Mùa Hè Mang Tên Em

Chương 80: Ngoại Truyện 1 Môn Đình Thanh Quý


Bạn đang đọc Mùa Hè Mang Tên Em – Chương 80: Ngoại Truyện 1 Môn Đình Thanh Quý


“Gắng chịu đựng, cố thêm ít nữa, đến khi lên đại học sẽ được thả lỏng!”
Đây là câu cửa miệng thường nghe từ các thầy cô cấp ba.
Bản chất đây vốn là một lời nói dối.

Hoặc nên nói, là một lời nói dối mang tính lựa chọn.
Ở thời điểm ấy, lựa chọn tin tưởng là điều tốt.

Nhưng sau cấp ba, thì thôi không thể tin.
Nếu nói kì thi đại học là lằn ranh trong cuộc đời, thì qua khỏi ải này, đại học là một vùng châu thổ, bề mặt bằng phẳng rộng lớn, bên dưới từ lớp trầm tích lắng đọng mà thành.

Có người nền tảng vững chắc, sau bốn năm tích lũy phù sa; cũng có người thuận theo dòng chảy, tuôn vào đại dương mênh mông của xã hội với tâm thế chênh vênh bất định.
Đại học khiến người tự do trở nên tự do hơn, khiến người tự kìm hãm bản thân tiếp tục co cụm vào.

Sau thời đại học, mới là khi sự so sánh trở nên rõ rệt.
Rành rành đang là thứ Bảy không có tiết, trong phòng ngủ lại trống không.

Thịnh Hạ và các bạn cùng phòng đều tới thư viện, tìm kiếm “danh mục sách” các giáo viên cho tuần vừa rồi.
Ngành văn học là như thế, sau giờ học đọc sách là việc cốt lõi.

Khi nào cũng có người nói ngành văn học ít lên lớp, việc học dễ dàng, nhưng không biết những danh mục sách kê ra dài ngoằng thì dù có lớp đọc riêng vẫn không thể lật giở hết.
Thịnh Hạ và bạn cùng phòng không học cùng ngành.

Chuyên ngành văn học hán ngữ cổ của cô chỉ có ba sinh viên, hai nam một nữ.

Tỉ lệ này quả là kì tích, vì cả khoa văn có tỉ lệ nam nữ là 9:1.
Nhưng xét trong các giảng viên, tỉ lệ nam nữ vẫn được cân bằng.
Giảng viên hướng dẫn đùa rằng: “Thấy chưa, các cậu đừng có nản chí, nam giới có thể kiên trì ở khoa văn, không phải đại tiên cũng là loại trâu bò!”
Quả thật trâu bò.
Gần như mỗi tiết học là lại một lần nhận thức của Thịnh Hạ được đổi mới.

Những tác giả sách cô từng đọc, những nhà biên soạn của các cuốn giáo trình cô từng tiếp xúc, con cháu của các bậc đại nho sĩ, tất cả đứng trên bục giảng giải với thái độ bình thản từ tốn, người bạn trong những câu chuyện được kể ai cũng là người được ghi trong truyện kí.

Đây quả là một cảm giác kì diệu và tuyệt vời.
Thầy hướng dẫn của Thịnh Hạ, thầy Đàm dạy môn tiếng hán cổ, tên thường gọi Đàm công, là giảng viên nổi tiếng của khoa.

Nghe đồn tiết của thầy luôn hài hước hóm hỉnh, cảm giác như buổi gặp gỡ thầy trò tổng sỉ vả.
Tạm thời học kì đầu năm nhất chưa có môn của thầy.

Nhưng Đàm công nói muốn gặp ba vị dũng sĩ “can đảm đi đầu” đã đăng kí vào ngành văn học hán ngữ cổ họ trước.
Vì vậy mà Thịnh Hạ từ chối cuộc hẹn của Trương Chú.
Trương Chú nhìn tin nhắn wechat, cau mày.
Đây là lần thứ hai cô từ chối lời mời hẹn hò từ cậu.
Học kì này mới được hai tuần, tính ra tỉ lệ từ chối là 100%.
Tuần trước cô nói thứ Bảy phải tham quan phòng truyền thống trường, Chủ nhật thì đi ăn với bạn cùng phòng, nên từ chối cậu.

