Mọi điều ta chưa nói

Marc Levy - Chương 14 - Part 01


Bạn đang đọc Mọi điều ta chưa nói: Marc Levy – Chương 14 – Part 01

Mọi điều ta chưa nói
CHƯƠNG 14
 
Những khay thức ăn đã được dọn đi, tiếp viên hàng không giảm độ sáng đèn khiến khoang hành khách chìm trong một quầng tối mờ. Từ đầu chuyến đi đến giờ, Julia chưa nhìn thấy bố mình động vào thứ đồ ăn nào, cũng không ngủ, thậm chí không cả nghỉ ngơi. Điều đó hẳn là bình thường với một cỗ máy, nhưng ý nghĩ kỳ cục đó mới khó chấp nhận làm sao. Vì lẽ đây chính là những chi tiết duy nhất nhắc cô nhớ rằng chuyến đi này sẽ chỉ tặng cho hai người họ vài ngày giành giật được của thời gian. Phần đông hành khách đều đang ngủ, số khác đang theo dõi một bộ phim trên màn hình nhỏ trước mặt; ở hàng cuối cùng, một người đàn ông đang tra cứu tài liệu dưới ánh sáng của một ngọn đèn ngủ. Anthony lật xem một tờ báo, Julia nhìn qua cửa kính những tia phản chiếu ánh bạc của mặt trăng lên cánh máy bay và đại dương lao xao trong màn đêm xanh thẳm.
° ° °
Sang xuân, em đã quyết định thôi học ở trường Mỹ thuật, quyết định không quay về Paris nữa. Anh đã làm tất cả để can ngăn em, nhưng ý em đã quyết, em sẽ trở thành nhà báo giống như anh và cũng giống như anh sáng nào em cũng đi tìm một công việc để làm, ngay cả khi đối với một cô gái người Mỹ, điều đó là vô vọng. Từ vài ngày nay, những tuyến xe điện lại nối hai nửa thành phố với nhau. Mọi thứ xung quanh chúng ta, tất thảy đều hối hả; mọi người xung quanh chúng ta, ai ai cũng nhắc đến chuyện thống nhất đất nước của anh để tạo thành một nước Đức duy nhất, như trước kia, khi mọi thứ trên đời chưa thuộc về chiến tranh lạnh. Những kẻ từng làm tay sai ật vụ dường như đã biến mất cùng với tài liệu lưu trữ của chúng. Vài tháng trước, chúng đã tiến hành thủ tiêu tất cả những thứ giấy tờ có thể gây liên lụy, tất cả những hồ sơ do chúng lập nên về hàng triệu đồng bào của anh và chính anh, anh đã là một trong số những người đầu tiên biểu tình để ngăn chặn chúng.
Anh cũng được đánh số trên một hồ sơ nào đó chứ? Hồ sơ đó vẫn còn nằm im lìm trong một vài tài liệu mật có chứa những bức ảnh chụp lén anh trên phố, hay tại nơi làm việc, danh sách những người anh thường gặp gỡ, tên của bạn bè anh, tên bà anh? Tuổi trẻ của anh là khả nghi trong mắt những nhà cầm quyền thời bấy giờ chăng? Làm sao chúng ta lại có thể để mặc như thế, sau tất cả những bài học về những năm chiến tranh? Đó là cách duy nhất mà thế giới của chúng ta tìm ra để phục thù hay sao? Anh và em, chúng ta có mặt trên đời này quá muộn để hận thù nhau, chúng ta có quá nhiều thứ để sáng tạo nên. Buổi tối, khi chúng ta đi dạo trong khu phố nhà anh, em thường thấy anh tiếp tục sợ hãi. Nỗi sợ chạy xuống anh ngay khi anh nhìn thấy dù chỉ một bộ quân phục hoặc một chiếc ô tô mà tốc độ chạy theo anh là quá chậm rãi. “Đi thôi, chúng ta đừng nán lại đây nữa,” lúc bấy giờ anh nói; và anh dẫn em đến náu trong con hẻm nhỏ đầu tiên gặp, trong cái cầu thang đầu tiên cho phép chúng ta tẩu thoát, cho phép thoát khỏi một kẻ thù vô hình. Và khi em chế giễu anh, anh liền nổi giận, anh bảo em rằng em không hiểu gì hết, không biết tất cả những điều mà chúng có thể gây ra. Đã bao lần em bắt gặp ánh mắt anh nhìn quanh căn phòng của một nhà hàng nhỏ, nơi em dẫn anh đến ăn tối? Đã bao lần anh nói với em rằng, ta hãy rời khỏi đây thôi, khi nhìn thấy gương mặt ủ rũ của một khách hàng gợi cho anh nhớ về quá khứ đáng lo ngại. Tha lỗi cho em, Tomas, anh có lý, em không biết thế nào là sợ hãi. Tha lỗi cho em đã cười phá lên khi anh buộc chúng ta náu mình dưới những trụ cầu, bởi vì một đoàn xe quân sự đang vượt sông. Em đã không biết, em đã không thể hiểu nổi, không ai trong số bọn em có thể hiểu.
