Mọi điều ta chưa nói

Marc Levy - Chương 18 - Part 01


Bạn đang đọc Mọi điều ta chưa nói: Marc Levy – Chương 18 – Part 01

Mọi điều ta chưa nói
CHƯƠNG 18
 
Tomas vươn vai và trườn ra khỏi giường, chú ý để không đánh thức Marian đang nằm ngủ bên cạnh. Anh bước xuống những bậc cầu thang xoáy trôn ốc và băng qua phòng khách ở tầng dưới của căn hộ hai tầng. Vòng ra đằng sau quầy bar, anh đặt chiếc tách xuống dưới ống trút của máy pha cà phê, trùm kín máy bằng một chiếc khăn để dập tắt tiếng ồn rồi nhấn nút. Anh đẩy tấm cửa kính trượt theo rãnh rồi ra ngoài sân hiên tận hưởng những tia nắng đầu tiên lúc này đã đang mơn trớn những mái nhà của Rome. Anh lại gần lan can và nhìn ngắm phố phường phía dưới. Một người giao hàng đang dỡ những sọt rau trước tiệm tạp hóa ngay gần quán cà phê nơi tầng trệt tòa nhà của Marian.
Liền sau mùi bánh mì nướng hơi khét là một tràng rủa xả bằng tiếng Ý. Marian xuất hiện trong chiếc áo choàng tắm, vẻ mặt cáu kỉnh.
– Có hai vấn đề! Cô nói. Thứ nhất, anh đang ở trần và em nghi là hàng xóm phía đối diện nhà em đang ăn sáng sẽ rất thích thú với cảnh tượng này.
– Còn vấn đề thứ hai? Tomas chất vấn, vẫn không quay người lại.
– Ta sẽ xuống nhà ăn sáng, trên này chẳng có gì để ăn cả.
– Tối qua ta chưa mua ciabatta [1] sao? Tomas hỏi vẻ giễu cợt.
– Anh mặc đồ vào đi! Marian đáp và quay vào trong căn hộ.
– Dẫu sao cũng chúc ngày tốt lành! Tomas lẩm nhẩm trong miệng.
Một bà cụ già đang tưới cây giơ tay ra hiệu chào anh từ ban công phía bên kia con phố hẹp. Tomas cười đáp lại rồi rời khỏi khoảnh sân.
Còn chưa đến tám giờ sáng mà bầu không khí đã trở nên nóng bức. Ông chủ tiệm ăn bình dân đang sắp dọn lại mặt tiền cửa tiệm; Tomas giúp ông mang những cây dù ra vỉa hè. Marian ngồi bên bàn và chụp lấy một chiếc bánh sừng bò trong giỏ đựng bánh ngọt.
– Em định mang bộ mặt này cả ngày sao? Tomas hỏi và cũng tự lấy một chiếc bánh. Em giận vì anh đi à?
– Bây giờ em mới biết điều gì cuốn hút em ở anh, Tomas ạ, chính là tài hoạt ngôn của anh.
Ông chủ tiệm đặt trước họ hai tách cappuccino bốc khói nghi ngút. Ông nhìn trời, cầu ột cơn giông nổ ra trước cuối ngày và khen Marian về vẻ đẹp của cô vào buổi sáng sớm. Ông nháy mắt với Tomas rồi quay trở lại đứng sau quầy.
– Giá như ta không lãng phí buổi sáng hôm nay, Tomas nói tiếp.
– Có chứ, ý kiến mới hay làm sao. Tại sao anh không ăn nốt cái bánh sừng bò của anh đi rồi âu yếm em; tiếp đến là một chầu tắm đã đời trong phòng tắm nhà em trong khi em sắm vai một cô ngốc để chuẩn bị hành lý cho anh. Một nụ hôn phớt trên ngưỡng cửa rồi anh mất hút hai ba tháng trời, hoặc có thể là mãi mãi. Ôi, đừng trả lời gì hết, bây giờ anh có nói gì nghe cũng ngốc lắm.
– Đi cùng anh đi!
– Em là thông tín viên chứ không phải phóng viên.
