Đọc truyện Mộng Thấy Sư Tử – Chương 2: Chiếc bè
Dư Phi cọ người lên cột điện xi măng.
Gần đây đầu óc cô rối bù, luôn làm những hành động khó hiểu không sao giải thích được. Giống như bây giờ khi đang cọ người lên cột điện thế này, trong đầu cô sẽ nhảy ra một câu nói: Dao phay trong tay ta chém đứt phựt lớp lớp dây điện, hoa lửa chớp ánh điện tóe loe bay rờm rợp tung trời. Cô sững người nửa giây, “xí” một tiếng, cái quỷ gì thế, toàn mấy thứ không biết từ lúc nào bị Thứ Cơ bơm vào làm ô nhiễm tinh thần cô.
Có điều gần đây, trong đầu cô đã nhiều lần luẩn quẩn câu từ này: Nơi núi đổ mộng chân thật nhất, cảnh chốn xưa nào dễ quên đi, địa đồ nay đã đổi thay, làm sao tin được lối xưa đã nhoà.
Trong đầu cô cứ vô thức lặp đi lặp lại vài điệu hát, đa số là những điệu cô đã tập nhiều lần, tập đến độ muốn tẩu hỏa nhập ma. Nhưng sau khi rời khỏi Thiện Đăng Đĩnh, đã rất lâu rồi cô không hát lại, vì sao những làn điệu này vẫn quanh quẩn trong đầu?
Nghe kĩ lại, đây cũng không phải kinh kịch, mà là côn khúc, trong “Đào hoa phiến” vị sư phụ dạy hát Tô Côn Sinh đã sáng tác nên “Ai Giang Nam”, lại còn có cả tiếng sáo đệm, ê ê a a, thê lương vô cùng.
Dư Phi bị chính mình hù dọa, nghĩ thầm mình đây là làm sao thế này, mười sáu năm học kinh kịch, chẳng lẽ côn khúc mới là định mệnh đời mình sao?
Lại tỉ mỉ ngẫm lại, cô nhớ tới, có một phương pháp dạy hí khúc rất độc đáo ở Thiện Đăng Đĩnh. “Nghê phái” cho rằng côn khúc là tổ tiên của tất cả các loại hình hí khúc, vậy nên trước khi học kinh kịch sẽ phải học bắt đầu từ côn khúc, còn gọi là “kinh côn bất phân”. Bởi cô chuyên đóng vai lão sinh (*), vậy nên từ khúc này cô sớm đã thuộc nằm lòng.
(*) Các vai nam trong kinh kịch gọi là “sinh” (生), vai “lão sinh” (老生) là những nhân vật từ trung niên trở lên, phải đeo râu giả, vì vậy nên còn được gọi là “tu sinh” (須生, tu nghĩa là râu).
Từ nay về sau, vài chục năm nữa, cô sẽ không bao giờ hát lại những khúc này nữa.
Chưa từng nghĩ đến, một ngày nào đó sau khi rời khỏi Thiện Đăng Đĩnh, làn điệu này lại cất lên trong đầu cô như tiếng hát của một u hồn.
Một tháng nay, cô cứ như người trong mộng. Sáng thức dậy, luôn có cảm giác mình đã để lỡ mất giờ luyện hát; giữa ngày thì cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, luôn ngỡ rằng mình vẫn còn đang ở Phật Hải, hay đang đứng trên sân khấu hát đối đáp cùng sư thúc Nghê Lân… Cảnh chốn xưa nào dễ quên đi, đúng là cảnh chốn xưa nào dễ quên đi.
Cô vừa dứt khoát cắt đứt dòng hồi ức, vừa căm hận thầm mắng Thứ Cơ: Nói cái gì mà sẽ gặp được tấm chồng cao phú soái (*) như ý chứ, hiện giờ đến cả cái rắm cũng không thấy! Trở về thành phố đã nhiều ngày như vậy rồi, ngoài bác sĩ ra, cô còn chẳng nói được quá ba câu tử tế với một người đàn ông nào.
(*) Cao – giàu – đẹp, một cụm từ về hình tượng đàn ông tiêu chuẩn của giới trẻ Trung Quốc hiện thời, đối lập với “bạch phú mỹ (trắng – giàu – đẹp)” là hình tượng tiêu chuẩn đối với con gái.
Trên hông dường như lại ngưa ngứa, cô lại cọ cọ lên cột điện, vừa cọ vừa nhớ tới trước đây xem “Liên hương bạn” ở Bắc Kinh, trong đó có đoạn hai nhân vật nữ chính Thôi Tiên Vân và Tào Ngữ Hoa thể hiện tình cảm và khao khát lẫn nhau, chính là đã cọ người lên cái cột trên sân khấu như thế này. Tư thế cọ cột đó rất đẹp mắt, Dư Phi gắng nhớ kỹ lại, suy nghĩ đôi chút, không khỏi bắt chước theo, từ từ đong đưa eo, chầm chậm, chầm chậm.
“Giữa đường giữa chợ uốn éo làm trò gì thế?”
Dư Phi tỉnh táo lại, trước mặt là một gã trai cao to, nhìn qua đã biết là loại lêu lổng, tóc mái trước trán vuốt keo dựng ngược, đeo kính râm, dáng vẻ rất chi là “thời thượng”. Cô phóng mắt qua bờ vai hắn, đứng cạnh xe là một đôi tình lữ đang nhìn cô chằm chằm, thấp thoáng có vẻ quen mắt.
Dư Phi là một người có lòng kiêu hãnh rất cao, đứng trên sân khấu bị bao nhiêu người nhìn chằm chằm cô còn chẳng thèm để ý. Cô liếc gã trai lêu lổng kia một cái: “Tao cứ thích uốn éo giữa đường đấy, ảnh hưởng đến bát cơm nhà mày chắc?”
Gã trai lêu lổng lấy ra một cuộn tiền, lắc lư trước mặt cô rồi cắm vào khe hở giữa hàng khuy cài chạy dọc bên sườn chiếc xường xám của cô. Ngực Dư Phi không lớn cũng không nhỏ, chiếc xường xám tuy rằng mộc mạc nhưng lại được cắt may rất vừa vặn, phô bày hết các đường cong trên cơ thể. Cuộn tiền trăm tệ cắm vững lên trước ngực cô, vừa hay không bị rơi xuống.
Dư Phi che ngực, mắt phượng trợn trừng, ánh mắt như mũi dao nhíp chòng chọc đâm về phía hắn: “Tạ Địch Khang, mày muốn chết hả!”
Tạ Địch Khang thảnh thơi đút tay vào túi quần, nhún vai: “Không ảnh hưởng đến bát cơm nhà tao, nhưng ảnh hưởng đến bát cơm nhà họ.”
Dư Phi lựa theo ánh mắt Tạ Địch Khang, quay đầu lại nhìn, vỉa hè bên kia có vài cô nàng ăn mặc thiếu vải bỏng mắt đang đứng đó.
Dư Phi nói: “Ồ.”, thân mình đang dựa trên cột điện nghiêng ngả đứng dậy, nhún vai một cái, sống lưng thẳng tắp, nghiêm chỉnh hết sức.
Tạ Địch Khang: “…”
Dư Phi hỏi: “Sao mày lại trả lại tiền cho tao? Không mua được? Hay là tao đưa thiếu? Mày cứ nói thẳng đi.”
