Đọc truyện Mùa Thu Màu Hạt Dẻ – Chương 25
Uyên nhếch môi:
– Mày kể chuyện này giống chuyện đàn kiến vào kho tha gạo của vua quá! Mau lên thằng cà kê, cuối cùng thì sao?
Vẫn từ tốn, Minh đáp:
– À! Kiến thì tha không hết kho gạo của vua, nhưng gã thợ may lại đạt được mục đích với cô Út.
Nhật Phượng buột miệng:
– Thiệt sao?
– Thiệt! Cô út này không tốt bụng, thương người như cô út trong chuyện “Sọ Dừa” đâu. Cô ta cũng chê gã thợ may giàu có kia xấu trai giống các cô chị. Điều này cũng dễ thông cảm thôi, vì con gái lúc nào lại không thích có ông chồng đẹp trai, ngặt nỗi gia đình cô Út dạo này xuống dốc do làm ăn suy sụp nên cô phải suy nghĩ thực tế. Mà thực tế rành rành trước mắt, các bà các chị cô chồng đẹp trai thì bà nào cũng khổ vì nghèo đói. Thực tế đó cho cô Út hiểu rằng người ta chỉ chiêm ngưỡng cái đẹp thôi chứ không no bụng nhờ nó. Ấy thế là cô Út đồng ý làm bà chủ tiệm may.
Nhật Uyên thắc mắc:
– Tính ra gã ta phải lớn tuổi hơn vợ nhiều?
– Cũng không nhiều. Vừa đủ một con giáp được rồi!
Nhật Trung rung đùi:
– Vậy là hết chuyện?
Lắc đầu, Minh nói:
– Hết ở đây thì quá dở! Đám cưới chỉ là cái khởi đầu của bi kịch thôi.
Bà Nga lên tiếng:
– À! Mẹ biết rồi! Mấy con chị ganh với con em, nên âm mưu cùng nhau hại cô Út chớ gì?
Bật cười thích chí Nhật Minh xua tay:
– Mẹ bị chuyện “Sọ Dừa” chi phối rồi! Các cô chị đời nay đâu đến nổi độc ác như trong chuyện cổ tích. Và gã thợ may cũng đâu phải do thần tiên đội lốt như Sọ Dừa, gã vẫn là kẻ phàm phu tục tử như đã từng bị mấy cô chị vợ chê bai đó thôi! Và lúc này là lúc gã thể hiện cái tục tử phàm phu của mình.
Chép miệng Minh nói tiếp:
– Thì ra gã thợ may là kẻ nuôi mối hận thù dai nhất thế giới, hận thù của gã cứ được nhân lên thêm sau mỗi lần đi hỏi vợ và bị chối từ. Đến khi cưới được cô Út, thì cô ta trở thành nạn nhân của sự thù hận đó. Gã trả thù tinh vi lắm. Ngoài mặt vẫn em em, anh anh ngọt sớt, nhưng thật ra cô vợ chỉ là một ả đầy tớ không hơn không kém, cứ mỗi lần nốc vào tý rượu, gã lại tha hồ mắng nhiếc đánh đập vợ, nhưng cô ta nào dám hé môi, vì hiện tại cô ta không có lấy một xu nên đâu dám nghĩ tới việc… bỏ chồng. Rốt cuộc bề trái của cuộc hôn nhân đó là một sự trả thù bệnh hoạn, thô bỉ của thằng đàn ông nhỏ mọn, độc ác.
Nhật Uyên sa sầm mặt xuống:
– Em kể Chuyện này nhằm mục đích gì vậy?
– Em kể nghe chơi thôi, chớ có nhằm mục đích gì đâu.
– Hừ! Mày thâm hơn thằng Trung nhiều, nhưng nè thực tế làm gì có thằng đàn ông nào tệ đến thế?
– Bữa hôm vui miệng kể cho chị Linh nghe, bả cũng nói như chị. Em tưởng chị từng trải phải thấy xa trông rộng hơn bà Linh chớ?
– Đương nhiên là tao hơn chị Linh ở khoản này, nhưng không phải nhờ câu chuyện ba láp của mày mở lối soi đường đâu.