– Chúng ta cùng lên đường, cùng trải qua buổi tối ở Berlin và ngày mai, khi anh bay đến Mogadiscio thì em quay về Rome.

Marian quay lại ra hiệu để chủ quán mang cho cô một tách cà phê nữa.
– Anh nói phải, chào từ biệt ở sân bay thì hay hơn nhiều, một chút thống thiết giả tạo thì đâu có hại gì, đúng không?!
– Chuyện sẽ không hại gì, đó là em đến tòa soạn ra mắt, Tomas nói thêm.
– Tranh thủ uống cà phê của anh trong lúc nó còn nóng đi nào!
– Nếu em nói vâng thay vì cằn nhằn, anh đã đặt vé cho em rồi.
° ° °
Một chiếc phong bì được đẩy vào qua khe cửa. Anthony nhăn mặt khi cúi xuống để nhặt lên. Ông mở ra đọc bức điện gửi đến ình.
“Rất tiếc vì chưa tìm ra nhưng tôi không bỏ cuộc đâu. Hy vọng thu được kết quả dù hơi muộn hơn dự kiến.” Bức điện ký tên người gửi là GP, viết tắt chữ cái đầu của George Pilguez.
Anthony Walsh ngồi vào bàn giấy trong phòng khách sạn và thảo vội một lời nhắn gửi cho Julia. Ông gọi bộ phận tiếp đón khách để họ chuẩn bị cho ông một chiếc xe hơi với tài xế. Ông rời khỏi phòng và ghé qua tầng bảy. Ông rón rén đến trước phòng con gái, tuồn tờ giấy nhắn qua khe cửa rồi đi luôn.
– Số nhà 31 phố Karl-Liebknecht-Strasse, làm ơn, ông thông báo với tài xế.
Chiếc xe bốn chỗ màu đen khởi động ngay tức khắc.
° ° °
Uống vội một tách trà, Julia với lấy túi hành lý trên tầng giá của tủ quần áo rồi đặt nó lên giường. Cô bắt đầu gấp lại quần áo rồi cuối cùng quyết định chất đống chúng vào va li một cách cẩu thả. Bỏ ngang việc sửa soạn hành lý, cô bước tới cửa sổ. Một làn mưa mỏng rơi trên thành phố. Dưới phố, một chiếc xe bốn chỗ đang đi xa dần.
° ° °
– Nếu anh muốn em xếp hộp cạo râu của anh vào hành lý thì mang nó ra đây cho em nào, Marian gọi với từ trong phòng ngủ.
Tomas từ phòng tắm ló đầu ra.
– Em biết đấy, anh tự chuẩn bị hành lý được mà.
– Ẩu lắm! Anh có thể tự mình chuẩn bị hành lý nhưng ẩu lắm và em sẽ không sang tận Somalie để là quần áo cho anh đâu.
– Bởi vì em đã từng làm vậy ư? Tomas hỏi, gần như lo ngại.
– Chưa từng! Nhưng em có thể làm thế đấy.
– Em đã quyết định chưa?

– Để biết liệu em sẽ bỏ rơi anh hôm nay hay ngày mai ấy à? Anh đúng là gặp may nhé, em đã quyết định đến chào tổng biên tập tương lai của chúng ta sẽ khiến sự nghiệp của em thăng tiến nhanh hơn. Tin tốt lành cho anh và không dính dáng gì đến chuyến bay của anh về Berlin cả, anh may mắn có thể ở bên em thêm một tối nữa còn gì.
– Anh rất vui vì chuyện đó đấy, Tomas khẳng định.
– Thật chứ? Marian vừa hỏi lại vừa kéo khóa hành lý. Ta phải rời Rome trước mười hai giờ trưa, anh định độc chiếm phòng tắm cả buổi sáng hay sao?
– Anh cứ nghĩ trong hai ta anh mới là người hay cự nự chứ nhỉ?
– Anh làm lây sang người khác rồi đấy, anh bạn thân mến ạ, không phải lỗi của em.
Marian đẩy Tomas sang một bên để len vào phòng tắm; cô cởi dây đai chiếc áo choàng tắm của anh rồi kéo anh đến đứng dưới vòi sen.
