Mối Tình Đầu Khó Quên Của Bạo Quân Mất Trí Nhớ

Chương 53: “sở Nghị Là Ai”


Bạn đang đọc Mối Tình Đầu Khó Quên Của Bạo Quân Mất Trí Nhớ FULL – Chương 53: “sở Nghị Là Ai”


“Tiểu Cốc, chớ có vô lễ…”
Một thanh niên mặc bộ áo bào dài màu chàm, tuổi chừng hơn 30 đi ra từ Đạo Ký.
Nếu như khuôn mặt thằng bé nọ chỉ giống Giản Để Nguyệt 50%, thì người thanh niên này phải giống ông đến 80%.
Hàng lông mày và đôi mắt của anh ta quả thực như được khắc ra từ cùng một khuôn với Giản Để Nguyệt.
Người thanh niên áo chàm bước nhanh tới trước mặt mọi người, bế bé trai lên, liên tục cúi đầu xin lỗi Giản Để Nguyệt.
“Cụ ơi, xin lỗi cụ ạ, thằng cún nhà con hỗn quá, quấy rầy cụ rồi…”
Người thanh niên bế thằng bé trong lòng, anh vừa xin lỗi Giản Để Nguyệt, vừa ngước mắt lên nhìn Giản Để Nguyệt.
Giản Để Nguyệt cũng đang nhìn anh.
Mắt hai người chạm nhau, họ cùng ngơ ngẩn.
Người thanh niên thẫn thờ nói: “Sau cụ với con lại…”
Vân Phiên Phiên ngây ra như phỗng, cô không ngờ trên đời lại có hai người giống nhau như thế.
Giản Để Nguyệt định thần lại từ hoảng hốt.
Ông do dự hỏi: “… Cậu là con cháu của dòng họ Giản ở Cẩm Châu à?”
Giản Để Nguyệt sinh ra trong dòng họ Giản ở Cẩm Châu.

Thuở ấy ông ruồng rẫy nàng A Nhu rồi quy ẩn trong núi rừng.

Cha mẹ thất vọng tột đỉnh về ông, đã cắt đứt quan hệ máu mủ với ông.

Ngày lễ ngày Tết, hai anh trai của ông thường tới rừng trúc thăm hỏi ông.

Nhưng lần nào ông cũng hờ hững lạnh nhạt với họ.

Lâu dần, các anh của ông thất vọng buồn lòng.

Sau này anh trai ông cưới vợ sinh con, có cuộc sống riêng của mình.

Những cuộc thăm hỏi hằng năm biến thành hai năm một lần, rồi ba năm một lần…
Giản Để Nguyệt dần mất liên lạc với dòng họ Giản ở Cẩm Châu.
Sau khi song thân qua đời, Giản Để Nguyệt mất hẳn liên hệ với hai người anh.
Giản Để Nguyệt tưởng rằng anh thanh niên này là con của anh trai mình.
Người thanh niên nghe Giản Để Nguyệt nói thế, lắc lắc đầu: “Vãn bối lớn lên ở Tự Châu từ thuở nhỏ, chưa từng tới Cẩm Châu bao giờ, chẳng qua…”
Giản Để Nguyệt hỏi: “Chẳng qua làm sao?”
Người thanh niên ngước mắt nhìn Giản Để Nguyệt, chần chờ đáp: “Chẳng qua bà nội của vãn bối là người Cẩm Châu, sau này lấy chồng ở Tự Châu.”
Giản Để Nguyệt sửng sốt, ngón tay hơi run lên, giọng cũng run rẩy.
“Tên của bà nội cậu là gì?”
Người thanh niên thấy biểu cảm trên nét mặt Giản Để Nguyệt thì hơi ngập ngừng, dường như nhớ tới điều gì.
Mặt anh dần sẵng lại, anh nhìn Giản Để Nguyệt.
“Bà của vãn bối họ Dương, tên chỉ có một chữ Nhu.”
Đồng tử của Giản Để Nguyệt co chặt, ông ngây người, khuôn mặt già nua sững sờ.
Ông ngơ ngác nhìn anh thanh niên nọ.
“A Nhu…”