Bà Nga đứng dậy giọng hơi sẵng:
– Tụi này kỳ thật, nghe chuyện thiên hạ mà cũng cải vã, móc ngóeo nhau được.
Đợi mẹ đi khuất sau tấm màn cửa, Nhật Phượng mới dè dặt lên tiếng:
– Tội nghiệp cô Út, tự nhiên lại nhận đòn thù suốt cả đời. Cô ta có tội gì đâu?
Nhật Uyên bĩu môi:
– Tới phiên em tin lời thằng Minh. Ba bốn năm mới mở miệng, tưởng nó nói cái gì hay ho, ai dè lại để kể chuyện tào lao.
Nhật Trung dài giọng:
– Vậy chớ cũng có người nghen cổ ra nghe ba cái tào lao ấy rồi nóng mũi. Chuyện anh Minh kể thì đã kết thúc nhưng chuyện ngoài đời vẫn còn triền miên.
Hình như không chú ý lời Trung và Uyên vừa nói, Phượng tự giải đáp câu hỏi của mình lúc nãy:
– Theo em nghĩ có lẽ lão thợ may biết cô vợ không yêu, mà chỉ lấy mình vì tiền nên lão ta mới hành hạ cho bõ ghét, chớ làm gì có việc trả thù quái đản như vậy.
– Cứ thắc mắc chuyện tưởng tượng đó hoài vậy con ngốc? A… có lẽ tại em là út nên phải lo xa phải không? Theo chị nghĩ đàn ông bây giờ chẳng có ai như gã thợ may đó, vả lại em cũng đâu phải khù khờ thiếu bản lãnh để sa vào bẫy giống cô Út của… thằng Minh.
Uể oải đứng dậy, Nhật Minh nói:
– Lẽ ra sau khi kể xong chuyện, em phải thêm phần “lời bàn” cái hay cái dở cho mọi người rút kinh nghiệm, nhưng hình như nhà này ai cũng thừa kinh nghiệm hơn em hết, nên thôi! Hồn ai nấy giữ. Mình vào lục cơm còn có lý hơn.
Đưa tay lên nhìn đồng hồ, Nhật Trung chợt nói:
– Bảy giờ rồi! A! Tối nay Thiên có ghé không Phượng?
Mặt lạnh như tiền, Phượng đáp:
– Nếu có hẹn với anh chắc ông ta sẽ ghé.
Nhật Trung châm chọc:
– Vậy thì em vào nhà coi tivi đi, ngồi đây làm gì, lỡ Thiên tới em lại trề ngúyt người ta, khó coi lắm!
Nhật Phượng ấm ức nhìn Trung. Dạo này anh càng hay chọc cô với Thiên hơn trước nữa, hình như anh muốn loại bỏ khỏi trái tim cô bóng dáng của Nhã thay vào đó là Thiên thì phải. Xem chừng chiến thuật “thay màu da trên xác chết” của Trung có kết quả, cứ nghe anh, rồi chị Uyên chọc mãi, Phượng cũng quen. Cô không nhảy dựng lên la trời nữa. vì… nhàm quá! Im lặng có nghĩa là đồng ý, im lặng cũng có nghĩa là phản đối. Với Phượng bây giờ im lặng là chiến lược…
– Phải nhắc vàng nhắc bạc mà được như vậy thì đỡ quá!
Vừa nói Nhật Uyên vừa đứng dậy, cô tủm tỉm cười với Thiên khi anh bước vào nhà:
– Trời mưa hơi lạnh, nên cái chân bông gân của con bé Phượng nhức, nó cứ thút thít nãy giờ, khổ hết sức!
Mặt Thiên thật hớn hở, anh đưa tay vuốt mái tóc ước nước mưa ra sau và nói:
– Tôi biết thời tiết như vậy thế nào Phượng cũng nhức chân, nên dù mưa dầm, tôi cũng không dám ở nhà.
Quay sang chờ Nhật Phượng, Thiên vừa âu yếm vừa uy quyền:
– Nhức lắm phải không? Chắc tại lười xoa bóp chứ gì. Chai dầu nóng đâu? Đưa anh xức cho!
Thấy cô ngồi làm thinh, anh lại giục:
– Ngoan nào, nhanh lên! Xong rồi anh còn đi uống cà phê với anh Trung nữa.
