Mùi Hương Trầm

Chương 7: Dưới Cây Bồ-Ðề


Bạn đang đọc Mùi Hương Trầm: Chương 7: Dưới Cây Bồ-Ðề


Tháp Hòa Bình thế giới tại núi Bảo sơn thật ra là một công trình đáng chiêm ngưỡng, rủi cho nó là tháp nằm cạnh ngọn Linh Thứu quá thiêng liêng nên tháp bị lu mờ không ít. Tại bốn phía của tháp này ta có thể xem bích họa của bốn cảnh về cuộc đời đức Phật, cũng là bốn chốn thiêng “tứ động tâm”, mà khách hành hương ai cũng đến tham bái, đó là: chỗ đản sinh của Ngài tại Lâm-tì-ni, chỗ Ngài đắc đạo tại Bodh Gaya (Bồ-đề đạo trường), chỗ Ngài bắt đầu giảng pháp tại Sarnath (Lộc Uyển) và chỗ Ngài nhập diệt tại Câu-thi-na (Kusinara). Trong bốn chỗ thì Bồ-đề đạo trường tại Bodh Gaya được xem là thiêng liêng nhất. Hôm nay tôi đến đó đảnh lễ.
Bodh Gaya là một địa danh quan trọng trên bản đồ Ấn Ðộ, nó chỉ cách Linh Thứu khoảng 50 km đường bộ về hướng tây nam. Còn trong ký ức của tôi từ ngày còn nhỏ dựa theo một tấm hình thì chỗ Phật đắc đạo là một cây bồ-đề và cạnh cây là một con sông, sông đó phải có tên gọi là Ni-liên-thuyền.
Trải qua ngàn năm con sông này vẫn còn và ngày nay có tên Nilajana. Nó chỉ là một con sông nhỏ, tại Bodh Gaya, nó nhập với sông Mohana chảy ngược lên phía bắc và làm thành sông Phalgu. Hai con sông này mùa khô không có nước và lòng sông trở thành một bãi cát rộng cả cây số. Sông Ni-liên-thuyền là nơi Phật băng qua, đến một cây bồ-đề, từ bỏ phép tu khổ hạnh và dùng phép thiền định mà tìm ra chân lý. Trong thời đó, phương pháp nhận thức đó – từ bỏ khổ hạnh và áp dụng thiền định – là một cuộc cách mạng, là một trong những điều làm nhiều người gọi Phật là “nhà phê phán” Ấn Ðộ giáo.
Trước đó nhà ẩn sĩ Cồ-đàm tu khổ hạnh tại Uruvela, nằm bên bờ nam Ni-liên-thuyền. Ðây là nơi năm thầy tỉ-kheo mà đứng đầu là Kiều-trần-như quy phục Phật và hẹn rằng ai giác ngộ trước phải giáo hóa cho những người còn lại. Sau năm năm tu khổ hạnh, Ngài đến với một nhận thức khác, trong kinh kể lại: “đức Bồ-tát thọ nhận sữa và cơm của một nàng tín nữ tên là Sujata. Ngài ngâm tứ chi đã rã rời trong dòng nước thanh tịnh của Ni-liên-thuyền và bước về phía Bodh Gaya, đến cây bồ-đề thiêng liêng, rải một ít nắm cỏ tươi dưới chân cây, đó là tòa kim cương và bắt đầu ngồi thiền định”.
Ngày nay cây bồ-đề vẫn còn và chỗ Ngài ngồi thiền định đắc đạo đã trở thành chốn hành hương nổi tiếng nhất của Phật giáo.
Tôi đến thị trấn Bodh Gaya buổi tối để sớm hôm sau đến chiêm bái nơi chốn thiêng liêng này, chỗ được vẽ trong một bức tranh thờ Phật, có lẽ là bức tranh đầu tiên tôi thấy trong thời thơ ấu. Ngày đó đối với tôi đức Phật trừu tượng xa vời như ông Ngọc Hoàng thượng đế, cây bồ-đề hay làn nước xanh trong tranh chỉ là những hình ảnh tưởng tượng. Bởi thế khi bước chân vào chốn này, tìm xem cây bồ-đề lòng tôi đầy cảm xúc.
