Bạn đang đọc Mùi Hương Trầm: Chương 5: Na-Lan-Đà, Đại Học Phật Giáo Đầu Tiên
Na-lan-đà cách Patna 70 cây số về hướng đông nam. Tôi từ Hoa Thị Thành, còn mang nặng ấn tượng của thành phố đó, đến Na-lan-đà một buổi sáng trời đẹp và bất ngờ thay, đây là một vùng đất xinh đẹp, cỏ cây tươi nhuận. Tại cổng vào Na-lan-đà có một biển đá đen trình bày tổng thể khu vực và viện đại học Phật giáo đầu tiên này được gọi là “phế tích” vì ngày nay tất cả hầu như chỉ còn nền đá.
Đây là viện Phật học đầu tiên của thế giới được xây dựng trong thế kỷ thứ hai sau công nguyên. Dưới triều đại Gupta thế kỷ thứ tư, Na-lan-đà trở thành một viện đại học thật sự. Liên tục 700 năm nơi đây được mở rộng và tu bổ mà mạnh nhất là trong thời nhà vua Harsa [606-647] và triều đại Pala (từ 750]. Suốt một thời kỳ khoảng 1000 năm, đây là nơi sản sinh hàng trăm luận sư danh tiếng nhất của Phật giáo. Trong thời kỳ cực thịnh có đến 10.000 tỉ-kheo tu học tại đây. Khoảng cuối thế kỷ thứ 12 Na-lan-đà bắt đầu bị tín đồ Hồi giáo tàn phá và năm 1235 hai tu viện cuối cùng bị hủy diệt và đó cũng là thời kỳ Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ.
Lòng tôi hân hoan không tả được khi thăm viếng phế tích này. Đó là một tổng thể những công trình xây dựng dài khoảng 500 mét theo trục nam-bắc. Bên mặt của trục chính là khoảng 10 tinh xá, ngày xưa đó là giảng đường và cũng là cư xá của các giảng sư hay lưu học sinh. Trong các giảng đường ta còn có thể nhận ra được bục giảng của giảng sư, sinh viên ngồi xung quanh dưới đất. Bên trái trục chính là nền đá của bốn ngôi đền lớn, ngày xưa được dùng làm thư viện và tháp thờ. Ngày nay tất cả đều chỉ là nền đá trơ trọi thế nhưng chúng gây biết bao lòng cảm khái và khâm phục cho người thăm. Bất ngờ và cũng đáng trân trọng thay, một xứ nghèo như Ấn Độ, nơi mà đạo Phật đã suy tàn gần mười thế kỷ mà một phế tích như Na-lan-đà lại được chăm sóc chu đáo. Ngày tôi đến, ở đây có một màu nắng êm dịu và và màu cỏ xanh nhắc tôi dường như đây vẫn còn sức sống.
Nói Na-lan-đà được xây dựng trong thế kỷ thứ hai là nói viện Phật học chứ thực ra trong thời Phật tại thế khu vực này đã là vùng đất thiêng. Nó chỉ cách Vương Xá 11 cây số về phía bắc và mỗi lần Phật rời kinh thành này của vua Tần-bà-sa-la đi lên miền bắc, Ngài thường nghỉ trong vườn xoài Pavarika ở đây. Đây cũng là quê hương của Xá-lợi-phất, vị đệ tử có “đại trí tuệ” và cũng là nơi ông chết. Đến thời A-dục vương, nhà vua đã cho xây một ngôi chùa tại đó và ba trăm năm sau, một nhà vua nước Ma-kiệt-đà tên là Sankraditya mới thành lập nơi đây viện Phật học.
Viện này không phải đợi lâu vì cũng trong thế kỷ thứ hai đó đã có một nhân vật kiệt xuất tên là Long Thụ [15] ra đời, đến Na-lan-đà tu học và về sau trở thành viện trưởng. Long Thụ là một trong những luận sư xuất chúng nhất của Phật giáo, Ngài được xem là đức Phật thứ hai, sự xuất hiện của Ngài là lần chuyển pháp luân thứ hai. Ngài là người chịu suy luận nhất của lịch sử Phật giáo, là người sáng lập Trung quán tông [16], đồng thời lại là vị tổ thiền thứ 14 của Thiền tông Ấn Độ truyền từ đức Thích-ca xuống.
