Bạn đang đọc Mọi điều ta chưa nói: Marc Levy – Chương 19
Mọi điều ta chưa nói
CHƯƠNG 19
Ba mươi lăm phút, quãng thời gian đó đủ để đến được sân bay. Ngồi vào taxi, Julia hứa với tài xế sẽ trả gấp đôi tiền cước nếu ông đến nơi kịp giờ máy bay hạ cánh. Tới ngã tư thứ hai, cô đột nhiên mở cửa khoang hành khách để lên ngồi cạnh tài xế trong khi đèn tín hiệu lại chuyển sang màu xanh.
– Hành khách phải ngồi đằng sau chứ, tài xế kêu lên.
– Có thể, nhưng gương trang điểm thì lại gắn ở khoang trước, cô nói, tay hạ tấm chắn nắng xuống. Nào, schnell schnell 1!
Hình ảnh phản chiếu trong gương khiến cô không hài lòng chút nào. Hai mí mắt sưng mọng, đôi mắt và chóp mũi vẫn đỏ hoe, hai mươi năm chờ đợi để ngã vào vòng tay của một nàng thỏ trắng, chi bằng quay trở lại. Một cú rẽ ngoặt chỉ còn hai bánh xe bám đường làm cô lỡ mất cơ hội trang điểm đầu tiên. Julia làu bàu và bác tài bẻ lại rằng phải chọn lấy một, hoặc đến nơi trong mười lăm phút nữa hoặc tấp vào lề đường để cô bôi trát cho xong!
– Phóng đi thôi! cô hét to và lại đưa mascara lên.
Đường tắc nghẽn xe cộ. Cô nài nỉ bác tài hãy vượt lên trước bất chấp trái làn đường. Ông có thể bị tước bằng lái vì lỗi vi phạm kiểu này, nhưng Julia hứa nếu họ bị bắt cô sẽ giả làm phụ nữ mang thai sắp lâm bồn. Bác tài lưu ý rằng bụng cô không đủ to để khiến người ta tin vào lời nói dối này. Julia phình bụng lên và bắt đầu rên rỉ, tay chống mạng sườn. “Được rồi, được rồi,” bác tài vội nói và nhấn cần tăng tốc.
– Kể ra mình cũng hơi mập đấy, phải không nhỉ? Julia lo lắng khi tự nhìn lại mình.
Mười tám giờ hai mươi hai phút, cô nhảy ra vỉa hè trước khi xe kịp dừng hẳn. Sảnh sân bay trải dài trước mặt.
Julia hỏi lối ra của các chuyến bay quốc tế. Người nam tiếp viên hàng không đi ngang qua chỉ cho cô cửa ra cuối cùng phía Tây. Sau cuốc chạy hộc tốc đến hụt hơi, cô ngước mắt nhìn lên bảng hiển thị. Không có chuyến bay nào tới từ Rome. Julia cởi giày và lao đi vội vã còn hơn cả lúc nãy theo hướng ngược lại. Đằng kia, một đám đông đang chờ ở cửa ra dành cho hành khách, Julia rẽ đám đông len tới tận lan can. Nhóm người đầu tiên xuất hiện, những cánh cửa trượt mở ra rồi đóng lại theo bước chân hành khách rời khỏi khu vực giao trả hành lý. Khách du lịch, người đi nghỉ, dân buôn, doanh nhân, ai nấy đều mặc trang phục phù hợp. Những bàn tay giơ lên, vẫy vẫy trong không trung, người ôm ghì lấy nhau mà hôn, kẻ bằng lòng với việc chào hỏi; chỗ này người ta nói tiếng Pháp, chỗ kia nói tiếng Tây Ban Nha, xa hơn chút nữa là tiếng Anh, đợt khách thứ tư cuối cùng cũng dùng tiếng Ý. Hai cậu sinh viên, dáng lòng khòng, khoác tay nhau tiến về phía trước, nom giống những con rùa; vị linh mục tay lăm lăm cuốn kinh nhật tụng có dáng vẻ không khác nào một con ác là, viên lái phụ cùng nữ chiêu đãi viên trao đổi địa chỉ với nhau, những người này đã từng là hươu cao cổ trong cuộc sống quá khứ, một người đàn ông đi dự hội nghị, đầu giống hệt con cú, đang vươn cổ tìm kiếm nhóm cùng đi với mình, một cô bé ve sầu chạy ùa đến vòng tay mẹ đang dang rộng, một anh chồng gấu gặp lại vợ mình và rồi bỗng nhiên, giữa hàng trăm gương mặt khác, ánh mắt của Tomas xuất hiện, vẹn nguyên, hệt như hai mươi năm về trước.