Tạ Địch Khang nói: “Huyết yến của mày tao đã đưa đến nhà mày rồi, cam đoan là hàng chính gốc Nam Dương, hơn nữa còn là hàng cao cấp, mày về tự xem đi. Dì San đối với bọn tao cũng khá tốt, coi như là chút tấm lòng của anh em bọn tao.”
Mũi Dư Phi cay cay, cũng biết nếu là hàng cao cấp thì chút tiền này của cô chắc chắn là không đủ mua. Cô kiên cường nén nước mắt: “Vậy mày muốn thu phí bảo hộ bao nhiêu đây?”
“Ông đây không thu phí bảo hộ!”
Dư Phi nói: “Mày đừng nóng, người trong giang hồ, sao có thể chịu thiệt thế được. Mày nhất định phải sống lâu vào đó, tương lai tao còn kiếm tiền trả lại mày.”
Tạ Địch Khang lơ đễnh cười nhạt một tiếng: “Thằng bạn thân của tao tên A Quang – chính là ông chủ chuyên buôn bán với nước ngoài ấy – thấy cặp mông của mày được lắm, muốn mày ngủ với nó một đêm, coi như đó là mày trả tiền.”
Dư Phi “ồ” một tiếng, nói: “Mày nói với A Quang, bao giờ ông già nhà hắn chết, tao sẽ đến linh đường giúp hắn hát miễn phí một tối.”
Tạ Địch Khang cười ha hả: “Ông già nhà nó khi còn sống ghét nhất nghe hí khúc đấy, mẹ thằng A Quang hằng năm đều đốt hai con hát bằng giấy cho ba nó, nói sợ ba nó ở dưới đó tịch mịch, ông già nó ước chừng năm nào cũng bị chọc tức đến sắp nhảy ra khỏi quan tài rồi.”
Dư Phi khinh bỉ lườm hắn.
Tạ Địch Khang vỗ vỗ vai cô: “Có việc, đi trước đây. A Quang rất biết kiếm tiền, đối với mày cũng thật lòng thật dạ, mày thử cân nhắc một chút.”
Dư Phi nói: “Vậy mày bảo hắn từ bỏ đi, tao có người đàn ông khác rồi, dáng dấp cực ngon nhé.”
Tạ Địch Khang nói: “Đừng có chém gió. Hồi trước A Quang còn đánh cuộc với tao xem mày có phải chim non hay không đó. Tao mà nói với nó, nó nhất định sẽ đào cho bằng được ra xem thằng nào gan lớn thế đấy.”
Dư Phi đến chết còn mạnh miệng: “Tao nói có là có, sợ hắn chắc?”
Tạ Địch Khang huýt sáo, rời đi.
Trời đã hoàn toàn tối hẳn, đèn đường dày đặc bật sáng, hệt như dải ngân hà. Dư Phi nhìn theo bóng lưng Tạ Địch Khang đi xa.
Tạ Địch Khang là bạn thân từ thuở còn cởi truồng của cô, sau này cô lên Bắc Kinh, đi một lèo không về lần nào. Sau đó nữa thì hằng năm cô đều trở về thành phố, Tạ Địch Khang cũng thỉnh thoảng vào thủ đô, gặp mặt tuy không được bao nhiêu nhưng tình nghĩa này vẫn luôn được duy trì.
Dư Phi nhấc chân đi về phía bến xe, bất ngờ nhận ra cặp tình nhân trẻ tuổi kia vẫn còn ở đây, cũng không biết là đang đợi xe hay thế nào. Cô chợt nhớ ra, cô từng gặp hai người này ở bệnh viện, không ngờ ngẫu nhiên ra ngoài ăn cơm tối cũng lại chạm mặt. Lúc đó cô cảm thấy cặp đôi này ăn mặc rất hợp thời, nam thì cao lớn cường tráng, nam tính đẹp trai, nữ thì eo nhỏ chỉ bằng một vòng ôm, xinh xắn động lòng người, một đôi nhìn vô cùng đẹp mắt. Hai người họ còn anh anh em em ríu ra ríu rít, để lại ấn tượng đặc biệt sâu. Nhưng khi ánh mắt đôi bên chạm nhau, Dư Phi nhìn ra được sự coi thường trong mắt họ, vừa hiếu kỳ vừa ghét bỏ, điều này khiến cô cảm thấy rất khó hiểu.
Có điều, Dư Phi ngoài chuyện hát hí khúc ra thì không mấy bận tâm quá nhiều đến những thứ khác, đoạn nhạc đệm nho nhỏ này, cô cũng không để bụng. Chuyến xe buýt về nhà cô vừa lúc vào bến, cô trèo lên xe. Cô xoa xoa thắt lưng, mụn nước mọc thành từng dải hành hạ cô suốt nửa tháng qua, hiện giờ cuối cùng cũng sắp khỏi hẳn. Hôm nay đến bệnh viện, coi như là lần cuối cùng đến thay thuốc. Vết thương do roi vụt cũng đã nhạt bớt đi nhiều.
Cô hồi tưởng lại, suốt mấy ngày đầu bị mụn ngứa giày vò, cô chẳng dám gãi, sợ để lại sẹo, giờ thì hoàn toàn chẳng lý gì đến nữa. Mái tóc dài hồi trước giờ cũng đã cắt ngắn đi. Người ta thường nói phụ nữ làm đẹp vì người mình yêu, giờ đây đã chẳng còn người để yêu nữa, tâm tư của cô từ mãnh liệt cũng trở nên nhạt nhòa.
Đường đông xe cộ, xe buýt không nhanh không chậm từ tốn chạy. Nhiệt độ bắt đầu giảm xuống, Dư Phi lấy từ trong túi ra một chiếc khăn quàng cổ mỏng dài, quấn hai vòng lên cổ, Thành phố Y khá nhỏ, đường phố chật hẹp, người tới xe lui, cảm giác khói bụi hồng trần lại càng nồng nặc. Dư Phi dựa lên cửa sổ xe thất thần, cũng không biết bao lâu sau, chợt nghe tiếng báo: đã đến bến đầu đường Thiết Sư Tử.
Dư Phi cả kinh, lỡ bến rồi. Thì ra loa phát thanh của xe buýt này bị hỏng, lúc được lúc không. Dư Phi cũng không đắn đo nhiều, lập tức xuống xe.
Tuyến đường của tuyến xe buýt này bị thiết lập không đối xứng, ở hướng này còn có bến đầu đường Thiết Sư Tử, ở hướng ngược lại lại chẳng có bến nào. Giờ này cũng không tiện bắt taxi, Dư Phi không còn cách nào khác, đành dò dẫm theo đường mà đi ngược về.
Gió đêm bắt đầu nổi, cánh hoa phủ đầy trên mặt đất bị cuốn lên. Hoa theo gió bay, lúc thì ào ào cuốn về phía trước, lúc lại ào ào bị thổi ngược về.
Thành phố Y tuy ở phía nam, nhưng năm nay dường như lại đặc biệt lạnh hơn một chút.
Dư Phi giữ chặt khăn quàng cổ. Gió thổi qua, chứng đau dây thần kinh toàn thân lập tức lại tái phát, là một chứng bệnh cũ mắc phải do trước đây luyện hát.
