Mùa Hè Mang Tên Em

Chương 24: Thi Tháng


Bạn đang đọc Mùa Hè Mang Tên Em – Chương 24: Thi Tháng


Trương Chú đưa bài thi môn văn của cậu sang, “Bài làm văn của mình tiến bộ hẳn, không thể cảm ơn cô giáo Thịnh?”
Thịnh Hạ liếc nhanh qua bài thi, 47 điểm.
Đây đã được coi là điểm cao.

Lúc trước bài làm văn của cậu chỉ dưới 45 điểm đều đều, nên số điểm này giờ rất có ý nghĩa.
Dù vậy, số điểm này có can hệ gì tới cô, còn – cô giáo Thịnh? Cô chưa dạy cậu làm bài làm văn mà nhỉ?
Thịnh Hạ im lặng hồi lâu, Trương Chú đã có vẻ nóng ruột: “Thì Vương già chẳng bảo bù đắp lẫn nhau còn gì? Thế cậu đi mà bảo với Vương già, mình đã làm hết nghĩa vụ, là do cậu không thèm.”
Việc này…
Vương già nói vậy lúc nào? Chí ít là chưa từng nói với cô như thế.
Hầu Tuấn Kỳ quay đầu xuống nhìn Trương Chú với vẻ thích thú: Từ bao giờ mà Chú nghe lời vậy? Còn nữa, Vương già mà sẽ dùng thành ngữ kiểu như bù đắp lẫn nhau ư?
Các bạn nghe lời “giải thích” của Trương Chú, ý muốn hóng hớt bỗng chốc giảm hẳn, không nhìn họ nữa mà quay đi làm việc riêng.
Thịnh Hạ thở phào, đáp: “Mai đi được không, về muộn người nhà mình sẽ lo.”
Lý do của cô rất thuyết phục, lời nói mềm mỏng nhẹ nhàng, bỗng Trương Chú thấy như mình đang làm khó người ta.

Vui vẻ giúp người hẳn không nên được đối xử như thế chứ?
Cậu xua tay, “Sao cũng được, thành tích của cậu mà, mình vội gì chứ?”
Thịnh Hạ cảm thấy câu “cảm ơn” nghẹn ở cuống họng, nhìn nét mặt không kiên nhẫn của cậu, làm thế nào vẫn không thể thốt ra thành lời.

Cuối cùng chỉ mím môi, lại gật đầu, đoạn xách cặp đi ra khỏi lớp.
Cái mặt gì trông như bị hiếp bức vậy?
Trương Chú thôi nhìn, đập bài thi lên giá sách một cách bực dọc.
“Chú?” Hầu Tuấn Kỳ sà vào, nhìn bằng cái nhìn đểu giả, “Cậu làm sao thế?”
Trương Chú ngước lên, phát tín hiệu “liên quan quái gì tới cậu” rồi tiếp tục cúi đầu làm đề.
Hầu Tuấn Kỳ bị đe dọa còn cười tươi hơn, lầm bầm: “Thú vị thú vị.” Sau gáy bỗng bị cuốn vở nháp đập vào.

Đêm khuya, Thịnh Hạ trằn trọc trở mình, vẫn chưa biết nên báo lại thành tích ra sao.

Nhà trường có hệ thống giám sát dành riêng cho phụ huynh, không biết Vương Liên Hoa đã lên xem chưa.

Cứ nghĩ tới nét mặt ngao ngán muốn chỉ trích nhưng rồi kiềm lại của Vương Liên Hoa, Thịnh Hạ lại trở mình, mắt mở thao láo, bèn bò dậy mở bài nghe anh văn ra tự thôi miên.
Nhưng chỉ phí công.

Từ vựng tiếng anh vang lên bên tai, nhưng không một từ vào đầu nổi.
Thịnh Hạ hiểu nỗi trăn trở của Vương Liên Hoa, mẹ mong ba cô con gái đều có thể thành tài, độc lập, mạnh mẽ, mong các con có khả năng và can đảm để chống lại số mệnh.

Nhưng đến bây giờ, chưa đứa con nào có thể thỏa mãn mong đợi của mẹ.
Thịnh Hạ có thành tích khá ổn, nhưng chỉ ở mức ổn mà thôi.