Một vài nếp nhăn xung quanh mí mắt, lúm đồng tiền ở cằm rõ nét hơn, bộ râu quai nón xanh mờ, nhưng đôi mắt, dịu dàng như cát, ánh mắt từng khiến cô phiêu du trên những nóc nhà Berlin, khiến cô rưng rưng dưới ánh trăng tròn đầy trong công viên Tiergarten thì vẫn vậy. Nín thở, Julia kiễng chân, tựa sát vào lan can và giơ tay lên. Tomas quay sang để nói chuyện với người phụ nữ trẻ đang choàng tay ngang hông anh; họ đi ngang qua ngay trước mặt Julia, hai gót chân cô vừa chạm đất. Đôi trai gái ra khỏi sảnh sân bay và biến mất.
° ° °
– Em có muốn chúng ta ghé về nhà anh trước không? Tomas hỏi khi sập cửa xe taxi.
– Em đâu chỉ có vài tiếng để khám phá hang ổ của anh. Ta nên ghé tòa soạn thì hơn. Giờ đã muộn rồi, Knapp về mất, mà việc gặp anh ấy là rất quan trọng đối với sự nghiệp của em, đấy cũng là cái cớ để em bay cùng anh về Berlin cơ mà, không phải thế sao?
– Potsdamerstrasse,[ 1]Tomas nói địa chỉ cho người tài xế.
Cách họ mười xe, người phụ nữ ngồi vào một chiếc taxi khác, thẳng hướng về khách sạn nơi cô nghỉ.
° ° °
Người thường trực báo cho Julia biết là cha cô đang chờ cô ở quầy bar. Cô trông thấy ông đang ngồi bên chiếc bàn gần cửa kính.
– Mọi việc có vẻ không được suôn sẻ lắm nhỉ, ông nói trong lúc đứng dậy đón cô.
Julia thả phịch người xuống ghế bành.
– Cứ cho là mọi việc chưa hề diễn ra đi ạ. Knapp không hoàn toàn dối trá.
– Con gặp Tomas rồi sao?
– Ở sân bay, anh ấy trở về từ Rome… cùng vợ.
– Con và cậu ta đã nói chuyện?
– Anh ấy không nhìn thấy con.
Anthony gọi người bồi bàn.
– Con muốn uống gì không?
– Con muốn về nhà.
– Họ đeo nhẫn cưới à?
– Cô ta ôm eo anh ấy, con sẽ không bắt họ trình giấy đăng ký kết hôn ra đâu.
– Vừa mới cách đây vài ngày thôi, bố cho là bản thân con cũng có ai đó ôm eo đấy thôi. Bố không có mặt ở đó để chứng kiến bởi đó là đám tang của bố, dù rằng bố vẫn cứ có mặt theo một nghĩa nào đấy… bố xin lỗi, chuyện này khiến bố thấy ngồ ngộ khi nói ra.
– Con thật sự không thấy trong chuyện này có gì đáng cười hết. Ngày hôm đó lẽ ra bọn con đã có thể kết hôn. Chuyến đi phi lý này sẽ kết thúc vào ngày mai và chắc chắn như vậy sẽ tốt hơn nhiều. Knapp nói đúng, con có quyền gì mà xuất hiện trở lại trong cuộc đời Tomas chứ.
– Có lẽ là quyền được có cơ hội thứ hai chăng?
– Cho anh ấy, cho bố hay cho con? Đây là một hành động ích kỷ và cầm chắc thất bại.
– Con tính làm gì?
– Sửa soạn va li rồi đi ngủ ạ.
– Ý bố là sau khi bố con ta về đến nơi.
– Điểm lại tình hình, cố gắng gỡ lại những gì con đã đánh mất, quên mọi chuyện và tiếp tục sống cuộc sống của con, lần này thì con chẳng còn lựa chọn nào khác.
– Dĩ nhiên là còn chứ, con còn có lựa chọn đi đến cùng, để biết rõ ngọn ngành mọi chuyện.
– Bố lại là người dạy cho con biết về tình yêu ư?
Anthony nhìn con gái chăm chú rồi tiến lại gần chiếc ghế bành cô đang ngồi.
– Con còn nhớ chuyện hầu như đêm nào con cũng làm hồi nhỏ không, tóm lại là cho đến khi con ngủ thiếp đi ấy?