Bảy tuổi lên Bắc Kinh, được sư phụ chọn trúng làm đệ tử cuối cùng, đến giờ đã là mười sáu năm, không có ngày nào cô ngừng việc luyện hát.
Hiện giờ bỗng chốc bỏ ngang, cô có cảm giác mình như một khu vườn cũ, qua một đêm đã mọc đầy cỏ dại.
Qua tất cả, đều thành công dã tràng.
Chỉ để giải thoát khỏi một cuộc tình.
Cô vì yêu Nghê Lân đã ngậm đắng nuốt cay suốt nhiều năm. Nghê Lân tâm lặng như đáy nước, cô đành giấu kín không dám biểu lộ, nhưng cô không tin Nghê Lân không biết. Vở hí kịch cô hát tốt nhất là “Du long hí phượng”, cô là khôn sinh, diễn vai hoàng đế Chính Đức; Nghê Lân là càn đán, diễn Lý Phượng Thư (*). Chính Đức trêu ghẹo Lý Phượng Thư, chính là cô quang minh chính đại vui vầy với Nghê Lân trước mặt mọi người. Cô rất hưởng thụ quá trình đó, diễn đi diễn lại với Nghê Lân trăm ngàn lần, cô cũng không ngán. Đóa hải đường ấy, cô diễn một vạn lần, động tác gài hoa cũng biến hóa thành một vạn kiểu khác nhau.
(*) Trong hí kịch, nữ diễn vai nam được gọi là khôn sinh (坤生), nam đóng vai nữ được gọi là càn đán (乾旦). Hình thức “Càn đán khôn sinh” được các nhà nghệ thuật đánh giá là một nét nghệ thuật độc đáo vô giá trong nền nghệ thuật kinh kịch của Trung Quốc.
Sinh nhật Nghê Lân, cô tặng quà cho y, năm nào cũng viết cùng một câu: Sư thúc, con muốn hát hí khúc với người cả đời, dù thiếu mất một năm, một tháng hay một canh giờ, cũng đều sẽ không còn là cả đời trọn vẹn nữa.
Cô chưa từng nghĩ đến cái kết bi kịch “Bá vương biệt cơ” này. Những lời ấy, thật sự không phải điềm lành.
Hai năm trước, lúc biết chuyện Nghê Lân quyết định nhận lời theo đuổi của Sư Mi Khanh, một thanh y (*) được trung ương phân thẳng về Thiện Đăng Đĩnh, cô suốt đêm đuổi theo muốn bày tỏ với Nghê Lân, lại bị chặn ngoài cửa. Mà từ đó về sau, Nghê Lân lấy danh nghĩa huấn luyện người mới, không còn lên sân khấu diễn với cô nữa. Cô từng khóc lóc cầu xin Nghê Lân, vậy nhưng chuyện này đã chẳng thể cứu vãn.
(*) Phương bắc gọi là thanh y (青衣), phía nam gọi là chính đán (正旦), là một kiểu nhân vật trong hí kịch, đảm nhiệm vai trò là mẫu nhân vật chính diện đoan trang, nghiêm túc, đa số là các vai hiền thê lương mẫu, hoặc liệt nữ trung trinh. Bởi trang phục của những vai này thường có màu xanh nên được gọi là thanh y.
Nếu nói lúc đó cô còn chưa từ bỏ, thì ngày ấy ở Thiện Đăng Đĩnh khi hỏi Nghê Lân hai câu đều bị y đáp lại bằng vẻ thờ ơ coi thường, lòng cô mới thật sự nguội lạnh như tro tàn.
Cho dù cô bị đánh chết, cho dù cô bị đuổi khỏi Thiện Đăng Đĩnh, vĩnh viễn không bao giờ có thể trở về, y cũng sẽ không giữ cô lại.
Nghê Lân không sai.
Từ đầu tới cuối, đều là do cô yêu sai.
***
Sư phụ Dư Phi nói, con nhóc Dư Phi này không có thời kỳ phản nghịch, bởi vì từ nhỏ tới lớn có lúc nào mà nó không phản nghịch đâu.
Tự Dư Phi cũng cảm thấy như vậy, bởi sâu trong lòng cô ẩn giấu một mâu thuẫn rối rắm. Khi mới được sư phụ đưa đến Thiện Đăng Đĩnh, sư phụ đã ôm cô nói với Nghê Lân, đứa trẻ này trán cao, mắt sáng, chân dài, tướng mạo và giọng nói đều tốt, đúng là một nhân tài diễn vai lão sinh ngàn dặm khó kiếm. Lúc đó cô dù không biết vai lão sinh là gì, nhưng biết đấy là ông đang rất khen ngợi mình, vậy nên rất lấy làm kiêu ngạo.
Khi đó, Nghê Lân mười bảy, mười tám tuổi lạnh lùng nhìn cô một cái, ném ra một câu tiếp lời: Lưng gù, không được, trả về đi.
Khi ấy cô cảm thấy Nghê Lân khinh thường cô, nhân lúc không có ai lặng lẽ quay vào tường khóc một hồi. Nhưng sư phụ cũng không trả cô về. Cô bèn đánh cuộc một phen, dùng dây buộc một tấm ván gỗ sau lưng, cứ buộc vậy suốt hai năm, đến khi lưng mình thẳng được mới thôi.
Sau đó, thiên phú hí khúc của cô dần được bộc lộ, năm mười hai tuổi đã đạt giải vàng trong cuộc thi kinh kịch lớn dành cho thiếu nhi ở Bắc Kinh. Cô vô cùng hãnh diện, Nghê Lân lại chỉ buông ra một tiếng: Ồ.
Điều này làm sao không khiến người ta buồn được cơ chứ, làm sao không khiến cô muốn đối nghịch với y được cơ chứ.
Trong lòng cô rất rõ, cho tới giờ, Nghê Lân vẫn luôn coi thường cô, cảm thấy cô là đi đường tắt, cảm thấy cô quá chìm đắm vào tình yêu ái mộ, hát không được kiểu âm vang khí thế của “Thất Không Trảm” (*).
(*) Là tên chung cho ba vở kinh kịch lâu đời của Trung Quốc: “Thất nhai đình”, “Không thành kế” và “Trảm Mã Tắc”. Ba vở kịch này tiếp nối lẫn nhau, nội dung dựa trên tác phẩm văn học kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, kể lại chuyện thừa tướng nhà Thục Hán Gia Cát Lượng đem quân bắc phạt.
Cô sao có thể bì với nàng thanh y Sư Mi Khanh đoan trang xinh đẹp xuất thân từ thế gia kinh kịch được.
Nghĩ đến đây, đáy lòng cô nổi lên một cơn phẫn uất xộc thẳng lên cổ họng, chực trào khỏi hốc mắt. Cô cắm đầu chạy ào về phía trước, cho đến khi đôi mắt cô hoa lên bởi ánh đèn dày đặc lóng lánh hai bên đường, lúc này cô mới nhận ra mình đã xông vào một đoạn phố toàn quán bar, là nơi mà giới trẻ thành phố Y thích đến nhất khi đêm xuống.
Ý nghĩ trong đầu Dư Phi xoay chuyển rất nhanh, cô bỗng không muốn cứ về nhà như thế này. Mười sáu năm nay, cô không rượu chè thuốc lá, không ăn cay, chẳng mấy khi động vào đồ tanh món mỡ, chỉ để giữ gìn cổ họng cho thật tốt. Hiện giờ, cô đột nhiên nảy sinh tâm lý vò mẻ chẳng sợ sứt (*).
