Đọc truyện Mối Tình Đầu – Ivan Turgenev – Chương 20
Hôm sau mẹ tôi tuyên bố ý định trở về thành phố. Từ sáng, cha tôi đã vào phòng của mẹ tôi, ở lại trong đó khá lâu, chỉ hai người. Không ai nghe lén được nội dung câu chuyện, nhưng mẹ tôi nín khóc, bình tỉnh trở lại, gọi thức ăn, nhưng không ra khỏi phòng mà cũng chẳng thay đổi kế hoạch. Tôi nhớ, suốt ngày tôi thơ thẩn đi khắp mọi nơi, nhưng không ra vườn, không một lần liếc mắt nhìn qua nhà Zinaida, và đến chiều tối, chứng kiến một sự kiện ngoạn mục: cha tôi nắm cánh tay Bá tước Malevsky lôi xềnh xệch từ phòng ăn ra đại sảnh, và trước mặt người hầu, lạnh lùng nói với ông ta: “Chỉ mới mấy ngày trước đây, Ngài đã được mời ra khỏi cửa; hôm nay tôi không cần phải giải thích thêm gì nữa, nhưng tôi thề rằng nếu Ngài còn bén mảng tới đây, tôi sẽ quăng Ngài qua cửa sổ. Tôi không thích tuồng chữ của Ngài.” Chàng bá tước bậm môi, co rúm người, cúi chào rồi lĩnh đi.
Mọi người bắt đầu chuẩn bị cho việc di chuyển. Chúng tôi sẽ dọn về căn nhà ở đường Arbaty. Có lẽ cha tôi cũng chẳng màng ở lại; nhưng rõ ràng ông đã thành công trong việc thuyết phục mẹ tôi để không gây tai tiếng. Mọi việc đều được hoàn tất gọn ghẽ, êm đềm; không những vậy mẹ tôi còn gởi lời từ giã bà công chúa, xin lỗi vì lý do sức khỏe không cho phép ghé sang. Tôi lang thang như kẻ không hồn, ước muốn một điều duy nhất là mọi thứ chấm dứt càng sớm càng tốt. Một câu hỏi vương vấn mãi trong đầu: vì sao, một cô gái trẻ, hơn nữa, lại là một nàng công chúa, có thể để cho mình vướng mắc trong tình huống ấy, biết rõ cha tôi không còn độc thân, và nàng thừa cơ hội để lập gia đình, thí dụ, với Byelovzorov? Nàng đã hy vọng gì? Tại sao nàng không sợ tương lai của nàng sẽ bị hủy hoại? Vâng, tôi nghĩ, đấy là tình yêu, đấy là niềm đam mê, đây là sự tận hiến… và lời nói của Lushin hôm nào quay về: đối với một số người, hy sinh bản thân là hạnh phúc ngọt ngào. Tình cờ tôi thấy một bóng trắng thấp thoáng sau cửa sổ nhà nàng… “Không chừng đấy là nàng?” tôi nghĩ…vậng, đúng là gương mặt của nàng. Tôi không thể kềm chế nữa. Tôi không thể ra đi mà không nói lời từ biệt Tôi chọn lúc thuận tiên, đi sang nhà nàng.
Trong phòng khách, bà công chúa, như thường lệ, uể oải chào.
“Sao gia đình Cậu dọn đi vội vã như thế hở Cậu?” bà vừa nói vừa nhét thuốc lá vào mủi. Tôi nhìn bà, cảm thấy trút bỏ được một gánh nặng. Danh từ ” món nợ” do Philip nói, đã dằn vặt tôi. Bà công chúa không nghi ngờ điều gì cả…ít nhứt vào lúc này. Zinaida từ phòng bên đi vào, tái mét, áo đen, tóc rối; nàng cầm tay tôi không nói một lời; kéo tôi đi.
“Chị nghe tiếng em nói,” nàng bắt đầu, “chị vội vàng ra ngay. Em xấu lắm, có thể bỏ chị đi dễ dàng như thế sao?”
“Công chúa, em đến từ giả chị,” tôi trả lời, “có lẽ là vĩnh biệt. Chắc chị đã biết gia đình em sắp dọn đi?”