– Con trùm chăn rồi bật đèn pin đọc sách.
– Sao con không bật đèn trong phòng?
– Để bố tưởng con đã ngủ trong khi con lén đọc sách…
– Con chưa bao giờ tự hỏi liệu đèn pin của mình có phép màu không à?
– Không, sao con lại phải đặt câu hỏi ấy?
– Vậy trong suốt những năm ấy nó đã tắt giữa chừng lần nào chưa?
– Chưa từng, Julia đáp, bối rối.
– Thế nhưng con đã bao giờ thay pin cho nó đâu… Julia ạ, con thì biết gì về tình yêu, con ấy, người chỉ yêu mến những thứ đưa lại cho con hình ảnh tốt đẹp về bản thân. Hãy nhìn thẳng vào mắt bố đây và hãy nói với bố về đám cưới của con, về những dự định của con trong tương lai; hãy thề với bố rằng ngoài chuyến hành trình không định trước này, không gì có thể lay chuyển được tình yêu con dành cho Adam. Và con sẽ thấu hiểu mọi cảm xúc của Tomas, ý nghĩa của cuộc đời cậu ta trong khi con không có tí khái niệm nào về hướng đi cho cuộc đời con, chỉ đơn giản vì có một phụ nữ ôm ngang eo cậu ta ư? Con muốn bố con ta nói chuyện thẳng thắn, thế nên bố muốn hỏi con một câu và muốn con hứa sẽ trả lời thành thật. Chuyện tình cảm bền chặt nhất của con kéo dài bao lâu? Bố không nói đến Tomas, không nói đến những tình cảm trong mơ, mà là một mối quan hệ có thực. Hai, ba, bốn, hay có lẽ là năm năm? Có hề gì, người ta vẫn nói tình yêu thường kéo dài bảy năm cơ mà. Nào, hãy thành thực và trả lời bố đi. Con có thể dâng hiến hoàn toàn bản thân mình cho ai đó suốt bảy năm trời, dâng tặng mọi thứ, không giữ gìn, không e ngại, cũng không chút ngờ vực, khi thực lòng vẫn biết rằng người con yêu hơn mọi thứ trên đời sẽ lãng quên hầu như mọi chuyện hai người đã cùng trải qua không? Con có chấp nhận rằng những chăm chút ân cần của con, những cử chỉ yêu thương của con sẽ phai nhạt trong ký ức của người ấy và rằng bản tính khiếp sợ sự trống trải một ngày kia sẽ lấp đầy chứng quên này bằng những lời trách móc và luyến tiếc không? Nếu biết điều ấy là không thể tránh khỏi, liệu con có đủ sức thức dậy giữa đêm khi người con yêu thương khát nước, hay chỉ đơn giản là gặp một cơn ác mộng không? Liệu mỗi sáng con có còn muốn chuẩn bị bữa sáng cho họ, chăm lo, an ủi, đọc truyện khi họ buồn, hát cho họ nghe, đi ra ngoài bởi vì họ cần hít thở không khí ngay cả khi trời lạnh thấu xương; thế rồi tối đến, con có gạt đi nỗi mệt nhọc của bản thân mà đến ngồi nơi cuối giường họ để xoa dịu nỗi sợ của họ, nói với họ về một tương lai mà nhất định họ sẽ xa rời con không? Nếu câu trả lời nào của con cũng là có thì hãy tha lỗi cho bố vì đã đánh giá thấp con, con đã thực sự biết yêu thương là thế nào rồi đấy.
– Bố đang nói về mẹ ạ?
– Không, con thân mến, bố nói về con. Tình cảm yêu thương của bố vừa tả cho con thấy, đó là tình yêu thương của một ông bố, hoặc một bà mẹ dành cho con mình. Biết bao ngày, biết bao đêm đã trải qua để chăm chút cho các con, cảnh giác với nguy hiểm nhỏ nhất rình rập các con, trông nom các con, giúp các con trưởng thành, lau khô những giọt nước mắt của các con, làm các con cười; bao nhiêu công viên mùa đông và những bãi biển mùa hè, biết bao kilomet đường đã vượt qua, bao lời lẽ phải lặp lại, bao thời gian dành cho các con. Ấy thế mà, ấy thế mà… đến bao nhiêu tuổi thì ký ức về thời thơ ấu của các con mới trỗi dậy?