[15] Nagarjuna
[16] Madhyamika
Tiếp nối truyền thống, sau Long Thụ là những thế hệ của giảng sư và luận sư danh tiếng như Thánh Thiên, Vô Trước, Thế Thân, Hộ Pháp, Trần Na, Giới Hiền giảng dạy. Thời đó Na-lan-đà đã là mẫu mực của tính khoa học cầu thị. Nơi đây 18 trường phái Phật giáo của thời kỳ đó đều được giảng dạy, từ vệ-đà, tiểu thừa, Duy thức, nhân minh cho đến các ngành khác như toán học, y học. Cả “giáo sư nước ngoài” cũng được mời dạy mà người nổi tiếng nhất lại là Huyền Trang. Ông tới đây học Duy thức với Giới Hiền [17], lúc đó vị thầy viện trưởng này đã 106 tuổi. Kẻ hành hương Trung Quốc này mô tả kiến trúc của các tinh xá và giảng đường với một lòng yêu mến và sự chính xác mà về sau các nhà khảo cổ phải thừa nhận là hoàn hảo [18].
[17] Silabhadra
[18] Xem Archaeological Survey of India, Report 1922-23
Đó là năm 637, khi Huyền Trang đến Na-lan-đà và thưa với Giới Hiền: “Con từ Trung Quốc đến và xin Ngài chỉ dạy triết lý Duy thức”. Giới Hiền khóc vì mừng rỡ và kể Huyền Trang nghe cách đây không lâu ông đã bị bệnh tưởng mình sắp chết. Đêm nọ ông nằm mơ thấy ba vị bồ-tát hiện đến, mặc ba màu áo khác nhau, vị mặc áo vàng, vị áo xanh thẩm, vị kia áo trắng. Đó là ba vị Văn-thù, Quán Thế Âm và Di-lặc và chỉ thị cho Giới Hiền phải sống tiếp và đợi một người từ Trung Quốc tới mà giảng dạy. Nơi đây Huyền Trang đã được truyền thừa trực tiếp triết học Duy thức, đã truyền từ Vô Trước, Thế Thân đến cho Trần Na [19], Hộ Pháp [20] và học trò của Hộ Pháp chính là Giới Hiền. Huyền Trang ở lại đây 15 tháng để học tập và hoàn thành bộ Thành duy thức luận [21], tổng kết mười vị đại luận sư [22] của Duy thức tông mà nói như Grousset là “tổng kết 700 năm tư tưởng Ấn Độ”.
[19] Dignaga
[20] Dharmapala
[21] Vijnaptimatratasiddhi
[22] Thập đại luận sư: Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Huệ, An Huệ, Nan-đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thắng Tử, Thắng Hữu, Trí Nguyệt
Ôi, thì ra Na-lan-đà là quê hương của hai trường phái vĩ đại của Phật giáo là Trung quán tông và Duy thức tông, một nói về tánh, một về tướng. Chẳng đâu khác, đó chính là nguồn gốc của triết học Phật giáo đại thừa mà ngày nay nó đã lan tỏa khắp thế giới, mà Việt Nam cũng đã tiếp thu.
Tôi nhìn quanh một vùng đất vắng vẻ, hôm nay không ai đến tham quan. Cảm động thay được đến nơi đây. Đây là nơi hàng chục ngàn người đã cầu nguyện và học tập, hàng chục thế hệ của thánh nhân đã giáo hóa, ánh sáng minh triết Phật giáo đã từ đây chiếu khắp bốn phương. Biết bao phép lạ đã xảy ra nơi đây, hỡi các cành cây ngọn cỏ đang rung rinh trong gió.