Tuần này lại là vì gặp thầy hướng dẫn.
Lý do thoạt nghe chẳng có gì bất ổn, tuy thế Trương Chú vẫn lờ mờ cảm thấy không hẳn là thế.
Rốt thì dù tham quan phòng truyền thống trường hay đi ăn cùng bạn, có lâu cũng không thể hết cả một ngày.

Nếu biết sắp xếp, họ vẫn có thời gian trống.

Chẳng lẽ chỉ một buổi chiều, một buổi tối thôi cũng không được ư?
Dường như cô không mấy hứng khởi với việc “hẹn hò”, thậm chí có ý né tránh.
Chẳng làm gì được.

Đây là do lỗi của cậu, vì lần hẹn hò đầu tiên đã cho cô trải nghiệm không vui.
Trương Chú không đi thư viện, mà nhân khi rỗi lên diễn đàn lượn một vòng.
Ở cái thời đại ứng dụng di động và mạng xã hội phát triển tràn lan này, tới trường cấp ba của họ cũng đã phát hành mạng xã hội “Tín Phong” để bắt kịp thời đại, ấy thế ngành công nghệ thông tin đứng số một số hai cả nước của cậu vẫn chỉ dùng các diễn đàn cực truyền thống trong giao lưu học thuật.

Đây là điều Trương Chú không ngờ tới.
Giao diện diễn đàn trông rất hoài cổ, may mà nội dung không lạc hậu so với thời đại, không khiến Trương Chú thất vọng.
Tinh túy, tất cả đều là tinh túy.
Có bài cậu hiểu, có bài thì không, nhưng Trương Chú vẫn đọc sơ hết một lượt.

Cậu lưu lại một số bài có nội dung hay chắt lọc, kết hợp với chương trình học của bản thân soạn ra một bản kế hoạch đơn giản.
Cái cậu cần là tự rèn luyện và hoàn thiện thêm.
Ngành công nghệ thông tin khác với các ngành khác của viện ở chỗ có quá nửa là sinh viên thuộc diện xét tuyển ưu tiên và tuyển thẳng.

Trong phòng kí túc xá của Trương Chú, chỉ mình cậu là xét tuyển bằng điểm thi đại học.

Còn những bạn khác, một có huy chương vàng tin học quốc tế, một thì có huy chương bạc, một người còn lại đậu đề án “nhân tài đổi mới”, từng tham gia giải Olympic robot thế giới.
Còn Trương Chú, trừ có số điểm cao ở các môn toán, lý, hầu hết các môn chuyên ngành của cậu có khuynh hướng thua kém các bạn, khi thi cuối kì khả năng phải cố gắng rất nhiều.
Tuy mới nhập học, nguy cơ đã ẩn hiện.
Rốt cuộc đối với các thí sinh từng tham gia giải đấu liên quan, môn chuyên ngành của năm nhất chỉ là trò trẻ con.
Đây là ưu thế có sẵn của người ta, trong thời gian ngắn không thể chiến vượt cấp.
Phải từ từ từng bước, giục tốc thì bất đạt.
5 giờ chiều, Trương Chú rời kí túc, quen cửa quen nẻo đi một mạch tới đại học Hà Thanh.
Núi không dựa ta, thì ta tới dựa núi.
Mấy cậu cùng phòng hùa vào trêu: “Có khi Trương Chú còn thuộc đường Hà Thanh hơn cả đường Hải Yến.”
Mà sự thật đúng là như thế.

Cậu chưa khám phá Hải Yến bao nhiêu, vì không hiểu nổi mấy thằng đực rựa dính vào nhau đi dạo có gì vui?
Mấy cậu chàng nhìn thấy hồ trong nước gợn, chỉ biết nói “chỗ này đẹp thật”, thấy đình đài lầu các, chỉ biết than “mái đình này được đấy”, thấy nam nữ ôm ấp dưới bóng cây, chỉ biết ghen tức lầu bầu “lũ sến súa”.
Vô vị.
Trương Chú thà tới Hà Thanh làm “lũ sến súa” bị móc mỉa.

Thầy Đàm sống trong nhà ở giáo viên của trường.

Thịnh Hạ đi cùng hai bạn “đồng môn”, mua ít trái cây tới thăm hỏi.
Ở Hà Thanh, với những ngành chương trình dạy học lỏng lẻo như ngành văn học, không nhiều ngành có giảng viên hướng dẫn ngay từ khi bắt đầu.