(*) Một câu ngạn ngữ, ý chỉ kiểu tâm lý nếu đã vốn khiếm khuyết, sai trái hoặc chịu thất bại sẵn rồi thì cứ mặc kệ thế đi, không sửa chữa thay đổi, tệ thêm nữa cũng chẳng sao.
Cô đưa mắt nhìn xung quanh, băn khoăn, quán bar trên đường Thiết Sư Tử mỗi quán một kiểu, rất đượm vẻ phong tình của vùng Lĩnh Nam, không thua gì Thập Sát Hải ở Bắc Kinh. Cô chưa từng tới quán bar, không biết nên chọn thế nào, đi tới đi lui, chợt nhìn thấy một cánh cửa rất hẹp, đen thẫm, treo một ngọn đèn cũ kỹ, lờ mờ có thể thấy được trên tấm bảng gỗ viết một từ “Chiếc bè”, bên trên là hai con chim bồ câu. Trên đất đặt một một tấm biển vô cùng bắt mắt:
Này, ở đây tốt lắm, rất an toàn, lỡ có uống say cũng không sao đâu.
Dư Phi xoa cằm, nhấc chân bước vào.
Bên trong là một hành lang dài tối mịt. Một giọng nói vang lên nhắc nhở cô: “Mời vịn tay phải lên tường, đi về phía trước.” Dư Phi nghĩ thầm, đây là chỗ quái quỷ gì thế, chút nữa sẽ có zombie nhảy ra dọa cô sao?
Sau đó là bảy tám khúc ngoặt vòng vòng vèo vèo, lại nghe giọng nói kia vang lên ở phía sau: “Thưa anh, mời anh ra ngoài cho, rất xin lỗi, quán chúng tôi không tiếp khách nam.”
Quán rượu này còn rất có nguyên tắc nữa. Dư Phi đang nghĩ, trước mắt chợt sáng hơn, hiện ra một không gian rộng rãi.
Ánh sáng rất trầm, tất cả nguồn sáng đều phát ra từ một ngọn nến thơm xinh xắn đặt trên bàn. Ngoài ra còn có một quầy bar được chế tác tinh vi, một sân khấu nho nhỏ, một cô ca sĩ đang ngồi trên chiếc ghế chân cao chậm rãi gảy guitar, hát một bài hát âm u khó hiểu. Có rất nhiều người đang ở đây, nhưng đều không nhìn rõ được mặt.
Dư Phi cảm thấy, quán bar này dường như cũng không có gì đặc biệt cho lắm.
Cô ngồi trên chiếc ghế chân cao bên quầy bar nhấm nháp ly rượu, hết một ly lại tiếp một ly. Cô không hiểu biết về rượu, cũng không biết uống thế nào, vậy nên cứ thấy loại nào nhìn đẹp là chọn, đổi hết từ loại này sang loại khác. Trong lúc nửa tỉnh nửa say, cô quan sát những người phụ nữ vào vào ra ra trong quán, mỗi người một vẻ, ai cũng yểu điệu thướt tha, cảm thấy thích thú, trong lòng không khỏi vui vẻ thoải mái, thầm nghĩ đáng ra nên tới một nơi thế này sớm hơn, sao lại có thể có nhiều người đẹp thế chứ.
Uống đến ly thứ năm, một sự vỡ lẽ vô cùng kích thích chớp mắt xẹt qua trong đầu cô, nhưng đúng lúc này, lại có người kề tới bên cạnh.
Cảm giác tiếp xúc giữa phụ nữ với nhau rất khác biệt: tinh tế, nhẵn mịn, mềm mại, tựa như mỗi tấc xúc cảm đều được phóng đại.
Bàn tay kia sượt qua ngực cô, cách một lớp xường xám mỏng manh gần như dính sát vào da thịt, rồi dịu dàng đỡ lấy hông cô. Trong lòng cô nổi lên chút ngứa ngáy.
Dư Phi bất chợt quay đầu, thuận thế áp sát cô gái kia, tay đặt lên vết lõm ở lưng dưới của cô nàng, cúi đầu hôn lên môi cô.
Đó là một mỹ nhân.
Cái gì đẹp, cô đều thích cả.
Mỹ nhân nheo mắt, cảm xúc nơi đáy mắt càng đậm. Cô nàng cười rộ lên: “Tôi là Quan Cửu, còn em?”
“Ngôn Bội San.”
“Cái tên này, em là người gốc ở thành phố Y?”
“Giọng nói này, cô là người từ nơi khác tới.”
Tiếng cười của Quan Cửu bật lên khanh khách. Mắt mày cô nàng đều rất sắc sảo, mang một vẻ đẹp bén nhọn, làm Dư Phi nhớ đến lưỡi kiếm của Ngu Cơ. Suy nghĩ này vừa nảy ra, Dư Phi bị cô ấy ôm eo kéo xuống khỏi ghế.
Dư Phi chân dài, dáng người cao ráo, là ưu thế vượt trội đối với vai khôn sinh. Dù khi diễn hí kịch với Nghê Lân vào vai hoa đán, phải đi thêm một đôi ủng dày, cũng không quá mất tự nhiên. Cô nàng Quan Cửu này cao hơn cô cũng không bao nhiêu, hiển nhiên, Quan Cửu cũng không khỏi kinh ngạc.
Quan Cửu áp sát vào người cô, “Tôi thích em…” giọng nói du dương của cô nàng bị đè xuống thật thấp, nghe cực lỳ mờ ám, lại phần nào mang theo cảm giác áp bức, “Em là T hay P (*)?”
(*) Trong bách hợp, T là công, P là thụ.
Dư Phi không hiểu T với P là cái gì, nhưng cô hiểu ngôn ngữ cơ thể của Quan Cửu. Cô từ từ vươn tay, nhấc ly rượu đặt trên quầy bar lên. Mắt Quan Cửu dõi theo tay cô – Dư Phi vô tình hữu ý xòe tay thành dáng “điệp tứ”. Đó là thế tay của các vai đán (*), ngón tay Dư Phi tuy không mảnh dẻ chắc mẩy như búp măng non, nhưng cũng khá thon dài, không thể nào đẹp bằng tư thái kiều diễm của Nghê Lân, nhưng cũng bắt chước được bảy tám phần.
(*) Các vai nữ trong kinh kịch được gọi là đán (旦).
Ánh mắt Quan Cửu có chút mê ly.
Dư Phi khẽ nhấp một ngụm rượu, vào miệng là hương chanh, đến cuống họng lại đăng đắng. Cô thản nhiên nói:
“Tôi ở trên.”
***
Đám người Quan Cửu chơi rất hăng, không rụt rè như những bàn khác.
Từ giọng nói có thể đoán được, trong đám người này chỉ có Quan Cửu là đến từ nơi khác, những người còn lại đều là người của thành phố Y, nói tiếng địa phương. Sau khi Quan Cửu dẫn Dư Phi đến, những cô gái kia đều tíu tít bắt chuyện với cô. Có người hỏi cô, cô cũng là người thành phố này sao? Sao trước nay chưa từng thấy bao giờ? Dư Phi cười, không đáp. Quan Cửu nói, em ấy là người của tôi, mấy cô đừng hòng nhăm nhe.
