Bạn đang đọc Mùi Hương Trầm: Chương 22: Đức Hạnh Cao Quí
“Kongpo là một tỉnh ở miền Nam Tây Tạng mà dân vùng đó có tiếng là chỉ có tín tâm, không mấy người có trình độ hiểu biết.Trong số các tu viện Tây Tạng thì “Jokhang” tại Lhasa là thiêng thiêng hơn cả. Trong đền có một tượng Phật rất xưa, trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu và được mang tên là Jowo [1]Rinpoche (Đức hạnh cao quí). Tượng Phật này được mang từ Trung quốc qua Tây Tạng cả ngàn năm trước và là phẩm vật của một công chúa lấy một nhà vua Tây Tạng thời đó.
[1] – Có nơi ghi là “Jobo”. Từ Tây Tạng phiên âm ra tiếng la-tinh thường thường mỗi nơi mỗi khác
Ben, một thanh niên vùng quê Kongpo, suốt đời mơ ước được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đền Jokhang và của tượng Phật thiêng thiêng nhất Tây Tạng. Một ngày kia, Ben đượÏc lên đường đi Lhasa để tận mắt được chiêm bái thánh địa này.
Sau một chuyến đi khổ nhọc, cuối cùng Ben đến kinh đô Lhasa, đi như người bị hớp hồn trong các con đường của “thành phố chư thiên” này…Nhìn thấy điện Potala, Ben thật xúc động, đó là nơi mà đức Quán Thế Âm đang hiện tiền dưới dạng của vị Đạt-lai lạt-ma. Đáng xem thay, dòng người vô tận đang đi vòng xung quanh điện Potala! Thật là tuyệt vời, vẻ đẹp của điện Norbu Lingka, cung điện mùa hè của vị nguyên thủ quốc gia, với bao nhiêu chạm trổ và các bảo tháp đầy tính nghệ thuật. Cũng không được bỏ qua các tu viện đáng quí trọng nhất như Sera và Drepung, nơi đào tạo tăng sĩ.
Ben nhủ thầm: “May mắn thay cho ta, đời ta còn có thể thấy được những nơi này”. Sau đó Ben vào đền Jokhang và kìa, tượng Jowo Rinpoche trong thế ngồi liên hoa, to như người thật và toát ra một cảm giác tôn quí thầm lặng mà vĩ đại. Ben quì lạy trước bức tượng ba lần, nhưng lần nào cũng hầu như mắc kẹt với đôi ủng cũ kỹ và chiếc mũ đầy bụi của Ben cứ rơi xuống đất.
Ben cởi ủng, cầm mũ, đặt lên lòng bức tương đang mỉm cười yên lặng và nói: “Hỡi Jowo Rinpoche, hãy coi chừng dùm các thứ này để cho con yên tâm tiếp tục chiêm bái”. Ben đi chân không vòng quanh bức tượng vàng, vui thích ngắm hàng chục ánh đèn dầu trên bục tượng và đủ các loại bánh trái để bên cạnh. Ben cám ơn đức Phật toàn trí và dưới lòng từ bi tỏa sáng của Jowo Rinpoche, Ben mạnh dạn lấy bánh, nhúng vào dầu thắp đèn và ăn ngon lành. Đáp lại lòng từ bi của Phật, Ben hứa thành tiếng sẽ đón Phật bất cứ lúc nào tại Kongpo. Vì làm nghề mổ heo, Ben hứa sẽ mổ con heo mập mạp nhất, cho đủ thứ gia vị để chiêu đãi Phật. Ben đâu biết rằng đạo Phật chủ trương không giết hại loài vật và hoàn toàn tin rằng lời mời của mình sẽ được Phật nhận lời.
Ngay lúc đó thì cửa mở toang, vị sư già giữ đền bước vào. Vị sư đứng sững người nhìn đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ rách nát trên lòng đức Phật và nhìn thấy bột bánh đang dính vào râu của Ben.Vị sư giận giữ chụp đôi ủng và chiếc mũ trên lòng tượng Phật, bỗng một tiếng nói huyền bí cất lên: “Dừng tay, các thứ này của đứa học trò yêu quí của ta xứ Kongpo!”.Vị sư run bắn người, đi lui mười bước. Ông nằm dài xuống đất và xin tượng tha thứ sơ suất của mình. Sau đó ông rút lui, để Ben ở lại một mình trong phòng, để cho chàng thanh niên này tiếp tục nói chuyện theo cách riêng của anh ta với vị “Đức hạnh cao quí”.
