Bạn đang đọc Mong ước lâu bền – Chương 8
Chương 5: Áo mùa đông cho bà và mẹ
Số đơn đặt hàng trong tháng 12 lại tiếp tục tăng lên 260 đơn hàng, phạm vi khách hàng được mở rộng từ kí túc xá sinh viên ra cả khu chung cư của các giáo viên và một số nhà dân xung quanh trường. Nếu chỉ dựa vào sức của một mình Khả Nhi thì không thể nào giao hết được số hàng này, hơn nữa việc làm ăn ngày càng mở rộng ra. Thế là Khả Nhi lại lần nữa đến tìm chủ cửa hàng để bàn bạc. Nhưng thái độ của bà chủ cửa hàng vẫn như vậy:
-Mở rộng việc làm ăn, phải thuê người giúp đỡ…những chuyện đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. Cô muốn làm thì tự móc tiền túi ra mà trả. Nói tóm lại, một nửa lợi nhuận của tôi không ai được động vào, nếu không thì đừng nghĩ đến chuyện mượn cửa hàng của tôi làm nơi nhận hàng.
Nghe bà chủ cửa hàng ngang ngược như vậy, Khả Nhi cũng cảm thấy bực mình:
-Được, đấy là cô nói đấy nhé! Mặc dù chúng ta chỉ là giao ước miệng nhưng cháu phải nhắc lại cho cô biết, chúng ta đã giao ước là: cô phụ trách liên hệ nguồn hàng và nơi nhận hàng. Còn cháu phụ trách việc tìm khách hàng và tổ chức giao hàng đến tận tay khách hàng. Sau khi trừ đi các chi phí, tiền lãi sẽ chia cho mỗi người một nửa. Nhưng cháu không hề nói việc giao hàng sẽ do đích thân cháu đi giao. Hiện giờ người liên hệ nguồn hàng là cháu, người đưa hàng cũng là cháu, cô lại không chịu bỏ ra chi phí thuê người. Vậy thì chúng ta cắt đứt hợp đồng cũng không phải là vi phạm hợp đồng đúng không?
-Cắt đứt thì cắt đứt- bà chủ cửa hàng vẫn khinh khỉnh đáp: -Mày không làm thì còn ối người muốn làm!
-Cháu nghĩ là cô hiểu nhầm rồi!- Khả Nhi lạnh lùng đáp: -Không phải là cháu không làm nữa mà là cháu không cần dùng đến cửa hàng của cô nữa!
-Mày định làm gì?- bà chủ cửa hàng lắc đầu: -Định dọa tao đấy à? Mày đừng tưởng tao không biết là trường chúng mày cấm học sinh buôn bán trong khi còn đi học. Nếu như không mượn danh của tao thì mày còn lâu mới được làm!
Khả Nhi bình thản nói:
-Được, vậy để cháu chứng minh cho cô thấy!
Trước khi nói chuyện với bà chủ cửa hàng, Khả Nhi đã có chuẩn bị sẵn để đối phó với việc đàm phán không thành. Thế nên ra khỏi cửa hàng ở gần kí túc xá là cô lập tức đi tìm cô giáo phụ trách. Cô giáo phụ trách cùng đi với Khả Nhi đến gặp và nói chuyện với người phụ trách trung tâm việc làm cho sinh viên. Về việc kinh doanh sữa tươi của Khả Nhi, phụ trách trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên đã có nghe nói. Sau khi tìm hiểu cụ thể, phụ trách trung tâm nhanh chóng đưa ra ý kiến ủng hộ.
Thế là việc nhận đặt sữa tươi lại được thực hiện dưới danh nghĩa của trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên. Trung tâm việc làm còn cung cấp cho Khả Nhi một gian phòng riêng để làm nơi xử lí các công việc hàng ngày, đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi cho Khả Nhi phát triển công việc. Trung tâm này không hề yêu cầu Khả Nhi phải chia đôi lợi nhuận mà chỉ yêu cầu Khả Nhi để cho trung tâm sắp xếp công việc giao hàng cho một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong trường và nếu như sau này Khả Nhi ra trường, bắt buộc phải để lại nguồn hàng và các tài liệu liên quan để cho nhân viên của trung tâm việc làm tiếp quản.