° ° °
Chiếc Mercedes màu đen đổi hướng, nó dừng lại trên bãi đỗ xe đằng trước một dãy những tòa nhà cao tầng màu xám. Anthony yêu cầu tài xế vui lòng đợi, ông hy vọng sẽ quay trở lại sau một tiếng.
Ông leo vài bậc cầu thang có mái che và bước vào một tòa nhà nay là thư viện lưu trữ của Stasi.
Anthony đến trình diện tại quầy tiếp tân rồi hỏi đường.
Dãy hành lang ông đang đi có cái gì khiến người ta lạnh sống lưng. Cả hai bên, những tủ kính trưng bày đủ mẫu micro, camera, máy ảnh, máy thổi hơi nước để mở thư từ và máy quết hồ để dán kín lại sau khi đọc lén, bản sao và tài liệu lưu trữ. Dụng cụ đủ loại để theo dõi cuộc sống thường nhật của cả một dân tộc, tù nhân của một nhà nước cảnh sát. Những tờ truyền đơn, những sách báo tuyên truyền, những hệ thống nghe trộm mỗi lúc một thêm tinh vi. Hàng triệu người đã bị dò xét như vậy, bị phán xét, đã chứng kiến cuộc đời họ bị công khai để đảm bảo cho sự bền vững của một nhà nước chuyên chế. Mải đắm chìm trong suy tưởng, Anthony dừng lại trước bức ảnh chụp một phòng khảo cung.
Bố biết mình đã lầm. Một khi bức tường sụp đổ, tiến trình đó không thể đảo ngược, nhưng ai có thể đảm bảo chuyện ấy hả Julia? Những người đã từng biết đến mùa xuân của Praha chăng? Những người theo phe dân chủ của chúng ta từ đó đã mặc ình phạm phải ngần ấy tội ác và bất công chăng? Và ngày nay ai có thể hứa rằng nước Nga đã vĩnh viễn thoát khỏi những kẻ chuyên chế tai ngược của ngày hôm qua? Thế nên phải, bố đã sợ, một nỗi lo sợ khủng khiếp rằng nền chuyên chính sẽ khép lại những cánh cửa vừa mới mở ra trước tự do và giam cầm con trong gọng kìm cực quyền của nó. Bố đã sợ sẽ mãi mãi là một người cha bị chia rẽ với con gái mình, không phải vì đứa con gái đã chọn như thế, mà bởi vì nền chuyên chính đã thay nó quyết định chuyện đó. Bố biết con vẫn giận bố, nhưng nếu tình hình diễn biến xấu đi, chính bố sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình vì đã không đến tìm con và, ở đâu đấy, bố thú nhận với con là bố hạnh phúc vì mình đã lầm.
– Tôi có thể chỉ dẫn cho ông chăng? Một giọng nói vang lên từ cuối hành lang.
– Tôi tìm hồ sơ lưu trữ, Anthony ấp úng.
– Đằng này, thưa ông, tôi có thể giúp gì cho ông?
Vài ngày sau khi bức tường sụp đổ, những nhân viên cảnh sát chính trị của RDA, dự đoán được sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ, bắt đầu tiến hành tẩu tán tất cả những gì có thể làm chứng cho những mưu toan của họ. Nhưng làm sao để xé rách cho nhanh nhất hàng triệu tờ phiếu có ghi thông tin cá nhân đã tích tụ trong gần bốn mươi năm tồn tại của chế độ cực quyền? Ngay từ tháng Mười hai 1989, quần chúng, được báo về những mưu toan này, đã bao vây những chi nhánh của Cơ quan An ninh Quốc gia. Trong mỗi thành phố của Đông Đức, các công dân đánh chiếm trụ sở của Stasi và bằng cách đó đã ngăn chặn được sự phá hủy một trăm tám mươi kilomet báo cáo đủ loại, những tài liệu ngày nay công chúng đã có thể tiếp cận được.
Anthony yêu cầu được tra cứu hồ sơ về một người tên là Tomas Meyer hồi đó sống tại số 2 Comeniusplatz, Đông Đức.
– Ôi, tôi không thể làm theo yêu cầu của ông được, thưa ông, nhân viên thừa hành xin lỗi.
