Đọc truyện Mối Tình Đầu – Ivan Turgenev – Chương 17
Hôm sau tôi chỉ thấy loáng thoáng bóng Zinaida; xe chở nàng và bà công chúa đi đâu không rõ. Nhưng tôi gặp Malevsky và Lushin. Lushin chẳng buồn chào hỏi. Malevsky cười toe tét, bắt chuyện ra vẻ thân thiện. Trong số những người lui tới nhà nàng, chỉ một mình ông ta được gia đình tôi tiếp đãi, và rất được lòng mẹ tôi. Ngược lại, cha tôi lễ độ đến mức nhạo báng.
“A, monsieur le page,” Malevsky bắt đầu, “hân hạnh gặp cậu. Nữ hoàng yêu kiều của cậu khoẻ không?”
Gương mặt điển trai tươi tắn của ông ta trông thật dễ ghét, ông ta nhìn tôi một cách thú vị đầy trịch thượng, tôi không trả lời.
“Cậu vẫn còn giận tôi ư?” ông ta nói tiếp. “Vô lý lắm. Cậu biết đấy, tôi chẳng phải là người phong cho cậu chức Tiểu đồng; ngoài ra, tiểu đồng đương nhiên phải chăm sóc nữ hoàng. Nhưng cho phép tôi có một nhận xét, cậu thi hành bổn phận tệ quá.”
“Tệ như thế nào?”
“Tiểu đồng không được rời công nương nửa bước, phải biết rõ nàng làm gì, phải canh giữ nàng, ” ông ta hạ giọng nói thêm, “ngày đêm.”
“Ông định nói chi?”
“Tôi định nói chi? Tôi nghĩ, tôi đã nói rõ. Ngày đêm. Ban ngày, thật ra không thành vấn đề; trời sáng, khắp nơi đều có người, nhưng ban đêm, phải coi chừng điều không may có thể xẩy ra. Tôi khuyên cậu, ban đêm phải thức canh gác tận tình. Cậu nên nhớ, trong vườn, ban đêm, tại bồn phun nước, đấy là chỗ cần phải để mắt tới. Cậu sẽ cảm ơn tôi.”
Malevsky cười, quay lưng đi. Có thể ông ta chỉ bởn cợt, ông ta nổi tiếng nham hiểm, thường lừa được người khác vào mê trận, nhờ bản tính giả dối. Ông ta chỉ muốn trêu chọc tôi; nhưng mỗi lời nói là một liều thuốc độc ngấm vào mạch máu cho uất khí dâng cao … ” A, đúng thế !” tôi nhủ thầm; “không phải bổng dưng ta muốn ra vườn! Không được!” tôi kêu lên, đấm ngực, dù tôi không thể nói chính xác điều gì không được phép xảy ra. “Dù cho Malevsky là người lẻn vào trong vườn, ” tôi nghĩ (có lẽ ông ta khoác lác, vì ông ta hợm hĩnh lắm), “hay là ai chăng nữa, (hàng rào rất thấp, dễ dàng nhảy qua), nếu chẳng may ngưới đó bị ta bắt gặp, ta sẽ chứng tỏ cho thế giới này, và cả nàng nữa– đồ phản trắc (đúng là danh từ này) — biết rõ ta rửa hận ra sao!
Tôi trở về phòng riêng, lấy ở bàn viết một con dao Ăng Lê mới mua, vuốt ve lưỡi dao, và nhíu mày quả quyết, dấu nó vào túi, làm ra vẻ không phải là lần đầu tiên hãy còn bở ngở. Tim tôi đập loạn, ngực nặng như đeo đá. Suốt cả ngày, tôi chờ đợi biến cố khủng khiếp, tôi nhíu mày, mím chặt môi, tay đút trong túi, con dao ấm nóng trong bàn tay. Những xúc cảm mới lạ làm tôi phấn khởỉ, và quên bẳng Zinaida. Tôi bị ám ảnh bởi Aleko, gã gipsy trẻ tuổi –“Hởi chàng trẻ tuổi đẹp trai kia, chàng đi đâu thế? hãy nằm xuống đây,” và rồi, “mình chàng vấy máu…ôi chàng đã làm gì thế ?… Không, không có gì hết!” Tôi cười gằn, lập lại, “Không, không!” Cha tôi đi vắng; nhưng mẹ tôi, đôi khi mang một tâm trạng tức giận ngu xuẩn, để ý tới vẽ mặt u buồn và hào hùng của tôi; lúc ăn tối, mẹ tôi bảo, “Sao con phụng phịu giống như một con chuột mắc kẹt trong lu?” Tôi chỉ mỉm cười ngạo mạn, nghĩ thầm, ” Phải chi có ai biết!” Đồng hồ điểm mười một tiếng; tôi về phòng mình, không thay đổi y phục; chờ đến nửa đêm; cuối cùng đồng hồ gỏ mười hai tiếng. “Đã đến giờ hành động!” tôi nghiến răng nói thầm; gài kín nút cổ, xăn tay áo, đi ra vườn.