Dưới sự sắp xếp của trung tâm, Khả Nhi đã có thêm năm sinh viên thuộc diện khó khăn đến xin nhận đi giao sữa và đặt ra chế độ quản lí hoàn thiện cho nghiệp vụ của mình: các khách hàng được chia thành năm phân khu cụ thể, mỗi người phụ trách giao hàng ở một phân khu, nếu ai kí được tiếp đơn đặt hàng hoặc nhận được đơn đặt hàng mới sẽ được nhận thêm tiền hoa hồng. Sau khi hoàn thiện chế độ làm việc là ổn định công việc, Khả Nhi không cần phải tự mình đi đưa sữa nữa mà chỉ cần chuyên tâm cho việc quản lí và phát triển công việc.
Nhờ việc mở rộng cung cấp sữa bò tươi nên Khả Nhi không chỉ có thể giải quyết được vấn đề của bản thân mà còn có giải quyết được vấn đề việc làm thêm cho các sinh viên khó khăn trong trường. Nhờ đó cô cũng trở nên nổi tiếng trong trường, là tấm gương sinh viên nghèo vượt khó điển hình. Phóng viên của tập san trong trường có ý muốn phỏng vấn Khả Nhi, viết một bài báo ca ngợi cô với tựa đề “Hoa mai nở trong tuyết” nhưng Khả Nhi từ chối, thậm chí còn có ý tránh né. Có người cho rằng cô kiêu căng nhưng cũng có người khen ngợi thái độ khiêm tốn của cô. Trong thư gửi cho Tương Vũ, Khả Nhi có viết: “Tớ chỉ cảm thấy mấy tờ báo ấy thật phiền phức. Có lẽ tớ nên thuận theo xu thế chung, cao giọng kể lể là tôi phải cảm ơn sự nghèo khó và gian nan đã rèn rũa con người tôi trở nên như vậy. Nếu như có thể lựa chọn, có ai tình nguyện được rèn rũa trong khó khăn chứ? Tớ chẳng thấy biết ơn sự gian khổ chút nào. Con người bị bức bách đến bước đường cùng thường phải nghĩ cách mà sống tiếp. Tớ chỉ nghĩ làm thế nào để cho người thân của mình được sống hạnh phúc. Tớ làm tất cả mọi việc cũng chỉ là để mưu sinh mà thôi!
Một học kì nhanh chóng trôi qua. Vì nghỉ tết không có đơn đặt hàng nên Khả Nhi quyết định sẽ tạm thời dùng việc buôn bán, về quê ăn tết với bà và mẹ. Khả Nhi kiểm tra lại sổ tiết kiệm của mình trong học kì vừa qua, tất cả có 2300 tệ. Trong đầu Khả Nhi đã có dự tính sẵn: bà và mẹ lâu lắm rồi chưa được mua áo mới, vì vậy sẽ mua cho hai người một chiếc áo mùa đông thật tốt. Số tiền còn lại cũng đủ để cả nhà đón một cái tết thịnh soạn.
Mặc dù Khả Nhi đã nhiều lần vào thành phố nhưng mỗi lần đều là vì bàn bạc công việc, xong việc là vội vàng về trường nên cô chẳng biết gì về trung tâm thành phố hết. Mà tất cả các môn thi đều tập trung vào tuần sau. Phương pháp học tập của phần lớn các sinh viên đại học là: trước khi đi thi ra sức chép bài, chuẩn bị thi thì cố học thuộc lòng, thi xong thì ném sách vở đi. Thường ngày mọi người ai nấy đều chơi đùa thỏa thích, cứ đến khi thi mới vùi đầu vào học tập. Vì thế họ lấy đâu ra thời gian mà đi mua đồ với Khả Nhi trong lúc nước sôi lửa bỏng này. Nhưng nếu như đợi đến khi thi xong mới đi mua thì không kịp. Vé tàu về nhà của Khả Nhi được đặt mua chung với các đồng hương của mình, thời gian xe chạy là vào buổi tối đúng vào ngày thi hết môn cuối.
