Mùa Thu Màu Hạt Dẻ - Trúc Quân

Chương 21


Rốt cuộc Nhật Phượng cũng kiếm được cách vào nhà Thiên lúc anh đã đi làm, cô nhất định tìm gặp Nhã cho kỳ được.

Con bé Nguyệt ra mở cửa phải chưng hửng khi thấy Hoài Tú cười khoe hai chiếc răng mới thay to như hai tấm thớt. Con bé đẩy rộng cửa rào rồi bảo:

– Cô Phượng vào đây với con.

Vẫn theo thói quen cũ, Nguyệt chạy theo lăng xăng lít xít:

– Không có cậu Thiên, cậu Nhã gì ở nhà hết!

Hoài Tú nghênh mặt đáp:

– Em tới thăm bà ngoại mà! Bà ngoại ơi, bà ngoại!

Con bé xăm xăm chạy vào trong, bỏ mặc Phượng đứng chơ vơ ngoài sân. Nguyệt liếc cô một cái rồi cũng đi tuốt. Bỗng dưng Phượng bối rối, cô chẳng biết làm cách nào để gặp được Nhã khi anh chỉ cách cô có một tầng lầu. Tò mò cô bắt đầu nhìn xung quanh.

Lần trước Phượng mãi cãi tay đôi với Thiên, nên cô không có thời gian quan sát, ngôi nhà đồ sộ giàu có của anh.

Phải nói nhà Thiên quá rộng, khu vườn xung quanh rợp bóng cây ăn quả làm Phượng ngần ngại không dám bước đi. Cô dựa vào gốc nhãn nghe hoa thơm nhè nhẹ và nhìn những cái bông trắng ngà nhỏ li ti rơi đầy trên đất mà thầm mong Nhã xuất hiện.

– Cô Phượng ơi cô Phượng!

Phượng vội bước trở ra. Ngay lối đi vào nhà, cô thấy Hoài Tú đứng phụng phịu.

– Sao vậy Tú?

Con bé tỏ vẻ ấm ức:


– Bà ngoại đang có khách, bà ngoại nói con dẫn cô giáo vào thăm “Vườn địa đàng” của cậu Thiên, không thôi thăm tượng Phật Bà Quan Âm. Với lại bà ngoại bảo con mời cô Phượng ở lại ăn cơm cho vui.

Ngạc nhiên Phượng hỏi:

– Vườn địa đàng của cậu Thiên là cái gì? Nó ở đâu?

– Nó ở đây nè!

Vừa nói Hoài Tú vừa kéo tay Phượng đi tuốt ra sau. Hai người đi hết mấy hàng cây ăn trái thì mới tới một khoảng sân rộng được rào lưới cẩn thận, xung quanh rào cả trên nóc rào là những loại dây leo chằng chịt nhìn xa xa giống một ngôi nhà được kết bằng lá và hoa đủ màu. Chỗ thì hoa bim bim màu tím cà dịu mắt, nơi thì hoa huỳnh anh vàng duyên dáng rung rinh theo gió, có cả những lá trầu không to lớn vững chải bám sát cột sắt to tròn.

Nhật Phượng sững sốt:

– Trời ơi! Đẹp quá!

Cô lớ ngớ bước theo bé Tú. Con bé nhẹ nhàng đẩy cái cửa cũng bằng lưới ra rồi kéo Phượng vào. Ở đây ánh nắng chợt dịu hẳn vì day leo dàn nhau phiá trên đầu che phụ. Cô thích thú nhìn một chú thỏ bạch thản nhiên ngồi giương mắt hồng hồng với vẻ dạn dĩ khác xa lời người đời thường nói “nhát như thỏ”.

Bước thêm vài bước nữa, Nhật Phượng phát hiện ra không phải chỉ có một con thỏ mà còn nhiều con khác đang chạy quanh quẩn, với những chú sóc nâu mắt đen tròn, đuôi xòe bung ra tuyệt đẹp.

Một bên vách của khoảng vườn này là vách tường của ngôi nhà được đắp đá lồi lõm y như hòn non bo, trên đó một dòng thác nước đổ xuống rồi chạy lượn lờ trong các ngõ ngách của những tảng đá to nhiều hình thú đẹp mắt rồi lẩn khuất vào đâu đó tận cuối vườn.

