Đọc truyện Mùa Xuân Ở Căn Nhà Cũ – Chương 23: Nhân sĩ ly hôn
Thím Ngô về rất nhanh, chú La và Tông Lãng đi theo thím. Vừa vào sân thì chú Lưu xuống ruộng làm việc cũng đã về.
Thím Ngô vui vẻ quan sát Tô Lâm Hải từ trên xuống dưới, “Lại gầy đi rồi, nói bao nhiêu lần rồi hả, bận rộn chừng nào cũng phải ăn uống đúng giờ chứ.”
Tô Lâm Hải cười nói: “Cô yên tâm đi, một ngày cháu ăn bốn bát lận.”
Chú Lưu gọi mọi người vào ngồi, “Có lời gì không thể để vừa ăn vừa nói được à, đồ ăn sắp nguội ngắt cả rồi này.”
Thím Ngô vội mời mọi người vào bàn, chú La và chú Lưu ngồi nhìn ra cửa, thím Ngô ngồi bên tay phải. Tô Lâm Hải ngồi đưa lưng với cửa lớn, còn Tông Lãng ngồi bên trái.
Vì không đủ ly nên Trình Nặc xuống bếp lấy thêm, đến khi lên lại thì thấy mọi người đã yên vị, cô đành ngồi xuống cạnh thím Ngô.
Tông Lãng và chú La đều biết Tô Lâm Hải, thím Ngô chỉ giới thiệu với Trình Nặc.
“Chắc cháu chưa biết, đây chính là Tiểu Hải cháu thím, Tô Lâm Hải.” Rồi lại chỉ vào Trình Nặc nói: “Đây là Trình Nặc, mua nhà trên cù lao, mới dọn đến không lâu.”
Hai người lễ phép chào hỏi nhau. Giữa bữa ăn, thím Ngô luôn miệng khen Trình Nặc, nói một bàn thức ăn này đều do cô làm, rồi hỏi Tô Lâm Hải: “Có hợp khẩu vị cháu không, nấu ngon hơn cô làm đấy.”
Tô Lâm Hải gật đầu, anh ăn đến nửa dĩa sườn xào chua ngọt, nói với Trình Nặc: “Đúng là làm rất ngon, nhìn cô cũng không lớn tuổi mấy, không ngờ tài nấu nướng lại tốt đến vậy.”
Trình Nặc cười, “Chỉ là bữa cơm thường ngày thôi mà, làm nhiều sẽ biết thôi.”
Tô Lâm Hải nhìn cô: “Bữa cơm thường ngày mới nuôi người được chứ, như tôi đây lần nào cũng phải chén chú chén anh mãi không xong, ngày nào cũng ra tiệm ăn, dạ dày sinh bệnh rồi đây, quá dầu mỡ.”
Trình Nặc đang không biết phải tiếp lời Tô Lâm Hải thế nào thì đột nhiên Tông Lãng lại nói với cô: “Vừa nãy anh Lâm có gọi điện cho tôi, nói đã làm xong cửa sổ rồi, có thể lấy bất cứ lúc nào.”
Trình Nặc bất ngờ đáp: “Mới đó mà xong rồi sao, không phải nói sẽ mất một tuần à?” Lại tính toán thời gian, hình như cũng gần một tuần rồi, “Vậy bao giờ chúng ta đi lấy?” Nói xong lại cảm thấy mình dùng từ không thỏa đáng lắm, vì sao phải là ‘chúng ta’?
Tông Lãng cười, “Ngày mai đi. Để tôi liên lạc lo liệu xe trước.”
Tô Lâm Hải nghe thế thì hỏi Trình Nặc: “Cửa sổ gì vậy, tôi có lái xe đến đây, nếu không chê thì tôi có thể chở giúp cô một chuyến, dù sao hôm nay tôi cũng muốn ở lại đây một đêm, cũng đang rảnh.”
Trình Nặc và Tông Lãng còn chưa kịp mở miệng thì chú Lưu đã nói: “Việc này cháu không giúp được đâu, mười mấy khung cửa sổ đấy, xe của cháu không chứa nổi.”
