Đọc truyện Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ – Chương 27: Duyên phận kỳ diệu
Trình Nặc đặt điện thoại xuống, nói: “Mấy tấm ảnh này tôi muốn đăng lên weibo, anh không ngại chứ?”
Tông Lãng nói không ngại, Trình Nặc đành phải chụp cho anh mấy tấm. Chụp xong thì nhớ ra chuyện lắp camera ở tiệm nhỏ, bèn hỏi hỏi anh: “Chủ tiệm có nói là đã nhờ anh lắp hộ camera đúng không?”
Tông Lãng cười gật đầu, “Đúng là có chuyện như vậy.”
“Chủ tiệm nhờ tôi đốc thúc anh giúp anh ấy, sợ anh quên.” Nói xong lại nhớ tới chuyện ngày hôm qua, giọng dần nhỏ đi.
Anh cười khẽ, “Em không nói thì đúng là anh quên mất, thiết bị đã được đưa tới, hôm nay kết thúc công việc thì sẽ đi lắp ngay. Còn phải nhờ em giúp nữa, một mình anh không được.”
Nể mặt chủ tiệm, Trình Nặc gật đầu nói: “Được.”
Chụp ảnh xong, thuận tay chọn mấy tấm post lên weibo, sau đó Trình Nặc vội vã đi nấu cơm. Hôm nay làm món vịt om bia, mua một con vịt to chặt thành miếng, rán cho ra mỡ rồi lật lui lật tới ở trong nồi để da cháy vàng xém, sau đó lại đổ hết một chai bia vào, lại thêm hồi hương, gừng, tỏi, rượu gia vị và muối, om nhỏ lửa từ từ là được.
Bạch Nguyên đã gửi số điện thoại cửa hàng bán gạch lát nền cho cô, Trình Nặc nhân lúc thời gian rảnh mà gọi điện thoại, hỏi địa chỉ, ghi nhớ lấy. Cô tính hai ngày tới sẽ lên thành phố một chuyến, mua hết gạch về.
Lúc ăn cơm trưa, Trình Nặc hỏi chú La có thể mua cửa sổ ở tường ngoài sân chỗ nào.
Chú La suy nghĩ một lúc, nói: “Trước kia trấn trên có làm, nhưng vài năm nay lại không thấy nữa.”
Chú Lưu cũng lắc đầu, “Hiện tại không còn ai dùng thứ này nên cũng không dễ mua.”
Trình Nặc lại nhìn sang Tông Lãng, anh cũng lắc đầu. Trình Nặc thất vọng, cô rất thích những khung cửa kia, nếu sửa tường ngoài sân mà không lắp lại cửa sổ thì cứ cảm thấy sẽ thiếu thiếu cái gì đó. Lại hỏi chuyện cổng sân, chú La nói chú làm được, có thể dùng số gỗ lần trước dỡ vách ngăn còn dư lại đấy. Cuối cùng cũng giải quyết được một chuyện, lại còn có thể tiết kiệm tiền mua cổng.
Buổi chiều tiếp tục xây tường, song tốc độ chậm hơn buổi sáng rất nhiều, bởi vì phải chừa lại vị trí lắp cửa sổ. Cũng vì thế mà hôm nay kết thúc công việc muộn hơn bình thường, mà trời lại còn chóng tối nữa. Đến lúc làm xong, bầu trời đã đen rồi.
Trình Nặc thấy ngại vì đã để các chú bác tăng ca đến bây giờ, nên cô liền giữ họ lại ăn cơm tối rồi hẵng về. Có điều không ai đồng ý, về nhà còn phải làm chuyện trong nhà nữa. Trình Nặc cũng không miễn cưỡng.
Tông Lãng lại không đi, “Vậy tôi đây không khách khí với cô nữa, dù sao về cũng không có gì ăn.”
Cả ngày hôm nay, Tông Lãng biểu hiện rất bình thường, không để Trình Nặc cảm thấy mất tự nhiên. Cô nghĩ, một khi đã như vậy thì cô cũng không cần quá để ý. Hâm nóng đồ ăn dư lại giữa trưa làm bữa cơm tối.