So với cảnh đua tranh hối hả ở các khoa viện khác, ngành văn học giống như xã hội không tưởng Utopia, được gọi là “môn đình thanh quý”.
Nhưng cũng chỉ là tương đối thôi.

Vì nơi có người, cạnh tranh là không tránh khỏi.
Bước qua ngưỡng cửa, mùi giấy mực ập tới.
Nhà thầy Đàm vẫn giữ đồ đạc và cách bày trí của 20, 30 năm trước.

Một chiếc khăn trắng phủ lên sô pha da, phía sau là cả một mặt tường sách.

Trên mặt đất và bàn trà, sách hồ như chất đống.

Mới qua tết nhà giáo, trong nhà đâu đâu cũng thấy bày những bó hoa, giấy gói hoa chưa xé, bông cẩm chướng đã úa tàn.
Đàm công ngẩng mặt khỏi màn hình máy tính.

Tóc thầy đã hoa râm, những đốm đồi mồi đại diện cho tuổi tác rải rác ở quai hàm, riêng đôi mắt sáng như hai ngọn đuốc, liếc qua sau lớp kính lão, “Tới rồi à, ngồi chờ một lát, tôi trả lời email của sinh viên.”
Ba người Thịnh Hạ ngồi xuống.

Trông thầy khá hiền lành, riêng phần họ vẫn không dám thả lỏng.
Đột nhiên Đàm công rì rầm: “Khổ thân lão già này, trả lời email từ tận hôm lễ nhà giáo tới giờ vẫn chưa hết.”

Một nam sinh nói: “Học trò thầy ở khắp thiên hạ, các anh chị khóa trước tốt nghiệp rồi vẫn nhớ ơn thầy.”
Đàm công bật cười: “Lan Đình đâu còn, Tử Trạch rồi cũng hóa gò hoang đó thôi…”
“Em là Thịnh Hạ.” Đàm công vòng qua bàn, nhìn cô nữ sinh duy nhất, lập tức nhận ra cô.
Thịnh Hạ đứng dậy: “Em chào thầy ạ.”
“Ngồi, ngồi đi, thầy đã đọc qua sách của em.”
Hai vị đồng môn ngạc nhiên.

Thịnh Hạ thì ngoài ngạc nhiên còn lẫn thấp thỏm.

Tài hèn của cô đâu đã được tính vào hàng đại nhã? Dù vậy thâm tâm vẫn thấp thoáng nỗi chờ mong lời nhận xét của thầy giáo.
Đàm công gỡ mắt kính, chợt buông lời thổn thức: “Ôi, theo thầy thấy, thì không cần viết làm gì.”
Thịnh Hạ nghe vậy, vừa buồn vừa lo sợ.
Đàm công chợt đổi lời, hóm hỉnh mà rằng: “Cô bé sợ tái mặt rồi à? Ầy, ý thầy là đề án tuyển sinh này không cần để mà làm gì.

Ngành văn học đâu phải để đào tạo tác giả nhà văn, tuyển sinh còn đòi hỏi phải viết cái nọ cái kia, là sai quá sai! Có đúng không?”
Ba cô cậu ngơ ngác nhìn nhau.

Thầy giáo chỉ trích cơ chế tuyển sinh của nhà trường, rốt cuộc mình có nên chen lời không?
Thôi đừng là hơn.
Con người Đàm công khác hẳn với tưởng tượng, thái độ suy nghĩ cũng khó mà dò đoán.
Vì vậy cuộc gặp mặt đầu tiên này về cơ bản chỉ có Đàm công lên tiếng, các trò im lặng ngồi nghe, ấy thế vẫn có nhiều lời không hiểu rõ nghĩa.
Nói tới đoạn cuối, thầy giáo già đã xả đủ, bắt đầu quan tâm ba học trò.
Cũng chỉ những câu kiểu là người ở đâu, tại sao thi vào ngành này, có thích tiếng hán cổ không.
Thịnh Hạ nghe hai bạn trả lời rành rọt mạch lạc, trong bụng đã soạn sẵn câu trả lời.