Người con gái yểu điệu dịu dàng trong trí nhớ của ông.
Nàng từng là vợ ông.
Nhưng ông lại tự tay ly hôn với nàng.
Đuổi nàng ra khỏi nhà.
Ông rất có lỗi với nàng.
Giản Để Nguyệt ngước cặp mắt già nua lên, hoảng hốt nhìn anh thanh niên áo chàm trước mặt mình.
Vì sao cháu trai của A Nhu lại giống ông đến thế?
Vân Phiên Phiên đã ở chung với Giản Để Nguyệt ba tháng, từng nghe thấy cái tên này qua lời ông.

Hôm ấy Giản Để Nguyệt đọ tửu lượng với Tiêu Trường Uyên.

Tửu lượng của Giản Để Nguyệt còn kém hơn cả Tiêu Trường Uyên, mới uống mấy chén mà đã say ngất ngây.

Trước khi gục, ông còn gọi tên A Nhu.
“A Nhu, mang rượu lên đây, hôm nay chúng ta không say không về…”
Lúc nghe thấy cái tên này, Vân Phiên Phiên đã đoán được có thể A Nhu là sư nương của cô.
Nhưng Giản Để Nguyệt chưa bao giờ kể với họ về sư nương, nên Vân Phiên Phiên cũng không chủ động hỏi ông, sợ gợi lại ký ức đau buồn của Giản Để Nguyệt.
Không ngờ, hôm nay cô lại nghe thấy tên của sư nương từ lời người khác.
Vân Phiên Phiên đã xem vô số bộ phim truyền hình.
Kinh nghiệm nói với cô rằng.
Anh thanh niên trước mắt cô bây giờ, rất có thể là cháu của sư phụ và sư nương.
Dường như người thanh niên đã nhận ra vẻ nghi ngờ trong mắt Giản Để Nguyệt.

Anh nhìn xung quanh, con đường này toàn là thực khách tới xếp hàng.

Dù sao chuyện này cũng là việc riêng tư nhà họ, anh thanh niên không muốn để người ngoài nghe thấy, vì thế anh nói với Giản Để Nguyệt: “Tiền bối có thể qua chỗ khác bàn chuyện được không ạ?”
Giản Để Nguyệt gật đầu: “Được.”
Mọi người theo anh thanh niên vào Đạo Ký.

Hầu bàn gọi anh thanh niên nọ là chưởng quầy, lúc đấy Vân Phiên Phiên mới biết, hóa ra người đàn ông này chính là chưởng quầy của tiệm Đạo Ký.

Mọi người đi xuyên qua cửa hàng, tới một khoảng sân.

Cảnh trong sân tĩnh mịch, vườn cây có vẻ đã được chăm bón cắt tỉa.

Anh thanh niên bế đứa trẻ, dẫn họ tới sảnh chính ở đằng sau khoảng sân, sai đám nha hoàn bưng trà rót nước, kêu họ gọi chưởng quầy cũ tới.
Người thanh niên nói với Giản Để Nguyệt: “Vãn bối biết rất ít về chuyện năm xưa, để cha vãn bối kể với cụ thì hơn.”
Chẳng bao lâu sau, một người đàn ông trung niên tầm 50-60 tuổi đi đến.

Sau khi thấy mặt Giản Để Nguyệt, bác ta hơi sửng sốt.
Vân Phiên Phiên thấy diện mạo của người đàn ông trung niên thì có hơi thất vọng, bởi vì người đàn ông trung niên này không giống Giản Để Nguyệt.

Nhưng cô lại nhớ ra rằng, ngoại hình và IQ có thể di truyền cách đời.