Tông Lãng cũng không để ý việc ăn đồ thừa.
Hai người không lên nhà chính ăn mà ăn cơm ngay tại phòng bếp. Đồ ăn đặt trên bệ bếp, một người một cái ghế nhỏ, bưng bát ăn.
“Lát nữa anh sẽ đến tiệm bán đồ lắp camera, em có tới không?” Tông Lãng hỏi.
Trình Nặc ừ một tiếng, trước đó đã đồng ý rồi, không thể không đi.
“Em thích cửa sổ ở ngoài tường lắm à?”
Trình Nặc lại ừ tiếp, “Mà nếu không mua được thì thôi vậy.”
“Đúng là không mua được, nhưng anh biết làm.”
Trình Nặc kinh ngạc nhìn anh, “Anh biết làm?!”
Tông Lãng gật đầu, “Hồi học cấp hai, trong nhà của bạn cùng lớp có làm kiểu cửa sổ như vậy, anh thường sang nhà cậu ta chơi, xem xem nó làm như thế nào. Chỉ cần có khuôn đúc là được, cũng không khó.”
“Nhưng mà đâu có khuôn đúc đâu.”
Tông Lãng dịch sát vào cô, trong mắt mang theo sự cám dỗ, “Em cười với anh một cái, nói không chừng anh có thể nghĩ được cách làm khuôn đúc đấy.”
Cách rất gần, Trình Nặc cảm nhận được hơi thở của anh, không khỏi dịch người ra sau, trên mặt nóng lên. Nhớ đến chuyện biết được từ Thiệu Hồng, cô hỏi anh: “Lần trước, lúc tôi đi mua dụng cụ làm nông với anh, trong xe anh toàn là rau củ, chỗ rau củ đó là của anh hết à?”
“Không phải rau của tôi, là của ông Lý.” Anh có phần kỳ lạ, “Hỏi cái này làm gì?”
Cuối cùng Trình Nặc cũng đã rõ ràng, chỉ là tự mình làm lớn chuyện lên mà thôi. “Không có gì, hỏi thế thôi.” Trong lòng lại như có hạt giống xông phá đất bùn đóng băng, nẩy mầm sinh trưởng.
Cơm nước xong, hai người đi đến tiệm bán đồ, trên đường đi trời bắt đầu mưa. Mưa không lớn, lâu lâu mới có một giọt, rơi xuống đất kêu lộp bộp.
Trình Nặc đứng chờ ở tiệm bán trước, còn Tông Lãng về lấy đồ. Đợi đến lúc anh tới thì mưa đã nặng hạt, xối ướt người anh.
“Sao không đem theo ô?” Trình Nặc nhận đồ trong tay anh, hỏi.
“Không cần.” Lòng Tông Lãng thấy ấm áp vì ngữ khí đầy quan tâm của cô, “Dù sao cũng không xa, vài bước là đến rồi.”
Trình Nặc mở chiếc hộp anh đem tới xem, bên trong có hai cái camera cùng ít dây điện, còn có vài dụng cụ.
“Anh biết lắp à?” Cô hỏi.
Tông Lãng đáp không.
Trình Nặc kinh ngạc ngẩng đầu nhìn anh, “Vậy sao anh còn đồng ý với chủ tiệm?” Cô còn tưởng anh cái gì cũng biết chứ.
Tông Lãng lấy đồ ra, “Chỗ này không có máy tính, cũng không có dây điện, lắp camera chẳng qua là để dọa thôi.”
Trình Nặc không rõ lắm, dáng vẻ ngẩn người trông hơi ngốc.
Tông Lãng rất muốn xoa bóp mặt cô, tay giơ ra nửa lại thu về, “Lát nữa em sẽ biết thôi.”
Quả nhiên rất nhanh Trình Nặc đã biết, anh cố định camera ở góc tường xong thì kéo dây điện đến sau quầy, sau đó cắt, cắt?