Sau đó Ben về lại với gia đình tại Kongpo, nhưng tin đồn bức tượng nói chuyện với chàng đã về đến trước. Khi có ai hỏi gì về tin đồn đó, Ben chỉ nói lơ: “Ôi, thời buổi này chẳng biết tin nào đúng tin nào sai”. Người ta kể thêm rằng, bức tượng quả nhiên đã nhận lời mời của chàng Ben thật thà và hiện ra trước mắt chàng trong một dòng suối gần nhà. Ben thò tay vào nước vớt tượng lên và mang bức tượng đi được một vài bước, nhưng cuối cùng vì tượng nặng quá nên Ben để Phật rơi xuống đất. Tượng chìm xuống đất cả thước và mọi người đều có thể chiêm ngưỡng bức tượng đó.Đến ngày hôm nay, dân làng Kongpo vẫn còn đi vòng quanh hố đất với dấu tích của Jowo đang mỉm cười và lạy tượng bằng cách cúi đầu sát đất. Đền Jokhang ở kinh đô Lhasa có thể rất xa nhưng người biết chuyện tin rằng vị “Đức hạnh cao quí” thì ở rất gần họ” [2].
[2] – Trích “The snow lions turquoise mane” của Surya Das, bản dịch “Sư tử tuyết bờm xanh” của tác giả, Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh, 1999.
Khi dịch câu chuyện này, lòng tôi xúc động vì một lẽ: ai cũng có thể đến với đức Phật cả, đạo Phật không có lệ tuyển sinh. Chàng Ben có thể nhờ Phật coi chừng đôi ủng dơ bẩn và chiếc mũ đầy bụi của mình, chàng vô tư mời Phật về nhà để chiêu đãi con heo mập mạp nhất. Phật nhận lời và nghiêm túc giữ đồ cho chàng, vui vẻ nhận lời mời về thăm chàng, trong lúc Ben không biết tí gì về đạo Phật, cả chủ trương cấm sát sinh cũng không. Phật ra đời vì “nhân duyên lớn”, để đến với thế gian, đến với những người cần đến mình, không hề phân biệt ai hơn ai kém.
Ngài đến cuộc đời không chỉ vì Xá-lợi-phất đại trí mà vì tất cả mọi ai còn bị vô minh vây phủ. Không có sự chọn lọc ai mới được là đệ tử của Ngài, ai cũng có quyền xem Ngài là thầy cả, ai cũng có quyền mời Ngài về nhà. Còn sự bình đẳng nào lớn hơn? Giáo pháp thâm sâu của Phật thì không mấy ai hiểu ngộ, chỉ dành cho các vị đại thượng trí, còn lòng từ bi của Ngài thì lan tỏa vô phân biệt như ánh mặt trời, đó là cảm nhận của tôi.
Tôi tìm hiểu thêm về nội dung câu chuyện hóm hỉnh này và khám phá thêm nhiều điều mới mẻ. Nhà vua Tây Tạng lấy công chúa Trung Quốc được kể trong truyện là một vị vua tên là Tùng-tán Cương-bố [3], ông trị vì khoảng từ 617 đến 649 sau công nguyên. Ông lên ngôi năm 13 tuổi và chính là người kiến tạo kinh đô Lhasa. Các đời vua trước ông đóng đô ở lũng Yarlung, trên bờ sông Tsangpo, cách Lhasa khoảng 90km về hướng đông nam. Tùng-tán Cương-bố đã thiết lập nên một nước Tây Tạng hùng mạnh, trải dài từ nam Mông Cổ đến chân Hy-mã lạp-sơn. Nhiều nhà Phật học [4] so sánh Tùng-tán Cương-bố với A-dục-vương của Ấn Độ sống mười thế kỷ trước đó.