Khi anh chỉ tay vào một ai đó trong tàu điện, căn cứ vào ánh mắt của anh em hiểu rằng anh đã nhận ra một trong số những kẻ từng làm tay sai ật vụ.
Cởi bỏ bộ quân phục, từ bỏ quyền lực và vẻ ngạo nghễ của mình, những cựu thành viên Stasi 1 hòa lẫn vào thành phố của anh, tập quen với sự tầm thường trong cuộc sống của những con người mới hôm qua vẫn còn bị chúng vây dồn, rình mò, phán xét và đôi khi là tra tấn, và điều ấy đã kéo dài hàng bao năm. Từ khi bức tường sụp đổ, phần đông chúng đã tự bịa ra ình một quá khứ để người ta không nhận ra chúng, những kẻ khác vẫn âm thầm tiếp tục con đường của mình và đối với nhiều người trong số chúng, những ăn năn dằn vặt tiêu tan theo năm tháng, cùng với ký ức về những tội ác chúng đã gây ra.
Em còn nhớ buổi tối chúng ta đến thăm Knapp. Cả ba người chúng ta đã đi dạo trong một công viên. Knapp không ngừng hỏi anh về cuộc sống của anh, mà không biết rằng lòng anh đau xót thế nào khi phải trả lời những câu hỏi đó. Anh ấy khẳng định rằng bức tường Berlin đã trải bóng của nó sang tận miền Tây nơi anh ấy sống, trong khi anh thì anh lớn tiếng nói rằng chính miền Đông, nơi anh sống, mới là nơi bức tường bê tông giam hãm. Làm sao các cậu tập quen được với sự tồn tại kiểu ấy, Knapp gạn hỏi. Và anh mỉm cười, hỏi anh ấy rằng liệu có phải anh ấy đã quên mọi chuyện rồi chăng? Knapp lại phản công dồn dập bằng một loạt câu hỏi, thế nên anh đầu hàng và trả lời những câu hỏi anh ấy đặt ra. Thế rồi, hết sức kiên nhẫn, anh kể anh ấy nghe về một cuộc sống trong đó nhất nhất mọi chuyện đều được tổ chức, đảm bảo an toàn, nơi không một trách nhiệm nào phải được gánh vác, nơi nguy cơ phạm lỗi là rất thấp. “Chúng tớ biết đến tình trạng ai ai cũng có việc làm, Nhà nước có mặt ở khắp mọi nơi,” anh nói và nhún vai. “Những nền độc tài chuyên chính đều hoạt động như thế mà,” Knapp kết luận. Điều này phù hợp với nhiều người, tự do là một món tiền cược khổng lồ, phần đông mọi người đều khao khát được tự do, nhưng không còn biết sử dụng nó thế nào nữa. Và em còn nghe các anh bàn luận trong quán cà phê tại Tây Berlin, rằng ở phía Đông ai nấy đều đang khôi phục lại cuộc sống trong những căn hộ êm ái theo cách riêng của mình. Cuộc đàm đạo của các anh trở nên sôi nổi khi bạn anh hỏi anh rằng theo anh thì có bao nhiêu người đã cộng tác với Stasi trong những năm đen tối này; chưa bao giờ các anh thống nhất với nhau về con số ấy. Knapp cho rằng cả thảy có khoảng ba mươi phần trăm dân số. Anh bào chữa cho sự thiếu hụt của mình, làm sao anh biết chuyện đó được, anh chưa từng làm việc cho Stasi cơ mà.