Nhóm người vây quanh bàn chơi đổ xúc xắc, Dư Phi bị Quan Cửu kéo tới ngồi bên cạnh mình. Quan Cửu là người có dáng vẻ phóng khoáng dễ gây chú ý nhất trong đám các cô gái này, có thể thấy các cô gái khác đều rất thích cô nàng, nhưng lại cứ như đã ngầm hẹn sẵn với nhau, muốn kéo cô vào tròng, ban đầu còn nói tiếng quốc ngữ, về sau quốc ngữ địa phương lẫn lộn, đến đỉnh điểm cao trào của cuộc chơi, gần như chỉ toàn là tiếng địa phương.
Dư Phi nhận ra, Quan Cửu rất kém tiếng địa phương, đến cả chữ số cũng nghe không ra. Có điều cô nàng vẫn hết lần này tới lần khác gắng gượng chống đỡ, chết vì sĩ diện. Lúc đầu đã quy định phạt rượu, nói là một ly hai lần, nhưng một cô bé có khuôn mặt loli đặc biệt xinh xắn nói: “Chơi lớn hơn chút đi, hai ly một lần!”
Quan Cửu nói: “Đường đường đường (được được được).”
Cùi chỏ Dư Phi huých cho Quan Cửu một phát: “”Hai ly một lần” nghĩa là gì có biết không?”
Quan Cửu nhìn cô, cười đến là xinh đẹp, nói: “Không biết, mà kệ đi.”
Dư Phi bị cô nàng chọc cười: “”Một ly hai lần” tức là thua một lần thì uống nửa ly, “hai ly một lần” tức là thua một lần thì uống hai ly. “Hai ly một lần” là muốn say chết cô đó.”
Quan Cửu cảm động nói: “Bội San, không ngờ em lại đau lòng cho tôi thế. Cơ mà không sao, tôi dị ứng với cồn, đã có A Phỉ phía sau tôi uống thay rồi.”
Dư Phi quay đầu nhìn lại, quả nhiên thấy salon sau lưng còn có một người ngồi, trước đó cô không hề phát hiện ra sự tồn tại của người này.
Người này mặc cả cây đồ đen, ngồi tựa vào một góc sô pha trông rất bất cần, một tay chống lên thái dương nghe cô ca sĩ hát trên sân khấu. Cả người nàng chìm trong bóng tối, mơ hồ có thể nhìn được tóc nàng rất dài, đường nét đẹp tựa một bức tranh.
Ngoài cửa sổ có xe đi ngang qua, một luồng sáng dài hẹp vụt lướt trên mặt nàng, chỉ thoáng qua thôi nhưng Dư Phi đã thấy rõ được cặp mắt ấy.
Đôi mắt này đã in đậm trong trí não Dư Phi suốt rất nhiều năm sau đó.
Rất nhiều năm sau đó nữa, khi cô cảm thấy trí nhớ của mình dần suy giảm, cô đã đi học vẽ.
“Chín quân sáu!” Cô bé có khuôn mặt loli bật ngón cái, đầu ngón tay vạch một đường về phía bên trái.
“Mười quân!” Các cô gái khác sống chết tăng thêm, Quan Cửu cũng mù mù mờ mờ tăng theo.
“Thua rồi thua rồi, Cửu ca uống rượu đi!”
“Sao tôi lại thua?” Quan Cửu vô tội mở tay, trong tay nắm thành một điểm. Dư Phi hiểu ra, đám con gái này là đang ỷ Quan Cửu không biết động tác tay ra làm sao nên gài bẫy cô ấy. Động tác tay của cô gái mặt loli kia là ý “đóng”, có nghĩa là một chấm sẽ không thể tính thành những số chấm khác. (*)
(*) Đây là trò xúc xắc thường được chơi trong những bữa nhậu ở phía Nam Trung Quốc. Luật chơi là mỗi người (hoặc ghép nhóm) có một hộp xúc xắc 6 quân, mọi người sẽ cùng lắc hộp lên rồi tự xem xem kết quả lắc xúc xắc trong hộp của mình thế nào, rồi sau đó tính toán đoán xem tất cả các quân xúc xắc trên bàn sẽ ra kết quả ra sao. Sau đó, theo thứ tự, lần lượt từng người một sẽ đưa ra một dự đoán về một số điểm của bàn xúc xắc, ví dụ, như trong đoạn trên: 9 quân 6 tức cả bàn có 9 quân xúc xắc ra mặt 6 chấm, những người tiếp theo sẽ phải đưa ra dự đoán hoặc cao số quân ra 6 chấm mà người trước vừa dự đoán, hoặc chọn sang mặt số chấm cao hơn số chấm đang đoán (trong trường hợp bàn của Quan Cửu thì không thể lên thêm vì 6 chấm là số chấm tối đa rồi), hoặc chọn mở hộp tức tất cả mọi người đều mở hộp xúc xắc của mình ra cho cả bàn xem, nếu không muốn đoán lên thêm hay nghi ngờ người ngay trước mình nói khống, nếu số quân xúc xắc có cùng số chấm đang được đoán mà bằng hoặc ít hơn số lượng dự đoán đưa ra, người đòi mở hộp sẽ phải uống rượu phạt, nếu nhiều hơn thì người dự đoán sẽ bị phạt rượu. Tớ ít chơi trò này nên cũng không rõ dấu tay đóng mở là sao nhưng thông thường, khi đoán số quân ra cùng số chấm thì phải bắt đầu từ 2 chấm trở lên, không tính mặt 1 chấm, khi mở hộp, quân ra mặt 1 chấm sẽ được tính như một quân có số chấm là mặt đang đoán. Hình như là nếu trong lúc đoán có người đoán sang một mặt khác có số chấm thấp hơn số chấm mọi người đang đoán thì khi mở hộp quân ra mặt 1 chấm sẽ không được tính nữa.
Quan Cửu chấp nhận thua cuộc, cầm chén rượu đưa ra phía sau, cô gái được gọi là “A Phỉ” kia không nói lời nào, đầu cũng không ngửa ra, qua quýt uống đại hai ly cứ như đang uống nước chanh.
Cứ như vậy mấy ván. Hai ly một lần, A Phỉ không từ chối lần nào. Có điều Quan Cửu cũng không phải người ngốc, ngay khi mọi người bắt đầu lo lắng cho tửu lượng của A Phỉ, Quan Cửu đột nhiên như được đả thông hai mạch nhâm đốc, trở mình thắng liền mấy ván, mỗi cô gái trên bàn đều phải uống phạt rất nhiều, kể cả Dư Phi.
“Cửu ca, chị gái mà chị đưa đến thật thú vị! Không qua chơi với chúng ta sao?” Thấy A Phỉ lại im lặng uống thêm hai ly, rốt cuộc cũng có một cô gái mơ mơ màng màng nói.
“Đừng để ý tới nó, đầu óc nó hơi có vấn đề.” Quan Cửu thấp giọng nói với cô gái kia, “Tôi mang nó ra ngoài cho đỡ buồn thôi, cứ kệ nó tự chơi một mình đi.”
“Chị ấy có bạn gái chưa?” Cô bé vẫn còn tò mò.