Gốc cây được bọc xung quanh bởi lan can bằng xi-măng. Vải nhiều màu là phướn cầu nguyện được tín đồ Tây Tạng cúng dường. Phía bên mặt là chân tháp Ðại bồ-đề

Cây bồ-đề là đây! Ðó là một ngọn cây khỏe mạnh cao vút, trên cao là những chiếc lá long lanh màu lục rực rỡ dưới nắng mai. Lá bồ-đề mà đầu của nó nhọn và dài thì tôi đã thấy nhiều, nhưng ở đây gốc của nó rất cao, cành mang lá nằm tuốt trên xa không với tới được, những chiếc lá hầu như vui cười trong gió sớm. Thân cây đầy những đoạn màu vàng sáng, đó là những chỗ mà khách hành hương cúng dường bằng cách dát vàng mỏng như giấy lên cây. Xung quanh cây toàn là phướn cầu nguyện kiểu Tây Tạng lẫn cờ ngũ sắc của Phật giáo. Người đi đông như hội, họ chen chúc nhau thắp nhang chụp hình. Một đoàn trẻ con học sinh Ấn Ðộ, đứa này nắm chéo quần đứa kia đi thành một đuôi dài đi vòng quanh thánh địa, mặt mày hồn nhiên. Có vị bồ-tát nào hóa sinh làm một người trong đoàn trẻ con đó không?
Tôi chờ bớt người để đi vào sát thân cây. Nơi đây còn có một phiến đá dày khoảng một tấc, được phủ lụa đỏ cẩn thận. Người ta cho rằng phiến đá đó có từ thời vua A-dục trước công nguyên, nó ghi lại chỗ đức Phật đã ngồi. Ðó chính là hiện thân của “kim cương tòa” trong thế giới vật chất này mà kích thước thực sự của nó hết sức ẩn mật không mấy ai hiểu hết. Chúng tôi im lặng thắp nhang, tìm chỗ ngồi thiền định dưới cây bồ-đề.
Hãy thử làm theo Phật bằng cách thiền định để nhận thức thế giới. Ý nghĩa đích thực của cuộc đời làm người là, đó chính là cơ hội quí báu để nhận thức thế giới và cách nhận thức có hiệu quả nhất là chỉ và quán trong thiền định. Ðó là kết luận của Ngài nhưng tiếc thay đối với tôi lại là điều khó làm nhất. Từ xưa tâm tôi hay tán loạn khi ngồi thiền định, đối với tôi không có gì khó hơn sự định tâm. Dưới gốc bồ-đề, tôi ngồi đó với lòng cảm xúc, có lẽ tâm tôi chẳng định được gì vì tâm ý sôi nổi. Làm sao tôi tĩnh tâm được khi nhớ rằng ngay tại nơi này cách đây hai ngàn năm trăm năm có một bậc thầy ngồi thiền định nơi đây và đạt giác ngộ. Ðây là chỗ mà người đó, nói như Schumann trong chương trước, đã thấu hiểu nguồn gốc của cái Khổ và phương cách giải thoát khỏi nó.
Bên cạnh tôi có một người có khuôn mặt châu Á, có lẽ người Nhật, cũng đang ngồi thiền định. Ngồi một lúc tôi phát hiện là anh ta có tật, thỉnh thoảng anh vung chân múa tay một cách bất bình thường. Khuôn mặt anh sáng láng nhưng hình như thân thể anh không yên, xem ra nó hoạt động độc lập với anh. Tay chân của anh hoạt động độc lập xem ra cũng như tâm của tôi tán loạn. Chưa bao giờ tôi thấy thương một người xa lạ như thế. Quê hương anh ở đâu, ai chỉ đường cho anh đến đây, phương tiện đâu cho phép anh đi con đường vạn dặm này. Thân anh không bình thường nhưng tâm anh liệu có sáng suốt không, hỡi người bạn đạo đang ngồi bên tôi thiền định dưới gốc cây thiêng. Một điều tôi tin chắc chắn ngày hôm đó là anh sẽ lành bệnh, dù bệnh thuộc tâm hay thuộc thân, vì đây là nơi là chỗ phát ra ánh sáng của trí tuệ và là nơi ma quái phải quy hàng.