Hơn nữa tính cô hiền lành, không biết tức giận, trông không có chính kiến;
Ngô Thu Tuyền thì là đứa mạnh mẽ, nhưng cứng quá hóa dở, học hành thì như mớ bòng bong;
Trịnh Đông Ninh càng khỏi phải nói, có thể lớn lên khỏe mạnh, khôi phục năng lực giao tiếp bình thường là đã lạy trời lạy phật…
Thịnh Hạ nhớ hồi bé, mỗi lần tan học về nhà nếu không luyện đàn thì cũng rèn thư pháp, nếu không học công thức thì cũng tụng thơ cổ, cả khi bị phạt cũng không thoát liên can với việc học, ví dụ không tập đàn đàng hoàng, phải phạt đứng, lưng đeo giá chỉnh tư thế đứng trước ti vi, nhẩm theo những dòng cổ văn trên màn hình, đến khi học thuộc mới thôi.
Bây giờ nghĩ lại, việc này đã giúp môn văn của cô không ít thì nhiều.

Nhưng lúc ấy thì chỉ thấy cực khổ.
Đứng lâu dần, giá gỗ sau lưng cấn vào cánh tay đau nhức, cô nức nở bật khóc, Vương Liên Hoa cũng ôm cô khóc cùng, nói mẹ cũng không muốn như vậy, Hạ Hạ nhất định phải giỏi hơn nữa, nếu không sau này sẽ hối hận giống mẹ…
Thịnh Hạ chỉ biết vừa nấc vừa nói con sai rồi, con sẽ cố gắng học, mẹ đừng khóc nữa.
Thịnh Hạ lại cầm cái điện thoại lên, mở khung trò chuyện với Thịnh Minh Phong.

Mấy hôm nọ bố chuyển cho một nghìn tệ, cô không nhận, đã từ chối trả về.
Thịnh Minh Phong nhắn rằng: Đang mải học à? Đừng áp lực quá, cuối tuần hẹn bạn đi chơi cho khuây khỏa.
Thịnh Hạ gõ mấy chữ, nhưng nhìn thời gian rồi lại xóa đi, tắt máy, thả mình về trong bóng tối.

Hôm sau, cả một ngày chỉ có giải đề thi, Thịnh Hạ nghe mà nhức hết đầu.
Trong tiết văn, cô giáo đọc bài làm văn của Thịnh Hạ, phân tích như một bài văn mẫu điển hình, cuối cùng kết luận: “Bài làm văn của bạn Thịnh Hạ rất có ý nghĩa tham khảo, các em nên đọc và phân tích nhiều, chắc hẳn lúc trước Trương Chú cũng đã học được không ít nên bài làm văn lần này thi khá tốt.

Học ở đây không phải bảo các em học cách dùng từ ghép câu, vì điều này không thể học trong thời gian ngắn, mà là học kết cấu, tư duy, và cách lựa chọn cái ý cốt lõi muốn biểu đạt.

Các em…”
Thịnh Hạ cúi đầu tránh cái nhìn chú ý của các bạn, bỗng thấy một cục giấy ném lên trên bàn.
Cô ngoái sang nhìn, Trương Chú tay chống cằm, mày nhướng nhẹ.
Cô thả tay xuống bàn, mở tờ giấy.
Trương Chú trông bộ dạng lén la lén lút của cô, nhoẻn cười.

Cái động tác cúi đầu thõng lưng ấy, quả thật giấu đầu hở đuôi.
[Đỉnh vãi đỉnh vãi]
Trên mẩu giấy là bốn con chữ bay bổng.
Thịnh Hạ chau mày.
[Nói linh tinh.] Cô trả lời.
[Thế cậu với mình nói thử xem?] Cậu lại ném tờ giấy.
Giờ họ không ngồi cùng bàn, ném giấy cho nhau qua lối đi dễ bị lộ hơn trước rất nhiều.