“Nó ấy hả? Trước đây thì có, nhưng vừa mới bị đá, giờ không có!”
“À.” Cô bé kia không nhịn được lại liếc nhìn A Phỉ, “Đẹp vậy mà lại bị đá, chị gái này cũng đẹp chẳng thua gì Cửu ca.”
Quan Cửu xoay mặt cô nhóc lại, “Đứng núi này trông núi nọ, có biết xấu hổ không thế! Không được tăm tia nó, nghe chưa?”
“Ấy ấy ấy…” Cô bé vùng vẫy, lợi dụng men say cãi lại: “Nếu giống Cửu ca thật thì tốt, trêu chọc khắp nơi, chọc xong không thèm phụ trách.”
“Nói vớ vẩn, cô gái này hôm nay tôi định sẽ phụ…”
Quan Cửu quay đầu nhìn lại, không thấy ai.
Nhìn thêm lần nữa, thấy Dư Phi đã ngồi khụy xuống salon, cầm một ngọn đèn nhỏ, tỉ mỉ soi lên khuôn mặt A Phỉ.
Dưới ánh đèn sáng rõ, mày như tranh vẽ, mắt tựa thu thủy, diễm lệ vô ngần.
***
Dư Phi chật vật tỉnh lại.
Ý thức lộn xộn tựa như một loại dung dịch kết tủa đặc quánh. Hồi lâu sau mới tỉnh táo được hoàn toàn, Dư Phi giật mình đánh thót một cái…
Không đúng, cô đang ở đâu?
…
Đó là một chiếc giường vô cùng to lớn, cả đời này Dư Phi chưa từng ngủ trên một chiếc giường nào lớn như vậy.
Trên giường chăn gối trắng như tuyết. Qua độ lớn của chăn, hình dạng của gối đến số lượng chăn gối trên giường, Dư Phi đoán đây là một khách sạn xa hoa.
Ý thức được điều này khiến gáy cô tê rần.
Là cô thuê phòng sao?
Song, đến lúc cẩn thận cảm nhận cảm giác của cơ thể mình, tất cả mọi nghi vấn của cô đều bị quét sạch.
Đêm, đầu, tiên, của, cô.
Dâng, cho, người, khác, rồi.
Dư Phi trợn tròn mắt.
…Ngày hôm qua không phải là đang ở một quán bar chỉ dành cho phái nữ sao? Sao lại thành ra lên giường với người khác thế này? Người lên giường với cô là ai? Nam hay nữ?… Giờ thì cô tin mình thật sự đã uống đến túy lúy rồi, cô cần phải khôi phục ký ức một chút.
Nhớ mang máng là cô ngồi phía sau A Phỉ.
Lúc đó bầu không khí trong quán rượu càng lúc càng nóng, vô cùng náo nhiệt. Cô lại nhịn không được mà ngắm A Phỉ kia.
Giống như một niềm cô đơn phía sau muôn vàn phồn hoa, sự lặng lẽ dưới lớp trang điểm dày cộm, là cô hồn, cũng là diễm quỷ.
Chính khí chất không ăn khớp với địa điểm đó, và cảm giác không chân thật so với những buổi tối đô thị thường ngày, dường như đã khiến lòng cô bỗng nhiên quặn thắt lại, khiến bàn tay cô vớ lấy đèn pin bật lên, giữa đêm tìm tới thăm hỏi ai kia.
Cô hỏi thế nào, người đó cũng không đáp lại. Một chữ cũng không.
Chỉ ngồi lặng ở đó, nhìn cô chằm chằm trong ánh đèn.
Cô nhớ đôi mắt ấy rất đẹp, trong vắt như nước cất. Thế giới này tăm tối như vậy, mà đôi mắt ấy lại vừa sáng vừa sâu. Bên trong hồ nước ấy nuôi dưỡng thứ gì nhỉ? Rễ tình chăng?
Không biết tại sao, cô lại hôn lên.
Phía sau hình như Quan Cửu đi qua kéo cô lại, muốn kéo cô xuống khỏi người A Phỉ.
Dáng vẻ Quan Cửu rất tức giận.
Quan Cửu nói: “Người tao nhìn trúng, sao mày lại cướp?” Lời trách mắng của cô ấy là dành cho A Phỉ.
Lúc cô sắp bị Quan Cửu lôi xuống tới nơi rồi, A Phỉ trước đó vốn bất động hệt như một pho tượng, đột nhiên vươn tay ra, ôm lấy eo cô.
Quan Cửu lúc đó tựa hồ như sợ đến ngây người.
Dư Phi không rảnh đi phân tích phản ứng khi ấy của mấy người họ. Cô chỉ cảm thấy tình tiết này quá ly kỳ, thậm chí là rất Mary Sue (*) – đây cũng là một từ mà cô bị đầu độc bởi Thứ Cơ. Cho tới giờ cô chưa từng nghĩ sẽ có người tranh giành tình nhân trước mặt cô, mà đối tượng của cuộc tranh giành tình nhân đó lại chính là cô.
(*) Thuật ngữ trong giới fiction, dùng để chỉ nhân vật nữ cực kỳ hoàn hảo, xinh đẹp, tài giỏi và được yêu thích bởi nhiều chàng trai dù cô ta có làm bất cứ điều sai trái gì, gần như được cho là tác giả viết về những kỳ vọng/ảo tưởng vốn dành cho bản thân mình vào nhân vật.
Chuyện này hẳn là do cô nằm mơ nhỉ? Là ảo tưởng của cô sao?
Chăn lớn bên người chợt động đậy, dưới chăn truyền tới cảm giác ấm áp của một thân thể, tiếng hít thở nam tính hơi rít mạnh một cái. Cả người Dư Phi cứng đờ, cô nhớ đêm qua sau vụ náo loạn, Quan Cửu hậm hực lên sân khấu của quán bar hát hò cho thỏa nỗi bất mãn. Cô mơ hồ nhớ là Quan Cửu hát nghe rất êm tai, lại chinh phục được thêm cả tá những cô em chết mê chết mệt. Trong khi đó thì cô lại đang quấn quít với A Phỉ trên salon.
Lúc sờ lên người A Phỉ, cô giật mình.
“Anh là đàn ông.” Cô nói.
A Phỉ vẫn không nói gì, nhưng động tác thì ngừng lại.
“Aizz.” Cô thở dài, “Nam hay nữ mà chẳng được, có là yêu ma quỷ quái tôi cũng chấp hết.”
Nói xong lại cúi đầu sờ soạng anh ta. Cô nhớ láng máng khi đó, phía dưới người kia rất cứng, là động tình.
Ký ức đoạn sau đó rất mơ hồ, nhìn không rõ lắm, cũng không nghe rõ được cái gì. Chỉ lờ mờ nhớ là trong phòng không mở đèn, ánh trăng hắt vào qua mặt kính rộng lớn của cửa sổ sát đất, tựa như một lớp sương mỏng ở nơi hoang vắng. Ban đầu có hơi đau, nhưng sau đó thì rất sung sướng, sung sướng cực độ, là một cảm giác mà cô chưa bao giờ được trải nghiệm.
Nghĩ tới đây, Dư Phi đã xấu hổ đến mức không sao tự đối mặt được với chính mình. Từ đầu đến cuối đều là cô chủ động, từ đầu đến cuối đều là cô tình nguyện, cô chẳng biết mình lấy đâu ra thứ thần lực đó nữa.