Tôi bỗng nhớ tới Tịch Thiên [23]. Ông là một cao tăng thuộc phái Trung Luận sống khoảng thế kỷ thứ 7, 8. Tương truyền ông là một vương tử nhưng thụ giới tỉ-kheo và đến Na-lan-đà học tập. Thế nhưng khi đồng môn chăm chỉ học hành thì ông chỉ biết ngủ. Na-lan-đà hồi đó là một học viện rất nghiêm khắc, đúng như Huyền trang kể: “…cả ngày các vị đều luôn luôn biện luận. Những ai không thể biện luận về kinh điển đều không được kính trọng và phải lẫn tránh vì xấu hổ…”.
[23] Santideva
Thế nhưng Tịch Thiên cũng chẳng chịu lẫn tránh và đồng môn dự định sẽ bêu xấu ông là “lười biếng” để ông phải bỏ viện ra đi. Tới ngày bị thử thách, ông lên giảng đường, tuyên bố sẽ giảng một bộ luận mới và sau đó tụng đọc tập Nhập bồ-đề hành luận [24]. Đến chương thứ chín, người ông bắt đầu bay lên khỏi ghế, lơ lửng trên không và qua chương cuối thì đồng môn chỉ còn nghe tiếng ông nói, thân ông biến mất. Về sau Tịch Thiên từ chối chức viện trưởng để vào rừng làm thợ săn. Bị chê trách phạm lỗi sát sanh, ông dùng thần thông cho thú vật sống lại và nói bài kệ:
[24] Bodhicaryavatara
Con nai trên bàn ăn,
chưa hề sống hề chết,
chẳng bao giờ vắng bóng.
Đã không gì là Ngã,
sao lại có thợ săn,
hay thịt của thú rừng?
Ôi người đời đáng thương,
mà các ngươi lại gọi,
ta là kẻ “lười biếng”.
Ngày nay, Nhập bồ-đề hành luận là kinh sách giáo khoa của Phật giáo Tây Tạng và cách hành xử của Tịch Thiên được dân chúng nơi đó yêu thích truyền tụng.
Sau Tịch Thiên vài trăm năm, cuối thế kỷ thứ 12, Na-lan-đà bị xóa tên trên xứ Ấn Độ. Có một đạo quân mang tên một giáo phái đã đến đây hủy diệt Na-lan-đà và cả xứ Ma-kiệt-đà. Mọi sự vật khi lên đến đỉnh cao của nó đều trở về với sự suy tận, đó là quy luật bất di bất dịch, Na-lan-đà cũng không tránh khỏi. Thế nhưng nơi đây ta có thể tự hỏi phải chăng một trong những nguyên nhân của sự suy tàn quá sớm của đạo Phật tại Ấn Độ là sự tập trung cao độ tại Na-lan-đà, sự tập hợp có tổ chức của tôn giáo thành những định chế có tính cách tăng lữ, nhất là lại được các vương triều ra sức hỗ trợ.
Đó là những nhân tố làm Phật giáo vướng vào quyền lực và chính trị, chúng là mầm mống của mọi tranh chấp và thảm họa. Tôi nhớ đến lịch sử Phật giáo Trung Quốc hay Tây Tạng thường bị bức hại sau một thời kỳ được các vương triều biệt đãi. Và trong thời đại ngày nay chế độ tăng lữ của Phật giáo Tây Tạng đang lâm tai họa lại thêm một lần nữa minh chứng cho suy nghĩ này. Hãy làm theo Tịch Thiên vào rừng làm thợ săn hay như Gampopa, bỏ tu viện cao quí đi tìm Milarepa nơi chỗ độc cư hẻo lánh. Lời Lão Tử vang vọng lại với tôi ngày hôm đó tại Na-lan-đà “Vật mạnh lớn ắt già, Ấy là trái Đạo, Trái Đạo mất sớm” [25].
[25] Vật tráng tắc lão, Thị vị bất Đạo, Bất Đạo tảo dĩ (Việt dịch Nguyễn Duy Cần)
“VUI ĐẸP THAY THÀNH VƯƠNG XÁ” [26]
[26] Lời Phật Thích-ca
Từ Na-lan-đà đi về phía nam khoảng 11 km là đến Vương Xá, tức Rajagaha, ngày nay tên là Rajgir. Đến Vương Xá không mấy ai ngờ ngày xưa đây là kinh đô của nhà vua Tần-bà sa la, nơi mà đức Phật thường đi khất thực. Ngày nay Vương Xá là một thị trấn nhỏ đầy bụi bặm như mọi nơi tại Ấn Độ, cách xa thị trấn vài cây số đã là đồng không mông quạnh.
