Bạn đang đọc Một Nửa Anh Em: Chương 61
Không cần nói cũng biết Xuyên thản thốt đến mức độ nào, thật không thể tin được, ba – à không, chính xác là ba nuôi lại đã từng là một đôi thanh mai trúc mã với mẹ ruột của cậu. Ông thuật lại từ đầu tới cuối câu chuyện, hai người trước đây sống gần nhà nhau, gia đình ba nuôi vốn đi theo cách mạng, có thành phần tương đối nhạy cảm trong chính trị, nhiều người xung quanh không hiểu vấn đề sâu xa nên dèm pha đặt điều rồi nghĩ xấu về họ, gia đình của mẹ Xuyên cũng nằm trong số đó. Vì thế, khi biết được chuyện yêu đương của hai người, tất cả dòng họ cô chú dượng dì đều kịch liệt phản đối gay gắt, cấm cửa mẹ không được ra ngoài, còn ba nuôi thì thấy béng mảng tới là họ đánh đập không thương tiếc. Vào thời ấy, quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” vẫn còn rất chú trọng, lễ nghi giáo điều hiếu thảo luôn đặt lên đầu, mẹ quyết định từ bỏ, đi cùng người dì bà con phụ buôn bán ở một nơi xa, cắt đứt liên lạc với ba nuôi. Từ đó, ông rơi vào tuyệt vọng, đau khổ tột cùng, mối duyên tình dang dỡ, chàng trai trẻ thời ấy với quyết tâm rời bỏ miền đất nhuốm màu bi thương, lên Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, ông ngày đêm miệt mài chí thú làm ăn, giỏi giang cần mẫn lao động, rồi gặp được người phụ nữ con gái của ông chủ rất mực trọng dụng – cũng chính là mẹ Hiệp, từ đó xây lên mối duyên tình mới…
Thời gian đong đưa như gió cuốn lá bay đi, hai số phận bẽ bàng lần nữa tương ngộ. Đó là lúc cả hai đều đã có gia đình riêng, mẹ Xuyên mới hạ sinh cậu ra vừa đầy tháng, làm vợ một doanh nhân khá thành đạt lúc bấy giờ. Người doanh nhân đó – tức ba ruột đã mất của Xuyên lại là đối tác mới của ba nuôi, hai người trở nên thân thiết và gặp gỡ ăn uống tại nhà, thế là chạm mặt nhau. Đương nhiên bàng hoàng thản thốt là điều khó tránh khỏi, nhưng mẹ Xuyên là người chủ động làm lơ, xem như chưa hề quen biết nhau…
Chẳng bao lâu, công ty của ba Xuyên làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản, nợ nần chất chồng, trong lúc tuyệt vọng ông đã nhảy lầu tự tử, bỏ lại mẹ con Xuyên bơ vơ. Lúc ấy, ba nuôi đã đến và mong được chăm sóc cho hai người, nhưng mẹ cậu kiên quyết từ chối, tuy nhiên vì cảnh nợ nần trốn chui trốn nhủi, ngày tháng sắp tới không biết phải bương chải ra sao. Không muốn con mình phải chịu khổ, bà quyết định giao đứa con mình dứt ruột sinh ra cho người yêu cũ của mình, từ đó bà bỏ đi bặt vô âm tính.
Xuyên bàng hoàng đến cả người tê cứng, không thể cử động nổi, phải khó nhọc lắm mới mở miệng ra:
– Vậy bây giờ… ba có biết mẹ con ở đâu không?!
– Lúc đó ba năn nỉ hết lời nhưng mẹ con vẫn không chịu ở lại, ba đành bó tay để mẹ ra đi, nhưng vẫn cố gắng xin cho bằng được chỗ ở, thi thoảng cũng xuống tìm…
– Vậy bây giờ mẹ con ở đâu? Ba cho con biết đi!