Không khí mát dịu và thơm mùi hoa lài làm cô bâng khuâng. Phượng kéo Hoài Tú ngồi xuống bên tảng đá nhìn mấy con vịt Nhật Bản đủ màu đang rỉa lông dưới nước. Trên mặt hồ một bông súng nở bưng hết các cánh như khoe cái sắc đỏ tím đặc biệt của nó.

Ở đây đúng là một thế giới khác mà Phượng chưa bao giờ tưởng tượng tới:

– Cậu Thiên còn nuôi thỏ nè, sóc nè, gà sao nè, con ba ba nè, rồi con vẹt nữa… Ủa! Nó đâu rồi?

Như trả lời câu thắc mắc của Hoài Tú, một âm thanh chát chúa vang lên:


– Có khách tới chơi! Có khách tới chơi! Mau mau rót nước. Mau mau rót nước!

Hoài Tú khoái chí:

– Đó! Cô Phượng thấy chưa. Nó không phải là con chim bình thường, nó khôn như người ta ấy. Cậu Thiên nói nó là giống vẹt đặc biệt chỉ có ở Mã Lai.

Tự dưng Phượng bỉu môi:

– Cô không tin!

Hoài Tú không chịu, nó cãi lại:

– Thật mà! Không tin cô hỏi cậu Thiên đi! Vẹt của cậu Thiên còn biết hát nữa. Nó hiếm có nên mua mắc lắm. Cậu con nói mà!

Nhật Phượng gật đầu:

– Cô biết, con vẹt này giỏi y như cậu Thiên vậy đó!

Dứt lời mỉa mai, Phượng nhìn xuống chân mình, cỏ ở đây là loài cỏ lạ bé tí, mọc sát trên đất như một lớp nhung dầy màu xanh dịu mát. Trong “Vườn địa đàng” này hình như mỗi góc cây phiến đá đều được sắp xếp cẩn thẩn theo bố cục hẳn hoi. Hoa lạ, cỏ cây từng bụi, từng sắc, từng khóm chen chúc bên những hòn đá màu gan gà cứ lần lượt khoe mình dưới mắt Nhật Phượng khi cô bước qua, cho dù ghét Thiên cách mấy, cô cũng thầm khen anh có đôi mắt thẩm mĩ. Dẫu sao anh ta cũng là kiến trúc sư mà!

Ném một hòn sỏi xuống hồ cá, Nhật Phượng nhìn những vòng tròn từ từ lan rộng ra trên mặt nước, cô bặm môi do dự rồi hỏi:

– Ồ! Còn cậu Nhã ở đâu Tú?

Đang chạy theo con thỏ nâu, Hoài Tú dừng lại nói:


– Cậu Nhã ở trên lầu. Mình lên sân thượng thăm tượng Phật Bà rồi vào chỗ cậu Nhã chơi.

Thấy Nhật Phượng đứng tần ngần, Hoài Tú sợ cô không chịu, nó nắm tay kéo đi miệng tiá lia:

– Đi đi cô, phiá này nè!

Cuối “Vườn địa đàng” lại có một cánh cửa, hai cô cháu chui ra và Hoài Tú cẩn thận gài chốt cửa lại. Con bé lè lưỡi trước khi giải thích:

– Ai không nhớ gài chốt, cậu Thiên không cho vào vườn. Cậu khó tính lắm!

Phượng lom khom tránh những cành nhãn sà sát đất để theo Hoài Tú, tới một cầu thang xoắn ốc, con bé hăm hở leo lên:

– Đi đường này mình khỏi vào nhà. Cậu Thiên nói như vậy!

Dưới mắt Hoài Tú, cậu Thiên của nó là thần tượng, cậu Thiên nói cái gì cũng đúng, cũng phải, cũng hay. Trong đôi mắt mình Phượng không hiểu cô đã từng… thần tượng ai đến như thế chưa, nếu có chắc người ấy là Nhã. Phượng thầm đau đớn với ý nghĩ này. Suốt thời mới lớn cô luôn mơ tưởng và ao ước có một người yêu như Nhã, chính mong ước đó đã làm Phượng mê muội ngã vào vòng tay anh mà không nghĩ ngợi xa xôi gì cả.