Đây là Vương Xá sao, nơi mà đức Phật từng gọi là “vui đẹp”? Ngày xưa nó là kinh đô của Ma-kiệt-đà, là nơi mà Phật Âm [27] mô tả là có 32 cửa chính và 64 cửa phụ. Từ trước công nguyên, sau khi A-xà-thế dời đô đi Hoa Thị thành thì Vương Xá đã suy tàn.
[27] Buddhaghosa
Kinh thành Vương Xá của nhà vua ngày xưa được xây một cách hiểm yếu, xung quanh là ba núi vây bọc. Dọc trên các đỉnh núi đó nhà vua còn cho xây các trường thành mini, tương tự như vạn lý trường thành Trung Quốc để chống ngoại xâm. Người thực hiện các trường thành đó không ai khác hơn là A-xà-thế, lúc ông chưa phản lại vua cha. Chắc là quá ngán ngẩm chuyện xây 40 cây số trường thành, về sau A-xà-thế bỏ Vương Xá, dời đô đi Hoa Thị Thành. Ngày nay khách đến Vương Xá thì sẽ thấy phía bắc của Vương Xá cũ có một thị trấn nhỏ với một ga xe lửa, còn thành Vương Xá thuở xưa ngày nay không còn ai ở. Tôi đi theo sườn núi với lòng u hoài, đúng như tâm sự của Huyền Trang vì lúc ông đến đây thì Vương Xá cũng đã đổ nát. Chỗ mà ngày xưa Phật đi khất thực bây giờ là một con đường chạy giữa hai vách núi, thưa thớt những bụi cây con và đầy cỏ dại.
Ngày xưa người du sĩ mang tên Cồ-đàm, lúc chưa đắc đạo đã từng đi ngang Vương Xá. Nhà vua Tần-bà-sa-la, người trẻ hơn Phật năm tuổi biết du sĩ này có dòng dõi vương tước, có phẩm cách cao quí mới đề nghị nhường một phần đất Ma-kiệt-đà để cùng trị vì. Thật là chuyện đời xưa mới có! Dĩ nhiên là người du sĩ Cồ-đàm từ chối. Dù đó là chuyện hiếm hoi nhưng có lý vì không lẽ kẻ du sĩ đã bỏ ngai vàng tại nước mình đi khoảng hơn sáu trăm cây số để nhận một ngai vàng khác. Nhớ rằng ngày xưa sáu trăm cây số đi cả vài tháng mới tới.
Nghe vậy, Tần-bà-sa-la mới thỉnh cầu Cồ-đàm sau khi đắc đạo hãy trở về thăm ông. Đức Phật nhận lời và về sau Ngài tới Vương Xá rất thường xuyên và nhà vua cũng tặng Ngài một ngôi vườn trồng toàn tre tên là Trúc Lâm (Veluvana), chỗ này có rất nhiều sóc. Vườn Trúc Lâm tại Vương Xá là chỗ ở thân thiết của Phật nên ta hay gặp trong các tập Bộ kinh đoạn sau đây: “Một thời đức Thế Tôn ở tại Vương Xá, trong vườn tre Veluvana, chỗ nuôi dưỡng sóc…”.
Phật giảng nhiều bài kinh tại đây, thường là trong buổi sáng sớm. Trong các tập Bộ kinh thỉnh thoảng ta còn thấy câu: “Đức Thế Tôn thấy quá sớm để vào thành Vương Xá khất thực nên…”. Hình như kinh thành vương giả quen dậy muộn, Phật thấy ra đi khất thực “quá sớm” nên thỉnh thoảng Ngài dành thì giờ đi thuyết giảng cho kẻ tầm đạo mà ngày nay người ta tìm thấy nội dung trong các bài kinh.