– Tôi cứ tưởng đã có một đạo luật quy định phải tạo điều kiện ọi người tiếp cận các tài liệu lưu trữ này?

– Đúng vậy, nhưng đạo luật này cũng được hình thành nhằm mục đích bảo vệ các công dân Đức khỏi những tổn hại đến cuộc sống riêng tư do việc sử dụng các dữ liệu cá nhân, người nhân viên bác lại, đọc một bài phát biểu dường như anh ta đã thuộc làu.
– Chính ở điểm này mà sự giải thích những văn bản luật là rất quan trọng. Nếu tôi không lầm, mục đích đầu tiên của đạo luật mà cả hai chúng ta đang quan tâm này đúng ra là tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể tra cứu các phiếu thông tin của Stasi, để họ có thể làm sáng tỏ ảnh hưởng của Cơ quan An ninh Quốc gia đến số phận riêng họ, phải thế không? Anthony nói tiếp, lần này ông nhắc lại đoạn văn ghi trên một tấm biển gắn nơi lối vào.
– Vâng, dĩ nhiên, người nhân viên thừa nhận mà không hiểu vị khách muốn dẫn dắt câu chuyện tới đâu.
– Tomas Meyer là con rể tôi, Anthony nói dối với vẻ tỉnh bơ. Từ đó đến nay, nó định cư tại Mỹ và tôi rất vui được chia sẻ cùng anh rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ lên chức ông ngoại. Anh chớ nghi ngờ, điều quan trọng là một ngày nào đó nó có thể kể với con cái về quá khứ của mình. Ai lại không muốn làm điều đó cơ chứ? Xin được hỏi, anh đã có cháu nào chưa nhỉ, anh…?
– Hans Dietrich! Người nhân viên đáp, tôi đã có hai cô con gái xinh xắn, Emma năm tuổi và Anna lên bảy.
– Tuyệt quá! Anthony thốt lên trong lúc chìa tay ra bắt, hẳn là anh phải hạnh phúc lắm.
– Tôi yêu chúng đến phát điên!
– Tội nghiệp Tomas, những sự kiện bi thảm đã in dấu trong tuổi thiếu niên của nó vẫn còn quá nhức nhối để nó có thể tự mình kể lại cho người khác nghe. Tôi từ rất xa lặn lội tới đây, nhân danh nó, để đem lại cho nó cơ may giảng hòa với quá khứ, và ai biết được, một ngày nào đó, nó lại tìm được sức mạnh để đưa con gái mình tới đây; bởi lẽ, nói riêng với anh, tôi biết là gia đình mình sắp chào đón một bé gái. Đưa con bé về đây, tôi đang nói đến đó, về với quê cha đất tổ để nó được gắn kết với nguồn cội. Hans thân mến, Anthony trịnh trọng nói tiếp, đây là một người sắp trở thành ông ngoại nói với bố của hai bé gái kháu khỉnh, hãy giúp tôi, giúp con gái của người đồng hương Tomas Meyer của anh; hãy trở thành người, bằng một nghĩa cử cao thượng, đem lại cho con bé niềm hạnh phúc mà chúng tôi vẫn thường ao ước cho cháu.
Bối rối, Hans Dietrich không biết phải nghĩ sao nữa. Đôi mắt nhòa lệ của người khách đã hạ gục anh. Anh đưa cho Anthony chiếc khăn mùi soa.
– Ông vừa nói là Tomas Meyer phải không?
– Phải rồi, chính thế! Anthony đáp.
– Ông hãy ngồi vào bàn trong phòng này, tôi sẽ xem liệu chúng tôi có tài liệu gì về người này không.
Mười lăm phút sau, Hans Dietrich đặt một cặp hồ sơ bằng kim loại lên mặt bàn nơi Anthony Walsh đang đợi.
– Tôi cho là đã tìm lại được hồ sơ của con rể ông, anh thông báo với nét mặt rạng rỡ. Chúng ta gặp may vì nó không nằm trong số những hồ sơ đã bị tiêu hủy, công tác khôi phục những hộp phiếu bị xé rách hầu như chưa thể hoàn thành, chúng tôi vẫn luôn đợi những khoản kinh phí cần thiết.