[3] – Tùng-tán-cương-bố. Có tài liệu cho rằng ông sinh cuối thế kỷ thứ 6 và mất năm 650, thọ 82 tuổi
[4] – Xem Lịch sử Phật giáo thế giới của Thánh Nghiêm, Nhà xuất bản Hà Nội 1995
Đầu tiên nhà vua Tùng-tán Cương-bố cầu hôn công chúa Nepal, con vua Amsuvarman thời đó và được nhận lời. Nàng Bhrkuti lên đường đi Tây Tạng, mang theo tượng Bất Động Như lai [5], đến xứ đầy tuyết lạnh vắng người, trong đó chưa mấy ai biết đến đạo Phật. Bhrkuti được dân Tây Tạng yêu mến, được gọi là Belsa hay Trisung, có nghĩa “bà hoàng Nepal”. Sau Bhrkuti, Tùng-tán Cương-bố lại cầu hôn một công chúa khác, đó là nàng con gái Văn Thành của nhà vua Đường Thái Tông của Trung Quốc.
[5] – Aksobhya
Đường Thái Tông vốn là nhà vua mộ đạo lý, là kẻ đã tha tội vượt biên của Huyền Trang và hỗ trợ cho ông hoàn thành công trình dịch kinh. Thái Tông gọi người Tây Tạng là “Thổ Phiên”, chê “man di”, không chịu gả con, lấy cớ đã hứa gả công chúa cho nhà vua nước Thổ Cốc Hồn [6]. Tùng-tán Cương-bố liền đánh đuổi Thổ Cốc Hồn, đem quân đến tận Tùng Châu đe dọa Thái Tông. Ông cho người gửi đến cho Thái Tông một phẩm vật đặc biệt, đó là một thứ vũ khí được dát bằng vàng, yêu cầu nhà vua Trung Quốc “suy nghĩ lại”.
[6] – Tu-yu-hun, bộ lạc ở bắc Trung Quốc.
Cuối cùng Thái Tông đồng ý, cho Văn Thành lên đường đi Tây Tạng, đó là năm 640. Vì việc này mà Trung Quốc rất ức Tây Tạng, gọi biến cố đó là “Thổ Phiên nhập khấu” (Thổ Phiên vào cướp). Văn Thành mang theo về nhà chồng một bức tượng “trình bày Phật Cồ-đàm hồi còn niên thiếu”, đó là một bức tượng của thái tử Tất-đạt-đa. Văn Thành cũng được dân Tây Tạng yêu mến, được gọi là “bà hoàng Trung Quốc”.
Tùng-tán Cương-bố và hai nàng công chúa không phải người thường. Nhà vua được xem là hiện thân của Quán Thế Âm, đến Tây Tạng để tạo cơ duyên cho giáo pháp. Trong thế kỷ thứ bảy, lúc tại Trung Quốc, Phật giáo ở trong thời đại hoàng kim vào đời nhà Đường thì triều đại của Tùng-tán Cương-bố là kỷ nguyên mở đường cho giáo pháp vào Tây Tạng. Hai “Bà hoàng” đều là hiện thân của nữ thần Tara, vị bồ-tát được dân Tây Tạng tin tưởng. Tara được xem được sinh ra từ “nước mắt” của Quán Thế Âm, nàng công chúa Nepal là nữ thần Tara sắc lục, Văn Thành của Trung Quốc là vị Tara sắc trắng. Nhờ các tượng Phật của hai nàng công chúa mang đến mà các ngôi đền được xây dựng, đó là cơ sở vững chắc đầu tiên của đạo Phật.
Dù Văn Thành là người thường hay hiện thân của bồ tát, nàng đã mang lại cho Tây Tạng một báu vật còn được gìn giữ đến ngày nay, đó là bức tượng Tất-đạt-đa. Bức tượng này chính là Jowo Rinpoche (Đức hạnh cao quí), được thờ trong một ngôi đền tại Lhasa. Đền này mới đầu được gọi là Trülnang, về sau mang tên Jokhang. Đó là ngôi đền và bức tượng được kể trong đầu chương này.