Tô Lâm Hải ồ lên, lại hỏi Trình Nặc: “Cô Trình đang sửa nhà à?”
Trình Nặc đáp phải. Anh ta lại hỏi: “Thế lát nữa tôi có thể sang xem được không? Tôi cũng rất thích những ngôi nhà cũ như thế này, nếu có thể, thật sự muốn bỏ lại mọi thứ mà chuyển tới đây sinh sống dưỡng lão.”
Thím Ngô chen lời: “Người mới ba mươi tuổi nói gì chuyện dưỡng lão hả, nếu cháu thích thì cứ đến thường xuyên thôi, chẳng lẽ nhà cô cả không có phòng trống cho cháu ở sao?”
Tô Lâm Hải cười đáp: “Sau này nhất định sẽ đến thường xuyên ạ.” Vừa nói lại vừa nhìn Trình Nặc.
Trình Nặc không phát giác, nhưng Tông Lãng thì có.
Cơm nước tươm tất, chú La sang nhà cũ trước, mấy dụng cụ của chú vẫn còn ở đó, sợ mất. Những người khác trò chuyện một hồi, rồi Tô Lâm Hải nói muốn đi xem nhà, nhờ Trình Nặc dẫn anh ta đi.
Tông Lãng nói: “Để tôi đưa anh đi xem, vừa vặn cũng phải đi rồi. Trình Nặc còn phải giúp thím Ngô dọn dẹp.”
Thím Ngô ở trong bếp nghe được, vội đẩy Trình Nặc, “Không cần không cần, bà thím này không cần ai giúp cả, cháu cứ đi với bọn họ đi.”
Trình Nặc đành phải đi cùng, ba người đồng hành, Tô Lâm Hải đứng giữa. Anh ta rất thích nói chuyện, không để bầu không khí nguội đi. Giờ đang nói chuyện vợ trước.
“Vợ trước của tôi là con gái một, được nuông chiều quen rồi, từ lúc kết hôn đến nay chưa bao giờ tự mình nấu bữa ăn nào. Việc đấy thì thôi đi, lại còn tiêu tiền như nước, một bộ đồ trang điệm ngốn gần hết nửa tiền lương của tôi, thật sự nuôi không nổi nữa.”
Tông Lãng nghe thế liền nhìn sang Trình Nặc, nói: “Không phải các anh yêu mấy năm rồi mới kết hôn à, chẳng lẽ trước đó anh không thấy cô ấy là người như vậy?”
Tô Lâm Hải nói biết chứ, “Đều do trẻ tuổi không hiểu chuyện, cho rằng phụ nữ kết hôn nhất định sẽ thay đổi, nào biết cô ta không hề có chút tự giác của người vợ tí nào. Cái kiểu phụ nữ như cô ta chỉ thích hợp để yêu thôi, không thích hợp kết hôn.”
Tông Lãng cười, “Vậy anh cho rằng kiểu phụ nữ nào thì thích hợp để kết hôn?”
Tô Lâm Hải nói giống như cô Trình đây, “Biết nấu ăn, vừa nhìn đã biết hiền lành rồi. Người nào cưới chắc có phúc lắm.”
Trình Nặc nghe được lời đấy, trong nháy mắt ấn tượng về anh ta rơi xuống đáy dốc. Một người đàn ông lấy ‘có thể nấu ăn hay không’ làm tiêu chuẩn phân loại phụ nữ thì tốt hơn chỗ nào?
Tông Lãng vẫn một mực chú ý đến Trình Nặc, dĩ nhiên phát hiện được thay đổi rất nhỏ trên vẻ mặt cô. Anh quay đầu đi, tâm tình tốt khẽ nhếch môi cười.
Tô Lâm Hải vẫn chưa hề hay biết, thẳng thắn hỏi Trình Nặc: “Cô Trình vẫn còn độc thân nhỉ, sao lại đến nơi này mua nhà?”
Trình Nặc nói: “Thích nơi này nên mua thôi.” Không trả lời câu hỏi độc thân.