Chẳng ngờ đến lượt cô, câu hỏi lại thành: “Cô bé, có muốn học tiếp lên cao học nghiên cứu tiếng hán cổ không?”
Mới năm nhất đã hỏi chuyện cao học, có phải là “hơi” sớm?
Câu trả lời Thịnh Hạ đã soạn sẵn không thể dùng, đành gật đầu thật thà: “Dạ có ạ.”
So với hai bài trình bày văn chương lai láng trước đó, câu trả lời của cô có vẻ sơ sài.

Thịnh Hạ bổ sung thêm: “Năm lớp 12 học hành căng thẳng nhất, khi quyết định viết sách để vào Hà Thanh, em đã nghĩ tới.”
Đàm công chỉ mím môi, không tỏ bất cứ thái độ, “Ngành này khác với các ngành, phải rõ tường tận đầu đuôi gốc ngọn.

Học hành thế nào, phải ngẫm kĩ từ khi nhập học.

Đừng lơ là, cũng đừng để làng lỡ.”
Đi ra khỏi khu nhà ở giáo viên, một bạn nam mở lời: “Thịnh Hạ, có vẻ Đàm công đánh giá cậu rất cao, muốn cậu thành nghiên cứu sinh thạc sĩ do thầy ấy hướng dẫn đó?”
Thịnh Hạ giật thót: “Chắc không phải đâu.”
Một vị giáo sư đức cao vọng trọng như thầy có khi nào thiếu sinh viên? Thịnh Hạ vẫn phải tự biết mình.
Thầy Đàm không hỏi cô câu hỏi như các bạn, ấy là vì ở phần hậu kí trong sách cô đã kể rõ sự yêu thích với tiếng hán cổ, nên không cần hỏi nữa.
Bạn nam cười cười: “Không cần khiêm tốn, ở đây có mỗi bọn mình thôi.

Mình chỉ học tạm, chắc cố thêm ít nữa rồi xin đổi ngành.

Nghe bảo cậu đậu đề án tuyển sinh ưu tiên ngành cơ bản, giỏi thật đấy.”
Bạn nam còn lại hỏi: “Thịnh Hạ, sách của cậu có bán ở nhà sách không? Tên sách là gì? Mình đọc thử cho biết.”
“Đọc thử cho biết”, nghe như khen đểu vậy, mà cũng đã có không biết bao nhiêu người dùng.

Nhưng chắc chỉ là lời vô tâm.
Thịnh Hạ: “Điểm số không đủ nên phải tìm đường tắt để vào, không thể coi là danh tác.”
“Tên sách là gì?”

“Số bản in ít, sách bán ra cũng ít, khó mua lắm.”
“Thế à, nhà xuất bản chán thật.

Cậu vừa là mĩ nữ vừa là tài nữ, biết pr kiểu gì cũng đắt như tôm tươi.”
“…” Bản dịch bạn đang đọc chỉ đăng tại địa chỉ duonglam.

design.

blog và nick wattp3d namonade của người dịch.

Người dịch không chịu trách nhiệm về sai sót bản dịch khi đăng ở các nơi khác.
Cả ba cùng đứng chờ xe bus ven đường.
Thịnh Hạ thất thần.
Bây giờ, cô muốn gặp Trương Chú, cực cực cực muốn gặp cậu.
Muốn kể cậu nghe từng chữ thầy đã nói, muốn nghe kiến giải của cậu.

Dù là gì, chắc chắn không phải những lời khen sáo rỗng.
Cô nhìn thời gian, định đi thẳng ra cổng bắt xe tới Hải Yến.
Mới định mở lời, một bạn nam đề nghị: “Bọn mình tạo nhóm chat nhé?”
Người còn lại không dị nghị, đã lấy điện thoại ra.
Thịnh Hạ không phản đối.

Bạn nam kia nhanh nhẹn quét mã QR kết bạn với cô, thêm cô vào nhóm, sửa biệt danh.
Thịnh Hạ đang ghi chú lại biệt danh trong nhóm thì nghe hai cậu chàng kháo nhau.
“Sao cái cậu đằng kia nhìn bọn mình mãi thế?”
“Nhìn Thịnh Hạ ấy chứ?”
“Hà hà, đi đâu cũng có hổ đói rình rập nhỉ?”
“Nọ thấy đội cổ vũ khai giảng còn chẳng bằng khoa mình, làm cũng chẳng muốn chuyển viện nữa.”
“Việc gì phải chuyển, ngành văn học tuyệt phải biết, chỉ cần muốn, cậu chắc suất hotboy!”
Nam giới các ngành văn học vẫn hay lôi tỉ lệ nam nữ ra đùa, Thịnh Hạ không mấy để ý.