Về sau tôi biết thêm cây bồ-đề nguyên thủy nơi mà ngày xưa Phật thiền định đã bị phá hủy trong thế kỷ thứ bảy. Tại chỗ cây nguyên thủy đó người ta có trồng một cây con thì cây con cũng bị bão thổi trốc gốc năm 1876. Còn cây bồ-đề chúng ta thấy ngày hôm nay là một cây con của cây mà vua A-dục tặng Tích Lan trong thế kỷ thứ ba trước công nguyên, mà con trai là Mahendra tự tay đem qua đó trồng. Ðối với tôi, cây bồ-đề này là cây nguyên thủy hay cây con cây cháu, nó không hề quan trọng. Chính tại nơi đây, Phật đã thấy “mọi pháp có sinh đều có diệt”, huống hồ chỉ là một ngọn cây.
Bên cạnh cây bồ-đề là một bảo tháp rất lớn gọi là Tháp Ðại bồ-đề. Nó được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 1,2 sau công nguyên và cũng đã trải qua nhiều đợt trùng tu và hủy phá. Lúc Pháp Hiển đến đây năm 409 thì ở đây đã có “ba ngôi tháp”. Lúc Huyền Trang đến chiêm bái năm 637, ông mô tả tỉ mỉ: “về phía đông cây bồ-đề có một tháp cao chừng 52m, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh, trét vôi chu-nam”. Ngày nay người ta biết rõ tháp mà Huyền Trang mô tả chính là ngọn tháp ngày nay, chiều cao chính xác là 55m.
Bồ-đề đạo trường là một thánh địa vĩ đại cho những ai muốn tìm sự tỉnh giác thiền định, cảm hứng tâm linh hay nghiên cứu lịch sử. Trong tháp là một tượng Phật thếp vàng ngồi thanh tịnh, ngoài tháp là dấu chân Phật, trên mặt đất là lá bồ-đề rụng được khách hành hương nhặt đem về thờ cúng. Tôi đi quanh tháp theo chiều kim đồng hồ, đó là cách tán thán theo kiểu Ấn Ðộ, Tây Tạng, nhớ đến tích của một con chim chỉ bay quanh ba vòng nơi đây mà tái sinh được làm người. Hỡi chim, nếu ngươi được làm người thì cũng ráng dùng đời làm người mà nhận thức, ngoài ra cuộc đời không còn ý nghĩa gì khác.
Xung quanh tháp Ðại Bồ-đề là vô số những tháp nhỏ nhắc lại nhiều sự tích. Trong số đó có một tháp nhỏ nhắc lại hai vị thương nhân tên là Tapussa và Bhallika, người xứ Orissa đã dâng Phật mạch nha và mật. Hai vị đó có việc đi Vương Xá, chắc cũng làm công tác tiếp thị tại đó, xin quy y làm cư sĩ và xin học pháp nơi Ngài mặc dù Phật chưa hề muốn giảng dạy. Thế là đức Phật có hai đệ tử cư sĩ đầu tiên, hai vị đó cũng chỉ là thương nhân như tôi thôi.