Lên tới sân thượng, Nhật Phượng chưa kịp dừng lại nghỉ mệt thì chân cô bị thôi thúc phải bước tới vì cách bài trí đặc biệt ở đây.

Trước mắt Phượng là một Phật Bà Quan Âm bằng đá trắng, to cao gấp đôi người thường. Phật Bà đang nhìn cô với nụ cười từ bi độ lượng. Xung quanh đó là vô số phong lan, cây cảnh trong xanh tươi đẹp mắt không thua gì “Vườn địa đàng” dưới đất của Thiên.

Có lẽ trên đây là cõi niết bàn của ba mẹ, còn dưới đó là trần gian muôn màu của cậu con cưng, Nhật Phượng mỉm cười vì sự so sánh ví von của mình.

Cô chưa hề gặp bà ngoại của Hoài Tú lần nào. Nhưng theo lời Đan Tâm khoe thì mẹ chị ấy còn trẻ lắm, bà sống thỏai mái hiện đại vô cùng. Vì vậy khi nhìn thấy cảnh nhang khói, trầm hương còn thơm lừng nơi thờ phụng, Nhật Phượng khá ngạc nhiên, cô không tưởng tượng nơi mẹ của Thiên như thế nào.

Nhìn cây cảnh quẩn quanh một đỗi, cô rụt rè:

– Mình xuống phá cậu Nhã đi Hoài Tú.

Con bé gật đầu rồi chợt ngần ngừ:

– Sợ… cậu Nhã rầy quá. Hồi nãy con nghe chị Nguyệt nói cậu Nhã cũng đang có khách.


Tim Phượng thắt lại, cô hỏi tới:

– Ai vậy? Con biết không?

– Cô Anh Tiên, con ông Bình, bạn bà ngoại. Con ghét ông già “Xiberi” này lắm!

– Sao lại ghét?

Hoài Tú dẫu môi:

– Tại ông mời bà ngoại đi Vũng Tàu nên hôm sinh nhật con đâu có ngoại. Còn cô Ánh Tiên á hả! Mỗi lần gặp con là nhéo hai bên má, đau muốn chết. Con cũng ghét cổ luôn!

– Bộ… bộ cô Ánh Tiên thường tới thăm cậu Nhã lắm hả

Hoài Tú gật đầu:

– Lần nào mẹ cho tới nhà ngoại, con cũng gặp cô Ánh Tiên nói chuyện với cậu Nhã hết. Hai người cứ ở miết trong “Vườn địa đàng” của cậu Thiên. Con vô chơi với thỏ con bị đuổi ra mới tức chứ! Thế nào con cũng mách với cậu Thiên.

Rồi như sực nhớ ra điều gì đó, con bé vỗ tay đánh bốp:

– Con biết rồi! Tại cậu Nhã hay nhéo má cô Ánh Tiên, cổ đau quá thành ra nhéo lại con cho đỡ khổ chớ gì. Lần này gặp cổ con sẽ lấy hai tay bịt má lại, con chỉ đứng kế cô Phượng thôi thử xem cô Ánh Tiên dám nhéo không?

Nhật Phượng hơi rùng mình. Cô còn gặp Nhã để làm gì nữa chớ! Cô sẽ nói gì bây giờ, và chờ đợi để nghe ở Nhã những gì đây?

Không lẽ tất cả ở anh là giả dối, là độc ác? Nhưng cô có tội gì để anh lại đối xử như thế? Phải chăng vì cô đã lỡ ra rằng cô quá yêu và cần có anh trên đời, trong khi Nhã chỉ muốn mượn hình bóng cô để nhớ lại một mối tình từ lâu đã chết.

Không phải đâu! Người ta vẫn yêu thành thật một người giống người… xưa của mình mà! Nhã yêu cô chỉ vì cô giống chị Nhật Thu. Còn những cô gái khác, có lẽ vì xã giao nên anh phải tiếp xúc. Nhưng có nên gặp Nhã lúc này không?

Đặt hai tay lên vai Hoài Tú, Phượng nói:

– Bây giờ như vầy! Tú ở lại ăn cơm với bà ngoại, chiều mẹ qua rước. Cô Phượng phải về.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.