Tha lỗi cho em, Tomas nhé, anh có lý, em phải chờ tới khi đang trên đường đi về phía anh mới cảm nhận được nỗi sợ.
° ° °
– Sao con không mời bố đến dự đám cưới? Anthony hỏi và đặt tờ báo xuống đầu gối.
Julia giật bắn mình.
– Bố xin lỗi, bố không muốn làm con giật mình. Tâm trí con để ở nơi khác sao?
– Không, con chỉ đang mải nhìn bên ngoài thôi.
– Chỉ có màn đêm thôi mà, Anthony đáp lại sau khi nghiêng người sang phía cửa kính.
– Vâng, nhưng đang có trăng tròn.
– Hơi cao để nhảy xuống nước phải không?
– Con đã gửi cho bố thiệp báo mà.
– Như với hai trăm người khác. Đó không phải là cách bố gọi là mời bố mình đến dự cưới. Bố được xem như người sẽ dẫn con đến trước bàn thờ Chúa, chuyện đó có lẽ xứng đáng để chúng ta gặp nhau và trực tiếp bàn bạc.

– Bố và con, chúng ta đã bàn bạc được chuyện gì từ hai mươi năm nay nào? Con đợi bố gọi cho con, con hy vọng bố đề nghị con giới thiệu chồng tương lai của mình với bố.
– Hình như bố gặp cậu ta rồi mà.
– Tình cờ thôi, trên một cầu thang cuốn trong trung tâm thương mại Bloomingdales; đó không phải là cái con gọi là làm quen. Tóm lại là bố chẳng quan tâm gì đến anh ấy hay đến cuộc đời con hết.
– Cả ba người chúng ta đã đi uống trà, nếu bố nhớ không nhầm.
– Bởi vì anh ấy đã mở lời với bố, vì anh ấy muốn làm quen với bố. Suốt hai mươi phút ấy bố giành hết phần nói còn gì.
– Cậu ta không được hoạt khẩu cho lắm nhỉ, giới hạn tự kỷ, bố cứ ngỡ cậu ta câm.
– Bố có hỏi anh ấy dù chỉ một câu không?
– Còn con, con chưa bao giờ hỏi bố câu nào, chưa bao giờ con xin bố lời khuyên nào kia mà, Julia?
– Làm thế liệu có ích gì cơ chứ? Để nghe bố giải thích cái điều mà bố đã làm hồi bằng tuổi con hay để bố nói ra điều con nên làm? Con có thể câm nín cho tới khi tận thế để một ngày kia rốt cuộc bố hiểu ra rằng con chưa bao giờ muốn giống như bố.
– Có lẽ con nên ngủ đi, Anthony Walsh nói, ngày mai sẽ dài lắm đấy. Vừa đến Paris là chúng ta sẽ phải đổi máy bay trước khi tới đích.
Ông kéo tấm chăn đắp lên tận vai Julia rồi tiếp tục đọc báo.
° ° °
Máy bay vừa hạ cánh xuống đường băng của sân bay Charles-de-Gaulle. Anthony chỉnh đồng hồ theo múi giờ Paris.
– Bố con ta sớm tới hai giờ đồng hồ do chênh lệch múi giờ, chuyện này sẽ không gây khó khăn gì.
Vào lúc đó, Anthony còn chưa biết chiếc máy bay tưởng như sẽ đến trạm cuối E lại được lái về phía một cổng thuộc trạm cuối F; mà cổng này lại được trang bị một cầu thang lên xuống không tương hợp với máy bay của hai bố con, tiếp viên hàng không giải thích chính vì vậy mà một chiếc xe buýt sẽ được điều động và chở họ tới trạm cuối B.
Anthony giơ ngón tay ra hiệu cho trưởng bộ phận tiếp viên đến gặp ông.
– Lối cửa E chứ! ông nói.
– Gì kia ạ? người này hỏi.
– Trong thông báo vừa rồi, các vị đã nói là lối cửa B, tôi cứ ngỡ là chúng ta phải đến lối cửa E chứ.
– Rất có thể, trưởng bộ phận tiếp viên đáp, chúng ta chẳng hiểu gì ý nhau cả.
– Hãy gỡ bỏ nghi ngờ này giúp tôi, chúng ta đúng là đang ở sân bay Charles-de-Gaulle chứ?

– Ba cánh cửa khác nhau, không có cầu thang chuyên dụng và xe buýt cũng không thấy đâu, đừng nghi ngờ gì nữa!