Anthony nồng nhiệt cảm ơn anh và với ánh mắt bối rối giả tạo, giúp anh hiểu rằng bây giờ thì ông cần một chút riêng tư để nghiên cứu quá khứ của người con rể. Hans lánh đi ngay và Anthony mải miết đọc một chồng hồ sơ dày cộp được xác lập từ năm 1980 về một thanh niên bị theo dõi trong suốt chín năm trời. Hàng chục trang thống kê những sự việc và hành vi, những mối giao du, những năng khiếu, những lựa chọn văn học, báo cáo chi tiết về những lời nói riêng tư cũng như tại nơi đông người, những quan điểm, sự gắn bó với các giá trị của Quốc gia. Những tham vọng, những hy vọng, những rung động đầu đời, những kinh nghiệm từng trải đầu tiên và những thất vọng đầu tiên, dường như không gì trong số những điều sẽ tạo thành nhân cách của Tomas bị bỏ qua. Còn xa mới hoàn toàn làm chủ về ngôn ngữ, Anthony quyết định nhờ đến Hans Dietrich để anh giúp ông hiểu được tờ phiếu tổng hợp đính kèm ở cuối hồ sơ, và được cập nhật lần cuối cùng vào ngày 9 tháng Mười 1989.
Tomas Meyer, mồ côi cả cha lẫn mẹ, là một nam sinh viên khả nghi. Bạn thân nhất đồng thời là hàng xóm mà anh ta đã chơi cùng từ nhỏ, đã tẩu thoát sang Tây Đức. Người tên Jürgen Knapp đã vượt qua bức tường, hẳn là nấp dưới ghế sau ô tô và không bao giờ trở lại RDA. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho phép xác nhận vụ này có sự tiếp tay của Tomas, và sự ngây thơ khi anh nói với chỉ điểm của Cơ quan An ninh về những dự định của bạn mình đã cho thấy sự vô tội của anh ta. Người nhân viên cung cấp hồ sơ này nhờ vậy cũng đã phát hiện ra công cuộc chuẩn bị bỏ trốn, nhưng tiếc thay, đã quá muộn để cho phép bắt giữ Jürgen Knapp. Tuy nhiên, những quan hệ mật thiết Tomas duy trì với tên phản quốc này và việc anh ta không tố giác sớm hơn âm mưu đào tẩu của bạn mình không thể cho phép coi anh ta như một phần tử nhiều hứa hẹn của nền Dân chủ Cộng hòa. Căn cứ vào những sự kiện được nêu ra trong hồ sơ, người ta không cho rằng cần phải tiếp tục chống lại anh ta, nhưng rõ ràng là từ nay trở về sau không nên giao phó cho anh ta bất kỳ một chức vụ quan trọng nào của bộ máy Quốc gia. Cuối cùng bản báo cáo khuyên nên giám sát anh ta tích cực để đảm bảo rằng Tomas không tìm cách bắt liên lạc với người bạn cũ, hay với bất cứ ai khác sống ở phía Tây. Nên áp dụng biện pháp thử tách cho đến khi đối tượng ba mươi tuổi mới được duyệt lại hoặc đóng hồ sơ này.
Hans Dietrich đã đọc xong. Anh sửng sốt đọc lại hai lần tên của người chỉ điểm đã cung cấp thông tin cho hồ sơ để chắc chắn mình không nhìn nhầm, không thể che giấu thái độ bối rối của mình.
– Nhưng ai có thể hình dung ra chuyện như vậy cơ chứ! Anthony nói, mắt dán chặt xuống cái tên được dán ở cuối tờ phiếu. Đáng buồn thay!
Hans Dietrich cũng đang bàng hoàng rụng rời và hoàn toàn đồng tình với ông.
Anthony cảm ơn người hướng dẫn viên vì sự hợp tác quý báu đã dành cho ông. Bị lôi kéo bởi một chi tiết, người nhân viên phụ trách tài liệu lưu trữ ngập ngừng giây lát trước khi tiết lộ điều anh ta vừa phát hiện ra.