Ông đã được mẹ Xuyên nhắn gửi rằng, chỉ khi nào cậu trưởng thành, thật sự muốn biết nguồn gốc của mình từ đâu thì mới được cho biết nơi ở của bà. Vào lúc này có lẽ vẫn còn hơi sớm, nhưng mọi chuyện đã bị phanh phui thì không cần phải giấu thêm nữa. Sau khi biết rõ nơi ở của mẹ ruột mình, Xuyên bảo ngay kỳ nghỉ lễ này sẽ xuống dưới tìm…
– Để ba sắp xếp công việc rồi đi cùng con, một thân một mình xuống một nơi xa xôi heo hút như vậy dễ lạc đường lắm!
– Không sao đâu ba, hồi trước trong những dịp hè đi cùng đoàn trường dã ngoại các tỉnh miền Tây, con cũng đã thông thạo các địa danh ở dưới rồi. Đường đi ở trong miệng mình, với lại cũng đã hiện đại hóa lên nhiều rồi, không còn “quê mùa” như ba nghĩ đâu!
Xuyên cố gắng mỉm cười, thể hiện sự vui tươi tự tin trước mặt ba, dù trong lòng vẫn còn canh cánh rất nhiều thứ. Một năm trước, khi biết rõ bản thân mình không hề có quan hệ máu mủ gì với cả gia đình mà cậu đã sống từ thuở nhỏ, Xuyên đã rất muốn biết nguồn gốc thật sự của mình, và cả người mẹ trong ký ức mơ hồ của cậu. Có lẽ, tất cả những hình ảnh trước năm 4 tuổi, cậu đều đã quên sạch, nó như màn sương mờ ảo mong manh khiến cậu không thể nhận ra rõ ràng, người cha đã mất không chút ấn tượng, phải chăng vì ông suốt ngày chỉ lo cho công việc, ít khi ở nhà. Chỉ có mẹ là vẫn còn lưu lại chút cảm giác thông qua bức ảnh với nét mặt mà cậu đã giống gần như tuyệt đối… Nhưng trước đó, Xuyên chưa muốn hoặc chưa dám tìm lại, bởi lẽ cuộc sống hiện tại quá tốt đẹp, được cha mẹ yêu thương, cậu sợ sẽ phải phá bỏ tất cả, huống hồ chi bản thân mình vẫn chưa thể giải quyết được gì khi tuổi đời còn quá non nớt.
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, cộng với sự thuyết phục của Xuyên, papa đành miễn cưỡng để cậu tự đi một mình, nhưng dặn dò rất kỹ lưỡng là phải thường xuyên giữ liên lạc, có gì là gọi về ngay, có nguy hiểm gì là phải nhờ người dân xung quanh giúp đỡ. Xuyên đã không còn là cậu nhóc nhát gan, yếu đuối, sợ sệt như hồi trước, trải qua nhiều biến động, nhiều va chạm ở cả trường học lẫn trường đời, cậu chàng với tuổi đời 17 đã dần thích nghi với mọi hoàn cảnh, có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Gần đến kỳ nghỉ lễ, Xuyên thu xếp hành lý đâu vào đó, papa cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ từ lộ phí đến tư trang giúp cho cậu con cưng. Chuyến đi lần này hoàn toàn là bí mật, đến cả mẹ nuôi cũng không được biết, hiển nhiên Xuyên cũng nói với ba không được tiết lộ chút gì về chuyến đi này cho cả Hiệp, cứ bảo là cậu đi dã ngoại với trường. Papa chỉ hơi thắc mắc một chút là sao Xuyên lại nhắc kỹ như thế trong khi thực chất ông không có ý định nói cho Hiệp biết, cũng không nghĩ là Hiệp sẽ để tâm nhiều.
Sau khi được ba đặt dùm vé xe và đưa ra tận bến, ông lại dặn dò thêm lần chót trước khi Xuyên lên đường. Trong sự quan tâm của người cha nuôi đã thương yêu chiều chuộng cậu suốt bao nhiêu năm còn hơn là cha ruột, có phản phất chút gì đó nặng trĩu ưu tư:
– Con về dưới gặp được mẹ rồi thì báo cho ba biết. Cố gắng thuyết phục lên đây sống… Ba đã khuyên nhiều lần lắm rồi mà không được!
– Ba yên tâm, con sẽ cố gắng!