Có một bức tượng mà Huyền Trang đã thấy nhưng ngày nay không còn, đó là tượng Quán Thế Âm gần cây bồ-đề. Theo một lời tiên tri xa xưa thì tượng này ngày càng chìm trong đất, lúc nó chìm hẳn thì đó là lúc đạo Phật suy tàn. Lúc Huyền Trang đến thì tượng đã chìm tới ngực và ông tiên đoán trong ký sự của mình là đạo Phật chỉ còn hưng thịnh nơi đây trăm rưỡi hay hai trăm năm nữa. Lời tiên tri đó đã thành sự thực vì quả nhiên trong thế kỷ thứ 8, thứ 9, đạo Phật xem như mất hẳn tại Ấn Ðộ, chỉ trừ ở vùng Ma-kiệt-đà và Bengale.
Cây bồ-đề có sinh có diệt, bản thân đạo Phật cũng có sinh có diệt, tất cả đều là “pháp” cả. Ðó là một trong những điều cốt tủy Phật dạy sau khi Ngài chứng ngộ dưới cây bồ-đề. Những điều này muốn hiểu một cách trừu tượng thì dễ nhưng chấp nhận chúng trong cuộc đời thì khó lắm thay. Ôi, những nhận thức toàn triệt xuất phát từ gốc cây này thật khó được người đời hiểu ngộ, đó là lý do tại sao đạo Phật đích thực không bao giờ trở thành một tôn giáo của quảng đại quần chúng, tại sao nó đã biến mất trên chính quê hương của mình. Và đó là lý do mà tại chính dưới gốc cây này, Phật phân vân không biết mình có nên giảng pháp hay không.
THIỀN ÐỊNH, PHƯƠNG PHÁP NHẬN THỨC ƯU VIỆT
Rời quê hương Ca-tì-la-vệ, vị du sĩ Cồ-đàm trẻ tuổi đi về hướng đông nam, đến Vương xá và gặp Tần-bà-sa-la như ta đã biết. Sau đó không lâu, Cồ-đàm tìm gặp một vị thầy là Alara Kalama xin học pháp. Nơi đây Cồ-đàm học được một số phép thiền định nhưng phép này chỉ dẫn đến “Vô sở hữu xứ”, như về sau Phật kể lại trong Bộ kinh.
Sau đó Cồ-đàm tìm gặp một vị thầy khác là Uddaka Ramaputta, phép tu của vị này cũng chỉ đạt “Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. Thế nhưng với Uddaka, Cồ-đàm đã học được tinh túy của Ấn Ðộ giáo. Về sau Phật kể lại rằng, Uddaka thường giảng, con người “thấy nhưng không thấy” và minh họa lời mình bằng cách đưa một con dao lên, cho thấy lưỡi dao nhưng không biết dùng nó mà cắt sự vật. Con dao là ẩn dụ quan trọng của Những bài thuyết giáo của Ấn Ðộ giáo, trong đó Uddalaka Aruni giáo hóa cho con trai là Svetaketu bằng dùng dao cắt hạt trái cây tí hon và cho thấy trong đó không gì khác hơn là cái đại ngã tuyệt đối đang tràn ngập trong vũ trụ và con người. Ðây là nơi nhà tu sĩ Cồ-đàm vừa tiếp thu triết học của Ấn Ðộ giáo, vừa sáng tạo những lý thuyết mới của giáo pháp mình. Vài tháng sau, du sĩ Cồ-đàm lại bỏ ra đi vì tất cả những gì thầy dạy “không giải thoát được cái khổ, không mang lại lợi ích”.
Sau đó Cồ-đàm đến Uruvela, như ta đã biết, chỗ ẩn tu nằm trên bờ sông Ni-liên-thuyền. Thấy phép thiền định du-già và triết học Những bài thuyết giảng Ấn Ðộ giáo không mang lại tri kiến giải thoát ình, Cồ-đàm nghĩ phải chăng con đường đúng đắn là phép tu khổ hạnh.