Thịnh Hạ không muốn trả lời, nhưng cái chân dài ngoằng của cậu đã cắt ngang lối đi, đập đập vào thanh để chân dưới ghế cô.
Thịnh Hạ quay sang nhìn, cậu nhìn lên giáo viên chăm chú, cái điệu tập trung nghe giảng…

Người này sao lại thế kia chứ?
Cô khẽ thở dài, chỉ có thể trả lời: [Tan học nói tiếp.]
Cô tưởng đến đây là xong, không ngờ cậu vẫn ném giấy sang, trên viết: [Đã rõ.]
Cậu đúng là nhàn rỗi sinh nông nỗi!
Thịnh Hạ vo tròn tờ giấy, ném vào túi rác riêng.
Chuông hết tiết vừa reo đã có mấy bạn vây quanh bàn Thịnh Hạ, muốn đọc bài làm văn của cô, đáng tiếc bài thi thì chỉ có một.

Có bạn hỏi: “Thịnh Hạ, cậu còn giữ bài làm văn lúc trước không?”
Thịnh Hạ nghĩ ngợi, “Ở nhà hết rồi.”
“Thế lúc nào cậu mang lên cho bọn mình đọc thử nhé?”
“Được.” Thịnh Hạ nhận lời, vẫn thấy hơi ngại.
Hồi còn học ở Nhị Trung, bài làm văn của cô cũng được giáo viên khen là chỉ có trên trời, dưới đất không ai, nhưng không có bạn nào hỏi han hiếu học như vậy.

Mà cô cũng chỉ biết viết, chứ nếu bảo phân tích giảng giải cho tỏ tường, thì thật không biết phải bắt đầu từ đâu.
Đám đông tụ tập đến tận khi chuông vào lớp sắp reo mới tản đi.

Lư Hựu Trạch bàn sau vỗ nhẹ vai cô, “Thịnh Hạ, cho mình mượn bài của cậu xem nhé?”
“Được.”
Thịnh Hạ cầm bài thi lên, đang định đưa ra đằng sau bỗng có người nắm một góc bài thi giữ lại.

Cô ngẩng đầu, nhìn thấy một gương mặt sáng sủa đang vênh lên một kiểu rất ngang.
Trương Chú nhìn cô, từ từ lên tiếng: “Không phải bảo hết tiết nói chuyện à?”
Thịnh Hạ: …
Cô liếc nhanh qua Lư Hựu Trạch.

Lư Hựu Trạch ra vẻ thấu hiểu, “Cậu giảng cho cậu ấy trước đi, mình không vội.”
“Ừm.” Thịnh Hạ nhìn cậu cảm ơn, khi nhìn Trương Chú cái nhìn đã trở về hệt như bình thường, “Mình không biết giảng, chỉ biết viết thôi.”
Trương Chú cau mày, sao cứ với cậu là cô lại trưng ra cái vẻ mặt như bị hiếp bức này? Chẳng phải mới nãy hãy còn mắt mày tình tứ lắm?
“Lúc trước giảng bài phát biểu chẳng phải giảng rất tốt còn gì?” Trương Chú ngồi xuống, nhìn cô hỏi.
Thi thoảng có mấy bạn đi qua lối đi, cắt ngang cái nhìn giao nhau của đôi bạn.

Những khi ấy Trương Chú lại vẹo cổ đổi góc nhìn, không bỏ qua biểu cảm của cô một lúc nào.
Thịnh Hạ nói: “Khả năng tư duy tự học của cậu rất tốt, hay cậu tự đọc trước đi.”
Lần này cô nói thật.


Tối qua cô có liếc sơ bài làm văn của cậu, quả thực tiến bộ rất lớn, chí ít đã thoát được bố cục ba phần năm đoạn đậm chất quy phạm lý thuyết, cách dùng từ viết câu cũng không còn cứng nhắc rập khuôn.
Cô nhớ tới tiết làm văn khi trước, cậu đã đọc bài làm văn của cô rất lâu, nghĩ ắt là đang phân tích mạch văn cũng như lô-gíc lý luận.
Không thể không nói, kể cả ở môn văn là môn học rất cần tích lũy này, cậu vẫn tự có một cách học riêng.
Học một biết mười.
Đây chính là năng khiếu.
“Cậu đang khen mình đấy à?” Trương Chú hỏi.
Thịnh Hạ ngẩn người, cậu tổ lái giỏi thật.