Bốn mươi lăm phút sau khi hạ cánh, cuối cùng họ cũng xuống được khỏi máy bay. Còn phải qua trạm kiểm soát xuất nhập khẩu và tìm cho ra trạm cuối nơi chuyến bay đến Berlin cất cánh.
Hai sĩ quan cảnh sát hàng không có nhiệm vụ kiểm tra hàng trăm hộ chiếu của hành khách vừa từ ba chuyến bay đổ xuống. Anthony nhìn giờ trên bảng hiển thị.
– Trước chúng ta còn hai trăm người nữa, bố e là chúng ta không thể kịp giờ.
– Thì chúng ta sẽ bay chuyến sau! Julia đáp.
Qua trạm kiểm soát rồi, họ chạy khắp một loạt hành lang cùng thang cuốn.
– Nếu có cuốc bộ từ New York thì chúng ta cũng phải đến nơi rồi, Anthony càu nhàu.
Vừa nói dứt câu, ông ngã khuỵu xuống.
Julia đã cố đỡ ông, nhưng cú ngã bất ngờ đến mức cô trở tay không kịp. Cầu thang cuốn tiếp tục tiến lên trước, mang theo Anthony vẫn nằm sóng soài.
– Bố ơi, bố ơi, tỉnh lại đi! cô vừa hét lên, hốt hoảng, vừa lay người ông.
Tiếng lách cách của điện tử lưới ở bo mạch vang lên rõ rệt. Một hành khách chạy vội lại để giúp Julia. Họ cùng nâng Anthony dậy và đặt ông nằm xa ra một chút. Người đàn ông cởi áo vest ra và kê xuống dưới đầu Anthony vẫn đang nằm bất động. Ông ta đề nghị gọi cấp cứu.
– Không, chớ có gọi! Julia van vỉ. Không sao đâu, chỉ là một cơn khó ở thôi mà, tôi quen với chuyện này rồi.
– Cô chắc chứ? Chồng cô có vẻ ốm lắm.
– Đây là bố tôi đấy chứ! Ông bị tiểu đường, Julia nói dối.
– Bố ơi, tỉnh lại đi, cô vừa nói vừa lay người ông lần nữa.
– Để tôi bắt mạch cho ông ấy xem sao.
– Đừng đụng vào ông ấy! Julia thét lên hốt hoảng.
Anthony mở một bên mắt.
– Chúng ta đang ở đâu thế này? ông hỏi và cố gắng đứng lên.

Người đàn ông đã giúp Julia ban nãy đỡ ông dậy. Anthony đứng dựa lưng vào tường trong lúc lấy lại thăng bằng.
– Giờ là mấy giờ rồi?
– Cô chắc chắn đây chỉ là một cơn khó ở đơn thuần chứ, ông ấy có vẻ không được bình thường cho lắm…
– Nói đi nào, làm ơn! Anthony, vừa lấy lại sức liền vặc lại.
Người đàn ông lấy lại áo vest của mình và bỏ đi.
– Dẫu sao bố cũng nên cảm ơn người ta chứ, Julia trách ông.
– Tại sao, vì thằng cha ấy dùng khổ nhục kế tán tỉnh con khi giả bộ cấp cứu cho bố à, còn gì nữa nào!
– Bố thật không chịu nổi, bố làm con sợ hết hồn!
– Có gì đâu, con muốn bố làm sao nữa, bố chết rồi mà! Anthony kết luận.
– Con muốn biết chính xác chuyện vừa xảy ra với bố.
– Bố cho là một lỗi tiếp xúc, hoặc một lỗi giao thoa nào đó. Phải báo cho họ mới được. Nếu ai đó tắt bố bằng cách cúp điện thoại di động của mình, chuyện này sẽ trở nên rầy rà đây.
– Con sẽ không bao giờ kể lại được những chuyện lúc này con đang trải qua, Julia nói và nhún vai.
– Ban nãy bố mơ hay con gọi bố là bố thế nhỉ?
– Bố mơ đấy! cô đáp, trong khi ông kéo cô về khu vực làm thủ tục.
Họ chỉ còn hơn mười lăm phút để qua cổng kiểm soát an ninh.
– Ôi chà! Anthony nói khi mở tấm hộ chiếu của mình ra.
– Lại chuyện gì nữa thế?