Miền rừng núi Uruvela về sau được Phật gọi là “khả ái” nhưng ta đừng vội tin là nơi chốn thần tiên. Tôi đã đi qua miền rừng núi Bihar và Bắc Ấn, đó là rừng già Ấn Ðộ mà loại cây thường gặp là Sala, trong đó cơ man nào là khỉ, rắn và dơi. Vị du sĩ ba mươi tuổi đó về sau kể lại đời sống độc cư trong rừng: “Thật là khó chịu đựng sự độc cư trong rừng, khó thấy niềm vui khi độc cư”.Những khi phải ở một chỗ xa vắng thì chỉ một con thú đi ngang, hay một con công dẫm phải cành cây hay gió reo trong lá, là ta đã thấy sợ rồi”. Người tu sĩ tìm cách chế ngự cái sợ bằng kỹ luật tâm linh và thử đạt nhận thức bằng cách “nghiến răng lại, ép lưỡi vào hàm trên, buộc tư tưởng phải phục tùng tâm thức”. Kết quả là Cồ-đàm chỉ chuốc lấy thất bại và nhận thấy rằng tâm thì có thể kiểm soát được nhưng tri kiến không thể đạt bằng sự ép buộc, nhất là khi vắng bóng trực giác. Sau đó Cồ-đàm thử áp dụng phép nín hơi thở nhưng hậu quả là chịu đau đớn toàn thân.

Vì các phép tu nội tâm như thế không mang lại kết quả, Cồ-đàm áp dụng phép khổ hạnh ngoại cảnh. “Vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần, ăn cỏ hoang, ăn rong nước, ăn phân bò…vị ấy mặc vải gai thô, vải phấn tảo y…vị ấy là người theo hạnh nhổ râu tóc, hạnh thường đứng không ngồi, dùng gai làm giường… Thế nhưng, nhà khổ hạnh Cồ-đàm không đạt được gì hơn là sự thán phục của năm vị tỉ-kheo mà chúng ta đã biết, ngoài ra không có gì cả.
Cuối cùng, suy nghĩ về phương pháp tu học của mình, Cồ-đàm chợt nhớ lại một kỷ niệm xưa. Cách đây nhiều năm, lúc còn ở với phụ vương, trong một dịp xem vua cha tự tay đặt luống cày trong một buổi lễ, Tất-đạt-đa đang ngồi dưới gốc cây bên bờ ruộng bỗng nhiên rơi vào một trạng thái hỉ lạc của thiền định. Phải chăng đây là phương pháp quán sát đúng đắn, dẫn đến giải thoát? Tự thấy một thân thể hao mòn không thể chuyên chở một tâm thức sung mãn, Cồ-đàm từ bỏ khổ hạnh và đó là bước ngoặt.
Vị tu sĩ băng sông Ni-liên-thuyền, đến cây bồ-đề, chuyên tâm thiền định và đạt trạng thái mà kinh điển gọi là “Tứ thiền”. Trạng thái tứ thiền chưa phải là giác ngộ, nó chỉ có chức năng chuẩn bị, có khả năng dẫn đến giác ngộ. Ðức Phật giác ngộ vì ngoài tứ thiền, Ngài đã có thiện nghiệp lâu đời và quyết tâm đạt tri kiến giải thoát. Ngài đạt thiên nhãn, thấy sự sống chết của chúng sinh và của chính mình, thấy nguyên nhân của đời sống lang thang vô tận này, thấy cách giải thoát ra khỏi cảnh đó và nhận rõ:
“Ta đã giải thoát, đây là đời cuối của ta, không còn sự tái sinh nữa”
Việc từ bỏ các phép khổ hạnh và chuyên tâm thiền định để đạt nhận thức là một hành động rất có ý nghĩa, không phải chỉ trong thời kỳ tôn giáo trước công nguyên đó, mà cả trong thời đại khoa học hiện đại này. Thời nào cũng thế, tất cả đều quay quanh câu hỏi, làm sao nhận thức được thế giới, phương pháp nào là phương pháp có hiệu quả nhất. Muốn trả lời điều này, người ta phải tự hỏi thế giới là gì, từ đâu mà có. Rồi từ câu trả lời đó về tự tính thế giới – một câu trả lời có tính chất khẳng định tiên quyết, có tính cách như một định đề – người ta mới bắt đầu tìm cách nhận thức nó, đó là một điều thực ra là nghịch lý. Tất nhiên càng đi sâu vào nhận thức, định đề về tự tính thế giới ngày càng rõ, nhưng cũng có lúc nó bị phủ định hay bị thay thế.