Đền Jokhang ngày nay vẫn còn và ai cũng được chiêm bái vị “Đức hạnh cao quí”, người không phân biệt ai là vị đại trí Xá-lợi-phất, ai là chàng Ben thật thà miền quê Kongpo, là người nhận lời mời thọ thực của một ông đồ tể. Đức hạnh cao quí đã thể hiện thành tâm vô phân biệt. Đó là lý do chính thôi thúc tôi tìm đường đến Lhasa Tây Tạng để đảnh lễ Tất-đạt-đa.
TỔ TIÊN TÂY TẠNG
Nếu ngày trước Govinda hay David-Néel đi Tây Tạng rất khổ nhọc thì ngày nay người ta đến xứ này tương đối dễ dàng, nhất là thủ đô Lhasa. Khách có thể từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay đi Lhasa, mỗi tuần hai chuyến. Nhưng cách đi hay nhất là đến Thành Đôâ, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, từ đây khách có thể dễ dàng đi thăm viếng Tây Tạng. Muốn đến Thành Đô ta có thể lấy máy bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải nhưng tiện nhất cho khách nước ngoài là từ Bangkok. Ngày nay mỗi ngày có một chuyến bay Bangkok-Thành Đô bằng đường bay South West Airlines của Trung Quốc, thời gian bay khoảng gần ba tiếng đồng hồ. Thành Đô lại là kinh đô nước Thục ngày xưa, là nơi khách có thể tham quan Nga Mi sơn, Lạc sơn, nên đến Thành Đô, khách có thể phối hợp nhiều lộ trình tham quan hết sức thú vị [8].
[8] – Xem chương “Nhân kiệt không đời nào thiếu” trong phần thứ ba
Từ Trung Quốc khách có thể đi Tây Tạng nhưng phải có giấy phép đặc biệt. Vì thế hầu như tất cả mọi người đều phải đi trong các tour do các văn phòng du lịch tổ chức. Thành Đô là nơi tập trung khách đi Lhasa vì từ đó mỗi ngày có một chuyến bay với South West Airlines. Từ Bắc Kinh, Trùng Khánh cũng có chuyến bay đi Lhasa nhưng mỗi tuần chỉ hai ba chuyến không đáng kể.
Từ Thành Đô đi Lhasa, tôi bay từ đông sang tây. Ra khỏi Thành Đô không bao lâu một vùng núi non bát ngát đã xuất hiện, đó là lưng dựa hiểm yếu của nước Thục ngày xưa. Vùng núi non thỉnh thoảng được cắt bởi những hẻm sâu vực thẳm mà một trong những hẻm núi hiểm trở đó là thượng nguồn sông Cửu Long. Ôi, đã có một ngày tôi được bay trên đầu nguồn Cửu Long. Từ Thành Đô ta còn có một con đường bộ đi Lhasa. Tuyệt diệu thay nếu đời tôi được đi con đường đó, con đường băng núi bạt ngàn vượt qua vùng Đông Tây Tạng với những trang huyền sử. Con đường đó cũng dẫn đến suối nguồn của Cửu Long Giang mà tôi mơ ước được một ngày nếm vị ngọt của nó.
Hôm nay tôi sẽ đến Lhasa, “thành phố của chư thiên”, nằm trên độ cao 3685m. Trên độ cao này không khí đã khá loãng, tôi chịu nổi không? Tôi đã lên Zugspitze, đỉnh cao nhất nước Đức chưa đầy 3000m, đã đến Nga Mi sơn cao khoảng 3100m. Thế thì Lhasa phải là chỗ cao nhất xưa nay tôi chưa đến, độ cao của nó vượt hơn đỉnh Hoàng Liên sơn của ta khoảng nửa cây số. Tây Tạng là một một xứ sở kỳ dị, lớn rộng như Tây Âu, độ cao trung bình của nó khoảng 4500m. Dân của họ hết sức thưa thớt, quen sống vùng rẻo cao, ít người xuống được bình nguyên. Nguồn gốc của họ là từ đâu?
Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci [9] nói, “không có bao nhiêu dữ liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo”. Thế nhưng nhiều nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển! Cách đây khoảng 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa châu Á mà đội lên thành Hy-mã lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế mà ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ Tây Tạng là hồ nước mặn.