Khả Nhi đành phải hỏi thăm Lệ Na xem có nơi nào bán hàng chất lượng mà giá cả ưu đãi để tự đi mua. Lệ Na nói:
-Tớ quả thực biết rất nhiều nơi mua quần áo đẹp, biết rõ đường đi nhưng lại không thể chỉ rõ đường cho cậu. Quả thực không có thời gian chứ nếu không tớ đã dẫn cậu đi một chuyến!
Khả Nhi giở một tấm bản đồ ra rồi bảo:
-Cậu nói cho tớ biết nó nằm ở đâu là được rồi. Tớ sẽ tự tìm theo bản đồ!
-Thực ra cũng không phải là không có cách nào khác- Lệ Na đưa ý kiến: -Tớ nghe Chu Chính Hạo nói lớp Dương Phàm đã thi xong hết rồi, chỉ còn một môn tự chọn là chưa thi, nhưng phải đến thứ sáu tuần sau mới thi cơ. Chi bằng cậu đi hỏi anh ấy, xem xem anh ấy có thể dẫn cậu đi một chuyến không!
Khả Nhi có chút do dự:
-Để một anh chàng dẫn đi mua quần áo sao?
-Hài, là mua cho người lớn mà, có phải dẫn cậu đi mua quần áo lót đâu mà ngại? Hơn nữa nhà anh ấy cũng có người lớn, biết đâu lại có thể góp ý cho cậu. Dù sao cũng tốt hơn là để cậu một mình lọ mọ khắp nơi.Cậu đi hỏi anh ấy xem, nếu không được còn tìm cách khác!
Khả Nhi quyết định đi hỏi thử Dương Phàm xem sao. Sau nghi nghe xong mục đích đến tìm của Khả Nhi, Dương Phàm liền vui vẻ nhận lời:
-Ok, không vấn đề! Anh có một người họ hàng bán quần áo, em đưa số đo của bà và mẹ cùng với kiểu dáng mà em thích cho anh. Cuối tuần anh sẽ mang áo về cho em xem! Làm thế em đỡ phải mất công đi, để dành thời gian mà ở lại kí túc ôn tập!
Khả Nhi im lặng cân nhắc đề nghị của Dương Phàm. Mặc dù thường ngày cô vẫn học hành đầy đủ nhưng trước khi thi có thời gian ôn tập vẫn tốt hơn. Mặc dù vài trăm đồng tiền học bổng giờ chẳng thấm vào đâu so với thu nhập của Khả Nhi nhưng cô vẫn muốn giành được nó để dễ ăn dễ nói với bà và mẹ.
Thấy Khả Nhi không lên tiếng, Dương Phàm tưởng là Khả Nhi không yên tâm, anh vội vàng nói:
-Yên tâm đi! Anh sẽ mang về cho em xem trước, nếu như không đồng ý anh sẽ giúp em đổi lại! Dù sao cũng là của người nhà nên cũng dễ ăn nói hơn!
-Sao lại không yên tâm chứ, chỉ là em thấy làm phiền anh quá thôi!- vừa nói Khả Nhi vừa lấy ví tiền trong túi ra: -Khoảng bao nhiêu tiền hả anh? Nếu như chỗ này không đủ, em sẽ…
Dương Phàm đẩy bàn tay đang cầm tiền của Khả Nhi lại. Bàn tay của cô vẫn hơi lạnh như ngày nào. Anh vừa chạm phải cô lập tức rút tay lại:
-Đợi khi nào có quần áo rồi nói sau!
Đến chiều chủ nhật, quả nhiên Dương Phàm mang áo đến cho Khả Nhi. Hai chiếc áo hoàn toàn giống như ý của Khả Nhi. Chiếc áo mua cho bà là áo khoác nhung, chiếc áo mua cho mẹ là chiếc áo làm bằng lông cừu…chất vải rất mềm mại, mặc vào vô cùng dễ chịu, lại rất đẹp nữa.
-Thế nào? Dương Phàm hỏi: -Em có hài lòng không?
-Có chứ, em rất thích!- Khả Nhi gật đầu lia lịa: -Bao nhiêu tiền, em lập tức trả anh!
-Đừng vội, tiền nhất định là phải đòi em rồi- vừa nói Dương Phàm vừa giơ ra ba ngón tay: -Ba trăm đồng, không hơn không kém một xu! Mau moi tiền ra đây!