Ấn Ðộ giáo xuất phát từ niềm tin có một đại ngã siêu việt xuyên suốt trời đất muôn vật, trong đó con người cùng một thể với đại ngã đó. Thế nhưng vì con người có thân, thân đó che lấp thể tính chung nhất đó, như “bình đất che ánh sáng tự thân”. Vì thế muốn tiếp cận với đại ngã, con người phải dùng phép du-già vượt qua giới hạn của thân, kiểm soát thân, trong đó các phép khổ hạnh được xem là cần thiết. Vì lẽ đó, khổ hạnh hầu như là đức hạnh trong Ấn Ðộ giáo.
Ðức Phật là người “cải cách” của Ấn Ðộ giáo ở chỗ Ngài không quan tâm đến các vấn đề siêu hình, không đặt câu hỏi về nguồn gốc của thế giới, không nói đến cái đại ngã, không thấy cần phải “cọng trú với Phạm Thiên”. Ðiều quan tâm duy nhất của Phật là làm sao thoát khỏi cảnh khổ thế gian. Và phương pháp của Ngài là cách làm của một y sĩ, đó là hãy trước hết tìm ra nguồn gốc của khổ. Ði từ điểm xuất phát đó Ngài thấy không có lý gì mà phải tiếp tục con đường khổ hạnh. Muốn tìm ra nguyên nhân của khổ phải có trí tuệ chứ không cần gì khác.
“Có hai điều cực đoan mà người xuất gia không nên làm theo. Những gì là hai? Một là đắm say dục lạc thấp hèn, đê tiện, phàm phu, không ích lợi, không cao cả. Hai là lao mình trong khổ hạnh, không ích lợi, không cao cả.
Này các tỉ-kheo, xa lánh hai điều cực đoan này, Như Lai chánh giác chứng ngộ trung đạo, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, niết bàn”.

Ðó là đoạn đầu bài kinh Chuyển pháp luân, bài đầu tiên mà Phật giảng sau khi phân vân mấy tuần liền, trong đó ta thấy rõ cái mà Ngàøi tìm kiếm không phải là sự thống nhất với thánh thần, với đại ngã mà là sự thấy, sự hiểu.
Cái thấy là điều quan trọng bậc nhất trong đạo Phật mà con đường đưa đến đó không gì khác hơn là phép thiền định. Nói một cách giản đơn, đó là phương pháp nhiếp tâm, tỉnh giác để quán chiếu và thấy sự vật đúng như nó là. Trong phương pháp đó không hề có sự cầu khẩn, van xin đến một ai khác.
Phần lớn chúng ta không hiểu tại sao phép thiền định, ngồi một chỗ, hướng tâm vào bên trong mà lại phát sinh được tri kiến về thế giới. Ðó là sự ẩn mật muôn đời của phép thiền định, chỉ có ai nếm trải rồi mới biết, chư Phật chư Tổ có từ bi đến mấy cũng không thể giải thích cho chúng ta nghe. Nhưng có điều chắc chắn là đối với Phật giáo tri kiến đích thực chỉ phát sinh trong thiền định, “ở đâu có Phật giáo là có thiền định, ở đâu có thiền định là có Phật giáo”.