Con hãy hình dung cần phải yêu thương đến mức nào để học được cách chỉ sống vì các con, trong khi thừa hiểu các con sẽ quên bẵng những năm đầu đời của mình, thừa hiểu những năm tới đây sẽ phải gánh chịu điều mình không gây ra, thừa hiểu một ngày nào đó hiển nhiên các con sẽ rời xa bố mẹ và lấy làm hãnh diện về sự tự do của bản thân.
Con trách cứ bố vì đã không có mặt thường xuyên ở nhà; con có biết rằng người ta đau khổ thế nào khi con cái rời bỏ mình không? Con có hình dung ra địa vị của cuộc chia ly này không? Bố sẽ nói cho con biết chuyện gì xảy ra lúc bấy giờ nhé, bố mẹ sẽ đứng trên ngưỡng cửa như những tên ngốc để nhìn các con ra đi, tự thuyết phục rằng mình cần phải lấy làm mừng vì sự cất cánh cần thiết này, phải yêu lấy cái sự vô tư lự đã xúi giục các con và khiến bố mẹ phải xa rời máu thịt của mình. Cánh cửa khép lại, phải học lại mọi thứ từ đầu; học cách bày biện lại những căn phòng vắng hơi người, học cách không ngóng tiếng bước chân, học cách quên những tiếng cầu thang cọt kẹt làm bố mẹ an lòng khi các con về khuya, và rốt cuộc bố mẹ cũng được bình tâm mà ngủ, trong khi từ nay trở đi phải tìm kiếm giấc ngủ nhưng vô vọng vì các con không về nữa. Con thấy đấy, Julia, mặc dù vậy nhưng chẳng ông bố bà mẹ nào lấy làm tự hào về điều ấy, như thế gọi là yêu và bố mẹ không còn lựa chọn nào khác vì bố mẹ yêu các con. Con vẫn giận bố vì đã chia cắt con với Tomas, lần cuối cùng bố xin con tha lỗi vì đã không giao lại bức thư đó cho con.
Anthony giơ tay ra hiệu cho người bồi bàn mang đồ uống ra. Những giọt mồ hôi đọng thành giọt trên trán ông, ông rút từ túi áo ra chiếc khăn mùi soa.
– Bố xin con tha lỗi ông nhắc lại, cánh tay vẫn giơ cao, bố xin con tha lỗi, bố xin con tha lỗi, bố xin con tha lỗi.
– Có chuyện gì không ổn ạ? Julia lo lắng hỏi.
– Bố xin con tha lỗi, Anthony nhắc lại ba lần liên tiếp.
– Bố ơi?
– Bố xin con tha lỗi, bố xin con tha lỗi…
Ông đứng dậy, lảo đảo rồi ngã vật xuống ghế bành.
Julia gọi người bồi bàn tới giúp. Anthony trấn an cô bằng một cử chỉ ra hiệu là không cần làm thế.
– Bố con ta đang ở đâu thế này? ông hỏi, vẻ mặt ngây dại.
– Ở Berlin ạ, trong quầy bar khách sạn!
– Nhưng hôm nay là ngày thứ mấy? Ngày nào? Bố đang làm gì ở đây thế này?
– Đừng mà bố! Julia kinh hoàng năn nỉ, hôm nay là thứ Sáu, chúng ta đang đi du lịch cùng nhau. Chúng ta rời New York từ bốn ngày nay để tìm Tomas, bố nhớ không? Chính vì cái bức chân dung ngu xuẩn con đã tìm thấy trên một bờ kè ở Montréal. Bố đã tặng nó cho con, bố muốn đến đây, nói với con là bố vẫn còn nhớ chuyện đó đi. Bố mệt, tất cả chỉ có vậy, bố phải tiết kiệm pin thôi; con biết như thế là phi lý nhưng chính bố đã giải thích với con chuyện đó. Bố muốn chúng ta nói đủ thứ chuyện vậy mà chúng ta lại chỉ nói về con. Bố phải tỉnh lại, chúng ta còn hai ngày nữa, không dành cho bất kỳ ai khác ngoài hai bố con mình, để nói cho nhau nghe mọi điều ta chưa nói. Con muốn học lại từ đầu điều mà con đã quên, muốn nghe lại những câu chuyện bố vẫn hay kể con nghe. Chuyện về chàng phi công lạc đến bờ sông Amazon, khi máy bay hết nhiên liệu buộc phải hạ cánh, về con rái cá đã dẫn đường cho chàng nữa. Con còn nhớ màu lông của nó, màu xanh da trời, màu xanh mà chỉ bố mới có thể tả được, như thể những lời của bố là những cây chì màu vậy.