“Giả vờ lắp hả?!”
Tông Lãng cười với cô, “Nếu không thì sao?”
Trình Nặc hỏi anh: “Đây là ý của chủ tiệm hay là anh làm biếng vậy?”
Anh cố ý nhíu mày suy nghĩ, “Là ý của anh ta, cũng là ý của anh. Dù sao người tới nơi này cũng không nhiều, mà phần lớn cũng không ham gì chút đồ nhỏ nhặt này đâu. Người trên cù lao lại càng không. Nếu có lắp thật thì cũng không thể vì mất mấy bao thuốc mà đi báo cảnh sát được, cho nên lắp vậy dọa là đủ rồi.”
Trình Nặc cảm thấy cũng có mấy phần đạo lý, dù sao nơi này vốn không có mạng, thật sự cũng không lắp được.
Dọn dẹp dụng cụ, chuẩn bị về thì lại phát hiện chẳng biết từ lúc nào mưa càng nặng hạt, mưa như trút nước. Vừa rồi lắp camera, vì tiếng máy khoan rầm rầm nên bọn họ không phát giác.
Đường cũng không xa, rẽ ngã rẽ, đi vài phút liền đến nơi. Nhưng mưa lớn như vậy, chỉ cần vừa ra thì sẽ bị xối ướt.
Trình Nặc thử tìm trong tiệm bán, đúng là không có ô che. “Làm sao bây giờ?” Cô hỏi Tông Lãng.
Tông Lãng xòe tay chịu, “Chỉ có thể đợi thôi, đợi mưa ngớt rồi hẵng đi. Không thì gọi điện thoại nhờ chú Lưu đem ô đến?”
Trời bên ngoài đã tối lắm rồi, chú Lưu trước nay hay ngủ sớm, giờ nói không chừng đang ngủ mất rồi, cũng không thể mặt dày đánh thức chú nhờ chú đưa ô tới được.
“Hay cứ chờ đi.” Trình Nặc nói.
Mưa càng rơi càng lớn, từ sau khi Trình Nặc đến đây thì trời quang liên tục, đây là lần đầu tiên đổ mưa. Ngoài cửa tiệm có một ngọn đèn treo dưới mái hiên, chiếu sáng mảng đêm đen trước cửa. Có thể thấy rõ màn mưa như như sợi, đan xen vào nhau. Theo mưa rơi, gió cũng lớn hơn, thổi vào trong tiệm.
Trình Nặc chỉ mặc mỗi áo len mỏng, ban ngày nhiệt độ cao nên mặc khá thích hợp, song bây giờ thì đã lạnh rồi. Ôm cánh tay, cô ngóng trong trời mau ngớt mưa.
Tông Lãng sờ áo khoác của mình, lúc anh đến thì trời mới chỉ mưa nhỏ, áo quần chỉ bị dính ướt một ít, mà nãy giờ anh vẫn cứ mặc trên người nên cũng gần khô rồi. Anh cởi áo, khoác lên người cô.
Trình Nặc chỉ cảm thấy đột nhiên trên người ấm lên, sau đó ngửi thấy mùi thuốc lá thoang thoảng mà quen thuộc.
“Cám ơn.” Cô nói. Phía trong áo vẫn còn sót nhiệt độ cơ thể anh, “Anh không lạnh à?”
Tông Lãng ho nhẹ, “Thật ra thì có một chút.”
Trình Nặc toan vội cởi áo ra trả anh, nhưng lại nghe anh nói: “Hay là kéo cửa cuốn xuống đi? Không có gió thì sẽ không lạnh.”
Trình Nặc đáp: “Vậy kéo xuống đi.”
Tông Lãng kéo cửa xuống che gió, đúng là không còn thấy lạnh nữa. Rồi Trình Nặc đột nhiên phát giác, vì như thế mà thành ra hai người họ ở trong không gian kín mít.
Trong tiệm chỉ có một ghế, Tông Lãng nhường Trình Nặc ngồi. Anh đứng ở phía sau cô, dựa vào tủ quầy. Nhất thời im lặng không ai nói gì, không khí trở nên mập mờ hẳn.