[9] – Xem thêm “Tibetan Buddism” của Sangharakshita, sách đã dẫn
Tổ tiên người Tây Tạng, theo lời của chính họ, là một con khỉ! Con khỉ đó không phải tầm thường, nó là một hiện thân của Quán Thế Âm, tìm đến một hang động lạnh lẽo trên núi cao để thiền định. Thế nhưng gần đó có một nàng ma nữ, gặp khỉ nàng khóc lóc than thở về mối cô đơn hiu quạnh của mình. Động lòng từ bi, khỉ chịu chung sống với ma nữ và sinh sáu người con và đó là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Ngày nay người Tây Tạng vẫn tự thấy mình là sự tổng hợp của lòng từ bi dịu hiền của khỉ và sự lì lợm tham lam của ma [10].
[10] – Theo “The door of liberation” của Geshe Wangyal. Chuyện này được Đạt-lai lạt-ma thứ 14 nhắc lại trong “The Dalai Lama at Harvard” của Hopkins
Tây Tạng có một số lượng dân cư hết sức thưa thớt. Thủ đô Lhasa ngày xưa, trước khi Trung Quốc xâm nhập năm 1959, chỉ có khoảng 30.000 dân. Thành phố lớn thứ hai là Shigatse với khoảng 12.000 dân, thứ ba là Gyantse với khoảng 8000 dân. Toàn bộ dân tộc Tây Tạng chỉ gồm khoảng 5-6 triệu dân. Có lẽ không ai quan tâm đến dân tộc này và chỉ xem họ chỉ là một chủng tộc hoang sơ sống trên rẻo cao nếu Tây Tạng không có một nền văn hóa độc đáo.
Trong nền văn hóa vô song đó đạo Phật đóng một vai trò chủ đạo, nhưng đạo Phật tại đó cũng không còn là Phật giáo Ấn Độ, cũng chẳng phải là Phật giáo Trung Quốc, mặc dù mối liên hệ với hai vùng văn hóa đó hết sức mật thiết. Từ một xứ sở tưởng chừng như hoang sơ đó đã sinh ra và phát triển thành một trường phái Phật giáo thâm sâu, vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông ảo diệu. Đến thời đại hiện nay Phật Giáo Tây Tạng tương đối còn sức sống trong lúc Phật Giáo tại Ấn Độ và Trung Quốc đã suy tàn.
Máy bay hạ dần độ cao, bay ngược dòng một dòng sông có chiều dài tổng cộng khoảng 2900km. Bên trái dưới máy bay là dòng sông Yarlung Tsangpo, một dòng sông anh em của Trường Giang, Hoàng Hà, Cửu Long. Nguồn của nó là dưới chân Ngân Sơn, ở miền tây Tây Tạng. Đối với Tây Tạng, Tsangpo cũng quan trọng như Trường Giang với Trung Quốc. Nó phát nguồn từ một mạn-đà-la vĩ đại quanh Ngân Sơn [11], tên của nó có nghĩa “chảy từ hàm ngựa”, chảy từ đông qua tây, bọc quanh một ngọn núi tuyết cao trên 7700m rồi thẳng đường phía nam, lúc này nó mang tên Brahmaputra, xuyên qua Bangladesh chảy ra Ấn Độ dương.
[11] – Xem chương “Con sông thiêng” trong phần thứ nhất
Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Theo truyền thuyết, một ngày nọ trong năm 313 trước công nguyên, có một vương tử Ấn Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy-mã lạp sơn. Đó là thời kỳ hùng mạnh của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có lẽ vị vương tử này vì thế mà lánh nạn chăng. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử may mắn này đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.
Khi Nyatri Tsenpo chết thì huyền sử chép “theo một sợi dây mà lên trời”và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Thế nhưng đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì “dây dứt”, nhà vua này được chôn tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371 sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, “trên trời bỗng rơi xuống nóc điện nhà vua”kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu được kinh sách. Đó chính là vị Tùng-tán Cương-bố nói trong chương trước.
Tùng-tán Cương-bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những “đọc và hiểu” kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố “Thập thiện” và “Thập lục yếu luật” để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.