Tô Lâm Hải lại hỏi: “Bố mẹ cô không phản đối à? Dẫu gì cô vẫn còn trẻ mà, nếu dọn tới đây, chắc là phải vất bỏ toàn bộ sự nghiệp rồi.”
Đường không xa, Trình Nặc còn chưa kịp trả lời thì đã đến, lúc vào sân Tông Lãng nói với Trình Nặc: “Nước hồi sáng uống hết rồi, cô đi đun bình khác đi, tôi dẫn anh Tô đây đi xem một vòng.”
Trình Nặc đang phiền hà vì Tô Lâm Hải hỏi mãi không xong, thế là vội đáp được rồi đi nấu nước.
Chú La vẫn đang làm việc, Tông Lãng dẫn Tô Lâm Hải đi mấy vòng ở sân trước. Xem xong rồi nhưng Trình Nặc vẫn chưa ra. Khắp nơi trong sân chất toàn đồ là đồ, quả thực cũng không có gì mà xem. Tô Lâm Hải bèn nói đi thôi, rồi vào nhà chào Trình Nặc.
Tông Lãng đi vào theo. Nước đã sôi rồi, Trình Nặc lại chạy ra sân sau xem vườn rau.
Tô Lâm Hải vừa nhìn thấy vườn rau chỉnh tề kia thì lại khen: “Là rau do cô Trình tự trồng sao? Đúng là không tệ, thực phẩm hữu cơ xanh, cũng không biết tôi có vinh hạnh được ăn rau củ do tự tay cô Trình trồng không nữa.”
Tông Lãng nói: “Sợ là anh không có cơ hội rồi, chút rau này còn không đủ để bọn tôi ăn nữa là.”
Tô Lâm Hải nghe được ý khác trong lời nói này, nhìn anh nói: “Ấy ấy, Tông Lãng cậu đùa gì thế, lều lớn của cậu đấy còn sợ thiếu rau ăn à?”
Tông Lãng nhếch mép, “Không phải giờ tôi nhập hội ở đây rồi à, dĩ nhiên ăn ở chỗ gần mới thuận tiện. Lều lớn xa như thế, ai rảnh đâu mà suốt ngày chạy lại đó.”
“Cũng chưa chắc.” Tô Lâm Hải nói: “Nếu là tôi, dù có xa mấy cũng chịu đi, dù sao cũng là rau củ mình trồng mà.”
Tông Lãng đáp: “Nói thế không sai, nhưng vườn rau này ở đây cũng có sức tôi giúp, nên rau trồng ra cũng coi là của tôi, nếu ở đây đã có thì không cần phải chạy xa nữa.”
Trình Nặc đứng bên không nghe ra được câu từ sắc bén giữa bọn họ, sợ lại bị Tô Lâm Hải hỏi lung tung này nọ nên chạy ra sân trước xem chú La làm việc.
Chẳng bao lâu sau, Tô Lâm Hải cũng đi ra. Chào Trình Nặc một tiếng rồi về nhà thím Ngô.
Tông Lãng đi theo phía sau, cầm điếu thuốc trong tay không châm, tới trước mặt Trình Nặc hỏi cô: “Tối nay trên trấn có hát kịch, cô có đi xem không?”
“Hát kịch?” Trình Nặc hỏi, “Là vở kịch gì?”
“Kịch hoàng mai, dù nghe không hiểu nhưng cũng náo nhiệt lắm. Hồi bé hay có gánh hát đến thôn dựng sân khấu, giờ hiếm lắm.”
Trình Nặc còn nhớ, lúc bé khi còn đang ở với bà nội, trong thôn cũng thường có gánh hát tới ca diễn, cô nghe không hiểu, nhưng bà nội lại thích nghe. Có đôi khi là ở thôn bên cạnh, dù đường rất xa nhưng bà nội vẫn đem theo ghế đẩu tới ngồi, dĩ nhiên cô cũng muốn đi theo. Dẫu cô luôn không hiểu những người trên sân khấu đang hát gì, nhưng không khí náo nhiệt ấy vẫn còn in hằn trong trí nhớ của cô.