Biết đâu chỉ anh thanh niên và bé trai kia mới kế thừa được tướng mạo của Giản Để Nguyệt thì sao.
Người đàn ông trung niên ngồi xuống rồi ngơ ngẩn nhìn Giản Để Nguyệt, mãi lâu sau vẫn chưa nói câu gì.
Giản Để Nguyệt tính tình quái gở, không thích nói chuyện, nhưng ông lại chủ động hỏi: “A Nhu có ở đây không?”
Người đàn ông trung niên nghe thấy cái tên này, rầu rĩ đáp: “Năm kia mẹ tôi đã qua đời rồi.”
Giản Để Nguyệt ngẩn ra, đôi mắt già nua lập tức đỏ lên.
“… A Nhu mất rồi ư?”
Người đàn ông trung niên trầm giọng nói: “Không bao lâu sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi cũng đi theo ông ấy.”
Giản Để Nguyệt ngơ ngác nhìn người đàn ông trung niên trước mắt mình.
“… Cha?”
Người đàn ông trung niên ngước mắt nhìn Giản Để Nguyệt, chậm rãi kể câu chuyện mà bác ta không muốn ai biết cho Giản Để Nguyệt nghe.
“Năm ấy, mẹ tôi mang thai tôi, chạy tới Tự Châu.

Bà không dám để người khác biết mình có thai, bị chồng bỏ.

Bà lo nhà mẹ đẻ sẽ bắt bà phá thai, nên giấu hết người ngoài.

Hồi đấy cha tôi là người bán bánh rong, sau khi mẹ tôi trốn tới Tự Châu, họ thành hàng xóm của nhau.

Cha thương hại thân thế của mẹ tôi, vì thế ông bày tỏ rằng muốn chăm sóc mẹ.

Ông không để ý ngày trước mẹ đã có chồng chưa, cũng không để tâm đứa con trong bụng mẹ không phải là của ông.

Mẹ vốn không muốn lấy chồng, nhưng lại lo sau này tôi lớn lên mà không có cha thì sẽ bị người ta xem thường, nên bà đã lấy cha tôi…”
Giản Để Nguyệt nghe người đàn ông trung niên kia nói vậy, đột nhiên nhớ lại lần cuối ông gặp A Nhu.

Người con gái bé nhỏ yếu đuối ấy đã từng đỏ mắt muốn nói gì đó với ông, nhưng khi đó ông lại lạnh lùng ngắt lời nàng: “Cô chỉ làm trở ngại kiếm thuật của ta thôi…”
Hóa ra lúc ấy, A Nhu lại đang mang thai đứa con của ông…
Nghĩ tới đây, Giản Để Nguyệt hối hận trập trùng, thầm thấy hối tiếc muộn màng, đôi mắt già nua đỏ hoe ướt át.
Người đàn ông trung niên nói tiếp: “Từ nhỏ tôi đã nghịch ngợm, si mê kiếm thuật, không thích nghe lời cha, động chút là cãi nhau với cha.

Tôi vẫn luôn cho rằng tôi là đứa con ruột thịt của ông, mãi tới một lần tôi ẩu đả với cha, bất cẩn đánh gãy cánh tay làm điểm tâm của cha tôi.

Lần đầu tiên mẹ nổi nóng với tôi, bà nói, tôi không thể đối xử với cha tôi như thế, vì cha có ơn với mẹ con tôi, vì tôi không phải là con của cha.

Mãi tới lúc đó, tôi mới biết được thân thế của mình.

Nhưng mẹ lại nói với tôi rằng cha ruột của tôi đã chết, bảo tôi hãy thôi ý định tìm cha đẻ đi…”
Mắt Giản Để Nguyệt đỏ hoe, ông nhìn người đàn ông trung niên kia.
Hóa ra người này là con của ông.
Ông có con.

Vậy mà ông lại không biết.
Người đàn ông trung niên bình tĩnh kể tiếp: “Sau khi cha tôi gãy tay, tôi từ bỏ kiếm thuật, kế thừa sự nghiệp của cha mình.

Để báo đáp cha tôi, tôi thức khuya dậy sớm ngày ngày, nghiên cứu điểm tâm.

Đêm ngày tôi đều nghiên cứu cách làm đồ ngọt, Đạo Ký cũng dần lớn mạnh trong tay tôi.