Tôi tìm đến vườn tre Trúc Lâm nằm phía bắc của Vương Xá, ngày nay khu vườn được nhà nước Ấn Độ cho rào bọc cẩn thận. Trong vườn hiện còn một hồ nước trong xanh, hồ này được Huyền Trang ghi trong ký sự cách đây 13 thế kỷ. Hồ này chính là hồ Kalandaka, nơi đức Phật thường tắm. Trong vườn, đường lối ngay ngắn, hoa lá xinh đẹp và tôi chợt thấy lòng mình an bình vô hạn. Tại một nơi trong vườn hiện còn một số bụi tre lớn nửa xanh nửa vàng, mang lá dày đặc. Theo Schumann [28] nơi đây người ta tìm thấy di tích của một số tháp xây trong thế kỷ thứ 10, kỷ niệm chòi tranh ngày xưa Phật lưu trú.
[28] H.W.Schumann, Auf den Spuren des Buddha Gotama, Walter Verlag 1992.
Thời đó vua Tần-bà-sa-la có một vị ngự y tên là Jivaka, vị bác sĩ này được nhà vua chỉ thị chăm nom sức khỏe cho tăng đoàn và JIvaka cũng tặng cho Phật một vườn xoài mang tên Jivakambavana. Vườn xoài của Jivaka kiên cố hơn vườn tre vì ngày nay tôi còn tìm thấy nền đá. Tuy gọi là “vườn xoài” nhưng đây phải là một công trình xây dựng to lớn và kiên cố gồm nhiều hành lang dài và hẹp mà ngày nay ta thấy những nền đá với bề ngang gần một mét. Theo Schumann thì ngày xưa, trên những hành lang hẹp đó là mái bằng đất hình vòm nằm trên những thân tre uốn vòng.
Theo tương truyền nhà y sĩ Jivaka mới đầu rất dè dặt với đức Phật. Phải chăng đó là cái bệnh của người trí thức xưa nay đối với các vị đạo sư tâm linh, nhưng không bao lâu sau, ông là một cư sĩ hết sức nhiệt thành. Trong Trung bộ kinh, tôi bắt gặp kinh Jivaka với câu mở đầu: “Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú tại Vương Xá, tại vườn xoài của Jivaka Komarabhacca…”. Người đến hỏi chuyện lần đó không ai khác hơn là nhà y sĩ của chúng ta. Đúng nghiệp vụ của mình, ông hỏi Phật lúc nào thì được ăn thịt.
Sau khi nghe giảng pháp, nội dung thâm sâu hơn hẳn chuyện ăn uống, ông phấn khởi xin Phật nhận làm cư sĩ và “từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng”. Hay thay đặc tính của người trí thức xưa nay, chưa hiểu thì dè dặt, hiểu rồi thì có nhiệt tâm. Người ta cho rằng chính tại vườn xoài này mà Jivaka đã chữa bệnh cho các tỉ-kheo và một số toa thuốc của ông đã được ghi lại trong kinh tạng Pali. Jivaka cũng cho bệnh nhân tắm suối nước nóng nằm ngay tại Vương Xá. Trong ký sự, Huyền Trang viết lúc ông đến thì còn khoảng mười suối nước còn nóng. Sau 25 thế kỷ, ngày nay nước vẫn còn nóng, lúc tôi đến thì còn thấy biển quảng cáo tân thời mời du khách tắm nước nóng.
Xúc động nhất cho tôi tại Vương Xá là lúc đến thăm nền cũ của cung điện Tần-bà-sa-la. Nhà vua là người tặng Phật nửa nước nhưng Ngài không lấy, còn khi ông tặng con A-xà-thế cả ngai vàng thì A-xà-thế vẫn chưa an tâm, giam cha mẹ vào ngục tối. Từ cung điện này, may thay Tần-bà-sa-la vẫn thấy được núi Linh Thứu cách đó không xa. Trong những ngày cuối đời của ông, tương truyền rằng Phật Thích-ca đã dùng thần thông vào ngục giảng pháp cho vua và hoàng hậu. Là một người nhiệt tâm và đã trải qua nhiều thăng trầm cay đắng, hẳn ông thấm đượm giáo pháp của Ngài dễ như “tấm vải sạch sẵn sàng ăn thuốc nhuộm” [30] và huyền sử kể rằng sau khi chết, ông sinh ngay vào trời Tứ Đại Thiên vương.