Cô muốn đi, muốn ôn lại trí nhớ hồi ấy. Song lại không muốn đi cùng Tông Lãng. “Không đi.” Cô đáp, “Muộn rồi không có phà về, không tiện đâu.”
Tông Lãng gật đầu rồi không hỏi thêm nữa.
Buổi chiều, đến lúc gần kết thúc công việc thì Trình Nặc đột nhiên nhận được tin nhắn của Bạch nguyên, rủ cô lên trấn xem kịch, nói là vô cùng tưng bừng, cả bà cụ cũng muốn đi.
Trình Nặc lại lấy lý do quá muộn không có phà mà từ chối.
Nhưng Bạch Nguyên không chịu: Chị Trình Nặc chị cứ tới đi, buổi tối có thể ở lại nhà em mà, hơn nữa bà cụ nói nhớ chị lắm. Tới đi tới đi, xong việc rồi thì tới đi, vừa hay kịp giờ cơm tối!
Trình Nặc dao động, hơn nữa tối nay Tô Lâm Hải muốn ở lại nhà thím Ngô, cô không muốn lại bị anh ta hỏi này hỏi nọ. Lúc trưa ăn cơm Trình Nặc cũng đã nhận ra, thím Ngô lại có ý mai mối rồi. Nên tối nay lên trấn ở lại một đêm cũng tốt, thế là cô trả lời Wechat của Bạch Nguyên: được, xong việc chị qua.
Đợi khi xong việc, Trình Nặc lại nhà thím Ngô báo một tiếng, nói mình đi lên trấn nên tối không về, thím Ngô ra chiều thất vọng.
Cầm lấy túi xách, thay quần áo, Trình Nặc chạy ra bến phà. Lúc đến nơi, Tông Lãng cũng đã ở đó.
Hôm nay anh không lái xe ba bánh, mặc áo len màu xám khói với quần màu cà phê nhạt, đứng trên bến phà đón gió sông hút thuốc. Bộ đồ này rất tôn vóc dáng, thấy rõ bờ vai rộng cùng đôi chân dài.
Trình Nặc còn chưa đi lên chào thì anh đã quay đầu lại, cứ như biết được vị trí của cô vậy, không hề tìm kiếm, vừa ngoái đầu đã đối diện với mắt cô, mỉm cười với cô.
Tim Trình Nặc lại đập mạnh, muốn dời tầm mắt đi nhưng lại như bị đóng đinh trong nụ cười của anh.
Tông Lãng đi về phía cô, nụ cười trên mặt không hề thuyên giảm, đến gần, anh cúi người xuống nhìn thẳng vào mắt cô, “Có phải rất tuấn tú, khiến cô nhìn tới nỗi ngây người không?”
Trình Nặc ngượng đỏ cả mặt, cuối cùng cũng đã có thể nhìn đi chỗ khác, cô quay đầu nhìn ra mặt sông, không để ý tới anh nữa.
Tông Lãng cũng chẳng giận, trong mắt cứ đong đầy ý cười. Anh đứng xếp hàng ngay gần cô, tay cô buông thõng bên tay anh, chỉ cần hơi nhích lại là có thể nắm được rồi. Anh có phần rục rịch, mấy lần toan ra tay, muốn nắm nhưng lại không dám.
Khi phà cập bến, Trình Nặc đi lên thuyền trước, gần như là chạy trốn.
Vào giờ này sang bờ bên kia, cũng chỉ có hai người Trình Nặc và Tông Lãng.
Dọc đường đi không nói câu gì, gió sông thổi qua hai người, Trình Nặc nhìn sông, còn Tông Lãng nhìn cô. Đến bờ bên kia, Trình Nặc cứ thấy Tông Lãng đi theo mình thì mới nói: “Tôi phải đến nhà Bạch Nguyên.”
Tông Lãng đáp: “Đúng dịp, tôi cũng phải đến nhà cậu ấy.” Nói rồi lại chêm thêm một câu: “Bạch Nguyên mời tôi tới.”