Zinaida nhìn tôi, mắt sâu thăm thẳm.
“Vâng, chị biết. Cám ơn em đến từ giả. Chị bắt đầu tin rằng chị không nên gặp em nữa. Đừng nghĩ xấu về chị nhé. Có đôi khi chị đã làm em buồn, tuy thế chị không như em tưởng.” Nàng quay đi, dựa vào cửa sổ.
“Thật vậy, chị không phải như vậy. Chị biết em nghĩ xấu về chị.”
“Em ư?”
“Vâng, em.. em.”
“Em ư?” tôi nhắc lại, muộn phiền, tim tôi thắt chặt như già nua dưới sự lôi cuốn mãnh liệt không tả được của nàng. “Em ư? chị Zinaida Alexandrovna, hãy tin, dù chị làm bất kỳ điều gì, dù chị làm cho em đau khổ tới đâu chăng nữa, em vẫn luôn luôn yêu quý và tôn thờ chị cho đến ngày nhắm mắt.”
Nàng quay phắt lại, mở rộng đôi tay, ôm đầu tôi, và hôn tôi nồng nàn tha thiết. Chỉ có trời mới hiểu cái hôn dài vĩnh biệt ấy dành cho ai, nhưng tôi nhiệt thành nếm lấy hương vị ngọt ngào. Tôi biết sẽ không bao giờ có lại nụ hôn ấy “Chị ở lại, em đi” tôi lập đi, lập lại…
Nàng tự rứt mình ra khỏi tay tôi, bỏ đi. Và tôi ra đi với một xúc cảm không thể diễn tả bằng lời. Tôi không muốn trải qua xúc động ấy thêm một lần nữa; nhưng tôi hiểu, thật bất hạnh nếu tôi chưa từng biết đến.
Chúng tôi trở về thành phố. Tôi không thể lẹ làng trút bỏ quá khứ; tôi không thể làm việc ngay. Vết thương lòng bắt đầu hàn gắn; nhưng tôi không cảm thấy buồn hận cha tôi. Trái lại, hãy để những bác sĩ tâm lý học tìm cách giải thích sự nghịch lý, trong mắt tôi, cha tôi còn hay đẹp hơn xưa. Một ngày nọ, đang đi trên một đại lộ, tôi mừng khôn xiết vì bắt gặp Lushin. Tôi thích ông vì tính thẳng thắng không điệu bộ, ngoài ra ông gợi cho tôi những kỷ niệm êm đềm. Tôi chạy ùa tới. “Aha!” ông chau mày, “là cậu đấy ư. Để yên tôi ngắm nào. Cậu vẫn vàng vọt như xưa, nhưng không còn vẽ đờ đẫn trong mắt. Trông cậu ra dáng một thanh niên, không giống một chú chó kiểng nữa. Tốt đấy. Nào, cậu đang làm gì? đang đi làm?”
Tôi thở dài. Tôi không muốn nói dối, nhưng tôi hổ thẹn không muốn nói lên sự thực.
“Thôi, chẳng sao cả,” Lushin nói, “đừng buồn. Tốt nhất ta nên có một cuộc sống phẳng lặng, không nô lệ cho những đam mệ. Đam mê đem lại ích lợi gì? Bất cứ nơi nào sóng gió đưa đẩy ta, cũng không khá nổi; hãy cố gắng đứng vững trên đôi chân của mình, dù chỉ có một hòn đá nhỏ để bám víu… Tôi đang ho đấy, …còn Byelovzorov, cậu có nghe tin gì về ông ấy không?”
“Không ạ. Có gì lạ chăng?”
“Ông ấy biệt vô âm tính; nghe nói đã đi tận Caucasus. Đó là một bài học cho cậu. Tất cả chỉ vì không biết cách thoát khỏi lưới tình đúng lúc.. Có lẽ cậu đã may mắn thoát khỏi một cách an toàn. Nhớ đừng để sập bẫy lần nữa nhé. Thôi chào cậu, tôi đi đây..”
“Không đâu,” tôi nghĩ…Và tôi sẽ không gặp nàng.” Nhưng định mệnh đã xui khiến tôi gặp Zinaida một lần nữa.