– Thẻ chứng nhận đeo máy trợ tim của bố, bố không thấy đâu nữa.
– Lẽ ra nó phải ở trong túi áo của bố chứ.
– Bố vừa lục cả hai túi rồi, chẳng thấy đâu cả!
Vẻ phật ý, ông nhìn những khung cổng quét trước mặt.
– Nếu đi qua mấy cái cổng đó, bố sẽ tập hợp toàn bộ lực lượng cảnh sát tại sân bay này mất.
– Vậy thì tiếp tục tìm trong hành lý của bố xem sao! Julia sốt ruột.
– Đừng cố nài, bố đã bảo với con là bố làm mất rồi còn gì, hẳn là nó rơi trên máy bay, lúc bố gửi áo vest cho cô tiếp viên. Bố xin lỗi, bố không thấy có hướng giải quyết nào cả.

– Chúng ta không đến tận đây để lúc này lại quay trở lại New York. Mà, dù sao đi nữa, chúng ta sẽ làm thế nào đây?
– Thuê một chiếc xe và đi vào thành phố. Từ giờ đến đó bố sẽ tìm cách.
Anthony đề nghị con gái đặt một phòng nghỉ đêm trong khách sạn.
– Trong hai tiếng nữa, New York sẽ thức giấc, con chỉ việc gọi cho bác sĩ điều trị của bố, ông ấy sẽ fax cho con một bản sao.
– Bác sĩ của bố chưa biết là bố đã chết sao?
– Ôi không, đúng là ngốc thật nhưng bố đã quên không báo cho ông ấy biết đấy!
– Sao không vẫy một chiếc taxi nhỉ? cô hỏi.
– Một chiếc taxi ở Paris ấy à? Con chưa biết thành phố này rồi!
– Bố đúng là có những điều tiên nghiệm về mọi chuyện!
– Bố không cho đây là lúc thích hợp để tranh luận; bố nhìn thấy tiệm cho thuê xe rồi đây, chỉ cần một chiếc ô tô nhỏ là đủ cho hai chúng ta. Mà không, chọn một chiếc xe bốn chỗ đi, vấn đề đẳng cấp đấy!
Julia đầu hàng. Đã quá mười hai giờ trưa khi cô rẽ vào đường nối dẫn đến ngã tư xa lộ A1. Anthony nghiêng người về phía kính chắn gió, chăm chú quan sát những tấm biển chỉ đường.
– Rẽ phải thôi! ông ra lệnh.
– Paris ở bên trái chứ, điều ấy được viết bằng chữ in hoa kìa.
– Bố cảm ơn con, bố vẫn còn biết đọc mà, cứ làm theo lời bố đi! Anthony càu nhàu và ép cô bẻ lái.
– Bố điên thật! Bố chơi trò gì thế? cô hét lên khi chiếc xe chệch khỏi làn đường một cách nguy hiểm.
Giờ thì đã quá muộn để đổi làn đường. Trong một bản hợp xướng các loại còi xe, Julia nhận thấy mình đang đi theo hướng Bắc.
– Láu cá lắm, chúng ta đang chạy xe về hướng Bruxelles, Paris đã ở đằng sau rồi.
– Bố biết chứ! Và nếu con không quá mệt để lái một mạch, sáu trăm kilomet sau khi đến Bruxelles, chúng ta sẽ đến Berlin, trong chín tiếng nữa nếu bố nhẩm chính xác. Tệ nhất là chúng ta sẽ đỗ lại dọc đường, để con ngủ một chút. Trên xa lộ thì không phải vượt qua cổng quét kiểm soát an ninh, đây chính là giải pháp tình thế cho vấn đề của chúng ta; còn thời gian, chúng ta không còn nhiều đâu. Chỉ còn bốn ngày nữa trước khi phải quay về, tuy nhiên với điều kiện là bố chưa bị hỏng hóc.
– Bố đã nảy ra ý định này từ trước khi chúng ta thuê xe, phải thế không? Chính vì thế mà bố muốn thuê một chiếc xe bốn chỗ!
– Con có muốn gặp lại Tomas hay không nào? Vậy thì lái xe đi, bố không cần chỉ đường cho con, con vẫn nhớ đường phải không?
Julia bật radio trong xe, chỉnh âm lượng mức tối đa và tăng tốc.
° ° °
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.