Từ dưới chăn vươn ra một cánh tay, thon dài cân đối, rất thanh tú. Cánh tay này dường như đang muốn tìm kiếm gì đó, mắt thấy người kia sắp chui ra khỏi chăn, Dư Phi “vèo” một cái trần truồng nhảy dựng lên, lấy chăn trùm kín mít lên người anh ta.
“Đừng cử động!” Dư Phi hung tợn đè chặt chăn.
Người trong chăn cũng thật sự không động đậy nữa.
Dư Phi liếc vội ra xung quanh.
Đây là một căn phòng cực kỳ rộng, Dư Phi cũng không phải là chưa từng ở khách sạn cao cấp, nhưng căn phòng này nếu so với một phòng trọ bình thường thì phải rộng hơn những bốn năm lần. Dư Phi đoán nó cũng phải to bằng cả một văn phòng hành chính.
Căn phòng này cao hơn mặt đất rất nhiều, phía dưới cửa sổ sát đất là toàn cảnh khu vực phồn hoa nhất của thành phố Y, nhà cao tầng san sát, sông nước uốn lượn, cảnh sắc vô cùng tráng lệ. Toàn bộ căn phòng lấy tông ấm làm chủ đạo, nội thất bày trí đều là đồ gỗ, đồ đạc cá nhân cũng chẳng có mấy, chỉ có một cái máy tính và vài cái vali du lịch cỡ lớn.
Thoạt nhìn, cũng không phải là phòng trọ tạm thời, mà là người kia ở tại đây.
Người ở trong một khách sạn như vậy, một căn phòng như vậy, không phải là có tiền, thì cũng là có rất nhiều tiền. Dư Phi cảm thấy, mình không nên có bất kỳ liên quan gì với một người như thế.
Cô đè chăn xuống, nói: “Chúng ta bèo nước gặp nhau, đường ai người nấy đi, đừng gặp lại nhau nữa. Chờ tôi đi rồi anh hẵng dậy, được không?”
Dưới chăn không một tiếng động, cứ như đã chết vậy.
Dư Phi nói: “Anh không nói gì thì coi như là đồng ý rồi nhé.”
Trong phòng lặng như tờ.
Dư Phi nhặt quần áo dưới đất lên mặc vào, còn nói: “Mượn toilet nhà anh chút nhé, không ngại chứ?”
Vẫn không thấy đáp lại.
Cái người này, từ hôm qua tới giờ, chẳng hé răng chữ nào.
Dư Phi nghĩ, có khi người này là người câm. Nhưng đúng lúc ý nghĩ này xuất hiện, một vài âm thanh bật ra từ dây thanh đới lại vang lên bên tai, khiến cột sống cô cứng đờ, nhất thời dừng bặt suy nghĩ này.
Căn phòng này ước chừng rộng một trăm sáu, một trăm bảy mươi mét vuông, ngoại trừ phòng ngủ còn có một phòng khách, ngoài ra còn hai căn phòng khác, một phòng để cửa mở, một phòng đóng chặt. Phòng mở cửa là toilet, trên cửa phòng đóng kín treo một tấm biển, có vài chữ viết tay:
Xin đừng mở cửa.
Chữ viết sắc bén mà ngay ngắn, trực giác của Dư Phi cho rằng đó là bút tích của con gái, đây là do cái người tên “A Phỉ” kia viết sao?
Nếu như trên cửa không treo mấy chữ này, Dư Phi cũng sẽ không mở cánh cửa đó ra.
Nhưng vì trên cửa có mấy chữ này, vậy nên đã khơi dậy sự phản nghịch nơi đáy lòng Dư Phi.
Cô quay đầu nhìn thoáng qua trên giường, người nọ vẫn chưa hề ngồi dậy, bị chăn trùm kín mít, cũng không biết là đã ngủ lại rồi hay thế nào.
Dư Phi khẽ khàng vặn nắm đấm, đẩy cửa phòng ra.
Trong lòng cô đã chuẩn bị xong xuôi tâm lý, tỷ như căn phòng đó có thứ đồ chơi kỳ quái, người gỗ, hay vũ khí nguy hiểm hay ho gì đó, thậm chí cả xác chết các kiểu.
Vậy nhưng đẩy cửa ra rồi, bên trong lại chẳng có cái gì như cô tưởng tượng cả.
Chỉ là một căn phòng rất bình thường, gần cửa sổ có một bồn tắm lớn. Phóng mắt ra ngoài cửa sổ là công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố Y – tháp truyền hình thành phố, được mệnh danh là “Hòn ngọc Lĩnh Nam”. Buổi tối ở đây vừa tắm, vừa ngắm cảnh đêm sầm uất của thành phố Y, nghe có vẻ rất phê mà, chẳng hiểu sao ngoài cửa lại treo cái biển “Xin đừng mở cửa” nữa.
Dư Phi nghĩ, có lẽ người có tiền đều có chút đam mê và thói quen quái đản.
Cô lui ra ngoài, vô cùng cẩn thận đóng kỹ lại cửa.
Toilet rất rộng, có một bồn cầu và một vách tắm kính. Đồ dùng trên bồn rửa mặt được sắp xếp ngay ngắn, Dư Phi cụp mắt nhìn, đồ dùng vệ sinh do khách sạn cung cấp đều bị xếp gọn sang một bên, đồ người kia dùng đều là của mình: bàn chải điện, cốc đựng nước, hộp chỉ nha khoa, nước súc miệng, nước khử trùng… Sạch sẽ tươi mát, gọn gàng ngăn nắp.
Còn có cả dao cạo râu. Người này chắc chắn là một người đàn ông bình thường. Cũng chẳng biết tại sao lại xuất hiện ở một quán bar như “Chiếc bè” nữa, mà xem ra cũng không phải là đến săn gái.
Sau khi tỉnh lại, bất kể là nhìn từ góc độ nào, Dư Phi cũng có cảm giác mình đã gặp phải một dị nhân.
Lại còn lên giường với dị nhân này, cống hiến đêm đầu tiên của mình cho người ta nữa.
Nói ra có lẽ chẳng ai thèm tin.
Dư Phi bực bội rửa mặt. Sau khi bình tĩnh lại đôi chút, cô tự vấn lại, kỳ thực cũng không có hối hận gì, coi như cũng là cầu được ước thấy.
Cô dùng đồ dùng vệ sinh của khách sạn rửa ráy xong, cho đến tận khi ra ngoài khóa cửa lại, người nọ cũng chưa dậy.
Xem ra anh ta cũng không có hứng gặp lại cô.
Cứ coi như một cuộc diễm ngộ đi, Dư Phi thả lỏng lòng, coi như một trải nghiệm khó có được trong đời là ổn.
Sau khi ra hành lang, thấy khu vực đợi thang máy không có ai, Dư Phi bèn lấy điện thoại ra gọi cho Thứ Cơ:
“Đồ gà chay! Cậu giải mộng cho tôi kiểu quỷ gì vậy hả! Nói cái gì mà sẽ gặp được một người đàn ông quyến rũ cường tráng mạnh mẽ làm người yêu chứ! Qua nhiều ngày vậy rồi, cái rắm cũng không có! Con gà trụi!”
Thứ Cơ: “???”