Tôi đã chú ý đến một nơi thích hợp cho việc canh gác. Cuối vườn, chỗ hàng rào –phân chia nhà tôi với nhà nàng — nối tiếp với bức tường, có một cội thông mọc lẽ loi. Đứng dưới những cành lá thấp xum xê ấy, tôi có thể nhìn bao quát trong bóng đêm. Gần bên, một con đường mòn có vẽ thần bí, uốn khúc như rắn, luồn sát hàng rào, ở chỗ có dấu người trèo qua, rồi lượn tròn chung quanh những bụi keo rậm rạp. Tôi đến dựa vào gốc thông, và bắt đầu phiên gác.
Đêm nay trời cũng im ả như đêm trước, nhưng ít mây hơn, ta có thể thấy rõ đường nét của các lùm cây cũng như của những bông hoa nhô cao. Những giây phút đợi chờ ban đầu ngột ngạt, khủng khiếp. Tôi đã quyết định. Tôi chỉ còn phải tính toán xem mình nên hành động ra sao, hét vang như sấm “Ai đó? đi đâu? đứng lại! trình diện — nếu không ta giết!” hay chỉ lẳng lặng ra tay… Từng tiếng động nhỏ, xột xoat, rì rào như khuyếch đại thành những tín hiệu cảnh báo… Tôi đã sẳn sàng… tôi chồm tới… Nhưng nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua; bầu máu nóng của tôi nguội dần…; tôi bắt đầu nghĩ rằng mình đã hành động ngớ ngẩn, chắc Malesky đã đùa dai. Tôi rời chỗ phục kích, đi lang thang quanh vườn. Như thể trêu ngươi, chung quanh tôi mọi thứ đều im bặt, an giấc. Ngay cả con chó cũng ngủ khò, cuộn tròn như trái banh ở cổng rào. Tôi trèo lên đống đổ nát của nhà kính, trước mắt tôi, đồng quê mở rộng tới chân trời, tôi nhớ lại lần gặp gỡ trước với Zinaida, và mơ màng….
Tôi bắt đầu mơ… tôi tưởng tượng có tiếng cửa mở cót két, tiếng cành cây gảy răng rắc. Chỉ cần nhảy hai bước, tôi đã xuống tới mặt đất, đứng im phăng phắc, và hốt hoảng. Tiếng chân nhanh, nhẹ nhàng, thận trọng vang lên rõ rệt, tiến lại gần tôi. Ý nghĩ “Cuối cùng … hắn đã đến!” nảy sinh. Tôi lụp chụp rút con dao khỏi túi, gương ra. Màu máu đỏ nhoáng trước mắt; tóc tôi dựng đứng trong kinh sợ và và thịnh nộ. Tiếng chân tiến thẳng tới, tôi khom xuông — tôi ngóng cổ … Một người đàn ông xuất hiện… Chúa ơi! đó là cha tôi! Tôi có thể nhận ra ông ngay tức khắc, mặc dù chiếc áo choàng đen thùng thình kín mít, và cái nón kéo thấp nửa mặt. Cha tôi nhón gót đi ngang. Ông không nhìn thấy tôi, mặc dù không có gì che, tuy nhiên tôi đã thụp xuống, co rúm đến mức tưởng chừng sát đất. Chàng Othello ghen tương sẳn sàng cố sát, bổng trở thành một cậu học sinh. Tôi quá ngạc nhiên vì sự xuất hiện bất ngờ của cha tôi đến nỗi ban đầu, tôi không hiểu ông đến từ hướng nào và sẽ đi về đâu. Tôi đứng thẳng dậy, khi tất cả mọi thứ đã yên tỉnh trở lại, và tôi nghĩ “Tại sao cha đi dạo giữa đêm khuya?” Trong lúc bấn loạn, tôi đã đánh rơi con dao xuống cỏ, nhưng tôi không tim nó làm gì; tôi cảm thấy xấu hổ. Chẳng bao lâu tôi đã lấy lại bình tỉnh. Tuy thế trên đường về, tôi ghé qua chỗ ưa thích của mình dưới cây cơm cháy, và nhìn lên cửa sổ phòng Zinaida. Ánh sáng yếu ớt của trời khuya tô một màu lam nhạt lên các ô cửa nhỏ cong cong. Thình lình chúng đổi màu. Đàng sau chúng, tôi thấy rõ, rất rõ — một bức màn trắng chầm chậm buông, và ngừng lại vừa đúng ở bệ.
“Khi về tới phòng mình, “Cái màn đó để làm gì nhỉ?” tôi không thể không nói to, “cho một giấc mơ, một cơ may, hay là….” Một phỏng đoán chợt thành hình, kỳ cục đến nỗi tôi không dám nghiền ngẫm.