Sau mấy chục năm cố gắng, cuối cùng tôi cũng gầy dựng quán điểm tâm nhỏ bé ở thành Tự Châu này thành Đạo Ký nổi tiếng xa gần.”
Giản Để Nguyệt muốn khen ngợi con mình.
Khen rằng con ông đã làm rất tốt.
Nhưng ông lại không biết nên mở miệng thế nào.
Người đàn ông trung niên trầm giọng nói: “Tuy rằng mẹ nói với tôi rằng cha ruột tôi đã chết, nhưng tôi lại cảm thấy bà lừa tôi.

Trực giác bảo tôi rằng, chắc hẳn cha ruột tôi vẫn còn tại thế.

Sau khi danh tiếng của Đạo Ký truyền xa, tôi từng hỏi thăm tung tích của cha ruột tôi khắp nơi.

Rốt cuộc tôi đã nghe được tin cha ruột tôi thuộc dòng họ Giản ở Cẩm Châu.

Trên giang hồ, ông ấy có danh hào vang dội lắm, là kiếm khách đứng đầu thiên hạ, về sau ai không rõ tung tích nữa.

Khi đó tôi mới hiểu ra, tại sao mỗi lần trông thấy tôi nghịch kiếm, mẹ tôi đều khổ sở như thế…”
Giản Để Nguyệt nghe vậy, ánh mắt dần tối đi.
Ông không có tư cách làm cha của con mình.
Không có tư cách khen con mình.
Giản Để Nguyệt hỏi bằng giọng khàn khàn: “Cha cậu đối xử với cậu và A Nhu thế nào?”
Người đàn ông trung niên đáp: “Cha tôi đối xử với tôi và mẹ tôi tốt lắm.

Khi mẹ sinh tôi, bà chảy rất nhiều máu, đã bước một chân vào quỷ môn quan.

Để mẹ tôi không phải chịu khổ nữa, cha chưa bao giờ đề cập đến việc bắt mẹ phải sinh con cho ông, cha luôn coi tôi như con đẻ của mình.”
Giản Để Nguyệt nghe tin A Nhu chảy máu nhiều, lòng thấy hơi đau xót.
Người đàn ông trung niên nói: “Năm kia cha tôi không bệnh tật gì mà qua đời, mẹ tôi gầy yếu dần, cuối cùng ngã bệnh.

Bà nói bà đã được cha tôi chăm sóc cả đời, cha đi rồi, bà không biết cách chăm sóc bản thân nữa.

Bà nói bà nợ cha rất nhiều, bây giờ phải xuống đấy theo cha tôi.

Lúc mẹ ra đi, vẻ mặt bà bình yên lắm.

Bà nói cuộc đời mình có quá nhiều thăng trầm, nhưng may mà gặp được cha tôi, nên mới không sống uổng đời này…”
Giản Để Nguyệt cúi đầu, ngồi trên ghế, không nói gì một lúc lâu.
Mọi người không thấy biểu cảm trên nét mặt ông.
Một lúc lâu sau, ông mới mất hồn mất vía nói một câu.
“Vậy là tốt rồi…”
Không uổng cuộc đời này, vậy là tốt rồi.
Người đàn ông trung niên ngước mắt lên, nhìn Giản Để Nguyệt.

Bác ta phải hít sâu một hơi thì mới có dũng khí hỏi: “Tôi đã kể chuyện cha mẹ tôi nãy giờ, tới lúc cụ kể chuyện của cụ rồi đó.


Cụ à, cụ cũng thuộc dòng họ Giản ở Cẩm Châu sao?”
Giản Để Nguyệt từ từ ngẩng đầu, cặp mắt già nua nhìn người đàn ông trung niên hồi lâu.
Một lúc lâu sau, ông mới từ tốn gật đầu.
“Ta là Giản Để Nguyệt.”
Mắt người đàn ông trung niên lập tức đỏ lên.
Bác ta đưa tay ôm lấy Giản Để Nguyệt, gọi ông bằng giọng run lẩy bẩy.
“Cha ơi, con đã tìm được cha rồi…”
Giọt lệ nóng bỏng trong hốc mắt Giản Để Nguyệt rốt cuộc cũng lăn xuống.
Khiến mu bàn tay ông nóng lên.
“Ôi chao!”