Thứ Cơ: “Vị thí chủ này, có phải cô gọi nhầm số rồi không?”
Thứ Cơ cúp máy cái rụp.
Dư Phi nhìn điện thoại ngắt kết nối, ngẩn người.
Đúng lúc này, một cơn gió lạnh thổi qua, thì ra là khu vực đợi thang máy mở một cửa sổ nhỏ. Dư Phi cảm thấy trên cổ lành lạnh, mới nhớ ra là thiếu mất một cái khăn quàng cổ, chắc là rơi ở nhà người kia rồi.
Cái khăn đó cũng không quý giá gì, chỉ là lần duy nhất mẹ cô đi Thái Lan chơi đã mua nó về làm quà cho cô, nói là làm bằng tơ tằm Thái.
Dư Phi biết là đồ giả, có điều cái khăn này chất cũng mềm mại, quàng lên cổ khá thoải mái, nên vẫn giữ lại mang theo bên người.
Cô hơi lưỡng lự, nhưng vẫn trở gót dựa theo ký ức quay lại cửa phòng người kia.
Đang định nhấn chuông, cô chợt nghe từ trong phòng vọng ra tiếng bước chân dồn dập, giống như có ai đang rảo bước đi đi lại lại trong nhà, đồng thời còn có tiếng trách mắng người khác.
Trong phòng, giọng nói của người đàn ông trẻ tuổi trầm thấp mà rõ ràng, tựa như tiếng vang khi gõ lên phiến đá trong rừng rậm ngập sắc thu. Chất giọng như vậy, cô chưa từng nghe qua.
Giọng nói đó gắt gỏng mà nghiêm nghị:
“A Thủy, cậu điên rồi!”
– —–
Giới thiệu một chút về các tác phẩm được nhắc đến trong chương:
• Đào hoa phiến: Đào hoa phiến là một kịch bản kịch do đại văn hào Khổng Thượng Nhậm đời Thanh sáng tác, kể lại câu chuyện xảy ra Nam Kinh trong những năm cuối đời Minh, nhân vật chính là Hầu Phương Vực và Lý Hương Quân, thể hiện xã hội hiện thực ở Nam Kinh cuối nhà Minh, đồng thời tiết lộ nguyên do sụp đổ của chính quyền, ca tụng tấm lòng trung trinh bất biến của anh hùng dân tộc và các tầng lớp nhân dâ, cũng thể hiện nỗi đau thương của các di dân vong quốc triều Minh. Tác phẩm đã được cải biên thành nhiều thể loại kịch khác nhau như côn khúc, kịch hoàng mai và kinh kịch.
• Liên hương bạn: Hay còn có tên là “Mỹ nhân hương”, là bộ đầu tiên trong tập “Lạp ông thập chủng khúc” của bậc thầy hí khúc Lý Ngư thời Thanh, lấy đề tài là tình yêu đồng tính nữ trong xã hội nam quyền, kể về hai cô gái Thôi Tiên Vân và Tào Ngữ Hoa quen biết nhau nhờ thi văn, từ đó sinh lòng quý mến, cùng nhau tìm cách chống lại khuôn phép xã hội thời đó để duy trì mối tình đau đáu của mình.
• Du long hí phượng: Còn có tên là “Mai Long Trấn”, là một vở kinh kịch kinh điển. Nội dung vở kịch dựa trên câu chuyện về vua Chính Đức (Minh Vũ Tông) nhiều lần cải trang vi hành trong dân gian, tương truyền khi ông đến thôn Lý Gia ở ngoại thành Đại Đồng, Sơn Tây đã rước được mỹ nữ Lý Phượng về kinh (trong kinh kịch gọi là Lý Phượng Thư). Nhưng khi đến ải Cư Dung gặp được một mỹ nữ tuyệt sắc khác đã bỏ rơi Lý Phượng. Sau khi Lý Phượng ở ải Cư Dung sinh dạ một cậu bé đã qua đời vì quá sầu muộn. Chính Đức mất mà không có con nối dõi, bấy giờ hạ thần mới nhớ đến Lý Phượng, tìm tới ải Cư Dung đón cậu con trai kia về kinh lên ngôi, trở thành hoàng đế Gia Tĩnh (Minh Thế Tông). Vở kịch này từng được bậc thầy kinh kịch trứ danh Mai Lan Phương và đệ tử của Du Thúc Nham, nữ diễn viên xuất sắc chuyên đóng vai lão sinh Mạnh Tiểu Đông thể hiện, gây được tiếng vang rất lớn.
• Bá vương biệt cơ: Là một bộ phim điện ảnh của đạo diễn Trần Khải Ca, chuyển thể từ tiểu thuyết của Lý Bích Hoa. Tên phim lấy từ vở Kinh kịch lâu đời Bá vương biệt cơ, diễn cảnh Sở Bá Vương Hạng Vũ vĩnh biệt người thiếp yêu Ngu Cơ của mình. Bộ phim lấy bối cảnh Trung Hoa từ năm 1924 đến 1977, kể về số phận của nhân vật Trình Điệp Y trong mối quan hệ của anh với nghệ thuật kinh kịch và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu. Trình Đắc Di và Đoàn Tiểu Lâu lớn lên cùng nhau từ nhỏ, được thầy Quan dạy kinh kịch – Điệp Y đóng vai nữ (gọi là hoa đán) và Tiểu Lâu đóng vai nam – bằng những phương pháp rất tàn bạo và vô nhân tính. Khi trưởng thành, Điệp Y và đảm nhiệm vai Ngu Cơ và Tiểu Lâu đóng vai Sở Vương, hai người trở thành những diễn viên kinh kịch nổi tiếng. Điệp Y đã tự gắn đời mình với bạn diễn, như Ngu Cơ một lòng với Sở Vương. Nhưng sau đó, Tiểu Lâu lại ẫn một cô gái lầu xanh tên Diệu Linh về nhà, khiến Điệp Y bị tổn thương. Mối quan hệ giữa ba nhân vật này trải dài trong những yêu thương, đau khổ, ghen tuông, khó xử, đan xen vào đó là những biến động của xã hội Trung Hoa. Đỉnh điểm của tấn bi kịch ấy là khi Diệu Linh chết sau khi cô chứng kiến sự hèn kém của Đoàn Tiểu Lâu khi cả ba bị đưa ra đấu tố trong Cách mạng Văn hóa, và người khóc cho cô nhiều nhất lại là Trình Điệp Y. Sau 22 năm rời xa sân khấu, Điệp Y tái ngộ với Tiểu Lâu trong một nhà hát cũ. Trong buổi diễn cuối cùng đó, Trình Điệp Y đã tuốt gươm tự sát như nhân vật Ngu Cơ, để có thể bảo toàn tấm lòng với “Bá Vương” của mình – mà giờ đây anh đã thấu rõ đó là kinh kịch chứ không phải riêng Đoàn Tiểu Lâu – cũng như để giữ gìn vẹn nguyên giấc mơ, ảo tưởng và nỗi ám ảnh của anh. Bộ phim đã nhận được nhiều đề cử và giải thưởng danh giá ở cả phim trường Trung Quốc lẫn quốc tế, vai diễn Trình Điệp Y cũng là vai diễn mang ấn tượng sâu sắc nhất trong sự nghiệp của huyền thoại Trương Quốc Vinh.