Phần lớn chúng ta cho rằng, muốn có tri kiến về sự vật, hãy đến với nó và phân tích nó. Ðó chính là nền tảng bất di bất dịch của nền khoa học xưa nay. Và muốn phân tích sự vật thì dụng cụ xuất sắc nhất của con người là khả năng lý luận phán đoán, vắng bóng nó con người rơi vào tôn giáo thần bí. Nền khoa học của chúng ta cũng có một định đề hẳn hoi về thế giới, đó là quan niệm về một thế giới khách quan, độc lập với con người, con người chẳng may có chết đi thì thế giới vẫn cứ trường tồn với thời gian. Với định đề đó, với dụng cụ đó, con người đã lên đường từ gần 400 năm nay để tìm “cái thấy cái hiểu” về thế giới và những thành tựu xuất sắc của nền vật lý làm ta thấy nhận thức đó hẳn phải đúng đắn. Với thời gian, con người có thêm một dụng cụ đắc lực nữa, đó là các thiết bị tinh vi để phát hiện, đo lường, tính toán các hiện tượng, chúng là những trợ thủ đắc lực cho óc suy luận.
Với khả năng hùng hậu đó, nền vật lý hiện đại của thế kỷ này đã đi sâu vào lĩnh vực vi mô cực nhỏ để phát hiện nền tảng cuối cùng của thế giới vật chất, một thế giới mà người ta cứ nhất định cho là nó phải được xây dựng từ các “hạt cơ bản”. Ðó cũng là một thứ định đề mà không ai trong ngành vật lý dám phủ nhận. Ngày nay sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm nguồn gốc cuối cùng của vật chất, ngành vật lý hiện đại đang ở trong một cuộc khủng hoảng về nhận thức luận. Ðó là, những hiện tượng trong thế giới vi mô đó không ăn khớp với lý luận của chúng ta, dạng xuất hiện của chúng mâu thuẫn lẫn nhau, hành tung của chúng tùy thuộc nơi cách ta quan sát chúng và quan trọng nhất, sự xuất hiện của vật chất hầu như phụ thuộc nơi ý thức con người. Hiện nay người ta ngờ rằng vật chất chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác, thực tại đó bao gồm toàn thể vũ trụ, trong đó có ý thức con người.
Trong nền vật lý hiện đại, thế giới hết là một thực thể khách quan, óc suy luận thuần túy đã bớt hiệu nghiệm, nó còn gì là khoa học, nó khác gì với tôn giáo? Người ta đi thêm một bước và thấy rằng, những gì mà nền vật lý đang khám phá và cảm nhận rất trùng hợp với những kết luận của các thánh nhân Phật giáo. Nhiều nhà vật lý nhận ra rằng, vũ trụ được mô tả trong Kinh Hoa Nghiêm là hoàn toàn trùng hợp với quan niệm đương thời của vật lý học và ngày nay có nhiều phát biểu về thế giới và vũ trụ mà người ta không biết của một nhà vật lý hay một nhà đạo học.
Trong một cuộc hội thảo gần đây tại Vienna (Aùo), có nhà vật lý dám đặt câu hỏi: “Nếu con người không ai nhìn mặt trăng cả thì liệu mặt trăng có tồn tại không?”. Ðiều đó có nghĩa, nhà vật lý không còn xem thế giới vật chất hoàn toàn độc lập với ý thức con người nữa, nó nằm trong một thể tương tác qua lại mà ngày nay ta gọi là “phi tuyến tính”. Cũng tại hội nghị đó, đại diện của Phật giáo là vị Ðạt-lai lạt-ma lại nói một cách rất khiêm tốn theo luận giải Trung quán: “Sự vật chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan với các sự vật khác”.
Ðiều cần kết luận nơi đây là phương pháp thiền quán của các nhà đạo học đã dẫn đến những “cái thấy, cái hiểu” mà ngày nay nền vật lý đang đối diện với những thiết bị tinh tế của họ. Tại sao một bên “nhìn vào bên trong”, bên kia “nhìn ra bên ngoài” mà cuối cùng lại có một kết luận như nhau? Chỉ còn một câu trả lời duy nhất là cả bên trong lẫn bên ngoài đều là những dạng xuất hiện của một nhất thể mà đạo Phật gọi là Chân như.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.