Phượng ngó lơ ra cửa sổ:
– Me… cất ở đâu rồi… ai mà biết!
Nhật Uyên sốt sắng:
– Để chị hỏi giùm cho.
Nhật Trung cũng tìm cách rút lui, anh nhìn Thiên thân mật:
– Ngồi chơi nhe! Tôi đi tắm táp, giặt giũ, lát nữa tụi mình đi kiếm quán cà phê nào có nhạc hay hay ngồi giết thời gian.
Đợi Nhật Uyên để chai dầu nóng xuống bàn và quay lưng vào trong là Nhật Phượng hầm hừ liền:
– Tôi ghét nhất những người cơ hội.
Thiên gật đầu đồng tình:
– Tôi cũng vậy! Nhất là người lợi dụng cơ hội để mắng… oan lòng tốt của kẻ khác.
Chẳng đợi Phượng nổi sùng lên. Thiên tỉnh bơ ra lệnh:
– Nào đưa chân đây! Tôi phải chăm sóc cô tán tỉnh cô như lời tôi vừa tuyên bố, tôi không thích chỉ có cơ hội nói, mà không được cơ hội… làm bạn, uổng lắm!
Nhật Phượng cuống cuồng lên:
– Đừng có vô duyên nữa!
Thấy Nhậ.t Phượng bối rối dấu chân dưới gầm bàn bộ salon, Thiên liền ngồi chồm hỏm xuống đất, nhanh nhẹn nắm chân Phượng kéo ra…
Mặc cho cô nóng bừng cả mặt, Thiên tủm tỉm cười và để bàn chân nhỏ xíu của Phượng lên đùi mình. Giọng anh xót xa:
– Vẫn còn sưng đây nè! Đúng là tội lười xoa bóp. Đáng đánh đòn lắm!
Phượng hất mặt lên, lẩm bẩm:
– Dầu gì vừa nóng lại vừa hôi. Thấy ghét!… Thà đau chớ không thèm xức.
Vẫn thái độ bông đùa, bỡn cợt, Thiên cười cười nhìn Phượng:
– Ngoan nào, đưa anh bóp chân dùm cho, ngày mai anh sẽ mang tới một chai dầu thơm, mỗi lần xoa dầu nóng xong… cũng xịt tí dầu thơm. Thế là thơm phức!
Rút chân lại để Trên ghê, Phượng liếc Thiên, cô sốt ruột muốn biết tin tức của Nhã. Nhưng lần nào tới, Thiên cũng lách chách những chuyện trên trời dưới đất, thăm hỏi lịch sự mọi người rồi đi chơi với Trung. Phượng căm lắm, cô giận dỗi vùng vằng, cáu gắt cho đỡ bực, chớ làm sao dám hé môi để hỏi thăm.
Thiên ngồi trên ghế, mở nắp chai dầu nóng rồi thì thầm:
– Nhã về đây hồi sáng! Suốt một tuần thả trôi, thả nổi ngoài biển, trông anh ta đỏ như cua lột nhưng tinh thần lại xuống dốc trầm trọng.
Lợi dụng thoáng xúc động của Phượng, anh tự Nhiên kéo chân cô ra để trên đùi mình và bắt đầu thoa dầu
– Nhã đang gặp chuyện xui kinh khủng.
Phượng thảng thốt:
– Chuyện gì vậy anh Thiên?
Tay nhè nhẹ bóp mu bàn chân tròn trịa mềm mại của Nhật Phượng, Thiên hờ hững kể Như đang kể chuyện của ai đâu mà anh không hề quen làm cô thắc thỏm chờ nghe.
– Nó vừa được một cú điện thoại đường dài gọi từ Canada. Thế là mặc dù đang hú hí với ai ngon lành cỡ nào, Nhã cũng ba chân bốn cẳng về Sài Gòn gấp!
– Mà… chuyện gì?
Đổ thêm chút dầu vào lòng bàn tay rồi xoa xoa lên chân Phượng, Thiên ầm ự:
– A! Cơ sở Sản xuất ngọc trai của Nhã ở bên bị thần hỏa viếng.
– Trời ơi!
– Toàn bộ cháy ra tro