Cô ngờ ngợ gật đầu, “Ừm.”
“Được,” Trương Chú vơ lấy bài thi của thi, bỗng có vẻ như rất dễ bảo, “Mình đọc thử xem.”
Thịnh Hạ thở dài một cách kín đáo.
Cậu đọc một lần đọc hết cả ngày, đến tiết tự học tối vẫn chưa trả cho cô, làm Lư Hựu Trạch phải ngồi đợi mãi.
Thịnh Hạ: “Cậu đọc xong chưa?”
Trương Chú: “Mình phân tích chút nữa đã.”
Bế tắc.
Giờ tự học tối sau kiểm tra, tất nhiên là tiết mục Tâm sự tuổi hồng của Vương Duy.

Thịnh Hạ lại là con tốt đầu tiên bị gọi ra.

Lần này lớp học cũng có vài tiếng rỉ tai nho nhỏ.
Hình như Vương già quan tâm bạn học mới một cách khác thường.
Thịnh Hạ cũng khá thấp thỏm.

Cô biết Vương Duy muốn nói gì, nhưng cô chưa nghĩ ra nên trả lời ra sao.
Không ngoài dự đoán, Vương Duy loanh quanh dạo đầu một chập, an ủi cô mới tới nên chưa quen nhịp, thành tích hơi lên xuống âu rất bình thường, lúc này đừng quá lo lắng mà nên từ từ điều chỉnh.

Sau đó thầy bắt đầu bẻ lái, vế sau “tuy nhiên” thì là những lời kiểu thời gian gấp rút, phải tự tìm cách thích nghi với thầy cô và lớp học.
Từ đầu đến cuối Thịnh Hạ chỉ chăm chăm gật đầu, không hé nửa câu.
Vương Duy hỏi: “Em cảm thấy việc khó nhất trong học tập là gì, có thể kể với thầy.”
Nếu nói không có thì lại có vẻ đối phó quá, nhìn là thấy ngay.

Dầu Vương Duy không biết nói hoa mỹ, chỉ loanh quanh mấy chữ nghĩa thường thường, nhưng sự quan tâm của thầy là thật.

Thịnh Hạ nghĩ một lúc, trả lời: “Rất nhiều câu, rõ ràng vẫn là dạng đề đấy, chỉ thay lời giải, thay đáp án nhưng vẫn làm sai, không biết khắc phục thế nào…”
“Vậy thì,” Vương Duy vuốt cằm, ngẫm ngợi đôi giây rồi hỏi, “Bình thường em có soạn vở chữa lỗi sai không?”
“Có ạ.”
“Tí nữa đưa thầy xem thử, soạn vở chữa lỗi cũng phải đúng cách, không phải chỉ chép vào là xong,” Đang nói thì hình như nghĩ tới điều gì, Vương Duy nói, “Hay là em hỏi thử bạn Trương Chú, vở chữa lỗi sai của em ấy soạn rất tốt, vở chữa lỗi soạn năm lớp 11 cũng đã mang bán cho cửa hàng văn phòng phẩm ở cửa bắc trường, in lại bán cho các em lớp dưới, đắt như tôm tươi…”
Nói đến đây, Vương Duy cười cười, “Thằng nhóc này, thật là chẳng biết phải nhận xét thế nào nữa.”
Cảm thán xong thầy lại quay về chuyện chính, “Cuốn vở chữa lỗi sai đó của em ấy cả khối 11 hầu như ai cũng có một quyển, đắt khách như vậy, bán được không ít đâu.”
Thịnh Hạ nghe mà mặt trắng tái.
Vở, chữa, lỗi, sai? Thứ cậu in bán, là vở chữa lỗi sai!
Chứ không phải… gì gì kia sao?
Vương Duy trông dáng vẻ cô như nghĩ ngợi rất lung, bừng hiểu, đúng là thằng ranh Trương Chú kia không mấy thân thiết với con gái.