Sau khi hai cha con Giản Để Nguyệt và bác chưởng quầy cũ của tiệm Đạo Ký nhận nhau, ông quyết định ở lại Đạo Ký.
Vân Phiên Phiên cố ý hỏi: “Sư phụ, thầy không về làng họ Giang làm ruộng với đồ nhi à?”
Giản Để Nguyệt nói: “Ruộng riếc quái gì nữa? Giờ lão có con có cháu có chắt rồi, không thèm mảnh ruộng của tụi bay nữa đâu.”
Chừng đó năm, Giản Để Nguyệt luôn như một khe suối trong núi, phản chiếu ánh trăng xa xôi không thể với tới trên bầu trời.

Ông đã tiêu tốn cả cuộc đời để đeo đuổi kiếm thuật thâm sâu không có điểm dừng kia.

Tới nay, ông mới hiểu ra rằng, điều quan trọng nhất không phải là trăng trên trời, mà là những sinh mệnh trong khe suối.
Ông muốn dùng quãng đời còn lại của mình để bù đắp cho những sinh mệnh ấy: Con ông, cháu ông, và cả chắt của ông nữa.
Ông muốn dạy hết võ nghệ của mình cho thằng chắt thích chơi kiếm gỗ này.
Nhờ có tờ giấy thông hành là Giản Để Nguyệt, Vân Phiên Phiên rốt cuộc cũng được ăn món bánh xốp hoa mai nổi tiếng thiên hạ.

Bánh xốp hoa mai bề ngoài xinh xắn lịch sự tao nhã, hương vị tinh tế mềm mại, ngọt mà không ngấy.

Để ăn thêm mấy chiếc bánh xốp hoa mai, Vân Phiên Phiên cố ý ở lại thành Tự Châu thêm hai ngày.
Trước khi đi, Vân Phiên Phiên gói ghém vài hộp, định mang về đem sang cho Giang Thúy Thúy ăn.
Cô ngẫm nghĩ một lát, nói với Giản Để Nguyệt: “Sư phụ, nếu sau này người gặp một kẻ tên là Sở Nghị, thì nhất định không được dạy võ cho y nhé.”
Trước giờ Vân Phiên Phiên vẫn hơi kiêng dè vầng hào quang nhân vật chính của Sở Nghị.
Cô lo rằng sau khi Giản Để Nguyệt chuyển tới Tự Châu, Sở Nghị sẽ tìm được ông nhờ vầng hào quang nhân vật chính của y.
Giản Để Nguyệt hỏi: “Sở Nghị là ai?”
Vân Phiên Phiên đáp: “Y là kẻ thù của con và Thạch Đầu ạ.”
Giản Để Nguyệt lập tức nói: “Đã là kẻ thù của các con, thì lão đương nhiên sẽ không dạy võ cho y, cô nhóc yên tâm đi.”
Vân Phiên Phiên nghe vậy, bấy giờ mới yên lòng.
Tiêu Trường Uyên khẽ nhíu mày, lẳng lặng ghi nhớ cái tên Sở Nghị này trong lòng.
Hai người từ biệt gia đình Giản Để Nguyệt, đưa Bling Bling quay lại xe ngựa, đi về hướng làng họ Giang.
Xe ngựa đi suốt một ngày, qua một đêm trong núi rừng hoang vắng.

Rốt cuộc tới trưa ngày thứ hai, họ đã tới phố huyện gần làng họ Giang.
Vân Phiên Phiên trả bạc cho phu xe, đưa Tiêu Trường Uyên lên thẳng phố mua xe bò.

Cô dạo mấy tiệm liền, cuối cùng trả 35 lượng bạc mua một con bò, một chiếc xe.
Tiêu Trường Uyên đánh chiếc xe bò mới toanh, bàn tay to thon dài xanh xao nắm dây cương, Vân Phiên Phiên ngồi bên cạnh chàng.
Ở phương xa, mặt trời về chốn ngủ, cảnh đẹp huy hoàng.
Rốt cuộc trước khi trời tối, hai người đã trở về làng họ Giang quen thuộc.
Tác giả có lời muốn nói:
Cuối cùng đã về tới làng rồi, rải hoa!
[HẾT CHƯƠNG 53].


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.