Julia xốc bố đứng lên rồi dìu ông về phòng.
– Sắc mặt bố kém lắm, bố ngủ đi, ngày mai bố sẽ khỏe lại.
Anthony không chịu nằm trên giường. Chiếc ghế bành kê gần cửa sổ sẽ rất thích hợp để ông nằm nghỉ.
– Con thấy đấy, ông nói khi ngồi xuống ghế, buồn cười thật, người ta tìm ra đủ thứ lý do lý trấu để ngăn mình yêu thương, vì sợ phải đau lòng, sợ ngày nào đó sẽ bị bỏ rơi. Thế mà người ta vẫn yêu sự sống, trong khi thừa biết một ngày nào đó sự sống sẽ rời bỏ mình.
– Bố đừng nói vậy…
– Đừng dự tính kế hoạch cho tương lai nữa, Julia ạ. Con có đánh mất gì đâu mà phải gỡ lại. Chỉ có những chuyện phải trải qua thôi, và nó sẽ không diễn ra như người ta dự tính đâu. Nhưng bố có thể nói chắc với con một điều, nó sẽ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Con còn ở đây với bố trong căn phòng này làm gì vậy, đi đi, lần theo những ký ức của con đi. Con muốn điểm lại tình hình, vậy thì tiến hành mau lên. Con đã giậm chân tại chỗ suốt hai mươi năm nay rồi, hãy tìm lại những năm tháng đó chừng nào còn kịp. Tối nay, Tomas đang ở trong cùng một thành phố với con, con gặp cậu ta hay không không quan trọng. Con và cậu ta đang cùng hít thở một bầu không khí cơ mà. Con biết cậu ta đang ở đây, gần con hơn bao giờ hết. Ra ngoài đi, hãy dừng lại trước mỗi khung cửa sổ sáng đèn, ngẩng đầu nhìn lên, tự hỏi mình rằng con cảm thấy gì khi ngỡ đã nhận ra bóng dáng cậu ta sau một tấm rèm; và nếu con nghĩ đó là cậu ta, hãy kêu tên cậu ta từ dưới phố, cậu ta sẽ nghe thấy tiếng con, sẽ chạy xuống hoặc không, sẽ nói với con rằng cậu ta yêu con hoặc bỏ đi mãi mãi, nhưng con sẽ biết được rõ rành mọi việc.
Ông nài nỉ Julia để ông lại một mình. Cô tiến lại gần ông và Anthony bắt đầu mỉm cười.
– Bố xin lỗi vì ban nãy dưới quầy bar đã làm con sợ, lẽ ra bố không nên làm thế mới phải, ông vờ vĩnh nói.
– Dù sao bố cũng không giả vờ khó ở kia mà…
– Con tưởng bố không nhớ mẹ con khi bà ấy bắt đầu mất trí hay sao? Con không phải người duy nhất mất bà ấy. Bố đã sống bốn năm bên cạnh bà ấy mà bà ấy không hề biết bố là ai nữa cơ. Giờ thì đi đi, đây là đêm cuối cùng của con ở Berlin đấy!
° ° °
Julia về phòng mình và nằm dài trên giường. Chương trình ti vi chẳng có gì thú vị, các tạp chí có sẵn trên bàn thấp toàn bằng tiếng Đức. Cô lại đứng dậy và cuối cùng quyết định ra ngoài thưởng thức bầu không khí êm dịu của buổi tối. Ở lại trong phòng cũng chẳng để làm gì, chi bằng dạo quanh thành phố và tranh thủ tận hưởng những giờ phút cuối cùng lưu lại Berlin. Cô lục túi tìm một chiếc áo len; đến đáy túi, bàn tay cô sượt nhẹ chiếc phong bì màu xanh năm xưa cô đã kẹp vào cuốn sách lịch sử trên giá trong căn phòng thuở nhỏ. Cô nhìn nét chữ viết tay rồi nhét lá thư vào túi áo.
Trước khi rời khỏi khách sạn, cô lên tầng trên cùng, rồi gõ cửa phòng nơi bố cô đang nằm nghỉ.
– Con quên thứ gì à? Anthony hỏi khi ra mở cửa.
Julia không đáp.
– Bố không biết con định đi đâu và như thế chắc là tốt hơn, nhưng đừng quên, tám giờ sáng mai bố sẽ đợi con dưới sảnh. Bố đã đặt trước một chuyến xe, bố con ta không thể lỡ chuyến bay này được, con phải đưa bố về New York.
