủ giường trên mà còn phải hai người chen một giường, nhà trường vì tiết kiệm vật dụng mà phát cho mỗi hai người một cái chăn và đệm, một gian phòng ngủ chật chội như vậy phải cho 16 người ngủ.


Lúc ngủ không thể đóng cửa, nhưng dù vậy, tối vừa bước vào kiểm tra phòng vẫn bị hơi nóng phả tới, quá oi bức.

Chiều cao của học sinh cấp 2 nơi này thua xa những đứa trẻ cùng tuổi mà bọn Liễu Dung từng gặp, vì thiếu dinh dưỡng nên cơ thể chúng phát triển rất chậm, con trai khoảng 10 tuổi chỉ cao đến cỡ vai Liễu Dung, cánh tay gầy đến mức có thể bao trọn bằng một bàn tay. Nhưng chúng làm việc rất nghiêm túc, ngày đầu tiên đến lớp, không có ai tổ chức, bọn học sinh trong lớp tự động quét dọn phòng học, chưa tới 5 phút đã lau sàn và bảng đen sạch sẽ.

Một ông cụ đưa cháu đến muộn, không biết nên đưa cháu vào lớp nào, đội trưởng lập tức đi bố trí, ông cụ nói trong nhà còn có việc, bèn đặt hành lý ở văn phòng họ rồi rời đi.

Hành lý của đứa trẻ không đặt trong “gùi nhỏ” như trên ti vi hát mà đặt trong gùi vô cùng lớn, bên trong chứa đầy đồ đạc, đúng lúc có vài người trong văn phòng tò mò, Cố Tương nổi cơn đùa, muốn biểu diễn cách đeo gùi cho mọi người xem, một nam sinh bước qua giúp cô ấy nhưng sững sờ vì không nhấc nổi gùi lên.

Họ đành gọi thêm một người nữa, hai người mới nhấc nổi cái gùi không biết đựng gì kia lên, Cố Tương hào hứng cõng trên lưng, khí phách ngút trời nói:

– Các cậu buông tay đi.

Sau đó hai người buông tay… cô ấy bị vật nặng trĩu xuống làm ngã ngửa ra sau, hai người vừa buông tay vội vội vàng vàng đỡ lấy Cố Tương… và gùi trước khi ngã.

Cố Tương vẫn còn sợ hãi gỡ mình ra khỏi gùi, đứng bên cạnh phát biểu cảm nghĩ:

– Quá kỳ diệu, mình chưa từng bị ngã như vậy bao giờ.

Một ngày rối ren cứ thế trôi qua, sáng sớm hôm sau, bọn Liễu Dung vẫn phải chịu đựng nhà vệ sinh của trường, chính thức bắt đầu công tác dạy học, chưa tới 7 giờ đã phải dậy, dùng nước lạnh rửa mặt, duy trì dáng vẻ tỉnh táo nhất vào lớp mình phụ trách quản lý.

Lý Kỳ định ngủ nướng, lúc bị bạn cùng phòng gọi dậy vẫn mơ mơ màng màng nói:

– Mình không đi đâu… Kiều, điểm danh giùm mình…

Liễu Dung:

-…

Cố Tương:

– Người đẹp à, dậy đi, không ai điểm danh hết, có điều bây giờ cậu là giáo viên, không thể trốn tiết.

Lúc Lương Túc khó chịu và mệt lả sau cơn say mở điện thoại lên, nhận được tin nhắn từ “Liễu Dung” thì sững sờ nửa phút mới nhớ ra chuyện não tàn mình làm tối hôm trước, đầu óc lập tức ong ong lên, hận không thể chặt luôn cái tay ăn no rửng mỡ làm chuyện tào lao gây vạ kia.

Anh run run hít sâu mấy lượt, chuẩn bị tâm lý thật lâu, cuối cùng nhắm mắt lại mở tin nhắn ra, hồi lâu mới hi hí mắt thấy tin nhắn chỉ có hai chữ.

Liễu Dung nói: “Được thôi.”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.