Cô đặt điện thoại xuống định chào hai bạn, mới ngẩng lên đã liếc thấy cái dáng cao ráo đối diện.
Trương Chú dừng xe đạp bên vệ đường, tay còn chống trên càng xe, chân chạm đất, vừa dừng xe mà đã như định bỏ đi ngay.

Cậu nhìn về hướng này.
Mắt sắc như ưng.
Cả tư thế rạp mình trên chiếc xe đạp địa hình cũng chẳng khác.
Cành liễu ven đường phe phẩy phía trên cậu.

Cái dịu dàng của liễu chẳng thể lây sang cho cậu một chút nào.

Dù lặng im bất động, cậu vẫn khiến người ta thấy áp lực.
Tự dưng Thịnh Hạ đâm hoảng loạn, suýt thì làm rơi điện thoại xuống đất.
Bên cạnh, bạn nam hỏi: “Ế, Thịnh Hạ, hay là ra căn tin luôn? Bọn mình cùng đi ăn tối?”
Thịnh Hạ hoàn hồn, từ tốn đáp: “Xin lỗi, bạn trai mình tới rồi.”
“Bạn trai mình”, ba chữ này thoát ra từ miệng Thịnh Hạ có vẻ dịu dàng duyên dáng lạ thường.

Hai cậu bạn đực ra.
Ném ra viên lựu đạn nặng ký, Thịnh Hạ tránh những chiếc xe đạp tới lui rảo bước tới chỗ Trương Chú, cười thật tươi: “Sao cậu tới đây?”
Cậu hay tới Hà Thanh, cô không ngạc nhiên về điều này.

Cô chỉ ngạc nhiên vì đụng mặt cậu ở đây.
Hơn cả thế, còn vào thời điểm cô rất rất muốn gặp cậu.
Cậu như từ trên trời giáng xuống.
Trương Chú liếc cái vẻ vừa ngạc nhiên vừa hớn hở của cô, lửa giận ngùn ngụt dịu bớt, riêng lời nói vẫn sắc lẻm: “Hà Thanh định bế quan tỏa cảng hay sao mà mình không thể tới? Mình không tới là cậu có thể trái ôm phải ấp? Ai xin wechat cũng cho?”
Gì mà trái ôm phải ấp kia chứ, chỉ biết đổ vấy cho cô thôi!
Ảo tưởng “từ trên trời giáng xuống” của Thịnh Hạ tức thì bay biến sạch, buồn cười nhưng vẫn quyết định vuốt lông sư tử dịu lại trước: “Đó là bạn học với mình mà.

Chuyên ngành bọn mình chỉ có ba người nên mới cùng đi thăm thầy giáo.”
Một thoáng bối rối vụt hiện lên trong mắt Trương Chú.

Lập tức cậu à lên, liếc nhanh qua hai cậu chàng nọ.


Xe bus trường đã tới, hai nam sinh lên xe, ánh mắt vẫn ngoảnh về phía này.

Trương Chú thôi nhìn, hỏi: “Tưởng khoa các cậu chỉ có mười mấy nam?”
Riêng ngành cô đã chiếm hai người?
“Ừm.”
Trương Chú: “Hai cậu ta cũng biết chọn đấy.”
Thịnh Hạ: … Sao nghe cứ kì kì vậy ta?
Trương Chú gãi cằm cô: “Kết bạn wechat mà đứng gần thế làm gì?”
Gần ư? Thịnh Hạ hồi tưởng lại chi tiết.
Trương Chú lôi điện thoại ra, mở mã QR, hếch cằm ra hiệu cô lùi lại, “Thử đi, đứng cách 2 mét, quét mã của mình.”
Thịnh Hạ nhịn cười, nghe lời cậu giơ điện thoại lên, lùi lại hai bước mở máy ảnh quét mã.
Trên màn hình, cái bản mặt điển trai của Trương Chú nghiêm nghị thốt liên tục những lời dông dài, “Không quét được? Hừm, thế gần tí nữa, 1 mét đi… vẫn không được? Cậu còn mạng không đấy? Nhiều nhất là 60cm, không thể gần hơn nữa, còn không được thì đổi phứt điện thoại khác…”
Không thể kìm nổi, Thịnh Hạ phì cười, gương mặt ló ra sau cái điện thoại không giấu nổi nụ cười, “Đúng là không thể gần quá, gần quá thì vị chua ngập… Ưm?!”
Ngập, ngập ngụa…
Thịnh Hạ bị cậu kéo sát vào cho một nụ hôn.
Ngập trong khoang mũi là thứ mùi thơm mát của cậu.
Mát dịu và sạch sẽ, tựa mùi cỏ non dưới ánh nắng, thứ mùi cô chỉ từng ngửi thấy ở cậu.
Cậu không siết eo giữ gáy cô như khi trước, bàn tay kéo cô tới vắt hờ sau lưng, một tay kia giữ xe không bị đổ, người vẫn ngồi vắt vẻo trên yên xe, hôn cô một cách thản nhiên từ tốn.
Trừ một thoáng dữ dội lúc ban đầu, tiếp sau đó chỉ là những cái chạm nhẹ từ khóa miệng tới đôi môi, tới cả khuôn cằm.