– Bố có nghĩ một ngày nào đó người ta sẽ thôi đau khổ vì yêu không? Julia hỏi, vẫn đứng nơi ngưỡng cửa.
– Nếu con gặp may thì không bao giờ!
– Vậy thì đến phiên con xin bố tha lỗi; lẽ ra con nên chia sẻ cái này với bố sớm hơn. Nó thuộc về con và con muốn giữ nó cho riêng mình, nhưng nó cũng liên quan đến bố.
– Cái gì vậy?
– Lá thư cuối cùng mẹ viết cho con.
Cô đưa lá thư cho bố rồi quay đi.
Anthony nhìn con gái đi xa dần. Ông nhìn xuống chiếc phong bì cô vừa giao lại, ngay lập tức nhận ra nét chữ của vợ mình, hít thật sâu, rồi đôi vai trĩu nặng, ông đến ngồi vào một chiếc ghế bành để đọc thư.
Julia,
Con đang bước vào căn phòng này, bóng con đang nổi bật trong luồng sáng tạo thành khi con mở hé cửa. Mẹ nghe tiếng bước chân con đang tiến về phía mẹ. Mẹ biết rõ những đường nét trên khuôn mặt con, mẹ đang tìm tên con, mẹ biết cái mùi thân thuộc của con, bởi vì nó khiến mẹ thấy dễ chịu. Chỉ có mùi hương hiếm hoi này mới khiến mẹ trút bỏ được nỗi ưu phiền đang bót nghẹt mẹ từ những ngày dài dặc qua. Con là cô gái thường đến vào lúc chập tối, thế nên hẳn là buổi tối đang đến gần chính vì con đang đến bên giường mẹ đây mà. Những lời nói của con dịu dàng, xoa dịu hơn lời lẽ của người đàn ông đến buổi trưa. Mẹ cũng tin khi ông ấy nói là yêu mẹ, bởi vì hình như ông ấy muốn điều tốt đẹp cho mẹ. Ông ấy có những cử chỉ âu yếm, đôi khi ông ấy đứng dậy rồi đi về phía thứ ánh sáng khác giăng trên những cành cây bên ngoài cửa sổ; đôi khi ông ấy gục đầu lên đó và khóc vì nỗi buồn đau nào mẹ không rõ. Ông ấy gọi mẹ bằng một cái tên mẹ chưa từng biết đến nhưng vẫn con đó là tên của mình cốt để ông ấy vui lòng. Mẹ phải thú thật với con là mỗi lần mẹ mỉm cười khi nghe ông ấy gọi cái tên tự đặt này, mẹ cảm thấy dường như ông ấy thanh thản hơn. Thế nên mẹ lại mỉm cười để cảm ơn ông ấy đã mang đồ ăn đến ẹ.
Con vừa ngồi gần mẹ, trên mép giường. Mẹ nhìn những ngón tay thon dài của con đang vuốt ve trán mẹ. Mẹ không sợ nữa. Con không ngừng gọi mẹ và mẹ đọc được trong mắt con là con cũng vậy, con muốn mẹ đặt riêng cho con một cái tên. Nhưng trong mắt con không còn nỗi buồn, chính vì thế mẹ mong con đến thăm. Mẹ nhắm nghiền mắt khi cổ tay con sượt qua mũi mẹ. Da thịt con tỏa mùi tuổi thơ ấu của mẹ, hay là tuổi thơ ấu của con nhỉ? Con là con gái mẹ, tình yêu của mẹ, giờ thì mẹ đã biết điều ấy và chỉ còn biết được vài giây nữa thôi. Biết bao điều muốn giãi bày với con mà thời gian còn lại quá ngắn ngủi. Mẹ mong con cười rạng rỡ, con yêu ạ, mong con sẽ chạy đi báo với bố con, hẳn bố con sẽ tìm cách gục mặt vào cửa sổ để khóc, rằng ông ấy đừng khóc nữa, hãy nói với ông ấy rằng đôi khi mẹ nhận ra ông ấy, rằng mẹ biết ông ấy là ai, nói với ông ấy rằng mẹ còn nhớ bố mẹ đã yêu nhau biết nhường nào bởi mỗi ngày bố con ghé thăm mẹ lại thấy yêu ông ấy.
Chúc ngủ ngon, con yêu, nơi này mẹ cũng ngủ đây, và mẹ đợi.
Mẹ của con.
Chú thích:
1 Tiếng Đức: nhanh nhanh.