[30] Cách nói Phật hay dùng chỉ những người sẵn sàng tiếp thu
Vương Xá là nơi Phật gặp gỡ những đệ tử quan trọng nhất của tăng già, đó làø Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Đây là hai vị đại đệ tử, Xá-lợi-phất được xem là trí huệ đệ nhất, vị kia là thần thông đệ nhất. Hai vị này là bạn thân với nhau, cùng xuất thân từ dòng dõi Bà La môn và cùng gia nhập tăng già. Vị trí huệ đệ nhất Xá-lợi-phất vốn là người rất hay nghi kỵ các giáo pháp. Trước khi gặp Phật xin quy y, Xá-lợi-phất gặp một tỉ-kheo tên là A-thuyết-thị [31] và ngạc nhiên trước phong độ của vị này. Xá-lợi-phất hỏi thầy của A-thuyết-thị là ai, đó là cách hỏi thông thường thời đó. A-thuyết-thị trả lời bằng bốn câu kệ:
[31] Assaji
Các pháp nhân duyên sinh
Cũng theo nhân duyên diệt
Nhân duyên sinh diệt này
Phật đại sa môn thuyết.
Vốn là người từng suy tư về pháp, Xá-lợi-phất trực ngộ lí “có sinh có diệt” này của bốn câu “Duyên khởi kệ” và rủ Mục-kiền-liên xin gặp ngay vị “đại sa môn”. Chuyện đó diễn ra tại Vương Xá. Về sau cả Xá-lợi-phất lẫn Mục-kiền-liên đều mất trước Phật và hi hữu thay hai vị đều chết tại Vương Xá cả. Trong nhiều chùa có khi ta thấy tượng Phật với tả hữu hai bên là hai vị tôn giả này.
Đức Phật cũng gặp nhiều vị cư sĩ nhiệt thành tại Vương Xá, trong số đó ta đã biết Tần-bà-sa-la. Một vị khác rất quan trọng là Cấp Cô Độc [32] mà trong một chương sau sẽ được nói rõ hơn. Thế nhưng Phật không chỉ gặp những người yêu mến Ngài, Phật cũng có kẻ thù mà sự việc cũng xảy ra tại Vương Xá. Người đó là Đề-bà đạt-đa [33]. Ông là em họ của Phật, gia nhập tăng già và trở thành một thành viên quan trọng.
[32] Anathapindika
[33] Devadatta
Khoảng 8 năm trước khi Phật nhập diệt, ông muốn thống lãnh tăng già nhưng Phật không chấp nhận. Ông tìm cách giết Phật nhưng không thành. Hãy đọc lại ký sự của Huyền Trang lúc đến thăm Vương Xá, kể về những nơi chốn lịch sử này: “Ngoài cửa thành Vương Xá về phía bắc có một ngọn tháp. Chính chỗ này Đề-bà đạt-đa và vua A-xà-thế sau khi giao hữu với nhau đã thả con voi say để hại đức Phật…Phía đông ngôi chùa [34] là một tảng đá rất to, chính chỗ này Đề-bà đạt-đa xô đá hại Phật…”.
Tôi đến đây và thấy lại tảng đá này! Ôi thời gian đã trôi đi 25 thế kỷ nhưng những điều tưởng chừng như huyền thoại vẫn còn. Bao nhiêu điều đã xảy ra trong thị trấn bé nhỏ này. Suốt một thời gian hơn 50 năm, từ lúc vị du sĩ Cồ-đàm đi ngang đây cho đến ngày triệu tập hội nghị kết tập lần thứ nhất, tất cả những điều đó đều xảy ra cũng tại nơi đây. Ngày nay có thể có khách đi ngang đây mà không hề biết lịch sử của nó vì Vương Xá chỉ là một con đường nhựa nhỏ chạy giữa hai sườn núi trơ trọi. Vương Xá cũng đã theo “nhân duyên” mà diệt.