Vương Duy nói thật chân thành: “Em đừng sợ, có câu học thầy không tày học bạn, có gì không hiểu em cứ hỏi em ấy, nếu em ấy không chỉ thì cứ bảo thầy, thầy sẽ phê bình thật nghiêm!”
“Dạ, em cảm ơn thầy.”
“Ừm, em vào lớp đi, gọi Trương Chú ra cho thầy.”
Thịnh Hạ ngồi về chỗ mà hồn vía đã lên mây, thều thào: “Trương Chú…”
Sao nghe cái giọng tâm sự chất chồng thế này?
Trương Chú cau mày ngẩng lên.
“Thầy gọi cậu.”
“Ờ.” Trương Chú nhìn cô một cái ngờ vực, ra khỏi lớp.
Cả lớp đã miễn dịch với trật tự quen thuộc này, tuy vậy biểu hiện của Thịnh Hạ thì thật đáng để suy ngẫm, ai nhiều chuyện đã bắt đầu đoán già đoán non.
“Lúc trước cậu bảo Trương Chú đang cưa Thịnh Hạ, không biết phải thật không?”
“Trông Vương Duy nhọc lòng vậy, thì giống lắm.”
“Hạt giống trạng nguyên mà, không lo sao được?”
“Thế thì cũng tội Thịnh Hạ, không dưng vạ lây.”
“Ai chủ động còn chưa chắc đâu? Trương Chú chẳng vẫn theo đuổi Trần Mộng Dao còn gì?”
“Có khi chán rồi thì sao, cỏ gần hang chẳng thích hơn à?”
“Phức tạp.”
“Thú vị.”
Thứ cậu bán, là vở chữa lỗi sai ư?
Một cuốn vở chữa lỗi sai, mà có giá tới mấy trăm tệ?
Điều này đã vượt quá nhận biết của cô “học sinh kém đồ dùng học tập nhiều” như Thịnh Hạ.
Nếu là như vậy – cô đã hiểu lầm cậu hoàn toàn.
Nếu vậy, khi nhận cuốn sách luật kia, cảm xúc của cậu sẽ như thế nào?
Nín lặng, bàng hoàng, tức tối, hay là ném ngay đi như ném một món quà trêu ác ý?
Cô không nghĩ ra nổi.
Thịnh Hạ đỡ trán ngồi mất hồn.
“Hạ Hạ, cậu sao vậy, Vương Duy đã nói cái gì?” Tân Tiểu Hòa thấy sắc mặt cô hơi nhợt nhạt, hỏi han.
Thịnh Hạ ngẩng lên, hoàn hồn, “Không, không có gì.”
Thấy Tân Tiểu Hòa vẫn có vẻ ngờ vực, Thịnh Hạ bổ sung: “Thầy bảo mình hỏi bài Trương Chú nhiều hơn.”
“À ~” Tân Tiểu Hòa hiểu ra, “Ôi cậu đừng sợ, Trương Chú hơi ngang tí nhưng không chấp nhặt ai bao giờ, tại cái mặt lúc nào cũng vậy chứ thực ra không đáng sợ đâu, nếu có hỏi gì, biết là cậu ta nói hết đó.”
Có lẽ là nhận ra mình đang khen Trương Chú, Tân Tiểu Hòa le lưỡi, “Không sao đâu.”
“Ừm.” Thịnh Hạ gật đầu.
Quả là cô lòng dạ tiểu nhân, tự ý gán cho bạn tội lỗi như vậy.
Một cảm xúc hổ thẹn chưa từng có dâng ngập cõi lòng Thịnh Hạ.
Vương Duy và Trương Chú trao đổi rất lâu, đến tận khi chuông hết tiết reo, Trương Chú mới về lớp.

Trông cậu không có biểu cảm gì khác lạ mà vẫn một vẻ nhàn nhã bất cần thường ngày, chỉ là nói nhiều nên khô miệng, vừa vào lớp đã vơ nước tu ừng ực.
Thịnh Hạ rời mắt khỏi trái cổ trượt lên xuống của cậu, gọi cậu: “Trương Chú.”
Trương Chú đặt cốc nước xuống, vừa nuốt nước vừa đáp không rõ tiếng: “Ừ?”
“Mình xin lỗi.” Cô nói.
Trương Chú: …?
Các bạn:???!!!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.