Những cái hôn rải rác không theo một hướng đi rõ rệt, như ghẹo đùa mà vẫn đầy kĩ thuật, mức độ, xúc cảm của mỗi cái lại một đổi khác.
Thịnh Hạ có thể giằng khỏi cậu bất cứ lúc nào.

Tuy thế nụ hôn mơn man này thì còn khó dứt hơn cả kiểu hôn lưỡi.
Mà cô cũng chẳng muốn dứt khỏi.
Lại một chiếc xe bus sắp sửa chạy tới.

Cậu tạm dừng, khóe môi cong cong, ánh mắt nhìn thẳng khuôn mặt cô không chớp, cái nhìn hơi ngước lên, thái độ dường ban nãy chẳng hề có gì xảy ra.
Xe bus vừa đi, lại một cái hôn ập xuống.
Cô lén mở mắt, thấy nụ cười ở môi cậu.
Tiếng hôn khiến người cô như thiêu đốt.

Sao còn xấu hổ hơn cả hôn sâu vậy?
Mặt trời dần lặn.

Gió đêm ve vuốt cành liễu.
Thi thoảng có chiếc xe đạp chạy qua.

Thịnh Hạ giật thót mình.
Có phải nụ hôn này đã hơi dài quá?
Chợt cô cắn cậu một cái, ngay sau đó giằng ra, xẵng giọng: “Được rồi!”
Trương Chú nhếch mày, gật gù ra chiều thỏa mãn: “Làm cái gì đấy hả? Ghi hình mình, biết chơi nhỉ?”
Bị phát hiện rồi?
Bấy giờ Thịnh Hạ mới nhớ ra chuyện này, liếc nhanh cái điện thoại.
Vẫn đang ghi hình?
Trương Chú giật cái điện thoại của cô bấm dừng ghi.

Coi đoạn phim vừa ghi, cậu cười khó đoán: “Cái gì đây, nhật kí yêu đương?”
Thịnh Hạ đỏ bừng mặt: “Không phải!”
Cậu cứ như không nghe thấy, tự hỏi tự trả lời: “Mai kiếm ít tư liệu tích lũy cho cậu nhé?”
Thịnh Hạ: …?
Trương Chú săm soi cô trên dưới.
Cô cũng soi lại cậu.
Quả đầu đinh sau kì quân sự của cậu đã dài hơn một chút, sờ vào không còn thấy ráp ở tay.

Mới mấy ngày chưa gặp, tóc thiếu niên đã mềm đi hẳn, êm ái vừa đủ cho cái vuốt ve.
Ai đã nói đầu đinh là tiêu chuẩn duy nhất kiểm chứng độ đẹp trai?
Trương Chú khi không để mái, từ vầng trán, mắt mày không giấu nổi thứ gì, vẻ điển trai không thể dời mắt nổi.
Tệ thật, lại nhìn cậu tới độ thất thần rồi.
Trương Chú nắm lấy bàn tay tác quái của cô, hôn lên mu bàn tay với vẻ rất đỗi tự nhiên, vừa nắn tay cô vừa ngước lên hỏi: “Hẹn hò với mình được không?”
Cô im lặng.
Trương Chú hạ giọng: “Lần này, Trương Chú sẽ không để Thịnh Hạ phải đợi, cả sau này cũng thế, có được không?”.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.