– Tôi cho là cần thiết, trong khuôn khổ công việc ông đang tiến hành, phải nói ông biết rằng con rể ông chắc chắn đã có cùng một phát hiện đáng buồn với chúng ta. Ghi chú trên mép gấp của hồ sơ này chứng nhận rằng anh ta đã từng đích thân tra cứu nó.
Anthony chân thành cảm ơn Dietrich; ông sẽ đóng góp trong khả năng hạn hẹp của mình vào việc tài trợ cho công tác phục hồi tài liệu lưu trữ. Giờ thì ông đã nhận thức rõ hơn ngày hôm qua rằng sự thấu hiểu quá khứ có thể cho phép con người lĩnh hội tương lai của họ như thế nào.
Rời khỏi trung tâm lưu trữ, Anthony cảm thấy cần phải hít thở khí trời để định thần lại. Ông ngồi xuống một băng ghế trong vườn hoa nhỏ bao quanh bãi đỗ xe.
Nhớ lại điều bí mật của Dietrich, ông ngước mắt nhìn trời và thốt lên:

– Nhưng tại sao mình lại không nghĩ ra sớm hơn nhỉ!
Ông đứng dậy và đi về phía xe ô tô đang chờ. Vừa ngồi lên xe, ông lấy di động ra để bấm một số điện thoại ở San Francisco.
– Tôi đánh thức anh à?
– Dĩ nhiên là không, bây giờ mới có ba giờ sáng thôi mà!
– Xin lỗi nhưng tôi cho là đã có thêm một thông tin quan trọng.
George Pilguez bật đèn ngủ, mở ngăn kéo bàn đầu giường và tìm cái gì đó để ghi chép.
– Tôi nghe anh đây! ông nói.
– Bây giờ tôi có đầy đủ lý do để nghĩ rằng người đàn ông mà chúng ta đang tìm muốn từ bỏ họ của mình, không bao giờ muốn dùng đến nó hoặc ít ra là muốn nghe nhắc đến nó càng ít bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
– Tại sao thế?
– Đó là một câu chuyện dài…
– Và anh có gợi ý gì về căn cước mới của anh ta không?
– Không hề!
– Tuyệt lắm, anh đã làm rất tốt khi gọi điện vào giữa đêm hôm thế này, chuyện này đã tạo nên bước đột phá cho cuộc điều tra của tôi đấy! Pilguez vặc lại với giọng điệu châm chọc trước khi gác máy.
Ông tắt đèn, khoanh tay kê sau gáy và tìm cách ngủ lại mà không được. Nửa tiếng sau, vợ ông ra lệnh cho ông quay lại với công việc. Trời đã sáng hay chưa không quan trọng, bà không thể chịu nổi khi cảm thấy ông cứ cựa quậy như thế trên giường mà bà thì đang quyết tâm tìm lại giấc ngủ.
George Pilguez khoác áo choàng ngủ lên người và vừa đi vào bếp vừa càu nhàu. Ông bắt đầu bằng việc tự làm ình một chiếc bánh kẹp, phết bơ thật dày lên hai lát bánh vì Natalia sẽ không có mặt ở đây để lên lớp cho ông về hàm lượng cholesterol trong máu ông. Ông mang theo bữa ăn tạm ra ngồi sau bàn giấy. Một số cơ quan hành chính không biết đến giờ đóng cửa, ông nhấc máy và gọi ột người bạn làm bên cục xuất nhập cảnh.
– Nếu một người đã đổi họ theo luật định nhập cảnh vào lãnh thổ của chúng ta, họ gốc của người đó có xuất hiện trong hệ thống dữ liệu của chúng ta không?
– Người đó mang quốc tịch gì kia? người đang đàm thoại với ông hỏi.
– Quốc tịch Đức, sinh tại RDA.
– Vậy thì trong trường hợp này, để có được thị thực cấp bởi một trong những lãnh sự của chúng ta, gần như chắc chắn sẽ để lại dấu vết ở đâu đó.
– Anh có gì để ghi lại không? George hỏi.
– Tôi đang ngồi trước máy vi tính đây, ông bạn, người bạn tên Rick Bram, viên chức phòng Nhập cư tại sân bay John Fitzgerald Kennedy, trả lời.
° ° °
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.