Tông Lãng phá vỡ yên tĩnh trước, “Uống rượu không?” Anh hỏi.
“Hả?”
“Uống rượu làm ấm người.”
Trình Nặc muốn nói thật ra không lạnh đến thế, song lại nghĩ anh đã đưa áo khoác của mình cho cô rồi, chỉ mặc mỗi áo thun thì hẳn sẽ thấy lạnh. Thế là cô gật đầu.
Tông Lãng lấy rượu ở trong quầy ra, lại lấy máy gói đậu phộng cùng mấy túi chân gà cay ở trên quầy. Không có bàn, Trình Nặc liền nhường lại ghế mình ngồi. Xé hộp giấy lót xuống đất rồi ngồi lên.
Không có ly, Tông Lãng dùng nắp rượu rót cho Trình Nặc. Trình Nặc hỏi anh: “Vậy anh dùng cái gì?”
Tông Lãng vừa mở túi đậu vừa nói: “Nếu em không để ý thì anh uống trực tiếp ở chai, còn nếu để ý thì để lấy thêm chai khác.”
Một chai đã nhiều lắm rồi, mở chai nữa thì lãng phí quá., “Không cần đâu, tôi uống một hớp là được rồi.” Cô nói. Không nói là có để ý hay không.
Tông Lãng giơ chai lên nói với cô: “Chào mừng em đến cù lao Hà Diệp.”
Trình Nặc nói cám ơn, giơ nắp chai lên ngửa đầu một hơi uống cạn. Rồi lại nhìn Tông Lãng, phát hiện anh cũng không cầm chai uống, mà là không biết lấy đâu ra hai chiếc ly dùng một lần.
Cô bất mãn nói: “Anh gạt tôi?”
Anh bật cười, miệng lại nói đau lòng, “Đau lòng quá, thì ra em lại ghét anh như vậy.” Lại rót gần nửa ly cho mỗi người.
Trình Nặc ngó lơ anh, nhặt đậu phộng ném vào miệng. Vẫn hay nghe người ta nói một hạt đậu phộng một ly rượu, cô toàn coi đó là bợm nhậu. Mà lúc này chính mình cũng học theo bợm nhậu, thế nhưng lại cảm thấy mùi vị cũng không tệ.
Lại nhặt một hạt đậu, nhìn anh một mình uống rượu.
“Vì sao em lại chuyển tới đây?” Anh hỏi.
Trình Nặc cũng uống một ngụm nhỏ, “Không biết. Vốn chỉ là đi ngang qua mà thôi.” Sau đó nói chuyện bất giác trông thấy tấm ảnh chụp nhà cũ ở khách sạn.
“Thế nên ngay ngày hôm sau em đã lên cù lao đi tìm nhà?”
Trình Nặc gật đầu, “Ừ, lúc đó đúng là kỳ diệu, rất rất muốn thấy được căn nhà kia nên mới đến tìm.”
Anh nhìn cô, trong mắt ẩn chứa ánh sáng.”Anh cũng cảm thấy rất kỳ diệu.” Dừng một hồi rồi lại nói: “Tối hôm đó, sau khi anh đưa em về khách sạn, thì sáng hôm sau lại tới, muốn gặp em, muốn xin cách liên lạc.”
Trình Nặc lấy làm lạ, “Vì sao?” Vào lúc đó, bọn họ chỉ có thể xem như là người xa lạ.
Anh đặt ly xuống: “Anh cũng không biết vì sao nữa, bụng dạ bảo sao thì làm vậy thôi. Nhưng ngày hôm sau anh chờ nguyên buổi sáng, cũng không chờ được em, đúng lúc lão Chu gọi điện thoại cho anh, nói tạm thời trong nhà ông ấy có việc gấp, nhờ anh thay ca, thế là đành phải đi trước.” Nói tới đây, anh nhếch môi cười, “Lúc đó anh cho rằng, đấy gọi là hữu duyên vô phận.”